Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Lướt sóng Ly Giang về Dương Sóc

Sau khi về thăm trường cũ, trường mới, ngày 23/7/2015 cả đoàn lên xe đến bến thuyền để thực hiện chuyến hành trình "lướt sóng Ly Giang về Dương Sóc".
Hình 1: Bến thuyền Ly Giang.

Nhớ Anh Trần Văn Hoàng




   Bao nhiêu lần định viết về anh, nhưng rồi lần lữa mãi do công việc cũng có mà chính là lười viết, cho đến hôm nay trước ngày giỗ đầu của anh (năm thứ ba). Thế mà đã tròn ba năm ngày anh về với mẹ, trung Thu năm 2012. Anh và tôi cùng họ Trần nhưng anh ở Duy Xuyên tôi Điện Bàn với hai nhà thờ Tổ khác nhau. Cuộc đời đưa đẩy để anh em chúng tôi gặp nhau, sống và công tác cùng nhau một thời. Không làm lễ cắt máu ăn thề nhưng trong thâm tâm anh coi tôi và thằng Tám (Nguyễn Đỗ) như hai đứa em ruột và hai đứa tôi cũng coi anh như anh Hai mình.
   Nhớ lại hồi 1982, lúc đó tôi còn sinh viên tham gia dọn nhà cho ông bạn Quế Dương Xuân Bình, hắn chiếm đại một căn hộ trong khu tập thể trường Trung cấp vừa giải tán, vợ hắn sắp sinh con đầu lòng mà không có chỗ chui, đành thế. Đang loay hoay dọn dẹp nhìn sang căn hộ bên cạnh thấy một cha trông mặt quen quen. Hỏi Xuân Bình: Ai vậy? À, đó là anh tên Hoàng, nghe đâu cũng là HSMN Đông Triều. Nhìn qua thấy phu nhân ông anh HSMN lớp trước cũng mang bầu lặc lè. Vậy là cùng cảnh ngộ với Xuân Bình, nên quả liều giống nhau. Lân la hỏi thăm mới biết anh học lớp 10K năm 1975 ở Đông Triều. Và rồi tôi nhớ ra anh: Anh Hoàng ở Duy Xuyên. Ừ, răng biết. Anh không nhớ em? Hồi ở Quế Lâm về năm 75 em ở phòng anh. A, mày là em thằng Ba Mập, Dũng nhớ rồi. Hồi ở Hà Nội tao gửi sách sức bền và vẽ kỹ thuật về cho mày mà gặp thì quên mất, hèn gì tao thấy quen quen. Những năm sau giải phóng, trường mới sách vở thiếu phải học chung, tôi gửi thư cho ông anh học Trường An ninh, anh ấy nói lại với anh Hoàng BKHN nên được hưởng lợi ( Chắc là anh cũng chôm của trường gửi cho thằng em, chứ mần chi có của riêng, là tôi suy diễn thế).
    Ở Quế Lâm về tôi theo chị Hai tôi về K20 trên Phú Thọ nên về Đông Triều sau các bạn trong lớp. Hội Quế Lâm về ở Khu lớp học, trải chiếu nằm nền xi-măng. Anh Huỳnh Văn Tân đón tôi ở Hà Nội đưa về Đông Triều và cho tôi vào ở với lớp 10K, lớp cũ của anh Ba tôi, lúc đó còn chưa đến chục anh chị vì nhiều người đã vượt tuyến về thăm quê Miền Nam. Tôi tự nhiên được trở thành “học sinh chờ 10K” đúng nghĩa ( được phân cho một cái giường, có chăn mùng và ăn cơm ké ) ( Không phải “học sinh 10 K chờ”). Tôi nhớ ở lớp 10K lúc đó ngoài anh Trần Văn Hoàng còn có các anh: Nguyễn Đình Chiến, Trần Phước Hảo, Thái Võ Trang, Võ Cang (mập),Võ Thanh, Minh Chiến, Phước, Long…Mấy hôm sau thì có anh Ngũ về Miền Nam mới ra. Tóc dài, áo chẽn, quần loe, dép sapo, đúng mốt Miền Nam lúc đó, trông bảnh chọe. Đến bữa ăn, các anh nhận cơm từ nhà bếp về phòng ở, anh Hoàng cấp cho tôi một cái thìa và bảo: Ăn cơm Dũng. Tôi đang lúng túng không biết xoay xở ra sao thì thấy các anh đã xúm quanh mâm cơm dưới nền nhà mỗi người một cái thìa và…xúc. Tôi cũng là theo, rồi quen dần. Có một hôm đến bữa ăn, mọi người đang chuẩn bị thao tác thì thấy có một anh da trắng trẻo, người dong dỏng bước vào phòng. Các anh gần như đồng thanh: Mời thầy ăn cơm! (Sau này tôi biết đó là thầy Bắc dạy toán và cũng là chủ nhiệm lớp chuyên toán 10K) Tôi thấy thầy thò tay vào túi quần sau rút ra một cái…thìa và cùng ngồi ăn cơm tự nhiên với chúng tôi. Với mọi người, ngay cả thầy Bắc có khi không nhớ, nhưng tôi kẻ ăn ké lớp 10K năm 75 thì đây là bữa ăn đặc biệt nên nhớ dai lắm. Rồi các anh nhận giấy báo điểm thi đại học người vừa lòng kẻ không vui. Tôi theo đoàn về lại Miền Nam. Đến giờ trong số lớp 10K năm 75, tôi gặp lại một số người hôm được mời dự họp lớp với các anh chị tháng 7-2012, nhưng còn nhiều người tôi cũng chưa có dịp gặp lại. Riêng anh Trần Văn Hoàng thì gắn bó như anh em ruột thì nay anh đã đi xa mãi mãi.
    Run rủi thế nào sau hai lần đổi quyết định phân công công tác ở Tổ chức chính quyền tôi lại về cùng Công ty với anh. Tôi nhân viên Phòng Kế hoạch, anh trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty Khai thác Thủy sản QN-ĐN. Rồi khi di chuyển đoàn tàu đánh cá vào phía Nam, anh trưởng Đoàn tôi làm phó cho anh. Mũi Né - Phan Thiết, Vũng Tàu - Côn Đảo, Kiên Giang- Phú Quốc…những nơi mà anh em chúng tôi đã từng trú ngụ để tổ chức cho đoàn tàu Đà Nẵng di chuyển khai thác hải sản ở những ngư trường mới hiệu quả hơn. Công việc vất vả, nắng mưa, bão gió cộng với nỗi nhớ gia đình…anh em chúng tôi đã thương nhau càng thương nhau hơn. Với thương hiệu HSMN chúng tôi đi đến đâu cũng đều được các anh chị là các cựu HSMN đang là lãnh đạo chính quyền, các công ty… quý mến, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Khi đưa đoàn tàu lên ụ (như một cái hồ nước lớn, có cửa để đưa tàu vào rồi bơm nước ra, tàu sẽ nằm trên cạn ) để sửa chữa sau vụ cá Nam, hợp đồng ban đầu là 40 triệu (vàng 1,5 triệu/lượng), nhưng sau khi thăm hỏi làm quen ông anh giám đốc Xí nghiệp trục vớt Ba Tòng cựu HSMN Đông Triều lứa BTCN, gặp hai thằng em cựu HSMN ĐT lứa sau, “Zui quá, gặp tụi bay zầy là zui rôi! Đi nhậu đã, có món trục lắp hộp số hay lắm. Tụi bay đi zới anh. Nhâu nhiệt tình thì giảm giá, hổng nhệt tình thì có khi giá phải tăng.” Anh Ba Tòng kéo chúng tôi đi nhậu tới bến cấm nói chuyện công việc. Trong khi nhậu anh kể: Hội HSMN Sông Bé (lúc đó còn là một tỉnh) có Đồn điền cà-phê, cao su riêng nên quỹ Hội chúng sung lắm. Có thằng Ba Hiếu PGĐ Sở… tỉnh trù trì. Hội Zũng Tàu bọn tao đã quyết định một thằng trung tá nghỉ hưu để quản lý Nhà máy nước đá của hội, lấy quỹ lâu lâu tụ họp nhậu chơi…Anh quy ước khi triển khai đưa tàu vào ụ, anh Ba chỉ tiếp mấy thằng bay từ 16g30. Ngày hôm sau hợp đồng chỉ còn giá trị dưới 20 triệu đồng. Khi kết thúc hợp đồng, công việc sửa chữa tàu hoàn thành tốt đẹp, anh Ba Tòng nói với tôi: Việc xong, tốt đẹp. Để tạo điều kiện cho anh em mình: Tao làm quyết định thưởng bọn bay, bọn bay thưởng lại anh , mới có tiền nhậu tiếp chứ? Tôi thấy có lý, giá anh Ba giảm cho mình quá hời, công việc lại tiến triển suôn sẻ, nên bàn với anh Hoàng để hợp thức hóa thì thực hiện phương án anh Ba Tòng đưa ra là tối ưu. Dạo đó cơ chế còn bao cấp nên tiền bạc cũng khó khăn, thủ tục cũng khá rườm rà. Anh Hoàng không đồng ý, lý do tiền Nhà nước không đụng đến, anh V Giám đốc tin tưởng hai anh em mình, làm thế tao thấy không hay. Thôi, nói lại anh Ba Tòng thông cảm. Anh Ba Tòng cười, đúng là mấy thằng khu eo, nhác gan thế. Nói thế rồi anh rủ chúng tôi đi nhậu và cười trừ với mấy thằng em HSMN eo.
Thế đó, anh Hoàng của chúng tôi trong công việc thì trách nhiệm đầy mình. Khi ra trường anh xuống trực tiếp làm thợ sửa chữa tàu, anh thuộc từng con bulon ốc vít của tàu cá, nên khi làm trưởng phòng kỹ thuật, chẳng có chú thợ máy nào qua mặt được anh. Công nhân tiện, hàn làm chưa chuẩn anh đứng máy tiện, cầm mỏ hàn làm mẫu trực tiếp cho họ thấy. Trong sinh hoạt thì mẫu mực luôn là người anh cả của chúng tôi. Trong công ty ai cũng yêu mến và tôn trọng anh. Sau đó anh xuống đi tàu Vận tải viễn dương (thời đó là ghê gớm lắm) được ba chuyến đang cải thiện được đời sống, nhưng vì công việc lãnh đạo công ty yêu cầu lên bờ để phụ trách đoàn tàu cá đang khai thác tại Kiên Giang anh sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn cực khổ hơn.
     Biết bao nhiêu kỷ niệm về anh, nhưng với bài này làm sao kể hết. Trong bài “Nhậu với Giám đốc Nông trường Quyết Thắng” Nhân vật anh H – trưởng phòng Kỹ thuật chính là anh Hoàng của tôi đó.
Tối hôm trước ngày anh mất, tôi ngồi với anh, khi chỉ còn hai anh em, anh bảo tôi: Mày bóp cái chân anh chút, mỏi quá. Không ngờ đó là những lời cuối cùng anh nói với tôi, sáng hôm sau anh ra đi mãi mãi. Khóc anh tôi không dám khóc thành lời. Anh ra đi tôi thấy “hụt hẫng”. Má tôi khóc: Sao mà nó chết trẻ thế trời ơi. Anh là bạn tâm giao của bà, vài ba hôm lại ghé qua nói chuyện với cụ, cụ coi anh như mấy đứa chúng tôi. Anh thường nhắc nhở anh em tôi còn mẹ là có phúc, bọn bay phải chú ý ngoài việc lo cho bà, còn phải tâm sự hỏi han, người già thích tâm sự. Anh mồ côi cha mẹ sớm, nên thiếu thốn tình cảm, anh luôn coi mẹ chúng tôi như mẹ anh. Anh ra đi cả xóm tiếc thương anh…
Thấy chị Minh Tâm lớp 10K đã đăng bài trên FAC nói về anh Trần Văn Hoàng nhân giỗ đầu của anh trong khi bài này tôi đang viết dỡ dang. Thôi thì bài viết này như nén nhang thắp anh trong ngày giỗ. Sáng ra tôi sẽ qua thắp nhang và dự đám giỗ anh. Tôi sẽ thắp hương thay cho bạn bè anh em không đến được.
   
    Anh Hoàng ơi, ba năm rồi ngày anh đi xa, nhưng em vẫn như thấy bóng anh còn đâu đây, sự hụt hẫng thiếu anh vẫn còn trong em. Trên bàn thờ ảnh anh vẫn nụ cười tươi roi rói.
Trung Thu 2015, Kỷ niệm 3 năm ngày mất của anh Trần Văn Hoàng

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Dũng sĩ Quế (kì II)

Chút chút thôi nha !

        Cuộc họp ngày cuối, đầu giờ chiều tôi nhắn tin cho nó: “Mày có ở BV, khoảng sau 6h chiều tao đến”. Nó nhắn lại: “Ok, cứ đến cổng BV…thì gọi tao”.
Xong họp sớm, tôi tách đoàn và đi taxi đến cổng BV…điện thoại cho nó. Chờ tao tí, có chút việc gần xong. Quán vỉa hè trước cổng bênh viện, tôi gọi chai nước khoáng giải khát và chờ bạn. Rút máy lướt web giết thời gian. Lơ đãng ngắm phố phường trước giờ trời tối. Đường phố ồn ào, xe cộ và người như nêm. Mắt đang bị hút bởi những dòng người xe hối hả khi phố mới lên đèn thì xuất hiện trước tôi một ông cụ dáng đi xiêu vẹo, bước thấp bước cao, tay cầm xấp vé số. Tôi buộc miệng: Vé số! Ông cụ đi về phía tôi: Ông mua vé số? Tôi mời ông ngồi uống nước và thắc mắc với cọc vé số còn dày gần như nguyên xi: Sao giờ này mà còn nhiều vé số  thế ông? (Tôi định gọi chú hoặc bác, nhưng rồi không hiểu tại sao lại gọi ông, có lẽ do mái đầu bạc trắng xóa nhìn như người 80 tuổi). Vé ngày mai đó, vé hôm nay còn lại tôi đã trả lại đại lý rồi. Tôi mua 20 tờ vé số và hỏi chuyện ông cụ về mưu sinh với nghề này có đủ trang trải cuộc sống không? Ông cụ nói cũng tạm qua ngày chờ ngày “tịch”. Ông cụ cũng tiếu lâm ghê. Ông cụ hỏi và gần như tự trả lời: Chú hình như là người Trung? Tôi cũng quê Miền Trung. Chú công tác? Vâng, tôi đi công tác, sáng mai về lại đang chờ gặp người bạn là bệnh nhân đang ở viện? Sao không vào bệnh viện? Người bạn tôi đang đi ra ngoài, tôi đang chờ. Bạn chú bị bịnh chi, nằm ở bệnh viện lâu chưa? Anh ấy bị suy thận phải chạy thận nhân tạo, nghe đâu phải lọc máu ba lần trong tuần, anh ấy ở lại luôn trong  bệnh viện. À, có phải anh  giáo chạy thận mười mấy năm ở bệnh viện này. Tôi bán vé số quanh đây mấy năm rồi, cũng có biết chú đó, cùng quê Quảng Ngãi với tôi, yếu lắm rồi, vợ con ở xa, chú ở một mình nhờ gầm cầu thang trong bệnh viện, lâu lâu mới về nhà lần. Giọng miền Trung của ông cụ pha tạp giống tôi nên tôi thấy dễ gần, cách nói chuyện của ông cụ cũng có duyên, tôi như gặp người được người thân giữa chốn đô thành sầm uất. Ông bán vé số ngoài giọng nói sang sảng và đôi mắt sáng, còn cả người ông là sự tiều tụy, có cảm giác ông mà về miền Trung gặp bão đễ thổi bay mất.  Những ngón tay dài tóp teo cố cầm cho chắc tập vé số. Tôi nhìn dọc cánh tay ông cụ thấy mạch máu nổi lên một đường xanh chạy dọc theo cánh tay lên cổ. Dấu vết của việc chích kim để lại chằng chịt, động mạch cổ của ông cụ còn nổi lên một cục bọng máu to tướng. Ôi đích thị “dân xì”. Tôi đặc biệt dị ứng với dân xì-ke, nhìn kỹ ông này tôi bắt đầu thấy ngán. Tôi hỏi giọng không còn thân mật: Ông chơi ngày mấy “choác” mà chiến tích còn ngổn ngang trên tay, trên cổ thế? Bán vé số có đủ tiền chơi xì không cụ? Mắt ông cụ bán vé số tỏ vẻ ngạc nhiên và khó chịu. Nhưng rồi với giọng ráo hoảnh và đôi mắt trở lại nét dịu ban đầu: Cũng vài lần ngày, bán vé số thì năm khi mười họa, bữa được thì choác có cơm, bữa kém thì chỉ choác còn  nhịn. Biết làm sao được ,số tôi nó sa vào nghiệp chướng, chấp nhận thôi. Nghe ông, sống mũi tôi cay cay. Nhìn ông, tôi thấy ánh mắt ông thoáng vẻ buồn.
          Trời mùa Đông bắt đầu tối dần, đường phố đã lên đèn. Câu chuyện với ông vé số cũng tẻ dần không còn thân mật như ban đầu. Tôi rút điện thoại gọi cho nó, máy ò í e. Chắc là thằng này để máy hết pin. Chờ thêm hơn ba mươi phút mà không thấy nó, đã chậm so với giờ hẹn gần 2 giờ đồng hồ. Các chiến hữu ở Công ty liên tục gọi, tội đành quyết định  lỡ hẹn với nó một lần nữa. Tối nhắn với ông bán vé số ,nếu gặp nó thì nói nó gọi cho tôi. Tôi bắt tay và chào ông vé số bước lên taxi, cuộn vào dòng xe cộ đông đúc của Sài thành.

        Sáng hôm sau, tôi bay chuyến sớm về Đà Nẵng. Trước khi lên máy bay tôi gọi cho nó, máy vẫn tắt. Gọi cho thằng bạn Quế lớp tôi đang ở Sài Gòn. Nó hỏi gặp lớp phó chưa? Tôi nói chưa. Sao thế? Chờ hoài mà hắn không quay lại bệnh viện? Hai giờ đồng hồ chờ nó, tao ngồi ở cổng nói chuyện với ông bán vé số đâu cùng quê nó và cũng biết nó, hình như cha bán vé số nghiện xì-ke mày ạ! Thằng Quế bạn cười ha há thật to. Chắc là thằng lớp phó giận mày bao nhiêu lần đến Sài Gòn mà không thăm nó nên cho mày leo cây. Đến nỗi chi! Tôi chống  chế. Thôi về đi, đến Đà Nẵng mở email sẽ rõ. Tôi đành nghe lời nó thằng bạn Quế miền Trung trụ Sài Gòn, hắn làm thầy giáo mà.

(Còn nữa)  C.

Ngày còn bé: "Tự nhiên bị..."

Ngày còn nhỏ, ai chẳng có những lần "tự nhiên" vấp ngã, "tự nhiên" đánh rơi làm bể cái ly, tách hay "tự nhiên" từ trên giường lăn xuống đất, ... tất cả ngày đó chẳng biết tại sao lại như vậy!
Hình 1: "Cháu đâu có lỗi?!"
 

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

CƠ HỘI GẶP MẶT HSMN QUẾ TẠI ĐÀ NẴNG

CƠ HỘI GẶP MẶT HSMN QUẾ LÂM TẠI ĐÀ NẴNG

Gia đình Tú mỡ, HSMN Quế Lâm 7-75 (trong hình là người số 22) kính mời gia đình các anh chị, bằng hữu gần xa ghé về TP Đà Nẵng dự đám cưới con gái đầu của vợ chồng Tú mỡ
Vào lúc 11h00 thứ 7 ngày 3-10-2015


Chúng ta đã có những kỷ niệm đẹp thuở ấu thơ với những tấm hình U10 thì đây sẽ là dịp để các anh chị, bằng hữu HSMN Quế Lâm tụ chung thêm những tấm hình U60. Đó cũng là mong ước của Tú mỡ và các bằng hữu HSMN Quế Lâm gần xa


"Đêm nay thành phố... đầy sao" Vì vậy mong các anh chị và bằng hữu ở xa cấp báo cho Tú mỡ - 0905543674 biết, để gia đình tiện đặt khách sạn
Trân trọng kính mời
Tú Mỡ
(nhờ Ba chột đăng tin)

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

ĐI ĐÁM

                       Hôm nay bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt nhớ ngày đói khô
                  Nhại câu ca dao xưa để biên mẩu chuyện này, thật chăm/chăm nhé, thề.



Nói ngay, đám đây là đám cưới, bị người SG hay nói zậy, ma chay cưới hỏi đầy tháng thôi nôi ta kêu chung là đi đám. Cái ngày còn ở nội trú BKHN, giai đoạn 8-3 í (tức ba vé ăn nuôi tám thằng), đói kinh người luôn. Ảnh chỉ mang tính minh họa...

Đứa bạn gái học cùng khoa H. cối và D. cò teo cưới, chồng bạn là thầy giáo BK luôn, hai thằng nó được mời tiệc mặn (ngày ngảy cưới chia làm hai tiệc, măn và ngọt, người thân thì mặn, người sơ thì ngọt). Ây dà hai thằng mừng như hết lớn vậy, chuẩn bị được bữa no. Nhưng ngoảnh lại, thấy vẻ mặt mấy thằng tôi rầu rầu, hai thằng nhẽ chạnh lòng. Chúng quyết nhanh - đi cả đội, khà khà, bắt đầu vui đây. Đi thì đi, bọn tôi hùa vào, và tưng bừng ngay.

Việc đầu tiên là quà mừng đám cưới, nhất thì vỏ chăn con công, nhì phích Rạng đông, ba mới tới nồi niêu xoong chảo. Cả ba món mỏn đều vượt quá khả năng chúng tôi, sinh viên, luôn trong tình trạng viêm màng túi mãn tính giai đoạn cuối. Thứ bảy, ngày đi đám đến rồi, chà chà mãi cũng phải ló ra cái khôn chứ, buổi trưa H. cối rủ D. cò teo ra Trại găng uống chè chén. Thật lạ khi về H. cối moi trong áo ba-đờ-suy cái nồi nhôm hai mươi lăm căng-ti-phân đen nhẻm, không vung. Nó quát, thằng Hùng mang ngay ra bể nước kì cọ sạch đi. Phải bò thôi, muốn no mà, trời thì rét, tôi lọ mọ ra bể mài thật kỹ cho hết vết đen, cả trong và ngoài. Nhưng không thể như mới được dù thâm tâm tôi rất muốn, hehe. Cả bọn thở phào, có quà rồi.

Đúng giờ, sáu thằng hồ hởi phi xe căng hải sang khu Kim liên, nhà bạn gái cưới ở đó mà. Đông lắm rồi, H. cối đi đầu tay bưng gói quà mừng được bọc kỹ bằng giấy điều, có dây nơ nhé, D. cò teo thứ hai, bốn thằng tôi theo sau rốt. Nhanh, mạnh và dứt khoát H. cối để món quà mừng trên nóc tủ hòa cùng đống quà mừng rồi nó nhoẻn miệng cười bắt tay chúc mừng cô dâu và chú rể như che mắt họ đừng thấy chúng tôi vậy. Như đã thảo luận trước khi đi, chúng tôi tản ra cứ hai chú vào một mâm, hòa chung khí thế đám cưới với mọi người. Chiến thuật cả đấy, hai thằng vào một mâm và phải làm như không quen nhau, đặng còn gắp các miếng to nạc vào bát nhau, mời bác xơi, mà không phải ngượng. Hớ hớ bi giờ biên tới đây thì lại ngượng quá đi.

Chỉ qua vài tuần rượu là quen nhau như lâu lắm rồi, tiệc cưới dần vui. Cô dâu chú rể đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Cuối buổi Châu rót lên ca mấy bài tặng quan viên hai họ, hay rất. Ra về tay bắt mặt mừng, đứa bạn gái H., D. ghé tai nói, trưa mai chủ nhật lại mời các bạn ra hội trường mẫu giáo bk dự tiệc ngọt cho vui nhé. Lần này bọn tôi gật còn nhanh hơn hai thằng nó. Đêm đó chúng tôi ngủ ngon giấc lắm, mơ giấc mơ trưa mai...

Vĩ thanh, tôi cứ lăn tăn mãi, không hiểu vợ chồng bạn khi mở gói quà ra thì nghĩ gì, rồi có biết ai là người tặng quà không vì ngoài cái nồi ra không có thiệp chúc mừng nào ở trong. Cái quan trọng hơn là mình tặng cái nồi cũ, lại không nắp, có ảnh hưởng gì tới hạnh phúc lứa đôi không. Mãi mãi mãi mới gặp lại H. cối chuyện vui tôi hỏi nó, tít mắt cười nó đáp, ối giời, bạn mình nhận ra ngay và luôn lũ chúng mình hôm đó chứ, nhưng lại thông cảm rất. Hai bạn có ba người con khỏe mạnh học giỏi, và bi giờ vẫn hạnh phúc bên nhau. Tôi thấy nhẹ người và nhoẻn cười theo. Nhưng còn chuyện vì sao có cái nồi, thì thằng H. cối lảng, nó bảo cứ từ từ, và tôi cũng hẹn với các bạn cứ từ từ...

XH 2/9/2015

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

BÁC HỒ TA ĐÓ

Gửi Quế bài báo hay tôi mới sưu tầm được

VIỆT NAM - HỒ CHÍ MINH

27 Tháng 8 2009 lúc 7:51 ·

Bác là một lãnh tụ, nhưng khi hoà mình với nhân dân, không chỉ bằng những lời giáo huấn đơn điệu, mà là sự kết hợp hài hoà giữa tác phong quần chúng, những lời nói bình dị, dễ hiểu và khả nǎng gây cười , sự dí dỏm tự nhiên.
Phản xạ, ứng đáp nhanh nhạy trước mọi tình huống ở Bác có nét đặc trưng riêng, đã trở thành thói quen phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận, thích ứng với mọi hoàn cảnh xung quanh. Đó là kết quả của một trí tuệ mẫn tiệp của thái độ, phong cách quần chúng. Bác luôn tạo nên một không khí hoà đồng, một mối liên hệ gần gũi giữa người nói, người nghe, xóa đi những cách biệt, những suy nghĩ tự ti của người dân trước lãnh tụ và đưa lại không khí tự nhiên vốn có giữa con người với con người. Nó không dừng lại ở nghệ thuật ứng xử mà là phản xạ tự nhiên của lãnh tụ rất nhân dân.
Một lần tại bữa tiệc do Hầu Chí Minh (người góp phần đưa Bác ra khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch) chủ nhiệm Cục chính trị đệ tứ chiến khu chiêu đãi, hôm đó có Bác và Nguyễn Hải Thần cùng dự. Nguyễn Hải Thần rất tự phụ về vốn Hán học của mình và nhân dịp này đã ra một vế đối:
Hầu Chí Minh - Hồ Chí Minh, lương vị đồng chí, chí giai minh
(Hầu Chí Minh - Hồ Chí Minh hai vị đồng chí, chí đều sáng).
Khi mọi người còn đang nghĩ vế đáp, thì Bác ứng khẩu:
Nhĩ cách mệnh ngã cách mệnh, đại gia cách mệnh, mệnh tất cách
(Anh cách mạng tôi cách mạng, mọi người cách mạng, mạng phải cách).
Chỗ khó và hay của vế đối là hai chữ chí và minh là tên của hai nhân vật chính trong bữa tiệc, cái tài tình của vế đáp của Bác là vừa kịp thời, hợp cảnh và chuẩn chỉnh cả ý lẫn từ nhưng nâng tầm nhận thức, tư tưởng cao hơn, mang tính cách mạng hơn. Hầu Chí Minh hết lời ca ngợi người đối đáp đối tuyệt lắm, tuyệt lắm. Nguyễn Hải Thần cung kính thốt lên: Hồ Tiên sinh, tài trí mẫn tiệp, bội phục, bội phục.

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Ngày này hơn 40 năm trước

Những ngày này 3/9 vào năm 1969, lũ chúng tôi nức nở, khóc vì người Ông, người Bác của chúng tôi đã ra đi. Mới đấy mà giờ đã 46 năm. Ngày nay người đang nói đến "đạo đức Hồ Chí Minh", học và làm theo những gì ngày xưa chúng tôi đã học và làm theo từ những ngày đó.

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Tổ Quốc và ngày Độc Lập

Đăng từ báo khampha.vn

Khi dõng dạc là tự hào

Ngày Quốc khánh không chỉ là ngày nghỉ lễ, đó là ngày Độc lập. Và chúng ta có thể dõng dạc tự hào rằng, mình, đất nước mình, tự do!

Bộ đôi nổi tiếng Steven Spielberg và Tom Hanks cách đây hơn 10 năm có ra mắt 1 bộ phim không nổi tiếng lắm, tên là The Terminal (Phi trường). Tom Hanks vào vai Viktor, công dân của nước Krakozhia, một quốc gia giả tưởng nhưng ai cũng đoán kiểu như là thuộc liên bang Xô Viết cũ. Vừa đặt chân đến sân bay JF Kennedy ở New York, thì Viktor nhận tin nước Krakozhia của mình đã xảy ra đảo chính. Chính phủ cũ không còn, hộ chiếu của anh ta cũng mất luôn giá trị, vậy là Viktor kẹt cứng ngay cửa vào Mỹ quốc, không đi tiếp được mà cũng chẳng quay về được.

Suốt 9 tháng trời, người đàn ông ấy tìm đủ mọi cách để sinh tồn trong sân bay, nếm đủ mùi khổ sở, nhưng hơn hết là sự chua chát của một kẻ vong quốc đúng nghĩa đen nhất. Ngày nào cũng vậy, trong suốt 9 tháng, Viktor mang hộ chiếu tới bàn thủ tục để xin đóng dấu. Trong suốt 9 tháng, anh ta kiên nhẫn lặp lại điều đó hơn 200 lần. Tới mức, nhân viên làm thủ tục nhìn anh ta ngán ngẩm: “Anh biết mà, chưa có tin gì khác cả”.

Viktor nhún vai, vẫn chìa hộ chiếu ra để xin con dấu từ chối nhập cảnh. Đúng, thể chế cấp hộ chiếu cho anh có thể không còn, nhưng chừng nào anh còn cầm cuốn hộ chiếu và xin dấu – dù là bị từ chối – thì anh vẫn là một công dân được thừa nhận. Đất nước sinh ra anh, nuôi dưỡng anh, và cho anh cái quyền được thừa nhận ấy, không đâu khác là Tổ quốc.

Năm 1932, sau 10 năm du học ở Pháp, vua Bảo Đại về nước chính thức nắm vương quyền. 10 năm ăn bơ sữa, đua xe, cưỡi ngựa, chơi banh nỉ, săn thú và tiệc tùng, quá đủ để biến một cậu bé xứ An Nam trở thành một thanh niên Pháp. Bảo Đại trù trừ nhiều lần không muốn về, và việc ông về hoàn toàn bởi tình hình trong nước đã quá “hỗn loạn” (phong trào 30-31 mà các bạn vừa thi cấp 3 kiểu gì cũng thuộc nằm lòng, mà đỉnh điểm là cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh). Người Pháp cho rằng cần có một vị hoàng đế để thoả máu dân tộc của dân Việt, nhưng vị hoàng đế ấy cũng phải đủ ngoan ngoãn để “nước mẹ” giật dây. Họ đã thành công, ít nhất, ở vế thứ 2.

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

TIN BUỒN.

Bác NGUYỄN VĂN HIẾU ( SN 1925 ) là ba chồng của bạn Dang Thi Thai Ha ( lớp 7 - 72/73 ) đã từ trần ngày 31/8/2015 . .Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ BQP số 5 Trần Thánh Tông , Hà Nội . Lễ viếng bắt đầy từ 7h15 - 8h45 ngày 4/9/2015 ( 22/7 Ất mùi ) . Lễ truy điệu và đưa quan từ 8h45 . Sau đó đưa đi an táng cùng ngày tại nghĩa trang Thanh Tước
BLL HSMN 67-75  và các bạn HSMN QL xin được chia buồn với anh Quốc Hùng , Thái Hà cùng toàn thể gia quyến . Mong bác bình an nơi cõi xa .