Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2010

TUI TRỞ THÀNH HSMN NHƯ THẾ NÀY .


Uh, tại sao các bạn không lập thớt với chủ đề
BẠN TRỞ THÀNH HSMN nhu thế nào?
Hơi bị hay đó

Còn tui
Ba trở lại MN năm 1963, ngày đi tiễn (Má kể lại) không biết gì, cứ
dương mắt ếch nhìn phố Lý Nam Đế bên người Mẹ đầm đìa nước mắt .
1966 Mẹ được theo học khóa đào tạo đặc biệt của ngành y tế do cụ Phạm Ngọc Thạch huấn luyện rồi biệt phái vô Nam hoạt động nội tuyến ( cùng đi có mẹ của Ngọc Khánh cũng là má chồng Thanh Hương ) . Cả đoàn bị lộ nên bị bắt gần hết và vở anh hùng ca chống Mỹ đã vang lên .
Còn phận tui , được đưa vô Ban Thống Nhất , nằm co quắp 2 đêm muỗi đốt . Nỗi hận người lớn bỏ ta đi xuất hiện . Được cái cứ sáng toét , mở mắt ra là thấy lủ khủ cỡ chục ổ bánh mì ở bên cạnh ( do các cô các chú MN đến Ban Thống Nhất thấy tội nghiệp cứ cho , thành ra mới nhiều vậy ). Cái bang này hạng 9 túi rùi .
Đến đêm thứ 3 thì bị dựng cổ dậy cùng 4 đứa nữa và 1 cô giáo , lên xe Hải Âu cũ , cửa nẻo lỏng khỏng , đi đâu không rõ trong đêm tối . Cô giáo giao cho ngồi giữ cửa sau ( do lớn nhất nhóm ) , ngồi sợ gần chết , nhất là lúc qua cầu phao . Giận không dám nói . Đến Hưng Yên ( cô giáo nói thế ) thì đón thêm đến mười mấy đứa , đứa nào đứa nấy pé tí còn ngái ngủ .
Sáng hôm sau đến Bằng Tường , cả lũ bò ra nền gạch hoa bóng loáng . Mỗi đứa được đeo 1 cái huy hiệu Mao chủ xị to đùng .
Thế là cuộc đời HSMN bắt đầu với thằng nhóc .

Ba Chột tự sự

Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2010

" KỸ THUẬT " TRỒNG RAU.

Chà mấy sư huynh này kể chuyện lao động vui quá ta, cho tham gia với. Hồi đó tụi tui là lớp nhỏ, nên thầy cho mỗi lớp trồng hai luống xúplơ (bông cải) rồi tuyên bố lớp nào chăm sóc tốt sẽ được tuyên dương Còn nhỏ đã biết được tuyên dương là gì đâu mà mấy đứa lớp 3c cứ vênh vênh thấy phát bực (2 lớp c, d được tiếp nhận mấy anh chị dũng sỹ MN nên lao đông hăng lắm, còn 2 lớp a, b thì nhận mấy anh bên trường dân tộc chuyển qua, phá thấy bà nội lun).
Thế là một đêm tối trời, cuối vườn có 2 bóng đen lấp ló, dáng vẻ khả nghi (giọng văn chương trình "Câu chuyện cảnh giác" của Đài TNVN tối thứ 7) mỗi tên cầm trên tay 4 cái bình thủy (phích nước vỏ đan bằng tre) hì hục chăm chỉ tưới cho 2 luống rau của ... đội bạn.
Sáng hôm sau, thích nhất là lúc chào cờ tụi nó lên báo cáo: Thưa thầy,
luống rau lớp em sao cứ ủng hết lá ạ? Rõ khổ lá non mà được tưới nước sôi thì làm sao mà dựng đứng lên được.
Haha quá đã, thời bé tí .

QUẾ BA CHỘT .

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

NGƯỜI XỨ LẠNG

Năm ngoái thầy Từ gọi điện báo năm nay MF trong danh sách được mời dự lễ “Khánh thành nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam” tại Đại học Sư Phạm Quảng Tây, nghĩa là trường “mới” của các Quế ngày xưa. MF hỏi lúc nào, thầy nói khoảng tháng 3, đến tháng 3 thầy báo lại là tháng 6…Thầy hỏi đi được không, MF nói chắc là được, miễn là không trùng ngày thi cử gì…cuối tháng tư rồi thầy báo lại là chuyển lại vào tháng 5, vì tháng 6 có nhân vật quan trọng nào đó bận việc! Dặn MF có đi được thì báo trước! MF cứ nghĩ chắc họ mời đông, mà tháng 5 thì việc bù đầu, tâm tư cũng muốn nhân cơ hội thêm một chuyến về trường xưa cùng thầy cô bè bạn, nhưng cũng vừa lo lắng không thể hoàn thành mọi việc đúng thời hạn, cứ phân vân mãi không điện cho thầy. Đến gần ngày đi, Hùng ĐB gọi, MF nói có lẽ không đi, nó gầm lên: bà thật là, bà làm mất cả cơ hội của người khác, người ta mời có 5 người, giờ làm sao có người thay thế?? Thôi rồi, nghiêm trọng vậy sao? Gọi cho thầy Từ: dạ em đi! Vấn đề visa thế nào? Dạ em có hộ chiếu công vụ…sáng 12 xuất phát sớm nhé, dạ em sẽ bay ra chuyến cuối cùng tối 11! Vắt chân lên cổ lo ào một số việc, làm vội mấy thủ tục đi nước ngoài với trường, dí cái giấy mời và cái chương trình đầy quan trọng cho phòng tổ chức rồi mà họ cứ đủng đỉnh (mấy tên phòng ban chỉ giỏi ngồi ăn hàng), thôi không cần cầm quyết định theo, cứ nộp cái mạng mìn là được! Em chuẩn bị bài phát biểu tại diễn đàn hợp tác giáo dục nhé! Thầy Từ lại gọi. Gắng gò lưng viết một bài lâm li thống thiết, gửi cho cô Niệm và một em ở Nam Ninh nhờ dịch ra tiếng Trung cho phiên dịch bên ấy chủ động, không thì họ cứ dịch ngô ngọng ý mình cũng gay! (Cuối cùng chẳng có cơ hội nào mà phát cái biểu ấy). 11h30 đến Hà Nội, về nhà thầy Từ, tụ tập cả nhóm ở đó, vừa thả ba lô thấy chị Tuyết (ĐN) ra ca cẩm: thầy phân công đọc diễn văn tại buổi lễ, tưởng chỉ phát biểu thầy trò mình với nhau, chuẩn bị sơ sài, ra đây mới bít phát biểu ngay sau phó thủ tướng, quớ lên! Chị đang nhờ Hùng ĐB đánh máy, mà nó gõ lóc cóc chậm quá…thế là mở laptop ra, thầy trò thức đến 2 h sáng giúp chị ấy hoàn thành bài diễn văn (để sau đó cũng không có chỗ mà diễn luôn!), 6 giờ sáng xuất phát, lên đến cửa khẩu cũng còn sớm nhưng cửa khẩu mất điện, phải chờ thôi! Đến lúc làm thủ tục, thấy H ĐB nói: hộ chiếu chị có cái gì mà tụi hắn cứ xem lui xem tới mãi! Nghe họ gọi, mình ngó vào: hộ chiếu CV của chị đã hết hạn từ tháng 3! Hjc
Chỉ có cách về công an Lạng Sơn xin giấy thông hành, xa không? Hơn 3 chục cây số, giờ này còn làm không? Nhanh lên may ra ..! Tìm taxi, Quế em ML định đi với chị nhưng hộ chiếu của nó đã đóng dấu, không được quyền đi lui nữa! Thôi được, để chị tự đi! Về đến công an Lạng Sơn, nhưng cửa đóng then cài! Oải!Bít làm sao giờ? Cùng lắm thì …bay về! Gọi điện, chị xem thử có tên nào lảng vảng đó không? Không có. Không một bóng người, chỉ có bên phía đối diện, một ông trẻ thấp thoáng, hình như là bảo vệ cơ quan đối diện, tiếp cận, anh ơi…1h30 chị đến. Bao lâu? Sớm nhất cũng sau 3h chiều, chết, không phải chỉ thầy trò Quế chờ, mà phía bạn còn chờ đón bên kia, kế hoạch là 2h! Cũng đành, chỗ nào có đồ ăn? Gần phía chợ! Thôi cũng là cơ hội “ai lên xứ Lạng…”. Tìm được một quán cơm gần chợ, gọi cơm, biết làm gì cho đến buổi chiều? Có ai quen ở đây không nhỉ? Có một, quen mà không quen, K6LS! Món nợ con trâu! Nhưng trên blog thấy đại ca ấy đang du hí phương Nam! Không có số điện thoại, nhắn anh KV hỏi, đại ca ở SG hay…? LS rồi, xin lỗi số của ai…hic, Q.MF đang kẹt ở LS mừ! Ủa, cho tôi số của hắn…số này của hắn đó…Đến chỗ anh đi, số…nhưng mà…thì xin lỗi nhà hàng…trưa rồi, xe ôm nghỉ hết, mọi người trên phố dáo dác giúp MF lôi được một ông đang uống trà…nhà đây rồi, đích thị K6LS kia, ngó bộ tươi tắn hơn trên blog Trỗi là cái chắc! Nhưng nơi hẹn không phải là nhà, mà là sào huyệt phát tán các còm luôn mang hình bóng núi rừng xứ Lạng và xị rượu nút lá chuối!
MF đảo mắt quan sát cái trụ sở đầy tính đương đại (he, công nghệ cao mừ) của K6LS, mà sao anh làm việc có một mình, bà xã…gọi rùi, đang tới, nhà có mỗi cái xe máy (ko bít MF có nghe nhầm ko)…phụ với anh ở đây à? Không, BĐ, làm gì, phó giám đốc, :-o.
Loan của K6LS hiện diện trong chưa đầy 2 tiếng đồng hồ nhưng thể hiện nhiều tư chất của một người phụ nữ có thể có nhưng khó có thể có trên cùng một người phụ nữ: Xinh đẹp, giản dị, dịu dàng, chân tình, hiếu khách và năng động, còn thêm nữa (nhận xét riêng của MF) giỏi chịu đựng và chiều chuộng cái đức thủng thẳng của lang quân! Phát hiện ra lí do vì sao MF xuất hiện ở LS, Loan hết sức tế nhị vận dụng ngay năng lực của nhà quản lý cho một góc độ hẹp, giải quyết vấn đề hiệu quả tức thì, chỉ còn thao tác cuối cùng, nhưng cũng “để em đi cho nhanh” sau khi đã kêu sẵn một bữa tiệc nhỏ với các đặc sản xứ Lạng, không thiếu món rượu, không phải cuốc lủi nút lá chuối, mà là rượu ong ruồi có nắp!! Thứ rượu chi mà MF chỉ nhấp một chút đã lâng lâng đến tận bên kia biên giới…


Xứ Lạng qua cửa sổ

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2010

CHUYỆN LAO ĐỘNG Ở QUẾ LÂM CHỪ MỚI KỂ

TỪ PHỤ BẾP...ĐẾN HÓT PHÂN BÒ


Hồi ấy,mỗi tuần thường có hai buổi chiều lao động .Một buổi phụ giúp nhà ăn (nếu đến phiên trực của mỗi lớp) hoặc việc của trường như vét cống ,dọn đường…một buổi tăng gia sản xuất cho lớp.
Thích hơn cả có lẽ là phụ việc bếp vì không bị nắng lại được các má ,các cô không cho cái này cũng cái khác ăn vặt .Có hôm đi sớm sẽ được cho số bánh bao dư ra ăn đủ luôn.Các bạn gái nhận phần quét nhà ăn,lau bàn;bữa nào gặp rửa nền là mệt còn thì vừa làm vừa tám náo loạn cả nhà ăn.Mỗi học sinh trang bị một cái bát to như cái thau nhỏ ,thìa thủ sẵn bên mình khi xung trận nên nhà bếp không phải lo cái khoản này.Các bạn trai chia ra nhóm phụ nấu và chuyển cơm ,nhóm bê thức ăn ,nhóm xách nước phụ lò.Cơm nấu bằng hơi ,nhìn những khay cơm chín phẳng mặt không có cháy …lúc bấy giờ mình ngạc nhiên quá chừng.Thường nhóm cơm phải chọn các bạn khỏe mạnh do lớp phó lao động chỉ huy vì còn phải chở những thùng cơm to tướng ra nhà ăn(cơm ăn thỏa mái không bao giờ thiếu).Nhóm phụ chia thức ăn thường giao cho vài bạn gái chứng chạc cùng với một số bạn trai nhớn.Riêng đám trai choai choai như mình thì phụ xách nước đổ vào chảo,chuyển rau cỏ…và phụ cời xỉ than.Đám này thợ chỉ,kêu đâu chạy đó ,nói chung lăng xăng là chính .
Chính vì “nhàn cư vi bất thiện” nên nhóm này hay nghĩ ra trò khua khoắn cho vui , chứ thực ra không có đói .Đích ngắm là kho chứa thức ăn chế biến trước ,bố trí phía trong khu vực để gạo và rau củ.Có nhiều phương án tiếp cận khu vực này :cử người bám theo má bếp trưởng đi kiểm tra trước khi lên kế hoạch nấu,chỉ cần má quay đi hắn ta đậy nắp vung chậm là… xong;hoặc khi được sai vào kho bưng bê cái nọ cái kia là xăng xái đi liền;hoặc cử người nghi binh, đánh lạc hướng … Mục tiêu là cái nồi to tổ chảng chứa những súc thịt heo 3-4 lạng được ướp mắm kho mặn hoặc làm kiểu Tàu như xá xíu nhưng da mềm.Do tay nào cũng sùm sụp cái áo bông túi rộng nên nếu hy sinh nhét khẩu thịt vào túi thì dễ nghi binh,chẳng ai phát hiện được.Nói vậy chứ phải cảnh giác với cán bộ lớp vì mấy bố này bắt được là chết như chơi.Sau khi lấy được hàng,tay thu trong túi áo co ro ra khỏi bếp rồi hắn vọt lên đồi vườn đào.Cả bọn lập tức có mặt ,xé chia nhau hoặc “ngoạm “lần lượt một cách ngon lành.Trong khi lạnh Quế lâm,món này phải nói là hết ý .
Nói về lao động tăng gia,mình chỉ khoái mỗi việc đi “nhặt phân”.Đầu giờ lao động ,thầy chủ nhiệm tập họp lớp hỏi ai xung phong đi kiếm phân về bón vườn rau của lớp.Khi thầy xướng tên 5 bạn được cử đi, mỗi đứa chụp một cái xô rồi leo qua tường,a lê hấp…nhảy xuống ,phi một một mạch vào tới núi đá phía xa mới dừng lại .Nhóm này thường cũng những đứa quen vụ này thôi,mình nhớ có TT hay đi cùng.Nơi đây khá vắng vẻ,có nhiều khoảnh đất nhỏ được người dân khai hoang rồi tăng gia trồng khoai (chắc làm chui nên cũng sơ sài lắm).Ở đây cũng có lưa thưa những cây sim còi cọc ,không thấy trái bao giờ;còn nhiều nhất là cây mua ,trái chát nghẹn ,màu đỏ nhạt ứa nhớt nhớt chả tím ấn tượng như sim.Cả bọn bày trò chơi nhưng nhiều hơn là nhổ khoai lang nhai sống hoặc siêng hơn là nổi lửa để vừa sưởi ấm vừa nướng khoai.Những củ khoai sao mà bé tí mà dài ngoẵng,có lẽ do đất rắn lại ít màu.Sau này khi xem Tây du ký thấy cảnh Tôn Ngộ Không bị nhốt dưới núi ngũ hành,không hiểu sao mình cứ hình dung đó là cái núi này mới lạ chứ.Chơi đến xế chiều thì cả bọn lo gom phân trâu bò rơi vãi rồi về.May sao khu này khá nhiều phân do trâu bò công xã thả ăn nên phân không thiếu.Nhưng có bữa trên đường chạy về không thấy ” bãi” nào,(có lẽ do quân lớp khác hót rồi)cả lũ quáng quàng hót đại những bánh phân đã khô mục mang về.Dù “bận rộn” vậy nhưng cả bọn vẫn nhại thơ TH ông ổng”Mỗi hòn" phân",mẩu sắt ,cân ngô.Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ”.Trường hợp xấu nhất,thành quả lao động “hẻo"quá ,phải canh chừng cả lớp giải tán rồi mới nhảy rào vào ,úp vội xô phân vào hố rồi biến.Thế là một ngày”lao động là vinh quang” kết thúc trong vui vẻ.
HHP

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Bạn cũ

Ba lăm năm nay mới gặp nhau
Vui sao ... không khóc, lại cười

( Ảnh: Bảo Trâm )

Tình bạn HSMN mãi mãi vững bền

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2010

BÀI CA THỐNG NHẤT

TRỞ THÀNH MỘT HSMN (tiếp theo)

Đêm nay TV phát trực tiếp chương trình nghệ thuật “Bài Ca Thống Nhất” bên ven bờ Hiền Lương (anh “Trỗi” Đỗ Nghĩa đi qua cầu đúng thời khắc này, thế mà gọi điện cho Mf nói ậm ự: anh đang đi qua cái cầu gì ở một thị trấn gì ấy, thấy họ đang làm lễ kỷ niệm gì gì…đó, trời tối hù à, không thấy gì cả...), bên chiếc cầu lịch sử một thời là sự nhức nhối của đau thương chia cắt, của sự ao ước Thống Nhất đến tột cùng! Tuổi thơ của các Quế chúng ta lăn lộn trong nỗi niềm ấy!
Câu chuyện đã lâu Quế MF đang nói dở về cuộc “trở thành một HSMN”, một hành trình rời quê hương để rồi cả một tuổi thơ đó hiểu hơn bọn trẻ con nào hết khái niệm về cặp từ THỐNG NHẤT này! MF đang kể về cuộc lên rừng gặp cha, người cha hắn chỉ mới biết trong tiếng thầm thì của bà nội, của mẹ, của tâm thức đứa con yêu đấng sinh thành. Trạm cuối mà các chú giao liên và mẹ con hắn dừng chân gọi là trạm chú Tám. Lúc ấy hắn không hề biết đó chính là căn cứ của cơ quan tỉnh ủy Quảng Trị. Mấy ngày ở đó hắn thích thú vì trạm nằm trong rừng sâu, gió ngàn thổi ầm ì vang vọng một âm thanh trầm hùng rất lạ lẫm! Hắn thường tha thẩn ngoài rừng, xem ngắm vô số cây cối, sinh vật lạ, những con dọoc nhiều màu, những con chim chẳng biết chim gì hót hay tuyệt! Thỉnh thoảng giữa rừng già có những khoảng trống bừng nắng, những cây sim, cây ổi rừng vô cùng hấp dẫn con nhóc hắn. Có lần hắn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một cây đùng đình đang chín trái, chuỗi trái chùm xanh, chùm vàng rực rỡ rủ xuống như mái tóc của một cô đầm!...Phía trước trạm là một dòng suối chảy qua, dưới lòng suối có những viên cuội đủ màu sắc, hắn lượm chúng và nói “để dành đem về cho mấy đứa dưới làng!” những tưởng ít lâu nữa lại được về làng (mặc dù có mẹ cùng ở đó rồi mà ngày nào cũng khóc đòi về vì nhớ nhà, nhớ bà, nhớ bè bạn…), ấy vậy mà mười năm sau hắn mới được trở về!
Một ngày đang chơi đùa với các chú trong trạm thì thấy các chú có vẻ chộn rộn, xôn xao “Anh về!” “Anh về”! Rồi mọi người ra ngóng trước suối, bên kia suối là một trảng cỏ, không nhớ lúc ấy là sáng hay chiều nhưng ánh nắng vàng chiếu xiên từ rừng già xuống hắt nhẹ lên một đoàn quân đang hối hả đi về phía trạm, mọi người chạy lúp xúp, mũ tai bèo, quần áo lính giải phóng, một người đi đầu, không chạy mà sải những bước rất dài với cây gậy mây, dáng cao lớn hơn hẳn, cũng mũ vải nhưng to hơn và bằng chóp chứ không tròn chóp như mọi người, một hình ảnh đẹp lộng lẫy và oai hùng đầy ấn tượng mà hắn chợt thấy, linh cảm thật lạ, không ai nói gì nhưng con bé chắc mẩm đây là cha mình! Người sải tiếp những bước dài thẳng tới rồi thả gậy bồng xốc hắn lên! Con bé nép đầu vào vai cha, rồi Người cứ thế bồng con vô lán! Mấy chú vây quanh: Thử không nói chi coi hắn có nhận cha khôông, ai dè…
Mấy ngày sau đó hắn quấn lấy Người, thỉnh thoảng cha bồng con xuống suối, ngắm nước, ngắm cá và hỏi han: dép con mô? Tui để quên ở dà (nhà đóo, he he)! Răng mà xưng tui với ba như tui thợ rèn rứa? Xưng là con chớ! Dạ, con quên ở dà! Để khi mô các chú về đồng bằng, ba dặn mua cho một đôi dép cao su nhỏ! (Hix, hắn không thích tí mô, suốt tuổi thơ hắn thèm một đôi dép săng-đan như con mấy người nhà giàu ở tỉnh về, nhưng mạ hắn không dám mua. Trước khi lên đây hắn có đôi dép xốp bà cô mới mua cho, nhưng vội đi quá quên mất (ở làng toàn chạy chân đất mừ!) Khi lên trạm ni, thấy có ông tên Kinh, người to như hộ pháp, hay đi đôi dép cao su có kiểu quai trước lạ lùng là chỉ xỏ ngón chân cái, hắn thấy ghét ghét thế nào, cứ lén cầm vứt của ông ra ngoài rừng, nhưng lạ là cứ hôm sau lại thấy ông đi nó, lại vứt, nó lại về, là vì hắn cứ tưởng mình vứt được xa lắm! Chỉ những ngày gần đây, thấy ba chứng nhận cho bưu điện Quảng Trị để làm thủ tục truy tặng ông danh hiệu ANH HÙNG, hắn mới té ngửa, ông chính là người cần mẫn lái đò, chèo chống trong bom đạn để đưa quân và thư tín lên về đồng bằng và căn cứ, lẽ ra được phong danh hiệu cùng lần với Anh Hùng Trần Thị Tâm, nhưng không biết sao họ làm thất lạc…đọc những dòng chứng nhận đầy tâm huyết của ba, hắn tuôn trào nước mắt!!)
Rồi ba lại đi, hắn lại ngóng chờ, có lần ba đã ra ngoài rừng xa, hắn đòi chạy theo, bị mẹ cho ăn roi, hắn gào lên cho ba nghe thấy, tiếng ba trong gió ngàn vọng về: “Đừng đánh c..o..o..n!”
Sợ con những ngày ở đó thất học, mỗi lần về Người tranh thủ ra bài cho hắn học, làm toán, hắn làm ngon ơ, nhưng văn, ui chao đề chi mà lạ: “Vì sao con lên đây?”, hức, hắn để trống trơn tờ giấy, Người kiên nhẫn giảng giải, hắn chẳng nhớ gì…”Bác Hồ là ai” hồi ở nhà có nghe trong nhà thì thầm, nhưng hắn chẳng có khái niệm gì! Con nghe đây…Con nhắc lại đi: Bác Hồ có đôi mắt sáng, vầng trán cao, râu dài…(Khi đó không hiểu sao mà chẳng có một cái ảnh nào, hắn cứ tưởng tượng theo lời cha kể…)
Rồi cũng đến cái ngày, Người bồng hắn đi một vòng, thơm hắn rồi nói: bây giờ con phải ra Bắc để đi học, con không thể thất học được, con phải cố gắng học thật giỏi…Hắn giãy lên trên tay cha “kh…ô… ô…ng!!” Trời ơi, nhớ nhà, nhớ bạn, nhớ quê da diết, giờ lại bắt hắn phải xa cha mẹ để một mình ra đi… ngày hắn ra đi, cha và mẹ sợ không cầm lòng nổi, trốn hết, người cõng hắn đi là chú Phú (nhớ là thế), hắn vùng vẫy trên lưng chú, cắn chú, xé toang cả lưng áo chú!(Hết bít) Lần đầu tiên trong đời hắn biết thế nào là sự bất lực và đau khổ! Khởi đầu cho một sự khao khát THỐNG NHẤT BẮC NAM!
Những ngày đầu ở Vĩnh Linh còn chưa bom đạn, nhưng không thấy yên bình, mặc dù dường như Đảng Bác vẫn cố gắng tạo một cuộc sống tưởng chừng yên bình và đầy đủ tại giới tuyến! Những chiều cuối tuần, các bác trong cơ quan Đảng Ủy (lúc í bác Trần Đồng ba anh “Trỗi” Chí “hâu” làm bí thư) đánh xe về thăm cầu Hiền Lương thường “bới” hắn đi theo. Về đến nơi là con bé vội vàng tụt xuống xe và dõi mắt qua chiếc cầu xanh đỏ, dõi mắt qua bờ yên ắng bên kia, dù biết chẳng thấy ai, nhưng cứ ước có một phép màu cho ba mẹ mình chạy qua từ bên ấy! Mặc dù biết từ đó tới ba mẹ xa biết bao là xa nữa, và mấy người cảnh sát ngụy mặt mày lạnh tưng kia là hiện thân của sự chia cắt biền biệt! Biết đến bao giờ…câu hỏi này đeo đẳng theo những giấc mơ suốt chặng đường ra Bắc, vào trường 11, những ngày học hành và tha thẩn ở Quế Lâm, những giấc mơ cắn rứt nỗi ao ước được trở về! THỐNG NHẤT! Thật là một bài ca diễm tuyệt mà những con người quyết liệt đã viết nên! Cũng tự hào một chút vì các Quế chúng ta đã chịu khó sống cùng nhau để ba mẹ rảnh tay góp phần làm nên chiến tích ấy!

Quế MF