Tấm ảnh duy nhất chúng tôi
còn có được về ba bóc ra từ căn cước cũ. Mẹ tôi coi đó như báu vật. Mang ra hiệu ảnh
chụp lại rồi phóng to lên, đem đặt trân trọng trên bàn thờ.
Nếu gọi bức ảnh đó là hiện thân
của ba, thì ba tôi bất động một cách bất lực, nhìn con mình côi cút, đói rét
suốt tuổi thơ. Ba cũng đành bất lực nhìn người vợ trẻ khốn khổ cùng cực,
sức mỏng lực kiệt, ốm đau liên miên. Nhà cửa tuyềnh toàng xiêu vẹo.
Ba đứa con nít cùng một người phụ
nữ đau quặt đau quẹo trong ngôi nhà trống hoác, mùa nắng gió Nam đưa như đưa
võng, mùa mưa rét mướt gió mùa Đông bắc thốc ngược, lạnh thấu xương, đứa nào đứa nấy run răng đánh cầm cập. Đừng nói chi đến cơm, mùa giáp hạt sắn khoai cũng không đủ no
lòng.
Nghe lời mẹ: đói ăn rau đau uống thuốc .
- Mấy chị em đi kiếm rau dền, rau
má, rau lang...rồi cả rau tàu bay, lá bù xít, dền gai. Đói.Chúng ăn được tuốt.
Vậy nên mới không chết, mới sống mà lớn lên được, mà học mà hành. Chỉ vì mỗi
một điều thật giản dị.
- Mẹ đã hứa với ba là phải nuôi các con ăn học nên người.
Thất học sẽ bị người ta chê cười là con không cha, không có ai dạy dỗ.
Nhờ vậy đó, mà không có đứa nào
mất dạy, mất nết. Mẹ con chị em lần hồi nuôi nhau cho đến ngày khôn lớn. Cũng
ruộng vườn, nhà cửa tạm gọi là ... Chỉ mỗi cha là không thể cố gắng mà làm ra
được, nên suốt đời, chúng tôi khập khiểng, mãi không thăng bằng được.
Những lúc khổ đau uất ức, tôi
nhìn lên ảnh ba mình trên bàn thờ mắt nhoà đi, thấy ba tôi cũng khóc. Có những điều không thể
giải bày cả với mẹ, tôi cắn răng ngồi khóc thầm đêm đêm bên góc bàn thờ ba, rồi thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn đó, tôi mơ ba tôi sống lại, mơ được ba an ủi vỗ về...
Rồi một hôm mẹ mang ảnh ba đi
thay áo vét cà vạt. Diện bộ mới trông oách lắm. Lý do là:
-
Các con lớn rồi, ba cũng cần phải lịch sự, đàng hoàng
hơn.(?)
Mẹ còn kể rằng nhà này nhà kia, họ
có bức ảnh gia đình đủ vợ chồng con cái. Tôi ngồi nghe, thấy mình bất lực quá.
Cho đến một ngày, người cô họ
gọi đến cho tấm ảnh cũ chụp dịp ba tôi trúng tuyển vào Việt Nam Thương Tín ngân
hàng. Tôi như người bắt được của quí, săm soi ngày này ngày khác và đi tới
quyết định sẽ ghép cho mẹ - và cho cả chúng tôi nữa tấm ảnh có đủ vợ đủ chồng,
đủ con cái như người ta.
Mẹ tôi sinh năm 1938 chừ tuổi đã bảy mươi tư, tí nhớ tí quên, và phần nào đó đã hoá con nít. Tôi cặm cụi ghép ảnh rồi
phóng to treo giữa nhà để mẹ nhìn cho rõ. Bức ảnh mà phần mẹ và các con chụp
sau ngày ba mất đến 4 năm. Phần ảnh ba chụp trước đó dễ có đến 10 năm. Nhưng có hề gì! Mẹ tôi lượn qua lượn lại nhìn ảnh cười sung sướng
ra chiều mãn nguyện lắm. Con tôi thấy bà ngoại mừng lại lo
lắng bảo:
- Mẹ lừa bà ngoại. Đó là ảnh ghép. Không phải thực.
Lời con trẻ vô tình như nhát dao cứa vào vết thương mãi chưa kịp liền da.
Đành dỗ dành con: mẹ làm sao có được ảnh thực. Nên thôi đành
vậy!
ttqm
(Bài này mình nhặt được-là tâm sự của một đứa con Liệt sĩ, thấy có cái gì đó giống chúng mình quá, nên dán lên bù cho bài toàn ảnh hôm trước)