Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

QUẾ SÀI ĐÓN TẾT

H1: Hoa nhà Ráo
H2 + H3 : Các Quế siêng
H4 + H5 : Cỗ tết
H6 + H7 + H8 : QUÂN TA
H9 :Bao năm trui rèn ở xứ Quế nên chừ Quế vẫn xơi bằng THỐ ...
H10 : ... Bằng thau , khỏi cần muỗng , đũa .

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

NHẬT KÝ TẾT NHÂM THÌN - TẾT ( Tiếp theo )

Mùng 1 Tết-Ngày Quý Mùi:

Các cụ nói không sai, ông trời quả có mắt nên mùng 1 Tết trời khô ráo, không mưa, lại le lói chút đỉnh nắng. Tết như thế này là đẹp, có chút rét đủ để xuýt xoa chúm chím đôi môi, có chút nắng để thêm hồng đôi má, đi thăm nom mọi người. Ngủ dậy đã 9 giờ, nghe râm ran tiếng chúc Tết bên nhà hàng xóm. Làm mâm cơm cúng xong, đi chúc Tết mọi người. Tình người ngày đầu năm thật đẹp, đâu đâu cũng nụ cười nụ hoa, những lời chúc ngọt ngào may mắn. Đường bỗng đông, inh ỏi tiếng xe. Gớm, tụi trẻ bây giờ thay đổi nhiều quá, phóng xe như điên lại còn tóc vàng tóc đỏ khiến cứ phân vân không hiểu tụi này từ Phi châu hay Âu châu lạc qua đây. Nghe tiếng xe chúng rú nhanh tay ép xe sát bên đường mà cầu thoát nạn. Giờ chẳng còn đâu tổ chức các sân chơi dân gian như xưa nữa. Vắng hẳn rồi những chiếc đu tre bay bổng và tiếng cười thiếu nữ giữa lưng trời. Các trò chơi điện tử, vui chơi có thưởng inh ỏi cả một dãy phố huyện, đầy rẫy lũ trẻ bâu quanh. Không biết nên vui hay buồn đây? Mùng 1, ngày Quý Mùi, đẹp nên nhiều nhà buôn bán đã mở cửa bán hàng lấy may. Đúng là sức cuốn hút đồng tiền thật mãnh liệt, chẳng cần nghỉ, có tiền là làm, bất cứ lúc nào. Tối về lại vào mạng đã thấy các Quế chúc Tết, thật vui, ấm lòng, quả không có tình bạn nào hơn hội Quế. Mong sao các bạn vẫn giữ được nhiệt huyết như thế.

Mùng 2 Tết-Ngày Gáp Thân:

Mùng 2, ngày Giáp Thân, chắc không đẹp nên trời lại đổ mưa. Mưa từ sáng đến tối. Thôi, trời đã không cho đi thì nghe lời vậy, ngồi nhà xem tivi. Chương trình năm nay không có gì đặc sắc lắm, kể cả Gặp nhau cuối năm đêm 30 vẫn thiếu một cái gì đó mới hơn, thật hơn. Sáng sớm dậy, việc đầu tiên là lướt qua blog xem có Quế nào trương bài mới không. Vẫn vậy, những cánh hoa muôn màu sẵc sỡ điển hình cho Sài Gòn mà Nguyệt Hông chào đón Xuân sang vẫn hồng tươi ngôi nhà chung hội Quế. Trời mưa, rét thêm, bỗng dưng lại nhớ đống lửa xưa đất Quế. Không biết Quốc lủi Tết này có phải đốt lửa sưởi không? Thay tuần hương mới trên bàn thờ, bước sang sân thượng trông ra, thấy biển vẫn vậy. đậm màu nâu sậm phù sa. Những trang trại nuôi trồng hải sản lặng im chìm sâu trong giấc ngủ sau một mùa bội thu. Cá tôm năm nay ê chề, rẻ nên Tết cũng xông xênh hơn. Không biết kẻ bán người mua, ai vui ai buồn đây. Cây đào chơi Tết thằng con cả đưa về chiếm đến 1/3 phòng khách ngày càng nở hoa thật đẹp. Thực ra chơi đào vẫn không gì hơn được thứ đào ta. Hoa nở 5 cánh ông sao. mỏng tang, trắng phớt hồng, đậu lâu, vẫn hơn thứ đào Nhật Tân màu đỏ quá đậm, nhiều cánh song lại có cảm giác luôn héo chóng tàn. Định chơi đào đá như lũ bạn mách song thấy tầm chục triệu nên không dám xin ý kiến vợ, đành thôi. Ngồi dưới gốc đào, uống trà, uống rượu, kể cũng thú, thật là tao nhã như các bậc thi nhân xưa vẫn tìm cho mình một thú chơi không vương mắc chút bụi trần. Có lẽ, sang năm phải tính lập quỹ đen để chơi vậy.

Mùng 3 Tết-Ngày Ất Dậu:

Vợ gọi dậy, hé mắt ra thấy trời đã sáng, nghe gió bấc về rú trên mái nhà mà ngại, rụt đầu vào ngủ tiếp, muốn mơ về những giấc mơ xưa cũng lũ bạn mỗi ngày Tết đến nơi xứ lạnh. Lại nhớ những mùa đông cấp 2 ngại phải nghe tiếng chuông reo buổi sáng, tung khỏi chăn ấm, thấy cái giá rét buốt mình, ra xếp hành tập thể dục, mới nghĩ mẹo tháo hai cánh màn bên trong nằm ép vào tường để cán bộ lớp kiểm tra tưởng dậy rồi mà thiu thiu tiếp giấc ngủ đông. Sau này học Sư phạm rồi vẫn áp dụng có hiệu quả, được nhiều đứa học theo. Hôm nay, con dâu trực Tết mới được về, cả nhà xum họp đầy đủ, lại kể chuyện Quế xưa cho chúng nghe. Con mừng tuổi, chợt thấy vui như Tết nào cùng Khắc Hải lên thăm thầy Từ sáng mùng một, được thầy mừng tuổi cho hai quả pháo hồng, mấy cái kẹo xanh đỏ tím vàng mà thấy hạnh phúc vô cùng. Cái bệnh nhớ pháo lại trỗi dậy nôn nao cả ruột gan rồi. Cứ ước sao có một ngày toàn dân được đốt pháo như thằng Tàu bây giờ. Ừ, mà sao không đề xuất thu phí đốt pháo, hay cấp chứng chỉ sử dụng pháo nhỉ? Hay đấy, các ngành khác thấy có ứa sáng kiến hay đấy thôi. Không biết có sống được đến ngày vui đó không? Trời đã tạnh, đường xá khô trắng. Đi đường thấy đông vui hơn, cũng phải, hôm nay đã là ngày mùng 3, Tết lác đác đi rồi. Nhiều nhà đã thấy đưa chân ông vải, khói tiền khói bạc nghi ngút bay. Mừng mà thương cho các cụ về ăn Tết cùng con cháu lúc ra đi lọ mọ tay bưng tay xách tiền nong quà cáp con cháu đốt gửi. Lòng hiếu thảo nghĩ thật thơm.

Mùng 4 Tết-Ngày Bính Tuất:

Ngày Tết cuối cùng, trời lại mưa lăn phăn, cũng may mọi cuộc thăm hỏi chúc Tết cũng đã xong. Mọi người đã rậm rịch lên đường bắt đầu cho một hành trình kiếm sống, chỉ có lũ trẻ là vẫn rảnh rang chơi Tết tiếp vì năm nay kỳ nghỉ Tết dài mà. Nhưng chuyến xe lại đầy ắp, ì ạch chạy, hối hả tăng chuyến. Chỉ mong sao không có gì xảy ra cho một cái Tết được an bình trọn vẹn. Theo tục lệ, làm mâm cơm tiễn đưa các cụ đi, thấy ngậm ngùi, không biết tiền Việt, tiền Đô, vàng mã đã đủ chưa cho một năm dưới ấy, rồi cái gậy cụ già, đồ chơi đứa trẻ…tất cả hoá tro, bay trắng lưng trời. Người ta bảo đấy là các cụ đã nhận, vui vẻ, phù hộ con cháu. Vậy là mừng, bởi bổn phận tự thấy cũng đã làm tròn. Một cái Tết thế là xong. Thừa thiếu ở đời biết thế nào là đủ là vừa. Rồi đây bát hương chỉ đỏ, thơm mùng 1, ngày rằm, hay ngày kỵ. Mai về với đời thường, bữa cơm lại kém đi từng món, nhịp sống vội vã hơn. Lại tất bật bươn chải lo kiếm sống và rồi một năm sau… vòng tuần hoàn lại đến. Tết. Lại vui, lại buồn, lại mừng, lại lo. Cứ thế… Năm nay không xỉn trận nào. Có lẽ tốt. 7 ngày Tết qua đi không hiểu nhanh hay chậm nhỉ?
Nguyễn thành Luân

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

NHẬT KÝ TẾT NHÂM THÌN - TRƯỚC TẾT ( Phần 1 )

27 Tết-Ngày Canh Thìn:

Treo mấy cái đèn lồng đón Xuân, loại đèn gốc Việt bọc vải thiều hoa gấm, kỳ công lặn lội ra tận Hà Nội lùng mãi mới mua được. Từ dạo vào Hội An, thấy đẹp, hợp mà đâm nghiện, năm nào cũng treo. Cũng chẳng mong hồng phúc gì đến với mình, chỉ là để nhớ một thời đất Quế, Tết ra phố thấy người Tàu treo đỏ hồng khắp nơi. Vả lại, chí ít cũng cho mình một thú chơi riêng mà thôi. Cũng như ngồi gói, luộc nồi bánh chưng suốt 18 tiếng cũng chỉ cốt giữ lại cho lũ trẻ cái cảm giác hương vị Tết quê cổ truyền mà bây giờ người ta đang hàng hiệu hoá dần. Quê nghèo, người người lên phố, nhà nhà lên phố, thói ăn thói ở cũng lên phố, tây hoá hết cả, thời gian rỗi dài, tiền của không dư dả gì vẫn bày đặt đặt hàng này món nọ có người đưa đến tận nhà, ấy mới sang, mới là dân phố… Nét truyền thống xưa bỗng chốc được gọi là Quê. Cứ nghĩ, cái biển hiệu cơm Quê, gà Đồi, lợn Mán… nhan nhản kia cũng chỉ dành cho các đại gia, quý tứ sinh ra lớn lên trong nhung lụa, ưa dùng của lạ, nào đâu thực khách lại chính là những người sinh ra, lớn lên từ hạt lúa, củ khoai, tóc còn khét mùi nắng ... Bây giờ, thậm chí có kẻ còn sợ nói đến cái gốc gác dân Quê của mình. Bỗng dưng thấy quý thằng Nhật, thằng Hàn Quốc, Tết nhất, Lễ hội, Cưới xin, giá trị truyền thống cội nguồn dân tộc luôn được trân trọng, đề cao trong mỗi gia đình.

28 Tết-Ngày Tân Tỵ:

Mọi việc rồi cũng xong, một mình, nhâm nhi chén rượu nếp cẩm, lướt qua Bantbe gặp lại các Quế song thưa thớt quá. Có vẻ Quế ta năm nay thu nhập cao nên du Xuân sớm rồi. Ừ, được thế cũng mừng. Thấy Nguyệt Hồng khoe thưởng Tết cũng được nửa tháng lương nếu không nhầm cũng độ ba triệu gì đó. Mừng cho bạn lại tủi cho mình. Thấy các Quế lao xao, thiết nghĩ phận có vậy, nghề nào kiếp nấy, so sánh làm gì, người ta hơn mình cũng có lý do của nó. Nên mừng lấy may! Hôm nay bắt đầu vào tiết Đại hàn. Trời vẫn mưa, càng thêm rét, co ro trong nhà, đi đâu cũng ngại. Thằng út ở Nam sáng nay mới vê đến nhà cứ luôn miệng kêu rét quá không chịu nổi. Phải, giờ này các Quế trong đó đang bận rộn chuẩn bị Tết trong nắng ấm, áo cộc tay. Thấy đài báo khen hoài đường hoa Nguyễn Huệ lại ước giá giờ mình vào được trong đó nhỉ, gặp lại Hoàng Anh, Phong Phú, Nguyệt Hồng, Từ Vân, Mạnh Hoà, Thu Thanh, Tiến Dũng, Hồng Sơn, Trúc Hà, Quốc lủi.v.v…thì vui biết mấy. Thôi cũng đành để đến hè vậy. Dự tính hè này vào Đà Lạt, xuống Vũng Tàu chơi, thế nào cũng phải ghé Sài Gòn uống cà phê, lai rai, tán gẫu, ôn nghèo kể khổ với lũ bạn xưa mới được. Lướt lại mấy tấm hình coi, tụi này giờ phát tướng cả rồi, bữa sau gặp rồi không biết có gọi đúng tên không. Nghĩ, cười một mình mà thấy lòng ấm lạ.

29 Tết-Ngày Nhâm Ngọ:

Năm nay, tháng thiếu nên 29 đã là 30 Tết. Tết đến sớm hơn một ngày, chỉ có trẻ con là vui nhất. Năm ngoái nắng ấm, năm nay lại mưa, đã vậy còn rét xuống. Cũng thấy là lạ, thời tiết mỗi năm một thất thường không còn quy luật gì cả. Không biết con người rồi có vậy không? Sáng sớm, cả nhà đi thăm mộ, thắp hương mời các cụ về ăn Tết với con cháu. Đứng trước mộ giả của Ba mà ngậm ngùi, đến giờ vẫn chưa tìm để đưa Ba về với Mẹ được. Thời buổi kinh tế thị trường, nghĩa địa bây giờ càng phân biệt rõ cảnh giàu nghèo. Kẻ có tiền đầu tư hàng trăm triệu mua lăng bia mộ mãi từ Thủ đô đưa về, thấy mà tủi cho những ngôi mộ người nghèo đơn sơ nấm đất mới. Hương nhang thơm, càng thêm nhớ về những người đã khuất. Không biết những đứa bạn Quế xấu số nằm lại đất Quế Lâm đã được đưa về quê cha đất tổ chưa hay Tết này vẫn lạnh lẽo không hương khói nơi đất khách quê người? Thương quá, Sơn ơi…! Trưa, theo tập tục, làm bữa cơm đón ông bà về ăn Tết. Cũng bánh chưng, giò, thịt đông, miến măng.v.v…cả nhà xum họp, nhắc lại một năm đã qua, chuyện thường tình mọi nhà trong bữa cơm cuối năm. Mâm cơm nhà vẫn trống một chỗ, con dâu năm nay trực Tết không về, vợ lại vất vả thêm. Tối, mưa càng nặng hạt, chơi sang, gọi taxi lên trường tổ chức tiệc đón giao thừa, mọi người quây quần chúc nhau năm mới, rượu vào lời ra, vẫn không thoát khỏi chuyện thưởng Tết. Cũng đành cười, chúc, động viên giáo viên về một tương lai mà chính mình cũng khó có niềm tin ở đó. Giao thừa, trời sáng song buồn. Đâu đây, thi thoảng vẫn vang lên tiếng pháo nổ, vài vạch sáng vút lên cao lẻ loi bởi thứ pháo hoa đốt trộm. Người ta vẫn nhớ pháo ư? Hương nhang thơm ngào ngạt, mùi đặc trưng của Tết song vẫn thấy thiêu thiếu cái gì đó hồn Việt Tết xưa.

Nguyễn Thành Luân .

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

CÁC MÓN ĂN NGÀY TẾT Ở XỨ QUẾ .

Món đầu tiên đương nhiên là BÁNH CHƯNG . lúc học cấp 1 có bánh chưng hay không thì mình không nhớ . Lên cấp 2 thì nhớ rõ lắm vì mỗi đứa được hẳn 1 cái bánh chưng to đùng , mà cũng không rõ là thầy cô chú má nấu lấy hay bên nước gửi sang nữa . Mấy đứa thân với nhau thì hùn lại xơi lần lượt từng chiếc để thời gian ăn bánh chưng được kéo dài ra .
Món thứ 2 bạn Luân nhớ lại :"Rồi có năm thấy má làm bánh, tôi cũng không biết và nhớ nổi đó là bánh gì, chỉ nhớ làm bằng bột kéo dài xoắn vào nhau như cái dây thừng, bỏ vào chảo nước đường hồi sau chín nó nổi lên đem vớt ra lăn đường cát. Ăn vừa béo vừa giòn lại thơm nữa " . Theo mình nhớ thì đây là BÁNH CARAVAT mà chỉ có ở cấp 1 mới được ăn vì có các má bảo mẫu làm .
Món thứ 3 là MỨT . Chủ yếu là mứt cà rốt , mứt gừng và nhiều nhất là mứt khoai tây . Lớp nào cũng làm , tất nhiên là đám con gái với các cô các má thôi . Lũ con trai thì chỉ rình để ăn vụng . Nhờ thế mà khi về nhà , tam cô nương nhà mình có dịp trổ tài khiến phụ huynh suýt gẫy hết cả răng vì món mứt khoai tây dai như cao su .( vụ này mình có kể trên chợ chồm hổm cách nay mấy năm ) . He he .
Mình chỉ nhớ có thế . Quế nào nhớ thì kể tiếp nha

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

TẾT RỒI








Năm con Thìn chúc các Quế dui dẻ - hạnh phúc.

TẾT.


Mời các bạn nghe bài hát về TẾT



Hoa Đào ngày tết ở Hà nội


Vậy là xong, tôi thở phào nhẹ nhõm. Mọi công việc cuối năm, chuẩn bị đón Tết vợ giao cho đã hoàn thành. Mai đã là ba mươi, Tết đến thật rồi. Giờ mới có cho mình những phút riêng tư, mặc lòng mà nghĩ, mà nhớ, mà mơ, song kỳ thực, cũng chẳng biết còn mơ gì, nghĩ gì…chỉ còn có nhớ là nhiều, bề bộn như công việc cuối năm. Định đến nhà mấy thằng bạn nhưng thấy trời mưa rét lại ngại, vả lại không biết tụi hắn đã xong việc vợ giao chưa, thế là thôi. Mở blog đã thấy Nguyệt Hồng trang trí nhà cửa thật đẹp đón và chúc Tết rồi, thật nhanh nhảu, thấy mà ấm lòng trước tình cảm cho bạn bè như Quế.
Không khí Tết ngoài này thật buồn. Năm nay suy thoái kinh tế toàn cầu chăng? Có phải vậy mà dân tình kém vui hơn, lại trở lại với nhưng toan tính quẩn quanh cái nghèo: lo đong mấy cân gạo nếp nấu nồi bánh chưng, mua vài cân thịt gói cái giò trước cúng ông bà tổ tiên sau rồi cho con cho cháu vui mấy ngày Tết. Đồng tiền lúc này không dư giả cho những toan tính chơi cành đào, cây quất như mọi năm…Đã vậy, trời lại đổ mưa. Cái thứ mưa thâm gió bấc này đến dai dẳng, dễ sợ, liên tục hàng tuần liền không tạnh. Đường nhớp nháp, những bóng người mờ mịt trôi nhanh từng vệt trên đường. Mấy đứa trẻ đi học xa về nhà cũng tranh thủ làm kinh tế Tết đứng xo rọ, tụm dúm bên mấy cây đào, cây quất vắng nét hoa thưa dáng quả, lác đác dăm người dừng hỏi mua rồi cũng bỏ mặc mà đi. Thật buồn!
Lại nhớ Tết xưa, đất Quế. Cũng chẳng nhớ ngày nào thì được nghỉ học như bây giờ, cái háo hức chờ Tết cũng không còn rõ nữa. Chỉ nhớ trời rét lắm, cứ được ngồi bên bếp lửa là thích nhất. Đến độ nào thấy má Bưởi chuẩn bị thái gừng, bí, cà rốt là biết sắp Tết rồi. Và từ đó bỗng thấy vui vui. Tối lại, má bắc bếp than trong phòng rồi sắc đường, bỏ gừng, hoặc bí hay cà rốt vào đảo đều đến dẻo quẹo, mùa thơm cay thật ấm. Tất nhiên, tụi con trai chúng tôi chỉ lỉnh vào ngó, nhìn má làm với mấy đứa con gái thôi. Nhưng khi thấy má đổ mứt ra dàn đều trên khay thì thế nào cũng tìm đủ lý do sà vào rồi tranh thủ lúc má không để ý nhón trộm mấy miếng giấu vội vào áo bông rồi lảng về phòng nằm giở ra khoe, so rồi ăn với nhau.
Rồi có năm thấy má làm bánh, tôi cũng không biết và nhớ nổi đó là bánh gì, chỉ nhớ làm bằng bột kéo dài xoắn vào nhau như cái dây thừng, bỏ vào chảo nước đường hồi sau chín nó nổi lên đem vớt ra lăn đường cát. Ăn vừa béo vừa giòn lại thơm nữa. Giờ vẫn nhớ song cũng không còn gặp lại ở đâu nữa. Những lúc ấy, chúng tôi vẫn tíu tít xúm quanh bếp lửa, đứa này quàng cổ đứa kia vừa tranh tay sưởi ấm vừa liên mồn chuyện đủ thứ… mặc con Hà, con Phương liên mồm quát la thay má coi chừng mấy thằng tôi. Nghĩ mà ấm cúng làm sao. Lúc ấy, chúng tôi thực sự là một gia đinh, có Má, có Thầy, có cô, có anh em, bè bạn. Tất cả quây quần bên nhau quanh bếp lửa hồng náo nức niềm vui. Cái lạnh xứ người như đã đã bị lãng quên.


Ngắm pháo tết

Ngày Tết, túi áo, túi quần chúng tôi cũng rủng rỉnh kẹo bánh, nhưng đứa nào cũng trở nên từ tốn hơn, không ham ăn như mọi khi nữa. Cũng chỉ có đêm ba mươi Tết, chúng tôi mới được thức khuya. Giao thừa đến, chúng tôi háo hức xem thầy Thanh đốt pháo, mùi pháo thơm khét.


Và ... nhặt những quả pháo chưa kịp nổ

Ngồi bên mâm bánh kẹo, hoa quả, chúng tôi lặng im, xúc động nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết qua chiếc đài của thầy Thanh để ở giữa. Lúc ấy, má Bưởi thường vẫn khóc và với chúng tôi đó cũng là một hình ảnh khác về má, bởi thường ngày má rất nghiêm, hay la mắng, còn bây giờ những giọt nước mắt của má làm chúng tôi cũng thấy nao nao. Tụi con gái thì ôm lấy má, lấy cô mà sụt sùi khóc theo. Những thời khắc thiêng liêng ấy, chúng tôi bỗng thấy gần nhau hơn, nhau thương hơn, dù không thể cắt nghĩa nổi lý do vì sao. Và dù còn rất nhỏ, mỗi chúng tôi cũng thấy thấm sâu da diết một nỗi nhớ nhà, thấu hiểu tâm trạng người xa quê hương đất nước, đón Tết quê người. Để rồi sau đó, mỗi đứa lại chìm vào những giấc mơ đẹp về một mùa xuân, một năm mới của chính riêng mình… Bao năm rồi, cứ cuối năm lại nhớ, cũng da diết như chính buổi xưa vậy.
Trời lạnh, bỗng ngại uống bia, vả lại một mình, làm chén rượu thấy ấm hơn. Xem bản tin thời tiết, không khí lạnh lại tăng cường. Giao thừa, mùng 1, 2, 3… trời rét đậm thêm và vẫn mưa. Mọi kế hoạch du xuân đành gác xó, thật cám cảnh nhà nào ăn tết nhà đó. Chuyện thật lạ. Chợt thấy mừng cho bạn mình trong đó, Xuân về Tết đến, mai vàng khoe sắc trong nắng ấm. Cả nhà xum vầy náo nức đưa nhau đi chơi giao thừa, xem pháo hoa rực rỡ với nụ cười tươi mãn nguyện, hạnh phúc tràn đầy
Chỉ có một điều… không biết ai còn nhớ Tết ngày xưa?

Nguyễn Thành Luân.


Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

CŨNG THÁNG 13:ĐAU



Mong có lương tháng 13 để sắm Tết
(Dân trí) - “Cứ Tết về, đọc báo thấy người ta thưởng Tết tiền tỷ, giáo viên chúng tôi lại ngậm ngùi. Không có nguồn để thưởng, chúng tôi chỉ mong được Nhà nước cho hưởng lương tháng thứ 13 để có tiền sắm Tết” - một giáo viên Nghệ An chia sẻ.
Tính ra chỉ còn 2 ngày nữa là giáo viên và học sinh được nghỉ Tết, thế nhưng khi đặt câu hỏi về thưởng Tết tại một số trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu buồn bã: “Chưa thấy nhà trường có thông báo gì”.
Cô giáo Nguyễn Thị H. (Trường THPT Anh Sơn 2, huyện Anh Sơn, Nghệ An) cho biết: “Năm nay thì chưa thấy nói gì đến chuyện thưởng Tết, chắc cũng không thể nhiều hơn năm ngoái. Mà phải gọi là quà Tết mới đúng bởi vì chẳng có ai lại thưởng cho cả năm làm việc quần quật của giáo viên 50-100.000 đồng cả. Vừa rồi tôi đọc báo và được biết có doanh nghiệp thưởng Tết cho nhân viên đến mấy tỷ đồng. Đọc chỉ thêm buồn nên quyết định không đọc bất kỳ thông tin nào để cập đến chuyện thưởng Tết nữa”. `

Thưởng Tết giáo viên chỉ mang tính tượng trưng.

Một giáo viên ở một trường THPT thuộc huyện miền núi Tương Dương thì thẳng thắn: “Nói thật, giáo viên chúng tôi không mong Tết đâu. Người ở xa thì Tết được thêm mấy ngày nghỉ về với bố mẹ, vợ con nhưng về tay không, không có quà cũng buồn. Mà trên này cái chi cũng đắt đỏ, cả lương và phụ cấp được 3-4 triệu đồng chỉ đủ ăn tiêu trong tháng thôi. Ngày thường thì không sao chứ đến Tết thấy người ta thưởng mấy tháng lương, thậm chí có nơi thưởng đến hơn 2 năm lương lại thấy buồn. Những lúc thế này thấy lòng yêu nghề của mình cũng giảm đi chút ít”.


Không chỉ giáo viên buồn vì chuyện thưởng Tết mà ngay cả những người làm quản lý công tác giáo dục cũng không thể tránh khỏi ngậm ngùi mỗi khi nhắc đến chuyện này. Thầy Nguyễn Anh Nam - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Thọ Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) dường như không muốn nói chuyện khi chúng tôi đề cập đến chuyện thưởng Tết. Năm nay toàn thể cán bộ giáo viên, công nhân viên Trường tiểu học Thọ Sơn được nhận 100.000 đồng quà Tết, trong đó 50.000 đồng là quà của xã, 50.000 đồng là quà của nhà trường. Ngoài ra công đoàn nhà trường cũng có quà cho giáo viên, mỗi người được một gói mỳ chính trị giá 30.000 đồng. Hiệu trưởng, hiệu phó đều chung mức thưởng này.


“Như thế cũng là nhiều lắm rồi đấy, mọi năm quà Tết chỉ là một tờ lịch trị giá 2.500 đồng thôi. Cứ Tết đến nghe người ta kháo nhau thưởng tiền triệu, tiền tỷ, giáo viên chúng tôi nghe mà ứa nước mắt. Chỉ mong Nhà nước cho ngành giáo dục được hưởng lương tháng thứ 13 để có tiền mà sắm Tết chứ cứ đằng hằng tiền lương thì chỉ đủ chi tiêu trong nhà, làm chi có mà sắm sanh thêm. Nói thật, mình làm quản lý mà thấy anh em không được thưởng Tết cũng thấy đau lắm, bất lực lắm nhưng cả toàn ngành như vậy cả, biết kêu ai bây giờ?”, thầy Nguyễn Anh Nam tâm sự.

Thầy giáo Nguyễn Văn Trãi (Trường THCS Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn) phấn khởi hơn mọi năm bởi năm nay số tiền thưởng Tết của thầy đạt mức
"kỷ lục” 200.000 đồng. “Mọi năm chúng tôi về quê ăn Tết với phần thưởng là 1 tờ lịch treo tường nhưng năm nay Ban giám hiệu nhà trường đã quyết định “chơi sang”, thưởng cho mỗi giáo viên 150.000 đồng, công đoàn nhà trường 50.000 đồng nữa, nói chung là cũng có tiền để mừng tuổi cho các cháu ở quê”. Giáo viên biên chế thưởng Tết đã "hẻo", giáo viên hợp đồng còn khốn khổ hơn khi cùng lắm được thưởng một nửa, hoặc cũng có thể là sẽ không được thưởng đồng nào.

Hầu hết, mỗi khi Tết đến xuân về, phòng giáo dục các huyện cũng có một khoản (vài ba triệu đồng) chuyển về cho các trường nhưng ghi rõ “chi nội dung khác”. Bởi vậy số tiền này các trường cũng không dám trích để thưởng hay mua quà Tết cho giáo viên. Cuối năm, trường nào tổng kết thu chi còn dư chút ít thì năm đó giáo viên có thêm vài chục nghìn, đủ để mua cân hành về muối dưa. Trường nào chi tiêu quá tay, thâm thủng ngân sách thì coi như giáo viên ngậm ngùi đừng mơ đến quà Tết.

Không có tiền thưởng Tết, nói như các giáo viên xứ Nghệ “sống trong cái khổ, quen rồi” nên dẫu có buồn, có chạnh lòng thì hết Tết họ lại tất bật với những bài giảng, với sự nghiệp trồng người của mình. Thiếu thốn đủ thứ, cái Tết cũng kém vui hơn vì không có tiền thưởng nhưng để học sinh của mình có cái Tết vui hơn, họ sẵn sàng trích từ số tiền lương ít ỏi của mình để ủng hộ cho các em. Thầy Nguyễn Anh Nam tự hào khoe với chúng tôi: “Tết năm nay giáo viên, cán bộ công nhân viên trong trường đã ủng hộ được hơn 1 triệu đồng cho các em học sinh nghèo ăn Tết”. Tính ra, số tiền các thầy cô giáo nơi đây ủng hộ học sinh nghèo trường mình ăn Tết cũng bằng 1 nửa số quà Tết mà họ được nhận sau một năm miệt mài trên bục giảng.

Hoàng Lam

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

ÁM ẢNH :SỐ 13


Ở thành Rome cổ,các vị phù thuỷ thường tập hợp thành những nhóm 12 ,nhân vật 13 được cho là quỷ dữ.Số 12 người ta coi là hoàn thiện ,có cả ý trên cơ sở bội số của số 6 hoàn hảo. Vậy là cái gì đã hoàn bị rồi mà thêm thoắt vào cũng trở nên chắp vá ,khiên cưỡng.
Không hiểu sao truyền thuyết về con số 13 xui xẻo này lại liên quan đến các bữa tiệc? Chuyện Na uy kể về 12 vị thần đang dự tiệc ở thiên đường ,khi đó lại xuất hiện vị khách không mời thứ 13 là thần tinh quái Loki. Ông ta lập tức bày trò xúi giục thần mù Hoder bắn chết thần ánh sáng Balder bằng tên độc ,làm cho trái đất chìm trong tăm tối.
Trong Kinh thánh cũng nhắc đến số 13 không may mắn. Judas,tên phản đồ của chúa Jesus là vị khách thứ 13 ở bữa tiệc cuối cùng.
Cuộc đời nhiều oan trái ,bi kịch cũng bắt nguồn liên quan đến “ cái ăn “ này ghê lắm !

Thế hệ chúng ta ,nhiều người sau khi học ở trường về thường phải giúp gia đình lao động mưu sinh.Câu nói dân gian có hơi hướm CNXH … thẳng băng ”không làm trưa(hay tối) nay đừng ăn cơm!” .Bây giờ,một số nhà khá giả nhiều cháu bé lại nhác ăn.Nghe doạ như trên chắc chúng khoái lắm “không ăn khỏi làm cho khoẻ”.
Hồi sinh viên,giữa lúc đói rã họng, ăn bobo quặn người mà vẫn mơ mộng khi nghe giảng về nguyên tắc phân phối dưới CNCS là “làm theo năng lực,hưởng theo nhu cầu”.Mơ ước ấy ngày càng vời xa ,không tưởng với xã hội con người hiện tại.Ngay làm sao ăn cho được đàng hoàng,công bằng …cũng đã khó với hàng triệu triệu người trên trái đất này rồi nói chi đến theo nhu cầu.Ông bà xưa mỉa mai “miếng ăn là miếng tồi tàn” nhưng suy cho cùng cũng vì nó mà con người hạ bệ,chém giết lẫn nhau…thật tàn bạo.
Sự bất công đã dấy lên phong trào”chiếm lấy phố Wall” của đa số con người”chúng tôi là 99%” ,kết cục cũng chẳng si nhê gì mấy tay cá mập tàichính cả.” Lợi ích nhóm” ở ta cũng đẻ ra vô vàn sự xung khắc :ngân hàng lãi khủng trong khi doanh nghiệp thì ngày càng khốn đốn ;các DNNN độc quyền như Điện ,Nước,Xăng dầu ..làm ăn láng cháng,lãng phí…nhưng lương thưởng ngất ngưỡng; rồi xung đột về đất đai…Trong khi đó nhiều người ngậm ngùi nhìn Tết đến xuân sang với chút tiền thưởng cho có.
Rất nhiều doanh nghiệp cuối năm lo sốt vó khoảng lương thưởng cho nhân viên để anh em đồng cam cộng khổ với mình suốt cả năm có một cái Tết ấm cúng.Đối với những đơn vị có lãi thì “nhỏ như con thỏ” rùi nhưng với những anh làm ăn thất bát,thua lỗ thì sao?
Nhiều đơn vị thưởng héo vài trăm ngàn nhưng chia làm hai đợt vì sợ công nhân nhận hết tiền thưởng,sau Tết nghỉ việc .Chính lý do không thuyết phục ấy làm công nhân đình công ì xèo.Rồi có đơn vị quay lại thời bao cấp thưởng hiện vật bằng chính sản phẩm của mình bị ế …rấtchi hỉ,nộ ,ái ,ố .
Theo quy định hoặc lẽ thường,đã làm ăn lỗ sao lại thưởng được? Thế là các nhà kinh tế tình thế Việt nam mới nghĩ ra một khái niệm mới”lương tháng 13”.Vì lương được hạch toán vào giá thành nên cứ xây dựng đơn giá lương vống lên một chút ,sau đó trả nhín lại để cuối năm dư ra dùng vào việc chi trả tháng 13 này.Từ đây thua lỗ gì không cần biết(dĩ nhiên là doanh nghiệp nhà nước chứ công ty cổ phần họ hạch ra bã),cuối năm vẫn có khoảng để chia cho nhân viên.Vậy nên ngành Điện mạnh miệng thông báo”năm nay không có thưởng” nhưng chắc chắn lương tháng 13 thì vô tư.Đúng là kiểu Tào Tháo tự cắt tóc mình để dối quân .Quả các doanh nhân Việt nam là bậc thầy về sự biến báo,uyển chuyển vô cùng.
Cũng là tháng 13 thôi nhưng kẻ thì vài trăm ngàn, người thì vài triệu …có phải thưởng đâu mà phân bì? Lại có nơi cho bằng 2-3 tháng lương ,có công ty bằng cả một năm lương.Vậy là quá tay rồi vì quỹ lương nào mà dôi dư nhiều thế?Nếu làm ăn lãi thi đóng thuế thu nhập doanh nghiệp rồi thưởng đàng hoàng có phải “miếng thịt làng bằng sàng thịt chợ”hay hơn không mà phải dấm dúi ăn trong xó bếp?
Chắc hội kinh tế thê giới rồi đây sẽ đưa thêm khái niệm “lương tháng 13” này vào từ điển chuyên ngành để phổ biến.
Hoan hô lương tháng 13 ! Số 13 này không xui xẻo mà là hạnh phúc cho người lao động đó!

HHP

QUẢNG NGỮ

Mời các Quế, ai biết "Quảng ngữ", xả stress năm mèo bằng link sau:

http://youtu.be/yxuDTPCM_g8

Q.MF

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

ĐIỂM BLOG BANTBE NĂM MÈO


Blog “Bạn Trường HSMN-Nguyễn Văn Bé “ năm 2011 có đến 168 bài ,gần bằng số bài hai năm trước cộng lại.Quả là bước tiến vượt bậc cho năm thứ tư này.
Chờ đợi mãi đến ngày 3/1 chưa thấy bài mới nào ,vậy xin phép làm một điểm blog Bantbe sau đây:
Tháng 1: Đã có lời chúc mừng năm mới ngay từ chiều 1/1 của anh AMK3.
NTL viết về bữa cơm cuối năm ấm áp ở Quế Lâm mà nhiều người đến bây giờ đã quên mất ,rồi chuyện Pháo Tết một thời tuổi thơ …mơ từng đêm xác pháo đỏ dường.
Tháng 2: Kỷ lục với 23 bài vở với nhiều hình hoa xuân và không khí đón Tết khắp nơi :Đà nẵng-Nha Trang-Sài Gòn ,háo hức du xuân qua tới Miên với “ nụ cười Apsara “ đầy trầm tư và tươi hớn hở.Bao trùm là một không khí hối hả vào Xuân đón Tết với các Quế thật ấm áp.
Tháng 3: Một lời xin lỗi chân tình của NTL gởi đến các bạn Quế gái ,đặc biệt “nợ cái bạt tai” với bạn T T.Chuyện trẻ con ấy mà nhưng sao lại nhớ dai thế ta?
Câu chuyện liên quan đến thời chiến “Suýt trở thành DSDM” của HHP kể cũng là trường hợp hiếm ,không đụng hàng.
Thời điểm này xãy ra động đất ở Nhật.Vì cảm phục tinh thần của người Nhật nên Quế cũng hăng hái save “Một bức thư cảm động” để rồi sau đó “tẽn tò” muốn quên đi.
Tháng 4: Mở đầu là chuyện cá tháng tư “Thành lập Viện nghiên cứu sinh học mới” dí dỏm,vui cả làng và kết thúc bằng cái nhớ ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975 trên đất Quế vui nổ trời của Ba Chột.
Tháng 5 : Ký sự “Phượt Vân Nam “ của QMF phản ảnh về một thế hệ thanh niên VN đầy tự tin,năng động mà hóm hỉnh,vui nhộn …hết cở.
“Tôi lớn lên cùng tuổi thơ tôi” đẹp như tiếng thở nhẹ trong những buổi chiều “dịu dàng không chịu nỗi”.
Khi bàn “Trở lại Quế Lâm” cả hội Quế sôi nổi hẵn lên nên lập kỷ lục 118 comment cho bài “Hành trang về miền ký ức”.Hoá ra kỹ niệm xưa sâu sắc biết bao nhiêu với mỗi người ,chỉ cần kích hoạt là nó lại trào dâng dẫu trong lòng còn ấm ức với thái độ gây hấn của bọn bành trướng Bắc Kinh trên biển Đông của chúng ta.
Tháng 6: Câu chuyện “Bị phạt” của QMH như toát lên “khí tiết”của dân “cộm cán “ HSMN ngày ấy.Nhớ về những câu chuyện xưa ở QL nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm với Tổ quốc khi bon Tàu càng gây căng thẳng với ta trên Biển Đông ,NTL day dứt” Tổ Quốc mình…ở đâu?”
Tháng7: Một chút lặng đi khi nhìn hình ảnh các bạn về thăm trường cũ và chia sẻ nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7.
Tháng8: Ta thích thú với lĩnh vực chăn nuôi thật phong phú của Quế ,hết “nuôi vịt” đến nuôi gà (nhốt cố định trong lồng không xê dịch được-sáng kiến ghê thật!) rồi nuôi cả bò và cá… Rồi thông cảm với nỗi buồn của QMH khi kể về “Giáo viên dạy văn” ngày xưa,thôi thì cũng có thế này thế khác nhưng tình cảm thầy trò ngày ấy cơ bản là đẹp một cách mẫu mực.
Blog bỗng sáng lên với sự xuất hiện của cô giáo ĐTNT.”Có một ngày như thế trong tôi” độc đáo với HSMN mà day dứt khôn nguôi về những người bạn ra chiên trường không trở lại.
Tháng 9: Mùa tựu trường mà ai cũng nhớ, được chia sẻ bởi QMH về trường hợp Quế con bị oan mà cũng ngổn ngang trăn mối lo cho bọn trẻ bây giờ phải học trong môi trường sư phạm không còn đẹp như Quế ngày xưa.
May sao “Nơi ấy cuối trời” đẹp màu xanh da diết Cà mau như mời gọi người ta quên đi những phiền muộn đời thường.
Tháng 10: Món ăn “thòi lòi” quả là độc đáo ,chứng minh cho sự phong phú đa dạng của món ăn Nam Bộ ,gần gũi với thiên nhiên một cách chân chất mà cũng bạo liệt vô cùng.
Những bức ảnh lay động từ “sông nước Cà mau” quả có sức hút khó lường.
Tháng 11: Ngày nhà giáo 20/11 với những vui buồn của những người trong nghê ,bực mình với những “sáng kiến kinh ngạc” …nhưng đọng lại vẫn là nỗi niềm với sự nghiệp giáo dục của nước nhà.Dẫu thế nào cũng không được đùa giỡn,làm mất đi sự kính trọng của xã hội đối nghề giáo “dạy làm người”.
Tháng 12: Càng về cuối năm ,trang Bantbe càng hụt hơi.Có một chút hờn dỗi của Q.NH nhiệt tình,một sự lãng ra của Q.MF bùng nổ và vắng đi của một số bạn khác như TGTB,HHP… Có lẽ do công việc làm ăn năm nay khó như nền kinh tế thế giới ảm đạm về cuối năm chăng?
May sao vẫn còn ngọn lửa được nhen lên “Thương nhớ mùa đông” của NTL.Và mong sao một bình minh trong sáng,ngọt ngào lại đến với mọi người để các Quế thật “hạnh phúc trước bình minh”.
Một năm đã qua nhiều sôi động thì các Quế ơi ,hãy vui lên đi để đón chào một năm mới với nhiều hy vọng mới!
Để phong phú bài viết cho Bantbe năm nay,có lẽ chúng ta sẽ mở rộng về các lĩnh vực đời thường của các Quế hôm nay cũng như những trải nghiệm cuộc đời của mỗi người kể cả vui buồn cay đắng.
Một lần nữa chúc các Quế và gia đình một năm mới nhiều sức khoẻ ,bình an và đạt được những mong ước của mình trong cuộc sống.Mong cho Bantbe bước sang năm thứ năm có nhiều khở sắc ,tình bạn giữ được mãi ấm nồng (dù có chút xíu giận nhau) để “bạn bè chỉ có thêm chứ không bớt”
HHP