Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2011.


CHÚC CÁC QUẾ VÀ GIA ĐÌNH , CÙNG BẠN BÈ CỦA QUẾ Ở KHẮP MỌI NƠI TRÊN THẾ GIỚI MỘT NĂM MỚI NGẬP TRÀN HẠNH PHÚC .

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

EM GÁI TÔI ( Chúng mình là HSMN - chuyện thứ 3 )


Không biết mọi người thế nào chứ tớ thì rất khoái người trùng tên với mình . Không nói ngoa , cả khu giáo dục HSMN QUẾ LÂM từ lúc thành lập đến khi giải tán ít nhất hơn trăm người trùng tên với tớ . Nhưng tính cả tên đệm thì lại vô cùng quí hiếm ( he he ) , thậm chí đến cả bây giờ vẫn vậy . Vì thế mới có chuyện để kể cho các QUẾ nghe .
Út lì ( áo vàng ) vô cùng phấn khởi khi
làm chị của Út mới ( áo trắng )
Vào 1 ngày hè 1970 khi mới tốt nghiệp lớp 4 ( nhưng chưa được chuyển lên cấp 2 ) , có 1 cô giáo gặp tớ và nói : cháu có quà lên BGĐ mà nhận . Sướng . Tớ chạy đi ngay ,đến nơi , thấy tên người nhận đúng là tên mình mỗi tội khác họ . Tớ thật thà dũng cảm nói ngay : dạ , không phải của cháu và lủi thủi ra về ( ngày đó , nhận quà hay thư cũng giống như gặp được ba mẹ mà ) . Nhưng nhờ vậy mà tớ biết được ở đây có đứa trùng tên với mình .
Khi đã học lớp 5 , tớ lại được 1 cô giáo báo cho biết là tớ có 1 gói quà gửi cho từ lâu lắm rồi . Nghe xong là tớ nói liền : dạ , không phải của cháu , cháu họ ĐẶNG chứ không phải họ TRƯƠNG . Số phận của gói quà sau đó thế nào và cái cô bé trùng tên khác họ đó mặt mũi ra sao tớ cũng không biết .
Năm 1973 , về HÀ NỘI , tớ kể với mẹ chuyện có đứa trùng tên . Mẹ tớ liền bảo hay nó là con của dì BA ( em kết nghĩa của mẹ ) , hồi đó dì lập gia đình sau khi mẹ đã sinh ra tớ , dì nói rằng nếu sinh con gái sẽ đặt tên cho em giống tên tớ . Năm 1975 , trước khi về NAM , mẹ có nói : dì BA hy sinh rồi , không biết em nó ở đâu mà tìm đây .
Thời gian cứ trôi đi với bao khó khăn vất vả trong cuộc sống .Rồi mẹ mất , mọi chuyện tưởng chừng đã quên đi tất cả . Nhưng cuộc đời nó vẫn luôn có những bất ngờ vào lúc mình không ngờ nhất . Cách nay vài tháng , tớ vào bệnh viện Nguyễn Trãi thăm mẹ chồng của ÚT lì , ÚT lì bảo : cái N.H nó làm trưởng khoa này đó chị . Tự nhiên tớ nhớ lại câu chuyện mẹ kể , liền hỏi ÚT lì về ba mẹ của em , ÚT lì chịu không biết gì và cũng không nhớ gì chuyện mẹ kể . Ngày 20/11 , đám QUẾ tụ tập mừng ... sinh nhật THÚY HẠNH ( sẵn mừng ngày NGVN luôn , hi hi ) . Thấy em , tớ liền lao đến hỏi , và tất cả những điều mẹ nói về ba mẹ em đều trùng khớp từ tên cho đến nghề nghiệp . Đúng là em rồi . Thì ra hè 1970 , em được đón về nước để gặp mẹ từ trong NAM ra . Trước đó cũng giống như mọi QUẾ , ba em đi B , mẹ em là diễn viên múa của đoàn văn công Tổng Cục Chính Trị cũng xung phong đi B , em trở thành HSMN . Về đến HÀ NỘI , thật đau xót , mẹ em đã hy sinh trên đường ra BẮC . Em ở lại học trường HSMN Hà Bắc .Sau giải phóng , ba mẹ đều hy sinh hết , em vào học trường Lý Tự Trọng , rồi đại học .
Chị em mừng mừng tủi tủi nhận nhau . Tớ bảo giờ thì em là em của bọn chị , ÚT lì đành hanh liền : mày phải kêu tao bằng chị vì mẹ tao là chị của mẹ mày , Ráo em thì nói : nhà mình tên hay ha , N.H , N.A , N.M , rồi lại N.H .
Em là Trương Thị Nguyệt Hồng , bác sỹ trưởng khoa dịch vụ bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM .

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Nỗi nhớ BA - Người lính



Tôi nhớ mãi những ngày sống bên đất Quế lâm, cứ chủ nhật, tụi Khắc Hải, Quốc Khánh vẫn tung tăng hơn hở đi ra Thành phố đến khu an dưỡng cán bộ Miền Nam để thăm ba chúng nó đang ở đây. Những lúc ấy, tôi thường thấy hụt hẫng, buồn và thèm đến lạ cái cảm giác và ao ước một ngày có người đến gọi”Luân đấy con, ba đây!” để tôi được chảy nước mắt, ùa vào lòng Ba ấm áp và tự hào vời lũ bạn… Những chủ nhật buồn cứ thế trôi đi, mang tuổi thơ tôi chìm dần theo năm tháng cô đơn, buồn tủi.
Rồi tôi cũng lớn lên vô tư như bao chúng bạn, học hết lớp 7, tôi về nước, cũng lại là đứa nằm trong đợt về cuối cùng vì không có ai đón về nhà. Buổi sáng ở ga Hàng Cỏ, trước khi lên xe về trường HSMN số 1 ở Đông Triều, Từ Vân đến chào ở lại, xe thêm thưa người, càng gợi cho tôi nỗi buồn, nhớ và thèm có Ba bên cạnh. Những năm tháng ấy cứ vậy qua đi, Tôi vẫn sống , cứ hy vọng và chờ đợi đằng đẵng như thế . Chỉ đến sau ngày đất nước thống nhất, bạn bè chia tay nhau trên đất Bắc, tôi mới biết Ba mình đã hy sinh trước ngày tôi sang Quế chỉ sau ngày mẹ tôi mất có 1 tháng trời. Từ đó, tôi mới biết mình mồ côi và lầm lũi bắt đầu bước vào cuộc sống của một kẻ không nơi nương tựa với những năm tháng khốn khó cuộc đời.
Cũng từ ấy, tôi đi tìm Ba tôi qua mọi người, những người thân còn lại, những người đồng ngũ với Ba…nhưng chẳng ai biết. Người nói Ba ngã xuống nơi đất Nam trung bộ, Người thì bảo Ba hy sinh trong trận đánh ở Miền đông Nam bộ…Chỉ duy có điều họ đều nói là trận đánh ấy ta mất nhiều lắm, Ba nằm lại, đồng đội không lấy được xác. Và rồi năm tháng chiến tranh cứ thế triền miên, những mảnh đất ấy bom đạn cày lên cày xuống không biết bao lần…Và Ba ơi đã là cát bụi như bao đồng đội của ba ngã xuống để trở thành những liệt sỹ vô danh trên chiến trường. Cho đến giờ, nửa đời người rồi, tôi vẫn không biết, không tìm được ba tôi nằm đâu.
Rồi tôi trưởng thành, có gia đình, có công việc song nỗi đau riêng về ba thì còn mãi. Tôi vẫn không nguôi mơ ước có một ngày có người lính già trở về hỏi tên tôi và nói: Ba đây, như câu chuyện nào thần tiên tôi có lần đọc trên báo. Và rồi thành lệ, cứ ngày này, hàng năm, 22 tháng 12, tôi lại làm mâm cơm, thắp nén hướng để tưởng nhớ ba, nói chuyện với ba về cuộc đời qua tấm hình Ba còn để lại. Ba tôi trẻ lắm, ngày hy sinh mới 28 tuổi. Có lẽ vậy mà cả cuộc đời mình tôi luôn có ấn tượng, thiện cảm đặc biệt với những người mặc áo lính. Bởi đấy là màu áo ba tôi đã mặc, họ là đồng đội Ba tôi. Vậy nên, khi xem tấm hình các Quế lính hát Khúc quân hành mà bạn Quế gửi qua trang Bạn trường Bé, tôi cứ thấy cay nơi sống mũi. Nỗi nhớ về ba lại cồn cào khôn nguôi.
Những năm bên đất Quế, cấp 1, tôi học với những đứa bạn cùng tuổi và đều sinh ra lớn lên trên đất Bắc. Lên cấp 2, tôi mới bắt đầu được học với các anh chị lớn tuổi hơn từ Miền Nam ra. Trong tôi lúc áy, các anh chị thật đẹp, oai phong, bởi tôi nghĩ các anh, các chị đều là những dũng sỹ diệt Mỹ, những người từ chiến trường ra. Vậy nên tôi và những thằng bạn chỉ dám đứng xa chiêm ngưỡng, thán phục chứ không dám lại gần chơi cùng như đám con gái. Tôi vẫn nhớ anh Vân, anh Vinh với những chiếc mũ tai bèo mà lũ chúng tôi lúc ấy coi là tài sản quý giá thèm khát ao ước có được nhất. Và trong sâu thẳm, tôi vẫn thầm hỏi không biết các anh các chị có một lần gặp ba tôi không. Tôi cứ vậy, nhớ Ba qua những suy đoán trẻ thơ của mình. Lâu rồi thành kỷ niệm không quên.
Viết những dòng này tôi muốn cảm ơn, chia xẻ, chúc các Quế có may mắn hơn tôi biết trân trọng gìn giữ những báu vật hạnh phúc mà các bạn đang có trong cuộc đời mình: đó là Ba Má, gia đình mình.
Không biết trên cao, Ba tôi có nghe thấy những lời này không?

Nguyễn Thành Luân .

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

CHUNG KẾT QUẾ SÀI " AI ĐỒ "







H1: Trường ca Trường N.V.B












H2: Liên đội thiếu niên Đồng Tháp Mười .













H3: Miền Nam của em .










H4: Bài ca thống nhất .











H5: Bài gì mà hăng quá ta ???












H6: Ca múa " Tiếng chày trên Sóc Bom Bo "












H7 : Nối vòng tay lớn












H8: Chúc mừng thần tượng

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

CHÚC MỪNG NGÀY THÀNH LẬP QĐNDVN 22/12


Xin nhiệt liệt chúc mừng tất cả các QUẾ , QUẾ rể , QUẾ dâu , QUẾ con và nhất là BA MẸ của các QUẾ đã và đang là các chiến sỹ QĐNDVN một ngày lễ thật vui vẻ .
Tiết mục " HÁT MÃI KHÚC QUÂN HÀNH " do các chiến binh QUẾ trình diễn vào ngày gặp mặt HSMN 19/12/2010 .
* Hàng đầu :- bìa tay phải là QUẾ SQLQ II, đại tá NGHĨA ẻn (lớp 7 khóa 74/75 , hiện đang tại ngũ ).
- phía tay trái áo trắng , đeo kính là một nhân vật đặc biệt . Đây là chiến sỹ được trao quân hàm trung úy sớm nhất toàn quân nhưng cũng chậm tiến nhất toàn quân vì sau 43 năm vưỡn trung úy . Năm 1967 , khi bộ phim " NỔI GIÓ " được chiếu ở xứ QUẾ , chiến sỹ này mới lên năm nhưng ngay lập tức được phong " TRUNG ÚY PHƯƠNG " . Ngày gặp mặt , TRUNG ÚY PHƯƠNG phụng phịu mách : chị ơi , giờ mà chúng nó còn gọi em là T.U.PH . Ngay lập tức ÚT LÌ chỉ mặt và nói : mới học mẫu giáo mà bọn tao đã phải gọi mày là TRUNG ÚY là lời quá rồi , còn kêu ca gì nữa .
* Những hàng sau gần hết là các cựu chiến binh , đặc biệt đó là các QUẾ đã nhập ngũ lúc đang học lớp 10 , 11 khi chiến tranh biên giới xảy ra .

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Chí phèo thời nay

Nó vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ thi xong là nó chửi. Bắt đầu nó chửi trường. Có hề gì? Trường có của riêng ai? Rồi nó chửi phòng thi. Thế cũng chẳng sao: phòng thi đông nhưng còn giám thị. Tức mình, nó chửi ngay tất cả trường NCT. Nhưng cả trường ai cũng nhủ: "Chắc nó trừ mình ra!". Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ ! Thế thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, nó phải chửi cha đứa nào ko chỉ bài nó. Nhưng cũng ko ai ra điều. Mẹ kiếp ! Thế có phí sức ko? Thế thì có khổ nó không? Không biết đứa chết mẹ nào ra cái đề Sinh để nó khổ thế này ? A ha ! Phải đấy, nó cứ thế mà chửi, nó cứ chửi đứa chết mẹ nào ra đề Sinh! Nó nghiến răng vào mà chửi

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

LỜI CẢM ƠN .

Các Quế thân yêu !
Cảm ơn các Quế đã ở bên cạnh Đỗ và gia đình anh Võ Tiến trong suốt thời gian qua. Ân tình và sự quan tâm chia xẻ của các Quế đã nâng đỡ anh Tiến và gia đình rất nhiều. Thay mặt gia đình và con trai Võ Việt Anh, Quế Đỗ xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến anh chị em hội HSMN Quế Lâm TP.HCM, Hội HSMN Quế Lâm Đà Nẵng, Hội HSMN Quế Lâm Quy Nhơn ,...và anh em bè bạn xa gần đã chia buồn với gia đình.
Như hoàn cảnh bao Quế khác, sống thiếu tình thương và sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ, chúng ta càng thấy giá trị của tình bạn hữu. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, mặc dù đau đớn, vật vã nhưng những lúc đỡ đau anh Võ Tiến lại cười đùa, tự giễu cợt mình và nhắn nhủ mọi người đừng theo gương hút thuốc lá, coi thường sức khỏe, ... các bạn Quế của anh túc trực bên giường bệnh cùng với gia đình cố tìm cách làm dịu bớt cơn đau cho anh. Sức chịu đựng có hạn, anh đã vĩnh viễn ra đi. Quế Đỗ vừa là người thân vừa là người bạn của anh, chúng ta mất một người bạn, các con anh mất một người cha, quá bàng hòang đau đớn.
Thật xót xa khi các Quế phải cùng ngồi lại với nhau sọan thảo Điếu văn đưa tiễn anh, trăn trở mãi vẫn chưa thể chắp bút...
Hôm nay anh đã về nơi an nghỉ cuối cùng.
Một lần nữa, xin gửi lời cảm ơn đến tất cả các anh chị em Quế.
Trong lúc tang gia bối rối, có điều chi sơ xuất xin niệm tình tha thứ.

Gia đình Võ Văn Tiến.
Con trai Võ Việt Anh.

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

GỞI QUẾ




Có chút quà Đà Lạt. Thiên hạ đồn rằng: mấy nhỏ Quế trong túi vẫn còn để dành gói muối ớt từ hồi...Quế Lâm?!

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

TIN BUỒN .

BLL HSMN QUẾ LÂM TPHCM xin thông báo đến toàn thể các bạn
Bạn VÕ VĂN TIẾN , HSMN QUẾ LÂM ( Lớp 7 khóa 73/74 ) đã từ trần lúc 00h30' ngày 12/12/2010 tại TP HCM .
Lễ nhập quan : 14h30' ngày 12/12/2010 ( 7/11 canh dần ).
Linh cữu quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm .
Lễ động quan : 6h00 ngày 14/12/2010 ( 9/11 canh dần ) .
Sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa .

BLL xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình bạn VÕ VĂN TIẾN .