Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Thư mời họp mặt cựu Đội viên Liên Đội Đồng Tháp Mười


Nhân dịp cuối năm 2012, cũng là lúc một số các thầy cô của chúng ta bắt đầu khó đi lại, cũng là lúc cần ôn lại kỷ niệm hoạt động Liên Đội sôi nổi một thời. Nhân dịp thầy Nguyễn Quốc Thái (thầy phụ trách của Liên Đội Đồng Tháp Mười) sẽ vào thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 15 tháng 12, thể theo nguyện vọng của thầy là muốn được một lần gặp mặt đông đủ các học trò cũ mà thầy từng phụ trách, thân mời các anh chị, các bạn HSMN từng là đội viên thuộc Liên Đội Đồng Tháp Mười trường 11 Kiến An, Móng Cái, Trường Nguyễn Văn Bé tại Quế Lâm ... từ năm 1965 đến 1975, cùng bạn bè và gia đình, đến dự buổi họp mặt và gặp gỡ với thầy Nguyễn Quốc Thái vào lúc 10h ngày 16 tháng 12 năm 2012 (Chủ Nhật) tại nhà hàng ĐÔNG HỒ 2-3 số 16A đường Lê Hồng Phong (nối dài) P12 Q10 TP HCM. 
Kính nhờ các anh chị và các bạn khi nhận được tin này thì thông báo lại cho các anh chị và các bạn khác biết để cùng đến dự đông vui.
Nếu được, xin vui lòng đăng ký trước cho BTC có thể chủ động số lượng người để tiện bề tổ chức!
Chân thành cảm ơn
TM Ban Tổ chức:
Hồng Thị Minh Trí (Điện thoại: 0908628078)

Chương trình buổi gặp mặt tạm thông báo như sau:
Thời gian từ 10g-11g: Văn nghệ chào mừng ngày gặp mặt Hát múa tự do (trọng tâm là các bài truyền thống của liên đội và đội viên ngày ấy). 
11g-11g45:  Các cựu đội viên giao lưu với Thầy và với các cựu Ban Chỉ huy Liên Đội Đồng Tháp Mười trong chủ đề: "Ban chỉ huy Liên Đội ngày ấy và bây giờ"
11g45- 15 g: Tiệc trưa, tiếp tục giao lưu và hát Karaoke 
 sau 15g chia tay, Đội nào có nhu cầu giao lưu tiếp thì tự tổ chức.


Ban tổ chức đã đặt 200 cuốn lịch làm quà tặng!

Tìm người trong ảnh

Các Quế đừng càm ràm MF cứ đăng đi đăng lại cái ảnh này, nhưng vì theo yêu cầu của Quế Minh Trí, ban tổ chức của cuộc họp mặt Liên Đội Đồng Tháp Mười vào tháng 12 tới tại TP Hồ Chí Minh, MF phải chấp nhận chịu đòn:)

Tấm ảnh sau là ban chỉ huy liên đội Đồng Tháp Mười sau đại hội năm 1968.
   Hàng ngồi từ trái sang: Thầy phụ trách đội Nguyễn Quốc Thái; LĐP Võ Thị Kim Thanh; LĐP Lý Thị Huấn; UV BCHLĐ Hồng Thị Minh Trí; anh Việt Dân (nhà báo -Báo Thiếu niên Tiền phong- từ bên nước qua dự Đại hội. Hồi ấy MF nhớ mọi người nói anh là Bút Thép, nhưng bây giờ tìm trên mạng thấy không phải).
   Hàng đứng từ trái sang: UV BCHLĐ Sinh (họ gì và hiện ở đâu chưa biết); UV BCHLĐ Nguyễn Chí Thành; UV BCHLĐ (....); ủy viên BCHLĐ Bùi Lý; ủy viên BCHLĐ(....)
   Hàng đứng sau với lá cờ Đội: Liên đội trưởng Trần Quang Bửu.
Vậy có 2 UV BCHLĐ MF để tên trong (....) MF không nhớ là ai cả và kể cả Sinh và anh Việt Dân cũng chưa biết bây giờ đang ở đâu., vậy thông qua Blog nhờ các Quế cho biết (nếu được cả địa chỉ, số điện thoại thì tuyệt vời) để ban Tổ Chức tiện bề liên lạc và mời dự họp.
Xin trân trọng cảm ơn!

Ban chỉ huy Liên đội Đồng Tháp Mười năm 1968

Quang cảnh Chủ tịch Đoàn Đại hội Liên Đội Đồng Tháp Mười  năm học 1968-1969 được anh Việt Dân đem về đăng trên báo Thiếu nhiên Tiền Phong.
(Ảnh MF chụp lại từ "nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam" tại dãy nhà của trường Võ Thị Sáu hồi đó, do trường Đại học Sư Phạm Quảng Tây thành lập. MF là cái con nhóc "núp" bên bình hoa, bạn bên cạnh là ai hổng nhận ra, không bít phải Chí Thành không?)

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Chúc mừng 20/11/2012

Tôi mới từ Hà Giang, xứ sở cùa mây mù và núi đá về. Xin gửi các ráo chút không khí trong lành của nghành GD vùng cao. "Muốn có trò giỏi, phải có thầy giỏi"- ông Nguyễn Bá Thanh nói thế  chưa ổn, "Muốn có trò tốt, phải có thầy tốt" nữa chứ nhỉ ? Cả XH đang kỳ vọng vào các ráo!


Một trường tiểu học khang trang, bọn tôi bắt gặp bên đường 
Vùng này chỉ toàn núi đá, chắc cả học sinh và thầy cô đều vất vả
Mây mù che phủ suốt ngày, lạnh và ẩm biết đâu lại
thích hợp với những giáo viên thích mơ màng?
Hoa tam giác mạch sẽ an ủi phần nào nỗi nhớ nhà của các thầy cô
Để có nước dùng quanh năm, nhà nước đã đầu tư
nhiều "hồ treo"trên núi. Trường tiểu học được hưởng phúc lợi này
Nụ cười hồn nhiên của HS phải chăng
chính là nguồn động viên đối với các thầy cô?


NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM
KÍNH CHÚC CÁC THẦY, CÔ, MÁ CỦA CHÚNG TA - CỰU HSMN -  MẠNH KHỎE, HẠNH PHÚC !
CHÚC CÁC BẠN QUẾ GIÁO MẠNH GIỎI, YÊU NGƯỜI, YÊU NGHỀ VÀ LUÔN NHỚ CỘNG ĐỒNG QUẾ XƯA VÀ NAY!

Bó hoa, lẵng hoa - bình thường,
Quế đây xin tặng cả vườn hoa to.

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Thầy Lê Thái Phiên




              Trong 4 năm học tại Quế Lâm, người thầy gây ấn tượng mạnh mẽ nhất cho tôi là thầy Phiên – thầy dạy môn Sử lớp 6B và năm kế tiếp dạy môn Văn kiêm chủ nhiệm lớp 7A chúng tôi.
             Hồi đó chúng tôi rất thích học môn Sử chứ không như bọn trẻ bây giờ. Thầy Phiên (cũng như thầy Thu sau này ở trường HSMN Đông Triều) dạy Sử hay cực kỳ. Ấn tượng đầu tiên là khi thầy gọi bạn Lê Anh Dũng lên kiểm tra miệng nhưng bạn không thuộc bài, thầy bĩu môi:
             -Cậu là Lết Anh Dũng chứ Lê gì, làm xấu cả họ Lê.
           Ấn tượng tiếp theo là sự hào phóng ban phát điểm 0 của thầy. Kiểm tra miệng không thuộc bài – 0 điểm. Nói chuyện riêng trong lớp – 0 điểm. Quên đem sách hoặc vở - 0 điểm. Làm việc riêng trong giờ học – 0 điểm. Tôi bị xơi 1 điểm 0 khi nhắc bài cho bạn đang trả lời câu hỏi của thầy, vì hồi đó tôi nhỏ con nhất lớp nên luôn bị ngồi bàn đầu và vì hay quậy phá nên được vinh dự ngồi ngay trước bàn giáo viên.
             Dù không hề giữ chút xíu chức vụ nào trong lớp – kể cả cái chức tổ phó bèo bọt, mà cuối năm tôi lại được thầy nhờ tổng kết điểm giùm. Lúc tính gần xong, thầy hỏi:
    -Con được mấy phẩy?
    -Dạ, có hơn 7 phẩy thôi ạ.
    -Sao ít thế?
    -Dạ, vì có 1 điểm 0
    -Xóa đi!
Tôi mừng rỡ:
    -Xóa hết cho cả lớp nha thầy!
    -Đâu có được, chỉ mình con thôi.
Tôi tiu nghỉu. Như chợt nhớ ra, thầy hỏi:
   -Thằng Văn Dũng được mấy phẩy?
    Anh Văn Dũng này bị đúp từ lớp trên xuống lớp tôi hồi đầu năm. Lúc nào anh ta cũng lầm lì, ra vẻ người lớn, không tham gia quậy phá với chúng tôi. Anh ta học rất khá nên chúng tôi không hiểu tại sao anh bị đúp.
    -Dạ, được gần 9 phẩy ạ.
    -Cái gì? Sao lại cao thế?
    -Dạ, con không biết, con tính đúng mà.
    -Cho nó thêm 1 điểm 0!
            Tôi há hốc miệng chưa kịp hỏi lại thì thầy bỏ đi. Khi thầy đọc điểm trước lớp cũng không thấy thầy mắng tôi vì tội không nghe lời thầy.
           Sau vụ mua 150 con vịt con về nuôi, quan hệ thầy trò chúng tôi rất hữu hảo. Chúng tôi bán tín bán nghi vụ thầy cứ thu vở soạn văn về kiểm tra, chắc gì thầy đã đọc kỹ từng cuốn. Thế là cậu Thành bẹn (Xin lỗi hương hồn bạn) đã soạn bài “Đảng ta vĩ đại thật” theo cách của cậu ấy. Hôm trả vở, thầy gọi:
-Minh Thành, đứng lên!
Mặt cậu ấy tỉnh như ruồi. Thầy đọc bài soạn của cậu ấy cho cả lớp nghe:
-Đảng ta vĩ đại thật! Bác Hồ không nói láo. Đảng ta là một Đảng anh chị…
Cả lớp không nhịn được cười. Thầy mỉa mai:
-Đừng hòng qua được mắt tôi! Ngồi xuống. 0 điểm.
(Chắc các Quế còn nhớ ý nghĩa của 2 từ “anh chị” mà hồi đó chúng ta vẫn dùng như 1 tính từ?)
Còn rất nhiều kỷ niệm về thầy mà tôi không bao giờ quên. Chỉ tiếc là từ khi về nước (1971) đến nay tôi chưa được gặp lại thầy. Tôi chỉ luôn cầu mong cho thầy được dồi dào sức khỏe và hạnh phúc trong cuộc sống.
QMH.

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

TRÁI NGHỀ

          Học nghề  này , ra trường làm nghề khác là chuyện muôn đời ở huyện . Với các Ráo làm đúng nghề nhưng khác môn thì thật là dở khóc dở cười . Cách nay hơn chục năm ,  Ráo và đồng nghiệp đi dạy thỉnh giảng trường khác . Người may mắn dạy đúng môn , người thì ngoài môn của mình ra phải kèm theo môn khác . Học trò  thắc măc : cô ơi , sao cô dạy mỗi môn hóa còn thầy A . dạy cả hóa , sử , địa . Ráo nín cười trả lời  : cô học ĐHSP nên dạy một môn thôi , thầy A học ... " Tổng hợp " nên môn nào cũng dạy . Ráo  hỏi thầy A : làm sao em dạy sử địa ? Cứ sgk đọc cho chúng nó chép chị à ! He he .
         Không ngờ cũng có ngày Ráo cũng phải dạy trái môn .
        Chả là học sinh các TTGDTX không có học môn giáo dục công dân . Riêng trường Ráo học nhưng không tính vào điểm tổng kết nên học trò nó quậy tan nát giờ CD . Nhà trường đau đầu tìm cách tháo gỡ . Cuối cùng một sáng kiến đã ra đời : GVCN  dạy CD cho lớp mình luôn . Từ đó , không đứa học trò nào dám phá trong giờ CD nữa , nhưng với thầy cô thì thôi rồi ...
        Ráo kiêm luôn chức tổ trưởng GDCD , làm sao bây giờ ? À ha , đánh dây thép cho Ráo em  nhờ xin tất tật tài liệu về môn CD từ giáo án chi tiết đến bài kiểm tra 15 phút ...  . Xong đoạn tài liệu . Giờ đến đoạn đứng lớp . Trời , chả trách học trò nó quậy . CD mà dạy triết học ??? Cô nó còn chả biết nữa là .
           (Ngoài lề tí . Cậu cả nhà Ráo rớt lên rớt xuống môn triết . Chiến tranh nổ ra với 2 phe : dân sự và quân sự . Phe quân sự ( có 1 tên thôi ) chì chiết thằng con , kể lể nào là hồi ba học , môn triết là môn quan trọng lắm , thi điểm cao lắm ... vân vân và vân vân . Phe dân sự ( 3 tên chưa kể bạn bè ) quật lại : mấy ông là công cụ của chuyên chính vô sản nên phải học triết nhiều là đúng rồi . Đã thế còn ở nội trú không học thì làm cái gì . Tui cũng zậy à , có biết gì về môn triết đâu , may sao thi vừa đủ 5 . Đúng lúc đó , có cô bạn học đến chơi , nhìn thấy phe quân sự không tươi tỉnh lắm , mới hỏi có chuyện gì . Ráo kể lại , cô bạn làm luôn một câu : tớ nhớ là hồi đó bọn mình còn không thèm có cả tập ghi bài . Ráo ôm bụng cười  . Phe quân sự yếu thế bỏ đi một nước .)
            Giáo viên kêu trời kêu đất . Trường lại đau đầu suy nghĩ . Cuối cùng quyết định bỏ phần triết , chỉ dạy phần giáo dục ( đúng nghĩa đen ) . Nhưng đừng tưởng thế là dễ đâu . Khi chúng ta dạy con cháu về cách đối nhân xử thế theo ngôn ngữ bình dân thì dễ nói lắm , còn theo ngôn ngữ khoa học thì không biết thế nào mà lần . Vậy cứ giáo án xin được đọc cho học trò chép , khoảng 15 phút thì xong bài , giờ còn lại GVCN lại đem môn của mình ra dạy tiếp .  Kiểm tra thì cứ 1 câu định nghĩa cho 5 điểm , câu tình huống thì đứa nào ngoan cho điểm cao , đứa nào hư cho điểm thấp ( vì thầy cô có biết học trò làm thế là đúng hay sai  đâu ) .
           May sao , cuối cùng trường cũng nhận thấy sự bất hợp lý . Ráo chỉ phải dạy trái môn một học kỳ mà thôi .
             
         

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Viết cho người không quen



Tôi lại lặng lẽ, một mình ngồi trong trong đêm, không điện, trăng cũng không sáng, trời lại mưa. Mưa nhiều lắm, những hạt mưa mùa thu không còn xanh nữa, uể oải rơi lười nhác. Ngọn nến khêu mấy lần vẫn leo lắt hắt từng quầng sáng theo từng giọt mưa lạnh phả vào da diết biết là thu đã chuyển già. Chén rượu trong tay không làm tôi ấm thêm mà càng thấy lạnh. Cái lạnh của trời đất chuyển mùa thì ít, cái lạnh về người, về đời thì nhiều. Có lẽ tôi ngấm lạnh rồi, cảm hàn mất. Người ta cảm hàn trời đất còn có thuốc chữa: một nồi nước xông, một bát cháo tía tô, vài viên thuốc cảm... thế là xong, là khỏi, lại ngồi viết và uống rượu... Còn cảm hàn người... biết uống thuốc gì đây?
Tôi chợt nhớ đến em, người tôi không quen. Khuôn mặt em tôi không biết. Tên của em tôi cũng chẳng hay. Vậy mà sao tôi lại nhớ em đến nao lòng đêm nay? Tôi chỉ biết em qua hương cà phê thơm đắng cứt chồn, qua cánh hoa mơ, hoa mận trắng nở tròn xòe che nghiêng khuôn mặt. Tôi chỉ biết em qua một chiều về đổ sáu câu vọng cổ để mênh mang nước nổi dòng sông. Mái tóc em bay thơm thơm hương trăng chín tháng mười. Mùi sầu riêng ngọt treo ngang phiên chợ nổi. Và những đêm em rót rượu chăm chồng.
Tôi đã xem những tấm ảnh của em: Hoa cà phê nở bung trắng lắm, con suối giữa núi rừng vẫn còn thác đổ như xưa; dòng sông Hậu mênh mang gió thổi, cầu bắc sông rồi Cần Thơ vắng bóng những chuyến phà qua; đào Sa Pa nở sương phủ trắng , tóc em vương giọt nắng ban mai, phiên chợ tình em đứng cầm ô, ai thổi khèn vòng quanh em đó. Những bức tranh em, tôi biết em vui lắm, hạnh phúc có mùa như trái chín trên cây, em có rụng xin đậu vào tôi nhé .
Nhưng người không quen ơi sao không gửi tôi một chút rượu cần, một câu vọng cổ đổ giữa chiều sông nước, một điệu khèn phiên chợ simacai ... cho tôi say, đỡ thèm một cơn gió lạnh phương trời xa. Người không quen ơi sao giữa độ thu về, tôi không có nắng mật ong thơm , Heo may mùa này xơ xác quá, ngủ rồi, không buồn rung nhẹ rải miền quê. Cái lạnh quê nghèo tôi lại càng thêm nhớ. Em nhé, người không quen ơi, cho tôi mượn vòng tay em êm ái.
Người không quen ơi, em có ra Hà Nội thủ đô mình yêu dấu một nghìn năm, Đừng mải vui mà em quên tôi nhé, hãy về hộ tôi thăm lại một Hà Nội dấu yêu xưa. Hà Nội xưa, dáng phố cong cong như khuôn hình thiếu nữ tháng giêng, tháng mười về lại vui thơm cốm mới. Hà Nội xưa tầu điện vẫn lenh keng, vòng xe đạp quay, thấp thoáng ai cười, phố nhỏ thì thầm vọng những tiếng rao đêm. Hà Nội xưa, khi hoa sữa trở mình, tiếng đàn đêm ngọt ngào xao động trải rộng dài lăn tăn mặt nước Hồ Tây. Hà Nội xưa khi Xuân về từng cơn rét ngọt rung rinh cành dào, cành quất chợ hoa, em tung tăng phất phơ đôi bím tóc, tà áo nghiêng nghiêng đùa nghịch cùng gió xuân...Hà Nội bây giờ  rộng lớn  vô cùng, cuộc sống vội hơn, con người cũng vội, nét hào hoa thanh lịch có phai? Người không quen có về Hà Nội chơi vui nhé, nhớ tìm và sống cho tôi một góc khuất phố xưa.
Chủ nhật vừa rồi, người không quen, em có lên miền cao nguyên thơ mộng hỏi thử cho tôi thông có còn xanh reo trong gió, Hồ Xuân Hương nước trong hay đục, thác Cam ly có còn réo rắt chuyện tình xưa, có ghé đồi Cù, Đồi thông hai mộ nhớ tìm ngồi một chỗ gốc thông đôi, Thung lũng tình yêu mỗi chiều về cỏ dập dìu lướt nhẹ dạo từng đôi. Chợ hoa đêm có còn nhộn nhịp và con đường em có đạp xe đôi. Sương có rơi đêm, ngày có mưa bất chợt để không đâu có  Đà lạt một nét yêu riêng. Kìa em, tiếng chuông chùa vang vọng, người không quen có nghe thấy ấm lòng không?
Người không quen ơi có xuống miền Tây, hãy về nhé Cần Thơ, ghé thăm mỗi miệt vườn, hái bưởi năm roi, nướng cá giữa đồng, nằm để thuyền trôi ngắm vườn cây trĩu quả và lắng nghe cá lao xao tranh từng quả chín rụng ven bờ. Buổi sớm mai lại xuôi dọc Tiền Giang, em ghé thăm chợ nổi Cái Bè, nghe ngọt tiếng chào bồng bềnh những thuyền quả trên sông, rung rinh nụ cười khăn rằn vắt xéo ngang và niềm vui ăm ắp những khoang thuyền. Đêm em nhé, hãy ra cùng ai đấy, theo thuyền trôi dòng nước sông Hương ngắm Tràng Tiền cầu điện đổi màu những nhịp lung linh, say người con gái Huế, mơn man tay đàn, giọng ca ngọt lịm mới xao xuyến làm sao: những điệu Nam ai, Nam bình, những Lý giao duyên, Mười thương... Em có nghe có nhớ những chuyện ngày xưa…
Miền đất xa ấy, đêm nay người không quen ơi có ngủ, Hãy dậy nhé,  uống với tôi chén rượu này, khỏa lấp đi những bồng bềnh kỷ niệm. Người không quen nhé, tôi tựa đầu vào câu thơ em ngủ, đắp lên mình chút sương mỏng miền quê xa. Dù không biết tôi, em vẫn ru tôi ngủ nhé, đôi mắt em tôi vẫn nhớ lắm, như in, bài thơ ấy người không quen có nhớ...
Người không quen ơi, dù có xa lắc xa lơ, xin đừng quên tôi người em cũng chẳng biết, chẳng quen. Em ngủ ngon nhé và xin đừng mộng mị. Cứ mỉm cười như thế đón tôi vào ôm trong những giấc mơ em!