Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

MỘT SỐ HÌNH ẢNH GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG


Lễ rước kiệu ( H.1)


Các thiếu nữ với các mâm lễ vật ( H.2 )

Quang cảnh lễ hội sáng nay ( H.3.4.5 ) . 


Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Blog của Q.MF

MF thì vốn tưng tửng, chủ quan, nên viết lách vô trang Quế đôi khi chạnh lòng một vài Quế, vì vậy đôi khi bị ... đuổi! he he. Zưng MF vốn là MF trơ lì "có bằng cấp", nên không chịu đi. Tuy nhin để chìu lòng các Quế (dẫu là toàn núp gốc quế), MF phải chi thời gian lập một blog riêng để tung hoành cho phẻ. Zưng mà các "Quế núp"chớ có thở phào nhẹ nhõm, MF vưỡn chơi đều trên trang Quế, chỉ có đôi lúc muốn "rộng chân" chút thì quậy trên sân riêng thui, đừng mong chờ MF bỏ đi. Vậy nhờ Q. Ráo hay các đại ca tổng quản ghép vào blog Quế hay BTMT cái link quậy của MF: http://quemafia.blogspot.com/
Q.MF bố cáo!

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

BIẾT KHÔNG?


Gần đây nhiều “đại gia” nợ trên nghìn tỉ lặng lẽ ra đi và báo chí được dịp ồn ào, quậy tưng không khí trầm lắng của công cuộc làm ăn ảm đạm từ đầu năm đến nay.Còn nhớ cả năm ngoái ,công ty Bianfishco lúc nào cũng có mặt trên cả trang quảng cáo của báo Đầu tư tài chính Sài gòn giải phóng mà ham.Các vị lãnh đạo khi về Cần thơ thế nào cũng được long trọng mời đến tham quan điển hình làm ăn của người phụ nữ nhiều cá tính “đồng bóng”này.
Có chuyên gia dự đoán vào mùa đại hội cổ đông năm nay sẽ xuất hiện nhiều Công ty “bất đắc kỳ tử” và chắc chắn còn nhiều “đại gia” chân đất sét núp trong bóng tối ,ra sức chống đỡ …cho đến khi kiệt sức mới chịu đầu hàng.
Xâu chuỗi việc lộ ra nhiều “đại gia” như Vinashin,Điện lực … nợ nần chồng chất đến các vụ bể hụi khắp nơi và nhất là nhiều công ty nợ hàng nghìn tỉ như Bianfishco,Phương nam…có bất ngờ trong việc quản lý nền kinh tế không?
Năm 1989 khi mới mở cửa nền kinh tế nước ta ,tôi được cử vào học lớp “Bồi dưỡng cho kỹ sư” tại trường Kinh tế đối ngoại ở Tp HCM.Tôi nhớ mãi tiên đoán của thầy Vũ Văn Ly dạy môn
Quan hệ quốc tế. Trong một bài nói về tuân thủ pháp luật trong kinh doanh,thầy đề cập đến câu truyền miệng”Chủ trương miến Bắc,nguyên tắc miền Trung ,lung tung Nam bộ”.Thầy thường căn dặn “Thương trường là chiến trường ,ở đó không có khái niệm đạo đức nhưng kinh doanh muốn tồn tại phải dựa trên cơ sở đạo đức”.Có học sinh hói ”Thầy hình dung như thế nào về mặt trái chân dung các Giám đốc (Hồi ấy chưa xài “đại gia”) của ba miền trong 20 năm nữa ?”.
Thầy cho rằng,miền Bắc sẽ có những Giám đốc giỏi ,nghiêm túc dù bắt nhịp chậm hơn miền Nam nhưng có một số Giám đốc lợi dụng “chủ trương” gây nên những đổ vỡ lớn ,phương hại đến nền kinh tế quốc gia mà Nhà nước phải rút hầu bao ra để lo cho những “quý tử” này.
Các Giám đốc miền Trung chặt chẽ ,ít sai phạm;nếu có đổ bể cũng không nhiều và phần lớn ảnh hưởng đến cá nhân hoặc cục bộ công ty,đơn vị nhiều hơn.(Sau này thấy:Lạ cái là ở đây khi làm ăn họ tính toán rất kỹ nhưng lại cả tin ,không kìm hãm lòng tham …nên có rất nhiều vụ bể hụi lên đến hàng chục tỉ đồng.)
Còn các Giám đốc miền Nam táo bạo,làm ăn lớn nhưng một số không kiểm soát nổi phát triển quá mức sẽ dẫn đến đổ bể lớn mà ngân hàng là nơi phải gánh chịu nhiều hậu quả.
Bây giờ ngẫm lại thầy tiên đoán đúng phóc từ rất sớm .Vậy lẽ nào đội ngũ lãnh đạo quản lý đất nước hùng hậu ,nhan nhãn tiến sĩ như nước ta lại chẳng thấy điều này? Có lẽ họ biết cả đấy nhưng vẫn để nó diễn ra rồi phó mặc đến đâu thì đến.
Anh dựa vào chủ trương ,bảo bọc của Nhà nước thì sử dụng tiền của dân đầu tư vô tội vạ để hương lại quả.Do dính dây nhau nên chúng tìm cách xử lý êm thấm vì thế việc lớn thành nhỏ,việc nhỏ thành…như con thỏ.Chỉ có Nhà nước,thuế dân là thiệt nhưng dân xa quá biết đâu mà xót.
Còn anh nguyên tắc vốn nhút nhát nên có ăn cũng mỏng,xem trước xem sau,biết làm mới ăn nên không có những vụ thâm thủng lớn.Những vụ nổi bật thường là do chơi hụi hè bị xù nhưng vụ này thường người dân tự xử ,cam chịu nên có ồn ào rồi cũng trôi qua nhanh.
Một số anh nhớn Nam bộ lại dám vay lớn dù chỉ có miếng đất nhỏ xíu thuê của Nhà nước.Các phi vụ kinh doanh này nếu thành công cũng thật vang dội nhưng phần lớn là những hiểm họa khôn lường.Anh vẽ dự án to vật vã cùng với Ngân hàng , rồi thực hiện ngay ào ào …đến choáng ngợp.Thường giá trị công trình nâng gấp mấy lần ,đưa vào thế chấp ngân hàng vô tư.Như vậy công trình chưa đi vào hoạt động đã bốc hơi một mớ cho các bên.Vụ việc gần đây của Công ty cho thuê tài chinh II của ngân hàng NNPTNT là một ví dụ.Dĩ nhiên động cơ đầu tư ma giáo,trình độ quản lý kém sẽ dẫn đến đổ vỡ .Vụ Bianfishco có trên 10 Ngân hàng trở thành chủ nợ.Các doanh nghiệp Ngân hàng dù sao cũng của tập thể,của cổ đông lại kinh doanh …nên ráng mà chịu.Thế mà cho người dân vay vài triệu xét lên xét xuống ,cho “đại gia” vay hàng trăm tỉ nhẹ như không.Ngân hàng bóp cổ các doanh nghiệp,gom góp đưa vào các lổ hổng này đây.Phần vốn Nhà nước chiếm tỷ trong cao ở các NH nên trăm dâu rồi cũng đổ đầu "người dân" cả đấy.
Câu chuyện đèn cù “tít mù lại chạy vòng quanh” này chắc còn dài nên không biết định hướng XHCN cho nền kinh tế đèn cù của ta theo hướng thẳng hay cong đây.
Công cuộc CNH cơ bản kết thúc vào năm 2020 của ta không biết có trừ ra những xác “chết lâm sàng “ này không? Biết chết liền!
HHP


Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Sát thủ hoàn hảo. P2: Hung thủ ẩn dưới 200 mét nước

Rồi Haraldur Sigurdsson phát hiện thấy trong nước hồ chứa hàm lượng lớn khí CO2, loại khí giết người qua đường hô hấp. Sigurdsson dựng lên giả thuyết gọi là “Hồ lật úp”, cho rằng chính hồ nước đã giải phóng một lượng lớn khí độc mà nó tích tụ được, trở thành đám sương mù giết người. Nhưng trước đó, trên thực tế chưa có trường hợp nào như thế xảy ra được ghi nhận cả, và cộng với sự hạn chế của khoa học lúc bấy giờ, đã khiến giả thuyết của Sigurdsson trở nên sơ hở. Các nhà khoa học đã phủ nhận ông. Vì vậy, khi ông đề nghị kiểm tra nồng độ CO2 của các hồ khác trong vùng thì Chính phủ Cameroon đã từ chối.

Trở lại Nyos, George Kling tin rằng giả thuyết của Sigurdsson là đúng. Ông đã độc lập tiến hành thử nghiệm nước trong hồ Nyos, và nhận thấy có một lượng lớn khí CO2 trong vùng nước sâu của hồ. Ông cho rằng, khí CO2 tự nhiên đã bốc lên thành một đám mây độc và đầu độc ba ngôi làng ven hồ. Đám mây này không mùi, di chuyển rất êm và không nhìn thấy. Ba yếu tố đó hợp lại khiến nó trở thành một sát thủ hoàn hảo. Giả thuyết này phù hợp với những vết bỏng được phát hiện trên thi thể các nạn nhân. Nó được gây ra bởi khí CO2 lạnh chứ không phải từ khí nóng. Đồng thời, không quân Mỹ đã cho biết, khi con người tiếp xúc với lượng lớn khí CO2 có thể dẫn tới ảo giác khiến họ cảm thấy rằng chúng có mùi lưu huỳnh.

Giả thuyết này đã mở đường cho các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân, như sau:

Hồ Nyos và hồ Monoun là những hồ nằm trên miệng núi lửa. Chúng được hình thành trong quá trình nguội đi của núi lửa và do tích tụ nước mưa. Trong hầu hết các loại hồ này, các tầng nước luân chuyển từ trên mặt dưới đáy hồ và ngược lại theo một chu kỳ. Trong quá trình đó, các khí từ lòng đất xâm nhập vào đáy hồ cuối cùng sẽ được giải phóng ra bầu khí quyển. Nhưng hồ Nyos, hồ Monoun và cả hồ Kivu ở Đông Phi lại không giống như vậy. Các lớp nước hồ không có sự luân chuyển trên dưới, và vì vậy, khí độc ở đáy hồ sẽ bị giữ lại tại đây.

Khi xuất hiện cơn bão hay trận lở đất hay địa chấn, sẽ làm một lượng lớn nước trên bề mặt chìm xuống đáy và đẩy nước từ dưới đáy lên trên – hồ bị “lật úp”. Khí độc từ trạng thái hòa tan sẽ thoát ra ngoài, giống như bọt khí nổi lên của chai nước có ga bị mở nắp. Theo tính toán, trong sự kiện hồ Nyos, khí và nước đã bốc lên thành cột cao khoảng 80 mét, di chuyển với tốc độ 70 Km/h và lan đến ngôi làng cách đó 19 Km. Ước tính hồ đã nhả ra khoảng 1 Km3 khí CO2 đủ để lấp đầy 10 sân bóng đá. Tại hồ Monoun, đám mây khí này nhỏ hơn nhưng cũng đủ làm cho 37 người thiệt mạng. (hết).
Hình vui: Đầu hàng đi! Tui biết, hung thủ là một trong các anh!

HÀ CHÍ QUANG ( Blog lanbien - scuba )

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

SÁT THỦ HOÀN HẢO . P1 : CÓ 1700 NGƯỜI BỊ GIẾT TRONG MỘT ĐÊM .


(Theo Mysterious, trích)

Đêm 21/8/1986 có 1.700 người ở ba ngôi làng ven hồ Nyos (sâu 210 mét) vùng núi hẻo lánh ở tây bắc Cameroon đã bị chết. Nhiều thi thể bị cháy. Những người sống sót nhớ lại, đêm đó họ ngửi thấy mùi lưu huỳnh. Nhân chứng sống sót sau thảm họa kể rằng “Trên thi thể những người chết không có một dấu hiệu nào chứng tỏ đã bị chấn thương hay có một cuộc đụng độ dẫn tới tử vong”.

Đây không phải là lần đầu tiên. Vào năm 1984 có 37 người dân sống ở ven hồ Monoun (sâu 97,5 mét), cách hồ Nyos 95 Km về phía Đông Nam, cũng chết một cách bí ẩn. Các nạn nhân cũng bị chết đột ngột trong đêm mà không có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy đã có một cuộc đụng độ trước đó.

Giả thuyết ban đầu: George Kling, nhà khoa học Mỹ, tin rằng đã có một vụ phun trào núi lửa dưới lòng hồ Nyos và đó là nguyên nhân dẫn tới những cái chết bí ẩn. Nhưng rồi Kling lại không tìm thấy dấu vết của dòng dung nham nóng, đài phun lửa hay bất kỳ cái gì chứng tỏ rằng đã có khí núi lửa trong đêm đó, bởi khí lưu huỳnh thường đi kèm với những đợt phun trào dung nham. Hơn nữa, nhiệt độ của hồ cho thấy chúng lạnh hơn bình thường chứ không phải đã được làm nóng sau một vụ phun trào.

Nghi ngờ giả thuyết của mình, Kling chuyển hướng điều tra và hướng tới một giả thuyết đã được đưa ra trước đó của nhà nghiên cứu núi lửa người Iceland, Haraldur Sigurdsson, người đã từng đến Cameroon điều tra về một thảm kịch tương tự 2 năm trước ở hồ Monou dẫn tới cái chết bí ẩn giống nhau của 37 người dân ở đó. Sigurdsson cũng từng thăm dò để xác nhận có phải hoạt động của núi lửa là nguyên nhân dẫn tới thảm kịch hay không, và xét nghiệm của ông cũng cho thấy không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng đã có sự phun trào dung nham và khí nóng. Cuộc điều tra đi vào bế tắc.
H: Vách đá (ở Nauy) sẵn sàng giết một ai đó mon men ra bờ vực

HÀ CHÍ QUANG ( ST )

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

VÒNG TRÒN BẤT TỬ .


Vòng tròn bất tử
Là vòng tròn kết bằng thân người
Bao quanh lá cờ Tổ quốc
Quyết không để cờ rơi vào tay giặc
Mắt mở trừng trừng, thân đẫm máu tươi.
Vòng tròn bất tử lưu danh muôn đời
Kể từ ngày mười bốn tháng ba
Năm một nghìn chín trăm tám mươi tám
Trên bãi đá ngầm nơi ấy Gạc Ma.
Các anh nằm trong lòng biển Trường Sa
Sáu mươi tư người không một hàng bia mộ
Chỉ còn đó một trang sử đỏ
Vinh danh bất tử vòng tròn
Và vết thương rỉ máu trong lòng
Mười bốn tháng ba
Hương bao nhiêu nén hoa bao nhiêu vòng ?
Để ta cùng tưởng nhớ Gạc Ma.
HUỲNH ÚC ( Bantroik5)

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Chuyện về phụ nữ

Cóp nhặt được câu chuyện nhiều nghĩa tình bên Bạn trường Trỗi nên bê về để mọi người thưởng thức nhân dịp 8/3 này.
@ Ơn nghĩa khó quên. (Tác giả Quang Anh)
   Đến làm khách nhà Cao sếnh sáng (nhà nghiên cứu Hán Nôm Cao Tự Thanh). Cao nói, có người “đặt hàng” viết về phụ nữ miền Nam cho bộ sách “Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử” do hắn làm chủ biên. Hắn muốn tôi tham gia, viết một vài bài gì đó, trong khả năng. Tôi im lặng, vì không biết tiêu chuẩn của người được viết bài phải như thế nào, viết như thế nào thì được chấp nhận và không biết mình có đủ khả năng viết ?. Trước đây có viết một bài “học và lận đận xin việc làm”, trong đó có nhắc đến vài phụ nữ mà tôi quen, đã giúp tôi xin việc làm. Sau, thấy bài tản mạn quá, nên xóa luôn.
   Lời gợi ý của Cao sếnh sáng mở cho tôi một vài suy nghĩ. Tôi đã thụ nhận quá nhiều ơn nghĩa, phải viết cái gì đó để tạm gọi là trả ơn. Các dì, cô mà tôi có duyên gặp gỡ, bây giờ kẻ còn, người mất, nhưng tình cảm của tôi đối với họ không bao giờ phai lạt.
   Tôi sẽ không theo thứ tự cao thấp, lớn nhỏ về địa vị mà chỉ viết theo thứ tự, người quen trước, kẻ quen sau. Vả lại, trong lĩnh vực tình cảm, khó có thể xếp hạng và càng không thể cân đong đo đếm được.
    Đối với vùng quê Nam bộ, danh xưng “cậu” và “dì” nghe rất thân thiết. Người Nam bộ mặc dù vẫn trọng cái “họ” (bên Nội), nhưng lại có phần thân thiết với bên Ngoại hơn, vì vậy mà “cậu” và “dì” thường được gọi một cách thân mật. Một ý nghĩa khác, vai “cậu” và “dì” ở Nam bộ bao gồm cả anh, em trai hay chị, em gái của mẹ nên xưng hô rất tiện. Vừa tỏ thái độ thân mật, vừa không hạ thấp vai vế của những người mình mới quen mà không rõ tuổi tác.
   Cũng xin nói thêm, ra Bắc lâu ngày, chúng tôi cũng bị ảnh hưởng cách xưng hô của người Bắc. Người Bắc gọi “cô”, “chú” theo nghĩa em của ba, cũng là thể hiện sự thân mật. Dù người được xưng hô có lớn hơn ba, nhưng nghe gọi bằng “chú”, “cô” thì vẫn thích hơn vì nó có ý nghĩa là trẻ hơn ba. Người Bắc chỉ thích làm “lớn” khi chưa thân mật, chứ khi đã thân rồi thì lại thích được gọi là cô, chú cho “trẻ”. Vì vậy trong bài này, có nhiều trường hợp tôi gọi là “cô, chú” theo cách gọi ngoài Bắc, nhưng với thái độ kính trọng, quí mến theo kiểu người Nam bộ.

1. Cô Bảy Nho.
   Cô Bảy Nho, là má của cái chuỗi “Dân, Việt, Nam, Quyết, Thắng”. Trong đó, Nam lại là con gái duy nhất. Đúng ra, hình như cô thứ Sáu trong gia đình, còn gọi “Bảy” là theo thứ của chú Bảy, Vũ Trung Nhung, chồng của cô.

Quê cô ở Vĩnh Long, cùng xã khác làng với cố thủ tướng Võ văn Kiệt. Cả hai có cùng họ Phan, không biết có họ hàng xa gì với nhau ?
   Việt là con thứ ba của cô, chơi thân với tôi từ khi mới quen nhau, lúc còn học dự bị đại học. Tốt nghiệp đại học năm 1973, về đến Hà Nội, Việt rủ tôi đến nhà hắn ở, vì biết tôi chẳng có họ hàng thân thuộc gì ở miền Bắc và hiện không có chỗ tá túc.
   Thực ra, lúc đó tôi cũng có người bác, là bạn của ba tôi, mà tôi gọi bằng bác Bảy Nên, làm việc tại Bộ Ngoại giao. Lúc nhỏ, bác Bảy thường đón anh, em tôi về nhà nghỉ Tết, hè. Anh em tôi xem bác như bác ruột vậy. Trong thời chiến tranh, bác Bảy đi làm Đại sứ bên Thụy Điển, liên lạc khó, nên tôi chưa biết địa chỉ hiện tại ở đâu, cũng không biết nhà cửa rộng hẹp thế nào, nhà bác lại toàn con gái, nên ở nhà bạn vẫn thích hơn. Hôm về đến ga Hàng Cỏ, Hà Nội, Duyên và một lũ bạn về nước trước, ra đón chúng tôi. Duyên, học cùng tụi tôi, nhưng “chê chương trình học của Liên Xô kém cỏi”, nên cắp gói về nước trước. Tấn, biệt danh “đầu non”, học ở trường OVIMU là bạn thân của tôi và Việt, cùng về nước trong một chuyến tàu nên cả bọn kéo nhau về nhà Việt. Cô Hương, má của Tấn lại là bạn thân của cô Bảy Nho, nên Tấn đến nhà này cũng như nhà mình.
 
   Vào nhà, tôi mở va li, lấy ra một cái áo biếu cho Duyên. Nói ra mắc cỡ, tôi về nước, chỉ có đúng ba cái áo và một cái quần đang mặc. Cô bảy Nho thấy cái va li nghèo nàn của tôi, bèn tặc lưỡi thán : “Trời ! tao tưởng tụi mày đi Liên Xô thì khá lắm, ai dè nghèo như con chó mực”. Sau đó, cô lẳng lặng ra cửa hàng cung cấp, mua vải, may cho tôi, Việt và Tấn “đầu non”, mỗi đứa một bộ quần áo. Ai đã ở miền Bắc cái thời bao cấp thì biết, hành động này quý hơn bây giờ ta cho nhau một chiếc xe gắn máy.
   
     Tôi ở nhà cô Bảy một thời gian, nhưng nhà này chật chội, đông người và thường xuyên có khách nên không tiện làm phiền, lại cuốn gói ra đi. Lúc này tôi đã có khá nhiều chỗ để tá túc. Tuy nhiên tôi thỉnh thoảng vẫn ghé thăm gia đình cô Bảy.

   Ở Hà Nội thời đó, chúng tôi gắn bó với nhau vì rất nhiều lẽ, nhưng trên hết là nhu cầu tình cảm. Vì vậy mà tôi trở thành “người nhà” của gia đình cô Bảy, đến mức đám em của Việt đều xem tôi như anh của chúng.

   Tấn đầu non chỉ ở tạm nhà cô Bảy một hai ngày, rồi sau đó về Hà Đông ở với má nó.

    Đầu năm 1975, tôi đi B. Trong chiến khu, tôi lại là nhân viên của chú Bảy Nhung nên càng thêm thân mật.

   Sau ngày ba mươi tháng tư, cả bọn bạn lại gặp nhau ở Sài Gòn. Nhiều mối quan hệ cũng đã thay đổi, kẻ thân thành sơ, người sơ thành thân. Thêm vào đó, mỗi người lại có những mối quan hệ riêng, không thể chia sẽ cùng người khác.

    Dù có vài thay đổi trong các mối quan hệ, nhưng tôi vẫn thường xuyên ghé thăm cô, chú Bảy. Kể cả lúc chú đau nặng phải nằm viện, tôi cũng thường xuyên ghé thăm. Lâu lâu tôi không đến thăm, cô lại nhắc hay hỏi han. Bây giờ, tôi như là người thân của gia đình. Đám giỗ, cưới hỏi gì cũng mời. Có lần cô Nam giận Hai Dân, nó nói : “Thôi để anh AQ làm anh Hai, nghỉ chơi anh Dân”. Tôi là khách thường xuyên của gia đình này, nên người nhà còn biết cả sỡ thích của tôi. Có lần, Út Thắng ở Đức về chơi, Quyết hỏi : “Mày còn nhớ ai đây không ?”, nó lắc. Quyết nhắc : “Mày còn nhớ anh nào, đến nhà mình ăn cơm, mà hay chan canh ?” . “À ! nhớ rồi, anh AQ”.

    Các con cô Bảy hầu như đều giống cô ở cái tính tốt bụng, cởi mở, nhiệt tình với bạn bè. Việt học ngành xây dựng ở Leningrad. Mỗi lần tôi ghé chơi ở thành phố này, chủ yếu là tá túc ở chỗ hắn, ăn dầm, nằm dề và bóc lột tiền vé máy bay trở về. Hắn rộng rãi, cởi mở, vui tính nên có nhiều bạn, và với bạn thì hết lòng. Tôi biết, trong quá trình làm việc, thời còn là Phó chủ tịch UBND TP., có nhiều người phê phán Việt. Nhưng hoặc là người đó hiểu lầm, hoặc do hoàn cảnh “chẳng đặng đừng”, vả lại cũng không ai hoàn thiện, nên chuyện lỗi lầm là lẽ đương nhiên. Sau này tôi biết thêm, do chính Việt nói ra, khi làm quan, dù ít hay nhiều, ai cũng có quan tính. Quan tính dễ làm lu mờ nhân tính, nhất là đối với những người không được đào tạo để làm quan, mà quan của chúng ta hầu như không được đào tạo chuyên trách.

   Có lần, trong đám cưới con một người bạn, Việt đến sau, vì bàn tôi đang ngồi đã chật, hắn đành ngồi bàn khác và kêu tôi đến ngồi chung. Một quan chức, thấy một nhân vật vô danh như tôi, ngồi kế bên ông Phó chủ tịch, liền mỉa mai : “Sao tôi thấy anh Bảy ngồi đâu, anh cũng theo ngồi kế bên vậy ?”. Tôi bị “quê”, nên im. Việt đỡ lời : “Nó là thằng bạn thân nhất của cả gia đình tao. Tao kêu nó qua ngồi chung, nếu không, nó đâu có thèm ngồi gần”.

    Cô Bảy là con người khá đặc biệt, rất hay tự hào về sự nghèo của mình. Gặp cô, trăm lần như một, luôn kể về sự hà tiện của mình, nào là ăn mắm kho quẹt, nào là ăn cơm nguội với muối ớt …nhưng khi cần, cô sẵn sàng bỏ tiền triệu, chục triệu ra giúp người. Việc cô hay kể về sự nghèo hèn của mình, quả là chuyện lạ, vì người ta thường hay khoe giàu, khoe sang, chẳng ai khoe nghèo. Mà cô khoe rất tự nhiên, khoe từ cái lúc tôi mới biết cô, chứ không phải lúc chú Bảy Nhung hay Việt còn làm quan.

    Cô từng kể, khi Việt lên làm phó chủ tịch, dượng Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) thấy Việt giống dân lai, liền nói “Việt Nam hết người rồi hay sao mà cho thằng con lai làm lãnh đạo ?”. Chuyện đến tai chú Sáu Dân, là người biết rõ gia đình cô Bảy. Chú Sáu liền nói :“Con lai gì nó, nhà nó nghèo đến mức không có nỗi miếng đất chọi chim”. Kể chuyện này, cô rất tự hào về cái sự nghèo và lối nói ví von của cố thủ tướng “không có miếng đất chọi chim”.

   Sài Gòn đất rộng xe đông, đi thăm nhau rất khó khăn. Cái thời ở Hà Nội, bạn bè chúng tôi có thể đi bộ đến thăm nhau, vì khoảng cách không xa và chúng tôi đều còn trẻ. Bây giờ, về Sài Gòn, chúng tôi tất cả đều đã lớn tuổi. Nhà người này cách nhà người kia, ít thì một hai cây số, xa thì mười mấy cây số, việc đi thăm nhau không thể đi bộ được.

   Tôi đến thăm, cô nói : “Nhà con xa thế, gọi điện cho cô là đủ rồi, đi làm chi cho mất công, lại tốn xăng”. Tuy nhiên, lâu không tới, cô lại nhắc. Tết hằng năm, tôi đến thăm cô, thường nhận được tiền lì xì, dù nay đã quá lục tuần.


NHỮNG VẦN THƠ BẤT HỦ CỦA HSMN .

Đã lâu không vào chợ HSMN. Chạnh lòng nhớ mọi người, nhớ chuyện xưa... Thôi thì viết ra cho thỏa nỗi nhớ ngày nào. Ngày tháng hồi đó, cứ mỗi lần đến ngày lễ nào đó là các lớp cứ thi nhau làm báo tường. Cứ tưởng ngon ăn ai dè khó ra phết. Giải bài toán khó thì cao lắm mất có 1 ngày, còn đằng này làm mỗi bài thơ mất hết cả tuần chưa xong, hix... Khó nhất là làm sao vào đề, vô đề rùi thì cứ luật bằng chắc mà phang, keke
Thế là các bài thơ, rồi ca dao,... giở ra nghiền ngẫm??? "Bầm ơi..." được, thay vào Hiền ơi, Hường ơi, có lý... Còn các tên như Huệ, Nguyệt, Thanh, Khánh,... thì tắt đài, mà cũng không ổn, nghe có vẻ tình cảm riêng tư quá Thế thì "Em ơi...", "Ai ơi..."
"Ai ơi ngày Tám tháng Ba
Chúng em vui sướng thiết tha bồi hồi..."
Tuyệt chưa? Đại loại là thế
Và cả nhóm cứ xúm xít chép qua chép lại của nhau, sửa đổi tý chút cho có gọi là đột biến gien
" Hôm nay ngày Tám tháng Ba
Chúng em vui sướng hân hoan đón chào
Trong lòng hồi hộp xiết bao
Chờ mong quà Bác sẽ trao ngoan hiền
Chúng em xin hứa tiến lên
Đạt 5 điểm tốt trò ngoan nên người"
Nộp báo tường!!! Xong
Và cứ thế, những vần thơ bất hủ cứ tuôn trào khi mỗi dịp lễ
" Hôm nay 19 tháng Năm..."
" 22 12 đến rồi
Lòng em vui sướng bồi hồi..."
TPHCM, ngày 7 tháng 3 năm 2012
Ba Chột lục xục

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Nhân bài ĐỐ HÌNH ẢNH LẠ

Nhân bài ĐỐ HÌNH ẢNH LẠ của blogger TGTB. Các cô gái Thái có cái cái búi tóc trên đầu được gọi là "TĂNG CẨU" như 2 bức hình dưới đây:



Ảnh chụp trong chuyến đi Tây bắc năm 2009.
Đọc thêm về "Tăng cẩu". Thêm ảnh dưới đây:
Cô gái Thái đội mũ bảo hiểm "bảo vệ" cái Tăng cẩu

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

MUỘN MÙA GIÓ




Hoài
Gió thổi phóng khoáng
Hun hút chiều
Nghiêng về em tít tắp
Thấp thoáng bờ vai
Khẽ rung
Len lén quay đi
Ướt nhoè
Thả
Vương giọt đau

Mà tháng giêng xanh rộn rã
Tháng hai trắng đợi chờ
Tháng ba vàng ngờ ngợ
Chướng mút mùa
Quên năm tháng
Bát ngát rộng
Lăn tăn thẳm
Xô hết về em
Hửng nắng
Lúa trời
Rụng rơi
Ghim xuống đất

Bước quá dốc cuộc đời
Gió thốc suốt sống lưng
Chiều trở lạnh
Nín im em
Đá dựng kiên gan
Ước gì hong khô
Muộn mùa rét mướt
Nụ hôn ấm áp
Đất đồng se
Hạt nảy mầm
Một đời hoang hoải...

2/2012
HHP