Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Ma

Ma ... Fia con nè, các cậu các dì sợ chưa??

HALLOWEEN

Mấy bữa nay bọn ma nhí quậy tưng ở đảo quốc Singapore. Nhìn tụi ma zui zẻ, mình như thấy trẻ lại. Rõ ràng con người ta có nhiều cách để thoát khỏi cuộc sống đơn điệu, buồn tẻ thường ngày. “Con ma” sao gẩn gũi với đời thường , đâu có gì đáng sợ. Các bạn cho sắp nhỏ ở nhà coi với nhé. Tin ảnh “thời sự” đây!

                                                                                                                                   SG 31/10/2013
Xác ướp trỗi dậy mang lại niềm vui cho các chị , các bà.
quán ba chăng đầy mạng nhện, tối âm u, mình phải chụp đèn.
 nến với đầu lâu, chung quanh là ma nữ chạy bàn.
Ma xịn thế này, các chàng Quế có mong bị ma bắt?
mọi người thích thú xin chụp ảnh cùng ma.
Bảng chỉ dẫn treo khắp nơi
Pháo cũ đài của Nhật, được "ma" mượn tổ chức lễ hội
Một "người" bị treo cổ trong pháo đài

Cô gái Malaisia này họ"Ma" liệu có "bà con" gì với
các Quế Ma..Fia, Quế Ma...Lai nhà mình không nhỉ?

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

ĐÔNG TRIỀU "SPA "

Ở khu Dân tộc, muốn đi đến E42 (Trung đoàn pháo) phải đi hơn 1km, qua cái đập chắn nước của 1 cái hồ. Mùa hè, chủ yếu là đám học sinh khu Dân tộc tắm (tiện tay giặt luôn đồ) vì nếu từ trường chính qua thì lại quá xa, quá vất vả so với nhiệm vụ tắm rửa. Nước trong hồ thì biết rồi, do không có dòng chảy nên độ trong trẻo cũng ở trạng thái bất cập (ấy, ngôn ngữ ngày nay nó vậy, rắc rối lắm). Tuy nhiên so với cảnh chen lấn nhau, la hét ỏm tỏi, giành gàu múc nước tại giếng chung thì cái sự đánh đổi là là rất cần thiết và hơn thế nữa, để bảo toàn sức khỏe mà.
Đám chíp chíp hồi đó chuyên môn theo các anh trong lớp ra đó cho thỏa chí tang bồng. Vậy mà giật mình nghe. Không phải chỉ mình mình biết bơi, các anh trong lớp cũng biết nhưng khi chúng tôi lao xuống nước thì các anh phải trầm trồ "Mấy thằng Tàu khựa này bơi đẹp quá. Bên đó họ dạy bọn mày hả?" Lúc đó khoái chí lắm, bày đặt dạy lại từng động tác bơi cho các huynh trong lớp. Mà lạ thật, hồi ở bển (hồi ở nước ngoài đó, hic), không nhớ có thầy dạy bơi cho mình không, chỉ biết chiều nào cũng tranh nhau ào xuống bể bơi, thách đố nhau bơi mà trình độ được nâng lên thuộc hạng thượng thừa so với đứa chưa biết bơi.
Ở giữa hồ, cách bờ khoảng 200m, nổi lên 1 cái cồn (cồn thật, không được nói lái à) cây cối mọc rậm rạp. Thằng nào, thằng nấy mải miết bơi qua cồn rồi bơi về mà không biết sợ. Bơi mệt thì nghỉ rồi ngồi tiến hành công đoạn chính - kỳ cọ. Đoạn này mới kinh đây. Cuộc sống tập thể, ở nhà thì trên đất, dưới đất, giữa đất nên toàn thân cũng đất luôn. Kỳ đến đâu, trắng đến đó. Đất rơi lả tả, nhiều hơn quân Nguyên. Màu mỡ quá mà. Vậy là, cá con ở đâu xông tới hàng đàn. Lúc đầu còn lịch sự, lượn lờ đớp mồi loanh quanh tạo cảm hứng. Sau rồi, khi phép lịch sự tan biến thì chúng a lát xô xông vào rỉa luôn người mình. Cảm giác khi đó như có hàng trăm cây kim li ti chích vào. Hơi xót xót, hơi nhột nhột. Ban đầu còn cười cợt, kích bác nhau tội ở dơ. Chỉ 5 phút sau thôi là cả đám xách quần, chạy mất dép vì chịu không thấu. Ngày nào cũng như ngày nào. Vậy đấy.
40 năm sau, đọc mấy bài báo, nghe nói ở Đài Loan rộ lên mốt cá rỉa chân trong Spa dành cho quý bà, quý cô. 1 lần cho cá rỉa tới mấy triệu Việt Nam đồng. Đắt xắt ra miếng. Vậy là tự đấm ngực thùm thụp mà kêu rằng: " Ngu lắm. Ngu có sạn trong đầu. Số sướng, được hưởng chùa mà không biết hưởng. Như họ phải trả cả tiền triệu mới được cá rỉa, còn mày thì...". Hối hận quá nhưng không kịp rồi. Than ôi.
Khi về Nam, may mắn tớ lại ở nơi có biển nên thỉnh thoảng vẫn có chỗ để văn ôn võ luyện cho khỏi quên bài. Nói vậy cho oai, chứ thực tế chỉ mới 5, 6 năm nay thôi. Đi biển là xốc thằng con 5 tuổi theo. Khóc gì thì khóc vẫn quăng xuống biển. Vậy mà nên người. Khi phong trào phụ huynh sợ con bị đuối nước lan rộng khắp cả nước thì thằng con đã không biết sợ nước rồi. Cứ mùa hè, cuối ngày, cả cha và con huỳnh huỵch ngoài biển thì làm gì mà không biết bơi. Lại cho học bơi cấp tốc trong bể bơi tới 2 năm (2 hè), do thầy kèm nữa nên cu con mới học lớp 5 nhưng bơi còn hơn bậc sinh thành. Đã đời. Giờ thì ai sợ gì thì sợ. Riêng về món bơi, tớ quên sợ rồi. Nhiều khi rảnh rỗi, nhìn lại thằng con, rồi tự hỏi: "Quái, sao giống y Hoàng Anh hồi nhỏ". Cũng tròn win, cũng huỳnh huỵch. Chỉ có điều da trắng thôi (cái này thì không giống Hoàng Anh, chắc giống bố đây). Thầy giáo cứ tấm tắc: "Cả bể bơi này, độ tuổi đó, có mỗi thằng này là chuẩn". Sướng tái tê, buốt hết cả người. Giờ thì thằng con đã 11 tuổi, suốt ngày gạ tập bơi cho mẹ. Khổ thân, cháu còn nhỏ nên suy nghĩ không chín chắn. Không ai nỡ trách trẻ thơ. Nghĩ gì nói nấy. Mẹ nó mà xuống hồ bơi thì đến thầy dạy bơi cũng nổi lên trên vì nước tràn bờ, nói gì là bố con nó.
M.Phong

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

KHÔNG CHO CHÚNG NÓ THOÁT

"Ở Đông Triều các đại ca quên vụ vào quán phở, nghe kể ăn phở thì ít mà cả hũ hành dầm dấm to đùng của họ xơi hết! @Q.MF "
Xin phép cho tôi kể vài mẩu chuyện ngày ở BKHN, ủng hộ nhé.
Q.MF nhắc làm tôi lại nhớ: Cái đói nó đeo đuổi lũ chúng tôi ráo riết lắm, không biết sau tốt nghiệp ĐH thì gọi là gì chờ, nhẽ là việc chờ à? Thằng Vinh mập, thằng Châu rót, thằng Quốc lủi (nó mất rồi, hãy yên nghỉ nhe thằng bạn) chúng nó tốt nghiệp cả, đang chờ phân công, không nơi nương tựa, thế là nhao hết vào tôi, mới Thái Hà và thằng Dũng cò teo (là em HSMN), ba thằng đang còn học. Chúng tôi chỉ có ba vé ăn thôi, nhưng miệng ăn là tám đứa.
Thường ở BK đi ăn phải xuống nhà ăn, bốn chú một mâm, nhưng bọn tôi phải năn nỉ xin mang ba xuất về để cứu đói đồng bọn. Vào bữa không cho dùng bát nhé (mà có dùng cũng chẳng đủ cơm mà xới), đổ hết vào trộn lên và bụp, chỉ độc nhất thìa xoay chừng, độ bốn năm vòng là mưa rào tạnh, nồi khô veo. Mấy tháng trời đói tê tái, mà mặt vẫn tươi. Sau chúng tôi gọi vui đó là thời kỳ mùng 8 tháng 3 (tức 3 vé nuôi 8 thằng), hà hà.
Đói, nên khi có miếng ăn là cà cuống lên ngay. Lần lẩn tôi lãnh phụ cấp (thượng sĩ bộ đội mà), có tiền chiêu đãi cả hội, hội này vui lắm lúc đi ăn mà lừa được thằng nào không có mặt là vui như tết. Thằng Châu rót mượn cái xe đạp cà tèng và cái áo ba-đờ-suy của tôi, nhẽ đi cua gái. Cái xe đạp của tôi mà tả lại thì ghê răng nữa, thôi để kể chuyện tiếp đã. Chúng tôi rủ nhau ra chợ Đuổi ăn cháo lòng tiết canh, cháo lòng tiết canh ở đó thì ngon thôi rồi, đấy lại nuốt nước bọt phòm phọp rồi.
Kể thêm tí về thằng Châu rót nhé, hồi bên Quế nó chưa có biệt tài gì, ấy thế mà càng nhớn tài năng của nó càng trổ. Nó mà ôm đàn ghi ta hát thì mê ly rụng rốn luôn, dù đói nhưng nó hát vẫn hay và hết mình. Đời sinh viên thế là vui rồi. Chính vì đói nên khi ngồi trên lớp nó chỉ học ký chữ ký của cô Chuốt, là cô mà giải quyết các trường hợp mất vé ăn đột xuất ở nhà ăn. Tất nhiên muốn được duyệt thì phải nhăn nhó trình bày mệt mỏi rất. Và nó ký chuẩn lắm, qua hết, cái đói đã được cải thiện. Một lần nó biên thư cho ba nó xong, theo phản xạ nó ký luôn: con của ba Nguyễn thị Chuốt, mà không hề hay biết. Ba nó biên thư lại hỏi con đổi tên thành Chuốt từ khi nào vậy. Cả bọn được phen vỡ bụng, tôi thật.
Trở lại chuyện, chúng tôi khóa cửa phòng rồi đi, được hơn trăm mét thì thằng Châu rót ở đâu phăm phăm phi xe về đến cửa, thấy chúng tôi xa xa nó líu lưỡi goi: Ớ đi...đi đâu đấy bọn...bọn mày ơi? Thằng Dũng cò teo tỉnh queo trả lời: Đi ôn bài, rồi chúng tôi rảo bước nhanh hơn. Đánh hơi thấy không ổn, có vẻ có mùi ăn, nó liền quăng xe ngay trước cửa, chạy vọt theo kệ xe mới chả cộ. Thằng Thái Hà đưa chìa khóa phòng bảo nó quay lại cất xe, nhưng nó lắc đầu nguầy nguậy, chỉ sợ rằng khi cất xe xong trở lại mà bọn tôi biến mất thì toi bữa, nên nó quyết liệt đeo bám. Thôi thế là không cắt đuôi được rồi, tôi đành phải quay về cất xe vậy, của đau con xót mà.
Quán cháo lòng tiết canh chợ Đuổi lúc 3h chiều cũng vãn bớt khách, chúng tôi ào ào bước vào, mỗi đứa chỉ một bát thôi nhé, nếu tiết canh thì thôi cháo lòng, ngược lại cháo lòng thì thôi tiết canh, tôi nhắc. Và tất cả gọi tiết canh hết. Vào cuộc thằng Châu rót vớ ngay lọ ớt dầm xúc lấy xúc để, nó chiêu một miếng nhỏ mồi thì kèm theo hai ba thìa ớt, tôi hỏi nó không cay à, nó hít hà không... không... rồi nó lại xúc cho cạn lọ ớt, khà khà ớt dầm kèm tiết canh. Cái này chắc nó theo bản năng ăn phở khi xưa ở ĐT, cái gì múc được là múc. Không cho chúng nó thoát nhề Châu nhề?
Tôi cũng chưa bao giờ kể cho con gái tôi nghe về cái đói ngày xưa, nếu có kể ra thì chúng chắc cũng chẳng tin đâu, nhưng là thật. May mà đổi mới, đời lại ấm no...
XH.

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Các Quế coi nè!

Trang http://bantroi5.blogspot.com/2013/10/tin-nhan-tu-ca-mau.html#more
Được đăng bởi TranKienQuoc vào lúc 12:15

Tin nhắn từ Cà Mau


Hôm qua, sáng sớm nhận được tin nhắn của cô Đàm Thơ:
Tháng Mười đã cảm nhận rét
Hình như mùa Đông đến gần
Mây trời chắc bay lơ lửng
Rất gần có phải không em?

Mình nhắn lại:
Hà Nội mới se se lạnh,
Trời Thu vẫn xanh, rất xanh.
Hà Nội nhớ cô lắm đó,
Bao giờ ta lại gặp mình?

Cô ơi, hãy luôn khỏe nhé,
Để mình thỉnh thoảng gặp nhau.
Cứ gặp là vui như Tết,
Dù Hà Nội hay Cà Mau.

Cô lại trả lời:
Em cứ yên tâm đi nhé,
Cô sẽ cố gắng giữ gìn
Sao cho lúc nào cũng khỏe
Để ra vui với các em.

Sang năm có hai cái hẹn:
- Giỗ đầu bà mẹ nuôi cô
- Học sinh Miền Nam họp mặt,
Cô đang sốt ruột ngóng chờ.

Hẹn nhau sang năm em nhé,
Cô trò lại vui nổ trời,
Chỉ cần nghĩ đến ngày đó ,
Là tim muốn nhảy lên thôi.

Và lần này nhờ Báo liếp gửi tin nhắn trả lời:
Chúng em cũng thế, cô ơi,
Bọn nó cứ nhắc cô suốt,
Dù mới gặp mấy bữa thôi,
Mà thân như chị em ruột.

Lính Trỗi Hà Nội nhớ cô,
Ngày nào chả vào Báo liếp,
Để tìm đọc bài của cô,
Nhưng lâu chưa thấy cô viết?

Cô luôn vui khoẻ, nha cô.
Cứ thế, đời vui, cứ thế.
Và mình hẹn nhau cô nhé,
Sang năm gặp ở Bờ Hồ.

HN, 26/10/2013

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

NHẬP GIA TÙY TỤC ( Tiếp theo )

BẢN LÃNH ÔNG NGƯỜI
Lán lớp 8B của tôi nằm ở bìa làng, lưng tựa rặng tre, mặt hướng ra đồng, bốn xung quanh Hổ lao là sông, muốn vào làng buộc phải lội sông hoặc đi thuyền. Nhẽ trong thời gian chúng tôi đang ăn chơi nhảy múa ở HN thì các anh các chị các bạn đã dựng xong lán trại, tôi hòa nhập nhanh như không cần hòa nhập, nó gần như là bản năng. Nhận chỗ nằm xong là bọn tôi khám phá ngay, đầu tiên phải xác định nhà ăn trước, nhà ăn nằm trên đồi, nơi cao nhất. Đến bữa các lớp cử người lên mang cơm về, rồi chia mâm.
Bữa cơm đầu tiên ấn tượng mới tôi lắm, ngô độn cơm đỏ au, canh bí ngô đỏ au, nước chấm rang gạo cũng đỏ au điểm vài miếng thịt mỏng như tờ giấy lượn lờ ở trên, sáu người một mâm, chỉ mười phút là xong bữa, rồi hối hả uống nước trà gạo rang cho no thêm. Và bữa nào thực đơn cũng giống nhau, sau này tôi được biết ăn bí đỏ bổ óc lắm, hèn gì HSMNĐT tỉ lệ đỗ ĐH cao vật, chuẩn của nó đấy.

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Thơ của Quế Nguyễn Thúy Liễu

      EM VẪN CÒN YÊU ANH

                ***@***

Em vẫn còn yêu anh ! . . còn yêu anh
Lá vẫn còn xanh
Mặt đất tràn đầy kỷ niệm
Mùa xuân đi rồi đến
Mặt trời hồng lặn xuống đại dương

                    ***@***

Em còn yêu anh , vẫn còn thương
Một cánh chim đơn côi bay về tưởng niệm
Hạnh phúc ngày xưa lạc loài tan biến
Anh hiểu rằng : em vẫn yêu anh

                   ***@***

Em còn yêu anh lá còn xanh
Mùa xuân tràn trề hạnh phúc
Bướm ong nhởn nhơ hút mật
Trời xanh mang đầy kĩ niệm tình em

                 ***@***

Người yêu ơi, có biết không
Bầu trời giăng mây đầy chắn lối
Mặt đất sóng thần đang dữ dội
Chẳng thể nào che được bóng hình anh
Em vẫn còn yêu anh . . . Lá còn xanh /


Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

TIN BUỒN

                                                  TIN BUỒN                  

                        
                          Anh Nguyễn Thanh Xuân sinh năm1954
                          Nguyên quán Tam Kỳ-Quảng Nam
                          Từ trần ngày 19.10.2013 tại Đà Nẵng
                          Lễ viếng ngày 21.10.2013.
                          Lễ di quan ngày 22.10.2013
                          Vợ là Ngô Thị Vân(Quế Lâm)
_   _____________________________________________________
                                                                          Tin từ Trần Hòa Phú

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

CHÚC MỪNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10


XH

Cần có một tấm lòng ... (tiếp theo và hết!)

Tồn tại nơi “vị trí tiền tiêu” miền Trung nắng gió và đầy ký ức chiến tranh này, MF chứng kiến những cuộc đi qua của các anh các chị, Khắc Việt, Hữu Thành, Hồ Bá Đạt, Đỗ Nghĩa, Trần Lê Giang, Thanh Minh, vợ chồng anh Từ Ngữ, Đại Cương, Hòa Bình, Hoàng Xuân Thủy và cả những người bạn vong niên đồng tâm, những người bạn lính chiến một thời cùng làm nên chiến tích giản dị mà vĩ đại: giải phóng đất nước (chưa bao giờ thấy những người lính kê khai thành tích này J) như blogger Khúc Quân hành Lixeta, như “lão” Hợp, TS1, các anh Trỗi và bạn bè khác của họ mà MF không kịp nhớ tên, rồi các Trỗi K9 như tỉ EGK9 (gọi vậy là vì khóa Trỗi cuối cùng là K8, những người bạn quý mến Trỗi và gia nhập đội ngũ vui chơi online và offline này tự coi mình là môt khóa Trỗi đặc biệt) … người từ Bắc ngược Nam, người từ Nam xuôi Bắc, những chuyến xuyên Việt nghĩa tình, viếng, tìm mộ bạn, tìm, thăm gia đình liệt sỹ, thăm hỏi bạn bè, đưa tiễn người vĩnh viễn ra đi, tìm lại ký ức trên miền đất chinh chiến… Các anh đi với danh nghĩa tự gọi cho mình: “lính Trỗi” và những nghĩa cử của các anh làm miền đất như sống lại một thời nghĩa tình nặng hơn vật chất … có những cặp mắt trẻ tròn xoe từ các miền quê ngạc nhiên khi một người lạ sừng sững giữa làng mình, chúng đâu có biết hàng ngày chúng vẫn đặt bàn chân bé nhỏ của mình trên những dấu chân xưa của họ …
Sự hảo hán của lính Trỗi được thể hiện hết sức bình dị trong tư chất lắng đọng của những cựu chiến sỹ  trận mạc với khói lửa hay sóng nước một thời. Các anh đi và  gọi đây là … “đi chơi”!
Có một chi tiết ấn tượng trong chuyến đi này, là anh KVK7 tìm được … người xưa! He he, hai trong 4 nhân vật của câu chuyện “cầu Bến Ngự”, sau hơn 40 năm ròng rã, anh về đây chỉ nhắc lại kỷ niệm xưa cho vui, không kỳ vọng tìm lại một ai, không biết còn hay mất, hay phiêu bạt tận phương nào! Nhưng MF chợt nghĩ: theo anh nói các cô gái pháo binh này là người địa phương, thì chắc chắn người tại địa phương sẽ biết thông tin, mất gì không hỏi thăm? Anh KV còn nói đùa: nếu gặp thì dù nhà nàng có là thành trì kiên cố cũng ưu tiên một suất cứu trợ đặc biệt! Vậy sao không hỏi anh cán bộ mặt trận lớn tuổi đang đưa đường chúng ta kia? Người cùng thời mà? “O Bảy lính pháo à? Có một o Bảy! Nay là vợ một doanh nghiệp, nhà ngay thị trấn!” Ồ! Hy vọng là … “đúng người, đúng tội”! Các Quế xem ảnh thì đoán được câu chuyện xảy ra như thế nào! (Có điều, anh KV cung cấp cho MF " tư liệu" chính xác hơn cho câu chuyện lỡ hẹn này ở trang sau: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,4854.20.html)

Trên đường từ Quảng Trị về Huế, và cho đến những ngày sau đó, bên tai MF dường như cứ văng vẳng khúc nhạc Trịnh: sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió … cuốn đi … để gió… cuốn đi…

Đi chơi hồ Truồi. Tháng 7/2012
Rồi thăm gia đình nơi đơn vị đóng quân thời chiến tại Hương Vinh, Thừa Thiên Huế. Tháng 7/2012
"Cho tôi hỏi, có phải ..."(photo: ĐN) Câu chuyện sau cơn bão số 10
Đột ngột quá, nên tiếp khách mà dường như vẫn còn phân vân "phải không nhỉ?"(photo: ĐN)
Gọi thêm "nhân chứng" (đồng đội cũ) để  ..."điều tra" hoài niệm (photo: ĐN)
Em nhớ ra rồi!!! 
Tinh hoa của một thời bom đạn (photo: ĐN)
Hậu của chuyến đi (photo: Tuấn "ôn")

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG

                   THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG
                                        Thanh Thảo
Quê tôi nghèo mà bão lụt liên miên
Hạt thóc lép cũng ba chìm bảy nổi
Cơn gió ào ào, vô tình gió thổi
Quặn thắt lòng khúc ruột miền trung.

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Thương lắm miền Trung!


Tôi nhớ miền Trung, một dải dài cát trắng, nước biển xanh, xanh ngắt đến nao lòng. Người miền Trung vốn thật thà, chất phác nên tiếng cười tiếng nói cũng ào ào như tiếng sóng reo vui.
Tôi thương miền Trung, mảnh đất phơi sương phơi nắng, oằn sống lưng che chắn sóng dữ dội bờ, gánh trên mình hai miền đất nước phì nhiêu. Cứ mỗi năm, mỗi mùa mưa bão đến, lại thấp thỏm hoài, day dứt không yên. Thương quê nghèo ngập chìm trong bão lũ.
Miền Trung của tôi, hôm nay, sao đau thế, chỗ trái tim này khi nghe tin tức bão miền Trung. Sao nỡ nào… ông Trời lại thế…Bão số 10 vừa qua chưa kịp gượng những đau thương, nước chưa rút, chân em còn ngập lấm bùn sâu. Nhà vừa dựng tạm, cất vội gánh hàng rong kiếm bữa… Bão số 11 đã vội dồn ập đến. Và rồi… tan tác…xót lắm miền Trung ơi!
Bão lũ này, miền Trung ơi, Quế của tôi có ai lỡ bước, lâm cảnh nhà tan, tường đổ ngói tan hoang, kinh tế vừa lên bỗng lâm cảnh trắng tay, nợ ngân hàng biết lấy gì mà trả…nước mênh mông đói mòn từng con mắt… Trong cơn bão, Quế của tôi đang gồng mình chống lũ, chạy chỗ này, chỗ khác vì dân, gió thì giật, mưa trôi mưa trút, liệu bạn tôi: Quế có việc gì không?… Thương miền Trung lại thương riêng mỗi Quế, mỗi cảnh mỗi nhà, ai có giống ai…cứ bời bời lửa đốt ruột gan tôi.
Đà Nẵng ơi, mới hôm nào đẹp thế! Đêm chờ xem cầu rồng phun rực rỡ cả sông Hàn mà hôm nay sông oằn cuộn cả mình, nước ngập tràn bờ, nặng ngầu đục đỏ phù sa. Hàng lan can thơ mộng dọc bờ sông, mới hôm nào bạn bè tụ tập, tựa bên sông ngắm cảnh hoàng hôn, cơn bão qua bỗng dập vùi tơi tả, xiêu vẹo, ngả nghiêng, cái còn cái mất, trông mà thương mà xót cả lòng.
Huế của tôi, kinh thành ngập nước, dấu rêu phong cổ xưa có hóa tiêu điều? Vỹ Dạ, nhà vườn có bị bão đổ ngả nghiêng? Sông Hương đấy, nước còn xanh thơ mộng để câu hò còn đọng bến Văn Lâu. Thuyền rồng có trôi xiêu vẹo dọc bến sông? Bão xong rồi em có còn lên câu hát, điệu hò xứ Huế sao bỗng nghẹn nữa chừng!
Hội An ơi, phố cổ đâu rồi? Đèn lồng bay, rơi tả tơi khắp chốn. Con đường đi bộ ngả nghiêng cây đổ. Cầu chùa qua mưa vẫn còn ngơ ngác. Du lịch quê mình sao bống lắm gian nan. Nhà Việt khều có bị sao không nhỉ mà điện hoài chẳng thấy một ai nhấc máy?
Và Quảng Trị, Quảng Nam, Quãng Ngãi yêu thương, những cánh đồng ngập băng nước trắng, xót xa trong lòng những ngôi làng chìm sâu trong nước, lạnh thế này có đồ uống đồ ăn? Đổ nát cả rồi, ngổn ngang khắp chốn. Điện mất, tối tăm, ngổn ngang cả nỗi lòng, nước mắt người gìà nhìn vườn cây bão quật, trẻ thơ trông được cắp sách đến trường. Miền Trung ơi, đau quặn lòng tôi!

Miền Trung của tôi, Quế của tôi, trái tim tôi ở đó, vẫn từng giờ, từng phút, đau đáu tin tức bão lũ miền Trung. Vẫn biết rằng bao năm nay vẫn thế, bão qua, lũ đến, cả miền Trung lại gồng mình chống đỡ, mà sao cứ đau hoài thương lắm miền Trung!
Miền Trung ơi! Thương nhớ mãi khôn nguôi. 

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

ĐÀ NẴNG NHỮNG NGÀY QUA


Đà Nẵng đây. Đêm 14/10/2013, gió gầm rú liên tục, rít lên thành từng tiếng. Nhà mình thấp nhất - nhà trệt - giữa các nhà cao tầng nên tạo thành một khe rỗng. Gió cứ thế lùa vào, rít lên thành tiếng hú cứ như "Đồi gió hú". Xung quanh, nghe rõ tiếng tôn phần phật. Tái mặt luôn. Lo cho ông già, vợ và con nữa. Điện lúc có (được 3 lần), lúc mất nên khi có điện mình phi luôn lên mạng xem tình hình. Đến khoảng 2h sáng ngày 15/10 (khi tâm bão chưa vô) là mất luôn song cũng kịp biết nước sông Hàn đã lên tràn bờ, các quận lân cận nhà của dân nghèo tốc mái lên đến con số trăm. Đến 4h sáng thì kinh khủng. Tái hiện cơn bãn Sanxen năm 2006 dù mưa ít hơn. Lốc quần thảo liên tục cứ như muốn bốc cả mái nhà lên. Do ban đêm, không nhìn thấy gì hết và không dám ra đường. Điện cúp, mạng di động mất sóng, mà có sóng thì điện thoại cũng không còn pin để liên lạc.7h sáng mới dám ra mở cửa nhà. Tan hoang luôn. Quán cà phê Nguyệt Quế đối diện bay luôn cả biển quảng cáo, bay luôn cả mái nhà. 8h sáng xách xe chạy ngoài đường. Kinh khủng quá. Phải là tay lái lụa mới lạng lách, đánh võng qua một rừng cây cối gãy đổ, bị phạt ngang thân. Đường Nguyễn Văn Linh, Triệu Nữ Vương, Hoàng Diệu, Nguyễn Chí Thanh, Trần Phú, Quang Trung, Nguyễn Hoàng, Ông Ích Khiêm, Hải Phòng v.v... đâu đâu cúng thấy cây gãy đổ phủ kín mặt đường. Trụ điện bê tông gần nhà mình (đường kính 30cm) bị gãy làm đôi, lòi cả sắt bên trong, treo đung đưa trên một rừng dây cáp, dây điện nên không đổ ụp vào nhà dân. Bảng hiệu, pano, áp phích biển quảng cáo gãy, đổ tơi tả, xơ xác. Mức độ tàn phá mạnh hơn bão Sanxen do quần thảo lâu hơn. Thành phố khi đó (nói mang tội), như một đống rác. Tan tác hết. May mà chỉ chết 1 người. Giờ mình chưa nghe có Quế nào bị "dính". Lần thứ 3 chứng kiến tâm bão (1989, 2006, 2013), cầu mong đừng bao giờ nhìn thấy nữa, Người nghèo cơ cực quá. 9h sáng tới cơ quan. Một cánh của gương, khung nhôm bị gió tháo rời nguyên cánh, rớt thẳng từ tầng 3 xuống, găm thẳng vào mái tôn nhà giữ xe cơ quan, dựng đứng như mũi dao găm trên bánh sinh nhật. May không có ai ở dưới khi đó. Nhìn ghê hồn.
Đi vào tâm bão là vậy đấy. Ấn tượng vô cùng.
20h ngày 15/10, Luân bệu gọi vào hỏi thăm tình hình (ngày 16/10 sạc được pin mới biết có cuộc gọi lỡ). Ấm lòng tình bạn bè sau cơn bão.
  Tin : Trần Hòa Phú




CHỢ HÀN(MẶT ĐƯỜNG TRẦN PHÚ)



NGÃ TƯ QUANG TRUNG TRẦN PHÚ


TRUNG TÂM HÀNH CHÍNH ĐÀ NẴNG(MỚI)



SÂN VẬN ĐỘNG CHI LĂNG(MẶT ĐƯỜNG TRIỆU NỮ VƯƠNG)



ĐƯỜNG TĂNG BẠT HỔ

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

BÁC ƠI!


Thanh Thảo (thứ nhất bên trái) được chụp ảnh cùng với Bác Võ Nguyên Giáp trong  Hội thảo khoa học kỷ niệm ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Huế ngày 19-5-1993. 


Thanh Thảo và ông xã trong dòng người xếp hàng để vào viếng Bác Giáp ở nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội, tối ngày 12-10-2013

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Tin buồn

Ông Nguyễn Sanh (bí danh Nguyễn Thư), nguyên Phó chủ tịch tỉnh Bình Trị Thiên (Nhiệm kỳ 1977 - 1981), thân sinh của các HSMN Đông Triều: Nguyễn Thị Thu Hồng (liệt sỹ), Nguyễn Thị Thu Lan, Nguyễn An Trung và Nguyễn Chính Nghĩa, đã từ trần lúc 12h54 phút ngày 13/10 năm 2013 tại tư gia 63 Lê Huân, Thành phố Huế.
Chưa có thông tin chính thức về lễ viếng, truy điệu và động quan.
Kính thông báo

Đoàn HSMN viếng Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP.


Các út Quế - lứa HSMN sinh ra trên đất Bắc , có mặt sớm nhất .


Đoàn HSMN tập trung tại góc Lê Duẩn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa .

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Cần có một tấm lòng ... (Tiếp theo)

Đến xã Gio Mỹ, được đưa tới với ngôi “nhà tình nghĩa” bé nhỏ, tốc mái, một mẹ già vừa rên vừa cao thấp bước ra, ống chân sưng lở… Anh cán bộ mặt trận xã nói: Mệ sống một mình, không nơi nương tựa… Anh Tuấn mừng rỡ: đúng đối tượng rồi!  Một nhà thứ hai, cũng một mẹ già tương tự, nhìn ngôi nhà nhỏ bé chênh vênh trên gò đất mà lòng đầy lo lắng: Liệu thêm một cơn bão nữa, ngôi nhà này còn trụ được không? Rồi mẹ ở trong nhà sao yên? Anh cán bộ nói: rứa chơ hễ bão, lụt tới là phải tới cõng “cưỡng chế”, chớ mấy mệ không muốn rời chỗ …
“Có một người đi lợp lại mái nhà sau bão giúp cho bà con, bị trượt chân ngã, chấn thương sọ não chết, các anh chị có đi thăm không? Vì nhà này ngoài danh sách đã lập…” Sao lại không? Những nhà khác một phong bì, bây giờ hai phong bì nhập lại để thắp hương cho người tử vì nghĩa! … cứ thế xe bon theo mấy anh cán bộ mặt trận các xã, len lỏi giữa các đường làng chật hẹp, quanh co, cây cối còn đổ ngổn ngang, cột điện nằm chỏng chơ, khóe mắt dân làng dường như còn ngơ ngác chưa thôi khi cơn bão đã đi qua. MF gọi đùa đây là “chuyến tài trợ ngẫu hứng”, vì việc này vốn không có trong kế hoạch chuyến đi, các anh khởi hành khi chưa có cơn bão, lên Tây Nguyên mới nghe bão về. Ra Đà Nẵng mới thấu tình hình thiệt hại của miền Trung.

Chuyến đi cũng chiệm nghiệm được vài điều. Có anh cán bộ xã hơi máy móc, nghĩ rằng đưa ra tiêu chí thiệt hại là được hỗ trợ, nên anh dẫn đến một … nhà hàng, thêm một … quán cà phê! Híc, những nhà này kinh doanh cạnh biển, san gió, tốc hết mái tôn mừ! Các mái đã được lợp lại nhanh chóng đâu ra đấy, nên anh cán bộ phải mô tả việc mái tốc như văn miệng tả cảnh! Mà mấy đại ca thấy trường hợp nào không ổn là lại lẳng lặng lãng ra xa hút thuốc với nhau! MF không biết làm sao, công họ hăm hở đưa đường, đành nhắm mắt … đưa phong bì. Đến phát gần cuối cùng, sau mấy chặng lặn lội con đường đất đỏ, nhìn gia thế ngôi nhà, lại thấy các đại ca bắt đầu lơ lơ, MF phải … đem tinh thần Quế ra: tiền này có chút đỉnh, không đáng chi cho mấy hộ cỡ này đâu ạ! Có zậy mới thấy: mình đi tận nơi còn nhầm đối tượng, nữa là giao tiền qua một chuỗi thể chế trung gian? Có đối tượng rất khó phân giải, thí dụ như có một hộ, họ cho là không nơi nương tựa, quả thật, một phụ nữ, một mình, nhà vô cùng tạm, khai tuổi 50, nhưng sao thấy trẻ hơn nhiều, cứ lúi húi không hồ hởi chi với người đến “cứu trợ” cả!, đại ca ĐN cứ tủm tỉm: hum ni góp phần làm thầy Đề rùi … :) :)

(Còn nữa)
Theo chân cán bộ Mặt trận
Mệ đây rồi! (anh Trỗi KVK7)
Anh Quế Tuấn "ôn"
Bão còn vô nữa không? (Anh Trỗi ĐN)
Tiêu điều
Chỉ mong bà con bình an trở lại! (Anh Trỗi Gtl)
Nụ cười (Photo: ĐN)
(Các Quế có thể xem thêm ở trang này: http://anhdo90.blogspot.com/2013/10/ve-noi-con-bao-i-qua.html)

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

THÔNG BÁO CỦA BAN LIÊN LẠC HSMN

Ban liên lạc HSMN xin trân trọng thông báo : HSMN sẽ tập trung trước dinh Thống Nhất TP HCM  lúc 17h30 thứ 7 ngày 12/10/2013 tại góc Hàn Thuyên - Nam Kỳ Khởi Nghĩa để cùng vào dinh viếng Bác VÕ NGUYÊN GIÁP .

Phó ban liên lạc HSMN 
Nguyễn Mười ( anh Mười đầu bạc )

Xin chuyển tiếp thông báo này cho các anh chị em HSMN cùng biết .

THƯƠNG KHÓC THANH LAN , NHỚ VỀ VÕ TIẾN


H1 : Các bạn với Thanh Lan 
Từ trái qua : - hàng ngồi : Thúy , Mộng Linh , Thanh Lan , bé 
- hàng đứng : Thu Vân , Hùng ĐB ,...




Ôi Trời cao, hỡi Trời cao
Sao mà Tang tóc nối liền Tóc tang :
VÕ TIẾN mới MẤT hôm nào,
Mà nay lại cướp THANH LAN hả Trời ???!!!

Ôi ĐAU – XÓT – NGHẸN – LỆ RƠI,…
Tiếc Thương, Nhung Nhớ TIẾN, LAN về Trời !
Hội Quế Lâm của BẠN đây
Từ nay vắng BẠN Chia Buồn, Sẻ Vui,… !

Ôi bao QUÁ KHỨ VÀNG SON
Hội Quế Lâm cùng các BẠN tương thân :
Ấu Thơ – Gắn bó BÓNG HÌNH,
Về Già – Gắn bó TÌNH THÂN ĐẸP NGỜI,… !

Ôi bao DỰ TÍNH NGÀY MAI
Hôm nay LAN lại dở dang chặng đường !
Nén Nhang Khấn : “ BẠN yên Lòng
Chúng tôi Hứa sẽ HOÀN THÀNH ƯỚC MƠ ! “

TIẾC THƯƠNG này mãi chẳng nguôi
LAN ơi, bạn hữu Quế Lâm nghẹn lời,
Cầu mong HỒN BẠN về Trời
BẰNG AN, SIÊU THOÁT - Niết Bàn chở che !

LAN ơi !


TPHCM, ngày 10 – 10 – 2013
HÙNG ĐB



Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Cần có một tấm lòng ...

Nhận được điện thoại anh Khắc Việt nói: bọn anh đang ở Đà Nẵng, anh em góp được một sô tiền muốn giúp một số gia đình bị thiệt hại nặng vì cơn bão số 10, em giúp bọn anh tìm địa chỉ, số tiền không nhiều, đi trực tiếp đến nhà, không qua chính quyền… híc, làm sao MF biết nhà nào bị sập, nếu không hỏi qua chính quyền, dù cấp to hay nhỏ? Vì thời gian các anh ít, không thể tìm địa chỉ xa vào tâm cơn bão, MF lập tức điện thoại cho Hương Trà: không có ai bị nặng lắm, Hải Lăng, Triệu Phong: chủ yếu là gãy đổ cây cối, còn nặng nhất là tốc mái và sập nhà bếp thôi, người không ai bị chi. Xa hơn tí nữa: À, phải rồi, gọi chú Lê Hoan, nguyên chủ tịch Mặt trận tỉnh Quảng Trị, người nổi tiếng trong việc tổ chức làm từ thiện và khuyến học tại Quảng Trị. Chú chỉ làm từ thiện, không phải lãnh đạo, đúng ý các đại ca nhé! Cũng xác định tinh thần với chú như thế. Theo hệ thống của chú, chọn địa chỉ cuối cùng là huyện Gio Linh. Đại ca KV hỏi: em đi cùng bọn anh chứ? Dạ, đương nhiên rồi! “Bọn anh” đây là các đại ca khóa 7 cựu học sinh trường văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi, là các blogger của các trang bạn Trỗi: Khắc Việt (KVK7), Đỗ Nghĩa (ĐN), Lê Trường Giang (Gtl) và một đại ca Quế: Tuấn “ôn”.
Chú Hoan liên lạc nhanh chóng, rồi báo: cháu ra đó điện cho số này… MF chưa điện thì họ đã điện cho MF, em là Bình, mặt trận huyện, em cũng đang phải chạy lợp lại cái nhà bị tốc, chị ra điện cho … Tui là Đạo, cán bộ mặt trận huyện, chị ra cứ điện cho tui … Hỏi đùa Bình, vậy có cần đưa em vô danh sách thăm không? Dạ không không! Sao, sợ mang tiếng cán bộ tham nhũng à? Cười hơ hơ…Anh ĐN gọi, hỏi các anh đến đâu rồi? Lăng cô! Các anh ăn sáng chưa? Chắc mẩm các “cụ” phải chén hải sản Lăng Cô, thật bất ngờ “bọn anh có bánh mì trên xe rồi!” thật đúng tinh thần đi cứu trợ! Ra đến nơi còn chìa ra 2 ổ mời MF! Phụ huynh MF nghe chuyện, muốn cùng đi, thôi ba ơi, bọn con lùng sục về tận các thôn xóm, thời gian lại gấp, thôi ba có ủng hộ chi thì ủng hộ đi, mấy anh em con làm giúp! He he . Anh Quế Tuấn “ôn” cứ: “lâu woá, hơn 40 năm mới gặp lại em …” (Hic, đã gặp bao giờ đâu, anh về nước từ năm 1969 lận! Zui zẻ vậy là vì anh í điểm tâm buổi sáng bằng diệu mừ). Trên đường đi ra mà cứ dặn: tối về đến Huế là phải đưa anh đi ăn cơm hến nha, thèm woá!!
Xe chạy ra đến Đông Hà, 11h, loanh quanh tìm quán “cháo bột” favorite của anh Đạt K8 để lót dạ trước khi … lâm sự, loanh quanh khắp phố phải hơn nửa tiếng tìm không ra (MF xí hổ vì mang tiếng quê miềng mà hổng rành, người rành đất Trị Thiên ni mà MF bái phục là cựu bộ đội cụ Hồ KVk7, mỗi lần anh về đất Trị Thiên MF chỉ có biết … đi theo anh). Cuối cùng đành chấp nhận một quán phía Bắc cầu Đông Hà. Món ăn Quảng Trị không bao giờ thiếu món ớt, nhưng những người rành ăn ni đòi: Ớt bột! Có ngay một đĩa ớt bột xịn đỏ sẫm! Đại ca Gtl ra mở xe, đem vô thêm một chai … ớt hiểm dầm muối! Xứng là dân Quảng Trị (chả là đại ca ni gốc Cùa Cam Lộ mừ). Đại ca Tuấn “ôn” không quen món “cháo bột”, càm ràm: xương wá..á… (cách nấu bánh canh cá lóc của Quảng Trị là còn chừa xương dăm, miếng cá để nguyên da, nhìn biết ngay cá lóc, hổng giống ở Huế, làm cá rất kỹ). Đại ca ĐN thì ngược lại kết thúc tô cháo một cách mỹ mãn với khuôn mặt tuôn mồ hôi ròng ròng! 5 anh em xơi xong 6 tô, thẳng tiến về Gio Linh. 

"Cháo bột" ở phía Bắc cầu Đông Hà
Anh KVk7 tỉ tê bật mí: nghe về Gio Linh thì bồi hồi lắm, vì  một thời đóng quân, có kỷ niệm gắn với chiếc cầu Bến Ngự. Một đêm trăng, có 2 chàng bộ đội trẻ, hẹn với 2 cô gái cùng trung đoàn pháo binh bên cầu, 2 chàng đến trước, đang chờ thì thấy có người gánh một phụ nữ đang đau đẻ đi qua, chí trai quên mất tình riêng, xông ra gánh giúp người cấp cứu chạy cho nhanh về bệnh viện, chờ đến lúc nghe tin chị đã sinh hạ được một bé trai thì mới thở phào, nhớ lại cuộc hẹn, trở về cầu thì … không còn ai chờ nữa! Rồi ngày sau lại là đi và đi, cuộc trường chinh không cho họ cơ hội gặp lại, không biết cuộc hẹn đó có phải là để chia tay không, nhưng nó là làm nên cuộc chia ly kéo dài đến hơn 40 năm …

Ra đến Gio Linh, nhớ lời anh Đạo dặn chờ chỗ Công An huyện, thấy ngoài đường hẹp, xe chạy thẳng vào trong, các anh CA ra hỏi đi đâu, mấy anh em hơi lúng túng, nói … chờ anh Đạo! May anh Đạo tới ngay, giải khó. Anh Đạo hỏi có vào quán uống nước không? Không, đi ngay kẻo trễ. Anh Đạo cầm theo 2 bản danh sách, có thể ủng hộ 5 hộ, có thể 10 … đầu tiên về xã Gio Mỹ...

(Còn nữa...) 

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

KHÓC NGHIÊM NHAN Quảng Ngãi

Mới vui gặp Bạn tuần qua :
NGHIÊM NHAN vô, cùng Đầu Bò thăm Lan ( Lan Lông ) –
NGHIÊM NHAN vẫn khỏe, vẫn hăng,…
Ai ngờ BẠN MẤT - chỉ sau mấy ngày !

NGHIÊM NHAN ơi, hỡi NGHIÊM NHAN

Vì sao BẠN nỡ bỏ Bầy mà Đi ?
Chén Vui gặp mới tức thì
Chưa say,… Đã Khóc – BẠN tôi về Trời !

BẠN Đi - BẠN có thấu chăng :

Thầy Cô, bạn cũ Quế Lâm thắm Tình
38 năm xa cách Miền
Luôn mong gặp lại Bạn NGHIÊM thuở nào,… !

Hôm nay Trời cũng Khóc thương

Sài Gòn Mưa đổ - Hòa cùng Lệ nhau
Nấc lên “ HỒN BẠN thoát siêu
Về nơi Chín Suối BẰNG AN ĐỜI ĐỜI ! “


Bạn cũ Quế Lâm :


Phạm Tiến Hùng ( Đầu bò )

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Tin buồn

Nguyễn Thanh Lan

Bạn Nguyễn Thanh Lan (học Quế Lâm từ 1967 đến 1974) đã mất lúc 0:00 ngày 8/10/2013. 
Lễ nhập quan lúc 12:00 ngày 8/10/2013 tại nhà riêng địa chỉ: 56 / 1/10 đường Dương Văn Chung, phường 13 quận Tân Bình. TP HCM.
Lễ động quan lúc 10:00 ngày 12/10/2013. Linh cữu sẽ được đưa về Trảng Bàng, Tây Ninh.
Thanh Lan là em chị Nguyễn Thu Thủy.
Xin chia buồn với toàn thể gia quyến. Cầu mong bạn bình an nơi vĩnh hằng!

Ban LL HSMN

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐÁM TANG CÔ NAY H'WILL (H'VIN)



 
Vòng hoa của HSMN QL tại TPHCM và Y Sa Phôn, rể thứ của cô H' Vin


Một gia đình ... toàn Quế.

 
Vòng hoa của Kso Phước, HSMNDT (QL), UVTWĐ, Chủ nhiệm UBDT Quốc hội
Vòng hoa của Kso Nham, HSMNDT (QL), Thiếu tướng CA
Chị Quế Điểu, rất thân thiết với gia đình cô

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời



Thứ sáu, 4/10/2013 20:42 GMT+7


Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp qua đời chiều nay tại Viện quân y 108 khi ông vừa qua tuổi 103.
Đại tướng qua đời vào cuối giờ chiều 4/10, tại bệnh viện nơi ông nằm điều trị từ năm 2009. Mới cách đây hơn một tháng, Đại tướng bước qua tuổi 103.



Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới (1950).

Sinh ngày 25/8/1911 tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vốn là một thầy giáo dạy sử đã trở thành "người anh cả" của lực lượng vũ trang Việt Nam, là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.
"Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng!" - Mệnh lệnh nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Trong Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại tướng trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Hồ Chí Minh (1975) - những bước ngoặt trong lịch sử dân tộc.

Sau khi đất nước thống nhất, Đại tướng là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng (đến 1980); Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981 - 1991). Ông cũng là đại biểu Quốc hội các khoá I - VII.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự trong nước và thế giới đều đánh giá Đại tướng là người toàn tài kể cả trong thời chiến lẫn thời bình. Ông đặc biệt được người dân Việt Nam nhiều thế hệ yêu mến, kính trọng bởi tài năng cũng như sự gần gũi, bình dị trong cuộc sống.

Trong Bách khoa toàn thư của Mỹ và của nhiều nước, tên và hình ảnh của ông được ghi lại như một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất.

Nhóm phóng viên

TIN BUỒN

Cô NayH'Vin giáo viên nhạc ở Quế Lâm đã mất lúc 20h30 ngày 2/10/2013 tại nhà riêng số 59 hùng Vương , thành phố Pleiku , Gia Lai . Lễ viếng lúc 18h ngày 3/10/2013 . Động quan lúc 14h30 ngày 5/10/2013 .Chúng em xin chia buồn với thầy Siu Pơi cùng toàn thể gia quyến . Cầu mong cô bình an nơi vĩnh hằng .

    BLL HSMN .

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

ĐÔI MẮT TÂY NGUYÊN BUỒN

Dọc đường mưu sinh tôi nhiều lần rong ruổi theo đường HCM. Tình cờ có lần đọc được địa danh Huyện Đăk-leig nghe quen quen. Đi qua rồi mới  nhớ nơi đó có quen một chị bạn Quế Dân tộc. Cứ tưởng huyện Đăk-leig là phải xa xôi hẻo lánh ai ngờ trục HCM đoạn QL14B đi qua. Hẹn lần sau sẽ ghé thăm chị.
Tôi chơi thân với chị vì sau Tết năm 1975 tôi và chị đều ở đội tuyển thi HSG lớp 7 Miền Bắc, chị thi văn, tôi toán. Đội Văn có 4 người thì có 2 chị cấp II DT : là chị: Y Bớ DT Dẻ-striêng Kon- Tum và chị Đinh Thị Bích, DT K'Ho, Quảng Ngãi. Hai Quế Bé thi văn là Trần Văn Năm và Dương Tẩn. Năm đó chị đã 20, da trắng, khuôn mặt phúc hậu, nói chung là đẹp gái và tôi phục các chị là HSDT nhưng lại giỏi văn. Chị có ghi cho tôi địa chỉ nhưng là những tên gọi địa danh thời chiến, sau 1975 các địa danh ấy đã thay đổi và tôi không thể liên lạc được với chị. Chỉ nghe thông tin, chị đi học sư phạm và đã về quê dạy học.
Năm 2007, tôi gặp lại chị ở Cuộc gặp mặt 40 năm Quế Lâm tại Đà Nẵng, nhưng năm đó tôi lại phải "chăm" cho đại ca Nguyễn Văn Lân (cựu lớp trưởng của tôi ở CINVB), anh đang trong giai đoạn cuối của bệnh UT, ra gặp anh em bạn bè HSMN lần cuối. (a NVL mất sau đó mấy tháng). Chị em cũng chỉ hỏi thăm nhau sơ sơ rồi ai đi lớp nấy. Chỉ biết là chị đã thôi dạy học qua giữ chức Phó bí thư Huyện ủy Đăk-leig. Năm sau chị đi công tác có gọi tôi vì: Đà Nẵng HSMN chị chỉ còn nhớ có mày! Chưa kịp chiêu đãi chị thì nhận tin con trai bị tai nạn chị ngược ngay. Sau đó mấy hôm chị điện thoại và khóc cháu mất rồi em ơi... cũng chỉ biết  chia buồn cùng chị, xót xa quá.
Rút điện thoại: Chị à, em còn cách Đăk-leig 50 cây, nhà chị có gần TT Huyện không chỉ đường em ghé. Tưởng  mày quên số điện thoại chị rồi. Nhà chị ngay thị trấn, đường Hùng Vương (là đoạn QL14 qua Đăk-leig). Chị em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Mày không gọi sớm chị nấu cơm ghé ăn cơm với chị cho vui. Chừ ăn chi hè? Em đi công tác gặp đâu ăn đó, ghé thăm chị xem bà chị hưu trí rồi  khỏe không? Chị nói có chị Bí cũng cấp II Dt, ở cạnh, để chị gọi. Đợi chị tí. Thoáng cái chị cắp nách thùng bia, chị Bí đi sau đùm măng đùm cà núi. Bia được khui rót  và  cụng ly, hội ngộ. Măng le, cà núi chấm muối mè có vị ngọt vị đắng và vị thơm của muối mè. Thằng em nói vui: cà và măng trồng gần với sâm Ngọc Linh nên có vị đắng của sâm NL. Chị: Mày cứ chọc chị. Quan sát thấy đôi mắt chị tôi đượm buồn, không như chị H' Bí (DT Sê-đăng nhưng chị nói vui chị người Sa-tăng) đôi mắt biết cười. Qua câu chuyện, mới biết cả hai chị trước khi thành HSMN, thành dân Quế đã là "những cô gái dân công tải đạn". Tôi lại có dịp phong hai Quế là hai Anh hùng nữa rồi. Chị Y Bớ nói 2009: Đầu năm chị mất cháu, cuối năm anh cũng bỏ chị đi - nguyên nhân của đôi mắt người phụ nữ Dẻ-striêng u buồn ở đây rồi. Nhưng chị ơi, mừng cho chị còn có ba cháu nữa: con gái lớn là bác sĩ, đã có cháu ngoại cho chị rồi. Thằng cháu thứ hai là công an, cháu gái út học luật mới tốt nghiệp rồi cũng sẽ đi làm thôi (nó mà thất nghiệp thì Nhà nước mất cán bộ thôi, lo chi). Chị H'Bí có ông xã cũng Quế CII DT. Chị gọi điện triệu tập về ngay vì có thằng em dân QLghé chơi. Anh về, anh là A - Giơ. Anh ra Bắc năm1960, ở QL về nước năm 1969. Mặc dù đã hẹn chiêu đãi đối tác tối đó nhưng cũng phải nâng lên  hạ xuống với các anh chị Quế DT mấy lần rồi mới tạ lỗi rút được. Cũng phải hứa lúc quay về sẽ ghé lại, nhưng lúc về qua Đăk-leig khuya, đành lỗi hẹn với các anh chị. Mấy chú em đi cùng cứ trầm trồ: Các chị ấy nhiệt tình quá.
Chớp nhoáng gặp lại các Quế Dân tộc, tiệc đơn sơ với cà núi, măng rừng sao đượm tình, cái tình Quế, cái tình HSMN. Các chị bảo lần sau đến phải điện chị sớm há. Biết bao giờ thằng em lại được "làm nũng" với mấy bà chị nữa đây.
 Chị Y Bớ, Dân tộc Dẻ-Striêng, lớp 7 (khóa 74-75), Cấp II Dân tộc, Quế Lâm, nguyên Phó Bí thư huyện ủy Đăk-leig, đã nghỉ hưu.

 Chị H' Bí dân tộc Sê-đăng, lớp 6 (khóa 74-75), Cấp II Dân tộc, Quế Lâm,Giáo viên nghỉ hưu.


 Chúc mừng hội ngộ Quế!

 Hoàng hôn 1 Plây-Kần, H. Ngọc Hồi

 Hoàng hôn 2 Plây-Kần, H. Ngọc Hồi

 Hoàng hôn 3 Plây-Kần, H. Ngọc Hồi

 Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, T.Kon Tum

Bình minh Plây-Kần, H. Ngọc Hồi, T. Kon Tum