Tôi vốn rất thích pháo hay nói chính xác là mê pháo, dù rằng không được gan dạ cho lắm(cũng hơi run khi châm lửa đốt). Từ ngày cấm pháo đến nay, tôi bỗng mất đi một niềm vui vốn khỏa lấp nỗi buồn vắng bạn . Những đêm ba mươi, cứ thấy trống vắng , nhạt nhẽo, như mất hồn , thiếu một cái gì đó… thiêng liêng và sâu thẳm! Chao! những quả pháo hồng xinh xinh, mang sắc xuân vềấm áp. Những pháo tép, pháo côí, pháo đùng, pháo chuột, pháo thăng thiên, pháo đập, pháo đơn, pháo dây, pháo kép… đến mê ly. Chao! những xác pháo hồng bay bay giữa trời , rải đầy mặt đất như muôn cánh hoa đào tươi thắm trải thảm xuân rước năm mới đến mọi nhà. Những tiếng nổ đùng đoàng, những âm thanh chát chúa mà giòn tan, rộn rã như tiếng nàng xuân cười lấp lánh niềm vui, cho con tim muôn người thổn thức , rộn rực. Chao! cái làn khói dát sương nhạt mỏng như tơ lụa kia cứ la đà, lâng lâng, say ngấm, tỏa lẫn trong mùi hương trầm thơm ngát. Cái mùi khen khét thơm thơm đến hớp hồn của thuốc pháo cứ len lỏi luồn sâu vào tâm trí gọi dậy tuổi thơ vui, đánh thức kỷ niệm Tết xưa ấm áp mà da diết khôn nguôi... Hồn pháo là vậy, niềm vui nào sánh được. Vậy đấy sao mà không nhớ, không yêu.
Trò chơi pháo đầu tiên tôi biết là một thứ pháo tự tạo mà hồi lớp 1, lớp 2, tôi vẫn thường thấy các anh cấp 2 chơi. Đó là thứ pháo làm bằng đất sét phơi khô, trong nhồi diêm sinh và than củi nghiền nhỏ, khi châm ngòi ném lên không trung, tung ra muôn nghìn đốm lửa nhỏ nổ lách tách, lép bép , nhìn như sao chổi đang bay. Cấp 1, chúng tôi ít được chơi, chủ yếu xem các anh lớn và thầy giáo đốt vào sáng mùng một Tết . Pháo nổ, lũ con gái thì bịt tai, nhắm mắt . Còn bọn con trai chỉ chờ dây pháo nổ xong là a lê xông vào nhặt pháo tịt rồi chạy bay ra chỗ vắng chơi pháo với nhau.
Lên cấp 2 , lớn hơn , cứ gần Tết , thế nào tôi cũng cùng mấy thằng bạn lên chỗ thầy Tường chầu chực , nằn nì cho rút tiền để ra phố mua pháo . Phải nói, lắm loại pháo thật, nhìn hoa cả mắt , thèm mua đủ loại. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thường chọn loại pháo lẻ, bán theo bó một, chứ không mua pháo bánh, lại làm thêm mấy quả pháo đùng thật to, thoạt nhìn đã thấy sợ rồi , và cả mấy cây pháo thăng thiên nổ hai tầng trên không… Có pháo, mặt mấy thằng no đủ , hớn hở .
Năm mới , đón Tết , mỗi lớp có một góc Xuân riêng do lớp tự làm trang trí theo ý mình. Cũng đào đỏ, cũng mai vàng, cũng đèn màu, ông sao, dây xúc xích, rồi bóng bay, báo tường … cứ tất bật tíu tít cả lên. Mấy thằng tôi không quan tâm lắm đến việc ấy mà thực ra, cũng chẳng ai mượn bọn hậu đậu như tụi tôi cả . Chủ yếu vẫn là cán bộ lớp , cánh con gái và mấy tên có những tài lẻ riêng. Thế nhưng, thi thoảng, chúng tôi cũng đến ngó xem chúng nó làm. Rồi lừa lúc chúng nó không để ý, ném mấy qủa pháo tép, pháo chuột vào làm chúng nó giật mình, nhảy dựng lên, ném tung tóe cả đồ đang làm dở. Bọn tôi vừa cười sằng sặc , vừa co cẳng chạy mất .Còn những ngày Tết , lũ con gái luôn bị chúng tôi đốt pháo ném dọa khiến chúng cứ ré lên suốt ngày , lắm đứa mếu máo , phập phù nước mắt , dọa méc thầy . Cũng may là Tết , các thầy cô hiền khô đến lạ nên cánh tôi vẫn bình yên, vô tội . Giờ nghĩ lại cứ thấy thương thương . . .
Chán rồi , chúng tôi lại kéo nhau ra ngoài, đi qua bãi trồng dưa, đến bãi tha ma phía chân núi. Phải nói địa thế nơi này chơi đánh trận thật tuyệt . Những cái mả được xây bằng đá hình tròn, chung quanh lại xây một bức tường hình vòng cung tạo nên các hào giao thông cao đến vai chúng tôi. Chia hai phe, chúng tôi, một tay súng diêm, một tay cầm pháo tép thay lựu đạn, pháo đùng thay mìn, Pháo thăng thiên hai tầng làm súng cối …túi áo, túi quần ních đầy pháo dự trữ và bao diêm, thêm ít bánh kẹo được phát buổi sáng. Cứ thế lăn lê, bò, chạy, nhảy, ẩn nấp , bắn súng, đốt pháo ném qua nhau, tiếng hò hét, tiếng cười, tiếng cãi nhau hòa trong tiếng pháo nổ, tiếng súng bắn … cứ ầm ĩ cả lên. Chơi chán, lại kéo nhau về , làm lành, xin kẹo bánh lũ con gái ăn (Khẩu phần ăn hết lúc đánh trận rồi ). Những bức tranh pháo tuổi thơ muôn màu ấy đã làm vơi đi nỗi nhớ nhà, đưa chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Tình cảm ấy đến giờ vẫn thấy ấm áp , nhớ mãi .
Buổi tối có chương trình văn nghệ đón Xuân. Sở dĩ tôi nhớ được là bởi một năm suýt nữa tôi được biểu diễn trong màn đồng ca của lớp Cánh Từ Vân , Vĩnh lột thì là một nhẽ , vì bọn hắn quá nổi tiếng với tiếng hát , tiếng sáo nên không có cuộc vui nào là không có chúng hắn . Chứ như tôi với mấy tên nữa .... khi chọn người tham gia văn nghệ là những cái tên được thầy cô nghĩ đến loại đầu tiên . Lần này , thầy Tiến làm một tiết mục đồng ca cả lớp , tưởng chắc ăn, nào đâu có ngờ … Hôm tổng duyệt , chẳng hiểu sao, thầy Từ bỗng vẫy mấy thằng tôi xuống , loại khỏi đội hình . Thầy cười , xoa đầu mấy thằng đang tiu nghỉu ... Thấy man mát , tôi chợt ngớ người , thì ra… chỉ tại cái đầu trọc . Số là hôm tôi với mấy thằng bạn nữa sang khu nhà lớp 7 chơi , thấy mấy anh ( Dân Miền Nam ra ) đang cắt tóc cho nhau . Rồi chẳng hiểu ma quỷ đưa đường thế nào , nghe các anh thấy bùi tai , chúng tôi cho các anh biểu diễn tay nghề , gọt trọc đầu mình luôn mà lại còn thấy hãnh diện về lớp khoe với mấy thằng ở lớp .May sao thầy Tiến phát hiện , chứ không e rằng đám con trai lớp tôi hôm ấy đã là sư cả lũ rồi . Nghĩ lại mà cười đến nôn ruột .
Bây giờ , tôi vẫn không thích, không đi xem pháo hoa vẫn bắn vào đêm giao thừa . Một thứ pháo chung, không một chút riêng, nhạt như một thứ hoa giả, một Manơcanh, đẹp thì có đẹp nhưng không có hương, có vị , thấy mà vô hồn , buồn xa lạ . Thế rồi , hàng năm, cứ Xuân về Tết đến , dù có bận đến đâu , bao giờ tôi cũng tự mình ngồi gói bánh chưng , gói giò , rồi trang trí nhà cửa , treo đèn lồng , mua cây đào , cây quất ... để lại có được cảm giác đắm mình trở về một thời đã qua với những giấc mơ về pháo , với những kỷ niệm tuổi thơ bên những bạn học xưa nơi đất Quế trong cái Tết xứ lạnh của những đứa trẻ xa nhà .
Nguyễn Thành Luân .