Thứ Ba, 13 tháng 2, 2018

Đi tìm ông ngoại Học sinh Miền Nam!

Cháu Bùi Tuấn Đạt tìm ông ngoại tên Trương Thời là Học sinh Miền Nam. Sắp tới đích rồi, cố lên Tuấn Đạt!. Trích thư của cháu Tuấn Đạt:

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

ĐÔI LỜI VỀ HỌC SINH MIỀN NAM (Bài phát biểu của thầy Nguyễn Việt Bắc trong buổi gặp mặt toàn thể HSMN ngày 27/1/18 tại TP HCM)



Kính thưa Quý Thầy Cô, Quý Đại biểu, cùng toàn thể anh chị em HSMN

Lời đầu tiên, xin được bày tỏ lời cảm ơn Ban Tổ chức cuộc họp mặt HSMN trên đất Bắc hôm nay đã cho phép tôi được lên phát biểu. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi các trường HSMN trên đất Bắc ngừng hoạt động, mỗi lần gặp mặt thày trò đều xúc động cùng nhớ lại mọi kỷ niệm tốt đẹp ngày ấy. 

Chúng tôi là những giáo viên miền Bắc, được Bộ Giáo dục chọn lựa và phân nhiệm về các trường Học sinh miền Nam ( HSMN ), nhiều người khi ấy còn rất trẻ, mới tốt nghiệp sư phạm. Điểm chung của chúng tôi là hiểu biết về trường HSMN còn rất ít, nhưng đều nghiêm túc thực hiện sự phân công của Bộ. Giờ đây, những năm tháng giảng dạy HSMN đã trở thành một trong những kỷ niệm tốt đẹp và đáng nhớ nhất của cuộc đời sư phạm. Xin được chia sẻ một vài ấn tượng sâu sắc:

1. Có thể nói, trong lịch sử giáo dục cách mạng Việt Nam, loại hình trường HSMN là loại hình độc đáo nhất, sáng tạo nhất. Cùng với quá trình phát triển cách mạng những năm từ 1954 đến 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong tình yêu thương của đồng bào, hàng loạt trường HSMN đã hoạt động trên khắp miền Bắc, nuôi dưỡng, giáo dục và tạo nền móng cơ bản cho sự trưởng thành của nhiều thế hệ HSMN. Độc đáo và sáng tạo vì đây là loại hình trường nội trú cho con em cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp tham gia chiến đấu ở miền Nam. Các thế hệ HSMN đủ lứa tuổi, xa quê hương, thiếu vắng tình cảm gia đình, nhưng cùng chung ước vọng và niềm tin học tập, rèn luyện để xây dựng quê hương sau ngày chiến thắng. Chúng ta đều nhớ tới lá thư của Bác Hồ lần đầu tiên viết gửi thày trò trường HSMN năm 1955. Người đã nhắn nhủ thày trò HSMN hăng hái học tập và công tác, sao cho đến ngày nước nhà thống nhất, là những người gương mẫu trở lại xây dựng quê hương. Đến nay, hầu hết anh chị em HSMN đã nghỉ hưu sau khi đảm nhiệm nhiều trọng trách tại các tỉnh thành miền Nam, đã góp công sức rất lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thực tế đã chứng tỏ các thế hệ HSMN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng, hoàn toàn xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, của cha anh đi trước. Như vậy, trường HSMN là loại hình trường độc đáo, sáng tạo và thành công nhất của giáo dục cách mạng Việt Nam.

2. Trong mỗi lần gặp mặt các thế hệ HSMN, dù ở bất cứ đâu, các thầy cô giáo đều nhận được nguyên vẹn tình cảm quý mến, trân trọng của các anh chị học sinh năm xưa. Chúng tôi cũng luôn nhận được những lời cảm ơn chân thành của các anh chị HSMN khi nhắc nhớ những năm tháng trưởng thành dưới mái trường HSMN trên đất Bắc. Trò biết ơn thầy cô là đạo lý dân tộc đáng quý. Nhưng cũng cần nói thêm: Chính từ những ngày tháng giảng dạy, công tác trong trường HSMN, từ những gắn bó, cảm thông, chia sẻ thầy trò, đã tạo nên nguồn động viên chúng tôi nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục, động viên chúng tôi kiên trì rèn luyện, hoàn thiện bản thân, trưởng thành trong nghề nghiệp, trong tình cảm. Cùng sống, cùng chứng kiến những nỗ lực vượt khó vươn lên từ hoàn cảnh đặc biệt của HSMN, chứng kiến sự thành đạt sau này của các bạn HSMN, chúng tôi cũng xin được nói lời cảm ơn những học trò thương yêu đã góp công sức cho đất nước, cho dân tộc, vẫn trọn tình với Thầy Cô, với lớp cũ trường xưa.

3. Hầu hết nhà giáo chúng tôi sau khi rời trường HSMN đều tiếp tục công tác giảng dạy, quản lý trong ngành giáo dục. Trong giao tiếp công việc chuyên môn cũng như giao tiếp xã hội, khi nói tới HSMN, chúng tôi đều thấy rõ sự đánh giá cao của mọi người về các thế hệ HSMN, từ đó tiếp tục dành sự ưu ái, trân trọng cho chúng tôi, những nhà giáo đã từng góp sức trong các trường HSMN. Đây là điều hết sức đáng quý.
Mỗi dịp gặp gỡ HSMN dù ở bất cứ tỉnh thành nào các bạn đều tụ tập cực kỳ đông vui, nhiều Thầy Cô tuổi cao sức yếu cũng tha thiết cố gắng đến họp mặt. Chúng tôi chứng kiến ở đây cùng với tình thầy trò cao quý, có tình bằng hữu bạn học, tình anh em như ruột thịt, tất cả cùng chung nhau bốn từ giản dị Học Sinh Miền Nam. Như vậy HSMN chính là một GIA ĐÌNH LỚN, gắn kết, chia sẻ với nhau bằng cả tình thân gia đình!
Cùng trong một gia đình lớn nên những tâm sự của chúng tôi nêu trên hy vọng cũng sẽ là tâm sự chung của mỗi Thầy Cô, anh chị em HSMN hôm nay! 
Nhân dịp Tết Mậu Tuất sắp tới, kính chúc Quý Thầy Cô, Quý đại biểu cùng toàn thể anh chị em HSMN và gia đình một Năm Mới khỏe vui, bình an, may mắn và Hạnh Phúc. 

Nguyễn Việt Bắc 

Nguyên giáo viên Trường HSMN Đông Triều 

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Làm sao ta gặp, làm sao ta gặp được nhau

Những hình ảnh từ FaceBook của những lần hội ngộ của HoSiMiNa (HSMN) làm tôi chợt nhớ đến "Tình khúc OBai" của Trịnh Công Sơn:

"Tôi đi bằng nhịp điệu
Một hai ba bốn năm
Em đi bằng nhịp điệu
Sáu bảy tám chín mười
Ta đi bằng nhịp điệu
nhịp điệu không giống nhau,
ta đi bằng nhịp điệu
nhịp điệu sao khác màu

Sông cạn, đá mòn
Sông cạn, đá mòn
Làm sao ta gặp,
làm sao ta gặp được nhau
Ơ bai í à í á
Ơ bai í à a á
Ơ bai i à a á
Ơ bai i à a a á"

Cuộc sống cuốn trôi con người theo dòng thời gian, khi còn nhỏ, sống, học bên nhau, giờ này tóc nhiều người đã chuyển màu, hoàn cảnh mỗi người cũng khác nhau, "làm sao ta gặp được nhau"! Chuyện cũ lại ùa về, xấu có, đẹp có, nghịch có, ngoan hiền cũng có... Tất cả lại dồn về, sôi nổi.
Ngày 26/3/2017 tại Đà Nẵng
Nhóm nhỏ trong Những người tham gia "Bạn trường HSMN" Vũ Anh Vinh, Quế HHP Hải Phương, Quế MF Kim Thanh, Út Bùi Hương, N.H.QUE Nguyệt Hồng, Quế 67-73 Chí Dân.