Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

HÀ NỘI

Đứng trên xác B52. Photo:Nick Út

HÀ NỘI


B 52 rụng đỏ nơi đây ư , Hà nội
Những cô gái bình thường kia là người trong cuộc?
Tôi ngây ngất trong dòng người như hội
Rất đổi dịu dàng , tha thướt dạo chơi .

Hồ gươm thu đêm ,kem Bốn mùa ồn ả
Xe điện xuống lên không mỏi tuổi đầu xanh
Ga Hàng cỏ thức khắc khoải còi ra trận
Thủ đô mình ,chung nhịp thở chiến trường xa…

8/1973
(Ngày từ Quế lâm về nước)
HHP

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

Trung Thu và Quế con

Hình như Huế là nơi náo nhiệt nhất vào những ngày Trung Thu, 2 tối nay, cứ chạy xe đi một đoạn, MF lại phải quay về, đường kẹt cứng, vì lân múa khắp nơi, và người háo hức theo lân cũng khắp chốn. Năm nào cũng như năm nào. Dẫu cho hầu như Trung Thu nào cũng bị những cơn mưa tai quái phá đám. Tối nghiệp lũ trẻ, đầu tư cả tháng trời dán lân, tập múa… Hễ cứ nghe bọn trẻ bắt đầu gióng trống là MF lại bồi hồi! Thủa nhỏ cũng đã biết Trung Thu, nhưng lần đầu tiên được ăn bánh Trung Thu là năm lớp 2 ở Đoan Tĩnh, Móng Cái! Nhớ đêm ấy, khi trăng lên, má Sáu, thầy Trường và cô Mỵ cho lớp xếp hàng ngồi ở sân đất sau dãy lán ở của lớp, mỗi đứa được phát một cái bánh tròn (hay 2 đứa một bánh nhỉ, có Quế nào nhớ không?), có nhân đặc trưng của bánh Trung Thu: đỗ, hạt bí, thịt mỡ, mứt…MF nhớ hình dáng cái bánh lúc ấy hơn là nhớ trăng hôm ấy mờ hay tỏ (hic, lần đầu thấy cái Bánh Trung Thu mà!). Sang Quế Lâm, cái bánh không còn là trung tâm chú ý của MF nữa mà là cái Đèn Kéo Quân! Sao mà các thầy giỏi vậy, cứ thắp đèn lên là quân chạy quanh! Rồi phá cỗ với đủ thứ bánh dẻo, hồng ngâm, bưởi ngọt…Tuy nhiên MF không thú vị ăn, và cũng chẳng ngắm trăng như các Quế gương mẫu, mà bị lôi cuốn bởi cuộc mạo hiểm của Munic đi tập kích kho báu trường nhi đồng (chiện đã kể ở chợ chồm hổm rùi, ở đây không kể nữa, lỡ Quế con đọc phải… không gương mẫu… :))
Đến thời Quế con, từ 3 tuổi nó đã bắt ông ngoại bồng đi theo một đoàn lân nào đó hầu như suốt đêm. Ngoại cưng cháu, lân đi đâu, đi theo đó, mà nào lối lân đi có dễ dàng gì, đường lớn, đường nhỏ, hẻm hút, dốc đồi…về đến nhà là ông ngoại…trệt. thế nhưng năm sau ông cháu lại hăm hở đi. Đến năm 5 tuổi, không cần ông ngoại bồng nữa, hắn theo đoàn lân nhỏ của anh Bình (con chú Ngô Minh bạn của bố), cả nhà cảm giác được niềm tự hào của hắn. Đến Trung Thu 6 tuổi, gánh lân của anh Bình cho hắn đi cầm dầu (để đổ vào đèn), đi về, hỏi gì hắn không nói, mà hắn…ngồi vẽ! Những bức tranh vẽ cảnh múa lân của hắn thể hiện những góc độ hết sức bất ngờ, cứ tưởng rằng nó mô tả đầu lân là chủ yếu, nhưng đây hắn cho đầu lân chỉ lúc mờ lúc tỏ, còn chủ yếu thể hiện nét rạng rỡ, sáng tối của những cây đèn, những người cầm đèn và ông địa với những nét mặt hồ hởi khác nhau, và xa xa vầng trăng ẩn hiện( cũng xin mách với các bố mẹ Quế, hắn chẳng đi thi, nhưng nhà văn hóa thiếu nhi chọn một bức tranh hắn vẽ lúc 4 tuổi, đưa đi triển lãm tại hội chợ ở Pháp, rồi về gửi dự thi tranh các nhà thiếu nhi, tranh của hắn đoạt giải 3 toàn quốc). Đi xem lễ hội gì về hắn cũng có những bức tranh rất ấn tượng (với mẹ). Năm 7 tuổi, hắn được phân công cầm đèn, 8 tuổi hắn được phân công múa đuôi! Hic, hắn tập hăng say, xoay, vờn đủ kiểu, lúc này không phải hắn theo lân nữa mà…mẹ hắn theo! Chạy xe xa xa theo cái đuôi lân tí hon (nếu tới gần nó thấy, nó sẽ bắt mẹ về!). Rồi sau đó anh Bình lên cấp 3, không làm “chủ gánh” nữa, mà giao cho anh Tân (em anh Bình-cả 2 anh em giờ là kiến trúc sư tại Huế). Vậy là các bạn còn lại thay thế nhau múa đèn như Tôn Ngộ Không hoặc múa đầu. Rồi một năm anh Tân giao cho hắn chủ trì làm đầu, chúng nó hùn tiền với nhau, mua đồ hì hục bẻ, dán, sơn quét đêm ngày, sao cho mắt sinh động, đầu hoành tráng, đuôi rạng rỡ! Còn chúng nó mặt mũi như …lọ lem! Đến một ngày, anh Tân lại lớn lên, không làm “chủ gánh” nữa, hắn cả gan đảm nhiệm vai trò này! Hắn chỉ đạo dán đầu, mua đuôi, thuê xe xích lô, sắm trống (theo thông lệ, mỗi mùa múa xong là đốt đầu mới hên, nên năm sau chúng phải làm lại), thấy con làm chóng mặt, mẹ nóng ruột nhưng cản đam mê của con không đành, làm chủ trò là người phải đánh trống, bao nhiêu nắp xoong trong nhà được trưng dụng cả (và sau đó là méo mó cả, các Quế có đến thăm nhà MF sẽ được mục sở thị), sau mỗi đêm về tay hắn toe ra, ngày sau đi học phải băng bó, mẹ nói, thôi con, bạn bè có thích chè cháo gì mẹ cho tiền, đừng múa nữa! Nó bảo “nếu mà cần tiền thì con cần gì phải đi múa mẹ?”, hết nói! Mà thực vậy, bao nhiêu công sức và tiền góp chuẩn bị của chúng nó, “vốn” lấy lại thấm tháp gì đâu. Gặp nơi hảo tâm, họ cho vài chục, người khó khăn họ treo vài ngàn…chúng nó đều vui vẻ cả. Thậm chí có quán cà phê, người quen hẳn hoi, chúng nó vào múa, cứ để múa thoải mái, nhưng xong rồi thì cũng …lặng im! Bọn trẻ con múa xong rồi về tâm sự bời bời, mẹ ơi, dì ơi, hôm nay bọn con vào đại một nhà, ngó nghèo lắm, mà bác ấy xoa đầu địa rồi cho năm chục ngàn luôn, răng mà bác ấy tốt rứa mẹ? Không, chẳng qua là lòng yêu trẻ…Có mùa, chuẩn bị xong, chưa kịp múa thì mưa đã đổ tơi bời…đến ngày chính rằm, sau khi đốt lân, được đồng nào, chúng nấu một nồi chè thật to, sì sụp với nhau (thường là không hết), rồi về ngủ. Đêm ấy chúng thường ngủ với giấc ngủ mãn nguyện của ngây thơ, trông yêu hết sức. Hôm sau đi học, hầu như không bàn gì đến chuyện lân nữa, thế mới lạ! Gì còn tồn tại sau đó của hắn chỉ là những bức tranh màu mà thôi. Không hiểu sao, những đứa này sau đó thường là đam mê kiến trúc? Vừa rồi hắn được gặp gỡ các bố mẹ Quế và các bác Trỗi khi hắn trên đường cùng mẹ đi dự hội thảo kiến trúc tại Đại học bách khoa Ancona, festival kiến trúc quốc tế tại Venice và thăm thú kiến trúc cổ của thành La Mã. Tạo được cơ hội này cho hắn, MF thấy mình đã cố gắng đồng hành cùng Quế con trên hành trình đạt đến niềm đam mê...
Q.MF

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

THƠ TÔI




Thơ tôi khúc hát yêu thương,
Thơ tôi tiếng khóc đoạn trường bi ai.
Thơ tôi ấm nắng ban mai,
Thơ tôi lạnh giá đêm dài buồn tênh.
Thơ tôi rực ánh bình minh,
Thơ tôi đen chuyện nhân tình thế gian.
Giận mình sao khéo đa đoan,
Tự mang lấy nợ còn than nỗi gì.
H.N.N

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010

TRUNG THU NHỚ HẰNG NGA .

Hằng Nga ơi, đã đậu lại Đà Nẵng chưa? Nhớ thông tin cho tụi này bít nhen
Trung thu tới rùi, nhớ Hằng Nga, nổi hứng tặng bạn bài thơ
Nhớ đêm Rằm đem ra đọc để say ...

Nơi kia thoáng một vườn hoang
Từng đàn én nhạn hót vang mời chào
Con liệng, con ngổng bay cao
Vài con thì chụm rì rào kháo nhau
Tích xưa cả đám thuộc làu
'Con Công vẽ Quạ bởi Quạ vẽ Công"

Vườn vui vì có trời trong
Tiết thu đà tới càng đông én về
Râm ran khoe ánh sao Khuê
Trăng thanh gió mát nhất tề chung vui
Cao cao đàn sếu đồng nôi
Trăng tròn cánh sếu vươn xuôi mây ngàn

Cảnh tiên ai cũng mơ màng
Dưới vườn nghển cổ, chị chàng tỉa lông
Én chao, én liệng lên không
Quên cơn gió bấc mùa đông sắp về
Vườn kia cả đám ủ ê
Thôi thì cụp cánh lết về tổ ... ai

Trung Thu 2010
Ba Chột tạp pí lục

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

THÔNG TIN Y TẾ .

Quà tặng cho các bạn được gọi là “Kim Đồng”.
(Những người mà “Đùng đùng, Đoàng đoàng, ta vẫn đi”).
Có một chương trình giúp bạn kiểm tra thính lực của mình và người thân miễn phí đang tiến hành tại Trung tâm Trợ thính Connect Hearing bằng nghiệm pháp OAE, ABR và ASSR do Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bích Thủy, nguyên Trưởng khoa Thính học Bệnh viện Tai Mũi Họng Tp.Hồ Chí Minh, đảm nhiệm trên các máy móc thiết bị vào loại hiện đại nhất ở ViệtNam, đồng thời có những tư vấn hữu ích cho những người đến khám.
(Bs Bích Thủy là dân QUẾ và ông xã là dân TRỖI )Nếu những việc này được thực hiện tại Bv Tai Mũi Họng Tp.HCM có giá chừng 300 ngàn, còn Bv TMH Sài Gòn chừng 800 ngàn, ở đây miễn phí. Thời gian thực hiện kiểm tra các công đoạn này chừng 30 phút.
Mọi thông tin xin liên hệ : 08-38274373 và 35210330
Người bảo trợ là Công ty Phonak thuộc Tập đoàn Sonova, Thụy Sỹ.
Những kiểm tra cụ thể được tiến hành tại Trung tâm gồm :
Các nghiệm pháp đánh giá thính lực chủ quan gồm có :
- Đo thính lực đơn âm : Cho biết mức độ khiếm thính và loại khiếm thính người lớn và trẻ em lớn
- Đo thính lực trong trường tự do: để đánh giá sức nghe cho trẻ nhỏ và đánh giá mức độ nghe khi mang máy nghe giúp cho việc hiệu chỉnh máy tốt hơn.
Các nghiệm pháp đánh giá thính lực khách quan gồm có:
- Đo nhĩ lượng đồ : để đánh giá bệnh tích tai giữa.
- Đo phản xạ cơ bàn đạp: Đánh giá sức nghe, phân loại điếc thần kinh.
- Đo âm ốc tai (OAE ): đánh giá chức năng tế bào lông ngoài, tầm soát khiếm thính trẻ sơ sinh.
- Đo điện thính giác thân não ( ABR) : đánh giá mức độ khiếm thính, chẩn đoán phân lọai điếc ốc tai và điếc sau ốc tai.
- ASSR : Cho biết mức độ khiếm thính ở từng tần số hỗ trợ cho việc chỉnh máy nghe ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
AK7 .( Tin bài của trang ÚT TRỖI )

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

Vần

Rằng yêu thì vẫn còn yêu,
Dẫu cho đời có sớm chiều nắng mưa.
Đời như một hũ mắm dưa,
Muối nhiều thì mặn, muối vừa thì ngon.

EM GÁI CÙNG QUÊ


Mới 9 giờ sáng nó đã gọi: Alô, trưa mai anh có rảnh không ghé nhà ăn mỳ Quảng? Mời ăn mỳ Quảng mà cứ như mời đám giỗ, nói trước cả ngày, tui bây giờ là “hội người cao tuổi” rồi, lỡ quên mất suất thì sao, mai nhớ nhắc lại đó. Nó là đứa em gái cùng quê, hiện nhà gần nơi tôi làm việc.
Hôm sau, xong cuộc họp, nhìn đồng hồ đã gần 12 giờ trưa. Alô, có mần mỳ Quảng không thì đến nè? Anh đến ngay đi, “chả” đợi anh lâu “chả” nhăn quá trời.
Nói về “thằng chả” của cô em gái một chút. Hơn 20 năm trước, lúc tôi mới lập gia đình riêng, đang ở nhà tập thể, nó đến thăm vợ chồng tôi và dẫn theo bạn trai. Nó giới thiệu bạn trai học ở Nga về, cùng dạy ở trường Cao đẳng sư phạm, tên là Tr. Rót nước mời hai đứa nó và thầm quan sát thằng bạn nó. Người cao, to, trắng trẻo như Tây, chắc là còn hơi hám bơ sữa. Thấy thằng chả cứ cười cười, tôi thấy chả có nét gì đó rất quen, kiểu nói chuyện cũng thấy quen quen. Tập trung lục lọi bộ nhớ từ thời xửa thời xưa, từ Nam tới Bắc mà chịu chết, mặc dù thấy khuôn mặt chả quá quen. Rồi trí nhớ cũng gợi được một khuôn mặt trong đám Quế giống chả, Quế tôi mới gợi chuyện làm quen: Anh không biết có bà con gì với thằng bạn của tôi học ở QL, TQ không mà thấy giống lắm. Chả hỏi tôi: Bạn ông tên gì? Tên bạn tôi là Đ.C.S. Cô em gái lên tiếng: Chính hắn đó. Tôi quay lại đấm cho chả một phát vào vai: Đ. m, cái con c., thế mà làm tao phải chết một mớ nơron thần kinh để nhớ, lại còn gọi mày bằng anh nữa. Đ.m cái con “gà luộc” (biệt danh của chả hồi ở Quế), ngày xưa cũng trắng trẻo nhưng ròm như cây sậy, giờ đi Tây về giống như thằng Tây, lại còn bày đặt đổi tên nữa, S. là ngon lành hoành tráng rồi còn Tr cái nỗi gì nữa. Thằng chả nhe răng cười trừ. Thế đó, một tên Quế đã thay hình đổi dạng, lại thêm đổi tên nữa, nhưng chất HSMN, chất Quế trong hắn khó mà thay đổi. Về thằng chả vì sao đổi tên, sau này tôi tìm hiểu mới biết: do “sự cố” tương tự như “BGBB” nhưng không phải thực hiện ở Đông Triều hay trường HSMN khác mà ở trường chuyên nghiệp, chả đành rời trường quay về nhà. Nhưng chả là dân Quế nên đâu chịu thua, thực hiện “lùi một bước, để tiến…nhiều bước”. Chả sửa chữ S trong Hồ sơ thành chữ r và thêm chữ T đằng trước, còn mọi thông tin khác đâu cần thay đổi. Năm sau chả thi lại ĐH và…đi Nga học, hoành tráng nhé. Sau này chả còn kể: lúc qua Nga, chả gặp thằng bạn Quế học cùng lớp ngày xưa đang học khóa trước (vì chả…lùi lại mà). Hắn cũng nhìn chả quen quen, giống thằng bạn hắn và hỏi chả. Chả nói: chả là anh trai của thằng ĐCS, đi bộ đội nên giờ học sau. Thằng bạn chả cả mấy năm học cứ gọi chả là anh Tr và nghiễm nhiên nghĩ đó là anh của thằng bạn cũ. Chả nói vì lí do an toàn cho bản thân, các thông tin về chả phải được giữ kín, nếu để thằng Quế bạn biết được thì chắc gì còn bí mật. Sau này về nước không biết thằng Quế kia đã biết là bao nhiêu năm vẫn gọi thằng bạn mình là anh một cách lễ phép? Về chuyện Quế, HSMN đổi tên, chuyển trường thi lại…sau này có dịp Quế mình sẽ kể tiếp, ngay cả “cái cặp này” cũng còn nhiêù tập, hẹn dịp khác.
Bây giờ phải quay lại “ăn mỳ Quảng” đã. Năm phút xe máy là có mặt tại nhà chúng nó. Xin lỗi chậm chút vì cuộc họp trễ, đây vẫn còn làm cán bộ nhé, không như mấy người là nhân dân. Ngồi nhà trên hay nhà dưới, nhà dưới mát hơn. Nó rứa đó, “Quảng Nôm “ chay, mời họ, họ chưa kịp có ý kiến thì ấn định luôn. Có mỳ sườn và mỳ cá tràu (lóc) anh ăn mỳ cá tràu hỉ, em biết anh thích ăn mỳ cá tràu, anh Tr em thích ăn mỳ sườn nên em làm cả hai loại. Chiều chồng ghê hỉ? Thằng chả: đây cũng mỳ cá lóc. Chờ anh lâu “ổng” đói làm tô mỳ sườn rồi đó. (hèn chi hơn 12 giờ trưa rồi, mình thì đói mà chả thì mặt tỉnh queo, phải phong cho chả hàm “sư phụ Quế” thôi, chắc ăn quá). Sợi mỳ trắng tinh, “nhưng” mỳ Quảng là những miếng cá tràu cắt dài cỡ hơn lóng tay vừa chin tới, thịt dai, bốc hơi, lẫn với đậu phụng rang thơm lừng, xâm xấp nước “nhưng” vàng đượm long lánh ánh dầu phụng được khử “tới” tỏa mùi phưng phức. Rau sống với cải cay con lá mới nhú xanh, thân còn mơn mởn, cùng với búp chuối thái mỏng xoắn xít, trắng hồng thêm vị chát cho hương vị đặc trưng của mỳ Quảng. Bánh tráng nướng bóp vụn rắc trên cùng. Tất cả hỗn hợp đó cộng với ớt xanh cay và thơm (loại ớt đặc trưng của xứ Quảng) Quế mình hết bốn tô, thằng chả cũng không kém (kể cả tô làm trước). Ngon. Cá tràu đồng đó anh, hổng phải cá nuôi mô. Hèn chi thịt cá chắc và dai. Bia Lào sáu lon lớn hai thằng nhưng phần chả chắc một, vì chỉ nhấp nháp, lí do đau. Uống bia Lào vì cặp này trước định cư bên Lào, mới về Việt Nam mấy năm nay, chả vẫn làm công việc đưa khách du lịch tuyến Việt-Laò-Thái. Em phải thấy vinh dự là được phục vụ hai ông HSMN, phải lấy đó là hạnh phúc. Ừ, hạnh phúc. Các ông gặp nhau là còn biết trời trăng mây gió chi nữa. Nhưng em cũng phải công nhận là HSMN các anh sống tình cảm thiệt, như anh Hồ ấy. Nhà “đôi này” gần nhà anh Hồ (người mà Tgtb mới đưa tin ở chợ Quế ).
Thế là câu chuyện lại nói về anh H. Nó ca ngợi anh H nghèo nhưng sống tình cảm, nó chỉ là vợ của một thằng Quế và là hàng xóm mà thân và biết về anh H hơn là chính mấy thằng Quế. Trong câu chuyện với nó, Quế mình thấy có một chi tiết mình phải xin lỗi vong linh anh H, đồng thời “bắt việt vị” lại Quế N.H (người tự khai là học cùng lớp anh H, nhưng lại không phát hiện ra chi tiết sai do Tgtb tự nghĩ ra) : anh H tên đầy đủ là Ưng Quang Hồ không phải Ưng Văn Hồ. Nó kể rằng nó với anh H hay tâm sự, có lần anh H nói với nó ước gì anh được đi máy bay một lần. Thế là nó mua vé máy bay cho anh H đi Sài gòn thăm ông anh của anh. Nó nói anh H lại dặn phải mua cho anh cái vé ngồi gần cửa sổ máy bay, thế là nó lại đưa anh H ra sân bay, làm thủ tục, năn nỉ cô nhân viên hàng không sắp chỗ cho anh được ngồi gần cửa sổ. Nghe nó kể mà mình thấy cảm động, thương anh H và cũng thầm cảm ơn nó đã làm được một việc làm mà lẽ ra các Quế mình phải là người làm việc đó cho anh H. Nó chỉ là vợ thằng Quế, cũng không phải là HSMN nhưng nó cũng sống có tình có nghĩa. Ba nó là liệt sĩ, nó chơi với nhiều tên HSMN và sở hữu một thằng Quế hoành tráng. Nhà đôi này đối diện với ông Phật ngồi trên quốc lộ 1, qua quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Nó là đứa em cùng quê của Quế tớ, Nếu Quế nào muốn giao lưu với nó thì Email của nó đây: thuydienquang@gmail.com.
Chuyện về cặp này tạm dừng ở đây, các thông tin này lén chúng nó đưa ra chợ Quế chào mừng họp măt kỷ niệm “2 năm Siêu thi mi ni), dịp khác kể tiếp.
Tgtb

SINH NHẬT BANTBE ( tiếp theo )



H1: Từ phải qua : Anh VĂN HOÀI NAM ( TRỖI ) và chị THỦY ( HSMN) , đây là 1 trong 2 cặp TRỖI - QUẾ mà mình biết ( cặp còn lại là anh THANH MINH và chị HẠNH ) . Anh TUẤN LINH , Ma ma đtq ANH MINH ( AMk3 ).

Photo : anh HỒ BÁ ĐẠT .



H2 : Các tỉ à , cả 1 thời HSMN muội chưa bao giờ được ăn 1 miếng cơm cháy nào chứ đừng nói tới miếng cháy to thế này ( sau đó hồi ức về các bữa cơm ở QUẾ LÂM được BANTROI và BANTBE tranh nhau kể , cười quên thôi ).
Photo : anh ĐỖ NGHĨA .












H3 : Đại ca TUẤN LINH cuối cùng cũng bị lộ .
Photo : anh ĐỖ NGHĨA .

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Sinh nhật Trang Bạn Trường Bé

Đã được 2 năm kể từ khi ra đời theo ước nguyện của Như Nguyện, trang bantbe cũng đã có được một vài con số đề báo cáo bạn đọc gần xa ( có bạn đọc từ Mỹ, Nga, châu Âu...).
   Sinh ra thật dễ dàng, nhưng nuôi dưỡng phát triển được là cả một vấn đề. Có lúc tưởng chừng chết yểu nếu như không có cộng đồng Quế hà hơi giúp sức :)! Hai tuổi, chập chững chạy được rồi! Vẫn rất mong nhận được sự ủng hộ và góp sức của tất cả các bạn HSMN nói chung và đặc biệt là các bạn Quế mọi thế hệ để ngôi nhà chung bantbe ngày càng phát triển, lớn mạnh.
   Sau đây là một vài thông kê của bantbe (từ tháng 5/2010 đến 10/2010)
Tổng quan.

Bài Đăng


Lượng độc giả.
Còn đây là một vài hình ảnh buổi mừng simh nhật 2 năm bantbe. Không có bánh ngọt + đèn cày, chỉ có Tsaskaia và Puchina. Có các Quế và có các Trỗi.

Địa điểm: Đất Tiên Sa. Chủ nhà là các bantbe...tất nhiên rồi.
Cùng dẫn dắt trang bantbe suốt 2 năm qua, hai mama tổng quản Quế đại tỷ và Quế tiểu muội hôm nay mới biết mặt nhau! 
Các đại diện bantroi (phát âm: Bán Trời) - cũng tuyền là những anh hào.
Đặc biệt - tất nhiên sự kiện đặc biệt phải có nhân vật đặc biệt: Hai mẹ con Quế mafia trên đường về tổng hành dinh ở Italy cũng tranh thủ ghé qua ăn mừng Birthday bantbe.
Có ai trong số này bạn chưa biết tên không? tôi biết í nhất là 3 cô trong số này.
Còn ở đây, tôi biết chắc một tên vì hắn là uttroi. Hai người kia đều là Quế trẻ, một tên HHP còn người kia? Còn phải hỏi, tất nhiên là bạn cùng trường với HHP rồi!
Còn nữa, ai đây nào? Trời, giỡn mặt mama đại tổng quản của bantbe sao? Quế sân bay đây mừ...Ủa mà ai đây nữa vậy cà? chưa gặp bao giờ, cũng chưa được đọc trên blog nữa. May quá, Quế MF mới nói nhỏ cho biết đây chính là tên ngày đó đã bắt con chí trên đầu MF bỏ qua đầu mình để mong học giỏi như MF...;)
Đỗ Nghĩa luôn tranh thủ mọi cơ hội để có tư liệu viết bài...hay là ngược lại hỷ? :) Hai người này, không biết ai viết hay hơn ai?
Bánh bột lọc nhân tôm, món quà Huế do MF mang tới.
Chúc mừng sinh nhật vui vẻ!!!!!! Mong các bạn gần xa đóng góp nhiều bài cho đứa con chung ngày càng lớn mạnh.




Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

LỜI RU TRÊN ĐẤT QUẾ LÂM .

Thân tặng các bạn HSMN nhân dịp kỷ niệm 40 năm Khu GDHSMN Quế Lâm

Nắng trưa nhẹ rắc hoa vàng
Tay cầm tấm Thiếp (*), ngỡ ngàng như mơ !
Bao nhiêu con mắt ngây thơ
Bao nhiêu câu nói dại khờ còn đây …
Đã bao mùa gió heo may
Với bao lá rụng rơi đầy trong ta …

Em là nụ, em là hoa,
Em là chồi biếc, em là mầm xanh …
Thầy Cô như ngọn gió lành
Ru em với cả tâm tình nặng sâu
À ơi em ngủ đi mau
Mẹ Cha đánh giặc còn lâu mới về.

À ơi em ngủ ngoan nghe
Có Thầy Cô Má chở che đỡ đầu,
Bão giông băng giá bao lần
Dù gian khổ chẳng ngại ngần em ơi !
Trí khôn đâu phải ở Trời
Từ trong TRANG SÁCH sáng ngời TUỔI THƠ.
Cuộc đời đẹp những ước mơ
QUẾ LÂM ngày ấy, bây giờ là đây,
Bồi hồi tay nắm chặt tay
Rưng rưng dòng Lệ, đắm say Tình Đời ! …

Thầy NGUYỄN QUỐC THÁI ( Tổng phụ trách ĐỘI cấp I NGUYỄN VĂN BÉ )
* Thiếp : thư mời dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập khu GDHSMNQL-TQ

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

NHỮNG CÂY BÚT CHÌ XANH ĐỎ Ở TRƯỜNG HỌC SINH MIỀN NAM


Bởi vì có một Quế Nặc danh (chắc là Quế cùng lớp) cứ théc méc làm gì có MF trong lớp 7A, MF đành phải post bài này, đây là bài MF viết sau dịp họp mặt 50 năm HSMN tại Hà Nội (2004), MF đăng trên trang web của hội HSMN trung ương, nhưng trang web ấy nay đã bị out (thật là buồn). Kèm theo là bức hình chụp một số bạn cùng lớp tại cuộc họp mặt 40 năm HSMN Quế Lâm (2007) tại Đà Nẵng, đố Quế Nặc danh gọi ra tên của mọi người!

Ngày 14 tháng 11 năm nay, nhân dịp 50 năm ngày thành lập trường HSMN, chúng tôi, những thầy trò đã sống dưới mái trường chung lịch sử ấy, một lần nữa ơn Đảng và Chính phủ, cho chúng tôi được những ngày tràn ngập yêu thương sau 30 năm trời xa cách. Tôi viết là “đã sống”, thay vì viết là “đã dạy và học”, vì thầy trò chúng tôi đã sống như trong một gia đình có đầy đủ cha, mẹ, anh, chị, em. Tôi xin dâng bài viết này lên các thầy, cô, má - những người không chỉ dạy mà còn nuôi chúng tôi nên người. Những người thầy không gọi chúng tôi là “em” như những học trò thông thường, mà chúng tôi gọi thầy cô má và xưng “con’, xưng“cháu”, và thầy cô má gọi chúng tôi là “cháu”, là “con”. Những người không ngày ngày từ gia đình đem sách vở tới trường để dạy chúng tôi, mà sáng dạy chữ, chiều dạy chơi, tối kể chuyện và ru ngủ, rồi sáng dậy lại chăn từng đứa ra tập thể dục! Đứa nào ăn không hết bát: lo, đứa nào ngồi gác chân lên ghế: mắng, đứa nào đến giờ ngủ trưa không thấy: đi tìm!
Chúng tôi chỉ muốn gặp lại thầy để nắm tay thầy mà hỏi: chúng con đã học hành, nhưng cũng đã hư đốn lắm phải không thầy? Chúng con nghịch ngợm, chúng con đánh lộn, chúng con trốn ngủ trưa, chúng con đùa giỡn suốt ngày nhưng chúng con thầm biết thỉnh thoảng thầy cô má có những giây phút riêng tư rất nhỏ để nhớ về gia đình, nhớ về những đứa con đẻ nơi xa xôi, tận miền Nam hay Thái bình, Hải Phòng, hay Nam Hà, Quảng ninh. Chúng con biết câu khẩu hiệu mà thầy cô má thực hiện như một thiên chức chứ không phải là một nhiệm vụ “Tất cả vì học sinh Miền Nam thân yêu!”, chúng con biết có người đã dành trọn cuộc đời riêng cho HSMN, khi trường giải tán, về lại quê hương sống một mình để rồi thỉnh thoảng lại mong nhớ lũ học trò xưa!
Năm 1966, những ngày đầu tiên tôi trở thành một HSMN của trường số 11, ở khu sơ tán Xã Xuân Lan, Móng Cái, Quảng Ninh. Thầy chủ nhiệm của lớp lúc ấy là một thầy giáo chỉ khoảng 20 tuổi, tên là Mừng. Tôi mới từ Miền Nam ra, rất bé và hay ốm yếu, một ngày tôi bị sốt rất nặng, không đến lớp được, sau khi dạy trên lớp về, không biết kiếm đâu ra một ly chè đậu đỏ, thầy bón cho tôi ăn. Sốt cao, tôi không thể nào nuốt được, thầy kiên nhẫn giỗ tôi: “ Cháu ăn đi rồi thầy cho quà” thầy đưa cho tôi một cây bút chì xanh đỏ mới tinh, tôi nắm cây bút trong tay nhưng vẫn không nuốt được. Thầy bế tôi đến bệnh xá, vừa đi vừa dỗ tôi ăn chè. Mặc dù bây giờ tôi vẫn chưa biết được thầy đang ở đâu nhưng hình ảnh này đã theo tôi suốt cuộc đời, vì những cử chỉ yêu thương vụng về của thầy đã làm tôi không quá nhớ mẹ khi đau ốm.
Từ lớp hai, chúng tôi có thầy chủ nhiệm mới ở khu sơ tán Đoan Tĩnh: Thầy Trường. Khi ấy điểm học tôi thường đứng đầu lớp, nên có một lần thầy đi phố về, thầy nói với cả lớp: K.T. học giỏi nên thầy thưởng cho một món quà, nếu các cháu đều học giỏi, thầy sẽ cho quà! Đó là phần thưởng đột xuất chứ không nhân dịp tổng kết gì cả, thầy làm vậy để động viên cả lớp học, và tôi nhận được một cây bút chì xanh đỏ hai đầu (lại bút chì xanh đỏ, nhưng đối với chúng tôi thời ấy, bút chì xanh đỏ là món quà đặc biệt lắm, vì đứa nào cũng thích ...vẽ!). Thầy dạy nhiều môn như những thầy cô cấp một khác, nhưng môn gì thầy dạy cũng hay, dường như thầy thổi hồn vào tất cả các bài giảng. Có hai lần thầy giận chúng tôi: Khi còn ở Móng Cái, một ngày thầy và má Sáu về trường (trụ sở chung của trường ở xã Hồ Viết) họp về muộn, chúng tôi mong thầy và má quá, kéo nhau ra ngoài đường cái ô tô chạy đứng chờ, gần chạng vạng tối, chúng tôi hè nhau lấy đá sỏi họ đang làm đường quẹt toé lửa chơi, thầy và má về thấy vậy hốt hoảng, đưa chúng tôi về và sau đó không nói một lời. Chúng tôi len lén leo lên sạp nằm cả lũ (lúc ấy ở khu sơ tán chúng tôi nằm ngủ tập thể trên sạp nứa).
Lần thứ hai, khi ở trường Nguyễn Văn Bé, Quế Lâm, Trung Quốc, hàng tuần thầy đưa chúng tôi đi bơi sông ở một khúc sông rất đẹp, một lần mải đùa nghịch quá, chúng tôi bơi quá vùng an toàn. Tuần sau, đến ngày đi bơi, chúng tôi đến thập thò nơi cửa phòng thầy, thầy bảo” rắn mặt lắm, thầy không cho đi đâu”, đó là hình phạt lớn, vì chúng tôi thèm được đi bơi lắm!
Chúng con nhớ cái giận của thầy cô má, cái giận vì quá lo cho lũ con cháu Miền Nam thương yêu.
Tôi từng chứng kiến một lần khóc của cô Mỵ, cô giáo phụ trách lớp khi chúng tôi học lớp ba, cô kéo tôi ra góc vườn trường và khóc nức nở, tôi không hiểu gì, lúc nguôi ngoai, cô nắm tay tôi vuốt ve và nói” Cô buồn thằng Tăng Kim quá, dạo này sao nó không nghe lời cô, nghịch ngợm, học hành sút kém. Nhưng cháu đừng nói gì với chúng nó là cô khóc nhé!” Cô Mỵ lúc ấy cũng trẻ lắm, cô chưa có gia đình, xinh và hiền như tên của cô! Tôi muốn nhắn về các bạn tôi: nếu các bạn biết thầy cô đã từng khóc cho mình như thế!
Còn má Sáu, người má nay đã khuất núi, một ngày năm lớp bốn, bọn con trai trong lớp đánh nhau, can mãi không được, má vừa khóc vừa dập ngửa đầu và tường: “chúng mày có muốn má chết không hả!” Bọn con trai lập tức nín khe, sau đó chúng nó thường ra sức kiềm chế đánh nhau (...trước mặt má).
Những người thầy ở trường HSMN nào của chúng tôi cũng sống với các học trò mình như thế! Tôi không biết có ai thưởng cho họ những phần thưởng nào cho sự nghiệp giáo dục hay không, nhưng họ đã từng như thế!
Huế 26 tháng 11 năm 2004
Q.MF

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

"TIN VẮN " QUẾ ĐÀ NẴNG .

Sau khi đưa tin về việc anh Ưng Văn Hồ mất và chợ Quế có nhiều bạn đưa ra nhiều "thông tin Quế", Tgtb thấy cần phải nói thêm một chút về các "thông tin Quế" này:
Cơ quan của Tgtb và Quê Dương Xuân Bình gần nhà anh ƯVH nên trưa 27/8/10 2 thằng đến thắp hương anh. DXB quân hàm quân hiệu đàng hoàng (thượng tá ca, trước PP CTCtrị, nay là PCAQ Liên Chiểu - nhân vật mặc cảnh phục làm công tác tổ chức đọc lời giới thiệu Hôm "40 năm HSMN Quế Lâm") đứng nghiêm trước bàn thờ và...giơ tay chào cái...rụp, làm mình định mần theo nhưng may kịp dừng, đứng nghiêm cầm hương lạy anh H.
Tin anh ƯVH mất được thông báo tại buổi họp mặt ngay tối 27/8 của một số HsMNQL (dịp này HSMN QNĐN còn mất một chiến hữu nữa là Đại tá Vinh HSMN Nam Hà).
Nghĩ là anh ƯVH về nước sớm, về hưu sớm nên chắc ít người biết nên ngoài TB tại buổi họp mặt Tgtb chỉ alô cho vài Quế.
Ngày hôm sau theo chỉ đạo của "bảo kê chợ Quế" Tgtb có nhiệm vụ phải đưa thông tin về anh ƯVH lên Chợ Quế để các Quế biết chia buồn, tưởng nhớ anh. Thú thực ở Quế Lâm Tgtb chỉ biết anh H học cùng lớp người em họ và sự kiện các anh trốn về nước hè năm `1972, còn đâu có biết gì thêm. Ngay cái họ Ưng, năm sinh, quê quán của anh cũng mới đọc ở tờ cáo phó ở nhà anh lúc đi viếng. Sau khi nghỉ hưu, thời gian đầu anh H làm bảo vệ Cq Tòa án Đà Nẵng nơi có quan chánh án HN học lứa với anh ở QL. Tgtb có hầu tòa mấy vụ tranh chấp HĐKT nên gặp anh đều đều, lúc nào cũng thấy anh cười. Các thông tin khác về anh ƯVH và các anh "vượt biên" là do Tgtb biết sau này và suy luận nên mới có thông tin mà Quế NG.H đính chính. Thật ra là không phải nhớ nhầm mà có nhớ đâu, chỉ nhớ trốn về nước bị bắt quay lại, nhưng sau đó về nước đi bộ đội về MN chiến đấu đàng hoàng. Do đó bây giờ phải suy luận: đã được đi bộ đội thì phải được phép về nước... và thế là... bị Ráo "bắt việt vị".
Về các anh "vượt biên" năm nào, Tgtb sau khi về MN có chơi với anh Đức lúc anh Đ làm CA ở Hội An Tgtb học ở đó nên hay ghé nhà chơi, sau đó anh chuyển vào Tp HCM thì không gặp nữa. A Tiến Dũng (chính xác là hè 1972 học hết lớp 5 thôi, sau anh ƯVH 1 năm), sau 75 TD ct ở Sở CA QNĐN nhưng 79 do bất mãn và cũng "bốc đồng" nên nghỉ việc đi buôn. Do mâu thuẫn trong làm ăn nên bị đồng đội "thanh toán", khi tìm thấy xác thì đã phân hủy gần hết, một thời gian sau mới xác định được danh tính. Mặc dù không trực tiếp nhưng vạch kế hoach và chỉ đạo tt TD cũng là một...Quế CA nghỉ việc đi buôn. Về TD là chuyện dài nhiều tập. Thông tin về anh Mỹ xin nói lại: hiện anh M đã về sống ở Điện Hồng, Điện Bàn, QNa. Anh Mỹ là chồng chị Bình (lứa với Q Ráo, HHP...)
Về buổi họp mặt đột xuất Quế ĐN chiều tối 27/8/10 nhân dịp Thầy Từ ghé thăm ĐN (chỉ NT dây chuyền qua ĐT) nhưng cũng khá đông gần 100 Quế có mặt. Cũng tại buổi họp mặt này các Quế ĐN thay mặt tất cả các Quế chúc thọ Thầy giáo Lê Phú Lộc, Nhà giáo nhân dân (Quế ta vẫn gọi trìu mến là bác Lộc) tròn 90 tuổi. Quê NT Tuyết, cựu PCT HLHPN ĐN đọc "diễn văn", nhưng Quế thì ở đâu cũng..."bù chao" cả nên nghe câu được câu mất, nhưng chắc chắn đại ý: nhớ trường, nhớ kỷ niệm, nhớ thầy cô má, bạn bè, biết ơn...và xin hứa...
Bác Lộc phát biểu cám ơn, căn dặn các các cháu và có nhắc là: BT TU ĐN có gợi ý hôm "40 năm..." là 5 năm làm 1 lần, bác nhắc nhở đội Quế đó.
Dự họp măt, phía thầy cô có: bác Lê Phú Lộc, Thầy Bùi Quang Tạo - HT CII NVB 74-75, vc Chú Thạnh (PD) Cô Sinh (Kế toán Khu), cô Thảnh trường Dân tộc.
Các Quế mà Tgtb biết có: Lớp lớn nhất lứa MF có a. Bửu, Hào 'chuột",
Lứa Q Ráo, HHP...lớp 7 (72-73) thấy có Quang - TB TG Q TK, có lúc là PCT QTK. chị Phương DS thương binh, Bs Sáu, cựu Pct >1/2 TpĐN NT Tuyết,Trọng (B hay A?), V Vinh, TV Cận (Gđ SGTQN), H. Tâm Gđ DLVN tại ĐN (đăng cai)...
Quế lớp 7 (73-74) Đại tá Cảnh Mai, PGĐ SCA, Đt Tưởng TCAQTK, Hường, Hiền (Sở Địa chính), Mộng Linh, Giang, Ngà, Loan "mít", nữ bsBa "gấu", Phụng, Hữu Hùng, Mỳ Hạnh, Bích Chính, TMThiết, Mai "béo"...
Quế lớp 7 (74-75): XBình, Hinh, Hồ Hòa, PHuệ, LHH (bạn Lê Huệ), Bốn (chồng PHuệ) , Tâm...
Quế lớp sau: Quán, Quỳnh (vợ Hinh), Thúc, Vũ , Giao, Ruy...
Buổi họp mặt diễn ra trong không khí rất cảm động. cũng có vài "Zoọng ca zàng" hò hét nhưng "cái zụ zăng ngệ" này Quế Đà phải gọi Quế Sài là "Sư fu".
Ngày hôm sau BĐD Quế Đà đưa thầy Từ và gđ tham quan Bà Nà. Sáng CN 29/8 các Quế Đà cafê sáng KS Faifo - Ga ĐN (SH thường kì Quế Đà sáng CN cuối tháng, Quế nào đến ĐN dịp sáng CN cuối tháng ghé KSFaifo ĐN sẽ gặp nhiều Quế Đà) cùng Gđ thầy Từ, sau đó tiễn thầy ra sân bay.
Chi tiết nhớ nhất cuối buổi họp mặt là phát biểu của Quế Ngà: Bài thơ Cây tre dài nhằng mà ông Mai cũng nhớ giỏi thiệt! (đúng là bài thơ "Tre xanh" của Thu Bồn - Quế CMai đọc bài thơ này trong). Tui thì tui chỉ nhớ mỗi...mụt măng thôi, mà nhiều lúc cũng quên lên quên xuống...
Thực ra đâu phải chỉ có Quế Ngà, các Quế nữ khác cũng làm sao mà nhớ cho nỗi cả "rừng tre", nhớ được một mụt măng là tốt lắm rồi, phải hông?
Chúc các Quế CN zui zẻ!

TGTB

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

THƯ MỜI

Nhân dịp bantbe tròn 2 tuổi (9/9/2008 - 9/9/2010). Ban tổng quản blog xin mời các bạn HSMN Quế Lâm và các bạn bantroi đến dự buổi họp mặt thân mật tại nhà hàng ĐẤT TIÊN SA số 3 đường Đống Đa vào lúc 17h00 ngày 12/9/2010. Rất mong sự tham gia và ủng hộ của các bạn.
Thay mặt ban tổng quản Hồ Như Nguyện.