Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Hồi ức HSMN tại Quế Lâm (tt1)

Tết lạnh 2
Tác giả: CD. http://hocsinhmiennam.com/tet-lanh-2/


Bâng khuâng thấy hoa xuân miền biển nở…

Tết Ất tỵ 1965 ở Kiến An.

Tết Bính ngọ 1966 ở Móng Cái.

Tết Đinh mùi 1967 ở Bình Ngọc…

Không nhớ ngày tháng, chỉ biết sau Tết 1965 bắt đầu sơ tán, đầu tiên lên Thái Bình, cũng không rõ huyện xã, chia ra ở nhờ nhà dân, không có nước giếng, chỉ ra tắm sông, đứa nào cũng ghẻ lở kềnh càng. Không bao lâu thì được về Trường Trung cấp Nông nghiệp gần thị xã, đại khái có đi qua cầu Bo. Còn nhớ khu trường khá rộng và rất đẹp, trồng nhiều cây nhưng học viên sơ tán bỏ trống không ai chăm sóc nên rất nhiều sâu róm, đến mùa mưa thì ao vũng và cả hố cá nhân đầy ếch con bằng đầu đũa, sáng sớm ra hành lang đạp phải cứ nổ lép bép, sân trường bị trũng nên thường xuyên ngập nước, qua lại không cẩn thận là hụt chân rơi xuống hố cá nhân. Ăn cơm thì thức ăn chủ yếu chỉ có nhộng tằm rang mặn và canh rau muống, nhộng tằm chắc rẻ nên rất nhiều, rang lên béo béo cũng dễ ăn nhưng thực đơn cả tháng ngày nào cũng thế, vào tới nhà ăn nghe mùi là nhợn nhợn. Kế lại chuyển qua một nơi khác gần thị xã hơn, cũng là trụ sở của một cơ quan nào đó sơ tán bỏ trống, khá cao ráo khang trang. Cũng không nhớ ngày tháng, chỉ biết vào một buổi chiều, đang ăn cơm thì ngoài cổng có hơn mười chiếc xe chạy vào đậu thành một dãy, xe còn mới mà đẹp, lớn hơn loại xe khách thông thường. Kế nghe loa phóng thanh thông báo học sinh ăn cơm xong thì khẩn trương về thu xếp đồ dùng cá nhân ra xe ngay, cứ hai lớp một xe, Tổ tam tam chịu trách nhiệm điểm danh học sinh trong lớp rồi đi luôn theo xe, hai lớp nào đủ người thì đi trước, không cần đợi các lớp khác. Thấy có hàng chữ Phủ Thủ tướng sơn trên đầu xe, mới biết xe từ Hà Nội xuống, mỗi xe hai người lái. Các chú lái xe, các thầy các má các chị đều nói ít nhưng dáng vẻ rất khẩn trương. Về sau mới biết hai hôm sau không quân Mỹ có sự phối hợp của tàu chiến ngoài biển ồ ạt ném bom bắn pháo vào thị xã Thái Bình suốt ngày, mà một trong những mục tiêu là Trường Học sinh miền Nam số 11!



Đoàn xe hướng lên phía bắc đi suốt đêm, rồi suốt ngày, rồi suốt đêm, qua ngang Hòn Gai lên Móng Cái. Có xe commăngca đuổi theo phát cơm nắm và nước uống. Nhiều chặng dài ven đường không có nhà dân, tiếng máy xe đều đều, người trên xe mệt mỏi đều hoàn toàn im lặng. Nhìn ra hai bên đồi núi chập chùng, phía trước bụi đỏ cuốn lên mù mịt, con đường trải dài xa tít như vô tận, trời cao trong vắt, tấm lòng trẻ thơ bắt đầu vương mang ý vị thê lương…
Tới Móng Cái vào ở một khu khá rộng, nghe nói là đại bản doanh của tướng phỉ người Tàu hình như tên Woòng A Sáng trước 1954, không biết đúng không nhưng chắc chắn là khu đóng quân kiêm nhà giam của quân Pháp cũ. Toàn khu đất rộng khoảng ba bốn hécta, chung quanh có hàng rào dây thép gai nhưng chỗ còn chỗ mất, cây cỏ um tùm, rải rác nhiều gian chỉ rộng gần hai mét vuông, trên nền gạch lở lói ngổn ngang sắt thép rỉ sét, đều là dụng cụ tra tấn như roi, gậy, máy phát điện quay tay, trên tường phần trên vôi vữa ngã vàng bị rêu ăn bong ra chỗ vàng chỗ đen, còn từ khoảng thắt lưng trở xuống đầy vết máu đã khô xỉn lại lốm đốm, qua hai mươi năm mà nhìn tới vẫn thấy rờn rợn, lúc chiều xuống càng lạnh lẽo âm u. Phía ngoài trường cứ vài trăm mét là có một cái lô cốt, vào đó chơi đùa còn thấy súng máy chỗ các lổ châu mai, cũng đã rỉ sét. Dưới đất cả trong lẫn ngoài khu có rất nhiều vỏ đạn, có khi còn nguyên đầu đạn, nhiều chỗ có cả hàng trăm viên, các bạn học rủ nhau đi tìm kiếm đào bới đem về tháo đầu đạn ra lấy thuốc súng làm pháo hoa, mùa đông đốt lên nghe mùi rất ấm. Khu đất là cứ điểm quân sự nên đóng trên một khu gò, Hiệu bộ, lớp học phía ngoài cổng, thầy cô cán bộ và nhà bếp nhà ăn ở giữa, học sinh ở một dãy phòng phía trong cùng trên đỉnh gò, cao hơn mặt đất khoảng ba bốn mươi mét, xếp đá xanh làm bậc, có tới hàng trăm bậc, còn nhỏ nên đi học đi ăn lên xuống mỏi chân lắm. Lúc ấy các cơ quan sơ tán phần nhiều đều lấy mật danh để liên lạc qua đường bưu điện, trường 11 có tên là Hợp tác xã Tiền phong 1, trường 13 có tên là Hợp tác xã Tiền phong 2, hình như các khối được gọi là Đội, các lớp được gọi là Tổ sản xuất, cũng không nhớ nữa vì không cha mẹ không thân thích thì làm gì có thư mà nhận mà gởi, chỉ vì một số bạn học có cha mẹ người thân ở miền Bắc thỉnh thoảng có thư thì mới biết vậy thôi.
Đầu thời chiến tranh phá hoại sinh hoạt vật chất ở miền Bắc chưa kham khổ lắm, Học sinh miền Nam lại ít nhiều được ưu tiên nên ăn uống không đói, chỉ là hơi lớn lên thì ngày càng nhớ nhà. Tắm giặt thì ra sông Kalong, nước sông đầy cạn trong đục theo mùa, trên bờ sông toàn đá cuội to bằng nằm tay, đặt quần áo lên chà xà phòng vò vò rồi xuống sông xả. Lên lớp 5 còn má bảo mẫu giúp cho chứ lên lớp 6 là thôi, phải tự lo cho mình hoàn toàn nên nói ra cũng buồn cười, nữ sinh phải biết may vá thêu thùa đã đành nhưng nam sinh trong trường lúc ấy cũng có quá nửa thành thạo công phu kim chỉ, mũi đột mũi nhíp, vắt khuy khâu nút là chuyện bình thường, có đứa còn biết mạng, đẹp không thua gì con gái!
Tốt nghiệp lớp 4 lên lớp 5, chuyển qua trường 13, cũng ở cùng khu. Lên lớp 5 được phát sinh hoạt phí 4,3 đồng một tháng, có tiền thì chiều thứ bảy hay ngày chủ nhật cũng cùng các bạn học ra thị trấn chơi, cắt tóc mua sắm lặt vặt, ăn bánh uống nước này nọ. Thường đi cả đám nhưng một đứa trả tiền, tuần này đứa này thì tuần sau tới đứa khác, cũng không hề tính toán so đo với nhau, chỉ là dần dần hình thành các nhóm tương đối cố định. Chỉ một mình không chơi riêng với nhóm nào, có tiền thì đứa nào nhóm nào rủ cũng đi, giành trả tiền trước, lần sau bọn y rủ mà hết tiền thì không đi nữa, các đối phương hình như sợ mắc nợ miệng nên có khi mua bánh trái về cho, vui thì nhận không vui thì không nhận, trong con mắt bạn học dần dần bị coi là tính nết bất thường! Lại vì có tật nên được miễn môn thể dục, tới những tiết ấy đều cố tránh không đi ngang chỗ tập, về sau thì tránh cả chỗ đông người, tránh không được thì lui ra phía sau, im hơi nín tiếng, trở thành trầm lặng mặc cảm, hết giờ học giờ ăn thường chỉ lủi thủi một mình. Từ nhỏ ở Sài Gòn đã ham đọc sách, lúc qua Quế Lâm thư viện chung của ba Trường Học sinh miền Nam dồn lại khá lớn, rất nhiều sách hay, nhưng không mấy thích sách thiếu nhi mà chỉ thích sách văn học, sách dịch thì đặc biệt thích sách văn học và sử truyện Trung Quốc cổ, các cô chú ở thư viện đều biết mặt nhớ tên.
Theo các bạn học ra thị trấn chơi lại tình cờ gặp đồng hương người Nam Bộ, là Học sinh miền Nam lứa tập kết năm 1954 tốt nghiệp Đại học Sư phạm được phân công về dạy ở trường cấp 3 Móng Cái. Có hai người, là chị Hoa, người gốc Hoa, mắt xếch, rất xinh đẹp và anh Sang, tính trầm lặng ít nói nhưng rất tình cảm, lúc ấy đều chưa lập gia đình. Đi chơi chung với hai người còn có anh Chỉnh là giáo viên cùng trường, người miền Bắc, có vẻ rất mến chị Hoa (Chị Hoa và anh Sang, hơn bốn mươi năm nay em vẫn thường nhớ tới anh chị, nếu cái entry này may mắn tới được chỗ anh chị, xin nhắn một tiếng cho em được gặp lại).
Thị trấn Móng Cái lúc ấy còn nhỏ, dân cư thưa thớt, có những khu phần lớn là người Hoa, đặc trưng là trước hiên nhà thường có tổ chim én, xuân thu bay ngang liệng dọc. Sông Kalong chảy vòng quanh phía bắc thị trấn, làm một đoạn đường biên giới tự nhiên với Trung Quốc, cách trường khoảng 2 km, có một con đường rải đá chạy cặp theo bờ sông, lên lớp 5 bắt đầu học Trung văn cứ nghĩ Ka Long là con rồng hát, về sau vào Đại học mới biết đó xuất phát từ phụ âm đôi Kl, Ka Long cũng thế mà Cửu Long cũng thế, trong ngôn ngữ Đông Nam Á cổ đều là Klong (sông). Trên sông có khá đông dân làm nghề chài lưới, phần lớn là người Hoa. Hè 1965 có một bạn lớp 3 tên Nguyễn Hồng Lâm có mẹ lên đón về ở cùng, trường đang làm thủ tục cắt chuyển hộ khẩu tem phiếu, y ra sông tắm với một đám bạn, bơi ra xa sơ ý rơi vào luồng nước xiết bị cuốn mau đi, đám bạn kêu la inh ỏi, có hai chiếc thuyền chài đi ngang nhìn thấy nhưng dửng dưng không cứu, hồi lâu mới có mấy người đi đường bơi ra vớt lên đưa giúp về trường thì chết, nghe nói dân chài người Hoa mê tín cho rằng người chết đuối là bị Hà bá dưới sông bắt về hầu hạ, nếu cứu thì nhà mình sẽ có người phải thế mạng mới thành nhẫn tâm như thế. Mẹ y khóc lóc chết đi sống lại, lên đón con thành lên chôn con, thời chiến đi lại khó khăn phải chôn luôn ở Móng Cái. Về sau qua Trung Quốc cũng có mấy đứa chết vì dịch viêm màng não, vì ngã núi, có đứa bị Hồng vệ binh bắn bị thương, riêng mình cũng hai lần bị đám Hồng vệ binh thổ phỉ hóa bắn bừa suýt mất mạng, Cúc Hoa về ở với mẹ chưa kịp qua Quế Lâm đã trúng bom chết tan xác ở Đông Triều Quảng Ninh. Thời ly loạn thì hoạn nạn có chừa ai, Học sinh miền Nam lúc ấy được gọi là Hạt giống đỏ nhưng xương thịt cũng rải dài theo những nẻo đường sơ tán, nước mắt lại càng không cần phải nói, nhưng vận nước đã thế, phận người cũng đành phó cho may rủi chứ biết làm sao!
Lên tới Móng Cái rồi vẫn còn nhiều đoàn học sinh từ trong nam lục tục ra sau, trong số đó có anh em Hoàng Lệ Hùng, Hoàng Lệ Hổ con liệt sĩ Hoàng Lệ Kha và Huỳnh Minh Tuấn con bác Huỳnh Tấn Phát. Năm 1965 đường hàng không Phnom Penh – Hà Nội đã bị gián đoạn vì chiến tranh phá hoại, nên những học sinh người Nam Bộ đợt cuối này phải đi theo một lộ trình khá ziczac: từ Phnom Penh qua Hương Cảng, từ Hương Cảng qua Quảng Châu rồi từ Quảng Châu về Việt Nam, có khi đơn giản hơn thì từ Phnom Penh qua Quảng Châu rồi về Việt Nam.
Không nhớ được gì nhiều về Tết Bính ngọ 1966 ở Móng Cái, cả Tết Đinh mùi 1967 ở Bình Ngọc cũng gần như thế. Nhiều khi nghĩ lại cũng thấy ngạc nhiên, mãi đến 1975 sau khi về nam mới sực hiểu ra là vì sơ tán ở nơi quá xa, hầu như không bạn học nào có gia đình ở miền Bắc có thể về phép, sinh hoạt ngày Tết nói chung vẫn như ngày thường, vẫn bấy nhiêu khuôn mặt, không thấy trống vắng nên tự nhiên cũng không có ấn tượng gì nhiều. Mới biết sự gián đoạn các quan hệ thường nhật thường có những tác động lớn tới tâm lý và tình cảm của trẻ em.
Học gần xong lớp 5 ở Móng Cái lại sơ tán ra Bình Ngọc, là một xã ở bán đảo Trà Bình (Trà Cổ và Bình Ngọc), cách Móng Cái khoảng 15 km, qua một cái cầu (thật ra là kè đá). Không bao giờ quên được cảnh tượng trên cái kè đá rộng khoảng sáu bảy mét, dài khoảng 2 km bắc qua biển, bốn bề ánh nắng chang chang, hai bên sóng biển lăn tăn, mấy trăm đứa nhỏ cả trai lẫn gái chia thành mấy chục nhóm xúm xít quanh mấy chục cái xe bò chở quần áo sách vở và đồ dùng nhà bếp vừa đi vừa đùa giỡn cãi vã trêu chọc chửi mắng lẫn nhau, xét trong hoàn cảnh chiến tranh đương thời thì quả là hình ảnh thu nhỏ của một đoàn di dân tỵ nạn, nhưng nhìn từ không khí náo nhiệt lúc ấy lại rất giống một bộ lạc Digan đang trên đường tới dự vũ hội hóa trang! Đoàn người kéo dài hơn 1 km, đi một mạch khoảng bốn giờ không nghỉ, thay phiên nhau đẩy xe, đứa nào mỏi chân thì lên xe ngồi một đoạn rồi xuống nhường chỗ cho đứa khác, chỉ có riêng mình lúc định xuống thì các bạn đều nói cứ ngồi đi mày nhẹ tụi tao đẩy được chứ không nói cứ ngồi đi chân mày có tật, ép phải ngồi trên xe tính ra cũng hơn một nửa quãng đường, mới lờ mờ nhận ra rằng trong quan hệ với các bạn học thì trước nay mình đã có nhiều điều nghĩ bậy làm sai!
Từ đó trở đi, bên cạnh con người ưu uất kia lại xuất hiện thêm một con người khác…
***
Tết Đinh mùi 1967 ở Bình Ngọc chẳng nhớ được gì nhiều, nhưng vùng đất ấy thì không quên được.
Bình Ngọc có bốn thôn, khối 5, khối 7 và nhà bếp ở thôn 4, khối 6 gồm ba lớp và Hiệu bộ ở thôn 3, thầy trò đều chia ra ở trong nhà dân. Lúc ấy ở lớp 6A, đi học thì lên thôn 2, khoảng 3 km, lãnh cơm thì xuống thôn 4 cũng khoảng 3 km, chỉ trên một trục đường. Phòng học gồm mấy gian nhà tranh trên một gò cát, về sau đào giao thông hào từ giữa gò rút ra ngoài, qua một rặng phi lao thì tới biển, không đầy 1 km. Nhà tùy theo rộng hẹp mà cho ở nhờ, lúc ấy ở cùng nhà với ba bạn học nữa, theo đường thôn vòng vèo cũng chỉ đi khoảng 2 km là tới biển.
Xã Bình Ngọc sát biển nên toàn cát, về cơ bản không trồng được lúa nên lương thực chính là khoai lang. Dân ở đó ăn khoai bốn mùa, bữa ăn chính là cháo khoai khô (khoai thái lát phơi khô cất vào chum vò, đến bữa thì lấy ra vài nắm nấu cháo) rất loãng và rạm rang mặn, chỉ người ốm mới được ăn cơm. Khoai trồng đất cát nên củ to lại dễ đào, có khi chỉ cần đá vào luống là bật cả củ lên. Có loại khoai nghệ ruột vàng ươm đặc biệt ngọt, tên địa phương là khoai càm, mùa đông nướng ăn rất thích. Trẻ con ở đó thường quanh năm không thấy mặt bánh kẹo, món quà rong gần như duy nhất là bánh đúc nhưng chế biến từ gạo nên khá đắt, mỗi cái hai hào. Xứ ấy có món mắm còng rất độc đáo nhưng cách chế biến hơi mất vệ sinh, tức còng bắt được mang về rửa qua phơi nắng nửa ngày cho chết (hay chết dở) rồi để nguyên con cho vào vò đất khoảng trên dưới mười lít, cứ một lớp còng rải một lớp muối hột, lượng muối cũng khá tùy tiện, đầy vò thì nén chặt rồi đậy nắp trát ximăng niêm lại đặt luôn ngoài sân, thường sau mùa hè là mang ra ăn, mùi rất ghê gớm, không thua gì mắm bòhóc truyền thống của người Khmer. Tết năm ấy chủ nhà cho ăn cơm không những không đứa nào dám chấm mà còn đều cố quay mặt cho xa dĩa nước mắm.
Hiệu bộ đóng trong một nhà dân có cây chay rất lớn, quả sống toàn nhựa không ăn được nhưng chín cũng chát sít, chỉ dùng để nấu canh. Quả thái ra có lổ như củ sen, cuối hè rụng đầy sân, nếu không nhặt ngay mà để qua một đêm thì sáng hôm sau bẻ ra là toàn muỗi, chẳng biết chúng chui vào theo đường nào. Đường thôn vòng vèo, nhà nào cũng trồng xương rồng làm hàng rào. Có hai loại xương rồng, một loại mọc thẳng có gai dọc thân, một loại gọi là Lưỡi long bò sát đất mọc lan ra theo từng đốt, mỗi đốt có vài cái “lá” bằng bàn tay, mặt phủ đầy gai, có quả ăn khá ngọt, nhưng không biết cách làm sạch lớp lông ngoài vỏ mà cắn vào thì dộp lưỡi ngay. Loại xương rồng này mùa xuân mùa hè có mưa hút được nhiều nước nên quằn xuống lấp trong cát như bàn chông, giẫm phải mà không lể gai tại chỗ thì cà nhắc mấy ngày mới lấy ra được, nghe nói là gai đi dần vào thịt, rất là đáng sợ.
Lúc mới về ở không sao giao tiếp với dân địa phương vì ngôn ngữ. Họ nói rất nhanh, ngữ âm lại có nhiều nét khác biệt với phương ngữ Bắc, ví dụ “Cái tiện ăn tộm hoi hô phải nói cho ra nẽ” (Cái chuyện ăn trộm khoai khô phải nói cho ra lẽ). Từ ngữ cũng có chỗ đặc sắc, ví dụ ngoài trường hợp vợ chồng gọi nhau thì “mình” ở các nơi khác đều là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít nhưng người địa phương này lại dùng với ý nghĩa là ngôi thứ hai. Bà chủ nhà tự xưng là bá, ông chủ tự xưng là bác, tức cặp từ bác/bá này có phân biệt về giống như chú/thím, cậu/mợ vậy. Đặc biệt họ phát âm khá giống người miền Trung, ví dụ không nói là hương mà nói là nhoong (nhang), họ Võ chứ không phải họ Vũ, về sau các thầy nói cách đó gần một trăm năm có một làng chài ở miền Trung bị bão dạt ra định cư luôn ở Bình Ngọc nên đó là dấu vết về nguồn gốc của họ. Nói chung lúc ấy dân ở đó rất nghèo, dân trí thấp, phần đông trẻ con nhiều lắm chỉ học hết cấp 2 (lớp 7 hệ 10 năm), đứa nhỏ trạc tuổi con chủ nhà thấy bọn Học sinh miền Nam tự học ở nhà cứ đứng xa xa ngó, trông thương lắm. Nhưng nhờ y chỉ dạy nên mùa hè ra biển cũng biết kiếm thức ăn, cào nghêu hôi cá, bắt cua đuổi còng, mang theo một hộp diêm là có thể ra biển chơi suốt ngày không sợ đói, lại học được bản lãnh tắm biển không cần dội lại nước ngọt, gãi đầu không ra gàu mà ra toàn muối, giờ nghĩ lại thấy cũng buồn cười.
Hồi đó Học sinh miền Nam được đào tạo khá toàn diện, được học cả nhạc và vẽ, đại khái cũng biết luật viễn cận – đường chân trời, biết khóa biết nhịp và nốt tròn nốt trắng nốt chùm ba vân vân, đến giờ nhìn bản nhạc vẫn có thể xướng âm. Các nhạc sĩ Võ Đăng Tín, Lê Anh Trung ở thành phố hiện nay chính đã làm quen với âm nhạc ngay từ thời ấy. Tiếc là lúc qua Trung Quốc lại không được học tiếp, cũng không có năng khiếu thành ra hiểu biết về nghệ thuật đến nay vẫn chỉ dưới mức vỡ lòng. Năm lớp 6 phải học bàn tính, đua nhau tìm tre gỗ chuốt gọt lắp đóng làm khung, đào đất sét vê nhồi nặn phơi khoét làm con tính, mùa hè thì rủ nhau làm diều ra biển thả, Trung thu cũng đua nhau làm đèn lồng, có đứa khéo tay còn làm được cả đèn kéo quân, tết thì làm súng diêm, lúc ở Trung Quốc còn được học kỹ thuật công nghiệp, phải biết bào biết cưa, còn nhớ lúc thi cưa vòng một hình tròn được 4+ (tức 9 điểm) mà chỉ là loại trung bình trong lớp. Từ cấp hai đã phải tập làm thơ loại hơn con cóc một chút để nộp báo tường của lớp vì vào dịp Tết mỗi lớp phải có một tờ báo tường trang trí màu mè để thi, lên cấp ba liên hoan văn nghệ cũng đủ ca vũ kịch, có đứa như Nguyễn Chí Hiếu (con chú Nguyễn Võ Danh tức Bảy Dự) còn viết được cả kịch bản khá trôi chảy cho đội kịch của lớp diễn. Đây là chưa nói tới thể dục thể thao, đội bóng đá Trường Học sinh miền Nam lúc bên Trung Quốc từng thắng cả đội bóng Quế Lâm vốn đứng nhì tỉnh Quảng Tây. Lao động tay chân như trồng rau trồng cải thì về sau mới biết, chứ lúc ở Bình Ngọc thì làm quen với cuốc xẻng là vì phải đào hầm cá nhân và giao thông hào để tránh bom, ngoài ra còn phải làm nón rơm, tức tìm rơm khô cỏ khô tết thành một con cúi dài vài mét rồi quấn lại thành một cái nón rộng vành có đường kính tối thiểu 50 cm vừa đủ che kín miệng hố cá nhân để chống bom bi… Sống tập thể nên đứa này biết thì dạy lại đứa khác, lối đào tạo lẫn nhau trên cơ sở môi trường sinh hoạt ấy đã khiến Học sinh miền Nam về sau trưởng thành vào đời phần nhiều đều đa tài đa nghệ.
Ở Bình Ngọc lúc ấy không có phim ảnh đài báo gì, nhớ gần Tết rét mướt mà cứ chập tối là cả ba lớp khối 6 kéo nhau lên Hiệu bộ nghe thầy Ngọc Hiệu phó kể chuyện. Hồi đó thầy kể chuyện Viên đạn ngược chiều kể về một chiến sĩ tình báo Việt Nam thời chống Pháp, sau mới biết người tình báo ấy là cha một bạn học cùng lớp. Lúc ấy báo Nhân dân còn khởi đăng một phần hồi ký mang tên Từ những trận chiến đấu ác liệt thắng lợi trở về của Nguyễn Đức Thuận (về sau in thành sách lấy tên là Bất khuất), cũng nhờ thầy kể mới biết, chứ học sinh thì báo đâu mà đọc. Phải nói ông thầy này khá đặc biệt, có khẩu tài, biết văn chương, kể chuyện là học sinh mê tít, Tết đến còn làm tặng mỗi lớp một bài thơ ghép tên học sinh toàn lớp, cũng nôm na thôi nhưng không rõ vì sao vẫn còn nhớ bài về lớp 6A tới tận bây giờ:
Gởi đến 6A chúc Tết chung,
Đinh mùi vui khỏe nhé Hương Dung,
Đồng Đồng Hoa Dục Vân Nhì Thủy,
Cẩm Cẩm Lai Khanh Thúy Hường Trung.
Thủy Văn Năm Phụng Mai Sanh Quảng,
Dũng Sĩ Phương Nam Sự Danh Hùng.
Không nhớ rõ lắm, nhưng hình như khoảng hôm mùng 5 Tết đột ngột có lệnh tập trung về chỗ cũ ở Móng Cái, lần này thì có xe đưa. Ngủ ở Móng Cái một đêm, 5 giờ sáng tập hợp lên xe ra đầu cầu Kalong. Trong màn sương mờ đục lạnh buốt, ánh đèn pile được che bớt ánh sáng thỉnh thoảng lóe lên, học sinh im lặng xếp hàng hai theo từng lớp đeo balô nối nhau qua cầu, cán bộ biên phòng Việt Nam – Trung Quốc đứng cả hai bên đầu cầu cùng đếm và xác nhận với nhau, hình như cả các thầy cô cũng không có hộ chiếu. Còn nhớ lúc sắp bước lên cầu thì thấy bóng cô Tịnh dạy Trung văn đứng tiễn, biết cô không qua Trung Quốc nên chợt thấy buồn, vì là cán sự Trung văn của lớp nên đặc biệt nhớ người cô này. Kế thấy chị Mỵ phụ trách Đội lúc cấp một, cũng lí nhí chào chị rồi đi, học sinh vì còn nhỏ không biết gì chứ người lớn dường như ai cũng ứa nước mắt…
Qua khỏi cầu vài trăm mét thì lên xe. Một bạn học thì thào “Các thầy nói là đi Nam Ninh”.
Khoảng hơn một tháng sau, không quân Mỹ tiến hành oanh kích Trà Cổ – Bình Ngọc…
Tháng 1 – 2. 2008

(Xem thêm)

2 nhận xét:

  1. Giọng văn cứ bàng bạc, rất HSMN, rất khác biệt với những giọng ký khác. Cứ lôi kéo ta trở về với cái ký ức rất chung mà cũng rất quen thuộc của những con người từng trải qua những chặng đời này. Không biết người ngoài cuộc họ có hiểu được không nhỉ?

    Trả lờiXóa
  2. bền ngoài nghe nòi nói giọng điều mình đã cảm thấy thích rồi.. không ngờ trong lời văn lại hay đến như vậy

    Cùng tìm hiểu thêm về những điều bạn chưa biết về trang hót nhất hiện nay nhé
    >>> vinaphone khuyen mai - nap tien dien thoai - khuyen mai vinaphone

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]