Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

THƯƠNG CHO ROI CHO VỌT

Cấp hai ở Quế, trong tất cả các món (không phải món ăn nhé), với tôi và nhiều đồng bọn nữa nhẽ là món ôn bài buổi tối, là món oải bã chè nhất. Chiều ngủ dậy, đợi ngơn ngớt nắng tí ti là chúng tôi bắt đầu tung ra đủ các thể loại ngón nghề để chơi cho thỏa. Bể bơi là lựa chọn số một, sau là các món bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn v.v...Nếu không thể thao thì chúng tôi cũng lội làng Choang, bắn chim, bắt cá lia thia, và tranh thủ vặt được cái gì nhét họng thì vặt. Cứ thế mà lang thang cho hết buổi chiều.
 Tất nhiên đến khoảng bốn rưỡi là thằng nào tới phiên tưới rau thì liệu liệu mà về lo tăng gia sản xuất. Nói vậy chứ nghịch gì thì nghịch, nhưng bọn tôi coi lao động là vinh quang phết. Lớp lớp đua nhau, trồng cải thì cải phải to nhất, rau muống thì năng suất trên một luống phải cao nhất. Cứ thế thi đua ta quyết thi đua...Tôi thật. Còn chú nào không trong diện thì lo tắm rửa, ngắm gà vịt rồi đợi kẻng cơm. Ngày nào cũng vậy, chỉ trừ những chiều phải học nghề, hay nữ công gia chánh.
Bảy giờ tối là lọ mọ lên lớp ôn bài, con gái thì không biết sao, chứ bọn trai chúng tôi cứ như bị dí súng mà bắt đi. Cả buổi chiều dốc sức cho các món rồi, chỉ khoảng non tiếng đồng hồ là trụ được, rồi bắt đầu có thằng gục. Lớp trưởng cũng theo dõi nhắc nhở, nhưng ăn thua gì, gục là gục. Nếu thầy chủ nhiệm không lên, thì thôi lớp trưởng cũng đành nhịn mà nhìn nó ngủ. Ôi giời, nhìn nhiều thằng ngủ hài vãi, thằng thì nước dãi lòng thòng, thằng thì há mồm toang hoác.
Rồi các ý tưởng chọc ghẹo cũng nẩy sinh từ đây cho nhanh hết giờ, vả cũng đỡ buồn ngủ, nên người ta bảo đừng ngủ khi lũ bạn còn thức là vậy đấy. Đầu tiên là lấy tờ giấy cuộn thành điếu thuốc gắn vào miệng thằng đang há mồm ngủ, điếu thuốc đưa đẩy nhịp nhàng theo hơi thở của nó, xong cả bọn cười xình xịch, mấy đứa con gái cũng bụm miệng cười tòe loe. Lúc sau lại xin sợi tóc đứa con gái rồi ngoáy tai tiếp, nhìn nó ngọ nguậy vui ra phết. Bọn chúng tôi đứa nào hầu như cũng dính chiêu này cả, thế mới cú.
Lớp 7b, tôi mới thằng Châu rót ngồi chung một bàn. Vốn thằng Châu rót lớp 6a, do hồi lớp 6 sự học của nó có vấn đề, nên hè năm lớp 6 nó cùng vài thằng nữa được vinh dự tham gia khóa học tăng ca của các anh chị bên dân tộc qua. Các anh chị học lên, còn nó thì chỉ cần nhớ lại bài đã học thôi. Và sau nó được phân qua 7b. Chính sự ôn này cũng giúp nó đột phá trong việc học. Vào lớp 7, nó khá hẳn, tôi đôi bận cũng phải nghía trộm toán của nó lúc kiểm tra. Tối tổi đến lượt nó dính chưởng hút thuốc giấy và lấy giáy tai, ô hô mắt đỏ kè nó giật tỉnh, ngượng nghịu. Rồi! Đợi đấy đi, nó thầm nghĩ.
Trưa hôm sau nó mới nói với tôi: sáng ngồi học tao nhìn mấy bóng đèn có cái đuôi nhỏ nhỏ thò ra (ý nó nói là con chuột đèn ống), sáu bóng cả thảy tao với mày chiều nay vào gỡ nó ra cho đèn hết sáng...tôi nhanh nhảu: vậy là tối khỏi học đúng không? Khà khà hai thằng cùng cười khoái chí. Thảo luận thêm về kế hoạch hành động rồi hai thằng ngất đợi chiều đến.

 Bàn luận rồi, tôi mới nó không phi thẳng lên lớp học theo lối thường ngày, mà vu hồi  lên nhà ăn thẳng sang đầu nhà ăn cấp một, rẽ trái theo con đường bê tông ngăn hai trường cấp 1 và 2 để đến được dãy lớp học. Ngó trước ngó sau hai thằng xông vào, lúc này tim tôi bắt đầu đập thùm thụp, hãi hãi là. Thằng Châu trấn an: không ai thấy đâu hành động thôi, nhanh. Bình tĩnh nó hối tôi kê bàn kê ghế để đứng lên, tôi làm nhưng mắt vẫn lấm la lấm lét nhìn ra ngoài cửa kính xem động tĩnh gì không, giữ ghế cho nó leo mà tay run bắn, quả là bọn lớp A có tư chất làm tướng thật...(Còn tiếp)

Xuân Hùng.

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

"Đọc báo dùm bạn"

Nhân ngày 20/11, trên "Vietnam.net" có đăng bài báo dưới đây của nhà văn Nguyên Ngọc. Nó gợi ra cho chúng ta một cách nhìn, một cách tiếp cận lịch sử đầy tính nhân văn. Quả là hiện nay, có những vấn đề phải "nhận thức lại" mới mong thoát khỏi " đường mòn" của lối tư duy thông thường...




Vì sao Phạm Xuân Ẩn không bị lộ?

Phạm Xuân Ẩn, con người anh hùng tuyệt vời nhân văn, con người vô cùng hiền minh ấy, biết rõ sự khắc nghiệt của một người dân Việt trong chiến tranh mà mình cũng không thể nào tránh khỏi, nhưng ông cũng nhận ra và hiểu sâu sắc đâu là cái đẹp lâu dài ở đời, trên thế giới này.

LTS: Tiếp theo mạch bài về dạy và tiếp cận sử được đặt ra trong dịp cả nước tôn vinh sự nghiệp trồng người 20/11, Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc về cách dạy sử ở nhà trường và việc bồi đắp tình yêu nước.

Tuyên truyền thường... ngắn hạn

Lâu nay ta thường hay lẫn lộn giáo dục với tuyên truyền, trong chuyện dạy lịch sử (và dạy văn nữa). Kiểu làm này càng rõ, càng nặng. Có thể tóm tắt: tuyên truyền thì ngắn hạn, cho những mục đích cụ thể và nhất thời. Giáo dục phải nhằm đến lâu dài hơn.

Quả là ta thường dùng việc dạy lịch sử cho những mục đích ngắn hạn, đúng như bà Farida Shaheed nói, “nhằm tạo những khuôn khổ cho lớp trẻ” theo những ý đồ được coi là của “lý tưởng chính thống” (của chính quyền đương thời).

Cũng nên nói không chỉ ở ta mới có chuyện này.

Ở Pháp, một số các nhà sử học nổi tiếng đã lập ra một tổ chức gọi tắt là CVUH (Comité de vigilance face à l’usage public de l’histoire), có thể dịch là Ủy ban cảnh giác đối với việc đưa lịch sử ra sử dụng trong công chúng.

Các nhà sử học uyên thâm ấy cảnh giác với việc chính quyền đương thời nhào nặn lịch sử để làm công cụ tuyên truyền cho những lợi ích chính trị (đương nhiên là nhất thời) của họ.

Tôi nghĩ một sự cảnh giác thật hiền minh như vậy cũng rất cần ở ta, nhất là khi chúng ta vừa bước ra khỏi một cuộc chiến tranh lâu dài, ác liệt.

Chiến tranh là hình thái xung đột bạo lực cao nhất, tàn bạo nhất. Trong chiến tranh con người sống trong những hoàn cảnh phi thường, tức không bình thường. Ở đời, như ai cũng biết, con người bao giờ cũng chỉ có thể đứng ở một góc nhất định nào đó của thực tại, nên luôn bị chính cái góc đó, với các cạnh của nó, che khuất. Không thể nhìn toàn cục.

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh, cái góc đó vì vô số lý do, càng hẹp hơn, các cạnh của nó càng dài hơn. Mặt khác trong chiến tranh có những tình cảm không bình thường, được, hay bị đẩy cao lên, thường đến cực độ. Hận thù là một trong những tình cảm nổi bật đó. Nếu giáo dục của ta, dạy sử của ta sau chiến tranh, nói, viết, dạy về lịch sử chiến tranh, mà lại càng cố ý làm đậm, sâu hơn cái góc vốn đã hẹp một cách tất yếu đó, thì sẽ rất tai hại.

Tôi hiểu Farida Shaheed nói “việc dạy sử không nên đặt ra mục đích đắp bồi chủ nghĩa yêu nước” chính là theo ý nghĩa đó. Tôi cũng hiểu lòng yêu nước khác với chủ nghĩa yêu nước. Yêu quê hương, đất nước mình là tự nhiên và tốt đẹp. Nhưng khi nói đến chủ nghĩa thì tức đã có ý đẩy tình cảm ấy đến thành cực đoan, thành chật hẹp, duy nhất, có màu sắc kỳ thị với những gì không phải là đối tượng yêu đó của mình. Không nên “sử dụng” (chữ của CVUH) lịch sử, dùng việc dạy lịch sử cho mục đích chủ nghĩa.

Lịch sử luôn là vô cùng phức tạp, thậm chí không thể nói một lần, hiểu một lần là xong, có thể cũng chẳng bao giờ xong. Dạy lịch sử nên cố gắng giúp cho người học khắc phục suy nghĩ đơn giản, một chiều về quá khứ, đặc biệt về quá khứ chiến tranh, về sự vô cùng phức tạp, nhiều chiều, nhiều tầng, nhiều góc độ, nhiều sắc thái của một thực tại cực kỳ phức hỗn là chiến tranh. Sự phức tạp của lịch sử nói chung, của chiến tranh nói chung, và của từng con người, từng nhân vật trong chiến tranh. Học lịch sử là để giúp cho con người người hơn, nhân văn hơn, khoan dung, bình tĩnh hơn, minh triết hơn, qua những bài học hay ho hay đắng cay của số phận làm người.

Chiến tranh, muốn nói gì thì nói, vẫn là thứ tàn bạo nhất, dã thú nhất, mà cho đến ngày nay loài người, đáng buồn thay, vẫn chưa thoát ra được để hoàn toàn là người.

Dạy lịch sử chiến tranh nên hướng tới làm cho người học thấm thía cái bi kịch đáng buồn, đáng còn tủi hổ của thân phận con người ngày nay. Để giúp con người thoát ra khỏi chiến tranh, thoát ra khỏi những hậu quả đáng buồn, những vết thương, không chỉ về vật chất, mà chủ yếu về tâm lý, về tâm thần, về nhân cách để lại từ chiến tranh.

Tôi đồng ý với Nghiêm Hoa khi chị viết: “Cách thức đối diện với vết thương hậu xung đột sẽ phá hủy một nhân cách, một dân tộc, hay sẽ giúp một cá nhân hay một dân tộc đứng lên như phượng hoàng bay lên khỏi tro tàn? Quan trọng hơn, phượng hoàng ấy sẽ khiến xung quanh kinh hoàng hay thán phục, sẽ giúp viết nên một trang mới lặp lại và kéo dài thêm nỗi đau, hay sẽ tiến bộ và nhân văn hơn?”.

Đúng như vậy, phẩm cách của một cộng đồng, một dân tộc không chỉ bộc lộ trong chiến tranh, khi đang phải giáp mặt với bạo liệt của chiến tranh. Càng khó khăn hơn, là khi đối diện với hậu chiến. Và không chỉ đối với người chiến bại, mà cả vởi kẻ đã chiến thắng. Thậm chí càng khó khăn hơn đối với kẻ chiến thắng.

Lịch sử nhân loại từng chứng kiến những đất nước, những dân tộc dũng cảm đứng lên huy hoàng sau chiến bại nhiều khi đến tan nát. Và những đất nước, những dân tộc suy sụp sau chiến thắng huy hoàng. Vì sao? Còn là một câu hỏi hết sức đáng để suy ngẫm, cho các dân tộc, và cũng cho từng con người.

Nghiêm Hoa  đã có những dẫn chứng rất hay về điều này. Riêng tôi, tôi từng cũng gặp và suy nghĩ về thái độ đối với chiến tranh và lịch sử rất đáng chú ý ở một số người.

Tôi có một người bạn từng là bí thư tỉnh ủy một tỉnh nổi tiếng ác liệt trong chiến tranh. Sau 1975 có hôm anh băn khoăn bảo tôi: Chúng ta tôn vinh các bà mẹ Việt Nam anh hùng từng có nhiều con hy sinh trong chiến tranh, là đúng thôi. Nhưng có lẽ cũng đừng làm quá. Còn có hàng triệu bà mẹ khác, có con đi lính cho chính quyền miền Nam và đã ngã xuống. Mình làm quá, các bà mẹ ấy sẽ tủi thân. Mà cũng là những bà mẹ Việt Nam, các mẹ cũng đau khổ, theo cách nào đó thậm chí con đau khổ hơn. Mà các mẹ có tội tình gì đâu ...

Tôi cũng thường suy nghĩ về người “điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn. Hoạt động suốt cả cuộc chiến tranh dài, trong điều kiện cực kỳ hiểm nghèo, tại sao ông không bị lộ? Hẳn có rất nhiều nguyên nhân. Riêng tôi thường nghĩ đến một nguyên nhân: vì nhiệm vụ với Tổ quốc của mình trong chiến tranh Việt-Mỹ ông đã không quản hy sinh để làm tròn xuất sắc một công việc hết sức hệ trọng và hiểm nguy.

Song mặt khác, ông cũng vô cùng yêu quý nước Mỹ, nền văn hóa Mỹ, con người Mỹ tốt đẹp mà ông hiểu tường tận. Chắc khi nói về việc dạy lịch sử sau chiến tranh, rất nên nghĩ về trường hợp tuyệt vời của Pham Xuân Ẩn.

Con người anh hùng tuyệt vời nhân văn, con người vô cùng hiền minh ấy, biết rõ sự khắc nghiệt của một người dân Việt trong chiến tranh mà mình cũng không thể nào tránh khỏi, nhưng ông cũng nhận ra và hiểu sâu sắc đâu là cái đẹp lâu dài ở đời, trên thế giới này.

Nói gì về bản sắc dân tộc?

Bà Farida Shaheed có nói và Nghiêm Hoa cũng có nhắc lại ý kiến không nên lấy việc dạy sử để “ghi tạc bản sắc dân tộc”.

Từ lâu tôi đã nghĩ (và cũng nhiều lần nói) rằng cần rất cảnh giác với việc quá cường điệu cái gọi là bản sắc dân tộc, và dùng việc dạy sử, ra sức nhào nặn lịch sử để một mực tôn vinh cái gọi là bản sắc dân tộc ấy.

Amartya Sen của Ấn Độ, người châu Á duy nhất cho đến nay đoạt giải thưởng Nobel kinh tế, có một tác phẩm nổi tiếng tên là “Bản sắc và Bạo lực”. Ông phản đối việc quá đề cao bản sắc dân tộc, và chủ trương con người luôn là đa bản sắc.

Ông nói đại ý; Một người có thể vừa là người dân Ấn Độ, là người bang Utah Pradesh, là người theo đạo Bà La Môn, là nhà kinh tế học chủ trương tự do thị trường, là người đồng tính, là người thích chơi nhạc cổ điển, là người chỉ thích thơ chứ không thích văn xuôi, là người say mê cảnh đồng quê và dị ứng với đời sống đô thị v.v...

Đối với người ấy, có thể một trong những cái đó là quan trọng nhất, là niềm tin tưởng và say mê suốt đời, hoặc cũng có khi lúc này hay lúc khác lại chuyển sang cái khác. Không nhất thiết một điều hay một số điều gì đó là bản sắc chung của cả một cộng đồng, một quốc gia. Cái được coi là bản sắc chung đó thường là giả tạo, áp đặt. Và cũng thường do từ yêu cầu chính trị nhất thời nào đó. Đặc biệt càng được phát triển, tô đậm, nhấn mạnh, tuyệt đối hóa trong chiến tranh. Quá nhấn mạnh bản sắc là một trong những nguồn gốc tất yếu của bạo lực, chiến tranh.

Ở Pháp, thời chính phủ Sarkozy, do tình hình nhập cư phức tạp, người ta đã lập ra một bộ mới, có cái tên rất kỳ lạ (và kỳ quặc): “Bộ Nhập cư và Bản sắc dân tộc”. Tám trong số 12 nhà sử học của ủy ban CVUH nói trên đã từ chức đề phản đối cái bộ kỳ cục này ... 

Vậy đó, những vấn đề lịch sử và giáo dục, dạy sử trong thời hậu chiến, không chỉ là chuyện của quốc gia nào.

Cũng ở Pháp, theo thông tin từ một bài phỏng vấn của chị Nguyễn Thị Từ Huy với một giáo sư dạy sử ở một trường trung học vùng Paris, trong một số năm gần đây, Chính phủ Pháp đã cho phép các trường nói với học sinh về những mặt tích cực của chủ nghĩa thực dân, bên cạnh những mặt tiêu cực và tội ác của nó vốn trước đây đã được đề cập một cách rất nghiêm khắc...

Hiểu được lịch sử trong tất cả tính phức tạp, nhiều mặt, nhiều tầng, nhiều phía của nó sẽ giúp cho con người tỉnh táo, thanh thoát và hiền minh trong đời sống, vững vàng hơn trước những thách thức mới của hôm nay và ngày mai.

Những vấn đề được đặt ra qua bài viết của Nghiêm Hoa là rất quan trọng, song cũng là những vấn đề khó khăn. Mong từ đây có thể gợi nên một cuộc trao đổi, được tiến hành một cách nghiêm túc, ôn hòa, sẽ rất có ích.

Và không chỉ cho việc dạy lịch sử sau chiến tranh. Còn lớn hơn nhiều, cho một sự phục hưng thật sự của dân tộc, của xã hội chúng ta sau bao nhiêu năm đằng đẵng của một tình thế chiến tranh thảm khốc đã tất yếu hủy hoại đất nước và con người chúng ta.
                                                                                              Nguyên Ngọc

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

NHÓM " ẬP LƯ " QUẾ LÂM

Thể  theo yêu cầu Quế này xin đăng nhóm :"ập lư" quế lâm đây.Hãy tra từ điển nhé !

THEO CHÂN HIỀN SĨ



THEO CHÂN HIỀN SĨ

Bếp lạnh tro tàn cạn nguồn thơ
Người đi ta đã thành nhãng trí
Buông sào bỏ lái từ xưa ấy

Chớ nhớ chớ thương đến bạn lòng


Bíu víu làm chi chuyện trong đời
Nhân sinh triêu lộ gió trăng chơi
Sáng tô,ly,điếu,chiều chai đĩa
Bốc bải dần sàng thời thế thôi.

                                                                                                   Đà Nẵng ngày 25.11.2013
                                                                                                                       Vũ Anh Vinh



Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

MỪNG CHO BẠN

Thưa các vị mặc dù hơi mệt, nhưng cũng cố gắng chia sẽ niềm vui này cho các Quế và dân HSMN.Quế này định chia xẻ những cảm xúc thú vị , nhưng niềm vui lẫn lộn, không biết chính tả có đúng không. Quế này chỉ nói một điều vô cùng hạnh phúc

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

HẠNH PHÚC TRONG LŨ LỤT

Đi công tác Đà Nẵng. Trên đường về bị lụt, mắc kẹt tại Quảng Ngãi. Chứng kiến Hạnh phúc trong lũ lụt.


Đám cưới mùa lũ, đường thành sông
Ô tô đành đứng, thuyền được trông 
Chuyên chở chuyện tình hoàn đoạn kết
Mùa lũ vẫn ủ mầm sinh sôi.

Tp. Quãng Ngãi, 16/11/2013, Saphon

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

QUÁ ĐÃ

20/11 năm nay các Quế Ráo được các Quế và các anh Trỗi chúc mừng tưng bừng . Ráo sung sướng không phải mần chi hết , cứ thế mà đón nhận hạnh phúc . TGTB đi kinh lý phương Nam , tới  xứ Sài , bắt tận tay chúc mừng các Ráo . 


Chúc mừng ráo Hoài Nghi .


Chúc mừng Ráo .


NGẦU CHƯA !!!!

ĐỂ CÁC RÁO NGHIÊN KIÚ !


Có thể rút ngắn chương trình phổ thông

- Cách giảng dạy của Nhà giáo Nhân dân Shatalov là cho phép co ngắn chương trình phổ thông đi khoảng 2 năm học. Điều này có lợi cho nhịp hoạt động khẩn trương thời kinh tế trí thức và tiết kiệm thời gian cho quy trình đào tạo nguồn nhân lực.
Không thầy, đố mày…
Tiểu sử của các thiên tài có đặc điểm chung là những người viết chúng thường bắt đầu từ thuở nhân vật chính của mình mới cắp sách đến trường… Phổ biến một quan niệm rằng nhà sư phạm thường là người “khơi” dòng sông tài năng trẻ, hoặc, người thầy có tài là “khoản đặt cược” cho một sự nghiệp thành công của trò. Từ xưa, và gần như ở bất cứ đâu, các bậc cha mẹ, vốn quan tâm máu thịt đến tương lai của con, săn lùng các thầy cô giỏi, hoặc tập thể các nhà sư phạm, sẽ đưa con mình vào đời từ một xuất phát điểm đảm bảo thành công. Đồng thời, không ai có thể cam kết 100% là nhờ thầy giỏi, trò rồi sẽ giỏi. Đánh giá đúng hiệu quả lao động của nhà giáo là vấn đề “nóng” đang đặt ra ở nhiều quốc gia.
   Ở Nga hiện nay vẫn hiện hành một hệ thống phương pháp sư phạm từ thời Xô Viết, từng được biết đến ở Việt Nam thời chiến, đó là chương trình giảng dạy do nhà giáo Victor Shatalov soạn thảo. Đột phá giáo dục thời “trì trệ” "Cuộc thực nghiệm vẫn tiếp tục".
    Tác giả: Victor Shatalov Từ 1970, tại một trường ở Liên Xô, bắt đầu ứng dụng thí điểm phương pháp Shatalov. Tại một lớp tám, người ta chọn 33 học sinh học lực bình thường, trong đó chỉ có gần 1/3 tốt nghiệp lớp bảy không có điểm 3 (trên 5), và về toán, không có em nào được điểm 5 nào, trong suốt năm học trước. Nhưng nhờ phương pháp Shatalov, gần ½ học sinh lớp này tốt nghiệp lớp 8 thuộc diện khá, giỏi. Tới năm lớp 9, các em lớp này học vượt trước, sang chương trình lớp mười về toán và lý. Trả bài các môn đại số, hình học, vật lý trước một Hội đồng thi từ thủ đô Liên Xô xuống, có 22 em được điểm 5; 8 em được 4; chỉ có 3 em được 3 điểm. Tại kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, 24 em của lớp này đạt loại khá giỏi, trong đó có 3 huy chương vàng. Tất cả 33 em đều thi đỗ vào các trường đại học… 20 năm liền tiếp nối dạy theo phương pháp Shatalov mang lại kết quả là, tất cả các học sinh của trường đó đều vào Đại học (!). Cho tới năm 1990, từ những học sinh đầu vào thuộc diện trung bình, đã đào tạo được 64 phó tiến sĩ, 12 tiến sĩ, 64 kiện tướng thể thao…
  Dễ thôi
Những học trò của Shatalov thường hoàn thành chương trình phổ thông vượt trước hai năm. Có được kết quả như vậy là nhờ thiết lập được hệ thống “tín hiệu trụ”, cho phép nắm vững một cách đáng tin cậy các lượng thông tin lớn, nhờ phương pháp ôn tập và đánh giá trình độ kiến thức, nhờ hệ thống độc đáo giải các bài tập, và nhờ cách thanh tra có hiệu quả quá trình giảng dạy. Dù thời “cải tổ” Shatalov bị “cúp” các danh hiệu khoa học, chương trình thử nghiệm hệ thống bị ngưng, quyết tâm thử nghiệm các ý đồ về phương pháp dạy và học của tác giả không bị lay chuyển.
  Sau sụp đổ của Liên Xô, phương pháp Shatalov vẫn tiếp tục được thực hành có kết quả ở các cấp học trên phổ thông: các trường đại học, các trường sĩ quan, các học viện ở Nga… Hiện tại, trong thời gian nghỉ hè, ông chỉ mất 5 – 6 ngày để “chạy” cho các học sinh ở Moscow cả chương trình toàn năm học của các môn đại số, lượng giác, hình học, hay vật lý (!) Các bậc phụ huynh kinh ngạc nhận thấy con mình có khả năng nhanh chóng nắm vững khối kiến thức đồ sộ. Thầy Shatalov không “giữ miếng” gì cho mình. Ông chỉ rõ cách tránh nguy cơ bình quân trong giáo dục, cách giúp học trò thoát “học vẹt”, cách tạo sự tự tin trong các em, và sức thuyết phục, để tiến thân hoàn toàn bằng kiến thức…
     Hiện nay, tại trường Đại học mang tên Ekaterina Đại đế, TP. Moscow, đang tiến hành các lớp dạy theo phương pháp Shatalov đối với lứa tuổi học trò (tiếng Nga và toán dạy dồn cho lớp 2- 3 - 4 và lớp 5 - 6; đại số dạy dồn cho lớp 9 - 10 - 11; ) dồn vào các ngày thường của chỉ một tuần của một tháng trùng kỳ nghỉ lễ. Hoặc các lớp dạy kèm về tiếng Nga, tiếng Anh, toán vào các ngày chủ nhật… Chủ nhật hàng tuần có các buổi giảng về phương pháp Shatalov dành cho giáo viên. “Điều kỳ diệu” Shatalov nằm ở chỗ cả học sinh, ban đầu thuộc cả diện học yếu và khá giỏi, thảy đều bước trên những “đôi hài bảy dặm”, mà không cảm thấy “quá tải”. Đối với các em này, không đặt thành vẫn đề có nên học toán cao cấp không, ra đời có cần biết thuật toán để làm gì không… Đối với các em, toán, lý là môn học “dễ thôi mà”.
  Công nghệ “nén”
Thầy Shatalov (86 tuổi) vẫn lên lớp ở Moscow mỗi dịp hè Hiện đã số hóa các bài giảng của thầy Shatalov, gồm 13 phim mỗi phim dài từ 7 – 11 tiếng. Mỗi chương trình của một năm học được thâu tóm vào một vài tiếng trên băng đĩa DVD. Hiện tại có các học sinh hệ tiếng Nga ở châu Âu và ở Mỹ học theo phương pháp Shatalov. Hệ thống dạy và học theo trường phái Shatalov đã phát triển qua mọi thử thách của cả thời bao cấp lẫn thị trường. Nhà giáo nhân dân Liên Xô, nhà giáo công huân Ukraina Victor Shatalov được nhiều giải thưởng, danh hiệu trong nước và quốc tế (như giải thưởng của Quỹ Soros). Đã xuất bản hơn 50 sách của ông về khoa học giáo dục, được dịch sang 17 thứ tiếng. Plutarch từng nói “Học trò không phải là cái bình để nhồi nhét kiến thức, mà là bó đuốc cần phải được châm lên”. Nhà giáo Shatalov (SN 1927) hôm nay vẫn thử nghiệm nhằm hoàn thiện hệ thống của mình về cả lý thuyết và thực tiễn giảng dạy, để tẩm đẫm hương liệu cho những “bó đuốc” tỏa ánh sáng kiến thức…

                                                                                                  Lê Đỗ Huy (tổng hợp)

* Phải chi hồi đó, mình được học chương trình này thì "dư' ra được 2 năm để ... chơi nhỉ? Nói zậy chớ, giờ áp dụng, tụi nhỏ sẽ có 2 năm..."học thêm" ngoài giờ!

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

CHÚC MỪNG CÁC THẦY CÔ QUẾ 20/11/2013

"Tia lửa nhỏ" khai trí cho các thế hệ

Kính chúc mừng các Thầy Cô Má nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam!

CHÚC MỪNG 20/11

Nhân ngày 20/11, cùng các bạn lớp K (1975) đến chúc mừng thầy Bắc và năn nỉ thầy "đi với chúng em".
Từ trái sang: Bắc... Vân, Phạm Văn Hóa (Phú Yên), Đình Chiến, Kim Chi, Thầy Bắc, Thái Võ Trang, Tập 2 của Thái Võ Trang.
Câu chuyện vui tại bàn: Phạm Văn Hóa vào. Em chúc mừng thầy nhân ngày 20/11 (đưa quà), quay qua (Kim Chi, vợ thầy, bạn cùng lớp) chào cô! Kim Chi e thẹn. Một bạn trong bàn nói với Hóa: Làm lại, bắt đầu từ Kim Chi. Phan Văn Hóa: Chào em, quay qua (thầy Bắc), Chào...ngọng, líu lưỡi...

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

TẤM ẢNH KỶ NIỆM ĐỜI TÔI

 Xem ảnh, đố vui có thưởng:
Xuất xứ: Ảnh chụp nhân kỷ niệm 40 thành lập Khu GDHSMN Quế Lâm tại Đà Nẵng (2007)
Giải thưởng: 1năm ...cà phê.
Chủ đề: Tìm một ảnh chụp tương tự "Học trò với thầy cô Chủ nhiệm"
Gợi ý: Cho phép xử dụng "Bác Google"
Đoạn kết: Nếu không có ai giành giải tôi có nên gửi ảnh để đăng ký Guinness? (Nghiêm túc nha)


Quả là như vậy. Mỗi lần nhìn tấm ảnh cuộc đời tôi lại từ từ hiện ra.  Suốt thời đi học phổ thông tôi sống trong trường miền Nam, từ lớp 2 đến lớp 10. Từ Quế Lâm về Đông Triều.
Từng thầy cô là một giai đoạn của thời học sinh.

Từ trái sang phải:
Cô Lan (Chủ nhiệm 2B, 3B cấp I NVB): Tháng 4/1967. Hà Nội - Quế Lâm. Trường cũ. Những ngày đầu xa nhà, ở tập thể. Nhà đá. Nhà kèn. Sân bóng rổ. Má bảo mẫu. Những đêm hè nghe thầy Thái kể chuyện ma, chuyện "Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt"...cùng những làn đạn bay đỏ trời...

Thầy Đọc (Nguyễn Sĩ Đọc, quê Thái Bình, Chủ nhiệm 4B): Trường mới. Ở nhà tầng. Đi nhà cầu. Bể bơi. Sân vận động. Cơm khay hấp. Danh hiệu "Lớp học miền Nam anh dũng"...
Trên cùng: Thầy Đọc. Hàng 1: Bùi Lý (N.Trang), Hà Bắc (SG), Vinh mập (Q.Ngãi), Thu Thanh (SG), Đình Hùng (?), Minh Nguyệt (HN), Mai Hoa (?), Minh Phương (SG). Hàng 2: Xuân Hùng (SG), Đua (Q.Trị), Sen mập (Huế), Đức "cống" (?), Tô Lê Sơn (?), Việt Yến (Cần Thơ?), Ngọc Hà (?), H.Anh (SG); Hàng 3: Hiền "hung" (?), Minh "Tàu" (N.Trang), Minh "núi" (SG), Hưng (?), Bình "chôn thịt" (Q.Nhơn), Tạ Dũng (Tạ "Điêu", SG), Phương Đông (HN,  Trưởng khoa Cán bộ, BV 108, trực tiếp điều trị Bác Giáp), Hồng Phúc (Hungari). Hàng cuối: Lý Huấn (Đ.Nẵng), "Đình" Tiến (Tiến "thuế", HN), Đức Hùng ( sau có nhuận, ?), ???, Hồng (SG), Mạnh Long (Đ.Nẵng), Hải "mèo" (K.Hòa), Tuyết "Nghiêm" (SG)

Cô Như (Mạc Thị Như, quê Đông Triều, Chủ nhiệm 5B, 1969 - 1970), thầy Chi (Phạm Xuân Chi, quê Hưng Yên, Phó CN): Cấp 2 NVB. Lớn hẳn. Những ngày Bác mất. Có tiền tiêu vặt. Đi Quế Lâm. Hang gió. Sở thú. Cầu Hoa. Ly Giang. Cầu Giải phóng. Cá sắt đóng đế giầy. Trèo tường đi ăn trộm. Bị đuổi. Vừa chạy vừa la: "Ủa sư duê nản xuế sâng" (tôi là học sinh VN)...

Thầy Minh (Nguyễn Quang Minh, Chồng cô Như, quê Hồng Gai, Chủ nhiệm 6B, 1970 - 1971): Trồng cải cao gần bằng đầu. Nuôi gà, vịt, thỏ. Đào ao cá Bác Hồ. "Đại tá QĐNDVN" đi đầu (nhỏ nhất) sau mô hình xe tăng...

Thầy Tú (Đoàn Quang Tú, quê Thái Bình, Chủ nhiệm 7B, 1971 - 1972): Làm Liên đội trưởng. "Tổng chỉ huy các LLVT" mỗi khi "duyệt binh" gồm các "Quân khu" cấp 1 NVB, Cấp 1 DT và cấp 2 NVB. Lần đầu tiên phải gọi người cùng lớp bằng "anh" (Bổ túc lên, lứa Lê Tấn Mai, Huỳnh Nghĩa...). MC tiếng Trung cùng Từ Vân (tiếng Việt) trong các đêm biểu diễn văn nghệ tại trường, tại BV Nam Khê Sơn và các buổi chào mừng nhân ngày quốc khánh TQ 1/10, ngày QĐNDTQ 1/8. Những ngày chuẩn bị về nước: tập xe đạp, tập cứu thương...

Thầy On (Châu Văn On, quê Quảng Ngãi, Chủ nhiệm 8E, 9E, Đông Triều): Sơ tán. Sáng: ngô đúc. Trưa, chiều: ngô bung độn cơm gạo dẻo (Cả hai thứ đều không nở). Lần đầu tiên nếm mùi đói. Đi rừng lấy nứa, róc về làm nhà ở, lớp học bên cạnh là hầm chữ A. Chứng kiến 12 ngày đêm Điên Biên Phủ trên không. Nhìn thấy BV Bạch Mai sụp đổ, Khâm Thiên hoang tàn. Suýt được đi trại hè Quốc tế Aztec, bên bờ Biển Đen, Liên Xô. Lý do: Lý lịch tự khai ghi nơi sinh: Hà Nội (Không đủ "gin" HSMN, Lý Thị Huấn, Đà Nẵng đi thay). Lại làm Liên đội trưởng cấp 3 Đông Triều.

Thầy Chấn (Đặng Văn Chấn, quê Thái Bình, Chủ nhiệm 10E, 1974 - 1975): Đang tổ chức "Trại hè 26/3" trên núi Yên Tử thì nghe tin lần lượt các tỉnh miền Nam giải phóng. Trái đất như nổ tung. Câu hát "Về Nam ta sẽ luôn ghi nhớ đây nhiều" của Hoàng Long - Hoàng Lân vừa sáng tác được cất lên ngay trong đêm lửa trại. Thi tốt nghiệp. Thi đại học.

 Giải thể các trường HSMN. Mỗi đứa một nơi. Đứa nào đỗ, vào ĐH, không đỗ đi dự bị. Lớp 9 trở xuống: quê đâu về đấy. Không biết các tỉnh thế nào. Quảng Nam Đà Nẵng dân nuôi thêm 1 năm thì...nhà ai về nhà nấy. Tan nát. Nhiều bạn bỏ học. Đi làm. Giá như ..."Giải phóng" đừng "giải thể"...

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

ÔNG ĐỒ LÀNG


Hai mươi mười một đến rồi.
Lòng em sung sướng bồi hồi biết bao...
                          (Báo tường hồi hổi)
Biên câu chuyện góp vui cả nhà nhé.
Ngày con gái tôi nhập trường cao đẳng, tháng sau cháu về khoe: Con được bầu làm tổ trưởng tổ văn nghệ của khóa mới đấy ba. Chà nghe oách đây, tôi động viên: Cố lên con, chứ ngày ba đi học toàn được đóng làm lính cầm cờ chạy ra chạy vào thôi. Con gái cười hì hì: Ba cứ đùa, con thấy ba có tài ăn nói lắm mà, đi đâu ba cũng như làm chủ sân khấu ý. Khà khà, con này cũng láu lỉnh nhỉ, tôi đáp.
Rồi bẵng đi vài ngày, một hôm nó về ngồi ăn cơm với vẻ tư lự, tôi hỏi có chuyện gì. Nó nói: Bọn con được phân dựng một vở kịch nội dung về gia đình, phải tự viết kịch bản, rồi dàn dựng để chuẩn bị cho hội diễn văn nghệ trường. À, ra vậy, tôi hỏi: Thế xong chưa? Nó lắc, mà giờ vẫn cãi nhau ỏm tỏi chưa thống nhất, ba xem có ý gì giúp con mấy. Tôi cười mỉm ậm ừ...
Hôm sau cháu về, vẻ mặt vẫn vậy, thấy thế tôi bảo: Thôi thế này, ba thử kể câu chuyện này, nếu thấy được thì bọn con tự lên kịch bản, lời thoại cho hợp nhé, cháu cười ăn cơm và nghe tôi kể.
Chuyện đây: Ngày nhỏ đi học trường làng, có ông đồ già ông dạy hay lắm, ông toàn kết hợp dân ca, thơ hò vè để cho bọn tôi dễ thuộc dễ nhớ. Thầy đọc: Trên đồng cạn dưới đồng sâu, chồng cầy vợ cấy con con trâu làm gì? Dễ nhẩy, cả lớp đồng thanh: Con trâu đi cày ạ ! thầy nói: Phải rồi đấy, thế là cả lớp sướng và thuộc ngay. Hay như trong Kiều thì thầy đọc: Đầu lòng hai ả tố nga, Thúy gì là chị, em là thúy chi? Cả lớp lại đồng thanh: Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân ạ ! Các trò giỏi lắm, thầy lại khen và bọn chúng tôi lại sướng, thuộc bài ngay.
Một hôm học đến bài về gia đình thầy đọc giọng du dương: Công cha như núi thái gì, nghĩa mẹ như nước trong gì chảy ra, một lòng...Chưa dứt câu, chúng tôi  đã đồng thanh ào ào: Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra ạ. Lần này không như mọi khi, thầy đưa mắt nhìn thằng Tí Đỉn, nó đang cúi mặt không trả lời theo chúng tôi. Lạ, thầy hỏi nó: Đỉn sao em không trả lời, đứng dậy trả lời cho thầy nghe.
Thằng Đỉn rón rén đứng dậy, gãi đầu nó đọc: Công cha như núi...thái bình, nghĩa mẹ như nước trong...mình chảy ra ạ...Thầy tròn mắt hỏi: Sao em đọc lạ vậy, giải thích thầy nghe coi. Thằng Đỉn thút thít: Thưa thầy cha em tối ngày sáng xỉn chiều say, chẳng lo gì cho gia đình, thái bình không có núi, công cha em cũng...cũng vậy thôi. Còn mẹ em tối ngày đầu tắt mặt tối bươn chải kiếm miếng ăn cho cả nhà, mồ hôi tứa ra đầm đìa, nước trong mình chảy ra là...là mồ hôi đấy ạ, nó nói một hơi. À, ra vậy, thầy giật mình, cả lớp giật mình, mà thầy thấy có lý, không mắng nó nữa. Cũng từ đó cả lớp thương thằng Đỉn hơn, thầy cũng thương thằng Đỉn hơn. Chúng tôi như anh em một nhà.
Con bé cười hí hí, rồi lẳng lặng mang câu chuyện vào trường, mấy đứa xúm vào biên thành kịch bản, sau hôm tổng duyệt nó thất thiểu về báo tôi, thầy phụ trách lắc đầu vì lí do vô lý, vô lý quá, sao lại thế được cơ chứ. Khà khà, tôi động viên nó, tưởng vô lý nhưng lại có lý đấy con ạ, ngẫm mà xem...

XH.

KHÔNG ĐỀ


KHÔNG ĐỀ

Bão mưa chẳng biết mần  chi
Ngồi gặm bánh mì lượm được bài thơ
Mấy câu lục bát dật dờ
Chữ trúng,chữ trật vẫn mơ Thúy Kiều
Văn chương,thơ phú không nhiều
Ngứa mồm,ngứa miệng nói liều mới oai
Mấy Quế xúm xít mà coi
Em lớp mười một viết bài quá hay:
"Mình xin thay mặt tổ hai,
Bàn về tác phẩm của ngài Nguyễn Du:
Thúy Kiều tuy chẳng đi tu
Nhưng mà hồn đã ngàn thu giấc tròn
Sắc tài sánh lại nước non
Đây người con gái chẳng còn điểm chê
Gặp Kim như trúng bùa mê,
Hai người đính ước hẹn thề Đạm Tiên
Bổng đâu oan lớn ập liền
Thúy Kiều buộc phải bán mình chuộc cha
Chẳng may mắc bẫy tú bà,
Biến Kiều bổng chốc thành quà thanh lâu
Đương cơn nhục nhã tủi sầu
Thúc Sinh xuất hiện phép màu nhuộm lên
Tưởng rằng Kiều đã gặp hên
Hoạn Thư đày đọa như tên ngục tù
Nàng đau trong nổi căm thù,
Phận đời sóng gió mây mù xa trông.
Bạc Bà giết những kiếp hồng
Lầu xanh Kiều lại vào tròng lần hai
Chẳng còn nhờ vã được ai
Kể như nàng đã tương lai mịt mù
Từ Hải khí phách trời thu,
Kiều được giúp đở trả thù bấy lâu
Ngỡ chăng chấm dứt nổi sầu
Lại Hồ Tôn Hiến hiểm sâu đánh lừa
Từ Hải chết đứng không thưa,
Thuý Kiều lại kiếp ngày xưa quay về
Nổi đau nhục nhã ê chề
Nàng nay chẳng muốn quay về nhân gian
Tiền đường kết liểu kiếp oan,
Giác duyên sư phụ cứu đàn con thơ
Rời xa thực tế bẩn dơ
Nương nhờ cửa PHẬT đợi chờ tương lai
Ngày kia Kiều đã gặp ngài,
Tái duyên Kim Trọng cả hai đều mừng

Đến đây xin phép được dừng
Cám ơn cả lớp chẳng ngừng lắng nghe."

                                                              Bài của em PHẠM QUỐC ĐẠT
                                                                                  Lớp 11 chuyên toán
                                                                                      Trường Lê Quý Đôn BR-VT

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

TIN BUỒN

BLL HSMN kính báo :Chị Nguyễn Ngọc Liễu ( vợ anh Nguyễn Tấn Lâm khóa 1970 Quế Lâm - 1973 Đông Triều ) đã từ trần lúc 20h ngày 14/11 /2013 , tẩn liệm lúc 10h ngày 15/11/2013 . hưởng dương 55 tuổi . Linh cữu quàn tại 77/40 đường 77 , phường Tân Lập , quận 9 ( đến ngã tư Thủ Đức quẹo phải , đến trường trung cấp quân y 2 quẹo trái vào đường Tân Lập 1 khoảng 200 m thì rẽ phải ) . Lễ động quan lúc 7h00 ngày 18/11/2013 .
Xin chân thành chia buồn cùng anh Lâm cùng toàn thể gia đình .
 HSMN dự kiến viếng lúc 18h ngày 17/11/2013.

TẢN MẠN THÁNG MƯỜI MỘT

  Tháng 11 có ngày 20 làm ta cứ nhớ những ngày xưa ấy ở Quế, nhớ thầy cô má (cụm từ này nó cũng chỉ là tài sản riêng các trường HSMN) và cả các chú, các bác, các bạn ta và nhớ cả ta...ngày xưa. 
      Tôi từ rừng rúc ra đến Hà Nội tháng 4/1970, nhập trại T64, gần gò Đống Đa được gắn mạc: Thiếu nhi Miền Nam để đến tháng 8/1970 mới chính thức được gắn mạc: HSMN khi gia nhập cộng đồng Quế, nhưng vẫn với bộ dạng đồ bà-ba xám (mẹ may cho trước khi theo cha lên rừng để ra Bắc), dép cao-su (các chú giao liên trên đường Trường Sơn cắt cho để thay đôi dép rọ nhựa màu trắng sợ máy bay địch phát hiện) và đặc sản bịnh sốt rét với nước da xanh dờn, tóc rụng còn mấy cọng lơ thơ (chắc là TGTB ngày nay là do di chứng thời đó chăng?!!!). Khởi động ...lớp Một ơi lớp Một. Đây cũng là hậu quả của chiến tranh: học xong lớp Vỡ lòng hè 1964 (ngày nay thì nó chính là lớp Một), năm học 64-65 tôi vào học lớp Năm (không phét đâu: Tiểu học Miền Nam lúc đó có 5 lớp, lớp nhỏ nhất là lớp Năm, lớp cuối cấp Tiểu học là lớp Nhất). Tết năm 1965 quê tôi được Giải phóng. Thầy cũ ra Đà Nẵng tránh đạn bom, thầy của Cách mạng dạy, lúc này thì tôi lại là học sinh lớp Một (học sinh vùng Giải phóng mà)...rồi thầy nhập ngũ, thầy mới thay, rồi bom rải trên quê tôi: trường cháy, thầy mất vì bom và rồi quê tôi thành vùng trắng (không có dân), tôi theo mẹ trên những nẻo đường tản cư tứ xứ, việc học hành gián đoạn và lúc này quá ác liệt nên chuyện sống chết mới là quan trọng...và vì thế vẫn không qua lớp Một để khi nhập môn HSMN ở xứ Quế tôi vẫn giữ nguyên lớp Môt. Là HSMN ở Quế, nhưng lại chỉ hơn mỗi lớp Vỡ lòng trường Võ Thị Sáu còn lại trên mình những 6 lớp từ lớp 2 tới lớp 7 nó cứ tức thế nào ấy. Thấy mấy đội Quế cấp II lúc ý có tên tuổi lớn hơn mình nhưng nhiều tên bằng hoặc nhỏ hơn mà...bắt ghét. Cái lớp Một C của tôi năm đó do Cô Phạm Thị Mỵ chủ nhiệm cái ngữ tôi chỉ là hạng trung tuổi, Lớn nhất là đại ca lớp trưởng Nguyễn Văn Lân (đã mất) và chị Nguyễn Thị Tâm (Béo) sinh năm 1954.  Giờ thì mình biết lúc đó lớp 5 có Ráo, HHP,P-P, VAV< PĐ...lớp 6 có MF, XH, LĐT, KC.. . lớp 7 có MH... . Rồi Cấp I NVB nữa đội Ráo em, UL. Đỗ...nhỏ hơn nhưng cũng gát mình 2 lớp, không ghét mới là chuyện lạ. Ấy là chuyện ngày xưa thôi, bây giờ thương không hết lấy đâu ra mà ghét bỏ, Quế ơi! (Tổng kết đời đi học: lớp Một là lớp mà tôi nhuận lâu nhất: 7 năm, khiếp chưa. Tôi mà không học giỏi nhất cái lớp Một C của tôi năm đó mới là chuyện lạ). Hè năm 1971 hầu hết lớp Một C của tôi theo thầy Phong (nghe đâu thầy đã mất, tháng 11 lại nhớ thầy, thầy ơi!) "băng lớp Hai". Lớp chúng tôi học ở khu lớp học của cấp II NVB. Cùng "băng" với chúng tôi năm đó Cấp I có 2 lớp Hai, một lớp Ba (có tên Gà Luộc -ĐCS) và lớp Sáu của thầy Đồ, Tấn Mai, Minh Tâm...Nên có thể nói tôi cùng học vượt với thầy Đồ chỉ khác thầy Đồ lớp Sáu tôi lớp Hai, oai nhé. Nhưng hè năm 74 rồi tôi cũng "băng" lớp Sáu để gỡ lại những năm nhuận lớp Một, với lý do "nhuận do chiến tranh" nhé, kết thúc đoạn đời 5 năm làm HSMN ở cộng đồng Quế tôi mần được 7 lớp hết cấp II MB để về lại MN. Lớp "băng" của tôi năm đó toàn tuổi lớn chỉ có lớp là nhỏ thôi (lớp 2 mà lớn nỗi gì), nên thầy Phong dạy ngoài đề cũng nhiều. Tôi nhớ năm đó chúng tôi đã nghe thầy kể và phân tích  chuyện tình bạn giữa Lưu Bình và Dương Lễ. Thầy cũng đọc cho chúng tôi nghe bài thơ "Quê hương" của nhà thơ Giang Nam để rồi câu thơ theo tôi cho tới nay :
 "...Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm,
Có những ngày trốn học bị đòn roi... "
Nhưng mà thầy ơi, Lũ Quế ngày nay thì nhập tâm nên thấy nơi nào cũng có chim, có bướm là chúng nó cho là Quê hương hết trọi, chúng yêu tuốt. Có nhiều Quế sang tận trời Tây yêu Quê hương vì ở bển cũng nhiều chim nhiều bướm mà còn sặc sỡ hơn là chim bướm ở quê Việt. Hậu sinh khả ố thầy ơi.
          Tôi nhớ tháng 9 năm  1971 tôi vào lớp Ba. Mùa đông năm đó tuyết rơi, lũ Quế lớn nhỏ đều như những cái nấm di động phì phò ra khói. Lớp Ba nhé, bây giờ kho chữ nghĩa cũng coi như  tàm tạm. Thầy Phong giao lại lớp cho Cô Mỵ  chủ nhiệm. Ngày đó chưa có "Ngày Nhà giáo Việt Nam" mà là "Ngày Hiến chương quốc tế  nhà giáo". Đoàn Đội phát động phong trào làm báo tường chào mừng ngày 20 tháng 11 ( Cấp I NVB lúc đó có đoàn viên là hs nhé, nhớn nhiều mà). Vẽ thì còn được chứ viết cái chi đây, lũ chúng tôi lao nhao kêu khó với cô. Cô giáo Mỵ  hướng dẫn chúng tôi làm báo tường, tôi nhớ cô nói thì cứ viết cảm tưởng của mình đối với ngày 20/11, về trường lớp, bạn bè thầy cô má, nhất là phong trào thi đua học tập vì Miền Nam thân yêu. Văn xuôi nghĩ sao viết vậy còn thơ thì cô bày ví dụ:
"Hai mươi mười một đến rồi,
Lòng em sung sướng bồi hồi biết bao..."
Cả lớp tưởng làm báo khó hóa ra dễ ợt, nhất là làm thơ. Tôi nhớ tờ báo tường năm đó của lớp 3E chúng tôi( lớp tôi "băng" lên nên chỉ còn E) có tên là "Vươn lên" cũng là do cô giáo Mỵ đặt cho. Tôi nằm trong tổ làm báo tường nên được đọc nhiều bài báo của các "nhà báo" lớp tôi năm đó. Văn xuôi thì thường mở đầu: Em xin phát biểu cảm tưởng về ngày Hiến chương quốc tế nhà giáo.  Kết thì: Em xin hứa cố gắng học tập tốt vì Miền Nam thân yêu. Thơ thì hầu hết mở đầu:
"Hai mươi mười một đến rồi,
Lòng em sung sướng bồi hồi biết bao..."
hoặc " Hiến chương nhà giáo đến rồi..." và rồi tiếp nhận những thành quả các lớp trước:   
" ...Thèm tường từ thấp đến cao,
Thầy nâng em hái vì sao trên trời...".  
Sau này nghiên kiú về cộng đồng Quế, tôi mới biết câu:
"Hai mươi mười một đến rồi,
Lòng em sung sướng bồi hồi biết bao..." 
là tài sản chung của cộng đồng Quế chứ không của riêng Quế lớp nào, ngày nay Quế có thể xếp "nó" là "Di sản văn hóa phi vật... nhau" vì nó cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết Quế, mà đã Quế rồi thì sao lại "vật nhau" mà phải là "ôm vật nhau" mới đả.
Với hai câu thơ nớ, cô giáo Mỵ đã dạy cho tôi cách gieo vần và là bài học đầu tiên của tôi về thơ lục bát, để bây giờ tôi có thể ứng khẩu nhanh như Quế:
" Tháng mười một, ngày hai mươi,
Nhớ lại chuyện cũ, tôi cười cả đêm..."

 Ví dụ bây giờ giữa đám đông ta nghe có ai đó đọc thơ:
"Hai mươi, mười một đến rồi,
Lòng em sung sướng bồi hồi biết bao..."
hoăc "...     ..............đến rồi
.......................sung sướng bồi hồi biết bao..."
Nếu là người lớn thì đích thị là Quế, còn trẻ thì Quế con, hoặc Quế cháu, ít ra thì cũng  là quế họ hàng. Tin không, chắc nụi răng hổng tin được.

         Và tôi thuộc cả bài thơ của Quế được nhiều thế hệ HSMN chép đi chép lại  mà tôi đã từng nhắc tới ở chợ Chồm Hổm, tôi thấy hay mà chẳng biết tác giả nào? (không biết có đúng không? Có ai biết không?):

"Một chiếc cầu bắc qua sông lớn,
Một công trình xây dựng nguy nga,
Một Nhà thơ, một họa sĩ...
Tất cả,
Tất cả, 
Bắt đầu từ chữ "A". "

Sáng nay nghe câu hát""...Nếu có ước muốn cho cuộc đời này, Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại..."
Nghe thì cũng hay thật, nhưng nếu mà "thời gian mà trở lại" thật thì...có mà loạn. Thôi cái qua rồi thì NHỚ thôi, thế cũng đủ lắm rồi, phải không Quế yêu?
Tháng mười một có ngày hai mươi, nhớ một tí, tản mạn một tí, Các Quế chịu khó coi hàng nhé.
Tháng  11 năm nay bão tố, lũ lụt...trong nước, ngoài nước...đau thương tang tóc. Hải Yến không ghé thăm Miền Trung cũng là một may mắn, nếu không thế thì Tết này bà con ta nhiều nhà không có Tết.  Nếu mà Hải Yến ghé ĐNa thì... thật sự là tôi không dám nghĩ tiếp. Ngay giờ này bà con các vùng Miền Trung cũng đang chống chọi với nước lũ do thiên thì ít mà do nhân thì nhiều (Thủy điện tham tích nước, tiền mà, chừ thì xả lũ, "sống chết mặc bay".). Khốn!

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Kính chúc các Thầy, Cô, Má, các bác, các chú của HSMN nói chung  lớn và của Quế nói chung nhỏ, Các Quế Giáo và tất cả chúng ta: Mạnh khỏe, vui sống hạnh phúc! Ai còn cơ hội lượm xèng thì lượm được kha khá. 
Em xin hứa cố gắng sống tốt, xứng đáng với thương hiệu "HSMN", để không phụ công nuôi dạy của Thầy Cô Má ngày xưa!!! ( Văn Quế chính hiệu nhá!)



Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Lệnh truy nã

Hai ông Quế đang liên kếtâm mưu chi đây. Lựa miết mới chộp được trình làng một lúc hai ông (ở đám cưới con Bs Phiến)

LÊN ĐÔNG TRIỀU

 LÊN ĐÔNG TRIỀU

Ừ thì lên. Sợ đách gì thằng nào. 7 năm ròng ở Quế Lâm, cách Hà Nội 2000km tôi còn đi được nữa là Đông Triều. Độ trăm km chứ mấy. Chuyện này, đơn giản như đang giỡn. Muỗi nhé. Duyệt.
Ấy. Nói vậy chứ không phải vậy. Cũng phải căng thẳng lắm, tâm tư lắm. Mới từ Quế Lâm về được độ 2 tháng gì đó, phụ huynh đã rào trước đón sau với tôi về chuyến đi này. Rào trước, đón sau là phải. Đang giữa Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình. Đang biển một bên và em một bên (nói xạo đấy, chợ Đồng Xuân một bên, rạp Bắc Đô một bên), đùng một phát lại phi thẳng lên Đông Triều. Từ lưng con voi, xuống thẳng lưng con bò, không lăn tăn mới là chuyện lạ. Choáng. Mới về, chưa chơi được bao nhiêu, đường phố chưa thuộc hết tên, bạn bè mới gặp mấy đứa, lại đang học lỏm mấy chiêu nuôi cá chọi của ông anh, giờ phải đi, mà lại đi xa Hà Nội. Nhưng, nhân bảo như thần bảo. Làm con, mình ăn cơm của người, mặc áo của người, không làm theo ý của người mà được à? Vậy là tôi đi. Tài sản đem theo là một bao bố màu xanh lá cây, cột dây mà khi về Việt Nam, trường phát cho mỗi đứa một cái để đựng đồ. Trong đó, quý nhất, giá trị nhất, nặng nhất là thùng lương khô 702. Thời đó, có cái thùng này, không Đại tướng thì cũng cỡ Thượng tướng.

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Chống siêu bão Hải Yến

Theo như dự báo ban đầu, TTH sẽ là điểm đến của nàng ở đất liền Việt Nam. Hic, các dự báo của truyền thông thật khủng khiếp, dân tình gần như hoảng loạn bởi dẫu cho kinh nghiệm với lụt bão đầy mình thì cũng không thể hình dung cơn bão "mạnh chưa từng có trong lịch sử!" hình hài ra sao. Chợ búa, siêu thị chật cứng vì TV khuyên nên để dành thực phẩm đủ ăn trong 1 tuần, chằng chống nhà cửa ..., nên dù mới chằng chống cho cơn bãn số 10 đó, nhưng mọi người vẫn chạy ra vét hết cả vải bạt, dây thừng, dây thép, đinh tôn ... làm mấy bà bán vật liệu xây dựng hàng ngày ngồi ngáp vặt, giờ phải kêu hết người nhà ra đứng đo bạt, đo dây, alo gọi cung cấp hàng liên tục! Mấy bà hàng thịt, hàng rau cá cũng bán mệt nghỉ. 
Thấy người ta quớ, MF cũng quớ, mà hổng biết làm gì, vì những nỗi lo của MF là những việc không tự làm được: mái tôn bị dỡ từ cơn bão số 10 (sau ham chơi quên kêu thợ, giờ ai cũng lo nhà mình, kêu đâu ra!), mấy cái cây cao vòi vọi trước nhà (khi không bão gió gì mà đi chặt cây sợ họ tưởng mình khùng), con Mazda phơi ngoài trời, có khúc chạy quanh vô gara quá hẹp (đoạn ni khi người ta ép cắt đất đã đề xuất rồi, nhưng các lãnh đạo lờ đi, vì bớt miếng nào họ mất nhờ miếng đó), chỉ Quế con chạy vô được mà hắn đi học xa rùi. 
Bạn bè xa, kể cả từ Anh, Pháp đều gọi điện dặn dò cẩn thận, họ theo dõi thời sự mà, coi tình hình Philipin nên họ khiếp.  Tên bạn ở Pháp nói: moa nghe nói nó vào Đà Nẵng trước? Cãi, không, vào thẳng Huế! moa hy vọng nó không vào Huế! Tớ thì hy vọng nó biến đi cho khuất mắt, đừng vào đâu hết! hức, đang lo muốn xỉu đây! Quế con viber về lo lắng, làm MF phải an ủi ngược lại hắn… Bạn bè nhắc nhở mình làm mình mới thấy quả là đáng lo.
Làm thế nào để cố thủ trong nhà mà không lo lắng phía ngoài nhà? Tạm cột các cửa sổ, phụ huynh cũng lăng xăng lấy dây thép đi cột cửa, nói sao cũng cứ làm. 2 mẹ con đi chợ về thấy cụ bắc ghế trèo mà khiếp đảm! Việc có thể làm được là đi các kiểu chợ mua thực phẩm dự trữ cho 7 ngày (nghe truyền hình khuyên mừ), Quế con khoái chí vì được mua 1 thùng mì tôm (món khoái khẩu của hắn, bão không tới hắn cũng có đồ ăn vặt). Ở quầy trả tiền siêu thị Big C chen nhau. Mua rau thịt thì chợ trời mới tươi, đang lựa rau thì TGTB gọi, hắn lệnh: Chị phải chặt ngay mấy cái cây trước nhà! Cơn bão trước mà kinh khủng zậy, không thể hình dung cơn bão này ra sao… (hắn sợ nhà MF có chiện chi hắn mất công chạy ra cứu trợ đây mừ, he he), tính liều để vậy, nhưng nghe hắn nhắc rồi cũng lo? Mà giờ này kêu đâu ra người? Chợt nhớ tới thằng đệ kiến trúc sư, thể nào hắn cũng quen người có nghề, trúng liền, hắn kè 2 thằng tới, chặt ào ào, Quế con chạy ra: “hic, cây vú sữa đang ra trái…”, thôi mà, hắn ra lại chừ …mọi việc xong thì trời tối thui. Chạy con Mazda vô sát nhà (có tang thương, cùng tang thương với nhau), lấy cái đệm mút đậy lên, không kín hết, lấy hết gối giếc, mùng mền chi có thể đệm được chèn lên trên hắn, phủ tấm bạt mới mua khi chiều lên, lấy dây cao su và thép cột chặt các chiều, như gói bánh chưng. Lại còn vụ lụt, lỡ bão rồi lụt tiếp làm sao, lại tha hết đồ từ bếp lên nhà, Quế con đòi đem cả than củi lên để làm đồ nướng (he, hắn chỉ tưởng tượng ra cái cảnh lãng mạn nấu nướng trên nhà). Nấu sẵn một nồi cơm bự, một nồi cháo hầm cho PH, trữ nước (những thứ ni phòng mất điện, mất nước).

Chuẩn bị tạm ổn, nấu một bình nước nóng tắm phòng 7 ngày không được tắm! Ăn uống xong rồi, ngồi mới nghĩ ra chiện cầu nguyện cho cơn bão nhẹ bớt đi (không hề dám mơ là nó không tới)! Thắp mấy nén hương, thì thầm năn nỉ hết thảy các vị thần linh và tổ tiên, phù hộ cho quê hương đất nước tai qua nạn khỏi! Khấn cả ông Võ Tướng của nhà từng cầm quân thời Tự Đức trấn biển ải Thuận An, đã hy sinh, chắc giờ này đang trấn giữ cùng thiên binh. Có nghĩ tới cả Bác ĐT đang xây dựng lực lượng thiên binh nơi biên ải Vũng Chùa, cơ mà nghĩ Bác mới về trển chắc đang mệt. Chợt nghe Quế con nói: hình như bão có nhẹ đi rồi mẹ ơi! Hắn cập nhật tình hình từng phút mà. Vậy sao? Khi chiều chặt cây, đụng dây, mạng mất (không phải mất mạng), bó tay, coi TV thấy nói chuyển hướng này, hướng kia, nhưng không biết rồi sẽ ra sao, một hồi rồi thôi ngủ, chuẩn bị 4h sáng dậy đối phó, 6h tỉnh dậy, không thấy gì, không dám mở TV sợ ồn PH ngủ không được, mạng thì không có, nghiến răng … nằm ngủ lại. 7h30 dậy mở TV thấy bão ra HP, QN, như vậy là có vào thì cũng đã suy yếu thành “cơn bão bình thường” rồi, bà con mình có thể chống chọi rồi, cơ mà họ đâu có được báo trước? rồi sao đây? Rồi tin cập nhật mới nhất báo rằng, Hải Yến đi Trung Quốc rồi. Tổng kết: thương vong có, nhưng không nhiều, mà chủ yếu là bị trước bão. Sự lo lắng thái quá làm người ta mất mạng vô lý, hôm đi Gio Linh nghe vụ có người trèo lợp giùm nhà bà con sau bão mà ngã chết, cứ ngậm ngùi. Nhưng những cái chết trước bão này thật đau thương! Cách thông báo của các phương tiện truyền thông cũng nên có những thủ thuật tâm lý nhất định.
Cây đã được xử lý theo "lệnh" của TGTB 
Zưng mà cây của công trình công cộng thì phải chịu, hic
Thấy MF bó con Mazda như thế này, Hải Yến nói: thôi, vào làm chi!

THẦY QUÂN ƠI

                                               Ôi sao Thầy nỡ ra đi,
                                               Sao Thầy bỏ lại Học trò Quế Lâm !
                                               Hay Thầy muốn gặp Cô Lan,...
                                               Ôi, thương tiếc,... Đành KHÓC CHIA LY THẦY !
                                               Mới năm kía Thầy trò quấn quýt
                                               Thầy đưa em thăm khắp Thầy Cô
                                               Ở Khu Viện giáo dục,... Thầy ơi
                                               Chúng em lại sắp ra Hà Nội,… !
                                               Thầy trò Quế Lâm lại tổn thất
                                               Mất NGƯỜI THẦY TÔN QUÝ, KÍNH YÊU !
                                               Chúng em - Một Đời Không Quên
                                               Thầy QUÂN Phiên Dịch Quế Lâm thuở nào !
                                                  Sài Gòn, em chẳng thể ra
                                              Thắp Nhang đưa tiễn - Mong Thầy thứ tha !
                                              Chúng em chỉ biết khấn rằng
                                             " SUỐI VÀNG THẦY NGHỈ BẰNG AN ĐỜI ĐỜI ! "




Chú Quân đứng đầu tiên bên trái .

                                                          Học trò Quế Lâm của Thầy :
                                                                                                       Phạm Tiến Hùng ( Hùng ĐB )

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Tin buồn

Ban liên lạc trường HSMN Nguyễn Văn Bé xin thông báo:
Thầy Quân, phiên dịch tại trường Nguyễn Văn Bé Quế Lâm, chồng cô Lan, đã mất đột ngột sáng ngày 8/11 năm 2013.
Lễ viếng: 3 h chiều ngày 11/11/2013 tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Sau đó đưa về Đài hóa thân Hoàn Vũ và an táng tại quê hương Thường Tín.
Xin trân trọng chia buồn cùng gia đình.

Trưởng ban liên lạc:
Trần Văn Từ

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

ĐỌC TRUYỆN CHỜ BÃO

BA CON RẬN
Có 1 cô gái rất bẩn và nhiều rận, 1 lần chuẩn bị đi chơi với bạn trai, cô ta liền tắm rửa để cho sạch sẽ, nhưng vẫn còn  sót lại 3 con . Hôm sau 3 con rận gặp nhau và nói chuyện: 
Con thứ nhất : Hôm qua lũ to quá chừng mầy hỉ. Tao tìm được 1 cái đồi trọc và bám vào đấy mới không bị cuốn trôi đi.
Con thứ 2: Ừ lũ to thật, may mà tao trú vào 1 cái bụi rậm nên không sao.
Con thứ 3: Chúng mày ăn thua gì, tao gặp chuyện khủng khiếp hơn nhiều. Tao tìm được cái hang để chui vào tránh lũ, đến khi hết lũ tao định chui ra thì bỗng dưng có một con trăn khổng lồ chui vào. Con trăn có cái đầu to đỏ hỏn. Nó cứ thụt ra , thụt vào liên hồi.Tao sợ quá không dám nói gì cả. Một lúc sau tao lấy hết can đảm hỏi nó: Anh trăn ơi, anh vào đây có việc gì vậy?. Con trăn vẫn chẳng nói chẳng rằng gì cả, thế rồi bổng dưng 1 lúc sau nó nhổ toẹt bãi nước bọt vào mặt tau...
                                                        HATROTXIVALACH
                                                                                            Ghi lại từ quán cà phê sáng thứ bảy

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

SÀI GÒN ĐÓN BÃO

Mấy hôm nay sửa nhà nên mọi thông tin liên lạc đều cắt đứt . Chiều hôm qua , 6/11 , tranh thủ trống tiết chạy ra ngoài . Vừa vào đến cổng , thầy giám thị chặn lại : về đi cô , có lệnh cho nghỉ học 2 tiết cuối rồi ! Thật không , có chuyện gì vậy thầy ? Thật , chuẩn bị phát loa đó cô , bão đang đổ vào SG mà , tới Cần Giờ rồi . Trời , ghê quá vậy . Cất xe rồi chạy vội lên lớp . Đi tới giữa sân thì loa bắt đầu phát , giọng thầy giám thị nghiêm trọng như thông báo chiến tranh sắp xảy ra : Mời thầy cô và các em học sinh nghe thông báo khẩn của sở giáo dục đào tạo , để đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi cơn bão số 13 chuẩn bị đổ vào TP - mới nghe tới đó là cả trường chúng nó reo hò ầm ĩ , thậm chí Ráo nhìn lên lầu 1 ,thằng học trò quậy nhất lớp Ráo đã lao ra khỏi lớp từ lúc nào đang nhảy tưng tưng . Loa vẫn tiếp tục đọc thông báo ,yêu cầu chỉ học hết tiết 3 ( tức là đến 15h40 )rồi cho học sinh về ngay . Còn 20 phút nữa mới hết tiết 3 nhưng chúng nó đã ào hết ra khỏi lớp với một tâm thế hết sức phấn khởi được nghỉ học để đón bão vì đã bao giờ thấy bão đâu , ngây ngô đến thế là cùng . Đường về nhà mới đáng sợ ,cả TP náo loạn , phụ huynh chạy bạt mạng đón con ở tất cả mọi cấp lớp , cứ như vòi rồng đang tới sau lưng . Công an , TNXP , dân phòng đầy đường điều tiết giao thông chuẩn bị ứng phó với bão . 17h , 18h ...20h ... êm re , chẳng gió chẳng mưa chứ đừng nói tới bão . Giữa đêm mưa bắt đầu trút xuống ầm ầm . Sáng ra gọi điện hỏi thăm có nghỉ nữa không thì được biết sở GDDT đã thông báo từ 5h30 hôm nay học bình thường . Sau đó điện thoại reng liên tục : cô ơi , chỗ con Đầm Sen nước ngập cả xe ; cô ơi , chỗ con quận 7 nước tới yên xe ; cô ơi , quận 11 ... ; cô ơi ,Tân Phú ... Ôi trời ôi , thế này mà sao không cho nghỉ hở sở GD .

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

VƯỜN XƯA

VƯỜN XƯA

Tôi về 
thăm lại vườn xưa
Mấy gian nhà trống
Gió lùa chỏng cheo
Hoa xoan
Rụng trắng đất nghèo
Đông rơi
Lành lạnh,nắng theo tím chiều


Hàng cau
Nghiêng đổ liêu xiêu
Xác xơ tàu lá, cánh diều vắt ngang
Tôi về
Quá đổi muộn màng
Vườn xưa lối cũ người sang sông rồi
Bóng xưa
còn mãi trong tôi
Thương thương nhớ nhớ đầy vơi tháng ngày.
                                                                                                   
                                                                                                            Thứ bảy,ngày 2/11/2013
                                                                                                             VŨ ANH VINH

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

MUNICH ( MONIQUE )

Ngày còn ở Móng cái, hai chị em nhà IREN - MUNICH được ở riêng một phòng, chị Iren học trên bọn tôi ba lớp, còn cái Munich thì cùng lớp với tôi. Cùng lớp với nhau mà sao cái Munich nó cao lớn vậy, da lại đen cháy nữa, tôi cũng không biết, nhưng nó chơi thân mới tôi lắm.
Người ta nói khi năm sáu tuổi, thành công nhất ở tuổi này là không còn đái dầm, xét theo tiêu chí này thì cái Munich thất bại hoàn toàn, nó vẫn nằm mơ và tự động dầm, đêm nào cũng vậy, các má bảo mẫu đến khổ mới nó. Cứ đằng đẵng như vậy cho tới năm lên chín mười.
Ở cái tuổi chín mười thì thành công nhất lại là có được nhiều bạn bè, người ta cũng nói vậy chứ tôi có biết đâu đấy. Mà nhiều thật, cả một trường HSMN luôn, ba má chúng tôi bận đi chiến đấu chống giặc ở Miền nam, còn chúng tôi tụ lại đây với nhau. Vậy là thành bạn bè hết, cái Munich thành công ở điều này.
Một lần Munich rủ tôi sang nhà nó chơi, nhà nó khai nồng (chắc vì sự thất bại của nó), tôi rón rén bước, nó bèn cầm tay tôi lôi tuồn tuột vào, hai đứa lại ríu rít như chim hót. Nhà nó nhiều đồ chơi, nó khoe, còn tôi thì thích mấy món đồ chơi đến mê mẩn. Rồi nó kéo tôi đến cái tủ nó lấy cái hình mẹ nó ra và hồn nhiên khoe: Mẹ tao này, mẹ tao xinh lắm phải không? Tôi nhìn ảnh mẹ nó và cũng hồn nhiên nói: Chả xinh gì cả, mẹ mày đen quá...Ôi trời, nó nhìn khựng vào tôi, rồi tự nhiên khóc rống lên to lắm, vang cả làng cả xóm, tôi cũng chẳng biết tại sao nó lại khóc to thế. Phải sau này khi biết hai chị em nó là người ngoại quốc và thế giới có nhiều màu da thì tôi mới ngộ. Không biết không có tội nhề Munich nhề?
Sang Quế chúng tôi vẫn chơi thân mới nhau một cách trẻ thơ, cái Munich nó biết tôi quê ở Quảng ngãi, thế là nó cũng nói với tôi quê nó ở Q.Ngãi, tôi mừng lắm, ôm ghì lấy nó đồng cảm. Chơi với cái Nghệ, biết Nghệ quê ở Bến tre nó lại bảo nó quê ở Bến tre, cái Nghệ lại khoe váng lên. Tôi biết được, chà lần này thì đến lượt tôi khóc tẫm tức, sao lại như thế được cơ chứ, cái Munich nó bỏ mình rồi, hu hu...Nó đứng ngớ người không hiểu sao tôi khóc, rồi ôm lấy tôi. Munich ơi không biết giờ này mày giải thích được điều đó chưa? Nhẽ thân ai thì phải cùng quê mới được phải hôn?
Đến lạ, cứ mỗi lần tụ hội hsmn sau những cái tay bắt mặt mừng là lại lôi chuyện ngày xưa ra bàn, mà không bao giờ thấy hết nhé, thế mới tài. Chị IRen và Munich à, trong những câu chuyện xưa đó, hai chị em chị chiếm thị phần không nhỏ. Cái N.H bảo mấy lần định nhờ chương trình "như chưa hề có cuộc chia ly" "để nối vòng tay lớn", mà chưa thực hiện được, chúng tôi vẫn đoán già đoán non về cuộc sống của hai chị em chị. Mong có ngày hội ngộ lắm ru.
Chuyện này tôi cóp nhặt được của Kim Chi để kể lại. Biên lên để lấy thảo, còn những gì về người bạn da màu yêu mến của chúng ta mà ai biết nữa thì biên lên nhé. Các bạn ạ người ta dùng chữ vòng đời là chính xác đấy vì thành công lớn ở tuổi 85 là còn nhiều bạn, và cuối cùng thành công lớn ở tuổi ở tuổi 90 lại là không đái dầm...Khà khà.
Chúc mọi người thành công lớn.
XH.

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Chip do thám trong bàn là, ấm đun nước Trung Quốc

(Dân trí) - Những con chip siêu nhỏ có khả năng thu thập dữ liệu điện thoại và internet đã bị giới chức Nga tìm thấy trong các thiết bị gia dụng từ Trung Quốc như bàn là, ấm đun nước điện, báo chí Nga đưa tin.

Một bàn là bị phát hiện gài chip do thám.
Một bàn là bị phát hiện gài chip do thám.
Tờ Rosbalt tại St Petersburg hồi tháng 10 đưa tin, giới chức thành phố này đã phát hiện từ 20-30 bàn là và ấm đun nước nhập khẩu từ Trung Quốc bị gài chip do thám.
Kênh truyền hình quốc gia của Nga Rossiya 24 còn chiếu đoạn video quay cảnh kỹ thuật viên mở một bàn là trong lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và tìm thấy một "chip do thám" cùng "một tai nghe siêu nhỏ".
Theo Rossiya 24, các thiết bị bí mật phần lớn được sử dụng để phát tán vi-rút, bằng cách kết nối với các máy tính sử dụng mạng wi-fi không có mật khẩu bảo vệ trong phạm vi 200 m. Sau khi xâm nhập vào các máy, vi-rút có thể đánh cắp dữ liệu và gửi tới trang chủ ở nước ngoài.
Các sản phẩm khác cũng bị phát hiện chứa các thiết bị theo dõi, trong đó có điện thoại di động và camera dành cho xe ôtô.
Hiện giới chức Trung Quốc chưa lên tiếng về các cáo buộc trên.
An BìnhTheo Dailymail