Lần cứa mãi rồi tôi cũng có được một chuyến về Nam, tìm
gặp, thăm lại những đứa bạn xưa, giờ ở rải một dọc hết chiều dài đất nước. Hồi
hộp, nôn nao, mường tượng đủ điều, cái nắng, cái gió miền Trung càng thêm nóng
ran trong người. Lần lượt, những mảnh đất thân quen hiện lên với cát trắng,
biển xanh đến nhức mắt, một thứ đặc sản riêng của thiên nhiên dải đất miền
Trung khốc liệt này.
Đà Nẵng, thành phố đang thời kỳ mở cửa lớn lên từng
ngày song không như tôi nghĩ. Mải vui, đến tối, mới nhớ tới thằng Phú đang ở
đây, tôi vội gọi điện vô Sài Gòn hỏi thằng Phong, không ngờ nó cũng mới bay ra.
Thế là, một lúc gặp luôn cả hai anh em nó. Lát sau, Thằng Phú đến khách sạn đón,
tôi bỏ luôn cả đêm đi Hội An, tới nhà tụi nó. Cái thằng sau bao năm gặp lại vẫn
cái dáng ấy, nhỏ nhắn, teo tóp, duy chỉ già đi nhiều, có râu và đen hơn. Nói
thì vậy song cũng phải qua điện thoại định hình, ngờ ngợ gọi tên rồi mới vỡ òa
nhận ra nhau. Đêm thành phố biển, trong mát, thật yên tĩnh, khác hắn với cảnh
ngoài Bắc, náo nhiệt đến tận khuya.
Hắn, thằng Phong bận bộ đồ Pijama, nằm trườn trên cái ghế xích đu ngoài
hiên nhà, mà mới vô, với cặp kính dày cộm, tôi láu táu hỏi thằng Phú: ba mày hả?
Hắn ngạc nhiên: ba nào? À, thằng Phong đó. Tôi chợt oán cái cặp kính phản chủ
và cái mồm hậu đậu của mình. Ờ, chúng nó
vẫn vậy, như xưa, chẳng bao giờ gọi nhau là anh em, cứ mày tao như tụi bạn thật
tình thân thiết. Mà, hình như ở đời, những đứa sinh đôi nào cũng vậy thì phải.
Thằng Phong! Hắn ngồi dậy, không vồn vã, lặng lẽ đá
cái xích đu lại bảo tôi: mày lãnh đạo quen ngồi ghế đó đi. Tôi kéo cái ghế nhựa,
cười bảo: Ghế giám đốc mày ai dám ngồi. Hắn mới cười, rồi lặng lẽ vào nhà, lát sau
đem theo mấy lon bia, hộp đá, rót vào ba cái cốc, rồi chẳng bảo ai, hắn tu
luôn. Thằng Phú cũng vậy, không nói một câu, cầm cốc lặng lẽ nhấp từng hớp nhỏ.
Nhìn tụi hắn uống, tôi thấy lạ, bối rối, chợt thấy khát cháy cổ. Hừ, cái tụi
này vô duyên quá, hay tụi hắn quên mình là ai rồi. Tôi vốn quen ở Bắc khi ăn, khi
uống phải chờ người ta mời, mới cầm cốc, cầm đũa. Quen rồi, thành nếp, bỗng đâm
ra lưỡng lự, khó xử trong tình cảnh này.
Ngồi uống lai rai, tào lao bao chuyện. Trước mặt tôi,
hai thằng bạn đã 37 năm ( từ 1975) không gặp, hai thằng anh em sinh đôi (Ngày
xưa tụi hắn nổi tiếng là nhờ đó) song thấy khác lạ. Một thằng công chức ốm
nhách, cái quần cái áo rộng thùng thình không che nổi cái
teo tóp, đen đúa, cái dáng đi lòng khòng, mới làm vài cốc đã nhăn nhó kêu đau
bao tử. Một thằng doanh nghiệp béo tốt, bận bộ đồ mát, nằm ườn trên ghế, mắt
lim dim, luôn mồm nói một câu: không nói chuyện chính trị. Chúng dường như đại
diện, là hình ảnh tương phản của hai thái cực: trong và ngoài nhà nước, lý luận
xám xịt và thực tiễn xanh tươi.
Chuyện hồi lâu, vẫn chuyện những ngày xưa, qua từng
đứa, những kỷ niệm ngọt ngào cứ vậy sống dậy êm ái, những gương mặt bạn bè, có
đứa tưởng quên, lại hiện rõ nụ cười trước mặt. Rồi nửa chừng, anh em nó lại
trách: phải chi mày gọi ban sớm, tụi tao gọi đông đủ tụi nó tới có phải xôm
không. Tôi nín lặng, ân hận, biết lỗi, không biết nói sao.
À, Trúc Hà, nó cũng ở gần đây song đưa con vô Sài Gòn
thi đại học, nói rồi, thằng Phong rút điện thoại gọi Nguyệt Hồng, giọng đã đá
men: gặp bạn cũ này. Cầm máy, nghe rõ tiếng xôn xao cười nói của một cuộc nhậu
tụ tập bạn bè. Nguyệt Hồng, hắn không nhận được tôi, cũng phải, tôi cũng vậy,
nghe giọng Bắc giữa đất Sài Gòn, cứ thấy lạ, được ba câu, hắn chuyển máy cho
Trúc Hà rồi cũng chỉ một câu, tụi nó lại chúi mũi vào những câu chuyện dở dang,
những đứa bạn thân quen trong đó. Một nỗi buồn chợt thoáng qua, cốc bia uống
bỗng thấy nhạt, ớn lạnh trong người. 37 năm trời đi tìm, háo hức gặp bạn, tôi
chỉ nghe được bạn tôi nói bốn câu... Chẳng lẽ có vậy thôi sao? Nhìn tôi, thằng
Phong buông một câu như an ủi: Cái tụi này đến lạ…thôi bữa nào vô Sài Gòn đến
nhà tao ở. Còn thằng Phú phân trần, thông cảm: ừ, chắc tụi nó nghe giọng Bắc
mày chưa quen đó thôi…Nào, uống đi. Lúc
này, tôi mới thấy hắn uống thiệt tình.
Lên Đà Lạt, một chiều mưa, theo lời dặn thằng Phong,
tôi tìm gặp Chí Dân, hắn đã đưa con đi
thi dưới Sài Gòn, nghĩ thương cho phận mình đen đủi. Điện cho nó, thấy con nó
cầm máy bảo: Ba con say đi nghỉ rồi. Tối, nó điện lại cho tôi phân bua rồi cho số
điện thoại một Quế lớp dưới để gặp. Chợt cảm thấy trống vắng, xa lạ, điện, gặp mà
làm gì đây, tôi và Quế đó đã bao giờ biết nhau? Vô đây, tôi đâu có cần gì ngoài
tâm nguyện gặp lại những thằng bạn cũ, ôn lại chuyện xưa, biết bạn mình bây giờ
thế nào. Nghĩ vậy nên thôi. Nhưng rồi nhớ chúng nó quá, hết đợt thi đại học một
ngày, ước chừng ba con nó đã về, cũng là đêm cuối cùng, tôi gọi điện rủ hắn đi
uống bia, hắn nói chưa về được, thật thất vọng.
Đà Lạt đêm buồn
da diết, thưa thớt dáng người, cứ chìm dần trong màn mưa thâm phố núi. Ngồi
quán một mình, uống thứ bia lạnh thấm nẫu cả ruột gan, ngẫm nghĩ về những đứa
bạn, càng uống càng tỉnh, gọi thêm, cô bé bán hàng bảo đến giờ đóng cửa rồi.
Thấy lạ, ngoài Bắc uống thâu đêm, khách ngồi bao lâu tùy thích, còn đây mới gần
10 giờ đêm tất cả đã đóng cửa. Thấy buồn và trống vắng quá!
Buổi sáng hôm sau, dậy sớm, dạo lướt qua một vài phố
nhỏ xa lạ không bóng người. Vậy là cuối cùng không gặp được thêm đứa nào. Xe nổ
máy, giã từ, chợt thấy Chí Dân gọi đến bảo vừa về, rủ đi ăn sáng… Một lúc lại
thấy Hoàng Hận gọi, bảo mới Đà Nẵng về giờ mới biết tin… Chợt thấy ấm áp, hạnh
phúc làm sao, cười mà chực khóc. Biết làm sao đây Dân ơi, Hận ơi, Đà Lạt đã
khuất rồi, những hàng thông xanh rì rào tỏa hương nhựa thơm thoang thoảng trong
gió trong sương. Đành lỗi hẹn mà không biết ngày nào trở lại. Ôi, những thằng
bạn, lúc vào, cứ tưởng có thể nắm được bàn tay, sờ vào khuôn mặt từng đứa như
buổi xưa mà giờ đây bỗng chốc chỉ là ảo ảnh, mờ mịt như khói như sương dệt
thành những thung lũng mây trắng bồng bềnh Đà Lạt. Một chuyến đi với bao khao
khát, với bao dự định, cuối cùng cũng chỉ gặp được hai đứa, nói chuyện với bốn
đứa và biết mặt mười hai đứa qua ảnh, với tôi, hay với bạn quả là quá ít ỏi, là
sự phũ phàng. Vậy là từ đây, thời gian gặp mặt lại phải tính thêm năm, thêm
tháng rồi bạn ơi.
Dừng chân Đèo Ngang, tôi quay đầu nhìn lại: một dải
đất miền Nam
yêu thương vẫn xanh hoài trong nắng, thấy mà tiếc cho tâm niệm cuối cùng vẫn
chưa là hiện thực. Chợt nhớ câu thơ Bà Huyện Thanh Quan buổi xưa từng viết
diễn tả cái tâm trạng cô đơn, hoài cổ, da diết đến xót lòng. Giờ tôi cũng vậy
chăng? Chỉ khác cái hoài niệm về xưa của tôi chỉ là những năm tháng đã qua với
những người bạn không bao giờ quên được mà có lẽ cũng thật khó gặp được trong
cái nhịp sống công nghiệp ngày nay. Và có phải vậy mà kỷ niệm bỗng đẹp và mãi
mãi sống không…?
Và hôm rồi, tôi nghe thêm được tiếng một thằng bạn nữa
tại Hà Nội: thằng Dũng Bờm-Chung Thế Dũng!