Tôi nhớ mãi những ngày sống bên đất Quế lâm, cứ chủ nhật, tụi Khắc Hải, Quốc Khánh vẫn tung tăng hơn hở đi ra Thành phố đến khu an dưỡng cán bộ Miền Nam để thăm ba chúng nó đang ở đây. Những lúc ấy, tôi thường thấy hụt hẫng, buồn và thèm đến lạ cái cảm giác và ao ước một ngày có người đến gọi”Luân đấy con, ba đây!” để tôi được chảy nước mắt, ùa vào lòng Ba ấm áp và tự hào vời lũ bạn… Những chủ nhật buồn cứ thế trôi đi, mang tuổi thơ tôi chìm dần theo năm tháng cô đơn, buồn tủi.
Rồi tôi cũng lớn lên vô tư như bao chúng bạn, học hết lớp 7, tôi về nước, cũng lại là đứa nằm trong đợt về cuối cùng vì không có ai đón về nhà. Buổi sáng ở ga Hàng Cỏ, trước khi lên xe về trường HSMN số 1 ở Đông Triều, Từ Vân đến chào ở lại, xe thêm thưa người, càng gợi cho tôi nỗi buồn, nhớ và thèm có Ba bên cạnh. Những năm tháng ấy cứ vậy qua đi, Tôi vẫn sống , cứ hy vọng và chờ đợi đằng đẵng như thế . Chỉ đến sau ngày đất nước thống nhất, bạn bè chia tay nhau trên đất Bắc, tôi mới biết Ba mình đã hy sinh trước ngày tôi sang Quế chỉ sau ngày mẹ tôi mất có 1 tháng trời. Từ đó, tôi mới biết mình mồ côi và lầm lũi bắt đầu bước vào cuộc sống của một kẻ không nơi nương tựa với những năm tháng khốn khó cuộc đời.
Cũng từ ấy, tôi đi tìm Ba tôi qua mọi người, những người thân còn lại, những người đồng ngũ với Ba…nhưng chẳng ai biết. Người nói Ba ngã xuống nơi đất Nam trung bộ, Người thì bảo Ba hy sinh trong trận đánh ở Miền đông Nam bộ…Chỉ duy có điều họ đều nói là trận đánh ấy ta mất nhiều lắm, Ba nằm lại, đồng đội không lấy được xác. Và rồi năm tháng chiến tranh cứ thế triền miên, những mảnh đất ấy bom đạn cày lên cày xuống không biết bao lần…Và Ba ơi đã là cát bụi như bao đồng đội của ba ngã xuống để trở thành những liệt sỹ vô danh trên chiến trường. Cho đến giờ, nửa đời người rồi, tôi vẫn không biết, không tìm được ba tôi nằm đâu.
Rồi tôi trưởng thành, có gia đình, có công việc song nỗi đau riêng về ba thì còn mãi. Tôi vẫn không nguôi mơ ước có một ngày có người lính già trở về hỏi tên tôi và nói: Ba đây, như câu chuyện nào thần tiên tôi có lần đọc trên báo. Và rồi thành lệ, cứ ngày này, hàng năm, 22 tháng 12, tôi lại làm mâm cơm, thắp nén hướng để tưởng nhớ ba, nói chuyện với ba về cuộc đời qua tấm hình Ba còn để lại. Ba tôi trẻ lắm, ngày hy sinh mới 28 tuổi. Có lẽ vậy mà cả cuộc đời mình tôi luôn có ấn tượng, thiện cảm đặc biệt với những người mặc áo lính. Bởi đấy là màu áo ba tôi đã mặc, họ là đồng đội Ba tôi. Vậy nên, khi xem tấm hình các Quế lính hát Khúc quân hành mà bạn Quế gửi qua trang Bạn trường Bé, tôi cứ thấy cay nơi sống mũi. Nỗi nhớ về ba lại cồn cào khôn nguôi.
Những năm bên đất Quế, cấp 1, tôi học với những đứa bạn cùng tuổi và đều sinh ra lớn lên trên đất Bắc. Lên cấp 2, tôi mới bắt đầu được học với các anh chị lớn tuổi hơn từ Miền Nam ra. Trong tôi lúc áy, các anh chị thật đẹp, oai phong, bởi tôi nghĩ các anh, các chị đều là những dũng sỹ diệt Mỹ, những người từ chiến trường ra. Vậy nên tôi và những thằng bạn chỉ dám đứng xa chiêm ngưỡng, thán phục chứ không dám lại gần chơi cùng như đám con gái. Tôi vẫn nhớ anh Vân, anh Vinh với những chiếc mũ tai bèo mà lũ chúng tôi lúc ấy coi là tài sản quý giá thèm khát ao ước có được nhất. Và trong sâu thẳm, tôi vẫn thầm hỏi không biết các anh các chị có một lần gặp ba tôi không. Tôi cứ vậy, nhớ Ba qua những suy đoán trẻ thơ của mình. Lâu rồi thành kỷ niệm không quên.
Viết những dòng này tôi muốn cảm ơn, chia xẻ, chúc các Quế có may mắn hơn tôi biết trân trọng gìn giữ những báu vật hạnh phúc mà các bạn đang có trong cuộc đời mình: đó là Ba Má, gia đình mình.
Không biết trên cao, Ba tôi có nghe thấy những lời này không?
Nguyễn Thành Luân .