http://www.phunuonline.com.vn/the-gioi/nghi-tu-than-thoai-8493/
Biển xuất hiện rất sớm trong văn chương Trung Quốc. Thần thoại kể rằng: con gái nhỏ của Viêm đế đi chơi ở biển Đông (đông Trung Quốc) bị chết đuối, linh hồn hóa làm chim Tinh Vệ, ngày ngày ngậm cành cây, viên sỏi lấp biển.
“Tinh Vệ lấp biển” cùng với “Nữ Oa vá trời”, “Ngu Công dời núi” làm thành bộ ba thần thoại thể hiện ý chí kiên cường (vá trời, dời núi, lấp biển) của dân tộc Trung Hoa. Xưa nay, người Trung Quốc luôn tự hào ngợi ca hình tượng “Tinh Vệ điền hải” này.
Đến đầu thế kỷ XXI lại có bộ phim truyền hình Chuyện nàng Tinh Vệ ngợi ca ý chí lấp biển của con gái Viêm đế. Có thể họ muốn dựa vào ý chí Tinh Vệ để tiếp sức cho hành động đem đất đá ra lấp biển để làm đảo nhân tạo chăng?
Thần thoại là dạng nguyên hợp của tâm thức nhân loại buổi sơ khai. Thần thoại của mỗi tộc người thường, một cách tự phát, vẽ nên những đường nét cơ bản của tâm tính, cốt cách dân tộc mình.
Qua thần thoại “Tinh Vệ lấp biển” có thể thấy mấy “đường nét” chính:
- Con gái nhỏ của Viêm đế chết đuối ở biển đông. Chữ “nịch” (chết đuối) là một chữ hội ý gồm bộ “thủy” (nước) và chữ “nhược” (yếu), yếu trong nước...
- Nhưng lòng căm hận và ý chí của con gái Viêm đế không chết, quyết “lấp bằng biển xanh”.
Công bằng mà nói, ý chí ấy thật đáng nể.
Dân tộc Trung Hoa (gồm 56 dân tộc, trong đó dân tộc Hán chiếm 92%, tức hơn một tỷ người) vẫn tự xưng là “Viêm Hoàng tử tôn” (con cháu của Viêm đế và Hoàng đế). Qua sự sáng tạo, truyền tụng và tự hào về hình tượng “Tinh Vệ” có thể thấy “Con cháu Viêm Hoàng” úy kỵ và khước từ biển cả.
Sau thần thoại “Tinh Vệ lấp biển”, người Trung Quốc đã ứng xử thế nào với biển?
Người Trung Quốc vốn yên tâm và tự hào với “Tứ hải chi nội”.Mục “Tứ hải” trong sách Từ hải (Thượng Hải từ thư xuất bản xã 1993) nói rõ: “Vì đời xưa cho rằng bốn phía Trung Quốc là biển nên gọi Trung Quốc là “Tứ hải chi nội”, những nước ở ngoài Trung Quốc thì gọi là “hải ngoại”. (vậy nên thuế xuất nhập khẩu thường thu trên đất liền vẫn được gọi là “thuế hải quan”).
“Tứ hải chi nội” (thường nói tắt là “tứ hải” hoặc “hải nội”) là một cách nói phiếm chỉ, đồng nghĩa với từ “thiên hạ”. Cũng Từ hải nói rõ: “Thiên hạ: thời cổ dùng để chỉ đất đai trong phạm vi Trung Quốc; toàn Trung Quốc. “Thư - Đại vũ mô” (nói rằng): “Ta có bốn biển, làm vua thiên hạ” (Yêm hữu tứ hải, vi thiên hạ quân)” - (Từ hải - tr. 1378).
Vậy: “Tứ hải chi nội” (hoặc “tứ hải”, “hải nội”) = thiên hạ = Trung Quốc.
Người Trung Quốc gặp cái gì rộng lớn mênh mông hoặc sâu thẳm khó dò, hoặc nhiều không kể xiết .... thì gọi là “hải” (biển) để hình dung - chẳng hạn như “tuyết hải” (biển tuyết); “vân hải” (biển mây); “nhân hải” (biển người)... thậm chí rừng mà cũng nói “lâm hải” (biển rừng) và bộ từ điển vào loại có uy tín nhất của Trung Quốc được gọi là Từ hải (biển từ)...
Nhà thơ Trung Quốc đầu tiên thực sự nói đến biển là Tào Tháo (155 - 220), nhưng ông cũng chỉ “quan thương hải” (nhìn biển xanh) mà thôi. Thơ Trung Quốc ít nói về biển và biển thường chỉ xuất hiện trong “mộng”, “tưởng” hoặc trong tầm “nghe”, “nhìn”. Mãi đến cuối đời Tống (960 - 1279), khi nhà Nguyên của người Mông Cổ diệt nhà Tống, Tả thừa tướng Lục Tú Phu (1236 - 1279) cõng ông vua ấu thơ Đế Bính (vua cuối cùng của nhà Nam Tống) nhảy xuống biển tự tận. Nhà Tống mất, Trung Quốc bị người Mông Cổ thống trị trăm năm.
Thế giới, cuộc đời luôn vận động - biến dịch vô thường. Thời cổ, con gái Viêm đế từng “yếu trong nước”, nhưng “con cháu Viêm Hoàng” không mãi mãi “yếu trong nước” như vị “tổ cô” của mình. Sử sách còn ghi “trong khoảng 28 năm từ 1405 đến 1433, Trịnh Hòa (1371 - 1433) đã phụng mệnh triều đình nhà Minh, suất lĩnh đội quân hàng hải đông đúc, bảy lần “xuất sứ” đến hơn 30 nước và địa khu ở Á - Phi. Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử hàng hải và ngoại giao Trung Quốc....”.
Nếu sử sách Trung Quốc ghi chính xác thì người Trung Quốc đi tàu viễn dương sớm nhất thế giới. Sở dĩ nói “nếu... chính xác” là vì: tuy các học giả, cả phương Đông và phương Tây, phần lớn đều thừa nhận Trung Quốc là “xứ sở của sử gia”, sách lịch sử của Trung Quốc nhiều vô địch, nhưng độ tin cậy không cao, cùng một sự kiện mà các sách ghi khác nhau khá nhiều (có thể hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc).
Có lẽ việc Trịnh Hòa “hạ Tây dương” là có thật, và từ đời Minh (1368 - 1644) người Trung Quốc đã mở ra “con đường tơ lụa” trên biển, tàu buôn Trung Quốc đã từng đến Đại Việt nên người Việt ta mới gọi họ là “người Tàu”. Nhưng đến đời Thanh (1644 - 1911) họ lại coi thường (nếu không nói là “sợ”) việc đi biển. Đặc biệt đến cuối đời Thanh thì sự “dị ứng” với biển càng nặng, đến mức Từ Hi thái hậu (1835 - 1908), kẻ nắm đại quyền của triều đình Mãn Thanh đã “di dụng” kinh phí hải quân vào việc “trùng kiến Di Hòa viên” vì bà ta và đám đại thần nhà Thanh bấy giờ cho rằng “... Nước Trung Quốc ta toàn là đất liền thì dùng hải quân làm quái gì...”
Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc ghi nhận: “Năm Quang tự thứ 21 (1892) bỏ hẳn “hải quân nha môn”. Di Hòa viên xây dựng gần 10 năm, chi phí khoảng sáu triệu lạng bạc”!
Khi liên quân tám nước (Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Nga, Mỹ, Nhật) đổ bộ vào cảng Thiên Tân rồi chiếm Bắc Kinh, Từ Hi thái hậu cùng Quang Tự hoàng đế và đám đại thần dắt díu nhau chạy trốn vào Tây An. Liên quân tám nước phá Di Hòa viên, “qua phân” (mổ dưa) Trung Quốc.
Chính vì triều đình Mãn Thanh coi thường (thực chất là sợ) đi biển như thế nên Lương Khải Siêu (1873 - 1929) mới yên tâm thực hiện cuộc “viễn du” lánh nạn sau thất bại của cuộc “Duy tân 100 ngày” (bách nhật duy tân).
Nhờ có tàu “viễn dương” từ Nhật sang Mỹ mà vị lãnh tụ của phong trào cải lương không bị “nịch tử”, cũng không có ý “lấp biển” như Tinh Vệ. Biển giúp ông lánh nạn khi lục địa Trung Hoa dậy sóng. Ông yên tâm “tác viễn du” vì biết chắc triều đình nhà Thanh nhát gan bất lực không thể vượt biển sang Mỹ truy nã mình.
Thế giới biến dịch vô thường...
THƯỜNG NHIÊN