Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

CÓ MỘT NƠI CHO CÁC ANH YÊN NGHỈ

        
                 
       Nhân dịp 50 năm kỷ niệm ngày đồng khởi Cùa (Cam Lộ, Quảng Trị) thành công, cuộc đồng khởi này xuất phát từ đặc điểm tình hình, vùng Cùa, Cam Lộ được Tỉnh ủy quyết định chọn làm điểm khởi đầu phong trào đồng khởi nhằm thu hút địch, tạo điều kiện cho vùng giáp ranh và khắp các vùng đồng bằng nông thôn trong tỉnh vùng lên. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Trị, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương, đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 tháng 7 năm 1964, quần chúng nhân dân ở vùng Cùa tự trang bị các loại vũ khí đồng loạt vùng lên phá kìm, lập nên chính quyền cách mạng. Phụ huynh lúc ấy là quyền bí thư TU trực tiếp chỉ đạo cuộc đồng khởi, nên Ban Tổ Chức mời, kèm theo MF tháp tùng.

    Trước khi vào lễ, các đại biểu, những cán bộ, chiến sỹ đã từng tham gia cuộc đồng khởi, và còn sống sót lại sau cuộc chiến, đã dự lễ khai mạc Đại Hồng Chung tại nghĩa trang và thăm mộ các AHLS. Đại Hồng Chung do con em xã Cam Chính đang sinh sống, công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc và các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã đóng góp trong chương trình “Giọt đồng tình nghĩa” đúc nặng 600 kg.
     Nghĩa trang này nằm trong địa danh gọi là Cùa, là một địa danh thuộc 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa, nằm rất sâu trong phía tả đường 9. Và đường lên đó với một ngọn đèo xinh đẹp, cây cối bên bờ mọc xanh tươi, vùng Cùa nổi tiếng với những vườn chè và tiêu trù phú.
      Đến nghĩa trang, các cụ chống gậy lập cập ôm nhau mừng rỡ, còn MF lang thang trong nghĩa trang, ngắm nhìn và suy ngẫm. Nghĩa trang này có hơn 600 phần mộ của các anh hùng liệt sỹ, chia làm 2 phần, bên trái là các AHLS người quê tại Cam Chính, bên phải là các AHLS người địa phương khác và LS vô danh, mà giờ đây họ ghi là “liệt sỹ chưa biết tên”. Những nấm mồ nhỏ như long lanh sáng dưới ánh nắng hè buổi sáng. Những nấm mồ gọi là “có tên tuổi” cũng lạ lắm, có nấm chỉ có chữ “Hải”, có nấm chỉ có tên, không quê quán…Có đôi nấm có tên họ quê quán đầy đủ, có nấm có vẻ như được người nhà đến chăm sóc rất chu đáo, có làm lại bia quy củ hơn. Quê quán xa xôi, nhưng chắc chắn người nhà thấy rằng nghĩa trang này sẽ là nơi xứng đáng cho chàng trai, cô gái của gia đình lưu lại cùng linh hồn các đồng đội, nên họ không đưa về. Ở đây có quá nhiều mộ với tên gọi “liệt sỹ chưa biết tên”. MF đi lui đi tới, ngắm nhìn những cây huyết dụ nhỏ được địa phương chăm chút, nở hoa xinh xinh trước mộ, cảm thấy như các anh đang hé những nụ cười trẻ trung, những nụ cười của tuổi mười tám đôi mươi, mang đầy nhiệt huyết ra đi quên mình vì nước, họ đã thực sự quên mình. Ôi chiến tranh, ngươi đã làm gì, để những chàng trai cô gái, lẽ ra là một tương lai học đường rạng rỡ, một sự nghiệp nổi danh, một gia đình hạnh phúc, những đứa con xinh tươi… họ phải để lại những ước mộng đó, ra đi vì đời sau. Họ ra đi với không một dòng tên, một địa chỉ …





Những người còn lại ...
Dáng lưng còng này là mẹ hay là vợ?
   
















Đại Hồng Chung từ nay sẽ ngân tiếng chuông vào ngàn thu cùng các anh.




12 nhận xét:

  1. Với TL, ngày 27/7 là ngày không thể nào quên, bởi vào ngày 27/7 và Tết năm nào cũng thế, TL lại về nghĩa trang liệt sỹ xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) cách TP. Quảng Ngãi 35 km để thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ. Bởi trong số hàng trăm ngôi mộ "liệt sỹ chưa biết tên" trong nghĩa trang này, có một ngôi mộ được cho là phần mộ của cha TL. Ông hy sinh khi mới 37 tuổi, trước khi TL được đưa ra Bắc. Ở nghĩa trang này cũng có rất nhiều mộ liệt sỹ người miền Bắc, các anh hy sinh khi mới ở tuổi 18, 20. Có lẽ các anh vừa rời ghế nhà trường.
    Hàng năm, các nghĩa trang liệt sỹ cấp xã ở Quảng Ngãi đều được đầu tư nâng cấp, các phần mộ đều được chăm sóc chu đáo, thể hiện sự tri ân với các anh hùng liệt sỹ.

    Trả lờiXóa
  2. Khi mình đưa nhà ngoại cảm xuống NTLS để xác định mộ ba ( khác với TL , ba mình có tới 3 nhà tại cùng một nơi ) . Ghé chợ mua đồ cúng . Có lẽ thấy khách lạ nên mấy chị bán hàng hỏi mình đi đâu , mình nói đi viếng NTLS . Mấy chị liền bảo : đi viếng liệt sỹ sao mua trầu cau , mua gương lược chứ ! Mình ngộ ra ừ đúng thế thật . Ba hy sinh khi mới 31 tuổi mà đã gần như là người cao tuổi nhất trong NTLS tỉnh Tiền Giang .

    Trả lờiXóa
  3. Hôm nay , 27-7 , hẳn những người lính mà hài cốt còn lênh đênh nơi chân trời góc bể vẫn day dứt vì biết con cháu mình đang ngày đêm khắc khoải chờ trông ...
    Người nằm đây và người đến viếng đều lặng lẽ với nỗi đau quặn thắt trong tim

    Trả lờiXóa
  4. Cha mìn là 1 thương binh, năm nay cụ đã vào hàng 90, thật mừng là cụ rất thọ, mặc dù vết thương luôn hành hạ nhưng cụ vẫn lạc quan, vì cụ luôn "trông chết cười ngạo nghễ", khi nào mệt quá cụ thường cười và nói: có lẽ sắp theo Bác Hồ rồi, hoặc sắp gặp ông bà Nội rồi, trông cụ rất vui mà không hề sợ hãi. Tui rất khoái điểm này ở cụ và thật khâm phục ông! Hôm nay tui gọi điện chúc sức khỏe ông, hỏi xem các cấp có thăm hỏi cụ ngày này không...cụ mặc dù rất mệt nhưng vẫn còn nói chuyện tiếu lâm để trêu tui...Tui cảm thấy thật có lỗi khi rời xa ông(ở xa)!...
    Nhân ngày TBLS, chúc tất cả các Quế,thân nhân Quế là con cháu...TBLS mạnh khỏe nha!

    Trả lờiXóa
  5. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, có bao người thân của HSMN, Quế đã đổ máu, hy sinh, cũng có biết bao HSMN đã góp phần xương, máu cho ngày thống nhất.
    “…những liệt sĩ anh hùng không quân Việt Nam là HSMN, lúc họ hy sinh còn rất trẻ. Có thể nói mỗi người là một bài ca hùng tráng, một thời đã làm xúc động bao trái tim. Đó là Võ Văn Mẫn, phi công lái máy bay chiến đấu MIC-21, quê Bến Tre; Phi công Nguyễn Văn Bảy (B), lái máy bay chiến đấu MIC-17, quê Cà Mau; Phi công Đồng Văn Đe, lái máy bay chiến đấu MIC-17 và MIC- 21, quê Bến Tre; Phi công Trần Thiện Lương lái máy bay chiến đấu MIC-21, quê Bến Tre; Phi công Nguyễn Văn Lung, lái máy bay chiến đấu MIC-21, quê Vĩnh Long; Phi công Trần Văn Mão, lái máy bay chiến đấu IL-28, quê Bến Tre; Phi công Nguyễn Quốc Hiền, lái mái máy bay chiến đấu IL-28, quê Bến Tre…và còn biết bao cán bộ, chiến sĩ vượt Trường Sơn vào chiến trường và vĩnh viễn nằm lại đó.”
    “Lê Anh Xuân, quê Bến Tre, tập kết ra Bắc. Tốt nghiệp Khoa Sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tình nguyện vào chiến trường chiến đấu và sáng tác. Anh hy sinh ngày 24-5-1968 tại huyện Cần Giuộc, Long An, để lại nhiều bài thơ, nổi tiếng nhất là bài Dáng đứng Việt Nam”.Trích “Những hạt giống đỏ” http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1501&Chitiet=75101&Style=1
    Trong tờ lịch “Ban Liên lạc HSMN TP HCM” năm 2014, có tên các liệt sỹ là HSMN như: Phi công Trần Kỳ Sâm, sinh 1944, hy sinh 30/10/1967; Nghệ sỹ múa Phương Thảo sinh 1943, hy sinh 1967; Nhà văn – AH LLVTND Chu Cầm Phong sinh 1941, hy sinh 1971; …
    “Sau Hiệp định Paris, ngoài bộ đội, nhiều đoàn cán bộ với nhiều ngành nghề khác cũng được đưa vào chi viện cho miền Nam giữ đất giành dân. Hồi đó rất ít Học sinh miền Nam được đi B, chỉ có Trí và vài người bạn Học sinh miền Nam của tôi lần lượt lên đường vào Nam chiến đấu: Đặng Ngọc Minh (Minh đét), Võ Dũng (con bác Sáu Dân), Nguyễn Chí Hiếu (con bác Bảy Dự), Bùi Sĩ Dũng (con bác Bùi Sĩ Hùng), Cao Hoài Chinh (con bác Cao Hoài Sại), Phan Văn Tánh (con bác Bảy Voi), Nguyễn Văn Bền (con bác Bảy Siêu)…, đều chỉ khoảng trên dưới 20 tuổi. Hai người đã nằm xuống trước ngày giải phóng: Võ Dũng và Đặng Ngọc Minh.
    Lúc còn nhỏ Học sinh miền Nam đã khóc quá nhiều, nên khi về tới Sài Gòn tháng 6. 1975 nghe tin họ hy sinh tôi không khóc được. Lệ rơi chảy lại vào tim đắng, Kính mặn lung linh bóng bạn xưa.” Trích Blog http://trucnhatphi.wordpress.com/2008/10/ “Lãng thoại về Học sinh miền Nam – Nhớ Ung Ngọc Trí”

    Trả lờiXóa
  6. @Tô Liêm: Không lẽ không thể nào tìm ra được Bác trong số mộ đó sao?
    @Ráo: Tình hình mộ của Bác Bảy vẫn như cũ vậy a muội? Cũng thiệt lạ. Ba MF chừ đang bị giảm dần trí nhớ, nhưng hễ nhắc đến Bác Bảy là mắt cụ lại sáng lên. Cũng như hôm ra dự lễ trong bài này, huyện vào đến nhà thuyết phục cụ phát biểu "để cho dân Cùa mừng là ông đang còn khỏe", nhưng xem chừng không ổn, MF bảo để cụ dự lễ thôi, còn hình cụ thì TV Quảng Trị đã phát rồi. Tối hôm đó ra KS Đông Trường Sơn nghỉ để sáng hôm sau lên Cam Lộ dự lễ, cụ bỗng kể lại với MF các sự kiện của cuộc Đồng khởi và nhấn mạnh vị trí và tầm quan trọng của cuôc ĐK này trong toàn khu vực, rồi bảo MF chuẩn bị bài cho cụ phát biểu, nói ba không thể nói nhiều, ngắn gọn thôi, nhưng phải thể hiện được các vấn đề đó! MF ngạc nhiên, may mà đem máy tính theo, ngồi soạn, cho cụ xem, cụ lẩm nhẩm đọc lui đọc tới, MF lo chạy đi tìm máy in để in ra cho ngày mai cụ phát biểu. Khi cụ lên bục, hồi hộp muốn chết, thế mà cụ sang sảng bài phát biểu ngắn nhưng khá ấn tượng về chiến công của nhân dân! Thấy cả huyện mừng mà MF ứa nước mắt. Đó coi như MF báo cáo tình hình bác cho mấy Ráo cháu rõ!

    Trả lờiXóa
  7. @MF : Tình đồng đội của các phụ huynh là thiêng liêng nhất mà tỉ . Thấy bác vui , khoẻ là con cháu mừng lắm lắm .
    Còn chuyện ba thì vẫn thế tỉ à . Hôm rồi nhờ bên CA , lúc đầu họ hồ hởi lắm nhưng khi nghe xong thì họ nói to chuyện rồi đây và đến giờ vẫn im lìm .

    Trả lờiXóa
  8. @ Tỷ MF: Với thế hệ các Cụ, được gặp nhau, được nhắc lại kỷ niệm xưa là liều thuốc bổ để các Cụ được sống thêm với con, với cháu. Mong Cụ luôn khỏe mạnh!
    TL cảm ơn Tỷ đã có lời hỏi thăm, nhưng xác định một trong hàng trăm phần mộ liệt sỹ chưa xác định được tên là mộ ba mình là TL cũng phải dựa vào tâm linh, chứ nếu dựa vào lời các chú, các bác cùng chiến đấu với Ba còn sống sau giải phóng thì có lẽ xương thịt Ba đã ra biển Đông! Câu chuyện đi tìm mộ Ba dài lắm, cả về thời gian và sự kiện, có cả yếu tố tâm linh, nên TL không dám đưa lên Bantbe, sợ các Quế lại bảo mê tín! Và cũng vì vậy, TL chưa đủ can đảm "Trả lạ tên cho Ba", cứ tự an ủi rằng, ở nới ấy, Ba đã chiến đấu, hy sinh và giờ nằm trong nghĩa trang này, để hàng năm 2 lần lên với Ba!

    Trả lờiXóa
  9. @Tô Liêm: MF và các Quế hiểu lòng đệ! Mong cha được yên nghỉ ngàn thu sau những tháng năm hiến cả cuộc đời mình cho đất nước. Cho dù cụ nằm ở đâu, thì cụ cũng được ấp ủ trong lòng nước mẹ Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  10. @Tô Liêm : có gì mà mê tín nhỉ . Tỉ đã nhờ tới 5 nhà ngoại cảm , từ ông Năm Chiến ở Tam Kỳ , đến Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người ở Hà Nội , rồi ông Nhã , ông Truật ( người tìm ra mộ Hồ Quí Li ) , rồi người tìm bằng kinh dịch . Nhưng tỉ tin vì tỉ có anh bạn học Hà Nội là liệt sỹ chống Tàu , năm 2009 nhờ ngoại cảm mới tìm thấy bạn ấy .

    Trả lờiXóa
  11. Không phải chỉ có 1 vài LS chưa được xác định, qua bài của chị Thanh chúng ta biết rồi đấy, mộ LS vô danh và có danh nhưng không rõ quê quán quá quá nhiều, may mắn cho những ai còn biết cha hay anh mình nằm ở đâu, chúng ta, HSMN là con cháu của phần nhỏ trong số đông họ, đó là nỗi đau chung của cả nước, ngày này chúng ta cùng nhau tưởng nhớ và biết ơn họ! Như tui được biết, có Quế của mình chỉ biết cha bị chặt thân mình và địch cho trôi sông, còn không thể có được hài cốt...Cầu mong cho các Quế tìm được cha của mình!

    Trả lờiXóa
  12. @Quế Lâm: Những ngày này MF đang thực hiện chương trình bảo tồn Thành Cổ Quảng Trị, ngày ngày như vấp phải những ánh mắt thoáng qua trong sương, tiếng cười vui khe khẽ của những chàng sinh viên trẻ như thoang thoảng đâu đó, thân xác họ đã biến vào trong đất Thành Cổ, trong lòng sông Thạch Hãn. Câu thơ của Lê Bá Dương cứ âm âm trong tâm trí MF:
    "Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
    Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
    Có tuổi hai mươi thành sóng nước
    Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm."

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]