Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Chùm ảnh về trường xưa (Q Lâm - TQ)

Đố các bạn biết đây là chỗ nào ở Trường Cấp 2 NVB?
Đố các bạn biết những ai trong ảnh này không ?
TRên dòng sông Ly đi Dương Sóc - Quảng Tây - TQ (7/2011) ảnh Trần Văn Trọng

Ảnh về trường Quế Lâm

Các bạn trường cũ Nguyễn Văn Bé bên cạnh là hội trường ASEAN - Quảng Tây- Trung Quốc tháng 7/2011
Ảnh: Trần Văn Trọng

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

GẶP BẠN QUA ẢNH .

Luân bệu thân mến .
Ngoài Bắc chắc là rét lắm , trong này hơi se lạnh thôi . Gửi bạn mấy tấm hình bọn mình tụ tập ở đám cưới con DŨNG đen vào tối 26/12 .
Hình nào cũng có bạn cùng lớp cả đấy ( trừ hình cuối ) , Luân nhận diện và gọi tên các bạn nha .
H1 : từ trái qua : Diệp ( em Dũng đen ), phu nhân Mạnh Hòa ; Mạnh Hòa ( Hòa ré ) . Minh Trí , anh Thái Hà ( phu quân M.Trí , trên bọn mình 1 lớp )

H2 : từ trái qua : Đinh Hồng Sơn ; tớ ; Quế con của bố Trọng A ; Trần Văn Trọng (Trọng A , cùng khối ); Trần Ngọc Tâm ; Đoàn Hồng Lan

H3 : từ trái qua
- đứng : anh Công Ba ( anh TGTB , đúng không ? trên 1 lớp ) ; Hoàng Anh
- ngồi :Chị Kim Chi ( trên 1 lớp ) ; vợ chồng M.Hòa.

H4 : đứng đầu tiên từ phải qua : Hoàng Tiến Dũng ( Dũng đen hồi xưa và bây giờ là Dũng mập )

H5 : đứng từ trái qua : Minh tàu ( hắn cùng Thu Thanh ở lớp trên xuống 5B )

H6 : anh Nguyễn Chí Công ( Công A ) và Minh Tàu

H7 : Từ phải qua : 3 tên lớp dưới Khánh , Đặng Trung Nguyên ; Lê Huệ . Cô Lộc trên ban giám đốc khu học xá HSMNQL .

H8 : ngồi đầu tiên từ phải qua : Chu Tấn Quốc ( Quốc lủi ) .
Đứng cạnh anh Công A là lin đụi trửng Đỗ Hà Bắc .
Đứng ngoài cùng từ trái qua : anh Xuân Hùng ( lớp trên )

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

THƯƠNG NHỚ MÙA ĐÔNG


Kỳ lạ, cứ mỗi mùa đông, khi từng cơn gió bấc rít dài, quất túi bụi làm nhàu nát từng ngọn lá, khi những cơn mưa đến thối đất, lạnh cóng điên dại, long cả đầu óc, khi mà cả ngày không nhìn thấy một giọt nắng, vắng hẳn tiếng chim kêu, hoa cũng cúp mình gục vào trong nõn, tôi lại thấy thèm được phơi mình ra đường. Tôi điên, bạn tôi bảo vậy. Cũng phải. Vậy nên, cứ mỗi mùa đông, trên con đường đến trường, khi người ta quấn mình bằng mọi thứ, bịt kín tất cả, chỉ còn đôi mắt mờ cóng tê dại hở ra, không biết đấy là ai, thì tôi vẫn thường mở tung cả mũ, cả khăn, ngược phương bắc hứng lấy từng cơn gió nghiệt ngã, trong mưa rây rát mặt, cho cái giá ngấm sâu vào rần rật trong từng mạch máu, từng thớ thịt, vào sâu thẳm tâm hồn, gọi lục lại ký ức tuổi thơ, nhớ về những mùa đồng xưa…
Tôi nhớ lần đầu mùa đông xa xứ, chợt ngỡ ngàng khi nhìn thấy tuyết rơi trong một chiều muộn. từng bông, từng bông trắng, xốp rơi rơi, làm thành sương đọng trên từng mái tóc lũ trẻ háo hức lần đầu mới biết. Bọn con trai ào ra theo tướng Khánh, bỏ cả cơm, mặc má Bưởi rầy la, chỉ làm mỗi một việc dở hơi, ra đứng giữa trời, ngửa mặt lên cao, bụm tay lại, hứng từng bông tuyết nhỏ, rồi thè lưỡi nếm thử. Lạnh mà mềm, cái cảm giác lạ lần đầu mới có. Và rồi nhìn nhau cười, chia xẻ…Vậy mới hiểu, bây giờ lũ trẻ, cứ mùa đông lại háo hức rủ nhau đi Sa Pa-Lào Cai, Mẫu Sơn-Lạng Sơn để xem tuyết rơi, băng phủ.
Nhớ lắm mùa đông, có một sáng ngủ dậy, bỗng thấy mắt mình loá trắng, nhìn ra bên ngoài, tất cả: mái nhà, cây cối, con đường, sân bóng…đều trắng xoá một mầu. Thì ra đêm qua, khi chúng tôi say giấc ngủ, mùa đông nặng trĩu, trời thả tuyết xuống và tất cả đã hoá băng. Băng tuyết muôn hình đẹp đến sững sờ, không tin nổi vào mắt mình. Những cây băng với muôn chiếc lá trong suốt vẫn còn vương những giọt nước chảy dài nửa chừng đông cứng. Những giọt băng giữa trời, những hình thù kỳ quái đậu trên cây, trên cỏ, trên mái nhà như sử xở băng tuyết trong truyện cổ Andecxen mà thây Thanh vẫn hay kể. Vậy là không cần chuông reo thức giấc, cả bọn chạy nhanh ra đường , lấy chân dận lên băng nghe từng tiếng vỡ lạo xạo, lách tách dưới chân, có đứa đứng không vững trơn ngã đánh uỵch, rồi lại thi nhau bóc từng miếng lá băng, lạnh cóng đỏ bầm cả tay mà thích thú cười khoe nhau của đứa nào đẹp hơn. Lúc hứng chí lên, bẻ từng mảnh vụn lừa bỏ vào cổ nhau mà nhày dựng lên chí choé và rồi kết quả từng đứa một bị phạt đứng úp mặt vào tường. Mùa đông ấy sao không thể là ngọt ngào?
Mùa đông về cũng là lúc chúng tôi có thêm sáng kiến mới. Đến căng tin mua mấy gói kẹo cốm nhỏ li ti đủ màu sắc đem về bỏ vào ca nước rôi bỏ ngoài cửa sổ, chốc chốc lại lấy vào xem đã đóng băng chưa. Cứ vậy rồi ngủ quên lúc nào không biết. Sáng dậy ra lấy mang vào, tất cả đã đông cứng thành một ca kem trong suốt thật đẹp với những hạt bi nhỏ đầy màu sắc nằm bên trong, trông thật thích mắt. Anh em thằng Phong Phú với bọn thằng Hải, thằng Khánh, thằng Nam… nằm tầng trên đem buộc lại, treo lơ lửng đầu giường, rồi nằm ngắm bảo giống đèn mầu Hà Nội. Thằng Trinh, thằng Dũng háu ăn hơn cả, đem đập nhỏ ra nhai lạo xạo, thích thú. Thấy vậy, chúng tôi cũng thi nhau đập và nhai. Một mùi vị vừa nhạt vừa ngòn ngọt, lại lạnh và cứng, song với mấy đứa con nít chúng tôi lúc ấy lại là cả một niềm vui không thể diễn tả được.
Lớn hơn, lên cấp 2, mùa đông đã là quen thuộc không còn lạ lẫm gợi nhiều trí tò mò về cảnh vật xung quanh nữa. Chúng tôi đã cảm nhận được cái giá lạnh đến cong cả người, chân tay thu gọn cả trong bộ quần áo bông sù sụ. Nhớ sao mỗi lần học đêm, ở trước lớp có một bếp than sưởi ấm cho cả phòng, giờ ra chơi lại tranh nhau chỗ ngồi xoè tay kín cả mặt bếp. Và rồi, không biết đứa nào khơi mào, mấy thằng chúng tôi rủ nhau đi nhặt mấy cái hộp, cái ống sữa ở lối nhà thầy Trì, thầy Thịnh, rồi lên khu nhà ăn gắp trộm than đem về đặt trong bàn học, xoe tay hơ cười khoái trá. Thầy Tường bắt được, thế là cả bọn phải đứng trước lớp, hai tay bê hộp than của mình rất lâu. Chao ôi, cái hộp than này khi để trong hộc bàn học thì thấy thú vị chứ bê trên tay quả là cực hình. Hộp nóng, tay bỏng mà không dám buông nên mặt thằng nào thằng nấy đỏ bừng tướp mô hôi bỏng rát. Đã vậy lũ bạn dưới lớp không thông cảm chia xẻ cho lại cứ nhe răng cười lấy được. Cũng thật may, sau đó thầy Thịnh bước vào xin cho mà chúng tôi được tha. Thật khỏi nói hết nỗi niềm đận ấy, mùa đông ơi.
Nhưng rồi, cái tật đốt lửa sưởi chơi vẫn không sao chừa được. Mùa đông lớp 6, tôi theo thằng Hùng, thằng Quốc và vài đứa nữa, kéo nhau đi đuổi chim cuốc ở các bụi cây phía sau khu chăn nuôi. Chán rồi lại bẻ cành khô chụm lại đốt lửa sưởi ngồi tán tếu với nhau. Tình cờ thấy vườn khoai ai trồng cạnh đó, không hiểu sao lại lòi lên mấy củ liền bứt lấy ném vào đám lửa nướng ăn chơi. Cái rét, than lửa hồng, khoai nướng bùi bỏng cả miệng thật quyến rũ và không bảo mà cả bấy đứa cùng đào thêm mấy củ nữa. Và rồi, khoai vừa chín tới nứt trắng bung toả vị thơm ngọt trong than lửa, chưa kịp ăn, đã bị phát hiện, bị đuổi mà chạy, bay mình qua tường mới thoát thân. Đến bây giờ, mùa đông, vẫn nhớ mãi.
Những mùa đông như vậy cứ trôi đi, đất khách quê người, với băng tuyết trắng xoá, với những cơn gió lạnh, với những trò chơi nghịch dại và những tâm hồn tê cóng nỗi nhớ nhà. Mùa đông ấy cứ hiện hữu mãi đời tôi qua từng năm tháng với bao kỷ niệm. Lâu rồi thành nghiện, cứ thấy nhớ nhớ, thương thương, nhiều khi không định nghĩa nổi.
Và bây giờ…tôi điên mà mấy ai hiểu được!
Nguyễn thành Luân

Ảnh ngày đó


Ai có hình thì vào đây nhận nha







Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

QUÀ CHO NGÀY THÀNH LẬP QĐNDVN .

Nhân ngày thành lập QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM 22 / 12 , xin gửi đến tất cả các anh chị em và các bạn đã và đang mặc áo lính một ngày tràn đầy hoa , tràn ngập những lời chúc mừng và những nụ cười luôn nở trên môi .
Xin tặng tất cả các bạn 1 bài thơ , bài tập đọc , mà chúng ta đã học trong SGK lớp 3 nhân ngày vui này .

CHÚ ĐI TUẦN
Trần Ngọc

Gió hun hút lạnh lùng
Trong đêm khuya phố vắng
Súng trong tay im lặng
Chú đi tuần đêm nay
Hải Phòng yên giấc ngủ say
Cây rung theo gió lá bay xuống đường
Chú đi qua cổng trường
Các cháu miền Nam yêu mến
Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến
Các cháu ơi giấc ngủ có ngon không?
Cửa đóng che kín gió
Ấm áp dưới mền bông
Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé
Trong đêm khuya vắng vẻ
Chú đi tuần đêm nay
Nép mình dưới bóng hàng cây
Gió đông lạnh buốt đôi tay chú rồi
Rét thì mặc rét cháu ơi
Chú đi giữ ấm mãi nơi cháu nằm
Mai các cháu học hành tiến bộ
Đời đẹp tươi khăn đỏ tung bay
Cháu ơi! Ngủ nhé cho say...

GẶP MẶT HSMN (67-75) TẠI TP HCM

Xin gửi đến các bạn một số hình ảnh về buổi gặp mặt HSMN ( 67-75) tại TP HCM do Quế Minh Hà chụp .



Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

NHỚ KHU HSMN QUẾ LÂM


Góp vui cùng các bạn HSMN Quế Lâm

NHỚ KHU HSMN QUẾ LÂM

Quế Lâm đệ nhất thiên nhiên cảnh
Cầu Nguyệt, cầu Hoa, điểm Dung Hồ
Nga lầu, Lô địch màu huyền ảo
Động Thất Tinh Nham chốn tiên cô.

Dòng sông Ly Giang chảy lượn quanh
Dương Sóc tàu đi, núi giăng thành.
Ngỡ tưởng Hạ Long tranh thiên tạo
Du ngoạn bồng lai lắng hồn xanh

Có biết bao nhiêu lớp học trò
Miền Nam nước Việt gửi bạn lo
Hàng ngàn giống đỏ chăm học tập
Vật chất đủ đầy Đảng dành cho.

Tôi nhớ tôi yêu một khu trường
Nhiều hàng Quế biếc, đỏ Đào vương
Nhà ăn, nhà học, hồ bơi đẹp
Sân bóng, bồn hoa tỏa sắc hương.

Nhớ mãi không quên: Má, Cô, Thầy...
Giỏi nghề dạy học, việc hăng say
Thể thao, văn nghệ, nhiều tài lẻ
Nuôi dạy các em lớn từng ngày.

Thấm thoặt thời gian trôi quá nhanh
Giống đỏ ngày xưa đã hóa thành
Cây đời trĩu quả trên quê mẹ
Vẫn nhớ dòng Ly nước trong xanh.

Nguyễn Văn Trịnh
Nguyên GV các trường HSMN ( 1961-1975)
Trường số 11,21 HP - Số 1 Đông Triều - QN
Khu HSMN Quế Lâm – TQ
ĐT: 0912810505 - 0313.824810

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

MỜI HỌP MẶT .

KÍNH MỜI CÁC THẦY CÔ VÀ CÁC BẠN HSMN ( 1967 - 1975 ) ĐẾN DỰ HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG VÀO LÚC 9h NGÀY 18/12/2011 TẠI NHÀ NGHỈ CÔNG ĐOÀN THANH ĐA , P.27 , QUẬN BÌNH THẠNH .
BLL TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI .

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

QUẾ SÀI CŨNG TỤ TẬP.


Thấy các đồng môn tụ tập ở Đà Nẵng đông quá ( nhận ra 3 người : chị Sáu , chị Ty , anh V.Vinh , và lờ mờ đoán thêm 1 người là chị Bình ) , các đồng môn ở Sè Gòong tranh thủ leo lên bờ - nốc để chào các anh chị , chắc chả được chào lại đâu vì ... Hu hu .

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Ngẫu hứng Quế gặp nhau ở Hội An Chủ nhật 27-11-2011

Ảnh 1: SQAN tranh thủ bôi trơn cho quả tim mới đại tu...
(Từ phải sang: TCD 7H, 74-75. Chị Đối-YCụt Kh7, 72-73. NV Hòa 7B, 74-75. TV Vinh Kh7, 72-73)

Ảnh 2: muội phục vụ 2 tỉ (Từ trái sang: Mọng Linh Kh7, 73-74. TT Hường Kh7, 73-74. Chị Đối)

Ảnh 3: Nhiều Quế ở ẩn nay mới xuất hiện, Quế có nhận ra bạn mình không? (Từ phải sang: V.Vinh 7b, 73-74. Chị Bình kh7, 72-73. Kiều Cư(đứng) 7d, 74-75. Chị Sáu kh7, 72-73. chị Ty kh7, 72-73.Người đứng: Hiền kh5, 74-75. M.Linh. Quỳnh Kh6, 74-75. Tăng 7d, 74-75. QuePn và Quebạn.)

Ảnh 4: Như ảnh 3 ( Từ trái sang: TV Tâm 7d, 74-75. Hiền kh5, 74-75. TM Thiết kh7, 73-74. Chị NT Tuyết, kh7, 72-73. Mỹ Hạnh kh7, 73-74. Ph. Huệ 7b, 74-75. Người bị bàn tay che là V.Vinh. tbên phải V.Vinh:Hồ Hòa 7a, 74-75>)

Ảnh 5: Ngại quá ngồi gần toàn quan to, đành đứng xoay lưng lại thôi. ( người nhìn nghiêng bên phải K.Cư là: Thanh Quang kh7, 74-75. Áo xanh đậm bên trái TVVinh: NVBốn 7b, 74-75 Pq Ph.Huệ.)

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Một email nhân ngày 20/11


Tôi gửi các anh chị em bài viết dưới đây đã đăng trên tạp chí Tia sáng, có thể anh chị em đã đọc.
Nên sống thực với cả 365 ngày trong mỗi năm hơn là làm rùm beng một vài ngày để che cái thực bên trong không mấy đẹp đẽ.
Chẳng riêng gì nghề giáo, nghề nào cũng đáng tôn quí.
Good luck,
Phạm Hồng Sơn


Giáo dục
03:29-18/11/2011
Chuyện Thày Trò, Tây Ta...
Hoàng Hồng Minh

Giống như hầu hết các bạn hôm nay, tôi có may mắn được làm học trò từ bé. Và chính hôm nay, may mắn thay, tôi vẫn được làm học trò, vẫn đi học thêm những cái mình thích học trong thể thao, âm nhạc... Rồi tôi cũng đã làm thày giáo ở trường đại học đôi chút ở quê nhà, gần nhất là tí chút hè năm nay. Và tôi cũng đã làm thày giáo một thời gian ở trường đại học xứ ngoài, ở Paris. Cho nên những kỉ niệm thày trò đan nhau thật chồng chéo, nhiều hương vị, nhiều thứ chung nhau, mà nhiều thứ cũng thật khác nhau mênh mang.

Học trò ở ta khi nhỏ thấy thế giới thày cô thật xa vời. Nền giáo dục xưa thì chỉ có thày. Cô là mãi gần đây. Cô chính là thày, thày giáo nữ.


Chữ thày trong tiếng ta chính là "bố". Trong nhà xưa có thể gọi bố mẹ là "thày bu", xưng là con hoặc em. Khi đến lớp (hoặc thày đến nhà dạy), thày thay mặt bố mà dạy con, nên quan hệ tiếp tục là "thày - con" hay "thày - em". Nhưng sau này người ta không gọi giáo viên nữ là "bu", không biết có nên đáng tiếc việc đó hay không? Một chữ là ơn thày, nửa chữ là nhờ thày. Trẻ phải kính thày như kính cha. Cha xử con chết, con không chết là đồ bất hiếu.


Các bố mẹ xưa góp gạo nuôi thày thường đều là những người chưa từng được có chữ. Họa chăng đôi nhà cũng có biết chữ, nhưng mới vài ba chữ, chưa đủ để dạy nhau. Chữ ngày xưa là thứ chữ thiêng liêng của thánh hiền, thứ chữ không đánh vần được, học chữ nào biết chữ đó, nhầm là chuyện thường. Sự hơn kém nhau ở thời xưa hóa ra rất lượng tử, rất rõ ràng, chứ không rối rắm như hôm nay : đếm xem tổng số lượng chữ mỗi ai đã biết là biết tài. Cứ thế mà ra tiêu chuẩn bầu giáo sư với tiến sĩ thì kể cũng tiện. Trong một xã hội sơ giản như thế, ai có chữ cũng thành thày. Ta có thày chữ. Ngoài ra thì ai có hiểu biết hơn người xung quanh chút đỉnh, thậm chí có vẻ hơn thôi, thì cũng thành thày : có thày thuốc, thày võ, thày địa lý, cũng có cả thày tướng, thày số, thày bói, thày mo.


Cái nếp đó, học trò và gia đình ta đến hôm nay vẫn giữ được gần như nguyên vẹn, với những hiệu ứng tân kì.

Các cô (hầu như không có thày) dạy trẻ ở nhà trẻ có vai trò giáo dục thật ra rất quan trọng, nhưng do các cô chưa dạy "chữ", nên xã hội ngầm coi thường họ hơn, xem như họ "chưa phải ra thày". Chuyện này lại sẽ phải có bài bàn riêng.

Các giáo viên phổ thông thì giữ được ảnh hưởng cổ truyền lớn lao nhất. Gia đình và trẻ em cư xử với các thày cô này gần như trong mối quan hệ cổ truyền nguyên trạng, thày cô là cha là mẹ học sinh. Ngày nhà giáo, trẻ em đã đành, nhiều bạn bè nay đã trở thành ông thành bà, có cháu nội ngoại rồi, cũng vẫn nô nức í ới từ cả tháng để rủ nhau đi thăm thày cô dạy phổ thông hồi xưa. Đó là một nét đặc biệt nhất trên thế giới ! Nhưng kì lạ thay, các thày cô dạy Đại học thì lại không còn được hưởng cái lòng thành kính trung trinh này! Ngày lễ này rất thoảng qua ở các trường đại học, so với bậc phổ thông. Nhất là khi các sinh viên đã tốt nghiệp, thì hầu như không có chuyện họ phải í ới nhau đi thăm lại thày với cô của thời đi học đại học nữa. Họ chỉ phải lo cái bổn phận đi thăm lại thày với cô thời tiểu học và trung học mà thôi.

Từ điều này ta có thể thấy ra nhiều mặt.

Đối với xã hội, gia đình, học đại học không phải là cái thứ sống chết nữa. Các thày cô ở đại học nay dạy kiến thức, chứ không phải là những bậc « dạy chữ », bậc « khai chữ » thiêng liêng.

Đối với sinh viên, họ không còn là đám trẻ con ne nét nữa. Cái yêu mến thày cô ngày xưa ở tiểu học và trung học có nội dung lấm lét ở bên trong, nay với thày cô ở đại học, « sợ » thì có "sợ" nhưng không đến nỗi "khiếp". Bỗng nhiên mặc cảm cha mẹ - con cái ở họ tan biến đi. Nếu thày với cô lại mới ra trường, thì sự chênh lệch tuổi tác so với sinh viên lại càng ít đáng kể hơn. Các thày cô ở đại học mặt khác cũng biết tự kiềm chế hơn, cư xử bình đẳng hơn đối với các sinh viên... Cho nên người ta có cảm giác, và tự cho phép nữa, rằng quan hệ thày trò ở bậc đại học được phép "nhạt" đi.
Khi sang Paris, tôi lại có dịp đi học, với những xúc cảm mới.

Có những giáo viên tận tình đến thế. Để kịp chuẩn bị tài liệu cho năm học tới, một ông giáo gọi điện hỏi tôi địa chỉ, rồi mấy hôm sau chạy ôtô đến tận nhà để đưa cho tôi giáo trình, rồi động viên cố gắng, rồi hẹn khi vào năm học sẽ gặp lại nhau để trao đổi chương trình! Lúc này đang là mùa hè ! Thày trò quả là những người bạn, làm sao để cùng nhau thành công cái việc chung : viêc dạy và học.

Cả năm học trôi qua, không thấy xã hội có cái ngày lễ giáo viên ầm ĩ nào cả. Ở các trường phổ thông cũng vậy. Rất nhiều bố mẹ hầu như còn không hề biết tên, không biết cả mặt giáo viên! Bận quá, ai việc nấy thôi. Trong xã hội cũng vậy, không thấy đài báo tuyên truyền, ngợi ca thống thiết gì về giáo dục, về thày cô cả.


Thế rồi về sau tôi cũng bắt đầu tham gia giảng dạy về bộ môn Công nghệ Thông tin và Quản lý ở vài trường đại học.


Đi dạy CNTT cho sinh viên các ngành khoa học tự nhiên, như khoa Toán - CNTT, thì ... vất vả! Các vị này có tư duy gần gụi với các thuật toán. Cả lớp toàn con trai, may được vài ba cô gái kéo mắt lại. Những giờ bài tập thì mình phải chuẩn bị ém số lượng bài lên gấp đôi lên, kể cả các cách giải, đề phòng các vị giải bài nhanh quá rồi ngồi chơi, không biết làm gì. Coi chừng nhất là mấy anh chị cao thủ giải bài như bay ! Được cái các bạn giỏi ở đây thường cũng không có lối chơi trội, mà nhã nhặn đợi chờ bạn bè, hoặc giúp đỡ lẫn nhau.


Còn đi dạy ở bên mấy trường KHXH thì như đi chấm thi hoa hậu. Cả lớp chỉ có mấy mống con trai nhút nhát, còn lại toàn là các bạn gái thanh tú, tao nhã, thích nói chuyện bên lề nhiều hơn là giải bài... Giờ nghỉ thì cùng xuống lấy càfê, ra bãi cỏ ngập nắng mênh mông, ngả ngốn tán đủ thứ chuyện.

Nhưng chả bao giờ có cái ngày lễ học trò ôm hoa thẹn thùng chúc thày gì cả! Chạnh lòng nhớ năm nào về chuyện trò vui vẻ với các bạn ở khoa Quản lý trường ĐHQG HN, cuối giờ được các bạn tặng hoa, phát biểu cảm tưởng, được chụp ảnh, lúc chụp ảnh bạn lớp trưởng lại còn khéo ý tứ đẩy mấy bạn gái xinh nhất lên đứng cạnh thày… Làm thày như thế, thích quá a.


Cũng phải công bằng, có một năm nọ, vào cuối một buổi học, một cô sinh viên vốn khá thân trong lớp, cô Marie, đã nhã ý mời mấy bạn trong nhóm cùng đề tài và tôi cùng thưởng thức đĩa bánh cô làm, và dùng nước quả... Thế rồi Marie bất ngờ tặng tôi cây hoa xương rồng bé xíu thật xinh xắn ! "Hôm nay là Tết ! Chủ nhật vừa rồi bọn em đi ăn phở nên phát hiện ra ngày này ! Với sáu giờ lệch pha, nào ta nâng cốc chúc Giao Thừa! ". Lòng tôi bất ngờ tràn dâng sung sướng, chợt nuôi nao nhớ quê nhà… Tôi ôm hôn cảm ơn Marie và chúng bạn.

Mình bao giờ cũng phải sống hai lần. Sống, và nghĩ lại về cuộc sống.


Đáng nhẽ Thiên nhiên phải cho ta hai cuộc đời để làm hai cái việc đó thật tách bạch thảnh thơi.


Nghề nào cũng đáng tôn quí. Ở các xứ sở đã phát triển, nếu các ngành mà bãi công, ta sẽ thấy ngay rằng ngành vệ sinh công cộng là quan trọng nhất, rồi thì năng lượng, giao thông, y tế, thương mại... Ngành giáo dục mà bãi công thì cũng chưa chết ai ngay. ;-)


Tại sao xã hội người ta nền nếp như thế về giáo dục, từ nhà trẻ cho đến trên đại học, mà không cần tuyên truyền, không cần tôn vinh, không cần phải nô nức đi thăm thày thăm cô dạt dào cảm xúc ? Vì ngành giáo dục của họ, như mọi ngành khác trong xã hội, đã sống thật, đã chạy trong qui củ. Trường sở khang trang. Chương trình đàng hoàng. Giáo viên được trả đồng lương chính đáng. Đơn giản, có thế thôi.

Sự tôn kính ồn ào, đẫm lệ ở xứ ta nhiều khi lại chính là cái vỏ vờ vĩnh để che lấp đi cái chật vật nhọc nhằn của ngành giáo dục,  nhiều khi đành chịu cả nhục, của đời sống của các thày cô. Có lẽ không gì khổ bằng việc người giáo viên không có đồng lương đàng hoàng, phải để dành những ngón nghề để dạy tủ thêm mà kiếm sống ! Đáng nhẽ khi dạy học, khi san sẻ kiến thức, lúc đó chính là những khoảnh khắc của niềm vui vô bờ. Đằng này phải sống như đi đêm, thày vào lớp dạy, nửa này của lớp tối qua đã học thêm với mình, còn nửa kia của lớp thì không hề hay biết gì, hay nghi hoặc hoặc nghi…


Và người đi học, cứ phải lo suốt năm "cư xử thế nào đây, phong bì, quà cáp, học thêm…" để rồi được thày cô dạy cho cái đáng dạy, cái đảm bảo thi đỗ, chứ không dạy cái thứ vô tích sự cho xong ?

Không phải lập tức mà chúng ta sẽ giải được câu chuyện này, nhưng phải có quyết tâm, phải có lộ trình, để rồi phải có bằng được cái nền giáo dục giản dị ấy. Và toàn xã hội, mọi lĩnh vực rồi phải vào nếp, phải vào qui củ, phải đĩnh đạc, phải đàng hoàng.
Không lúc nào tôi quên đươc cái hình ảnh tuy đã rất lâu, cái ngày nào tôi đã bất chợt thoáng  gặp lại người thày rất quí mến khi xưa dạy ở lớp ba, nhưng lại rất ưu ái với tôi đang học lớp hai ngay bên cạnh… Thày lúc đó đã thật già cả, phải còng lưng ngồi trước cái cân sức khỏe trên đường phố để kiếm sống… Tôi lúc đó nghẹn ngào, không dám chào thày, sợ thày mủi lòng… Tôi không thể còn biết làm gì nữa… Mà những năm tháng đó, chính trong túi tôi cũng không có mấy đồng xu…

Một ngày lễ thịnh soạn trong một năm để tôn vinh các nhà giáo không thể thay thế được 364 ngày thường còn lại trên đường đời, chưa kể một khi nhà giáo đã già cả, còm cõi, và đồng lương hưu trí còn còm cõi hơn. Chúng ta hãy thay đổi cách nghĩ, cách sống, hãy chân thật, giản dị, không thỏa hiệp với những thứ lễ lạt tự dối mình đằng đẵng làm gì nữa.


Hãy giản dị, chân thật như cây hoa xương rồng bé xíu xinh xắn mà cô Marie đã tặng nhân Giao Thừa Tết năm nao.

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

" SIÊU NHÂN "




Các bạn có nhận ra điều đặc biệt ở hai em học sinh đang biểu diễn văn nghệ không ?













CƯỜI ĐÃ LUN .

MÓN QUÀ BẤT NGỜ .

Tôi rất sợ nhận những món quà nhân ngày 20-11.
Đi siêu thị mua đồ ăn trước ngày 20-11 hàng năm, nhìn những túi quà được gói sẵn trong siêu thị với dòng chữ Mừng ngày nhà giáo Việt Nam, bên trong là dầu gội đầu, sữa tắm, xà bông các kiểu, thậm chí là đường, sữa đặc có đường…một cảm giác thật khó diễn đạt cứ âm ỉ trong lòng. Năm nào mà ngày 20-11 rơi đúng vào tuần nghỉ ôn thi là tôi thở phào nhẹ nhõm: khỏi phải nhận hoa, nhận quà từ SV và một vài đồng nghiệp trẻ - những cô cậu mới tuyển dụng về trường, luôn tự coi mình là học trò của tôi - kèm theo là những lời chúc, rồi phải nói lời cám ơn…Từ ngày có ĐTDĐ, lại phải trả lời vài tin nhắn chúc mừng mà đôi khi mình thừa biết đó là lời chúc cho có mà thôi.
Thật may mắn là năm nay ngày 20-11 lại rơi vào chủ nhật, sau khi tôi cho sinh viên thi cuối kỳ môn học của mình. Tôi đang yên tâm là sẽ không có bông hoa hay món quà nào thì thật bất ngờ, tôi được biết đồng nghiệp trẻ -học trò của tôi đã không chịu đổi tên luận văn tốt nghiệp thạc sĩ để đăng ký làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, đồng nghĩa với việc sẽ không được nhận tiền NCKH, sẽ bị trừ 45 tiết chuẩn, sẽ không được bầu làm CSTĐ, sẽ không được nâng lương trước hạn – có nghĩa là sẽ mất một khoản tiền khá lớn trong khi đồng lương khởi điểm chẳng được bao nhiêu, phải đi ở nhà thuê. Kèm theo đó sẽ là sự không bằng lòng của sếp, liệu có tránh nổi những khó khăn về sau trên con đường sự nghiệp??? Cùng thời điểm này, nhiều CB trẻ khác trong BM vừa bảo vệ xong những ĐTNCKH được đổi tên từ LVTNThS, thậm chí có người còn đẻ thêm ra ĐTNCKH thứ 2 cũng từ cái luận văn ấy – mà ngay cái luận văn cũng thuộc loại vô thưởng vô phạt, không thể kiểm chứng bằng thực nghiệm vì chưa ở đâu có điều kiện kỹ thuật để có thể thực hiện, những đề tài chẳng đem lại lợi ích gì cho xã hội, bảo vệ xong, nhận đủ kinh phí từ nhà trường rồi là bị lãng quên ngay. Với tôi, đây chính là món quà quí nhất mà tôi nhận được từ học trò của mình, món quà thật bất ngờ nhân ngày 20-11.
QMH

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

NHỮNG " SÁNG KIẾN KINH NGẠC " . ( tt )

Trong muôn vàn SKKN , có cái cũng tạm nhưng đa phần là kinh dị . Mời các bạn tham khảo một " sáng kiến kinh ngạc " mà Ráo đọc trên TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN , thật là hâm mộ quá sức .
" Chiếm vị trí số một là sáng kiến kinh nghiệm của hiệu trưởng ( HT )một trường vùng ven . Nội dung của sáng kiến này là để cải thiện đời sống cho cán bộ , giáo viên nhà trường , HT đã chỉ đạo công đoàn xẻ đất đào ao nuôi cá tra . Điều đáng nói ở đây là không nuôi cá bằng thức ăn hay nguồn thủy sinh của dòng Mê Công mà bằng ... chất thải của con người !Thế là một ao cá với hai dãy nhà vệ sinh nhanh chóng được dựng lên . Tận dụng lợi thế sông nước kề bên trường , lại có đường giao thông chính , mật độ người qua lại rất cao , tranh thủ mối quan hệ với phụ huynh và cả áp lực với học sinh , nhà trường kêu gọi " hãy góp phần làm cho cá mau lớn " . Đất mượn của phụ huynh , không phải trả tiền thuê , lại chẳng tốn tiền thức ăn , phụ huynh và cả học sinh rồi bà con địa phương " tham gia tích cực " nên khi thu hoạch mang lại khá nhiều tiền cho nhà trường .
Tuy còn áy náy về cách làm nhưng rõ ràng sáng kiến này đã mang lại lợi ích trước mắt cho cả một trường . Hơn nữa nếu không công nhận thì HT sẽ " rớt " thi đua nên hội đồng đành công nhận giá trị của sáng kiến nhưng chỉ dám xếp loại C và âm thầm cất vào tủ không dám phổ biến . " ...

20-11-2011

Để tỏ lòng "tôn sư trọng đạo" tôi xin được:


  biếu các Quế thày                                                                              

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

NHỮNG " SÁNG KIẾN KINH NGẠC " .

" Nghề dạy học là nghề cao quí nhất trong ... " , he he , mình quên mất tiêu tiếp theo ra sao rùi . Vậy mà , những người làm cái nghề cao quí nhất này luôn được ưu ái bằng những " sáng kiến kinh ngạc " .
Đầu tiên là thay ngày NGVN 20/11 bằng ngày .... ( mình cũng quên luôn rùi , Ráo nào nhớ thì nhắc dùm nha ) . Chẳng thế mà từ hồi bên Quế chúng ta đã làm thơ " 20-11 đến rồi , lòng em vui sướng bồi hồi biết bao . Công thầy cô má lớn lao . Ơn sâu nghĩa nặng ghi vào lòng em " . Vậy mà mình mới nghe thông báo : sang năm kỷ niệm 35 năm ngày Nhà Giáo VN lớn lắm !!!
Rồi bây giờ nghe Luân " bệu " kể rằng ớ xứ của bạn ấy , 5 năm mới được kỷ niệm ngày NGVN 1 lần . Không biết sáng kiến này đại ca Trỗi N.T.N lúc còn làm bộ trưởng BGD có biết hay chăng ? Tội nghịp cho Hiệu trưởng Luân " Bệu " phải tìm đủ mọi cách cho các thầy cô khỏi tủi thân . ( mặc dù cứ sắp đến ngày này là các Ráo lại quay như chong chóng với các phong trào thi đua và ngày lễ thì chỉ cần 1 bông hoa và 1 lời chúc thật lòng là đủ ).
Nhưng cái " sáng kiến " hành hạ các Ráo dã man nhất đó là hàng năm các Ráo phải viết " SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM " , không viết thì học trò có đậu tốt nghiệp 100% cũng đừng mong mà xếp loại A . Vì thế trường Ráo có GV viết sáng kiến kinh nghiệm như thế này : muốn học trò học tốt thì khi nó lên bảng không thuộc bài , cho nó về chỗ , lần sau lên trả bài lại ! Chị lao công cũng có SKKN , cuối năm chị được CSTĐ , tụi Ráo tìm đọc SKKN của chị ấy gần chết mà hổng thấy đâu .
Vì thế , các Ráo gọi các SKKN là " SÁNG KIẾN KINH NGẠC "
( Còn tiếp ) .

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

CHUYỆN NGHỀ

Hôm rồi, gặp lại thằng bạn trước học với nhau ở trường Sư phạm, giờ đã là sếp lớn. Nhìn khuôn mắt hắn hốc hác, bờ phờ, đói ngủ, tôi hỏi: Làm sếp, thằng nào cũng béo đỏ như con tôm luộc cong đít mà sao mày lại vậy, hay dính quả chi mất chức rồi. Hắn vừa ngáp, vừa lè nhè; Mất được lại tốt, còn được giấc ngủ. Rồi tu một hơi như con bạc khát nước, hắn mới trợn mắt nhìn tôi hỏi: chớ mày không biết gì hả, vậy mà cứ làm bộ ngày nào cũng đọc… Rồi không đợi tôi trả lời, hắn nói liền: Chuyện động trời: mấy bà mầm non trên tao không hiểu sao lại kéo nhau đình công.
Hả? Ồ…, quả là động trời! Chuyện này tôi có đọc qua báo mạng song cứ nghĩ đấy là chuyện mấy cha nhà báo hay moliphe lên để câu độc giả chứ đâu nghĩ là thật. Mà có thật cũng đâu là lớn đến mức mất ăn mất ngủ. Hừ…Vậy là cái gốc giáo dục đã có dấu hiệu của tuổi tác rồi ư?
Nhưng kỳ thực mà nói, thật tội cho các cô giáo mầm non. Tiếng là nghề giáo trong cùng một hệ thống và được ca ngợi, tôn vinh là những người đặt nền móng đầu tiên cho cái gọi là dạy người ta làm người. Các cô có vinh dự là người vẽ nét bút đầu tiên lên tâm hồn đời con người, ấn định sự phát triển của nó sau này. Và bao mỹ từ khác, các bài hát ca ngợi, những lời chúc tụng, hứa hẹn khiến các cô sung sướng ửng hồng khuôn mặt ngày khai giảng và ngày 20-11. Những cũng chỉ thế thôi rồi tất cả lại vào quên lẵng. Sự thờ ơ, cái nhíu mày, cái lảng tránh khi các cô cần gặp lãnh đạo. Rồi cực chẳng đã lại là những lý do: Tình hình chung rất khó khăn, địa phương đang tập trung làm …này, kia…Còn các cô thì mãi trông đợi, mà giống đời, người ta càng trông thi lại càng thấy hút bóng. Vậy sao không chạnh lòng!
Chiêu một ngụm, Tôi nhẩm tính: Lương trừ đi rồi còn độ 500 000 đồng, mỗi ngày các cô sống bằng 15 000 đồng, làm việc hơn 8 tiếng/ngày tính ra 1 giờ không đầy 2000 đ. Thật khó tin, song lại sự thật. Làm việc quần quật suốt ngày không đủ tiền mua một bát phở cho chồng ốm nằm nhà. Chuyện thật hy hữu mà lại là phổ biến với các cô giáo mầm non. Một tháng trời làm cũng chỉ bằng anh đi xây 3 ngày, chị gặt lúa thuê 4 ngày, và bác công chức xơi hơn 20 bát phở buổi sáng…Thật bi đát! Vậy mà các cô vẫn sống, vẫn làm việc cặm cụi, có cô đã gắn bó như thế hơn 20 năm. Việc hôm nay cũng là cực chẳng đã mà bỏ dạy, đi kêu đấy thôi.
Nhưng sao các cô lại làm cái việc động trời ấy, một việc làm chưa hề có tiền lệ ở cái ngành cao quý này. Và tại sao lại là ngày Khai giảng, ngày mở đầu năm học mới, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường kia chứ.v.v…Quả là bi hài, cũng không còn cách nào khác, thời điểm nào khác. Thôi thì cũng là một lần, cắn răng vậy, bấm bụng vậy, xót xa lắm mà làm, nào sướng gì đâu. Biết sao được, khi người ta không thể còn đói hơn nữa, khổ hơn nữa, khi mà người ta đã mất hết cả niềm tin, khi mà những lời hứa cứ như mọc cánh theo gió mà bay để lại cho các cô cái nhìn hụt hẫng. Mà cả đến giờ vẫn vậy thôi, vẫn là những lời hứa…
Đến nước này rồi mà vẫn hứa và hứa đến bao giờ? Tôi gằn giọng hỏi thằng bạn. Đôi mắt đỏ kè, bầm lên những tia máu, hắn nói như vô hồn: Không hứa, tao còn biết làm gì khi tao không phải là người quyết định, cơ chế mà... Giọng hắn chùng đi, nghẹn lại, rồi hắn bỗng dốc túa lua vào cái cổ họng đang dỏng lên trong những cơn khát…mà cũng chẳng biết hắn khát cái gì!
Tôi ngước mắt lên, ngoài kia, phố phường nhộn nhịp. Tan trường, trước cổng trường mầm non, mấy cô giáo mặc váy đi trên những chiếc xe tay ga đúng mốt. Ừ, đâu phải là khổ, họ sướng đấy chứ. Tháng bạn tôi lại gầm gừ: mày tưởng họ sống bằng lương dạy học đấy à. Tầm gửi cả đấy thôi. Ừ nhỉ! Tầm gửi…Phải, họ vô tư đâu biết thân mình chỉ như thứ tầm gửi sống dựa vào những đồng lương, đồng bổng của chồng. Còn lương họ không biết mua được mấy hộp bia cho một bữa nhậu của chồng đây?
Còn các cô giáo kia, đâu được vậy, có tầm gửi, họ cũng chỉ bám trên những thân chồng đã còi cọc, khô héo, không còn nuôi nổi mình, huống chi còn vợ con deo bám trên lưng. Chao! chua chát sao cái câu ca: Thân em như… thuở nào, bây giờ lại vẫn là hiện thực. Phũ phàng là thế mà vẫn sáng chiều cặm cụi không một lời kêu ca, các cô như thế bao năm trởi để đến bây giờ mới bật lên tiếng khóc…xót thương cho chính tình cảnh, số phận mình.
Nhưng số phận, tình cảnh đó đâu chỉ là ở một trường kia, ở những con người cùng đường tự phát bật lên như thế. Nó là nhiều số phận, nhiều con người, nhiều nơi… những xem ra, họ đều cam chịu, lặng thinh, tự bào mòn, ngậm đắng, chỉ cốt sao có được một việc làm. Mà cũng lạ, xã hội này, thời buổi này, cái việc làm nhà nước lại có ý nghĩa sống còn, là thước đo phẩm giá và đẳng cấp con người dù rằng đồng lương không bằng một anh thợ xây, một cô thợ may bên ngoài. Một quan niệm nghĩ thật chua chát. Nhưng cũng đừng trách gì họ, hãy thông cảm và chia xẻ. Không vậy mà nhiều người tìm đủ mọi cách: mua bán, đổi chác, bất chất tất cả, chỉ cốt có được cái tiếng là người nhà nước đấy hay sao!
Tôi lại uống …lại lan man nghĩ về những đứa học trò. Mỗi lần Tết về, đến nhà lại nửa đùa nửa thật: Theo thầy, chúng em giờ đâm khổ, bọn thằng X, Y xưa nó học như thế mà bây giờ nhà cao cửa rộng, còn bọn em thì…Tôi cũng chỉ biết cười buồn ra nước mắt, thương cho cái nhiệt huyết của mình làm khổ lũ trẻ. Phải rồi, dạo này có đứa nào học được chút chữ nghĩa theo nghiệp thầy đâu. Chỉ còn những đứa chữ rơi, chữ rụng mới bất đẵc dĩ mà vào sư phạm thôi. Cũng chả trách chúng được, có theo, có học rồi cũng có chỗ đâu mà dạy, mà thi thố tài năng. Tôi lại nhớ thằng bạn có đứa con học đại học sư phạm Hà Nội I cứ động viên con cố gắng lấy cái bằng giỏi để về xin việc cho dễ, nào ngờ có bằng giỏi rồi, thất nghiệp vẫn hoài thất nghiệp, giờ phải quay đi bán hàng kiếm sống. Cuộc sống thật kỳ lạ. Những gì tốt đẹp dường như chỉ nằm trong sách vở, qua bài giảng của thầy cô, giáo huấn của cha mẹ. Hèn chi mà giờ thầy cô có dạy bảo, tui trẻ cũng chỉ làm thinh, chúng không vặc lại cũng đã là may lắm rồi. Chà, sao cốc bia đắng thế! Rõ thật chán!
​Bẵng đi, hôm qua, đang lọc cọc trên cái xe cà tàng chợt một chiếc xe con đen bóng lộn ép sát, rồi dừng lại làm tôi suýt ngã. Chưa kịp văng câu chửi, đã lại thấy cái bản mặt thằng bạn. Chỉ có điều hôm nay nó phơn phơ hơn, comle hơn. Rồi cũng không kịp để cho tôi há miếng, nó bảo: xong rồi. Tôi tròn mắt: xong cái gì? À, chuyện bữa trước đó. Hừ, vẫn là giọng ông lớn. Thì ra vậy! Cầm cốc bia, không dốc thẳng vào họng như lần trước, hắn bảo: các cô sống rồi. Lại chuyện ấy. Chẳng bảo tôi cũng biết. Bây giờ các cô giáo đã được hỗ trợ dù chủ yếu vẫn nhờ lòng hảo tâm của cúa doanh nghiệp. Chính quyền tạm chi hỗ trợ thêm 300 000 đồng/tháng nữa. Thôi chưa đủ no, song không chết lả cũng là may lắm rồi. Giờ là 800 000 đồng/tháng, 27 000đồng/ngày. Có trót thèm ăn bát phở 20 000 đồng cũng còn 7000 đồng để mua rau. Có còn hơn không. Số tiền cả tháng ấy cũng chỉ đủ tôi và thằng bạn uống bia bù khú với nhau được 3 bữa. Tôi mừng. Từ đây các cô đỡ khổ hơn, các cháu lại được đến trường. Tình người lại được sưởi ấm. Tiền bạc không làm cái nghề này vấy bẩn.
Lần này, hắn đi vội, tôi một mình ngồi lại, tư lự. Những tình cảnh này được đến bao giờ? Bao giờ giáo viên mầm non mới được nhìn nhận đúng và đãi ngộ xứng đáng đây? Cơ chế ư? Không ! Con người. Phải, chỉ là con người mà thôi !

Nguyễn Thành Luân .




Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

HỌP MẶT HSMN ĐÔNG TRIỀU KHÓA 10/1975

Nhận được giấy mời cách nay 2 tuần rùi mà giờ này MF mới nghĩ ra mình phải đăng tin lên blog Quế, vì MF quên mất khóa 10/75 Đông Triều này bao gồm các Quế, chỉ đến tối nay tụi Quế: Thái Hòa (cháu bác Mao), Tăng Kim (hic hic, hắn ngọt xớt trong điện thoại: em à? nghe nói em nói xấu anh trên blog, có không? he he, không cười, có không khai ra!!! Thì khai chớ sợ chi.) Tên Xuân Hùng khảo: đi đâu mà tui gọi hoài không trả lời!!?? Hóa ra tụi nó đang tụm nhau bàn chiện đi Đà Nẵng dự họp, rồi quyết định gọi cho MF bắt nạt: đi nghe chưa!? để xem đã. Không xem gì hết!!! Hic, ai biểu quyết định họp trúng ngày oái ăm: 20/11, biết dân HSMN mê nghề làm Ráo mà còn chọn trúng ngày nì mà họp! Sau khi nhận giấy mời, xem xét lịch của trường: 18 văn nghệ chào mừng, 19 tọa đàm trường, 20 tọa đàm khoa lại còn tiệc đứng ngồi, chưa kể một số trường MF từng học, từng dạy còn mời nữa. Làm seo đây? Zưng mà thiệt ra MF đã ngầm quyết định trước, vì một là nhóc Quế Mộng Linh ra Huế, MF đã hứa hẹn với nó là sẽ vào, hai là hôm 13 đám cưới con chị Hóa (lớp 10A ĐT), mấy đại ca lớp 10 đã dấm dứ: phải đi nha! MF ướm thử ở khoa: ngày 19 và 20 chắc không dự được, í cha, một làn sóng phẫn nộ! Có hơi dao động, nhưng tối ni thêm tụi Quế Giai ni đế vô, đành quyết định thôi! Đã đến lúc bạn bè là bến đỗ!
MF vác ngà voi cho ban tổ chức, mạo muội thông báo ở đây cho "bên nào có liên quan" thì chuẩn bị đi họp nha! 9 h ngày 20/11 tại nhà hàng Thủy Hoa Viên, đường 2/9 Thành phố Đà Nẵng!

Chúng em trân trọng kính mời các thầy cô cùng về tham dự!
Hẹn gặp!
Q.MF

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

TQ Quế bị chặn blog!

Tổng Quản N.H.Q kêu cứu máy tính bị chặn không vào được blog, hoặc vào được mà không còm được, nhờ các Quế và các Đại ca Trỗi thả phao cứu vớt! :) :)

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

ĐẤT MŨI

Tổ quốc ta như một con tàu
Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”
                                          ( X.Diệu)
“Mũi thuyền” Cà Mau của tổ quốc ở tọa độ 8 độ 37 phút 30 vĩ độ Bắc và 104 độ 43 phút kinh độ Đông (thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), cách thành phố Cà Mau hơn 100 km. Bên trái mũi là biển Đông, bên phải là biển Tây, tức vịnh Thái Lan. Chính vì vậy đây là nơi duy nhất trên ở Việt Nam có thể nhìn thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở phía biển Tây. ( tư liệu)
Thật tiếc, đoàn chúng tôi tới Mũi ngay “chính ngọ”, mặt trời chói chang giữa đỉnh đầu ( vì đoàn còn mắc đi tặng quà cho các cháu ở một trường tiểu học). Để ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn chắc đành chờ “ duyên” khác vậy.
 Tôi từng đọc đâu đó,  người ta luận về hai chữ Việt Nam :“việt” là việt dã, “nam” là phía nam. Việt Nam là tiến về phương nam(!). Và đất Mũi tựa  ngón cái của bàn chân lấm lem đất bùn đang tiến bước. “Ngón cái” lam lũ đó giờ lại bị tróc mất một góc móng chân rồi, bởi hiện tượng nước biển xâm thực, gặm nhấm dần, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, xót xa cho vùng đất thiêng  cuối trời Tổ quốc.
Đất Mũi hầu như không có dân, chỉ có Ban quản lý khu du lịch với hai cái nhà hàng . Chúng tôi tới vào ngày thường nên ở đây rất vắng vẻ, vì giao thông cách bức, xa xôi, lại cụt đường đi tiếp mà du khách ngán ngại chăng? Có lẽ việc đánh thức tiềm năng du lịch đât Mũi cần phải gắn kết với Hòn Khoai xa xa để tạo thành một “tua” liên tục, hoàn chỉnh.
   Đến Mũi là đi bằng xuồng cao tốc, chạy từ Năm Căn xuống mất hàng giờ. Các bạn tha hồ thưởng thức cảnh sông nước thay đổi liên tục, rất thú vị. Tới nơi sẽ có đường mòn đưa các bạn vào rừng đước xanh tươi, mát rượi…
  Chừng xế chúng tôi mới về tới thành phố Cà Mau để gặp cô Thơ của các Quế. Thời gian ít ỏi , mới hàn huyên cùng Cô được chút đỉnh thôi. Hóa ra các Quế lớn  “quen biết” và có “duyên” với Cô từ đời nảo , đời nào.

Vừa lên Mũi bạn gặp ngay dàn vỉ phơi cá thòi lòi cực hấp dẫn ( con lớn gần nửa cổ tay)
   Từ tháp nhìn xuống là vùng Mũi bị sạt lở, được kè bêtông
              Một nhà hàng phía xa
             Phía đông là Hòn Khoai ( có dân ở)
        Tháp quan sát có chân hình rể đước
         Tượng đài đất Mũi- con tàu rẽ sóng

 Mũi bị xâm thực ( trước đây biển cách con đường cả trăm mét)
  Đang làm kè bảo vệ, băng bó cho "ngón chân"
           Cột mốc số 0001 của Tổ quốc
            Cầu vào rừng đước

    Hình dưới chụp chung với cô Thơ của các Quế
                 Hẹn ngày gặp lại!