Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

CHUYỆN NGÀY NÀY

     Nhìn blog Quế, thấy đã có mấy bài về ngày 27/7 nhưng tôi vẫn muốn góp thêm. Chuyện này biết bao nhiêu là đủ? 
   Năm ngoái, trong chuyến xuyên Việt, tôi ghé thăm nghĩa trang Trường Sơn và ngả ba Đồng Lộc. Khi thăm mộ 10 cô gái, tôi thật sự ấn tượng, mình cảm thấy như có luồng điện chạy dọc sống lưng, sởn cả da gà. Nhìn cách các mẹ, các chị nâng niu, chăm chút pha từng thau nước bồ kết gội đầu, lo từng chiếc gương, cái lược cho các cô mình mủi lòng quá. Họ đều hy sinh ở tuổi 20, thậm chí chưa từng biết yêu, tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người…
    Các chị, các mẹ đến thăm,ngày ngày vẫn "gội đầu" cho cô con gái cưng, người chị gái vẫn âu yếm "chải mái tóc thề" cho đứa em bé bỏng, sao mà xót xa như một lời nức nở. Ôi trái tim, tấm lòng của Bà mẹ Việt Nam... Không gian tâm linh huyền hoặc, đặc quánh,ngầy ngật khói hương, sự sống, cái chết đan xen, trộn lẫn, quện chặt vào nhau thật khó mà tách biệt. 
  Tôi điếng người khi thấy cảnh một bé gái đưa tay lên đầu, gỡ chiếc kẹp tóc màu hồng, đứa em trai cầm nửa gói ô mai, chúng khẽ khàng đặt lên mộ các cô. Tất cả diễn ra thật tự nhiên, thật giản dị, giản dị đến nao lòng. Các cô vẫn sống! “Có cái chết hóa thành bất tử” theo đúng nghĩa đen là thế này chăng? 
  . … Bữa nay, ba cô “em tôi” vứa làm mâm cơm cúng ông già. Ông đi B năm 63, vượt Trường Sơn vào đến Công Tum, khi vượt sông Sê San thì bị sa vào ổ phục kích của địch (theo lời kể của các đ/c cùng đoàn)…Giấy báo tử ghi là “hy sinh ở chiến trường Miền Nam”, không ngày mất, không địa danh cụ thể. Ban đầu gia đình lấy ngày báo tử làm ngày giỗ ông, sau này quyết định đổi sang ngày 27/7.      Nhờ sự hỗ trợ của các nhà ngoại cảm và quyết tâm của các con ông, trải qua 4-5 tháng trời lặn lội gian khổ ở vùng ngã ba Biên giới…họ đã tìm được hài cốt ông, đưa về nghĩa trang LS Thành phố...        Biết bao nhiêu thân phận, biết bao nhiêu cuộc đời…đúng như lời Gớt:“mỗi con người là cả một thế gian, dưới mỗi tấm bia đá chôn vùi cả một vũ trụ”. Đối với dân tộc mình, “chuyện nhà”, “chuyện nước” dường như không còn ranh giới nữa... 
  Đến đây tôi xin bật mí: ba cô “em tôi” đểu là HSMN (trong đó hai cô là dân Quế). Cô lớn nhất dám liều mạng gọi tôi là …ông xã kể cũng lạ!

Tượng đài kỷ niệm ở ngã ba Đồng Lộc
Hố bom nơi các cô đã hy sinh
Khu mộ các cô
Lúc nào cũng có những chậu nước bồ kết mới, nó thiêng liêng như
ngọn lửa vỉnh cửu ở nghĩa trang Hồng quân Liên xô
nhưng...thấm đẫm tình người hơn. Rất VN!
Mười chiếc gương cho mười cô gái trẻ...Bên trên là cảnh các cô lấp hố bom của
một nhà báo chụp cách vài giờ(!) trước khi các cô hy sinh.
Một tấm ảnh vô giá!
Ở đây vừa xây một cái tháp rất đồ sộ ,
nhiều tầng, giống kiểu hay xây ở các đình, chùa,
để tưởng niệm các liệt sĩ mà như quá nhỏ nhoi…so
với tượng đài trong lòng người đang sống.
Biết nói gì hơn, xin dâng tặng các cô mấy nhánh hoa dại bên đường...
Nhìn mấy chú bó nhởn nhơ gặm cỏ mình lại thảng thốt:
Nơi đây, bom đạn chồng lên bom đạn, biết bao nhiêu
mất mát ,hy sinh chỉ để đổi lấy cảnh thanh bình này-
Sự trường tồn cho đất Việt mãi xanh tươi.

24 nhận xét:

  1. @TM: Cám ơn đại ca đã góp tấm lòng cùng các Quế hướng về ngày tâm linh. Chúng ta nhìn lại sự hy sinh, không phải để mà thù hận nữa, mà để nhắc cho con cháu đời sau biết giá trị của một ngày hòa bình!

    Trả lờiXóa
  2. "Tôi điếng người khi thấy cảnh một bé gái đưa tay lên đầu, gỡ chiếc kẹp tóc màu hồng, đứa em trai cầm nửa gói ô mai, chúng khẽ khàng đặt lên mộ các cô. Tất cả diễn ra thật tự nhiên, thật giản dị, giản dị đến nao lòng.".Rưng rưng !

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn TM.Em đã góp chút lòng chúng ta nơi ấy.

    Trả lờiXóa
  4. @TM"
    "Tôi điếng người khi thấy cảnh một bé gái đưa tay lên đầu, gỡ chiếc kẹp tóc màu hồng, đứa em trai cầm nửa gói ô mai, chúng khẽ khàng đặt lên mộ các cô. Tất cả diễn ra thật tự nhiên, thật giản dị, giản dị đến nao lòng."
    Thế mới hiểu, người ra đi luôn giữ tuổi thanh xuân, không trách nhân gian cứ già theo năm tháng.

    Trả lờiXóa
  5. Bài đọc thật nhiều xúc động!
    ND1 ghé chào bác TM ! Hôm trước đọc comment của bác trong entry "bài còm trả lời" ND1 vui lắm. Cảm nhận trong giọng văn là một người hiểu biết sâu rộng, dễ gần gũi và cũng thật phúc hậu ! Tìm mãi không thấy bác có blog cá nhân riêng để chạy vào cảm ơn vì mấy ngày qua các anh chị Quế tâm sự nội bộ nhiều nên ND1 thấy ngại khi vào để chào hỏi bác.

    Chúc bác TM cuối tuần vui vẻ !
    ND1

    Trả lờiXóa
  6. @ND1: Như vậy bạn đã "có tên"? Được thế là quý lắm rồi.
    Tôi không mở Blog riêng, tôi tham gia blog Trường Trỗi-Bé để chia sẻ với anh em, bạn bè...chừng ấy cũng đủ "chết vật" rồi bạn ạ.
    "Mấy ngày qua các anh chị Quế tâm sự nội bộ nhiều" bạn có biết vì sao? Bởi, hầu hết họ đều có bà con ,thân nhân là thương binh, liệt sĩ. Đó cũng chính là niềm Tự hào-Đau xót... Cuộc chiến quá khốc liệt đối với cả dân tộc. Cái giá của hòa bình chân chính luôn mắc hơn rất nhiều so với hòa bình nô lệ, dù ai cũng nói "mong muốn hòa bình"!
    Đến với chúng tôi bạn nhé! Chúc bạn vui vẻ.

    Trả lờiXóa
  7. ND1 có may mắn ở SG khi giải phóng ông DVM đầu hàng vô điều kiện để dân SG không bị gì do tranh chấp súng đạn . Chỉ là đứa trẻ chưa đủ hiểu chuyện gì về thế sự bấy giờ.

    Vào thập niên 80 bắt đầu tuổi teen thì lại đọc ngấu nghiến sách cũ, sách mới vô tội vạ. Cái gì cũng thích và vô tâm lắm. Thu nạp hỗn loạn thơ nhạc văn học giữa hai chế độ. Cùng lứa tuổi mà ở nơi khác chắc cũng không phát triển "ba rọi" phức tạp như lứa ND1 ờ SG.
    Vẫn lén lút tụ tập mở cassette nghe nhạc vàng ở nhà hàng xóm .

    Nhớ ngày đó SG có bài hát viết gửi người vượt biên mà ND quên tựa và nhạc sĩ rồi, có đoạn :

    "Tôi muốn nói với em
    Cô gái việt lạc loài phương xa
    Rằng bầu trời california
    Làm sao như nắng Sài Gòn
    Và dòng sông missisipi
    làm sao đưa em về nguồn
    Khi em đành lòng
    rời bỏ quê hương"

    thì ở hải ngoại lại có băng cassette được tuồn về chuyền nhau nghe thật là buồn. khi thời bao cấp, gia đình nào có quà mỹ gửi về thì cuộc sống mới đỡ khó khăn. Vì nước mình kinh tế bị cấm vận đủ thứ.(hồi đó cái quần jean Mỹ bán được hai chỉ vàng đó bác)

    "Tôi gửi về cho em dăm bao thuốc lá..."
    ...
    ngày đó ND nhỏ không hiểu gì, bây giờ già, đọc, suy nghĩ thấy lịch sử nước mình quá đau thương. Chả có bên nào thắng cuộc trong chiến tranh, chỉ có dân lành là người trong cuộc chịu nhiều mất mát thôi. Suy cho cùng, nếu giữa người và người luôn sống bằng tấm lòng vị tha, bao dung thì chắc là thế giới này tốt đẹp biết bao !
    -
    mượn câu hát của jonh Lennon để nói suy nghĩ của ND :

    You, you may say
    I'm a dreamer,
    but I'm not the only one

    bác nghe thử bài Imagine , lời viết chân phương nhưng rất hay !

    Chúc bác vui !
    ND1

    Trả lờiXóa
  8. @ND1: Đã là cuộc chiến (nói cho đơn giản là đánh nhau), là có bên thắng bên thua, mới xong, trừ phi hai bên vì một lí do nào đó, thả súng ôm lấy nhau. MF nghiên cứu về tụi động vật, những con đực đánh nhau thường có lí do, và chiến đến bao giờ có kẻ thắng người thua mới thôi. Hậu cuộc chiến vừa qua, đã có công cuộc gọi là hòa giải dân tộc, ben VNCH tướng Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Xuân Oánh rất tích cực trong sự nghiệp này. Tuy nhiên đây không hẳn là một cuộc nội chiến (xin lỗi, MF rất dốt chính trị, nhưng tám với nhau chút cho vui), mà cảnh nồi da xáo thịt đã bất đắc dĩ xảy ra, thì nói thắng thua để mà gì bây giờ? Cuộc tương tàn cần phải có sự kết thúc, không thể khổ đau mãi mãi, những ngày sống trong hòa bình thật đáng trân trọng. Một người anh của MF từng là sỹ quan VNCH, từng vượt biên sau 1975,bây giờ về anh nói: thế này có phải sung sướng hơn cái thời đêm đêm nghe tiếng hỏa châu rơi không?
    Năm 1969 John cũng có bài " Give Peace a Chance" chống chiến tranh VN. ND1 nói một điều hết sức đơn giản, ai cũng nói được, nhưng hết sức chí lí, "chỉ có dân lành là chịu nhiều mất mát", người mẹ nào có con ra trận cũng đau lòng, bất kể là bên nào, kể cả bên Mỹ.
    Ngày giải phóng, MF theo sát chân ba nên chứng kiến: Phụ huynh vẫn bộ quân phục giải phóng màu cỏ bạc màu, cao lớn, về làng ông đi quanh thăm hỏi, có một ngôi nhà, trong nhà đóng kín cửa, MF thấy ba chắp tay sau lưng, sừng sững đứng lặng ngoài sân rất lâu, không nói gì, sau đó bỏ đi. MF hỏi nhà ai rứa, ba không nói, sau mạ nói: đó là nhà thằng Châu, hồi trước ác ôn lắm, bắt bớ, hành hạ bà con kịch liệt, nghe chính quyền treo giải cái đầu ba mi cao, hắn quyết bắt bằng được mà không thành, đêm mô không cho người rình sau nhà miềng. Có điều mạ hắn thì người nhân hậu, nên ba mi nói chỉ tính coi cái mặt hắn ra răng thôi, chơ giải phóng rồi thì bỏ qua hết, làm chi cho bác mụ lo (ý nói mẹ ông Châu) tội. PH nói thế, vì chính ông bị Pháp bắt trước mặt mẹ và lũ học trò làng, bà nội gào khóc đau khổ vì bà chỉ có một đứa con duy nhất, mới ngày hôm qua có 2 ông cụ đến nhà MF thăm, họ nói tụi tui là trong đám học trò nớ, còn nhớ rõ khi bị bắt ôông (ý nói PH) đang dạy, mặc cái áo dài trắng như tượng Bác Hồ trong trường Quốc Học tê! :), năm ấy PH tròn 20 tuổi!

    Trả lờiXóa
  9. @ND1:
    "ND1 có may mắn ở SG khi giải phóng ông DVM đầu hàng vô điều kiện để dân SG không bị gì do tranh chấp súng đạn"! Đó là cách nghĩ của dân SG lúc đó và của cả một số người bây giờ. Sự thật là gì?
    Khi 5 cánh quân áp sát SG, nhiều người nghĩ Thành phố sẽ bị nghiền nát thành tro bụi như "công phá Beclin 1945". Điều đó đã không xảy ra vì chúng ta là VN, là người VN, chúng ta biết xót xa từng giọt máu Lạc Hồng (trong điều điều kiện có thể). DVM( là người có tinh thần dân tộc nhất định) buộc phải đầu hàng trong tình thế đó. Không có DVM này sẽ có "DVM" khác làm chuyện ấy...rồi từ từ bạn sẽ "ngấm" câu "giải phóng MN hoàn toàn, trọn vẹn". Ngày 30/4/75, TBT Lê Duẩn khẳng định: "Đây là chiến thắng của toàn thể nhân dân VN".
    Cũng như bạn, "ngày ấy" tôi đã đọc rất nhiều(khi không phải đeo kính),vậy mà đến giờ,tuổi đeo kính mình mới ngộ ra, âu đó cũng là chuyện bình thường...
    Chuyện cấm vận hẹn "đàm đạo" với bạn vào dịp khác nhé.
    08:55:00 01-08-2014

    Trả lờiXóa
  10. Hôm qua tôi có đọc comment của chị MF nhưng vì khuya quá nên tôi cũng chưa trả lời cho khúc chiết để tránh hiểu lầm từ một cảm xúc của người thích lang thang trên net như tôi. Lên net đọc blog với tôi là một thú vui như đọc sách nghe nhạc vậy. Và đọc gì mình thấy xúc động thì comment với một tâm thế hết sức trung dung của một công dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và sự đồng cảm với những mất mát của những gia đình, những bà mẹ, những người vợ có người thân đi mãi không về. May mắn thì còn tìm được hài cốt để có một chổ an nghỉ. Không may mắn như anh bạn hàng xóm của tôi bị tan xác trong trận phục kích ở chiến trường Campuchia khoảng sau năm 79(theo google giải phóng campuchia 79 mà tôi không hiểu sao anh ấy còn bên đó) tôi không còn nhớ chính xác. Có lẽ gia đình anh ấy cũng lấy 27/7 làm ngày giỗ cho anh.Bây giờ gia đình ấy dọn đi nơi khác tôi cũng không rõ ở đâu. Và những di chứng chất độc màu da cam để lại tới thế hệ sau chiến tranh. Tôi hiểu hết chứ ! Khi vào bảo tàng chiến tranh tôi nhìn những hình thù quái thai do chất độc gây ra mà thề với lòng không bao giờ tôi bước vào xem nữa vì nó quá ám ảnh. Huống hồ chi những nạn nhân trực tiếp họ ám ảnh cả đời. Cho nên cái ý tôi nói không có ai thắng cuộc đây chính là sự mất mát quá chua xót đó chị ạ. Không riêng gì chính trị mà tôi hồi nhỏ học dốt đều các môn, nói chị đừng cười. Có tật mê nhạc thơ nên đa sầu đa cảm hơn người bình thường một chút thôi.
    Chuyện hòa giải dân tộc quá lớn, tôi cũng không dám bàn. Kể chị nghe chuyện lớp tôi để chị suy ra chuyện lớn hơn của dân mình. Lớp họp mặt sau 28 năm mải mê vật lộn đời cơm áo. Chúng tôi gửi hình ảnh ngày học chung cho nhau tám rất vui trên email. Sau đó bàn một ngày để kỷ niệm 30 năm reunion. Chuyện tranh cãi giận hờn bắt đầu nổ ra trên email khi một số ít 2/10 các bạn việt kiều không muốn về VN vì ít nhiều lý do dính líu năm 75. Tôi luôn đứng ngoài tranh cãi ấy vì tôi là một số ít người có thể chơi thân được bạn bè có cha mẹ gốc gác từ hai phía trước 75 vì tôi chơi thấy bạn tốt là kết. Còn chuyện ấy thì không nên đem vào tình bạn trong thời hòa bình mọi thứ nên khép lại . Nếu mình có điều kiện kinh tế thì chung tay góp phần giúp dỡ những người khó khăn hơn. Gần nhất là bạn bè chung lớp, hàng xóm láng giềng, rồi rộng hơn là cộng đồng xã hội. Đó là việc làm rất nhỏ nhưng là con dân nước Việt, mỗi người một tay để xoa dịu bớt nỗi đau cũ mà dìu dắt nhau đến bờ hạnh phúc. Tại sao những người ngoại quốc bỏ xứ sở đến sinh sống giúp VN. Còn mình là người cùng nguồn cội cứ cắn đắng nhau mãi. Lớp tôi cũng đã có một nhóm nhỏ hơn 10 người / sĩ số gần 50 bạn học cũ,mà tôi làm trung gian gắn kết các bạn trong ngoài nước mỗi năm cũng có hai ba chuyến từ thiện ở vùng sâu vùng xa tại miền nam.

    Chuyện xưa nếu có comment thật ra chỉ là một góc nhìn của cá nhân tôi không hề mang màu sắc chính trị nào cả. Tôi chỉ là con người rất đỗi tầm thường đâu biết gì mà dám bàn chuyện ấy, nhất là đây là trang blog của bạn bè Quế (không dành cho người ngoài), tôi ghé ngang nói lung tung thì quả là vô duyên. Xin lỗi nếu tôi làm phiền các anh chị!

    Chúc anh chị Quế cuối tuần vui vẻ!

    Trả lờiXóa
  11. @ND1: Sao lại phiền, trong khi chúng ta đang tám hay như zậy. Trang này là của bạn bè Quế, nhưng không phải không dành cho người ngoài, khi mà "người ngoài" ham tám với tụi Quế! Chỉ trừ phi có người quậy, các Quế mới không ưng. Chính MF cũng bị mấy Quế nặc danh "đuổi" mấy lượt rùi, zưng mà nhờ cái tính trơ vốn có của mafia, nên vưỡn tồn tại! :)
    Chúng ta đang chơi cho vui, hổng phải làm chính trị. ND1 thoải mái đi, MF chỉ sợ những người bạn như ND là ngại ngùng biến đi thì Blog Quế sẽ buồn! Chỉ sợ khi ham vui, MF hay nói tào lao, không biết có làm ND chạnh lòng chi không.
    MF thích câu ND1 nói:"Tại sao những người ngoại quốc bỏ xứ sở đến sinh sống giúp VN. Còn mình là người cùng nguồn cội cứ cắn đắng nhau mãi", chúng tỏ một sự trăn trở hết sức có trách nhiệm của ND, mà chính MF thấy rõ điều đó trên các chặng đường nhỏ của mình.

    Trả lờiXóa
  12. @ND1 : từ nhỏ tới lớn em học những trường nào ? Biết đâu có trường mà chị em mình chung thì hay biết mấy .

    Trả lờiXóa
  13. @bác TM :
    Dạ được nghe bác nói về những điều hậu bối như ND không được biết thật hay. Hồi năm học 12 ND rất thích môn sử vì năm đó ti vi có chiếu bộ phim theo ND đó là bộ phim xuất xắc nhất về chiến tranh của Stanley Karnow "Việt Nam Thiên Sử Truyền Hình". Hình ảnh bác Giáp đàm phán bằng tiếng Tây với Tây làm ND kính trọng một người Tướng Văn võ song toàn và đã xem như một thần tượng. Hi vọng còn được nghe bác kể lai rai chuyện ngày xưa. Chúc bác mạnh khỏe !

    @ Chị MF: ND đâu có thánh thiện như chị nghĩ là một người có trách nhiệm... hihi. Chỉ là nhóm bạn thích đi đây đó, kết hợp vừa đi du lịch bụi vừa đi từ thiện cho thanh thảnh tuổi già thôi chị

    @ Chị NHQ : cấp 1-2 ND học Đoàn Thị Điểm q3, cấp3 Marie Curie, ĐH XHNVTPHCM.

    Trả lờiXóa
  14. @ND1:
    Lịch sử(LS) là cái mà tôi "điếc" nhất. LS thuộc "thì quá khứ" nhưng "bài học lịch sử" luôn tươi mới, đầy tính thời sự. LS sẽ vô giá trị nếu chúng ta không rút ra bài học từ đó ...Tiếc thay, nhân loại vẫn cứ lặp lại sai lầm của LS. Sao vậy nhỉ?
    À này, em DVM là Dương Văn Nhật, đại tá QĐNDVN ở QK7 đấy.
    8 chút cho vui thôi.Chào bạn!

    Trả lờiXóa
  15. Truyên ngắn: Con của Lính
    Tôi ra đến cổng cơ quan thì con trai Trung cũng vừa tới, với nụ cười cởi mở cháu chào tôi và mời tôi lên xe. Tôi cho cháu biết mình có cuộc họp vào hồi 14 giờ chiều nay. Như vậy, hai chú cháu chỉ có 2 giờ vừa ăn vừa nói chuyện.
    Chúng tôi tới nhà hàng có nhiều cây xanh và yên tĩnh trên đường Liễu Giai. Với tác phong của một người đã nhiều năm sống và làm việc ở Mỹ, cháu tiếp tôi rất tự nhiên và lịch sự. Sau khi cụng ly chúc sức khỏe tôi và gia đình, chúc mừng cuộc gặp mặt, cháu vào chuyện ngay: - Thưa chú, sau khi ba má cháu mất, cháu mới ngồi xem lại và sắp xếp những giấy tờ riêng của ba má cháu. Nhưng có một số điều cháu không thể nào lý giải được, nên hôm nay cháu muốn hỏi chú, vì chú là bạn thân của ba cháu.
    Im lặng giây phút, cháu nói tiếp: - Trong tập giấy tờ riêng ấy, ngoài các thư từ, giấy tờ cá nhân, ảnh cưới của ba má cháu, cháu đã thấy các bản kết quả giám định của bệnh viện xác định ba má cháu không thể sinh con vì thương tật và vì chất độc màu da cam. Ngày sinh của cháu cũng trước ba năm so với ngày ba má cháu kết hôn...
    Tôi biết chuyện gì phải đến ắt sẽ đến, nên tâm sự với cháu: - Chú có lần đã nói với ba cháu và ba cháu cũng đồng ý là khi cháu lớn, sẽ nói cho cháu biết sự thật về thân thế của cháu. Nhưng ba má cháu chưa nói, có thể vì sau khi cháu học xong đại học đã ở lại nước ngoài làm việc một thời gian dài. Khi cháu về nước thì ba má cháu đã lâm bệnh, trí nhớ không còn minh mẫn nữa.
    Thế rồi tôi đã kể cho cháu nghe về những gì mà tôi và Trung, ba nuôi cháu và chính cháu đã trải qua vào những tháng ngày chiến tranh khốc liệt ấy.
    (còn)

    Trả lờiXóa
  16. Con của lính (tiếp)
    Vào một đêm cách đây gần 40 năm, khi đơn vị tôi chiếm được cứ điểm của Trung đoàn 41 quân lực Việt Nam cộng hòa đóng trên các quả đồi của thị trấn Bồng Sơn, thì được lệnh bàn giao trận địa cho bộ binh để lui về phía sau nhận nhiệm vụ mới. Đơn vị tôi đi gần đến đầu cầu Bồng Sơn thì hai chiếc máy bay trinh sát của địch bay tới, quần đảo trên bầu trời nhiều vòng rồi bắn pháo hiệu chỉ điểm. Vài phút sau, hai chiếc F105 lao tới thả bom xuống trận địa và hai bên đầu cầu. Tôi và Trung theo phản xạ lao xuống dòng sông Lại Giang để tránh bom. Trung vơ vội hai chiếc mũ sắt của lính Sài Gòn vứt ngổn ngang trên đường chụp ra ngoài chiếc mũ tai bèo của hai chúng tôi.
    Sông Lại Giang được hình thành từ sự hợp nhất của hai dòng sông là An Lão và Kim Sơn. Ngã ba sông là vùng giáp ranh giữa hai huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn, điểm gặp nhau này cách cầu Bồng Sơn khoảng 2 km về hướng tây. Vào mùa mưa, dòng sông chảy xiết với dòng nước đỏ ngầu lúc nào cũng mấp mé đôi bờ. Tôi sợ nhất là mỗi khi có nhiệm vụ phải vượt qua sông, đồng đội tôi không ít người đã thiệt mạng trên chính dòng sông này. Thế mà hôm ấy dòng sông thu hẹp lại, để lộ ra những phiến đá nhẵn thín đủ kích cỡ, từ nhỏ như quả trứng, nắm tay đến to như con heo, con trâu, con voi nằm. Súng, mũ, áo quần, ba lô, giầy của lính Sài Gòn vứt ngổn ngang trên đường quốc lộ, trên cầu và cả hai bên dòng nước. Lác đác có những xác chết bốc mùi hôi tanh đến rợn người. Mỗi khi có trái bom ném xuống, một loạt pháo từ Tam Quan bắn lên, mặt đất lại rung lên và chao đảo. Đất, đá, nước, mảnh bom, mảnh pháo, mảnh quần áo, tư trang và cả mảnh vụn của thi thể con người bị tung lên và rớt xuống mặt đất thành một thứ hỗn độn.
    Trong không gian ấy tôi chợt nghe thấy tiếng rên yếu ớt của phụ nữ: “- Anh ơi!Em chết mất! Anh cố cứu lấy con của chúng ta!”
    Tôi nhìn vào chiếc hang kiểu hàm ếch dưới bờ sông do nước bào mòn tạo thành, một người lính Sài Gòn mình trần với một chân quấn đầy băng, nửa ngồi, nửa nằm bên cạnh người phụ nữ bị thương vào ngực đang nằm dưới đất, trên người đắp cái áo lính quân lực Việt Nam cộng hòa. Nhìn thấy chúng tôi, người lính chắp tay vái lia lịa và van xin đừng giết họ. Khi tôi rời tay khỏi cò súng và quay người định bước đi thì người lính khẩn khoản cầu xin: “- Xin các ông cứu lấy con tôi!” Tôi đưa mắt nhìn quanh tìm đứa trẻ. Người lính hiểu ý, hắn đưa tay chỉ vào bụng người phụ nữ: “- Con tôi đây, vợ tôi chỉ còn sống được ít phút nữa thôi. Cô ấy bị thương vào ngực, mất nhiều máu quá...”.
    (còn tiếp)

    Trả lờiXóa
  17. Con của lính (tiếp)
    Tôi lắc đầu, giơ hai bàn tay ra trước mặt ý nói là không thể giúp gì được cho họ. Người phụ nữ cố ngẩng đầu lên nói với chúng tôi với giọng ngắt quãng yếu ớt: “- Các ông...mổ…cứu cháu!”. Người lính nhìn tôi với ánh mắt khác thường, không hẳn van xin, không hẳn ra lệnh, nửa tuyệt vọng, nửa hy vọng. Ôi, đến tận hôm nay tôi vẫn chưa thể nào quên được khuôn mặt và ánh mắt của người lính đó! Không thể nào tả được, chỉ biết rằng ánh mắt của người lính đó như làm cho người tôi nóng bừng lên, làm lay động những gì sâu thẳm nhất trong tôi. Người lính nói với chúng tôi: “- Tôi biết các ông làm được, nhất định làm được mà! Chúa phù hộ cho các ông! Dù sao vợ tôi cũng chết, nhưng nếu nhanh tay, may ra còn cứu được con tôi. Nó là một sinh linh vô tội, tôi xin các ông!”
    Tôi trải chiếc võng nilon và cùng Trung bế người phụ nữ đặt lên. Tôi rút con dao găm trên thắt lưng của người lính, định bật lửa để khử trùng dao thì Trung ngăn lại và chỉ tay lên trời, ra hiệu là trên trời đang có máy bay trinh sát.
    Người lính kéo chiếc áo đang đắp trên người vợ mình và xé toạc chiếc váy hoa của cô ta làm lộ ra một thân thể người phụ nữ với làn da trắng xanh, bụng căng tròn. Máu đã đông lại quanh vết thương trên ngực. Tôi bối rối, bỗng chốc thấy mắt mình tối sầm và tay tôi run run. Tôi, một chàng trai lứa tuổi 20 khoác áo lính, chưa một lần trong đời nhìn thấy thân thể người phụ nữ nào. Tôi quay sang định từ chối thì bắt gặp ánh mắt của người lính đau đáu nhìn tôi. Ánh mắt ấy đã cho tôi thêm sức mạnh, can đảm để thực hiện công việc cứu người. Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu sao mình làm được điều đó, hay Chúa đã mượn tay mình để cứu vớt một sinh linh vô tội, mặc dù tôi không tin có Chúa.
    Không hề có thuốc tê hay thuốc mê trong ca mổ định mệnh ấy! Còn tôi, lúc ấy tôi cũng chỉ là một người lính trẻ, với những kiến thức y khoa sơ đẳng. Người phụ nữ chỉ hơi oằn người rồi thở hắt ra, khi tôi rạch một đường vừa đủ sâu trên bụng. Trung và người lính dùng tay kéo cho vết mổ rộng ra. Dưới ánh đèn pin tôi nhìn thấy một khối tròn như chiếc bong bóng đựng rượu quê tôi, thỉnh thoảng lại nhô lên những cục to bằng quả trứng. Tôi đoán đứa trẻ đang đạp đòi ra. Tôi lấy hai ngón tay kéo lớp da của khối tròn lại với nhau và dùng dao cắt, sau đó ngửa lưỡi dao để dùng mũi tách lớp dạ con cho vừa đủ để đưa đứa trẻ ra ngoài. Con trai! Một thằng con trai! Thấy toàn thân đứa trẻ tím ngắt, tôi hiểu đứa trẻ đã bị ngạt do người mẹ bị mất máu quá nhiều. Tôi đặt nó vào chiếc áo của người lính và cúi rạp người dùng miệng hút nước và chất nhờn trong miệng nó.
    (còn tiếp)

    Trả lờiXóa
  18. Con của lính (tiếp)
    Tôi không nhớ mình làm thế bao nhiêu lần, cho đến khi đứa bé khóc ré lên và tôi cảm thấy như gần kiệt sức. Gương mặt Trung cũng như của người lính Sài Gòn như giãn ra. Còn tôi, bỗng chốc cũng cảm thấy người nhẹ bẫng, như vừa trút khỏi người một gánh nặng, bao nhiêu mệt nhọc và căng thẳng bỗng tan biến.
    Trung cắt rốn cho thằng bé, ủ nó trong chiếc áo của người lính và trao lại cho người lính. Người lính run run đỡ lấy thằng bé rồi áp mặt mình vào nó, miệng lẩm bẩm: “- Ôi, con tôi!” Rồi anh ta đưa mắt nhìn xuống người vợ đã tắt thở từ lúc nào, từng giọt nước mắt đục ngầu từ từ chảy trên gò má hốc hác đầy bụi đất và khói súng. Bỗng người lính như sực tỉnh, anh ta đặt đứa bé vào tay chúng tôi: “- Nó là con của các ông, xin các ông hãy ra ơn nuôi dưỡng nó! Chỉ mong sao nó được sống trong hòa bình…”
    Rồi với vẻ mệt nhọc và cả khuôn mặt nhăn nhúm lại vì đau, anh ta ôm lấy xác vợ, miệng khẩn khoản giục chúng tôi: “- Các ông đi đi, đừng lo gì cho chúng tôi cả!”
    Trung dùng chiếc khăn dù quấn lấy thằng bé và ôm gọn vào ngực mình. Hai chúng tôi lội sang bờ sông bên kia rồi tìm đến một gia đình quen trong ấp, gửi đứa trẻ cho một bà má và hẹn sau chiến tranh sẽ trở về đón cháu. Khi chúng tôi ra đến cửa, má chợt nhớ ra, hỏi tên thằng nhỏ. Bỗng chốc trong đầu tôi như có tia chớp vụt đến, tôi quay lại nói với má: “- Nó tên là Giang Sơn, Nguyễn Giang Sơn má à!”

    - Sao lại đặt tên cháu là Nguyễn Giang Sơn hả chú?- Cháu hỏi tôi.

    - À, ta và bố nuôi con đều họ Nguyễn. Giang là vì con sinh ra trên dòng sông Lại Giang. Còn Sơn là thị trấn Bồng Sơn. Tôi giải thích.
    (còn tiếp)

    Trả lờiXóa
  19. Con của lính (tiếp và hết)
    Một năm sau tôi bị thương và ra Bắc. Rồi tôi được cử ra nước ngoài học tập. Khi về nước, tôi đã trở lại Hoài Nhơn thăm gia đình má và được má cho biết vợ chồng Trung đã về đón thằng bé đi từ nhiều năm trước. Vợ chồng Trung đã nhận thằng bé làm con của mình. Trong buổi hàn huyên, má nói với tôi: “ – Hồi ấy tụi bay đến và đi nhanh như gió. Khi tụi bay đi rồi má mới nghĩ, không biết tụi nó lượm thằng nhỏ ở đâu? Con cộng sản hay con quốc gia?”
    Nhiều năm sau, tôi mới tìm được địa chỉ của Trung và biết được tình cảnh của vợ chồng anh. Đã nhiều lần tôi đến thăm nhà Trung nhưng chưa một lần gặp con trai anh.
    - Chú xin lỗi là lúc ấy không thể mai táng cho mẹ cháu và cũng không kịp hỏi gì về cha đẻ của cháu, chiến tranh mà cháu! – Chú đừng nói thế, nếu không có chú, không có ba Trung cháu… Giọng cháu nghẹn ngào. Tôi chợt nhận thấy khuôn mặt và ánh mắt của nó nhìn tôi giống hệt khuôn mặt và ánh mắt của người lính năm nào.
    Khi chia tay, chúng tôi ôm chặt lấy nhau và cả hai cùng im lặng một lúc lâu. Rồi bỗng nhiên nó ngẩng đầu lên nhìn tôi, miệng mỉm cười mà khóe mắt rớm lệ, nó run run thốt lên:
    - Bố nhớ giữ gìn sức khỏe!
    - Bố cám ơn con, con trai của bố! Tôi thì thầm và bất giác thấy mắt mình cay cay.
    Tác giả: Nguyễn Văn Thông
    http://www.studentkgu.vn/public/news/detail/id_2235/sec_2/cat_14/page_8/

    Trả lờiXóa
  20. -ND1: Còm trên tên ND nhưng tôi đoán là của ND1. "Có danh" rồi thì cứ dùng chứ nhỉ?
    Cảm ơn bạn. Bài viết này rất hay,rất cảm động và rất...thật. Cuối cùng chúng ta đều gặp nhau ở "chủ nghĩa nhân văn", nó đúng trong mọi trường hợp. Đó cũng chính là lý tưởng mà nhân loại phải hướng tới.
    Bạn có thể gửi đ/c mail cho NHQ để đăng bài trên blog Quế, khỏi phải "chia nhỏ" câu chuyện thành 3 cái "còm". Chào bạn!

    Trả lờiXóa
  21. @ ND1 : tiếc là chị em mình không chung trường nào hết nhưng chị đã từng coi thi ở hội đồng thi ĐTĐ và bạn chị dạy ở Marie Curie kha khá ( hoá , toán , lý , địa ) . Có một cô Quế đang là trưởng khoa Quan hệ quốc tế của ĐHKHXHNV TPHCM nữa .

    Trả lờiXóa
  22. @ND: Người xưa nói: "nhân chi sơ tính bổn thiện", khi gặp hoàn cảnh éo le, đôi khi tướng cướp cũng trở nên mềm lòng. Nói chi những người đã được học cách làm người.

    Trả lờiXóa
  23. Chào bác TM!

    Dạ truyện ngắn ấy không phải ND1 post ạ. Truyện đọc rất cảm động, ND1 bận nhiều việc quá giờ mới đọc comment của bác TM và chị NHQ.

    Chào chị NHQ !,
    ND1 tốt nghiệp đã lâu nên bây giờ tới 20/11 thăm vài thầy cô toàn về hưu hết rồi chị.

    Thân mến !
    ND1

    Trả lờiXóa
  24. @ND1 : thế không phải ND1 thuộc thế hệ 6x à .

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]