Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Hồi ức HSMN tại Quế Lâm (tt2)

Tết lạnh 1

Tác giả: CD. http://hocsinhmiennam.com/tet-lanh-1/
Đất lạ ngỡ ngàng pháo nổ
      Sáng 11. 11. 1964 lên máy bay ở Phnom Penh, 11h30 xuống sân bay Gia Lâm, chính thức bước vào kiếp sống tha hương. Năm ấy 9 tuổi. (Về sau mới biết từ 5. 8. 1964 Mỹ đã bắt đầu tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, nhưng qua 1965 mới thực sự nếm thêm mùi vị kiếp người thời chiến trong mấy năm tránh né sự truy sát của không quân Mỹ trên những nẻo đường sơ tán từ Hải Phòng qua Thái Bình, lên Quảng Ninh ra Móng Cái, ra Trà Cổ – Bình Ngọc rồi qua Trung Quốc tới Quế Lâm, Quảng Tây).
Trời cũng chỉ lạnh như hôm nay, nhưng giữa sân bay nên gió rất mạnh, bầu trời xám đục, tàn cây ven sân bay trắng xóa hơi mù. Đi cùng với dì Nga và một đứa con tên Thắng, đâu 11 tuổi, làm hộ chiếu giả là ba mẹ con đi du lịch, nhưng tới Gia Lâm có xe tới đón họ đi ngay. Ngơ ngác nhìn quanh, trong lòng bơ vơ.
      Vào trại tiếp đón con em cán bộ chiến trường B, hình như là K15, lâu quá quên tên rồi, cũng không biết ở chỗ nào, chỉ nhớ mang máng là ở rìa Hà Nội, hình như gần Hà Đông.
     Chính thức lấy tên là CVD từ lúc ấy. Không ngờ hơn mười năm sau, sau khi đã về Nam, tháng 8. 1975 lại tự đổi tên lần thứ hai.
     Được phát chăn bông áo bông và đồ dùng cá nhân, phải tập ăn đũa hai đầu, tự giặt quần áo, tập thể dục buổi sáng, làm quen với cuộc sống nội trú tập thể. Phải nhất loạt gọi các bạn nhỏ khác là anh chị, xưng tôi. Còn nhớ một em gái nhỏ tên Huấn, 6 tuổi, người Quảng Ngãi, lội bộ ròng rã hơn sáu tháng dọc Trường Sơn ra, mắc bệnh sốt rét, lúc lên cơn thân hình nhỏ bé cứ run lên cầm cập dưới chiếc chăn bông, trông thương lắm. Cách đây hai hôm đi dự đám cưới đứa con một người bạn vốn là học sinh miền Nam trường 1 (Đông Triều), gặp một đám bạn học cũ đang làm việc ở miền Trung, hỏi thăm thấy nói Huấn hiện là giáo viên cấp 3 ở Đà Nẵng, tự nhiên nghe ngậm ngùi.

Quyển sách đầu tiên đọc ở miền Bắc là Hầm bí mật bên bờ sông Enbơ, chuyện tình báo Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Vở kịch đầu tiên xem ở miền Bắc là Người lính gác dưới ánh đèn néon, nội dung kể chuyện Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc vào tiếp quản Thượng Hải năm 1949, cũng là vở kịch đầu tiên được xem trong đời.

Bộ phim đầu tiên xem ở miền Bắc là Mèo con, phim hoạt họa. Bây giờ vẫn còn nhớ hình ảnh con chuột lớn ngồi giữa vỗ bụng hát, lũ chuột nhỏ nhún nhảy theo nhịp đi chung quanh “Chít chít chít chúng ta là họ chuột. Mõm ta dài răng ta nhọn chít chít chít”. Đó là bộ phim thứ ba được xem trong đời, nhưng là bộ phim hoạt họa đầu tiên nên thích lắm, đến nay vẫn không quên.

Ở K15 khoảng một tháng thì có xe đưa về trường Học sinh miền Nam số 13 (cấp 2) ở Hải Phòng. Vì lúc ở Sài Gòn đã học lớp Nhất, đại khái đã biết phân số và làm văn tả cảnh, nên các cô chú đưa về đó định cho học lớp 5. Có hai thầy vào văn phòng kiểm tra trình độ xong gật đầu, hỏi biết ngoại ngữ gì, thưa chỉ mới học mót được mươi bài Pháp văn, hai thầy băn khoăn sợ không theo kịp tiếng Trung hay tiếng Nga, vì đã nửa học kỳ 1 rồi. Hỏi thưa, con không biết học kỳ 1 là gì, các thầy giải thích, lại dặn xưng em chứ đừng xưng con. Bèn mạnh dạn nói cái học kỳ 1 đó trong Nam em kêu là Đệ nhất lục cá nguyệt, hai thầy phì cười nói thằng bé này lạ quá. Lại thưa em nghỉ học từ tháng 8, các thầy cho em học lớp 4 là được, để qua năm em lên lớp 5 học tiếng Nga tiếng Trung gì cũng dễ hơn. Hai thầy cùng gật đầu, ra ngoài bàn với chú lái xe bảo đưa luôn về trường Học sinh miền Nam số 11 (cấp 1) ở Kiến An. Đang ngồi chờ thì có một bà dì nói giọng miền Trung vào hỏi tên gì mấy tuổi, ra Bắc lúc nào, chân bị tật là vì sao, dáng vẻ rất ân cần, kế nói cô có đứa con gái học lớp 4A ở trường 11, cháu cầm giùm cho nó cái thư cô gửi được không, biết là phải thưa cô xưng cháu, liền nói thưa, cô cứ đề tên với lớp rõ ràng thì cháu đưa được. Bà trở ra một lúc rồi quay vào, đưa một gói kẹo cứng và một phong thư, thấy đề người nhận là Trương Cúc Hoa.

Nhưng nhớ lại hôm vừa tới K15 bị ông bảo vệ người miền Trung lừa, nói cái nón của mày (loại có vành mà hồi đó trong Nam gọi là nón cao bồi) ngoài này không được đội đâu, liền thật thà nói vậy thì con bỏ không đội cũng được, ông ta hỏi mày bỏ thật à, thưa dạ thật mà. Ông ta bèn nói thế thì cho tao, rồi cầm luôn cái nón để lên nóc tủ cao quá đầu người, cười cười trông rất khoái trá. Đến khi cán bộ K15 ra làm thủ tục nhận người, kiểm tra xem có mấy bộ áo quần, có vàng bạc đồng hồ gì không, nhìn qua thấy ông ta hơi tái mặt, biết ngay là ông ta sợ mình nói tới cái nón, nhưng cũng sợ bị trả thù, lấy lại được cái nón thì không biết mấy ngày nữa sẽ ra sao, nên im lặng gừ gừ nhìn qua, nghĩ thầm ông này người lớn mà khốn nạn quá. Bèn quyết ý sẽ hỏi đúng người đưa tận tay gói kẹo, chứ người lớn xứ này không tin được.

Đầu buổi chiều xe tới Kiến An vào trường, được phân vào lớp 4A. Hiệu bộ cho người đi gọi “Tổ tam tam” lớp 4A lên nhận học sinh mới.

Tổ tam tam đại khái là quy chế chung cho cấp 1 và lớp 5 cấp 2 trường Học sinh miền Nam lúc ấy, chịu trách nhiệm toàn diện về một lớp. Tổ có ba người, thầy chủ nhiệm coi việc học hành, chị phụ trách Đội coi việc phấn đấu tu dưỡng vào đội Thiếu niên Tiền phong, dạy hát dạy múa, má bảo mẫu thì đều là người miền Nam tập kết, học sinh cả trường đều gọi các bà là má xưng con, trách nhiệm là lo việc sinh hoạt cho học sinh trong lớp, tắm rửa giặt giũ cho những đứa quá nhỏ, đứa nào bị ho hen cảm sốt ghẻ lở thì đưa lên Phòng Y tế vân vân. Tổ tam tam lớp 4A gồm thầy chủ nhiệm tên Tộ, dạy Toán, chị phụ trách Đội tên Mỵ, rất xinh, má bảo mẫu tên Ngọ (*). Má Ngọ cầm va ly áo quần cho rồi dắt lên phòng, trên đường hỏi con có đái dầm không, xấu hổ nói hồi ở Sài Gòn cũng có nhưng từ lúc vào cứ lên biên giới qua Miên thì hết rồi. Bà gật đầu im lặng. Lên tới phòng thấy nằm gường hai tầng, chia thành hai phía nam nữ, bà bảo một bạn dọn lên nằm tầng trên, y càu nhàu, bà nghiêm nghị nói bạn này bị tật chân, con phải nhường bạn nằm dưới chứ. Hơn tháng bệnh cũ phát tác, lại phát hiện ra phần lớn bọn nằm tầng dưới đều là các hán tử cô nương đái dầm, mới biết các bà bảo mẫu rất có kinh nghiệm, đứa tầng trên mà đái dầm thì họ phải giặt giúp chăn màn cho cả đứa tầng dưới nên bố trí trên dưới thật hợp lý, tối ưu tới mức nếu có hai đứa cùng đái dầm thì cho nằm cùng một giường vì trước sau gì cũng phải giặt chăn màn cho giường ấy. Về sau nữa đọc sách mới biết trong ba tháng rời khỏi Sài Gòn lên Phnom Penh vì còn quá nhỏ mà xa nhà nên thần kinh bị ức chế sao đó chứ chưa phải hết bệnh, rất khâm phục má Ngọ Sáng suốt biết người.

Từ 1975 đến nay thỉnh thoảng vẫn nhớ tới ba người, không biết họ sống chết ra sao, cuộc đời thế nào, chỉ biết loáng thoáng về chị Mỵ, nhưng cứ nghĩ tới thì trong lòng thê lương…

Sắp xếp vật dùng cá nhân xong, hỏi má Ngọ thưa má bạn nào là Trương Cúc Hoa, má bạn ấy ở trường 13 có gửi thư, bà cầm phong thư nhìn qua rồi đặt xuống, bước qua chỗ đám nữ sinh gọi một bạn gái qua lấy thư. Lúc ấy mới đưa ra gói kẹo, má Ngọ cười cười nói tính con hay lắm rồi đi ra, về sau nghĩ lại thấy xấu hổ vì mình là trẻ con mà nghi ngờ cả người lớn, chứ thật ra bà không cầm lá thư qua đưa là đã rất thận trọng, lại có ý để mình làm quen với bạn cùng lớp. Ở nội trú nên đám học sinh trong Nam mới ra đều phải đưa hết tư trang cho bảo mẫu giữ, lúc ấy không có gì quý, chỉ có một cái bóp đựng hình gia đình và một cây bút Pilot nữ, theo lệ lên cấp 2 mới được dùng bút máy, phải gửi cả cho bà. Sau đó nghe bạn học nói bà lấy mấy tấm ảnh ra xem, thương cảm ứa nước mắt, lớn lên vảo Đại học nhớ lại mới biết vì sao các bà bảo mẫu thời bấy giờ đều chọn từ những người miền Nam.

Cô giáo Hiệu phó của trường 11 tên Võ Thị Thiện cũng được gọi là má, có khi gọi theo tên chồng là má Thùy, người Nam Bộ, giống như Tổng quản đứng đầu các má bảo mẫu và các chị Phụ trách Đội, ít nói nhưng con mắt lúc nào cũng như cười, về sau qua Trung Quốc mới biết bà rất giỏi võ. Bà mất ở Sài Gòn sau giải phóng, nghe tin khoảng 18h tối tới viếng tang, tới sau nên vào thắp nhang một mình, nhìn di ảnh nhớ lại ân tình của bà trước kia, đau xót gào lớn một tiếng “Má!” rồi choáng váng phục luôn xuống đất, mấy người bạn là học sinh miền Nam phát hoảng sợ ngất vội sấn lên đỡ, cố kìm không dám nói gì, xua xua tay gật gật đầu tỏ ý không sao cám ơn, nhưng về nhà quả nhiên đến 2h00 khuya thì bị thổ huyết!

Má Cúc Hoa cũng là bảo mẫu ở trường 13…

Trường 11 đối diện với hồ Hạnh Phúc, gió lạnh qua hồ thổi vào cổng trường, có lúc ù ù thành tiếng, mặt hồ không mấy khi lặng sóng, dãy ghế đá ven hồ thường xuyên vắng ngắt, sắc trời mùa đông cũng thường xuyên âm u.

Sắp đến Tết rồi…

Học sinh miền Nam cấp 1 ngoài tiền ăn, tiền quần áo, tiêu chuẩn lương thực tem phiếu vân vân thì mỗi tháng được 3 hay 3,5 đồng sinh hoạt phí gì đó, nhưng còn nhỏ nên không được giữ tiền, tất cả đều do má bảo mẫu lãnh rồi quản lý, xà phòng giặt kem đánh răng, cắt tóc giày dép, xem phim xem kịch đều dựa vào khoản ấy, khoảng một hai tháng thì má bảo mẫu kết toán rồi cắt cơm nhà ăn một bữa, gộp với khoản sinh hoạt phí còn thừa đi chợ mua thêm thức ăn, điều động học sinh trong lớp tới phụ nấu nướng rửa chén, mời cả thầy Tộ và chị Mỵ tới ăn cơm, gọi là ăn Tổ ấm. Được ăn Tổ ấm như thế khoảng hai lần rồi thôi, qua 1965 sơ tán chạy khắp nơi, chia ra ở trong nhà dân, tổ đâu mà ấm!

Cũng có hai lần thứ năm hay chủ nhật gì đó được nghỉ học, trường lấy xe đưa ra ngoài chơi, chạy ngang núi Con Voi, tới một chỗ nhà dân hình như thuộc huyện Thủy Nguyên, các bạn học túa ra chia vào các nhà. Mới ra nên không biết, chỉ bám theo lớp trưởng, cùng một bạn học nữa tới một gian nhà, hai bạn vào nhà chào bà chủ nhà là mẹ, giới thiệu bạn này mới trong Nam ra, bèn lí nhí chào theo. Bà chủ cũng ít lời, gật đầu nói các con ở nhà chơi trông nhà, rồi gọi đứa con trai khoảng 12 tuổi ra đồng đi làm. Lớp trưởng tìm chổi đưa cho bảo cùng quét nhà quét sân, nhìn quanh mái rạ cây rơm, giếng nước bờ tre, cái gì cũng lạ lạ. Gần trưa hai mẹ con bà về nấu cơm cho ăn, kế chị Mỵ tới đón ra chỗ tập hợp đợi xe chở về, lên xe hỏi dò mới biết đó là nhà dân ở một Hợp tác xã kết nghĩa với trường, hình như thuộc huyện Thủy Nguyên, thỉnh thoảng trường đưa học sinh về chơi một bữa. Sau đó được đưa về chơi lần nữa, bà mẹ nuôi nông dân người Bắc ấy có vẻ niềm nở hơn, nhưng cũng chỉ hỏi vài câu rồi im lặng. Sau này nhớ lại sực nghĩ gia đình ấy chỉ một mẹ một con, không rõ người chồng người cha ở đâu, không biết qua mười năm chiến tranh rồi hơn ba mươi năm nay sống chết ra sao, mà người con nếu còn sống chắc cũng quên mình từ lâu rồi…

Khoảng 26, 27 Tết âm lịch năm ấy, má bảo mẫu lên phòng phát cho mỗi đứa một hộp mứt Tết, mở ra thì ngoài các thứ mứt có mấy quả táo tàu, hai quả hồng khô. Thấy Cúc Hoa không có phần, hỏi sao bạn không có, nói má mình là nhân viên trường 13 nên gửi mình học ở đây thôi chứ mình không có tiêu chuẩn như bạn. Lúc ấy không sao hiểu được chuyện tiêu chuẩn, bèn đưa một quả hồng khô bảo bạn ăn đi nhưng Cúc Hoa từ chối. Kế người nhà các bạn trong lớp tới đón về, Cúc Hoa cũng đi, ồn ào hơn một ngày thì trong trường vắng tanh, lớp gần bốn mươi còn đúng năm đứa, tới bữa nghe kẻng cơm cũng mang bát xuống nhà ăn, thức ăn ngon hơn nhiều hơn nhưng nhà ăn lạnh tanh, ba bốn trăm học sinh chỉ còn mấy chục mạng từ lớp 1 tới lớp 4, Huấn học lớp 1 cũng trong số đó. Sau Tết Cúc Hoa lên đưa cho một gói kẹo nói má mình gởi bạn, má mình thương bạn lắm, mấy hôm Tết nhắc bạn mãi. Nhưng chỉ cảm ơn mà không cầm, nói không có tiêu chuẩn ăn kẹo, thấy Cúc Hoa sững sờ ứa nước mắt cũng thản nhiên quay đi.

Bởi vì lúc ấy đã bắt đầu trở thành một con người khác..

Đêm giao thừa cũng không biết là giao thừa, chỉ nghe pháo nổ đì đẹt xa gần, trước đó trong Nam vì chiến tranh, chính quyền Sài Gòn cấm đốt pháo vào dịp Tết nên rất lạ tai. Cũng nhớ nhà nhưng không buồn mấy, sáng dậy mở cửa ra hành lang nhìn xuống thấy sân trường vắng ngắt, gió thổi ào ào, sực nghĩ là sáng mùng một Tết, cũng không biết có phải khoanh tay chúc Tết ai không, bèn lò dò xuống chỗ ở của má Ngọ bên khu nhà cán bộ công nhân viên. Nhìn thấy cửa khóa gần hết, ngẩn ra một thoáng sực hiểu họ đều đã về nghỉ phép Tết, đúng là trái tim chìm xuống, đầu óc quay cuồng, như nổi giận mà không phải nổi giận, như muốn khóc mà không phải muốn khóc, toàn thân lạnh buốt nhưng mặt mũi nóng ran, oẹ một cái nhổ ra một bãi nước dãi trong có mươi đốm đỏ như đầu đũa, nhìn kỹ biết là máu, lúc đầu rất hoảng sợ nhưng kế lại lập tức dửng dưng, lát sau định thần cắn răng đi một mạch về phòng.

Từ đó trở đi, bắt đầu là một con người khác..

Tháng 1. 2008

(*) Lúc ấy còn nhỏ, không biết nghĩ xa, ít khi có dịp được biết mà cũng không để ý tìm hiểu họ tên đầy đủ của các thầy cô giáo, các cô chú phục vụ trong trường 11 và 13, đến nay nhiều khi muốn viết lại cho đủ cho đúng cũng không biết làm sao, những người đọc thấy xin lượng tình cho, chứ tuyệt nhiên không dám quên ơn vô lễ với những người từng nhọc lòng nhọc sức nuôi dạy ngày xưa.

2 nhận xét:

  1. Xem bài này các Quế sẽ thấy lại hình ảnh của các đại tỉ Irene và Munic ở phần còm! :) :)

    Trả lờiXóa
  2. CHÚC MỪNG NGÀY HIẾN CHƯƠNG CÁC THẦY CÔ GIÁO QUẾ LÂM !

    20 - 11 năm nay
    Trời Thu xanh ngắt, ngạt ngào Hoa Lan,
    Thủ Đô sắp có HỘI CHÀO,...
    Ôi, sao em lại không ra Chúc Mừng !!!

    Hiến Chương Nhà Giáo năm xưa
    QUẾ LÂM nô nức, tưng bừng Cờ Hoa
    Thầy trò rộn rã hát ca,
    Toàn Khu ( HSMN QL ) như thể một Vườn Hoa Xuân !

    Hiến Chương nay - lắm Nỗi Buồn :
    -Thầy trờ xa cách, khó về Tặng Hoa
    -Hoàn cảnh em chẳng thể ra
    -Thầy CÒN, Thầy MẤT,... Bùi ngùi Hiến Chương !

    THẦY, CÔ, MÁ Quế Lâm ơi
    Chúng con xin lỗi không về Hiến Chương !
    MIỀN NAM - Con hứa với Lòng :
    Ra BẮC năm tới ĐẾN TỪNG THẦY HIẾN CHƯƠNG !

    Học trò Quế Lâm TPHCM,
    Phạm Tiến Hùng

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]