Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

KỶ NIỆM HỌC TRÒ.2


Bài 2: Chuyện của T.Q.
Hôm cô giáo giảng bài thơ : “ Tiếng hát sông Hương” của nhà thơ Tố Hữu , khi cô vừa đọc dứt câu : . . . Khi mô vô bến rời dòng dâm ô . . . Bỗng dưới lớp có em hét lên “ Trời ơi !” làm cô và cả lớp thảng thốt. Không đợi lâu cái giọng đó hạ xuống, đọc tiếp: em biết khi mô. Thân em hết nhục dày vò năm canh . . . Hay ! cô khen giọng đọc diễn cảm và nhờ đọc hết bài Đương nhiên đọc xong bị cô rầy vì đã giỡn trong giờ học. Cô “ rủ ’’ T.Q. 2h chiều lên đọc kình thơ với cô Nếu đọc lợi cô thì trong giờ dạy cô cho phép cướp lời cô bất cứ lúc nào .
1h30 vừa mở cửa cô đã thấy T.Q. chờ sẵn .
- Cô hẹn 2h mà .
T.Q. bẻn lẻn :
- Em chờ để xin lỗi cô.
Sau đó cô trò họ rất thân nhau .
Hôm rồi ra Đà Nẵng, cô giáo có báo với T.Q. Nhưng T.Q. nói là bận giữ nhà không đến được. Cô giáo nghĩ: giá như nó không phải là ông chủ của một tiệm vàng có cỡ ở Đà Nẵng thì cô giáo đã đến thăm nó rồi. Vì cô giáo rất nhớ nó. Thôi đành gởi lại trong gió Đà một nỗi buồn và nhớ . . . bâng quơ ! ! ! .
Đ.T.N.T.
Bài 3 :
Chào sư phụ
Từ nhà ở của giáo viên trường HSMN số 8 Vĩnh Phúc thời sơ tán đến nhà ăn tập thể của trường khá xa nhau . Giáo viên thường sang nhà ăn dùng cơm rồi về . Hôm đó thầy L không khỏe nên mang cập lồng nhận cơm về ăn. Trên chiếc xe đạp tập tàng , chiếc nón lá lụp xụp trên đầu , thầy vừa quay về đến triền dốc , bỗng “ vèo”, cập lồng cơm biến mất . Đó là mấy đứa đang chăn mấy con dê tự túc của trường . Thầy tặc lưỡi : thì chúng nó ăn không đủ no , rồi đạp xe thẳng về nhà nghỉ , không cần truy cứu . Không đầy nửa tiếng sau , mấy đứa trực đàn dê về qua khu nhà ở của thầy . Chiếc xe đạp tập tàng và chiếc nón lá te tua . . . Tụi nó hiểu ra cớ sự . Ngoan ngoãn tụi nó gặp thầy để xin lỗi :
- Xin lỗi “Sư phụ” , tụi con đã lầm .
Rất lâu sau này thầy giáo nói :
- Tụi nó ăn của mình phần cơm mình không buồn . Chỉ buồn là tụi nó gọi mình không khác gọi mấy con dê .
Năm 2009 nhân kỷ niệm 55 năm trường HSMN thầy L có về thăm lại nơi trường sơ tán . Qua mõm đồi xưa thầy cúi nhặt hòn đá nhỏ , chọi vu vơ để nhớ một thời . Đ.T.N.T.
Bài 4:
B. cờ đỏ của trường kể .
Thời ăn độn bột mỳ, trường HSMN Đông Triều có xây cái lò nướng bánh mỳ .
Bột nhồi kỹ , ủ sơ sơ nặn thành bánh xếp vào các dãy lò để nướng . Cửa nhà lò khóa kỹ . Cửa sổ nhà lò hay bị các chú để quên . Cờ đỏ trực đêm thường đói bụng . Thế là mấy cái chĩa ( ở miền Nam dùng xom cá ) ra đời . Chúng được đưa vào các hệ thống lò , xâu lấy bánh , nhẹ nhàng kéo ra , thả sức ăn . Cửa vẫn khóa mà bánh thì mất . Nó tự hào :
- Mỹ còn diệt được xá chi có vài ổ bánh mỳ .
Nó đi học theo tiêu chuẩn bản thân là “Dũng sĩ diệt Mý” . Bạn bè phong tặng thêm cho nó “Dũng sĩ diệt bánh mỳ”. Nhiều năm trước nghe đâu nó làm bí thư của một thành phố nọ . Giờ đây cũng nghe đâu nó là Ủy viên T.Ư. Đảng .
Ghi lại và bổ sung : Đ.T.N.T.
Bài 5. Trộm .
Chuyện “hai năm rõ mười” ở trường HSMN số 1 Đông Triều ,giáo viên chỉ biết tăng gia bằng cách trồng rau , cải . Không thầy cô nào biết tự túc chăn nuôi lợn ,gà . Ngược lại, cô chú tiếp liệu và cấp dưỡng chỉ biết nuôi lợn gà , không ai trồng trọt . Rau cải thì luôn xanh tốt . Còn lợn gà cứ thế thường xuyên bay hơi .
Trường hợp mất của mà ở ngoài dân thế nào mọi người cũng được nghe chửi ít nhất 4 ngày 3 đêm . Chửi có bài , có bản , chửi thành vần thành điệu . Còn ở trường HSMN ,mất của chỉ biết ngậm đắng nuốt cay .
Có người thắc mắc : Vì sao kẻ trộm chỉ bắt lợn , gà mà không nhổ rau ,cải . Trộm nói :
- Rau cải chỉ biết ăn đất . Còn lợn, gà ăn bớt phần lương thực,thực phẩm của chúng em .
Đ.T.N.T.

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

KỶ NIỆM HỌC TRÒ.1


Thơ Đàm kể
Năm 2004 – nhân kỷ niệm 50 năm trường HSMN trên đất Bắc , có một cô giáo về thăm lại trường HSMN Đông Triều . Đến khu lớp học ngày xưa cô nhìn quanh , nhìn quất như tìm kiếm vật gì. Một người hỏi :
- Cô tìm gì ?
- Viên phấn.
- Viên phấn nào ?
- Viên phấn ngày xưa được một học sinh nào đó chọi thẳng lên bảng khi tôi bắt đầu dạy, đánh “ bộp”. Viên phấn lập tức bay đi mất nhưng âm thanh của nó vẫn vọng mãi trong tôi cho đến bây giờ.
Cô giáo kể: trong tiết dạy đầu tiên khi cô về trường, cô vào dạy lớp 10b ngay cái phòng năm xưa cô ngồi học. Thật cảm xúc, cô giao lưu với học trò, cũng để làm quen. Vừa quay lên bảng định ghi đề bài giảng thì . . . “Bộp”-một viên phấn từ dưới được chọi thẳng vào bảng rồi biến mất. Cùng ruột gan của con nòi, cô giáo quay lại cười thật tươi :
- Gì vậy ta ?
Im lặng.
- Ai vậy ta ?
Im lặng .
- Muốn gì vậy ta ?
Vẫn cứ lặng thin.
Cô giáo tỉnh rụi, mặt tươi cười, bắt đầu bài giảng như không có chuyện gì xảy ra.
Đã 41 năm trôi qua rồi, cô giáo vẫn chưa biết em nào, lúc đó đã chọi phấn lên bảng trong giờ dạy của cô. Em là đứa nào , hiện ở đâu, hãy tự thú một lần cho vui vì năm nay cô đã ngoài 70 rồi. Và cô luôn rất nhớ em.
Đ.T.N.T.

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

LỄ NÀY BẠN ĐI ĐÂU ???








H1: EM ĐÃ CHỌN LỐI NÀY .












H2 : NỒI LUỘC TRỨNG .













H3: CHUẨN BỊ NHẢY Ổ .

















H4: ĐÃ ĐẦY MỘT RỔ















H5: Ở BÌNH CHÂU , GÀ TRỐNG CŨNG ĐẺ TRỨNG .








H6: DÙ SAO CÓ TRỐNG CÓ MÁI .











H7: TRỨNG CŨNG NGON HƠN.











H8: LỘI NƯỚC ... NÓNG , QUÁ XÁ ĐÃ .

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

CÓ MỘT NGÀY NHƯ THẾ TRONG TÔI


Ký - Nguyễn Ngọc Hân Nghi

(Nhân kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến 23 /9)


“Mùa thu rồi, ngày 23 ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.

Rền khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến đến trận tiền.

Thuốc súng kém, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước.

Nốp với giáo, mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng "...

Đó là một đoạn trong bài ca “ Nam Bộ kháng chiến ". Bài ca đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc, ghi một dấu ấn không quên. Và. . . chắc không nhiều người ngờ rằng nó đã đi vào rất nhiều những cuộc đời của bè bạn và tôi thành một cái mốc riêng tư, gắn bó suốt đời .

Con người ta có thể khác nhau về sự sang hèn, về tài năng, đức độ, về chỗ đứng thấp, cao trong xã hội. Nhưng tất cả những điều đó có thể thay đổi. Cái không bao giờ,không thể nào, không nên và không được thay đổi, đó là cái khoảnh khắc trong một giờ, một ngày, một tháng, một năm nào đó ta bước ra khỏi lòng mẹ, oa... oa... oa... cất tiếng khóc chào đời. Vậy mà...

Chúng tôi được sinh ra trong các gia đình khác nhau, vùng miền khác nhau, trang lứa khác nhau. Thầy cô hỏi:

-Năm nay em bao nhiêu tuổi ?

Hầu hết chúng tôi trả lời được. Thầy cô lại hỏi :

- Em sinh vào ngày, tháng nào ?

Hầu hết chúng tôi nói:

- Dạ, không biết.

Không phải vì chúng tôi không cha, không mẹ. Cũng không phải vì sớm mồ côi, thất lạc gia đình. Ở cái tuổi trên dưới 9, 10 vào những năm ngày xưa cách đây hơn nửa thế kỷ, nào ai biết cần hỏi và nhớ ngày, tháng, năm sinh của mình để làm gì. Tôi cũng vậy. Giống như các bạn, tôi xa gia đình vào độ tuổi 13, được ra Bắc học trong các trường HSMN. Chúng tôi không phải lo bất cứ điều gì. Mọi chuyện: ăn, ngủ, học hành, rèn luyện sức khỏe, đạo đức đều có thầy cô lo hết. Cho đến ngày, tháng, năm sinh của mình thầy cô cũng sắp đặt cho.

Hết năm học cuối cấp một, chúng tôi buộc phải chọn cho mình ngày, tháng, năm sinh để hoàn tất hồ sơ thi chuyển cấp. Thầy cô gợi ý :

- Các em tự chọn cho mình ngày, tháng mà em thích để làm ngày ,tháng sinh . Nhớ tuổi thì suy ra năm sinh . Còn không biết thầy cô chọn lựa cho thích hợp. Có thể chọn trong các ngày có ý nghĩa cho dễ nhớ như : 3/2 (ngày thành lập Đảng), 1/5 (Quốc tế lao động), 19/5 ( sinh nhật Bác Hồ), 1/6 (Quốc tế thiếu nhi ), 19/8 (CMT8), 2/9 (Quốc khánh), 23/9 (Nam Bộ kháng chiến)... Nghĩa là có rất nhiều để chúng tôi tùy thích lựa chọn.

Hầu hết chúng tôi - những người con của Nam Bộ Thành đồng Tổ quốc chọn cho mình ngày 23/9 - ngày Nam Bộ kháng chiến. Từ đó ngày mùa thu lịch sử 23/9 bước vào cuộc đời chúng tôi và gắn bó trọn đời. 23/9 ngày sinh trong học bạ. 23/9 trong lý lịch, thẻ Đoàn, lý lịch cán bộ, nhân viên, lý lịch, thẻ Đảng. 23/9 trong giấy chứng minh nhân dân và tất cả các loại giấy tờ cần có của một con người.

Không ít bạn tôi về lại chiến trường ngày còn chiến tranh và mang theo mình ngày sinh 23/9. Và cũng không ít người nằm lại một nơi nào đó mà ngày, tháng, năm sinh được thầy cô giáo đặt cho. Chúng tôi là những người may mắn, trở lại quê nhà, gặp lại mẹ cha sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nhiều người trong chúng tôi biết được ngày sinh, tháng đẻ chính thức của mình. Nhưng chuyện đã qua lâu rồi. Biết cũng để mà biết vậy thôi. Bởi 23/9 đã gắn bó thành máu thịt trong đời không sao thay đổi được và chúng tôi không ai muốn thay đổi.

Dường như đến tuổi già người ta hay nhớ về quá khứ, nhớ về những kỷ niệm vui, buồn. Nó ở thật sâu trong một miền ký ức không thể nào quên. Giờ đây hằng năm chúng tôi vẫn ngồi lại với nhau, có trên 20 bạn cùng chọn ngày sinh là 23/9, để thắp một nén nhang cho những người bạn chọn chung ngày sinh đã đi xa và để nhắc nhở lại ký ức một thời... Có một thời, có những người đã được thầy cô đặt cho mình “sinh nhật”... Vậy đó:

..." Mùa thu rồi, ngày 23... "


Địa chỉ liên lạc: Đàm Thị Ngọc Thơ

123b - Nguyễn Trãi, P.9, Tp.HCM