Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

BÁO HỶ-THÂN MỜI

V/C HSMN: Trang Quang Thành (lớp7B 74-75 NVB, Quế Lâm) và Thanh Trúc (lớp8 Đông Triều 74-75) hiện đang công tác tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, báo tin vui và trân trọng mời:
Chủ nhật ngày 05-7-2015, gia đình sẽ tổ chức gả con gái lấy chồng. Nhân ngày vui của Gia đình, trân trọng báo tin và thân mời các bạn bè thân thuộc là HSMN Quế Lâm và Đông Triều có điều kiện đến dự buổi tiệc chung vui cùng gia đình. Nguyện vọng của Cặp V/C HSMN này là: Nhân dịp này hội ngộ HSMN càng đông càng vui.
Hôn lễ được cử hành Hồi 11 giờ, ngày 05 tháng 7 năm 2015 ( Nhằm ngày 20 tháng 5 năm Ất Mùi) tại Hội trường Trường Nội trú Nơ-Trang-Lơng - KM số 8, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk,

Rất mong được đón tiếp các bạn tại thành phố Buôn Ma Thuột!
Thân mời!

VC HSMN: Trang Quang Thành - Thanh Trúc
ĐT Trang Quang Thành: 0935003939

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

LỜI XIN LỖI

Vô cùng xin lỗi các bạn . Trong khi xóa 1 số còm spam , tôi đã sơ ý xóa mất rất nhiều còm . Mong các bạn thông cảm . Nếu có thể được , mong các bạn ra tay giúp dùm .
Thành thật xin lỗi và vô cùng cám ơn .

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Câu chuyện xưa và nay

1. Xưa và nay
1. Ngày xưa người mỏng hình (tivi) dày
Ngày nay hình (tivi) mỏng người dày hơn xưa.

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Người giấu mẹ


KẺ GIẤU THẦY CÔ ?

Xuân Diệu và Bạch Diệp thời trẻ - Ảnh: TL
“Đố ai định nghĩa được tình yêu”
Tôi không thích gọi Xuân Diệu là “ông hoàng thơ tình” mà chỉ muốn gọi ông là “người bạn tình mà thơ không có… tuổi”. Và chính vì điều ấy tôi luôn giữ trong tâm hồn tôi những câu thơ của Xuân Diệu mà tuổi lò cò vụng trộm giấu mẹ ghi vội trong sổ tay:
Đố ai định nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu.
Cái thế giới thơ tình của Xuân Diệu từ len lén đến, rồi rung rèm cựa quậy cửa sổ, rồi đột nhiên nhẩy phóc chễm trệ vào tuổi 16 của tôi.
Nào là:
Hôm nay trời rộng lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
Nào là:
Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều nhận chẳng bao nhiêu


Với tôi, Xuân Diệu nói đúng quá, tình yêu không thể định nghĩa được, nói đúng hơn là không thể nắm bắt được.Tưởng vừa nắm trong tay đã tuột rồi, tưởng có tất cả lại trống không, tưởng tràn hạnh phúc lại nước mắt ly tan, tưởng như “tình yêu đến em không mong đợi gì” nhưng lại bồn chồn, nôn nao mong đợi. Đến nỗi một người bạn của tôi phải nói với tôi rằng, ông Xuân Diệu này chỉ được cái nói đúng, tớ đây yêu cả tá đàn ông rồi vậy mà trước một cuộc tình mới vẫn cảm thấy “tôi khờ khạo quá ngu ngơ quá, chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì”. Tức là cứ yêu chẳng mảy may tính toán, chẳng khôn ngoan thả câu bắt bóng hoặc tinh ranh chơi trò mèo vờn chuột hoặc thực hiện… tình pháp: “theo tình tình phụ, phụ tình tình theo”.
“Làm sao sống được mà không yêu”
Gần đây trên nhiều mạng đem chuyện giới tính của ông Xuân Diệu ra mổ xẻ nào là có ông nhà văn nổi tiếng với cuộc phiêu lưu của chú dế mèn viết hồi ký kể tình… trai của ông nhà thơ, nào là nữ đạo diễn điện ảnh Bạch Diệp người từng là vợ duy nhất của ông nhà thơ tâm sự sự bất lực trên trường tình của ông, quả thật tôi không quan tâm, vì với tôi hình ảnh duy nhất của ông trong tôi là thơ tình của ông mà thơ tình thì vượt qua mọi giới tính.
Xuân Diệu đã hy sinh tất cả để quên cái thân xác của mình dâng hiến cho chúng ta những người được là chính mình để yêu thì chúng ta cũng nên để cái thân xác ấy của ông ngủ yên cùng bi kịch cuộc đời ông.
Đọc thơ tình của ông tôi cảm nhận ông không hề nói về các cuộc tình của ông mà hình như ông sinh ra chỉ với sứ mệnh duy nhất là nhập vào tất cả chúng ta để nói hộ chúng ta những nỗi lòng, những khát khao, những rạo rực và cả những khổ đau - những cung bậc kỳ diệu của tình yêu - trái ngọt nhất mà Tạo hóa ban phát cho con người. Đôi khi ông chân thành chia sẻ, an ủi với ai đó đang nẫu ruột vì sự chia ly, bằng những câu thơ mà có khi chẳng liên quan gì đến sự mất mát một cuộc tình.
Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả tả cành hoang nắng trở chiều
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu
Với lại:
Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh
Hoa lạ chiều thưa sương xuống dần
Ai đó đã nhận được thông điệp cuối cùng ông gửi qua câu thơ: Chim nghe trời rộng giang thêm cánh để rồi lòng òa ra chan chứa để lại lên đường như chim giang thêm cánh đến những chân trời yêu mới mẻ cùng câu thơ định mệnh của ông:
Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ, không thương một kẻ nào?
Tôi hiểu rằng nhiều khi ông không dám đối diện với chính mình, không dám phút giây nào đó nhập vào thân xác của ông để cất lên tiếng nói của thân xác ấy và đó chính là bi kịch cuộc đời ông. Tôi nghĩ ông đã hy sinh tất cả để quên cái thân xác của mình dâng hiến cho chúng ta những người được là chính mình để yêu thì chúng ta cũng nên để cái thân xác ấy của ông ngủ yên cùng bi kịch cuộc đời ông.
Vâng, lúc này trong tôi chỉ còn vang lên câu thơ mà ông nhập vào người kỹ nữ để nói lên khát vọng yêu của chính ông - một tình yêu dữ dội mãnh liệt không bến bờ cùng tiếng thét “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào người”của ông:
Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa
Vội vàng chi trăng sáng quá khách ơi
Đêm nay rằm, yến tiệc sáng trên trời
Khách không ở lòng em cô độc quá.
Trong chúng ta ai hiểu ông để lúc ông cần nhất có mặt bên ông chia sẻ cùng ông, an ủi cho ông? Thật bất công với ông một nhà thơ luôn có mặt bên chúng ta, khi chúng ta đớn đau hay hạnh phúc.
Xuyến Chi

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

CHƯƠNG TRÌNH CHÍNH THỨC VỀ THĂM TRƯỜNG XƯA.

XIN LỖI TẤT CẢ CÁC BẠN . CHƯƠNG TRÌNH VỀ LẠI TRƯỜNG XƯA VẪN NHƯ KẾ HOẠCH BAN ĐẦU 7 NGÀY 6 ĐÊM .

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Dòng sông

TUỔI NHỎ



Chiếc vé nào đưa em về tuổi nhỏ
Sông Ly xanh còn đó những đợi chờ
Nơi đất Quế một thời khăn quàng đỏ
Tuổi thơ em gắn bó biết bao điều...

Tình thầy trò, năm tháng ấy thương yêu
Nơi nắng sớm mưa chiều nhiều kỉ niệm
Đã qua rồi đâu có tím hoa sim
Đất với đất đã phai màu bền chặt !

Em trở về với lòng đau quặn thắt
Dửng dưng thôi, chớ có nói năng chi
Người với người tình xưa dẫu có mặn
Em ơi em ! Im lặng giữ tim mình .

Đà Nẵng ngày 10.6.2015 VAV


Ngày về không còn xa

        Chuyên thứ nhất:    TRẬN ĐỘT NHẬP NÔNG TRƯỜNG CAM KHÔNG THÀNH

            Chúng tôi là những học sinh Việt Nam học tại Trường Mùng 2 tháng 9, từ năm 1967 đế năm 1975;  đa số là người miền Nam, có cha mẹ hoặc đã hy sinh hoặc đang tham gia cuộc kháng chiến cứu nước; đến Quế Lâm từ nhiều vùng và từ nhiều dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam. Là học trò, chúng tôi cũng không thiếu những trò nghịch ngợm, mà giờ đây khi đã trưởng thành nhớ lại và nhìn nhau cùng cười: Sao ngày đó bọn mình nghịch thế, đúng là trẻ con hiếu động và liều lĩnh.
          Một trong những việc chúng tôi gây ra làm ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp của Học sinh Việt Nam ở Quế lâm đó là vụ “Đột nhập Nông trường trồng cam” năm 1970.
          Nông trường nằm cạnh Trường, được rào bởi loại cây gai nhọn, tiếp đến là  một con hào sâu và rộng, bên dưới cũng trồng các loại cây có gai. Lê Quang cầm đầu một nhóm khoảng bốn, năm tên; thường sau giờ cơm chiều hay trèo lên tường rào của trường chơi và ngắm nhìn những đồi cam xa tắp. Vào mùa cam chín, những quả cam vàng tươi, cái màu vàng của những trái cam chín mọng nước gợi sự thèm thuồng của lũ trẻ con chúng tôi. Lê Quang nảy sinh ý tưởng muốn khám phá…vườn cam hấp dẫn kia. Đó là sự hiếu động kiểu của trẻ con, chứ ở Quế Lâm mùa nào thức ấy, chúng tôi vẫn được cung cấp hoa quả, bánh kẹo đều đặn.
          Cả nhóm sôi nổi bàn kế hoạch đột nhập, quan sát tìm vị trí có thể dọn cây gai, vượt hào sâu. Khó nhất là phải nhảy qua được con hào rộng khoảng hơn hai mét. Để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông, con hào kia với những đứa trẻ “dũng cảm” lúc đó chỉ là chuyện nhỏ. Nhóm trưởng Lê Quang nghĩ ra kế  dùng một cây sào để đu người nhảy qua con hào .  Một góc trong trường có địa thế giống con hào kia được chọn làm nơi tập luyện. Các tên nhỏ hơn ban đầu bị ngã, nhưng cả bọn rồi cũng tập nhảy thành công.
         Lê Quang chọn một đêm trời tối để tập kích vườn cam của Nông trường. Khi có tiếng chuông  hiệu lệnh báo giờ ngủ, cả nhóm bắt đầu bí mật hành động; đi men theo sát tường rào trường để tránh các chú bộ đội gác cổng phát hiện; mau chóng vượt tường rào trường, áp sát hàng rào Nông trường, dùng dao phát dọn một khoảng trống để chui người vào trong rào. Cẩn thận hơn, nhóm trưởng Lê Quang cầm mấy hòn đá quăng về phía vườn cam để thăm dò động tĩnh rồi cầm sào, lấy hết can đảm đu và nhún mạnh người phi qua hào bằng một động tác thuần thục. Trong chốc lát chúng tôi đã nhập thành hoàn hảo và tản ra để thu hoạch chiến lợi phẩm. Trời tối, nên mò được quả nào là chúng tôi vặt tuốt. Công việc “thu hoạch” cam đang diễn ra suôn sẻ hơn mười lăm phút, thì ôi thôi, có tiếng chó sủa, tiếng kẻng báo động; rồi tiếng  bước chân người chạy và tiếng la hét náo động. Ánh đèn pin chiếu sáng quắc cả một vùng rộng lớn. Cả nhóm mạnh ai nấy chạy. Tên cầm đầu Lê Quang chạy nhanh nhất, cầm sào đu người phi qua hào, thế là thoát. Do Lê Quang quên làm động tác đẩy trả lại cây sào, báo hại lũ đàn em bị kẹt lại bên bờ hào sâu đứng run rẩy trước bầy chó chỉ chờ lệnh của các ông chủ bảo vệ là lao vào xé xác mấy kẻ đột nhập kia. Trừ Lê Quang chạy thoát, còn toàn bộ đội hình bị bảo vệ nông trường tóm gọn. Không khó để xác định các đạo chích là các “ông tướng” hàng xóm. Trận tập kích vườn cam đã bị thất bại một cách thảm hại.
         Đoàn “tù binh” được bảo vệ nông trường áp giải vào đến cổng trường. Chờ một lúc thì chú Quân - (phiên dịch tiếng Trung, đã mất) và thầy Hiệu trưởng xuất hiện. Sau khi chú Quân trao đổi với bảo vệ Nông trường, đoàn “tù binh” được trao trả cho thầy Hiệu trưởng. Về đến phòng họp Trường, thầy Hiệu trưởng lướt nhìn từng chiến sĩ bại trận, quần áo rách toạc, mặt mũi lấm lem, chân tay bị cào xước rớm máu, đi chân đất vì dép quăng hết khi chạy tán loạn…
      Lê Quang đang giả vờ ngủ  nhưng suy nghĩ tìm cách đối phó, vì biết thế nào cũng bị khai ra. Được gọi lên gặp thầy Hiệu trưởng, biết không thể chối cãi, lại thấy đàn em vì theo mình mà bị bắt cả lũ, nên Lê Quang thú nhận hết và xin nhận kỷ luật. Sau hôm đó, cả nhóm bị kiểm điểm, kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường.
       Sau này, chú Quân  kể lại:  Ban lãnh đạo Trường  phải đến gặp Lãnh đạo Nông trường xin lỗi. Lãnh đạo Nông trường đã thông cảm: Vẫn biết là các cháu học sinh Việt Nam cũng chỉ nghịch ngợm chứ không phải do bị đói. Nông trương không tiếc gì mấy quả cam, nhưng chui rào, nhảy hào sâu có thể gây ra thương tích, có khi bị chó đuổi cắn thì nguy hiểm lắm.
       Sau vụ đó, có một thỏa thuận giữa Trường và Nông trường để  chúng tôi được tham gia lao động chăm sóc cam. Mỗi lần được đi lao động ở Nông trường cam, chúng tôi như đi dự hội, mệt nhưng vui.
       Mùa cam chín, Trường chúng tôi nhận được những giỏ cam vàng tươi do Nông trường biếu (chắc là thưởng cho thầy trò chúng tôi vì có tham gia lao động). Tình đoàn kết hữu nghị giữa Trường và Nông trường ngày càng gắn bó keo sơn.  Trường mở rộng quan hệ hữu nghị với Công xã cạnh trường để học sinh chúng tôi thăm quan học tập, liên hệ thực tế. Chúng tôi còn được đi thăm quan các Nhà máy sản xuất công nghiệp như: Cơ khí chế tạo, Thủy điện Dương Sóc, Chế biến gỗ, Chế biến chè , Sản xuất mỳ chính…
          Thời gian trôi qua, xã hội cũng như cuộc đời của mỗi người có nhiều thay đổi, nhưng những kỷ niệm vui, buồn của tuổi thơ được sống trên mãnh đất Quế Lâm yêu thương thắm đượm tình người, vẫn còn mãi trong lòng chúng tôi. Quế Lâm ơi, xin hãy tha thứ những sai lầm nhất thời và lưu lại ký ức đẹp, những việc làm tốt của chúng tôi ngày ấy. Những cậu học sinh nghịch ngợm ngày đó, nay đều đã trưởng thành, có đóng góp ít nhiều cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam sau chiến tranh. Chúng tôi tự hào về mái trường nơi chúng tôi đã học tập, rèn luyện và trưởng thành nay được tu bổ, xây dựng thành Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây. Với những cựu học sinh Trường Mùng 2 tháng 9 chúng tôi dù đã về lại hoặc chưa có điều kiện về thăm trường cũ, nhưng khi nói về Quế Lâm, tâm trạng ai cũng rất xúc động như thấy lại tuổi thơ; đắm chìm trong ký ức tưởng  như thấy mình trẻ lại dù mái tóc nhiều người giờ đây đã bạc.
         Tôi viết những dòng này như một lời tri ân với mãnh đất và con người mà một thời tuổi thơ chúng tôi - những học sinh Việt Nam Trường Mùng 2 tháng 9 đã gắn bó:  QUẾ LÂM ơi!

   Đà Nẵng, Xuân 2015

  Tóc Gió Thôi Bay 

      
            Chuyện thứ hai: LAO ĐỘNG GẶT LÚA CHỐNG ÚNG, NĂM 1974

  Mùa mưa năm 1974, đồng lúa chín đang kỳ thu hoạch của Công xã cạnh trường ngập úng, cánh đồng thành một biển nước mênh mông. Học sinh Trường Mùng 2 tháng 9 chúng tôi được huy động tham gia thu hoạch lúa giúp Công xã.
          Chúng tôi trở thành những nông dân thực thụ, chân lội nước lõm bõm, tay cầm liềm cắt lúa. Ngày đầu còn chậm, nhưng mấy ngày sau  quen dần, tay liềm đã thoăn thoắt theo từng hàng lúa chín đã ngã rạp do gió mưa.  Chúng tôi vác từng bó lúa to, tập trung từng đống lớn cạnh máy tuốt lúa. Các bạn lớn hơn trực tiếp đứng máy tuốt lúa, chân đạp cần máy, tay cầm bó lúa xoay tròn, tiếng máy tuốt lúa quay tròn kêu vù vù, những hạt lúa còn đẫm nước văng tung tóe vào tấm bạt chắn trước máy. Từng đống lúa vun  cao dần lên, được đóng vào bao tải, đưa lên xe cải tiến  kéo về sân kho của Công xã. Tôi còn nhớ, do cắt lúa chưa quen tôi cắt liềm vào ngón tay út, bổ đôi móng tay, máu chảy lai láng. Nhưng khi được băng bó thấy mọi người làm việc hăng say, vui vẻ tôi lấy mảnh nilon buộc chặt ngón tay cho khỏi ướt và tiếp tục công việc, quên sự đâu đớn. Đó là đợt lao động thực tế cuối cùng của chúng tôi trước khi Trường Mùng 2 tháng 9 tạm biệt Quế Lâm  và thầy trò chúng tôi về lại Việt Nam vào tháng 8 năm 1975. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi thấy chiếc máy tuốt lúa đạp bằng chân, với năng suất tuốt lúa gấp nhiều lần so với cầm từng bó lúa đập như người nông dân quê tôi. Chính cái máy đó sau này chúng tôi thấy phổ biến trên cánh đồng ở Việt nam đã  góp phần giải phóng đáng kể sức lao động của người nông dân một thời. 
       Đợt gặt lúa chống úng năm đó dù dầm nước mưa rét run, mệt mỏi, nhưng chúng tôi ai nấy đều rất vui, vì thầy trò chúng tôi đã góp sức mình cùng bà con xã viên công xã thu hoạch, tránh cho lúa khỏi bị hư thối do ngập úng nước mưa. Chúng tôi cũng đã học tập được tinh thần lao động cần cù của những xã viên công xã và hơn hết, chúng tôi được trải nghiệm có ịch qua lao động thực tế. Mỗi một kỷ niệm vui, buồn với tuổi thơ chúng tôi những năm sống ở Quế  Lâm đều nằm trong hành trang theo chúng tôi suốt cả cuộc đời này.


            
Viết lại theo yêu cầu của Quế L H, Đăng lại lên đây để các Quế duyệt. Kính! CC

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

Trẻ mãi không già

The Age Of Adaline 2015
[Phim Tình Cảm]

http://hdonline.vn/phim-the-age-of-adaline-7953.html
Diễn viên: Harrison Ford, Blake Lively, Michiel Huisman

Đạo diễn: Lee Toland Krieger
Quốc gia: USA
Năm PH: 2015

Sắc Đẹp Vĩnh Cửu - The Age Of Adaline là câu chuyện về Adaline, một phụ nữ trẻ sinh ra vào đầu thế kỷ 20. Một tai nạn giao thông bất ngờ khiến quá trình lão hóa của Adaline ngưng lại và đem tới cho cô nhan sắc vĩnh cửu - mãi mãi không già đi.

Thử xem, mãi mãi không già hạnh phúc và bất hạnh như thế nào?
Phim này mới toanh, nên chưa có bản tải để chia sẻ về blog được, các Quế và bạn bè gần xa vào link để xem.

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

LỜI BIỂN NÓI

BIỂN NÓI



Tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bị tàu TQ đâm nát rồi bỏ đi

Nếu ai đó đã nhúng chàm phương Bắc
Thì hôm nay phải đặt lại vấn đề
Đất nước mình sao cứ mãi lê thê
Bị vây hãm rất khó bề phát triển

Thù, bạn buồn vui bao lần nguy biến
Bốn tốt ký rồi không tiến lại lui,
Mười sáu chữ gói gùi thành méo mó
Bạn hay thù mà nướng đỏ con đen ?

Đất nước ơi ! Năm tháng nhọc nhằn
Người bạn lớn sao giống thằng ăn cướp,
Cướp đảo rồi nay lại muốn cướp thêm
Gây sóng gió trên ngư trường đánh bắt ?

Ông cha xưa dựng cơ đồ bền chặt :
Từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau,
Lập Hoàng Sa, Trường Sa là Nước Việt
Sách sử ghi thân thiết lắm bạn ơi !

Đêm trăn trở ta nằm nghe biển nói
Biển muôn đời nuôi sống cả muôn dân
Kẻ tham lam gây sóng gió chiếm phần
Biển nổi giận sẽ làm mồi cho cá .

Đà Nẵng ngày 04 /6 /2015 VAV


Ý kiến của thầy Trần Văn Từ về chuyến thăm lại Quế Lâm 2015


   Trước hết về dịch bệnh, Thày hoan nghênh em nặc danh (chính là Mộng Linh ở Đà Nẵng ) đã tìm thông tin từ WHO nguyên bản tiếng Anh làm cơ sở để tin. Nếu ai muốn biết thông tin bằng tiếng Việt có thể tin được hãy tìm đọc báo An ninh thế giới (một chuyên đề của báo của Công an Nhân dân) ra ngày 3/6/2015 trang 25. Thông tin trùng với em M.Linh đã cung cấp. Như vậy có thể yên tâm không sợ virus MERS từ ông Hàn quốc đã bị cách ly ở Quảng Đông chạy theo đoàn ta ở Quảng Tây để lây :D
   Chúng ta bây giờ đều đã trên 50, cái tuổi không phải ai nói gì cũng tin. Một trong những cái thiết sót của các Thày dạy Các Em ở Quế Lâm là chỉ biết tin tưởng tuyệt đối mà không dạy Các Em phải biết nghi ngờ. Chỉ khi con người biết nghi ngờ mới đặt nền móng cho sự tin tưởng tuyệt đối.
   Còn chuyện về thăm lại trường cũ trong hoàn cảnh quan hệ hai nước Việt Trung đang có nhiều vấn đề. Các Em nên biết và hiểu rằng: Chúng ta đánh thắng được Pháp và Mỹ vì Bác Hồ đã phân biệt rất rõ nhân dân nước đó và chính phủ hiếu chiến. Nhiều người Pháp và Mỹ là Bạn của chúng ta phản đối lại chính phủ họ. Nhân dân TQ cũng vậy. Chúng ta thăm lại trường cũ, cảm ơn nhân dân Quế Lâm những năm tháng gian khó đã giúp chúng ta, chúng ta sống có nghĩa có tình, không " ăn cháo đá bát" cũng làm cho những người hoài nghi tin ở dân tộc ta. Đó là ngoại giao nhân dân.
   Còn việc có trở lại thăm trường cũ hay không có thể có nhiều lý do. Có em muốn lắm nhưng chưa thể sắp xếp được, có em không có điều kiện kinh tế. Cũng có em những tháng năm đó chẳng để lại ký ức gì tốt đẹp, càng quên càng tốt, thì cũng không quay lại làm gì. Chúng ta nên biết và nên chấp nhận cuộc sống là đa dạng, không ai giống ai. Ai cũng cần rèn luyện bản lĩnh để không sống theo tâm lý bầy đàn, thấy nhiều người khác làm mình cũng làm theo, thấy người ta nói mình cũng nói theo mà chẳng hiểu gì cả.
   Còn tại sao Thày lại tổ chức chuyến đi này? Đó là theo nguyện vọng của nhiều em chưa được đi QL, bây giờ nghỉ hưu hoặc bây giờ mới sắp xếp được. Nếu Thày tổ chức thì sẽ tập hợp được nhiều em đi cùng sẽ vui hơn, quan hệ với trường ĐHSP Quảng Tây thuận lợi hơn trong việc thăm lại trường cũ. Vả lại Thày đã hứa là sẽ tổ chức năm 2015. Có lẽ đây cũng là đợt cuối cùng Thày đứng ra tổ chức, sẽ không có lần sau.
   Thày rất hoan nghênh trang BANTBE nơi giao lưu, thông tin, tâm sự của Thày Trò QL và Bạn của chúng ta. Thày sẽ tham gia cùng Các Em.

Thày Trần Văn Từ

ĐT: 0983570208 .

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Lung linh Huế

Mấy dịp như này phải có mấy phù thủy ảnh như đại ca TM, AMK3 hoặc chí ít cũng cái cục alo của TGTB. MF cũng chỉ biết xài cái cục alo, không thể nào ghi hết sự độc đáo và huyền diệu của ÁNH SÁNG, một trong 2 thứ thiết yếu làm nên cuộc sống: ánh sáng và nước.

Đường Lê Lợi
Dịu dàng
Chuyến tàu tâm linh 1

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

QÙA 1 THÁNG 6 CHO CÁC CỰU THIẾU NHI QUẾ.

Hà Nội - Nam Ninh – Quế Lâm – Dương Sóc – Nam Ninh
(7 ngày 6 đêm)
Từ ngày 19-25 tháng 7 năm 2015.
Ngày 1 (Chủ nhật 19 tháng 7 năm 2015): Hà Nội – Hữu Nghị Quan – Nam Ninh (Tr,T)
Sáng 6h30 đón đoàn tại điểm hẹn xuất phát đi Hưu Nghị Quan, nghỉ ăn sáng tại Mẹt (tự túc). Buổi trưa đoàn làm thủ tục xuất cảnh tại Hữu Nghị Quan, ăn trưa tại Bằng Tường, xe và Hướng dẫn viên đưa đoàn đi Nam Ninh (mất 2 tiếng 30 phút), thăm quan Trung tâm triển lãm CHINA – ASEAN, Hội Trường Đại Hội Nhân Dân. Ăn tối sau đó về khách sạn nhận phòng, Quý khách tự do khám phá thành phố Nam Ninh về đêm.
Ngày 2 - T2: Nam Ninh – Quế Lâm (S,Tr, T)
Sau bữa sáng, 7h30 xe và hướng dẫn viên đưa đoàn đi Quế Lâm, 12h30 tới Quế Lâm. Sau khi ăn trưa, Quý khách nhận phòng Khách sạn. Buổi chiều, Đoàn đi thăm quan Công Viên Thất Tinh, đây là công viên lớn nhất trong thành phố Quế Lâm với Núi Lạc Đà, Cầu Hoa…
Buổi tối: Quý khách tự do mua sắm tại Phố Đi Bộ.
Ngày 3 – T3 : Quế Lâm (S, Tr, T)
Quý khách ăn sáng tại Khách sạn, 8h30 đòan khởi hành đi thăm trường cũ (Đại Học Sư Phạm Quảng Tây) thăm quan nhà lưu niệm các đời học sinh Việt Nam tại trường.
Buổi chiều: Đoàn thăm quan công viên Vòi Voi, đây là biểu tượng của thành phố Quế Lâm. Tự do mua sắm tại khu mua sắm Tiểu Hồng Kông, đây là khu mua sắm lớn nhất nằm dưới Quảng Trường Trung Tâm Thành Phố (hoặc xe oto đưa quý khách đi thăm trường cũ theo yêu cầu của Quý Khách – 01 oto).
Ngày 4 – T4 : Quế Lâm (S, Tr, T)
Quý khách ăn sáng tại Khách sạn, xe và Hướng Dẫn Viên đưa Đoàn đi thăm khu thắng cảnh 2 sông 4 hồ với Nhật Nguyệt Song Tháp, Hồ Ô Long, Sông Đào Hoa, ăn trưa và tự do mua sắm tại Phố Đi Bộ, Trung Tâm Thương Mại….
Buổi tối: Sau khi ăn tối, Quý khách có thể đi thăm Dạ Cảnh – 2 Sông 4 Hồ với nhạc nước, cảnh tượng huyền ảo khác hản ban ngày của Nhật Nguyệt Song Tháp, Cầu Thủy Tinh, Cổng Thành và phong cảnh huyền ảo có 1 không 2 này.
Ngày 5 -T5 : Quế Lâm – Dương Sóc (S,Tr,T)
Quý khách ăn sáng tại khách sạn, xe và Hướng Dẫn Viên đưa Đoàn ra bến thuyền đi Dương Sóc (cách thành phố Quế Lâm 70km). Tại đây Quý khách có cơ hội chiêm ngưỡng “Hà Long Trên Cạn – Thiên hạ đệ nhất Sơn Thủy”.
Buổi trưa, Đoàn ăn trưa trên thuyền. Đến Dương Sóc quý khách về khách sạn nhận phòng khách sạn, tự do đi dạo phố Tây, thuê xe đạp đi thăm quan phong cảnh thung lũng Dương Sóc (tự túc).
Buổi tối, Cả Đoàn đi xem chương trình nghệ thuật đặc biệt do “phù thủy Trương Nghệ Mưu” dàn dựng (Ấn Tượng Chị Ba Lưu), đây là chương trình lấy Mặt nước sông Ly Giang và 12 ngọn núi làm sân khấu, kết hợp với âm thanh, âm nhạc và hơn 600 diễn viên tạo lên một chương trình có một không hai trên Thế Giới.
Ngày 6 – T6 : Dương Sóc – Nam Ninh (S,Tr,T)
Sau khi ăn sáng, xe và Hướng Dẫn đưa đoàn về Nam Ninh.
Ăn Trưa, Sau bữa trưa quý khách lên xe đi tham quan động Y Lĩnh Nham một trong những động đẹp nhất của Thành phố Nam Ninh đã được chính phủ xếp hạng 4A về danh Lam thắng cảnh của TQ.., thăm quan hiêu thuốc Trung Y Quảng Tây.
Buổi tối, đòan tự do mua sắm, khám phá phố đi bộ của Nam Ninh.
Ngày 7 – T7 : Nam Ninh – Hà Nội (S,Tr)
Sau khi ăn sáng đoàn khởi hành về Hữu Nghị Quan, làm thủ tục nhập cảnh tại của khẩu Hữu Nghị Quan.
Buổi Trưa, Đoàn liên hoan tại Lạng Sơn, tự do mua sắm tại Chợ Đông Kinh (1h30 phút). 6h30 Đoàn về tới Hà Nội, Hướng Dẫn Viên chia tay đoàn.
                                      
                                              Giá trọn gói : 7.000.000VNĐ/khách
 *Bao gồm:
- Khách sạn tiêu chuẩn 3 sao; các bữa ăn theo chương trình (8 món+1canh); Phương tiện vận chuyển trong và ngoài nước: Ô tô điều hoà; Phiên dịch viên tiếng Việt; Bảo hiểm tai TQ; Vé thắng cảnh tại các điểm du lịch, giấy thông hành xuất nhập cảnh   Việt Nam - Trung Quốc – Việt Nam.Tiền bồi dưỡng cho HDV và Lái xe .Tiền Liên hoan tại Lạng Sơn , Quà Lưu niệm nhà trường ĐHSP Quảng Tây.
*Không bao gồm:
- Chi tiêu cá nhân, đồ uống, hành lý quá cước, chi phí điện thoại, giặt là trong khách sạn, . Các chi phí không đề cập trong chương trình, VAT.
                                 Thủ tục tham gia đoàn

 HSMN học tại Quế Lâm và gia đình muốn tham gia chuyến đi có thể liên lạc:
1-Thày Trần Văn Từ tại Hà Nội :    ĐT 0983570208. số nhà 71 ngõ 16 Định Công Hạ Hoàng Mai Hà nội.   Số TK :  Tên TK :Trần Văn Từ .Số TK :711A20458913- Ngân hàng : Vietin Bank Chi nhánh Nam Thăng Long Hà nội.
2-Chị Phạm Huệ  : ĐT :0914081668- ĐC:Số 26-Nam Sơn 1- Phường Hòa Cường Bắc Q.Hải Châu-Đà Nẵng .
3-Chị Đặng Nguyệt Hồng ĐT : 0908918669 – TP Hồ Chí Minh .
Người đi đăng ký , nộp ảnh và CMT bản chính  và nộp trước 2.000.000đ số tiền còn lại nộp nốt khi tập trung đoàn lúc 16h ngày thứ 7-18/7/2015 tại 52 Liễu Giai Ba Đình Hà nội. Mọi cá nhân tự lo chỗ nghỉ trước và sau khi về tại Hà nội. (Ai có khó khăn trao đổi với Thày Từ, Chị Huệ, Chị Hồng) Mọi người tự đổi tiền.
Hạn chậm nhất nộp thủ tục : 30 tháng 6 năm 2015. Nên liên lạc ĐT trước khi nộp giấy CM và Ảnh.

Thủ tục yêu cầu để làm giấy thông hành:
-         04 ảnh 4 x 6 cm (ảnh mới chụp, mặc áo có cổ, nền ảnh mầu trắng, không đeo kính, khôngđội mũ, không đeo quân hàm phù hiệu, nền ảnh mầu trắng, ghi tên sau ảnh, CMND  có thời hạn 15 năm).
-         Trẻ em đi kèm bố mẹ cần 04 ảnh 4x6 cm, bản sao giấy khai sinh công chứng 
Chú ý:
Trẻ em dưới 10 tuổi tính bằng 50% giá người  lớn( ngủ cùng bố mẹ)
Trẻ 10 đến 12 tuổi tính bàng 75% giá người  lớn( ngủ cùng bố mẹ)
Trẻ trên 12 tuổi tính bàng người lớn.



HSMN con thành Thánh Gióng trên Sân khấu