Hôm rồi, gặp lại thằng bạn trước học với nhau ở trường Sư phạm, giờ đã là sếp lớn. Nhìn khuôn mắt hắn hốc hác, bờ phờ, đói ngủ, tôi hỏi: Làm sếp, thằng nào cũng béo đỏ như con tôm luộc cong đít mà sao mày lại vậy, hay dính quả chi mất chức rồi. Hắn vừa ngáp, vừa lè nhè; Mất được lại tốt, còn được giấc ngủ. Rồi tu một hơi như con bạc khát nước, hắn mới trợn mắt nhìn tôi hỏi: chớ mày không biết gì hả, vậy mà cứ làm bộ ngày nào cũng đọc… Rồi không đợi tôi trả lời, hắn nói liền: Chuyện động trời: mấy bà mầm non trên tao không hiểu sao lại kéo nhau đình công.
Hả? Ồ…, quả là động trời! Chuyện này tôi có đọc qua báo mạng song cứ nghĩ đấy là chuyện mấy cha nhà báo hay moliphe lên để câu độc giả chứ đâu nghĩ là thật. Mà có thật cũng đâu là lớn đến mức mất ăn mất ngủ. Hừ…Vậy là cái gốc giáo dục đã có dấu hiệu của tuổi tác rồi ư?
Nhưng kỳ thực mà nói, thật tội cho các cô giáo mầm non. Tiếng là nghề giáo trong cùng một hệ thống và được ca ngợi, tôn vinh là những người đặt nền móng đầu tiên cho cái gọi là dạy người ta làm người. Các cô có vinh dự là người vẽ nét bút đầu tiên lên tâm hồn đời con người, ấn định sự phát triển của nó sau này. Và bao mỹ từ khác, các bài hát ca ngợi, những lời chúc tụng, hứa hẹn khiến các cô sung sướng ửng hồng khuôn mặt ngày khai giảng và ngày 20-11. Những cũng chỉ thế thôi rồi tất cả lại vào quên lẵng. Sự thờ ơ, cái nhíu mày, cái lảng tránh khi các cô cần gặp lãnh đạo. Rồi cực chẳng đã lại là những lý do: Tình hình chung rất khó khăn, địa phương đang tập trung làm …này, kia…Còn các cô thì mãi trông đợi, mà giống đời, người ta càng trông thi lại càng thấy hút bóng. Vậy sao không chạnh lòng!
Chiêu một ngụm, Tôi nhẩm tính: Lương trừ đi rồi còn độ 500 000 đồng, mỗi ngày các cô sống bằng 15 000 đồng, làm việc hơn 8 tiếng/ngày tính ra 1 giờ không đầy 2000 đ. Thật khó tin, song lại sự thật. Làm việc quần quật suốt ngày không đủ tiền mua một bát phở cho chồng ốm nằm nhà. Chuyện thật hy hữu mà lại là phổ biến với các cô giáo mầm non. Một tháng trời làm cũng chỉ bằng anh đi xây 3 ngày, chị gặt lúa thuê 4 ngày, và bác công chức xơi hơn 20 bát phở buổi sáng…Thật bi đát! Vậy mà các cô vẫn sống, vẫn làm việc cặm cụi, có cô đã gắn bó như thế hơn 20 năm. Việc hôm nay cũng là cực chẳng đã mà bỏ dạy, đi kêu đấy thôi.
Nhưng sao các cô lại làm cái việc động trời ấy, một việc làm chưa hề có tiền lệ ở cái ngành cao quý này. Và tại sao lại là ngày Khai giảng, ngày mở đầu năm học mới, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường kia chứ.v.v…Quả là bi hài, cũng không còn cách nào khác, thời điểm nào khác. Thôi thì cũng là một lần, cắn răng vậy, bấm bụng vậy, xót xa lắm mà làm, nào sướng gì đâu. Biết sao được, khi người ta không thể còn đói hơn nữa, khổ hơn nữa, khi mà người ta đã mất hết cả niềm tin, khi mà những lời hứa cứ như mọc cánh theo gió mà bay để lại cho các cô cái nhìn hụt hẫng. Mà cả đến giờ vẫn vậy thôi, vẫn là những lời hứa…
Đến nước này rồi mà vẫn hứa và hứa đến bao giờ? Tôi gằn giọng hỏi thằng bạn. Đôi mắt đỏ kè, bầm lên những tia máu, hắn nói như vô hồn: Không hứa, tao còn biết làm gì khi tao không phải là người quyết định, cơ chế mà... Giọng hắn chùng đi, nghẹn lại, rồi hắn bỗng dốc túa lua vào cái cổ họng đang dỏng lên trong những cơn khát…mà cũng chẳng biết hắn khát cái gì!
Tôi ngước mắt lên, ngoài kia, phố phường nhộn nhịp. Tan trường, trước cổng trường mầm non, mấy cô giáo mặc váy đi trên những chiếc xe tay ga đúng mốt. Ừ, đâu phải là khổ, họ sướng đấy chứ. Tháng bạn tôi lại gầm gừ: mày tưởng họ sống bằng lương dạy học đấy à. Tầm gửi cả đấy thôi. Ừ nhỉ! Tầm gửi…Phải, họ vô tư đâu biết thân mình chỉ như thứ tầm gửi sống dựa vào những đồng lương, đồng bổng của chồng. Còn lương họ không biết mua được mấy hộp bia cho một bữa nhậu của chồng đây?
Còn các cô giáo kia, đâu được vậy, có tầm gửi, họ cũng chỉ bám trên những thân chồng đã còi cọc, khô héo, không còn nuôi nổi mình, huống chi còn vợ con deo bám trên lưng. Chao! chua chát sao cái câu ca: Thân em như… thuở nào, bây giờ lại vẫn là hiện thực. Phũ phàng là thế mà vẫn sáng chiều cặm cụi không một lời kêu ca, các cô như thế bao năm trởi để đến bây giờ mới bật lên tiếng khóc…xót thương cho chính tình cảnh, số phận mình.
Nhưng số phận, tình cảnh đó đâu chỉ là ở một trường kia, ở những con người cùng đường tự phát bật lên như thế. Nó là nhiều số phận, nhiều con người, nhiều nơi… những xem ra, họ đều cam chịu, lặng thinh, tự bào mòn, ngậm đắng, chỉ cốt sao có được một việc làm. Mà cũng lạ, xã hội này, thời buổi này, cái việc làm nhà nước lại có ý nghĩa sống còn, là thước đo phẩm giá và đẳng cấp con người dù rằng đồng lương không bằng một anh thợ xây, một cô thợ may bên ngoài. Một quan niệm nghĩ thật chua chát. Nhưng cũng đừng trách gì họ, hãy thông cảm và chia xẻ. Không vậy mà nhiều người tìm đủ mọi cách: mua bán, đổi chác, bất chất tất cả, chỉ cốt có được cái tiếng là người nhà nước đấy hay sao!
Tôi lại uống …lại lan man nghĩ về những đứa học trò. Mỗi lần Tết về, đến nhà lại nửa đùa nửa thật: Theo thầy, chúng em giờ đâm khổ, bọn thằng X, Y xưa nó học như thế mà bây giờ nhà cao cửa rộng, còn bọn em thì…Tôi cũng chỉ biết cười buồn ra nước mắt, thương cho cái nhiệt huyết của mình làm khổ lũ trẻ. Phải rồi, dạo này có đứa nào học được chút chữ nghĩa theo nghiệp thầy đâu. Chỉ còn những đứa chữ rơi, chữ rụng mới bất đẵc dĩ mà vào sư phạm thôi. Cũng chả trách chúng được, có theo, có học rồi cũng có chỗ đâu mà dạy, mà thi thố tài năng. Tôi lại nhớ thằng bạn có đứa con học đại học sư phạm Hà Nội I cứ động viên con cố gắng lấy cái bằng giỏi để về xin việc cho dễ, nào ngờ có bằng giỏi rồi, thất nghiệp vẫn hoài thất nghiệp, giờ phải quay đi bán hàng kiếm sống. Cuộc sống thật kỳ lạ. Những gì tốt đẹp dường như chỉ nằm trong sách vở, qua bài giảng của thầy cô, giáo huấn của cha mẹ. Hèn chi mà giờ thầy cô có dạy bảo, tui trẻ cũng chỉ làm thinh, chúng không vặc lại cũng đã là may lắm rồi. Chà, sao cốc bia đắng thế! Rõ thật chán!
Bẵng đi, hôm qua, đang lọc cọc trên cái xe cà tàng chợt một chiếc xe con đen bóng lộn ép sát, rồi dừng lại làm tôi suýt ngã. Chưa kịp văng câu chửi, đã lại thấy cái bản mặt thằng bạn. Chỉ có điều hôm nay nó phơn phơ hơn, comle hơn. Rồi cũng không kịp để cho tôi há miếng, nó bảo: xong rồi. Tôi tròn mắt: xong cái gì? À, chuyện bữa trước đó. Hừ, vẫn là giọng ông lớn. Thì ra vậy! Cầm cốc bia, không dốc thẳng vào họng như lần trước, hắn bảo: các cô sống rồi. Lại chuyện ấy. Chẳng bảo tôi cũng biết. Bây giờ các cô giáo đã được hỗ trợ dù chủ yếu vẫn nhờ lòng hảo tâm của cúa doanh nghiệp. Chính quyền tạm chi hỗ trợ thêm 300 000 đồng/tháng nữa. Thôi chưa đủ no, song không chết lả cũng là may lắm rồi. Giờ là 800 000 đồng/tháng, 27 000đồng/ngày. Có trót thèm ăn bát phở 20 000 đồng cũng còn 7000 đồng để mua rau. Có còn hơn không. Số tiền cả tháng ấy cũng chỉ đủ tôi và thằng bạn uống bia bù khú với nhau được 3 bữa. Tôi mừng. Từ đây các cô đỡ khổ hơn, các cháu lại được đến trường. Tình người lại được sưởi ấm. Tiền bạc không làm cái nghề này vấy bẩn.
Lần này, hắn đi vội, tôi một mình ngồi lại, tư lự. Những tình cảnh này được đến bao giờ? Bao giờ giáo viên mầm non mới được nhìn nhận đúng và đãi ngộ xứng đáng đây? Cơ chế ư? Không ! Con người. Phải, chỉ là con người mà thôi !
Nguyễn Thành Luân .