Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Hiện tượng trên bầu trời Campuchia

Sau chuyến đi Campuchia vừa rồi, nhiều chiện để tám, nhưng về rùi bận túi bui lồng đèn. Chiện đền đài ở Campuchia thì cũng không định viết nữa, vì mọi người sẽ nói "bít rùi, khổ lém...", mặc dù đợt ni MF quyết tâm mở mắt cho lũ đệ tử về một quần thể kỳ quan của người Khơ-Me, nhưng mà chính MF cũng mở mắt, bởi bi giờ mới có cơ hội săm soi đền Ta Prohm (theo một thầy giáo ĐH Angkor Khemera thì đây là trường học cổ nhất của Campuchia, trường được xây dưng và thành lập vào đế chế đệ nhị Angkor) and Phnom Bakheng (hic, leo mệt nghỉ, đến đỉnh thì một cơn lốc mù mịt cả một vùng trời Siêm Riệp, MF cứ phải bám vào đền để khỏi bị hất tung lên! MF trêu tụi đệ tử: Các APSARA đang xuống chào đón cô trò mình đó nha!). Hơi ngỡ ngàng là lên tới đỉnh đền thì bắt gặp nền văn minh thung lũng sông Ấn: Linga và Yoni, biểu tượng của sự hủy diệt và tái sinh của vũ trụ, như các đền Chăm ở Việt Nam, khác với các đền đài lớn đã Phật giáo hóa trong quần thể đền đài này. Đoàn MF không định chờ hoàng hôn để chụp ảnh hoàng hôn Angkor, nơi nổi tiếng nhất để làm việc này!Nhưng muốn chụp cũng không được vì thời tiết bất thường. Vậy mà khi thầy trò MF đi xuống, thấy thiện hạ nườm nượp kéo nhau lên, đông ngoài sức tưởng tượng, mà hình như đa số là người Trung Quốc mới lạ!
Có điều, chiện MF muốn nói ở đây là: sau khi xong hội thảo ở Campot và thăm quan Siêm Riệp, trên đường về Phnompenh, đang trên xe nhìn lên bầu trời, vào lúc khoảng 11h20, thấy hiện tượng mặt trời có quầng hơi lạ, bảo xe dừng lại, chụp mấy cái hình. Chụp xong nhìn vô hình lại thấy lạ hơn, MF post lên đây cho mọi người xem và bình loạn. Nhờ mọi người giải thích giùm, nhất là các Quế và các anh Trỗi am hiểu về thiên văn địa lý!

Chụp từ Nikon (không trực diện)

Chụp từ Nikon (không trực diện)2

Chụp từ Nikon (không trực diện)3

Chụp từ Nikon (không trực diện)4

Chụp từ Iphone (trực diện)

Chụp từ Iphone (trực diện)2


Chụp từ  Nokia (trực diện)

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

GỞI VŨ ĐOÀN QUẾ

Chắc Ráo em sẽ thích điệu múa của các cô gái Hmông này. Chúc các Quế ráo một mùa hè dzui dzẻ.Tui mới đi Sapa về.





Bác và HSMN

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

HÈ ĐÃ VỀ .




Hè về , sung sướng nhất là các RÁO , rùi đến lũ trẻ con . Buồn nhất là Quế ông , Quế bà phải ở nhà giữ đám Quế cháu nghịch rách giời rơi xuống . Thôi thì mở nhạc nghe cho cả nhà cùng zui .

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Hãy cứ là Quế thôi!

Quế là ai?
Quế là chúng ta.
Đảng của ai?
Đảng của cha mẹ ta, và của cả chúng ta.

Thời gian trôi qua, Quế "ca".
"Ca" vào ai? Vào cha mẹ ta, "ca" vào chúng ta.
Lịch sự nói "ca",
Thật ra là chưởi,
Chưởi chính ta và cha mẹ ta.

Vì sao ư?
Chúng ta bàng quan, chúng ta cầu an.
Chúng ta chỉ "ca" và chúng ta "than".

Thôi, Quế xin can.
Hãy là Quế thôi!
Làm "chính trị gia" dễ "phan"...
Ừ, thì Quế "cầu an",
Nhưng bạn ơi, bạn có hơn Quế không?
Chúng ta cùng chung phận:
Phận hèn - chỉ có "than".

Hãy cứ là Quế thôi!
Để yêu đời, dù không phải lúc nào Đời cũng đẹp!
Loài người ngày càng đông,
Cửa "Thiên đường" chật hẹp.

Hãy cứ là Quế thôi!
Mỗi ngày qua cố kiếm một niềm vui,
Thế cũng hạnh phúc rồi!

Hãy cứ là Quế thôi!

EM VỀ

 

       
                                                       Pho to:VNĐBSCL

Em về
Cô dâu chối xứ người
Kênh rạch nước dềnh lên
Sưng mọng
Xót xa
Chụp vội xuống lồng trời đùng đục
Gió miên man
Lũ chuồn chuồn
Nép nhìn tao tác
Mắt vô hồn
Cầu vồng cuối đồng xa

Đắng quặn lòng
Trong veo nước mắt lúa
Căng lồng ngực
Nết hiền khô
Anh lặng ngồi
Kìm bước vồ của hổ
Rồi chướng xôn xao
Nước dâng mùa no ấm
Xuống đi em
Bước nhẹ nhàng
Ghe ngoắc lưng ong

Sen cuối mùa
Búp bé lại cố vươn
Lá vặn tai hồ
Lắng nghe tim đất
Cọc chông   chênh
Neo giữ giữa đời
Bến hẹp trần gian...

5/2012
HHP

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Hoa mừng

http://www.hue.vnn.vn/dataimages/201205/original/images693359_1.jpg

Hum qua Quế phụ huynh nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng (đáng lẽ nhận từ đợt 3-2 mà tỉnh họ ... quên!), về ngắm ngía hoài rùi phán: ngày mai sinh nhật Bác, con làm mâm cơm, cả nhà tưởng nhớ Bác! Hum nay MF đi chợ, lượn lui lượn tới không bít mua chi, vì làm nhiều thì rồi bỏ đó, lãng phí, Bác về trị cho là cái chắc! Cuối cùng nghĩ ra: Mua 2 giỏ hoa (quên hỏi tên hoa gì, hic), ngó rất dễ thương, vừa chưng mừng sinh nhật Bác vừa mừng phụ huynh nhận huy hiệu!  Nghe trình bày sự thể trong bữa cơm, mặt cụ rạng rỡ sáng ngời!
Q.MF


Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

NGÀY MAI 19 THÁNG 5

Đây là lời tiên tri của Bác( cuốn sử viết năm 41 nhân định năm 45 VN độc lập)



Thư Bác gửi đ/c Trần Đăng Ninh( phải),nay được coi như "tổ"của "cơ chế khoán".



Bó hoa huệ sau lưng chú cảnh vệ bên trái, là của đoàn Quế lão kính viếng.


Mùa này bằng lăng nở tím Bờ Hồ

Hè về

Chút duyên Tháp rùa



Cầu Thê Húc về đêm

Thủy tọa.Kem hồi này còn ngon hơn trước.
Bánh chăng?? Đây là mô hình viên gạch Bác dùng sưởi ấm
tại số 9, ngõ Công Poăng Pari.
Hóa ra dân Tây ngày xưa làm hẳn loại gạch chuyên dùng để sưởi.

* Tôi vừa đi thăm lăng Bác cùng đoàn Trường Bé.Có chút tư liệu hay với cảnh đẹp Bờ Hồ, xin chia sẻ cùng các Quế.
HN mùa này oi, nóng khủng khiếp.Thú thật tôi chỉ mong bạn T.Quốc"viện trợ không hoàn lại"cho một đợt gió mùa Đông Bắc.  

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

DU LỊCH HÀ GIANG : PHẦN 5 : Đôi nét về phố cổ Đồng Văn


Phố cổ Đồng Văn nằm ở trung tâm huyện Đồng Văn (Hà Giang) là địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng. Thế nhưng, gần đây, khu phố cổ đang đối mặt với nguy cơ bị bê tông hóa và dần xóa sổ...

Qua cao nguyên đá, thị trấn Đồng Văn chợt hiện ra trong ánh chiều nhàn nhạt giữa bao la mây núi bảng lảng như nàng sơn nữ quyến rũ chìm đắm trong giấc mộng và nép mình giữa trùng điệp đá.
Không thể tưởng tượng rằng, nơi cao nguyên đá hùng vĩ vắt qua địa phận bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc ở cực Bắc Hà Giang lại có một thị trấn thanh bình và lãng mạn đến thế. Ở thị trấn Đồng Văn, có một quần thể kiến trúc phố và chợ cổ đã hơn trăm năm tuổi nằm ở trung tâm thị trấn, lọt thỏm giữa bốn bề vách núi sừng sững như tấm bình phong khổng lồ che mưa chắn bão. Phố cổ Đồng Văn cổ kính, thâm trầm, có hình vòng cung kéo dài hàng cây số tít tắp về phía chân núi.

Khu vực trung tâm Đồng Văn xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Yên, tỉnh Tuyên Quang. Từ thời xưa, các dân tộc Tày, Mông, Hoa, Kinh, Lô Lô… đã quần tụ ở xã Đồng Văn. Năm 1887, người Pháp cai trị Hà Giang và lập ra bốn khu vực tại Đồng Văn, giao cho các thổ ty người địa phương cai quản. Thời điểm đó cũng là lúc phố cổ Đồng Văn ra đời, mang phong cách kiến trúc cổ Việt Nam - Trung Quốc rất độc đáo. 
Kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ sơn cước này là mái lợp ngói âm dương, nền lát đá, tường trình đất. Nhiều ngôi nhà xây từ thời Pháp và được làm từ gỗ nghiến nên vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Cư dân phố cổ sống bằng nghề làm nương rẫy và buôn bán vặt. Hiện nay, phố cổ còn khoảng 40 ngôi nhà trên dưới 100 năm tuổi, trong đó có ngôi nhà đã 200 năm.
Ngôi nhà cổ đại nhất là của gia đình ông Lương Huy Ngò, được xây dựng vào khoảng những năm 1810 -1820. Đáng buồn là một vài hộ dân ở phố cổ đã đập nhà cổ đi để xây những toà nhà hình ống cao hai, ba tầng trông thật lạc lõng với kiến trúc xung quanh.
Dạo chơi phố đêm thứ Bảy, bạn sẽ thấy những chiếc đèn lồng đỏ treo cao trước cửa mỗi ngôi nhà. Đây là nỗ lực đánh thức phố cổ được bắt đầu từ tháng 4- 2006 của Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn khi tổ chức Lễ hội Đêm phố cổ vào các ngày 14, 15 Âm lịch hàng tháng.
Vào ngày trăng tròn, các hộ dân treo đèn lồng đỏ (được phát miễn phí) trước cửa nhà, bày bán các sản vật địa phương như thổ cẩm, khèn, mật ong… và biểu diễn văn nghệ dân tộc, múa khèn, nấu thắng cố… Đêm phố cổ cũng thu hút khá đông khách tham quan.


Du lịch Đồng Văn chưa phát triển, chưa bị thương mại hóa quá mức như  Sapa. Đó cũng là điều may mắn cho du khách để tha hồ chiêm ngưỡng những khung cảnh đặc thù. Hiện nay, khách du lịch nước ngoài mới chỉ nghỉ lại phố cổ Đồng Văn trong thời gian ngắn do cơ sở lưu trú rất thiếu, các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn.
Phố cổ Đồng Văn là điểm du lịch kỳ thú ở cực Bắc nước ta, nơi còn lưu giữ được những phong tục, tập quán lâu đời và các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của đồng bào các dân tộc.
Nên chăng ngành du lịch và tỉnh Hà Giang bắt tay ngay vào việc bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị quý báu đó để đánh thức phố cổ nhằm thu hút du khách đến với Đồng Văn nhiều hơn?

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Du lịch Hà Giang Phần 4 : Đèo Mã pí Lèng .


Mã Pí Lèng được du khách gọi một cách không chính thống là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.

Mã Pí Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ “sống mũi con ngựa” theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa.
Đỉnh Mã Pí Lèng thuộc ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) trong cao nguyên đá Đồng Văn có độ cao khoảng 2000m so với mặt nước biển, được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồmđá vôi, đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo núi gây ra. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là Săm Pun(Sam Pun), nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng, Trung Quốc. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một "Tượng đài Địa chất". Đi trên đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống vực sâu, con sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ mà muốn xuống đến mặt nước của sông phải mất hơn một ngày đường.

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

NHỚ TRƯỜNG SƠN



   Hớn hở vui mừng trước thắng lợi của dân tộc,sau ngày 30.4.1975 , lũ HSMN chúng tôi còn học phổ thông được trả về gia đình nuôi dưỡng.Ai cũng náo nức cho ngày đoàn viên này.
   Ngày ra đi lặn lội bằng đôi chân,ngày về vi vu trên những chiếc xe,dù là xe tải…cũng làm cả bọn lâng lâng như bay trên mây.Qua khỏi cầu Hiền lương,con đường QL 1A rộng ra ,phẳng lì ,chạy thẳng vào Nam làm đứa nào cũng trầm trồ nhưng với thói quen “phê phán”của những người cộng sản nên”Ôi dào,tiền Mỹ đổ vào phục vụ chiến tranh mà nhưng sao trống huơ rất ít bóng cây thế?”.

   Qua Đá Nhảy ,núi Trường Sơn chạy ra tới biển;có bạn bốc phét :”Hồi đi trên Trường Sơn,đoàn của tau ra đâu đây tắm biển,đã lắm (?)’’.Nhìn dãy núi sẫm bá vai nhau như chào đón chúng tôi xuôi về Nam,tôi bỗng dậy lên ao ước được trở lại con đường ngày ấy mình lon xon ra Bắc.
    Do ở quê tôi trường rất xa nhà lại phải qua đò giang khó nhọc vào mùa mưa bão nên mẹ tôi cậy gởi tôi trọ tại nhà người quen.ở Đà Nẵng để tiếp tục theo học.Từ chỗ sống trong một môi trường bạn bè bình đẳng ,được phục vụ đầy đủ dẫu có đói một chút đến chỗ phải “nhập gia tuỳ tục” ,hàng tháng lọ mọ về mang gạo ra góp cho nhà cưu mang mình…tôi bị sốc ,nhiều tháng sau mới quen.Mà năm ấy không hiểu sao mưa ghê thật,cả tháng trời mưa như trút nước xuống phố phường.
    May sao khi vào năm học ,tôi lại gặp HTT học với tôi từ lớp 4 ngoài Bắc cũng học cùng lớp 11 ban toán.Thời gian sau lại biết TGTB học lớp 9 mà lớp tôi kết nghĩa.Đây là trường cấp 2 và cấp 3 Thái Phiên,ngoại ô thành phố Đà nẵng.Do cùng là dân HSMN nên chúng tôi quyến luyến hơn các bạn khác cũng ngoài Bắc vào.

   Bầm dập rồi cũng kết thúc năm học với bao xáo trộn.Nghỉ hè,nổi hứng lên ,tôi mới rủ TGTB về quê tôi và sau đó đi thăm lại Trường Sơn ,theo dấu con đường ngày trước chúng tôi ra Bắc.Sau khi ghé về nhà TGTB tại vùng quê Gò Nổi nổi tiếng ,hôm sau chúng tôi về nhà tôi ở Đại Lộc.Tối ấy,chúng tôi loay hoay chuẩn bị cho chuyến về rừng .Dụng cụ chuẩn bị đơn giản như mùng mền ,xẻng cá nhân US,nồi nấu cơm canh,gạo diêm và vài món thức ăn kiểu lương khô như mắm ruốc,mì chính… Cả nhà thấy tôi chuẩn bị ,tưởng là đi lao đông tại Mỹ Sơn nên không hỏi.Hồi này cả miền Nam như một Đại công  trường thủ công nên việc từ thanh niên trai trẻ đến các bác sồn sồn đi nghĩa vụ lao động là chuyện bình thường.
    Sáng hôm sau,từ mờ sáng chúng tôi đã lên đường.Từ nhà tôi đến rừng phải đi bộ mất cả buổi .Đến Đại Thạnh (Lộc sơn),vùng bán sơn địa đã trưa ,chúng tôi thử vào dân xin nước uống .Nhớ lại thời chiến tranh ,đi qua vùng giáp ranh này vào mùa khô mà khát nước thì chịu chứ xin không ai cho vì vùng này giếng khô cạn phải đi lấy nước rất xa.Giờ đây giải phóng rồi ,nhà cửa của dân nhiều hơn nên người dân rộng rãi cho uống nước thoải mái.Mà có lẽ ngày ấy vì là vùng giáp ranh người qua lại đông nên người dân trốn không giúp đỡ nỗi chăng?Hai anh em giở cơm nắm ra ăn với muối mè .Tôi cố tìm trạm dừng chân là căn hầm nổi ngày xưa chúng tôi trú lại , chờ các bạn từ Điện Bàn lên nhập đoàn ra Bắc mà không ai chỉ ra địa điểm.Nhớ những đêm chờ đợi ấy ,mấy đứa chúng tôi nằm trên võng khóc ri ri cho đến khi mệt ngủ lúc nào chẳng hay.Nhớ nhà quá ,tôi rủ cậu em họ mang ba lô chạy về nhà.Hồi ấy còn nhỏ nhưng đã ý thức sự vô kỹ luật rồi nên phải lặng lẽ theo ngõ bờ sông lên nhà lối cửa sau.
    Lúc ấy nhà tôi các chú bô đội trinh sát E53 đang trú nên vui như hội.Thấy tôi phân vân việc đi ở,có chú phỉnh:”Cháu lên núi là có xe ô tô đón,rồi mắc võng trên xe ngủ một giấc là tới miền Bắc.Lâu lâu nhớ mẹ ,lại lên xe chạy về”.Chú này tên là Tráng quê ở Hà Nam Ninh rất hoạt ngôn ,hay cõng tôi trên lưng miệng rao ”Có tiền mà để làm chi ,không mua kẹo kéo Bắc Kỳ mà ăn?”.Chiều đi tắm sông,mấy đứa cùng xóm xầm xì,ngu ngu ,có tiêu chuẩn đi mà trốn về.Nhột quá,sáng hôm sau tôi qua rủ chú em lên lại trạm từ rất sớm.Sau đó khi lên trạm đường dây giải phóng ,gặp lại cô ruột tôi và một tổ của E53 xuống núi, mặc dù rất nhớ mẹ nhưng tôi dứt khoát không quay về.
    Chúng tôi tiếp tục băng qua những đồi sim lúp xúp và nhặt ăn từng trái chà là no tròn trên những nhánh nặng lè do người đi rừng chặt mang dồn lại.Qua những bãi cỏ tranh và bói cao là chúng tôi bước vào rừng.Đường đi nhỏ hẹp lại,có những dấu chân mòn sâu xuống ở các bậc bước lên trông rất ngộ.Đã có biết bao bước chân qua đây nhưng bây giờ đã vắng lặng hẵn,chỉ còn lác đác người đi rừng kiếm củi.Qua các khe nước nhỏ là đến khu rừng thưa với nhiều cây dầu rái lá to.Mải miết đi ,thỉnh thoảng gặp người đi rừng , chúng tôi lại hỏi về hang đá khe Hoa.Tôi chỉ nhớ mang máng,nơi đây là kho gạo mà tôi đã từng gùi gạo đảm phụ lên cho giải phóng.Ở chỗ này có hang đá rộng là trạm giao liên đầu tiên mà chúng tôi ở lại .Đêm treo võng trong hang lạnh làm cả bọn loay hoay không ngủ được ,đứa khóc đứa dỗ ì xèo.Thế mà sáng ra cả bọn lại tươi tỉnh lên đường.
    Tưởng gần nhưng do đi vô định như vậy nên chúng tôi bắt đầu nản.Rừng càng vào sâu càng vắng ,thi thoảng gặp vài người đi rừng .Càng về chiều gió rừng thổi lao xao càng thêm lạnh.Tiếng chim kêu ,ẩm hưởng rừng vọng lại càng tỉnh mịch.Chúng tôi bắt đầu thấy sợ nên dừng lại bên một con suối cạn.Chúng tôi lui cui dựng lều ,nấu cơm ăn.Trời ập tối rất nhanh và chúng tôi cũng chui vào màn.Do đi cả ngày mệt nên chúng tôi lăn ra ngủ.Sáng hôm sau nghe tiếng ồn ào của dân đi rừng dừng bên suối đánh răng rửa mặt nên chúng tôi dậy.Mọi người tròn xoe mắt khi thấy chúng tôi ngủ trên doi cát dưới lòng suối.Hoá ra chúng tôi không biết ngủ dưới ấy nhỡ gặp lúc lũ ống về cuốn trôi đi như chơi.Dân đi rừng chuyên nghiệp thường chọn chỗ ngủ cao ráo chớ đâu tài tử như bọn tôi.

   Loay hoay mang lưỡi câu tay ra câu cá bên các hốc đá tới trưa chẳng được gì, ăn cơm xong là chúng tôi dọn về.Đến nhà tôi thì vừa lên đèn.Trong bữa cơm,nghe chuyện chúng tôi về thăm rừng ,cậu tôi cười :” Lâu lâu cũng có mấy ông mò về rủ tôi dẫn lên thăm rừng cho đỡ nhớ đó.”

   Hôm sau nữa tôi đưa TGTB xuống bến đò để về nhà.Kêu đò mãi không được ,thế là TGTB nhảy đại lên một chiếc ghe nhỏ dùng tay bơi qua sông.Tôi nhớ mãi bắp chân chắc nịch của hắn ,xăng xái lội ra sông bước lên ghe bắn nước tung toé.

  Lâu lâu nhìn cảnh Trường Sơn trên phim ,tôi lại nhớ về những kỹ niệm một thời niên thiếu không thể quên.

HHP

Nguồn: Blog NHẨN NHA

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

DU LỊCH HÀ GIANG - Phần 3 : SÔNG NHO QUẾ


Tôi đã từng đựợc nghe nhiều về vùng đất Hà Giang, về sự hùng vĩ của núi sông nơi đây. Nhưng quả thực khi đã đặt chân đến đây, đứng trên những đỉnh núi đá tai mèo này, ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, tôi mới thấy mình thật quá nhỏ bé, mới thấy được sự hùng vĩ của núi sông, cũng như sự vượt khó của con người nơi đây.
Sông Nho Quế là nhánh sông cấp 1 của sông Gâm, đổ vào sông Gâm tại Nà Mát, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Sông Nho Quế bắt nguồn từ vùng núi cáo độ cao 1800m thuộc tỉnh Vân Nam _ Trung Quốc. Từ nguồn, sông chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam rồi nhập với sông Gâm tai ngã ba Nà Mát. Tổng diện tích lưu vực sông Nho Quế là 6050 km2, trong đó phần nằm trong lãnh thổ Trung Quốc là 4040km2 - chiếm 66,8% tổng diện tích lưu vực; còn phần nằm trong lãnh thổ Việt Nam là 2010km2 - chiếm 34,2% tổng diện tích lưu vực.


Tận dụng thủy năng của dòng sông Nho Quế. Hiện nay trên dòng sông này, đã quy hoạch 3 nhà máy thủy điện Nho Quế 1, Nho Quế 2, Nho Quế 3 với công suất lấp máy lần lượt là 32MW, 48MW, 110MW. Sau khi xây dựng xong, các dự án thủy điện sẽ giúp tăng ngân sách của địa phương, cũng như tạo công ăn việc làm cho bà con nơi đây. Nhưng đồng thời cũng tác động rất lớn đến cảnh quan, cũng như cuộc sống của người dân nơi đây.
Vào mùa này, nhìn dòng sông cũng hiền hòa đây chứ. Nhưng mùa mưa thì lại khác. Vì chênh cao rất lớn giữa thượng lưu và hạ lưu, nên nó có thể cuốn đi bất kỳ mọi thứ mà nó đi qua. Tôi có hỏi trêu anh dẫn đường cho chúng tôi, anh Xì, người dân tộc Dáy, sông ở gần sông:
- Thế mùa lũ nước chảy có xiết không?
Anh Xì: Khủng khiếp lắm!
- Gỗ, cá từ trên thượng nguồn bị cuốn, anh có vớt được nhiều ko?
Anh Xì: Gần đây nhất cách đây 7,8 năm gì đấy, còn có nhiều gỗ, nhưng mấy năm trở lại đây chỉ thấy người "trôi" thôi.
Tôi: ?????
Dòng sông này chủ yếu chảy qua những dãy núi đá tai mèo khô khan, dù rất mệt nhưng thỉnh thoảng có nhưng chỗ cũng "nên thơ" như thế này, đã giúp chúng bớt mệt mỏi để tiếp tục chuyến hành trình
Người dẫn đường cho chúng tôi nói, mùa này nước cạn nên không được đẹp lắm đâu. Nhưng đến mùa mưa, nước từ trên đỉnh chảy xuống cùng với mạch nước ngầm trong các hang Karst xối ra thì đẹp lắm. Vì trên đây, vào mùa mưa, nước chảy xiết, cùng với sự nguy hiểm khi có thể xảy ra hiện tượng sạt lở núi đá, nên không ai dám đi vào nơi này chụp ảnh, lưu lại hình ảnh của mỏm núi lạ kỳ này.

Ôi Hà Giang mến yêu của ta .