Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Chung một gia đình

Những đứa trẻ, từ nhiều miền đất nước hội tụ về một mái trường, chúng được tách ra từ rất nhiều gia đình, bé xíu xiu cũng có, trên 17-18 cũng có, làm sao chung sống hằng ngày trong một mái nhà?!

Có những người theo dòng cán bộ tập kết ra Bắc, có những đứa, được gửi vào Trại Nhi đồng từ 3-4 tuổi, có nhiều người vượt Trường Sơn ra Bắc, tất cả hãy yên tâm mà sống, mà học tập, mà lớn lên, mà trưởng thành, để cha mẹ còn chiến đấu nơi chiến trường xa.

Tôi không ví mọi người như những động vật, nhưng khi nhìn những hình ảnh sau, lại nhớ năm tháng cùng nhau trong trường.

Thành viên trong một gia đình gồm 4 con chó, 1 con mèo và 2 con vịt:

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

“HẬU DUỆ CỦA… RỐN RỒNG”

“HẬU DUỆ CỦA… RỐN RỒNG”

  Ngôi trường chúng tôi học được xây dựng nằm lọt thỏm giữ bãi tha ma. Xung quanh trường cơ man là những nấm mồ vô danh hoặc có danh không chúng tôi cũng không biết, bởi lẽ một chữ bẻ đôi cũng chỉ là những nét loằng ngoằng đối với chúng tôi. Đó chính là Khu trường HSMN Quế Lâm ở Quảng Tây, Trung Quốc và chúng tôi là những HSMN từ Việt Nam sang đây sống và học tập suốt bảy, tám năm xứ người.
  Trường nằm biệt lập cách xa dân cư, xung quanh có tường cao tầm hai thước bao bọc và ba bốn cổng có lính TQ canh giữ ngày đêm. Những khoảnh đất trống gần bờ tường rào được chúng tôi tận dụng đào xới trồng rau củ các loại để cải thiện bữa ăn. Trên danh nghĩa đẹp là tự tăng gia sản xuất trồng trọt nhưng đối với những đứa trẻ mới chín, mười tuổi thì đó chính là lao động cực nhọc. Rồi những đợt thi đua theo  những giấc mơ “năm tấn”, “phân xanh đầy… hố” xen lẫn những đợt đột kích moi khoai móc lạc (đậu phộng) làm cho cuộc sống vốn yên ả của ngôi trường vẫn ngấm ngầm sôi.
  Không khí chiến tranh vẫn luôn bao trùm ngôi trường. Chiến tranh trong khắc khoải từ những thông tin về người thân  gia đình của mỗi cá nhân chúng tôi. Chiến tranh vẫn diễn ra hàng ngày trên quê hương đồng bào mình. Tiếng súng đì đùng lẹt đẹt của tàn cuộc cách mạng văn hóa vẫn còn vọng vô trường.  Chiến tranh còn xuất hiện ngoài khuôn viên tường rào của ngôi trường với nhũng biểu ngữ to đùng được khắc trên núi đá xung quanh trường “Khoét núi đào hầm, tích trữ lương thực, chuẩn bị chiến tranh” với giấc mộng chiếm lại Đài Loan.
“Ốc  đảo thanh bình” mà lũ nhóc hay tụ tập thả hồn vu vơ là một cái gò ngoài tường rào với những nấm mộ, lưa thưa vài cây thông còi, dưới đất toàn mấy túm cỏ dây gai mâm xôi. Để chiếm lĩnh gò này lũ nhóc cũng phải cất công rình mò và dùng chiến tranh “củ đậu”(ném sỏi đá) vào những đôi tình nhân của các anh chị lớp lớn thường hay ra đây giày xéo nát cỏ. Một con đường mòn loàng ngoàng lèo nghèo len giữa những nấm mồ, cặp sát dọc theo bức tường rào. Hàng đêm lính TQ đi tuần trên lối mòn này, còn ban ngày là đường đến trường của lũ nhỏ người TQ ở cái thôn phía Bắc khu trường.
  Hôm nay là ngày thường trong tuần nhưng lại là một ngày trọng đại gì đó trong chuỗi chục ngày trọng đại trong năm mà tâm trí lũ nhóc không thèm nhớ. Chúng chỉ thích vào những ngày này là trốn dự mít tinh ở hội trường. Loáng đã thấy ba bốn đứa tụ tập ở gò thông nhiều mộ, sương trên đám cỏ còn chưa tan làm ướt quần áo bọn chúng, gai cỏ mâm xôi đâm da thịt chúng, kệ, cứ tận hưởng giây phút tự do khoan khoái. Bỗng có những tiếng cười nói huyên náo vang lên, nhìn ra xa chúng thấy lô nhô bảy tám đứa nhóc TQ đang đi trên đường mòn về phía chúng. Thằng Hồng bựa thốt lên “Tao nghe có mùi bánh rán rồi đây” Hắn khệnh khạng đứng lên tiến lại lũ nhóc TQ, cả đám hùa theo. Lũ trẻ TQ cảm thấy bất an và ù té chạy. Thằng bựa túm ngay được một đứa, hắn giật cái túi và mở ra,”Hahaha…Tao đã nói mà”  Hắn vừa cười đểu vừa giơ lên bịch bánh chả biết là chiên hay rán. Thằng Hải bợm xúm vào lục túi tìm thêm và hả hê với cuốn chuyện tranh cũ nát. Thằng bé TQ sợ hãi cứ co rúm nhưng vẫn ghì chặt dây đeo túi sách. Thằng Ba chột sấn tới giựt phăng túi sách đổ xuống đất, vài ba cuốn tập và hai cuốn sách giáo khoa. “Để xem mày học lớp mấy!” vừa nói hắn vừa lượm cuốn sách lên giở vài trang. Thằng bé học lớp ba và cuốn sách nó mang theo có lẽ là cuốn địa lý vì có nhiều hình bản đồ minh họa bên trong. Chợt thằng Ba chột gầm lên, chỉ liên tục vào một bản đồ: “Sao lại vẽ thế này, đây là đảo của Việt Nam mà?” Thằng bé sợ hãi không hiểu điều gì đã xảy ra, nó ghé mắt nhìn vào bản đồ rồi nói” Tung của” và thế là nó bị ăn mấy cái đá. Lũ bạn nó đứng ngóng ở xa thấy vậy ù té chạy hết. Cả đám trả lại túi sách tập vở cho thằng bé, duy những chiến lợi phẩm là bị giữ lại. Thằng bé vội loạng choạng chạy mất.
  Chiều hôm đó vẫn như mọi khi, các chiến binh nhí lại phải xông pha ngoài vườn tăng gia gần tường rào. Thằng Bựa nhảy lên bờ tường rồi chợt nhảy thót xuống, nó gọi đám nhóc đến thì thầm. Té ra ngoài bờ rào đã có năm sáu anh thanh niên TQ lảng vảng chờ lũ nhóc xuất hiện là sẽ phát sinh vấn đề ngay. Trên các mảnh vườn mọi người vẫn hăng say tăng gia, riêng lũ nhóc thì tích cực chuẩn bị chiến tranh củ đậu. “Đếch sợ” thằng Bựa thốt  rồi tót lên bờ tường. Ngoài kia mấy đứa trẻ con TQ chỉ chỉ trỏ trỏ cho mấy anh thanh niên lực lưỡng. Bỗng thằng Bựa la lên: “Đưa tao thùng tưới” hai cái thùng tưới rau được nhanh chóng chuyển cho nó. Thế là Bựa nhà ta cứ ung dung vung vẩy tưới nước bờ tường và những đám cỏ gần đó. Nó cứ ra vẻ ta đây hăng say lao động lắm, chăm chỉ tưới… cỏ. Không hiểu sao trước hành vi của Bựa mà nhóm người TQ kia tản ra về mất tiu.
  Chiến tranh bị dập tắt bởi những tia nước tưới cỏ dưới ánh nắng chiều tà

SG 13-07-2016

Ba chột

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

NHỮNG KỶ NIỆM KHÔNG QUÊN VỀ BAC LỘC !


   Những Kỷ niệm về Người Thầy, người Bác, người cha của cá thế hệ HSMN trên đất Bắc - NGND LÊ PHÚ LỘC!
   Tôi ở Quế Lâm về Đông Triều, tháng 9 năm 1975 tôi ở Đoàn Quảng Đà 3 về Miền Nam. HSMN QNam có trường nội trú Tam Kỳ, còn HSMN QĐà thì tùy nghi di tản. Tôi học trường TH Thái Phiên và tôi có Học bỗng nhận ở Ty GD QNĐN. Một buổi chiều cận Tết AL 1976, tôi đến Ty GD để nhận học bỗng về ăn Tết, bước ra sân chuẩn bị lấy xe đạp về thì tôi nhìn thấy bác Lê Phú Lộc, trước là PGĐ Khu GD HSMN Quế Lâm, lúc đó là Trưởng ty GD QNĐN. Tôi chào bác và bác cũng nhận ra tôi là HSMN QL. Bác hỏi thăm tình hình của tôi và các bạn ở Quế Lâm ở QNĐN. Tôi thưa thật với bác là các bạn còn theo học rất ít vì hầu hết HSMN có điều kiện khó khăn nên đã bỏ học đi làm mưu sinh. Bác hỏi thế các bạn đi làm những ngành nghề gì? Tôi thưa: Đa số các bạn gia nhập lực lượng công an, một số bạn nữ theo nghề dạy học... Bác nói thôi thì tùy hoàn cảnh mỗi cháu, nhưng bác thấy theo nghành công an cũng tốt, Miền Nam mới giải phóng, việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội cũng rất cần những con người tâm huyết, bác tin là các cháu cũng sẽ rất tiện bộ, có điều kiện thì lại học lên cao. (Việc này là bác nói đúng: Sau này nhiều bạn tham gia lực lượng công an thời đó đã phấn đấu, học tập và trở thành các sĩ quan cao cấp, nắm giữ các cương vị lãnh đạo của nghành công an)
Tôi chào bác ra về, bác bảo : Đợi bác tí. Bác quay vào phòng và bước ra , trên tay là một gói mứt Tết. ( Chắc là tiêu chuẩn Trưởng ty của bác) Bác nói: Cháu cầm về ăn Tết. Tôi ấp úng: Thưa bác... Bác nói: Bác cho, nhận đi...Tôi lí nhí cảm ơn bác... Về quê, tôi nhìn kỹ gói mứt: Có đủ các loại mứt dừa, mứt gừng, kẹo trứng chim và cả mứt hạt sen... thời đó đây là món quà quý! Tết đó ngoài các món bánh quê má tôi làm, tôi có thêm món mứt bác Lộc hàng quý hiếm thời đó. Sau này, khi ra đời đi làm, tôi có điều kiện thưởng nhiều món ngon vật lạ, nhưng không bao giờ tôi quên được gói mứt bác Lộc cho Tết năm 1976.
   Với chúng tôi những HSMN Quế Lâm, bác Lộc không chỉ là người thầy mà còn là cha, là mẹ của chúng tôi trong những năm xa nhà xa quê xa Tổ quốc. Tôi vẫn nhớ hồi ở Quế Lâm, mỗi lần trường có liên hoan, bác ghé xuống nhà ăn hỏi chúng tôi: Các cháu ăn ngon miệng không? Chúng tôi đáp: Dạ ngon ạ! Bác cười: Sẽ ngon hơn nếu món nước chấm ngon. Ở đây thịt heo chấm xì-dầu thì làm sao bằng chấm nước mắm quê mình... Chúng tôi cũng chỉ biết: Da... 
Hôm Hội HSMN Quế Lâm tổ chức mừng thọ bác 90 tuổi, bác vui lắm, sau buổi tiệc tôi chở bác về bằng xe máy. Trên đường các bạn gọi điện thoại nhắc nhở đưa bác về rồi quay lại...tiếp tục...Tôi vừa chạy xe vừa nghe điện thoại. Khi đến nhà, trước khi bác vào nhà còn nhắc tôi: Cháu vừa chạy xe vừa nói chuyện điện thoại là vi phạm luật đó, lần sau rút kinh nghiệm nhé! Tôi biết lỗi nên ậm ờ!
Thế đấy, bác Lộc của chúng tôi là thế đấy!


   Giờ thì: Tôi vừa đi thắp hương kính cẩn lạy đưa bác về với tổ tiên! 
  Thầy Tảo, thầy Từ, thầy Oánh ( Các thầy giáo dạy ở Trường HSMN Quế Lâm ) đại diện cho các thầy cô từ Miền Bắc vào đưa tiễn bác. 
Bác yên lòng bác nhé! Bác có quyền tự hào về chúng con những thế hệ HSMN, con cháu của bác đã làm việc cống hiến hết sức mình cho xã hội, cho đất nước!
  Và chúng con cũng tự hào có một người thầy, người bác, người cha như bác cả đời cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người! Bác luôn là tấm gương sáng cho chúng con noi theo!
Vĩnh biệt bác: Người thầy, người cha của chúng con !

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc: Người cả đời đồng hành với nền giáo dục cách mạng Việt Nam

Thầy trò bên nhau 

.
Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc bắt đầu đứng trên bục giảng của nhà trường cách mạng từ năm 1948, trong vùng tự do Liên khu 5. Theo sáng kiến của đồng chí Phạm Văn Đồng - đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại miền Nam Trung Bộ, Trường Trung học Bình Dân miền Nam Trung Bộ được thành lập tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi và khai giảng niên khóa đầu tiên vào ngày mồng 6 tháng 9 năm 1947.
Rời cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng theo sự điều động của tổ chức, người đảng viên Lê Phú Lộc, với hành trang chủ yếu là trình độ học vấn tốt nghiệp tú tài, một trình độ đương thời có thể xem là quý hiếm, đã vào Quảng Ngãi dạy Toán tại trường trung học bình dân đầu tiên ở nước ta (trong số những đồng nghiệp dạy cùng trường với ông hồi ấy có nhà thơ Tế Hanh dạy Văn)… So với số đông học viên là cán bộ đi học, ông hãy còn rất trẻ, bởi khi đó ông mới 26 tuổi và mới được kết nạp vào Đảng đầu năm 1947.
Năm 1985, ông kể với người viết bài này rằng, đồng chí Phạm Văn Đồng - Hiệu trưởng danh dự của nhà trường từng động viên ông ngay trong những ngày đầu ông nhận nhiệm vụ thọ nhơn/trồng người cao quý này: “Giáo dục cũng là một mặt trận”. Câu nói như một mệnh lệnh chiến trường ấy đã luôn thôi thúc ông trong suốt quá trình mấy mươi năm đồng hành với nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Sau một thời gian đứng lớp, ông được giao trọng trách Hiệu trưởng nhà trường cho đến khi Trường Trung học Bình Dân miền Nam Trung Bộ kết thúc nhiệm vụ lịch sử vào năm 1952. Có thể nói, Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc sớm bộc lộ tố chất của một nhà quản lý giáo dục, sớm trở thành người đứng đầu đội ngũ thầy cô giáo trong trường học (trong 34 năm gắn bó với nghề, đã có 24 năm ông làm cán bộ quản lý giáo dục).
Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc “có duyên” với cái ghế hiệu trưởng đến mức niên khóa 1954-1955, trước khi xuống tàu tập kết ra miền Bắc theo tinh thần Hiệp định Genève tháng 7-1954, ông còn được tổ chức phân công làm Hiệu trưởng Trường cấp hai huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Và ngay khi mới đến Hải Phòng vừa giải phóng, ông được phân công làm Hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam số 24, sau đó lần lượt làm Hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam số 8, rồi Hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam số 6.
Năm 1965, Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc được Bộ Giáo dục điều động về Hà Bắc làm Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Sư phạm hệ 10+2 trực thuộc Bộ - một hệ đào tạo giáo viên cấp hai toàn cấp vừa được triển khai thí điểm lúc bấy giờ. Tuy nhiên, với hơn 10 năm kinh nghiệm quản lý trường học sinh miền Nam, đến năm 1967, một lần nữa ông được Bộ Giáo dục tín nhiệm cử sang Trung Quốc làm Phó Giám đốc - Phó Bí thư Đảng ủy Khu Giáo dục Học sinh miền Nam đang sơ tán tại Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây để tránh bom đạn khi Mỹ đã mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.
Nơi đất khách quê người, ông càng thấy nhớ miền Nam, càng thấy nhớ làng Cẩm Toại quê ông… Ngày 31-10-1974, ông làm thủ tục nhập cảnh để trở về Tổ quốc và đến ngày 28-4-1975, tức một tháng sau ngày Đà Nẵng được giải phóng, Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc nhận Quyết định số 295/QĐ của Bộ Giáo dục, do Thứ trưởng Hồ Trúc ký điều động cán bộ/giáo viên về công tác tại Ban Tổ chức Trung ương để chuẩn bị vào Nam tiếp quản ngành Giáo dục tại các tỉnh mới vừa giải phóng. Cầm trên tay bản trích sao Quyết định số 295/QĐ có hai dòng chữ đánh máy: “Trường học sinh miền Nam Quế Lâm / Lê Phú Lộc, Phó giám đốc”, ông “không khóc nhưng vẫn trào nước mắt” (bài thơ Hôn mảnh đất quê hương của Thu Bồn) và trong giây phút đầy xúc động ấy, ông thấy mình đang ở gần lắm quê nhà sau bao năm xa cách.       
Những ngày đầu giải phóng, Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc được phân công làm Hiệu trưởng Trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Sau khi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà, ông trở thành Trưởng ty Giáo dục và đảm đương chức vụ này cho đến ngày nghỉ hưu năm 1981. Đây là giai đoạn chuyển đổi đầy sôi động trong lịch sử giáo dục đất Quảng, nào là chỉ có trường công không còn trường tư, nào là sự lên ngôi của tiếng Nga trong dạy-học ngoại ngữ, nào là yêu cầu tiếp cận/thích nghi với chương trình và sách giáo khoa mới, đặc biệt là các môn văn chương và lịch sử… Làm người đứng đầu ngành Giáo dục cách mạng trong giai đoạn mang tính chất tiên phong khai mở này hoàn toàn không dễ.
Thế nhưng, lặng lẽ và khiêm nhường, hóm hỉnh và đôn hậu, điềm tĩnh và tự tin, Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc đã mang hết tài năng và tâm huyết của một người luôn xác định “Giáo dục cũng là một mặt trận” để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đóng góp xứng đáng vào tiến trình phát triển giáo dục của đất Quảng nói chung, của thành phố bên sông Hàn nói riêng. Người viết bài này có cơ duyên được gặp ông lần đầu vào năm 1980 tại Nhà khách Bộ Giáo dục ở đường Lê Thánh Tôn (thành phố Hồ Chí Minh), trong hội nghị chuyên đề về giáo dục con liệt sĩ. Nghe nói tôi là người Đà Nẵng công tác tại Ty Giáo dục Đồng Nai, ông tỏ ý “chiêu dụ” tôi về quê. Năm 1981, tôi làm đơn xin về Đà Nẵng, kèm theo một bức thư riêng gửi ông để nhắc lại cuộc chuyện trò năm trước, được ông vui vẻ chấp thuận, nhưng đầu năm học 1981-1982, khi tôi được tiếp nhận về Ty Giáo dục Quảng Nam-Đà Nẵng thì ông đã nghỉ hưu...  
Tối chủ nhật ngày 14-6 năm ngoái, tôi cùng với các anh Nguyễn Hoàng Long, Huỳnh Đức Thơ, Lê Trung Chinh, Lê Quang Sơn… ngồi ăn cơm với cô Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục thời Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc đương chức Trưởng ty, thì được biết ông đang nằm hồi sức cấp cứu ở Bệnh viện C mấy hôm rồi. Nghe tin, mọi người đều rất lo lắng cho sức khỏe của ông, sợ rằng tuổi ông đã cao, bệnh tình lại nặng…
Hơn một năm trôi qua kể từ tối hôm ấy, ông vẫn nằm trên giường bệnh với sự chăm sóc tận tình của con cháu, cho đến chiều nay - mồng 5 tháng 7 năm 2016, ông từ giã cõi đời này trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình và họ tộc, của đồng nghiệp và học trò cũ. Mấy dòng viết vội như một nén nhang lòng thành kính thắp lên vĩnh biệt Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc - người cả đời đồng hành cùng nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Cầu mong ông được yên nghỉ nơi cõi vô cùng…  
Bùi Văn Tiếng
;
.
.

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

CÁO PHÓ

Hội HSMN Quế Lâm vô cùng thương tiếc báo tin:

Thầy Lê Phú Lộc (Chúng ta vẫn thường gọi là Bác Lộc) 
Quê quán: ĐÀ NẴNG
Nguyên PGĐ Khu Giáo dục Học Sinh miền Nam, Quế Lâm
Nguyên Giám đốc Ty Giáo dục QN - ĐN
Nhà giáo Nhân dân (Nếu NN chưa phong thì dân Quế phong)
Đã từ trần hồi 13h ngày 5/7/2016 do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 96 tuổi!
Linh cữu quàn tại nhà tang lễ bệnh viện C, đường Quang Trung, thành phố Đà Nẵng.
Lễ viếng từ 17h 6/7/2016, an táng lúc 14h ngày 9/7/2016, tại Đà Nẵng.
Ban liên lạc HSMN Quế lâm QN - ĐN xin thông báo để các bạn Quế và Ban liên lạcHSMN Quế Lâm các tỉnh thành cả nước biết và phúng viếng thầy.

( Chi tiết: Đt anh Trần Minh Thiết: 091 9 892 646 )