Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

BẠN HỎI VÌ SAO ?

(Bạn đọc) - Ngày 29/04/2015, tờ VOA đã đăng tải bài viết mang tên “Trung Quốc muốn “nuốt chửng” Việt Nam sau năm 75?” cho thấy những âm mưu của quốc gia này để thôn tính Việt Nam khi vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt với Mỹ.

Giáo sư Tương Lai, người có thời kỳ làm cố vấn Thủ tướng, nhà nghiên cứu từng có nhiều bài bình luận đăng trên tờ The New York Times của Mỹ chia sẻ về tình hình Việt Nam trong khoảng thời gian 40 năm qua như sau:
Sau 30/4/1975, Việt Nam chấm dứt chiến tranh, đi vào hòa bình xây dựng, nhưng nào có hòa bình xây dựng được đâu. Có một nước ở sát cạnh Việt Nam, không muốn Việt Nam trở thành một nước mạnh, sau khi đã đánh tan những đạo quân chưa hề thua như của Pháp và Mỹ.
Trung Quốc đã muốn ‘nuốt chửng’ Việt Nam sau năm 75
Trung Quốc đã muốn ‘nuốt chửng’ Việt Nam sau năm 75
Cho nên, 30/4 xong một cái, thì nó (Trung Quốc) đã giục bọn Pol Pot đánh vào phía tây nam, kéo một cuộc chiến tranh biên giới tây nam từ 76 tới 78. Trung Quốc trang bị tận răng cho Pol Pot. Sau khi quân Pol Pot bị Việt Nam giáng cho một đòn chí mạng, giải phóng đất nước Campuchia, thoát khỏi diệt chủng thì Đặng Tiểu Bình mượn cớ ấy để rồi phát động chiến tranh biên giới năm 1979.
Như vậy là nó muốn cho Việt Nam đang còn mình đầy thương tích từ chiến tranh thì nó giáng cho một đòn nữa để củng cố quyền lực của Trung Quốc, để Việt Nam không thể ngoi dậy, tiếp tục lớn mạnh bên cạnh một nước láng giềng khổng lồ, luôn luôn đối chọi mà muốn nuốt chửng Việt Nam.
Vậy thì 40 năm qua, khi người ta nói đến xây dựng, thì trước hết phải nói đến xây dựng trong một âm mưu hết sức thâm độc của chủ nghĩa bành trướng đại Hán, mà nó lại nhân danh cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy mà việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ấy nó gặp trở ngại hết sức lớn.
Khi nhìn lại 40 năm, phải thấy rằng đấy là 40 năm trong những cố gắng tối đa của người nông dân trên đồng ruộng, công nhân trên nhà máy, của người trí thức trong các giảng đường đại học hay trong các phòng thí nghiệm và của các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước có những nỗ lực hết sức lớn, và đưa tới những thay đổi khá cơ bản.
Redsvn-Biem-hoa-Bien-Dong-31
Thế nhưng, Trung Quốc không bao giờ để Việt Nam tự do phát triển mà luôn có những mánh khóe, chiêu trò để lũng đoạn, khống chế nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam phải đau đớn mà nói rằng 40 năm qua, thời gian dài, hy sinh lớn, vất vả, gian khổ, thành tựu có nhưng mà quá hạn hẹp, so với khả năng mà đất nước có thể vươn lên.
Phóng viên: Đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc trên biển Đông, liệu Việt Nam có nên nghiêng hẳn về Mỹ?
Giáo sư Tương Lai: Không có kẻ thù vĩnh viễn cũng chẳng có bạn vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích của dân tộc là vĩnh viễn mà thôi. Việt Nam biết quá rõ.
Việt Nam sẽ không liên minh với một nước để chống lại một nước thứ ba nhưng Việt Nam không nên từ bỏ quyền liên minh với ai mà giúp Việt Nam giữ vững chủ quyền lãnh thổ trên biển, và trên đất liền của Việt Nam.
Lúc này đây, cần phải dẹp bỏ những việc khác đi để bỏ bớt những chuyện bên thắng cuộc, ai thắng, ai thua đi mà hãy nhìn vào kẻ thù trước mắt là Trung Quốc xâm lược, là ngăn cản không để Việt Nam thoát ra khỏi cái bóng của Trung Quốc, là những âm mưu thủ đoạn gây áp lực, chia rẽ nội bộ bằng nhiều thủ đoạn.
Lan Anh (TH)

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG

Trưa mai-30/4, mới đó mà đã bốn chục năm rồi. Giờ này chắc bao người đang thổn thức với những kỷ niệm xưa...
 SG hôm nay? Tôi xin gửi tới các bạn chút cảnh thành phố qua những góc nhìn.

Nhìn từ bến Nhà Rồng

Bên phải là cầu Khánh hội, cột cờ Thủ ngữ.

Bình minh TP


BẠN MÌNH CẦN BIẾT



Điều này có thể có bạn đã biết, cũng có thể có bạn chưa biết. Gần ngày lễ rồi đăng lại cái nhé:
Điều 17. Hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ

1. Trình tự và thủ tục thăm viếng mộ liệt sĩ:

a) Người đi thăm viếng mộ liệt sĩ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị thăm viếng mộ liệt sĩ (mẫu số 11-MLS);
- Bản sao giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ hoặc bản sao Bằng Tổ quốc ghi công;
- Một trong các giấy tờ sau:
+ Giấy báo tin mộ liệt sĩ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc giấy xác nhận mộ liệt sĩ của cơ quan quản lý nghĩa trang liệt sĩ nơi an táng mộ liệt sĩ đối vớitrường hợp mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin;
+ Giấy xác nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với trường hợp chưa xác định được mộ cụ thể trong nghĩa trang liệt sĩ nhưng có tên trong danh sách quản lý của nghĩa trang;
+ Giấy báo tử ghi thông tin địa phương nơi liệt sĩ hy sinh hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử đối với trường hợp mộ liệt sĩ chưa quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ.
b) Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 01 ngày làm việc có trách nhiệm xác nhận vào đơn đề nghị thăm viếng mộ liệt sĩ;
c) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra và cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ (mẫu số 03-GGT).
Trường hợp giấy tờ nộp không hợp lệ thì trong thời gian 03 ngày làm việc phải gửi văn bản trả lời nêu rõ lý do kèm toàn bộ giấy tờ đã nộp cho người đứng đơn để hoàn thiện theo quy định.

2. Nơi quản lý mộ hoặc nơi có thông tin hy sinh của liệt sĩ:
Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ giấy giới thiệu có trách nhiệm xác nhận về việc thăm viếng mộ liệt sĩ.

3. Nội dung và mức hỗ trợ:
Hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn theo khoảng cách từ nơi cấp giấy giới thiệu đến nghĩa trang có mộ liệt sĩ hoặc địa phương nơi liệt sĩ hy sinh. Mức hỗ trợ mỗi năm một lần đi thăm viếng đối với một liệt sĩ như sau:
- Khoảng cách dưới 100 km: mức hỗ trợ 150.000 đồng/người.
- Từ 100 km đến dưới 300 km: mức hỗ trợ 300.000 đồng/người.
- Từ 300 km đến dưới 500 km: mức hỗ trợ 500.000 đồng/người.
- Từ 500 km đến dưới 1.000 km: mức hỗ trợ 800.000 đồng/người.
- Từ 1.000 km đến 1.500 km: mức hỗ trợ 1.100.000 đồng/người.
- Từ 1.500 km đến 2.000 km: mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người.
- Từ 2.000 km trở lên: mức hỗ trợ 1.700.000 đồng/người.

4. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ căn cứ vào xác nhận về việc thăm viếng mộ để thực hiện chi hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn cho thân nhân liệt sĩ (không quá ba người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các giấy tờ hợp lệ theo quy định.

Hãy nhận lấy tấm lòng của chính phủ, cho ba má, anh chị em...chúng ta ngậm cười nơi chín suối.

XH.

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

NHỚ ĐINH ĐÀO

9h35ph sáng ngày 30 tháng 3 năm 2015 nhận tin nhắn của Thiết Đà Nẵng báo tin : “Bạn Đinh Đào đã mất sáng sớm nay” cuộc sống như chợt sững lại. Hình ảnh Đinh Đào từ nơi xa xôi nào đó chợt ùa về .


Con người bằng xương bằng thịt của Đinh Đào như hiện rõ trong tâm trí .Nhớ lại năm 1972, vừa làm công tác Đoàn Đội , vừa trực tiếp dạy Toán cho lớp 6c của Đinh Đào, cho đến bây giờ dù đã trên 40 năm , tôi vẫn nhớ rõ tập thể ấy với Thầy Thao chủ nhiệm, Em Hoằng lớp trưởng, Em Tươi Bí thư chi đoàn .Đinh Đào học loại khá của lớp, là đội viên lớn, rất ngoan , nhiệt tình tham gia các hoạt động chung nhất là văn nghệ.Có lẽ mọi người nhớ nhất Đinh Đào gắn liền với tiết mục múa Tân Cương, chàng trai thảo nguyên vui nhộn có cái lắc cổ theo tiếng nhạc rộn ràng, điều khiển nhạc cụ đặc trưng luôn khiến khán giả cũng phải lắc lư theo tiếng nhạc . Lớp đó còn có Dương Xuân , Ông văn Xuân , Điểu , Thành ,2 Hường, Tâm , Hiền , Khương, Thảo,….và nhân vật đặc biệt Phương . Năm 2007 Đinh Đào lại tái hiện trong điệu múa Tân Cương của lễ kỷ niệm 40 năm Khu GD HSMN tại Đà nẵng . Chỉ nhìn em trên sân khấu còn Thày trò không có thời gian chuyện trò với nhau .Năm 2009, một ngày mùa thu Hà nội chợt nhận được cuộc điện thoại của Đinh Đào : Thày ơi, Em đang ở Hà nội, Em muốn gặp Thày. Thế là Tôi được gặp Đinh Đào , được ngồi uống cà phê với em tại phố Phan Đình Phùng đối diện Bộ Quốc phòng.Hôm ấy Tôi mới hiểu rõ cuộc đời gần 35 năm của Em từ một HSMN , không có điều kiện học tập thuận lợi, phấn đấu vươn lên từ một lính nghĩa vụ, bằng năng lực của mình đi qua các cấp bậc để trở thành một Đại tá - chính ủy sư đoàn có uy tín . Thày trò đồng cảm với nhau về quan niệm và cách sống . Con người vươn lên bằng chính năng lực của mình .Từ đó Tôi có điều kiện liên lạc với Em . Tôi lo lắng cho bệnh tình của em dù tích cực điều trị nhưng vẫn chậm tiến triển. Năm 2011 hai bố con Em tham gia chuyến thăm lại trường cũ mà Em hằng mong ước , cùng đi lớp 6C cũ có Thành , Điểu. Thày Trò , bè bạn có dịp ở bên nhau một tuần lễ, ôn lại chuyện xưa , cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm .Cũng may trong chuyến đi ấy Tôi có được một số hình ảnh của Đào. Hơn 40 năm trong nghề dạy học, cái sàng thời gian chỉ để lại những gì sâu sắc , thiêng liêng  nhất . 8 năm đầu sự nghiệp ở Quế Lâm là viên ngọc lung linh , đáng nhớ , đáng sống trên cái sàng thời gian ấy. Nó giải thích vì sao Tôi có thể nhiệt tình , tận tâm vói nó. Nhìn vào viên ngọc đó Tôi hình dung được từng em học sinh với hình dáng , tính cách. Tôi muốn dõi theo cuộc sống từng em xem nó có được an lành không .Đinh Đào là một hình ảnh rõ nét trong viên ngọc đó .


                                                                                                         

          Hà Nội 4-4-2015

Thày giáo Trần Văn Từ .

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

TÌNH BẠN


Chúng mình những đứa muôn nơi
Chung nhau sự sống từ thời ấu thơ
Có chung suy nghĩ ước mơ
Chung trường chung lớp chung giờ giải lao ...
Chẳng phân đẳng cấp thấp cao
Sẻ chia cơm áo gian lao tháng ngày
Ngọt ngào có lẫn đắng cay
Buồn vui có lẫn rủi may trong đời ...

Xa trường mỗi đứa mỗi nơi
Non xanh cũng lắm biển khơi cũng nhiều ...
Trải qua mưa dập nắng dìu
Nhớ về ngày cũ thương yêu vẹn tròn .

Từ trong sâu thẳm tâm hồn
Có ai quên được thuở còn ấu thơ !




Tháng năm không thể nào ngờ
Tình xưa bạn cũ hẹn chờ muôn phương
Đứa còn đứa mất vô thường
Bao nhiêu kỷ niệm yêu thương dâng đầy !



Đà Nẵng 27 / 4 / 2015
VAV


Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

BẠN HỮU ?


Một người giao kết ba người
Kết tới khó chặt, tháo lui khó lường
Đánh đu thì chẳng chính phương
Hao tâm, tốn lực lắm đường hiểm nguy

Ai là tuấn kiệt tư duy
Giải giúp bài toán nên đi hướng nào ?

Đêm nằm trăn trở nôn nao
Bạn gần bội ước ồn ào chưa qua
Thủy chung là bạn ở xa
Hiện tại cũng khó nói ra điềm lành
Bạn mới giao kết chưa thành
Những điều hẹn ước làm nhanh vụng về
Suy đi, tính lại mọi bề
Chọn cho được bạn hẹn thề mới yên !
Làm sao cho vẹn câu nguyền
Có chung quyền lợi, của tiền chia đôi
Biển,sông có lở có bồi
Thuần theo tạo hóa là người biết khôn

Kết giao bạn hữu trường tồn
Chia đôi mọi thứ, " lũy đồn " chớ chia .

Trẻ con và thời cuộc

Tự mình kiếm sống ngay từ lúc thiếu thời

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Các bạn Quế Lâm ơi,

Có ai được " THƯỞNG " như tôi
Lớp 1 ( năm 68 ), 2 ( năm 69 ) - được 2 lần " Thưởng to " :
Lên ngoài cửa Thầy TƯỜNG Hiệu Trưởng
Đứng úp mặt - sơ chỉ 1 tuần,
Thỉnh thoảng ĐƯỢC Thầy ban mấy đá,...
Ban Giám Hiệu vắng lặng - tôi khóc tủi thân !

Kỷ lục đó chắc chẳng ai đạt
Ngoài Hùng Đầu Bò ( vượt cả Xô Nhi ) !
Ôi cái thưở cấp 1 nghịch ngợm
Học dốt, nghịch phá hơn Quỷ Thần !
Biệt Danh " ĐẦU BÒ " - Thầy TUẤN đặt
Lúc lớp 2, kèm tống lên Thầy Tường,...

Bạn nào " ĐƯỢC THƯỞNG "  hơn tôi
Vui lòng cho biết, tôi nhường CUP cho !


Đây, cái AO ở phía trước tòa nhà Ban Giám Đốc Khu GDHSMNQL ở Trường CŨ ( 2 năm 1968 - 1969 )


Và tòa nhà của các chị Nữ cấp 3 Nguyễn Văn Bé ( 67-68 ), cùng các sân bóng, nay vẫn còn đây !

Đừng bao giờ để trẻ nhỏ một mình trong ô tô!

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

ĐÊM YÊN SINH


Hồi ký- Đàm thị Ngọc Thơ

    Hồi đó tôi đã không tìm hiểu xem những tên gọi:Yên Sinh, Yên Tử, Kim Mã, Côn Sơn. . . trên vùng cánh cung Đông Triều này có tự bao giờ và dấu ấn lịch sử trong lòng của nó. Khi tôi về đây học cấp Trung học tại Trường nội trú HSMN Đông Triều thì vết tích của một vùng Thánh địa xưa cuả vua chúa thời Trần vẫn còn in dấu. Những bức tường thành đấp đất dầy kèm hàng tre còn hiển hiện tuy bờ đất còn vài tấc chân. Những đường tre, trúc vẫn cứ miệt mài sinh sôi, nảy nở như muốn muôn đời bảo bọc chân tường, bảo bọc những di tích lịch sử còn lại. Khu Côn Sơn cách Yên Sinh không xa. Đây là nơi Nguyễn Trãi –một thi nhân, một anh hùng dân tộc về đây ở ẩn. Và cũng chính ở nơi này ông gánh chịu vụ án Lệ Chi Viên. Côn Sơn lâu nay đã là khu di tích lịch sử. 

   Trường HSMN chúng tôi tọa lạc trên khu đồi Yên Sinh. Mõm đồi được sang bằng tạo dựng thành một sân trường rộng, được trồng những hàng thông làm cây che bóng mát để sinh hoạt. Xung quanh sân trường là những dãy nhà giành cho Ban giám hiệu, các phòng sinh hoạt Đoàn, Đội và chủ yếu là các dãy phòng học. Khu nhà ở của các nam nữ học sinh nằm hai bên triền đồi. Khu nhà của Thầy, Cô được xếp phía sau cho tiện sinh hoạt gia đình. Và sau nữa là con suối nhỏ lượn lờ chảy quanh đẹp đẽ, nên thơ. Xa xa dãy núi Đông Triều sừng sững bao bọc chở che cho Yên Sinh. Trước mặt trường là con đường đất đỏ chạy thẳng ra chợ Huyện Đông Triều. Con đường này và kể cả khu trường do các anh chị lớn tuổi, học những năm trước chúng tôi mở ra. 

   Những năm tôi học trường nội trú HSMN và kể cả sau này tôi quay lại trường dạy các em thế hệ vượt Trường Sơn chúng tôi đều rất bận. Nghĩa là nhà trường không để cho chúng tôi có thời gian rỗi, để chúng tôi không phải nhớ nhà, phân tâm việc học. 

   Tết Mậu thân 1968-thời điểm quyết liệt quân dân ta tấn công Mỹ, Ngụy giải phóng Miền Nam đi qua trong máu, lửa, hy sinh. Nhưng không một ai trong chúng tôi nao lòng. Chúng tôi vẫn kiên tâm chờ mong ngày thống nhất. Mẹ-Quê hương là tất cả cuộc đời, tất cả tình yêu trong mỗi chúng tôi. Ai đã từng xa nhà như chúng tôi mới có thể nhận ra điều đó. 

   Rồi những năm giặc Mỹ leo thang bắn phá ác liệt Miền Bắc. Chúng nhầm tưởng sẽ tiêu diệt được ý chí đấu tranh giải phóng Đất Nước của dân tộc ta. Nào ngờ, như lửa đổ thêm dầu, những trái tim yêu nước trên cả hai miền Nam Bắc càng sục sôi ý chí căm thù và chiến đấu giải phóng non sông, Thống nhất nước nhà. 

   Mùa xuân 1975 đã là mùa xuân lịch sử của dân tộc ta. Mỗi người dân Việt Nam có quyền khắc sâu vào trái tim mình niềm hãnh diện vô biên của người chiến thắng. Đầu tiên ta lần lượt giải phóng các tỉnh miền Trung. Khí thế xông lên, xốc tới của quân dân ta thật tuyệt vời. Đó cũng là những ngày luôn náo loạn ở trường tôi. Bởi nơi nào ở miền trung ấy cũng có học sinh của tôi. Với chúng tôi, nơi nào cũng là Quê hương, Tổ quốc . 

   Tôi còn nhớ ngày 26/3 là ngày giải phóng Thừa Thiên-Huế. Ngày 29/3 là ngày giải phóng Đà Nẵng. Và bỗng dưng chiến sự chựng lại rất lâu. Chúng tôi vô cùng nôn nóng và bối rối. Có lẽ nào? Có lẽ nào ta chỉ nhích được vĩ tuyến vào trong? KHông thể và không thế được. Và cái điều không thể ấy lịch sử không để xảy ra. 

   Đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4 năm ấy Năm 1975 chúng ta tấn công vào Sài Gòn kết thúc cuộc chiến 21 năm trời Bắc Nam chia cắt đôi miền. 11h30 ta chiếm lĩnh toàn bộ những nơi xung yếu, tiến thẳng vào Dinh Độc lặp cắm lá cờ đỏ sao vàng thân yêu lên đỉnh Dinh khẳng định chủ quyền Đất Nước. Mãi đến 16h30 trường tôi mới nhận được tin qua Đài tiếng nói Việt Nam. 

“Giải phóng Sài Gòn rồi!”

“Giải phóng Miền Nam rồi!”

   Vang dậy khắp trường là tiếng hô, tiếng hét, tiếng khóc, tiếng cười. Trên gương mặt cả cô lẵn trò ràng rụa nước mắt sướng vui. Bắt đầu từ giờ phút ấy chúng tôi không có bữ cơm chiều và lập tức bắt đầu “Đêm không ngủ”. Các em học sinh đổ hết cơm canh ra bàn để lấy nồi tô nhôm đập cho vang dậy mừng chiến thăng. Rồi hát, rồi hò. Kể cả các cô chú cấp dưỡng, tiếp liệu chưa từng hò hát cũng bá vai nhau hát lạc cả tiếng. Đêm hôm đó và nhiều đêm sau nữa, chúng tôi làm náo loạn cả Yên Sinh. Không thể ngồi yên để dạy để học. Chỉ có một sự phấn khích và háo hức mong được sớm trở về May mà đã cuối tháng tư. Năm học cũng vừa kết thúc. 

   Sau đó không lâu chúng tôi được phân công lần lượt đưa các em về quê. Háo hức là vậy nhưng những phút giây rời xa Đông Triều, rời xa Miền Bắc sâu nặng nghĩa tình trong lòng chúng tôi đều lung linh nỗi nhớ. Thế mới biết thế nào là:

   Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, 

   Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”



Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

HÃY NGHIÊNG MÌNH TRƯỚC MỖI PHÚT GIÂY TA SỐNG (TT)

Ký – ĐÀM THỊ NGỌC THƠ

3. HÃY NGHIÊNG MÌNH TRƯỚC MỖI PHÚT GIÂY HÔM NAY TA SỐNG

Tôi đã từng thắp những nén nhang nơi nhà thờ các liệt sĩ nơi Bến Dược - Củ Chi. Tôi không biết phải để bao nhiêu thời gian để đọc hết các tên tuổi các liệt sĩ nơi ấy. Tôi chỉ biết trái tim tôi uất nghẹn, nước mắt trào dâng khi lướt nhìn dãy,  dãy các tên anh!
       Tuy chưa đến nhưng tôi đã từng được ngắm nhìn hàng hàng, lớp lớp những ngôi mồ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn-những ngôi mồ có tên và không tên tuổi đang xếp hàng ngay ngắn.
        Đó là chưa kể không biết bao nhiêu những nghĩa trang liệt sĩ ở các Huyện, Thành phố, các Tỉnh trên Đất nước Việt Nam hình chữ S này.
        Đất Mẹ Việt Nam ôm chặt vào lòng những đứa con hãy còn rất trẻ. Họ đi hỏi tội chiến tranh và để kết thúc chiến tranh. Họ đi đòi nợ máu-dòng máu Việt Nam anh hùng vẫn chưa ngừng chảy. Cả nước hành quân. Cả nước lên đường giành lại thống nhất giang sơn, giành lại bình yên cho Tổ quốc.
        Thanh niên lên đường nhập ngũ. Họ tình nguyện cầm súng chống trả kẻ thù đang bắn vào đồng bào của họ. Học sinh gác bút nghiên háo hức hướng về tiền tuyến. Họ sẵn sàng cầm cuốc, cầm xẻng lấp hố bom mở đường cho những đoàn xe, đoàn người ra trận. Những văn nghệ sĩ, nhà báo, giáo viên .  .  . Tất cả cho miền Nam, tất cả trên trận tuyến chống quân thù. Kể sao hết những người mẹ trên đất nước Việt Nam này đã hy sinh không chỉ một mà rất nhiều những người con cho cuộc chiến. Họ đã làm nên lịch sử. Họ đã thắm tô thêm màu cờ Tổ Quốc. Họ đã để lại những phút giây yên bình mà ta sống hôm nay. Dòng máu anh hùng đó vẫn luôn sục sôi trong lòng lớp trẻ hôm nay. Đúng như vị lãnh tụ kính yêu-Bác Hồ Chí Minh từng nói:’’Nó sẵn sàng nhấn chìm lũ cướp nước và bán nước’’
          Hãy ngắm nhìn kia khi những chiếc tàu của những kẻ lạ dã man xịt vòi nước vào những chiếc tàu làm ăn lương thiện của dân ta ngoài biển thì lớp trẻ Việt Nam phản ứng ra sao. Và những người chiến sĩ bảo vệ biển Việt Nam trả lời thế nào. Như những hòn than vùi sâu trong tro, lòng yêu nước khi cần khơi dậy nó bùng lên thành lửa đỏ. Dân tộc Việt Nam là thế đó. Bè lũ xâm lược hãy coi chừng. Ở Đất nước này ai cũng biết xả thân vì nghĩa lớn, ai cũng biết hy sinh.
          Thật thiêng liêng là những người đã ngã xuống cho chúng ta hôm nay. Ở đâu trên mảnh đất này đâu đâu cũng đều thắm máu hy sinh của những người con dân tộc. Nên bạn ơi! Hãy khẽ thôi! Hãy biết nghiêng mình trong mỗi phút giây ta sống. Để những người ra đi được yên lòng khi họ cảm nhận được rằng họ đã xứng đáng với sự hy sinh.

         

HÃY NGHIÊNG MÌNH TRƯỚC MỖI PHÚT GIÂY TA SỐNG (TT)

Ký – ĐÀM THỊ NGỌC THƠ

2. Khát vọng

Mỗi khi Đất Nước có chiến tranh thì lớp lớp những người con của Đất nước ra trận. Hình ảnh Trần Quốc Toản bóp nát trái cam, hình ảnh của những Kim Đồng, những Lê văn Tám là những hình ảnh sáng ngời của lòng nồng nàn yêu nước ấy.  
        Sau chiến thắng Điện Biên lịch sử, có rất nhiều con em cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ là đào tạo cán bộ có trình độ cho Miền Nam.
         Nhưng ngày giải phóng Miền Nam cứ dài ra, không phải hai năm mà ba, bốn, năm và dài ra mãi …  Những luật 10/59 của kẻ thù kéo lê máy chém giết hại cán bộ Cách mạng của ta. Rồi vụ giết hàng ngàn cán bộ Cách mạng trong trại giam Phú lợi. Những vụ thảm sát tàn độc ở Vĩnh Trinh,  Ngân Sơn,  Hướng Điền, Sơn Mỹ…  làm cháy lòng chúng tôi. Những đêm cùng nhau thức trắng hướng về Nam. Những lần cùng nhau ghi tên tình nguyện về Nam chiến đấu cứ liên tục. Máu chảy ở quê nhà thúc dục lòng những đứa con xa. Chúng tôi tìm đủ mọi cơ hội, len lỏi vào đủ mọi danh sách có thể để chỉ được lọt về Nam làm bất cứ việc gì. Cho mãi đến khi chúng tôi tốt nghiệp Đại học. Nhiều bạn tôi đã được lái máy bay dũng cảm nhắm thẳng vào kẻ thù nã đạn.  Như Đồng Văn Đe, như Sâm Kỳ, như Nguyễn Văn Bảy(B). Nguyễn Văn Bảy(B) đang nằm ở nghĩa trang liệt sĩ Tỉnh Cà Mau. Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong cầm bút viết văn, làm thơ, làm nhạc nơi chiến trường lửa đỏ và làm nên “Dáng đứng Việt Nam”. Có cả những học sinh của tôi đã vượt Trường Sơn ra Bắc học rồi trở về Nam chiến đấu hy sinh như Phương Thảo …  Đội ngũ HSMN trở về Nam sau Đại học theo chủ trương đào tạo cho Miền Nam không sao kể hết và không có lĩnh vực nào là không có. Từ giáo dục,  y tế, công nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng… Nhiều bạn tôi trên đường về hoặc đi công tác cũng đã bị địch bắt giam cầm tra tấn đày ra Côn Đảo. Thế mới biết Đất Nước này không của riêng ai, nỗi đau này không của riêng ai và trách nhiệm giải phóng Miền Nam là trách nhiệm của toàn dân tộc.  
       Ở Cà Mau chúng tôi có các bạn Hữu Liêm, Hữu Thành, Quách Tâm, Bê, Lãm ra đi mang theo lòng mình những cánh rừng ngập mặn nơi chót mũi Cà Mau. Tốt nghiệp Đại học các bạn về lại Miền nam trước giải phóng và đã làm nên chuyện cho quê hương mình. Đó là việc quy hoạch lại những cánh rừng ngập mặn, mở những trường hướng nghiệp nông lâm. Là việc bạn Liễu thuần dưỡng loài trăn, tạo sân chim giữa lòng thành phố, làm nên nhà sàn Bác Hồ nơi mảnh đất cuối trời. Ta có bác sĩ Long, bác sĩ Danh Mai, bác sĩ Lễ là HSMN. Ngành công nghiệp có Dương văn Ẩn, Nguyễn Năm, nghành giáo dục có Trung Việt, cô Đào, Cô Ngọc Nhãn …  Tôi cũng đã từng theo các bạn, từng len lõi vào các danh sách đi B. Tôi cũng đã từng ghi tên vào lớp  đào tạo phóng viên ngắn hạn sáu tháng cho Miền Nam. Tôi cũng đã từng bỏ Đại học tổng hợp xin qua Sư phạm để được nhanh chóng về Nam. Nhưng số tôi không may. Vào đội ngũ nào tôi cũng bị gạt lại. Sau 30/4 chú Dương Tấn Phát Cục quản lý HSMN vội vả cử tôi đưa các em HSMN là Nam bộ về. Chú nói:  Con cứ về rồi ở luôn trong đó. Giấy tờ thuyên chuyển chú sẽ gởi về cho con. Trời đất! Vậy là bấy lâu nay tôi bị giam lỏng mà không hay. Chú là bạn chiến đấu của ba tôi thời chống Pháp: Cùng là huyện ủy viên Huyện Hồng Dân những năm 47-54.

     Giờ này chắc chú và Ba đang hàn huyên dưới đó mừng ngày Thống nhất nước nhà. Riêng tôi vẫn luôn chạnh lòng vì khát vọng không thành- cái khát vọng muốn được góp chút lửa vào đám cháy lớn - Giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà. 

HÃY NGHIÊNG MÌNH TRƯỚC MỖI PHÚT GIÂY TA SỐNG

Ký – ĐÀM THỊ NGỌC THƠ

1. Chung vai gánh vác non sông


    Tôi vẫn hiểu: Vĩ tuyến 17- ranh giới tạm thời chia hai miền Đất nước chỉ là để khoanh vùng tập kết cho lực lượng hai bên. Còn cái nghĩa Đất nước luôn trọn vẹn và thiêng liêng trong tất cả mọi tấm lòng của người dân Nam Việt. Bởi lẽ đó mà ngay sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ngay sau khi người Miền Nam đầu tiên tập kết đặt chân ra đất Bắc, nhân dân miền Bắc đã vội vã đùm bọc cưu mang.  Họ coi đó là sứ mệnh lịch sử thiêng liêng, là tình cảm yêu thương, trách nhiệm.
     Tôi còn nhớ ngày tàu tôi cập bến Sầm Sơn, nhân dân Thanh Hóa đứng đông nghịt trên bến tàu hân hoan chào đón. Rồi chúng tôi được nhanh chóng đưa về các dãy lán trại đã trải sẵn ổ rơm với đầy đủ áo,  mền chống cái rét chưa quen nơi đất Bắc. Trong khi miền Bắc vừa thoát khỏi chiến tranh, nhân dân miền Bắc còn đói khát trăm bề. Tuần lễ nghĩ dưỡng ở đây, ngày ba bữa chúng tôi được ăn uống no đủ để phục hồi sức khỏe sau chuyến vượt biển. Lúc ấy chúng tôi chưa biết được những cố gắng vượt bậc của Đảng, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc cho đồng bào miền Nam tập kết cũng như cho cuộc đấu tranh chính trị vì miền Nam, vì cả nước. Mãi đến khi chúng tôi được chia về các xã gần đó của huyện Nông  Cống chờ ngày chuyển giao về cho các trường nội trú chúng tôi mới được nhìn rõ những chịu đựng,  những xẻ chia đến tận cùng của miền Bắc cho nửa khúc ruột yêu thương.
     Hãy bắt đầu từ những bữa cơm của chúng tôi - những bữa cơm nuốt nghẹn ngào qua nước mắt. Không phải vì cơm không đủ no, thiếu cái để nuốt trôi cơm vào bụng,  mà vì chúng tôi ăn cơm trong một cái lán che tạm nhưng được vây kín bằng một hàng rào dây thép gai. Bên ngoài là những em bé độ tuổi lên 6 lên 8 trần truồng giữa cái rét cắt thịt da của tháng 12. Trên tay một vài em cầm những cọng dây khoai lang đã héo. Đôi mắt các em thèm thuồng nhìn về phía chúng tôi. Các em không dám xin mà chúng tôi cũng không được phép cho dù chỉ một vài muỗng cho đỡ thèm. Thanh Hóa những ngày đó chưa kịp làm lại điều gì sau chiến tranh lại vội vã trực tiếp gánh vác sứ mệnh lịch sử nặng nề:đón tiếp mấy chục ngàn cán bộ, bộ đội, HSMN tập kết ra Bắc!
     Đâu phải cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xăm lược và bè lũ tay sai bán nước những ngày lịch sử đó là của đồng bào miền Nam? Sau những năm miền Bắc âm thầm chi viện sức của cho miền Nam đấu tranh theo hiệp định, bọn giặc bội ước,  xé nát hiệp định Giơ-ne-vơ, cả nước ta rầm rập lên đường ”Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu Nước”. Đếm sao hết những người mẹ trên đất Bắc dõi vào Nam ngóng theo bước chân con. Đếm sao hết những người vợ trẻ trên đất Bắc ngóng trông chồng từng đêm không ngủ. Rồi vì nửa nước yêu thương, vì miền Nam ruột thịt họ tiếp bước lên đường vào với chiến trường xa không ngại gian nan vất vả, sá chi cái chết rập rình. Đếm sao hết những nấm mồ liệt sĩ đã hy sinh trên chiến trường miền Nam, bao nhiêu ngôi mồ có tên và vô danh nằm hiu hắt đó đây mà đồng đội, thân nhân còn chưa nhận diện. Sẽ thật tội lỗi khi ta chỉ nhớ đến niềm vui của những người miền Nam tập kết, giải phóng miền Nam được sum họp gia đình mà quên mất niềm vui đến tột cùng của nửa nước yêu thương-nơi đất Bắc đang chờ đón tin con.  
      Thoáng một cái đã tròn 40 năm kể từ ngày giải phóng. Mẹ nuôi tôi, người Hà Nội mới vừa tìm được mộ con trai hy sinh ở mặt trận Khe Sanh. Tìm được hài cốt con trai về mẹ không cho hạ huyệt. Mẹ bảo chờ vài hôm nữa đến giỗ anh ấy rồi hẳn hạ huyệt. Năm rồi cúng cơm em nhà tề tựu không thiếu một ai. Cúng cơm em hôm trước, hôm sau mẹ xuôi tay nhắm mắt hưởng thọ 94 tuổi. Chúng tôi đành dời ngày truy điệu hạ huyệt cho em vào đầu năm sau cho thuận lẽ trời,  hạp lòng mẹ.
      Chiến tranh là thế: Nó đã lùi xa nhưng vẫn còn cất giữ trong nó biết bao điều bí ẩn!
    
                                                                   Cà Mau, ngày 08 tháng 04 năm 2015

                                                                                Đàm Thị Ngọc Thơ

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Vua hề Sạc Lô từng ở tại Huế


Theo Dân trí: 
Có lẽ ít ai biết tại Huế có một nơi bên dòng sông Hương thơ mộng mà vua hề Sạc Lô cùng vợ đã đến hưởng tuần trăng mật cách đây gần 1 thế kỷ.
Đó là khách sạn Saigon Morin Huế (ra đời năm 1901). Đây là khách sạn du lịch ra đời sớm nhất miền Trung và là 1 trong 5 khách sạn cổ nhất trên đất nước ta. Nằm ở vị trí trung tâm thành phố Huế với 4 mặt tiền, khách sạn đẹp nhất Huế đã từng lưu lại dấu ấn của nhiều chính khách, thương gia, các ngôi sao điện ảnh, nhà văn nổi tiếng thời bấy giờ như nhà văn Pháp nổi tiếng Andre Malraux, đặc biệt Vua hề Sác Lô (Charlie Chaplin) và người vợ - minh tinh màn bạc màn bạc Hollywood Paulette Goddard đã có kỳ nghỉ tuần trăng mật tại đây vào tháng 4 năm 1936.
2 vợ chồng vua hề ở trên tầng 2 cũng là tầng cao nhất của khách sạn này, trong phòng đặc biệt sang trọng nhất thời đó với những trang thiết bị như máy nghe nhạc bằng đĩa than, quạt trần, điện thoại quay số, bồn tắm bằng đồng. Căn phòng nhìn xuống cầu Trường Tiền, sông Hương và con phố Lê Lợi đầy bóng cây xanh lãng mạn với nhiều nữ sinh trường Đồng Khánh áo dài, xõa tóc thề đi bộ tới lớp.
Cũng vào năm đó, Sác Lô đóng phim “Thời đại tân kỳ” rất thành công. Trong thời đại đầu thế kỷ 20 và cho cả đến bây giờ, vua hề Sác Lô vẫn là một biểu tượng bất diệt của ngành nghệ thuật thứ 7 thế giới. Việc vợ chồng Sác Lô đến Huế như là một sự kiện cực kỳ lớn mà Việt Nam vinh dự đón nhận, như vợ chồng Prad Pitt – Angelina Jolie từng về nước ta vài năm trước. Được biết trong chuyến trăng mật này, ngoài Huế ra, nơi thứ 2 còn lại mà vợ chồng vua hề đến ở là khách sạn Metropole (Hà Nội). Đây cũng là chuyến đến Việt Nam duy nhất trong cuộc đời vua hề Sác Lô.
Theo ông Trần Văn Tâm, Giám đốc khách sạn Saigon Morin Huế, việc công bố căn phòng của vua hề Sác Lô từng ở đến báo chí, du khách nằm trong chuỗi hoạt động đặc sắc mà khách sạn này hướng tới nhân kỷ niệm 114 năm thành lập và 40 năm giải phóng Huế (26/3/1975-26/3/2015). “Căn phòng này rất được nhiều doanh nhân lớn, lãnh đạo cấp cao thế giới ở lại để tìm lại những dư âm một thời mà vua hề Sác Lô từng ở. Căn phòng là một điểm nhấn và là vinh dự cho khách sạn chúng tôi để cố gắng và càng phải giữ gìn những giá trị độc đáo của thế hệ trước để lại hơn nữa”.



Căn phòng vua hề Sác Lô cùng vợ từng ở tuần trăng mật năm 1936 hiện là phòng đặc biệt nhất tại tầng 2 khách sạn Saigon Morin Huế


Căn bàn ăn nhìn ra đường Lê Lợi đầy hoài niệm



Phòng khách





Một góc phòng ngủ của vợ chồng Sác Lô tràn đầy sắc màu tình ái





Máy đĩa than cũ



Điện thoại



Những nút vặn bồn rửa mặt mang dáng dấp xưa cũ



Bức tranh treo trong phòng chụp vua hề (đứng giữa) và vợ (bên phải) khi tới ở tuần trăng mật tại khách sạn Saigon Morin Huế năm 1936



Không khí ngày vua hề và vợ tới Huế vẫn còn phảng phất đâu đây





Gian phòng của vua hề có nhiều hình ảnh, video liên quan đến cuộc đời của Sác Lô



1 góc ban công từ căn phòng nhìn xuống đường Lê Lợi, cầu Trường Tiền và sông Hương





Dãy hành lang dẫn đến căn phòng của vua hề hiện nay và lúc xưa




Khách sạn Morin lúc ban đầu còn có tên là Le Grand Hotel De Hue, phải đến năm 1907 khi anh em nhà Morin làm chủ thì mới đổi tên như bây giờ. Trong khách sạn sang trọng này thời bấy giờ còn có cả rạp chiếu phim




Vua hề Sác Lô ngoài đời khi đến với vợ ở đây đã làm không ít người ngạc nhiên vì bề ngoài rất khác so với những phim ông đóng,




Khi hình tượng vua hề đội mũ trái dưa, người nhỏ gầy với đôi ria mép quen thuộc. Huế và Hà Nội là 2 nơi duy nhất tại Việt Nam mà vua hề Sác Lô đã ở lại, đặc biệt đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất của ông bên người vợ thứ 3 (vua hề có 4 người vợ) - Paulette Goddard, minh tinh màn bạc màn bạc Hollywood

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

NHỮNG BÀI HỌC TỪ SẢN PHẨM DỪA

Nhân có người bạn có viết một bài về phát triển bền vững sản phẩm từ dừa. Giọng văn hùng hồn, mỹ từ cao đẹp xây dựng hình tượng giấc mơ lơ lửng trên mây. Vì phép lịch sự tôi không tiện nêu ý kiến riêng đối với bài viết này, nhưng khi nghĩ về những ngành nghề truyền thống của cha ông để lại và làm từ các đặc sản riêng có của một vùng đất phương Nam thì thấy chạnh lòng, nên viết ra đây vài sau nghĩ của mình.

1- Bài học vùng nguyên liệu:
Những năm 70s của thế kỷ trước, vì cảm mến dân tộc Việt Nam và đặc biệt là bài viết “Cây tre Việt Nam” của nhà văn nổi tiếng Thép Mới mà Chính phủ Thủy Điển đã viện trợ không hoàn lại hàng triệu cua – ron để Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất giấy với nguyên liệu từ tre nứa. Khi nhà máy sắp hoàn thành, các chuyên gia yêu cầu dẫn đi tham quan vùng nguyên liệu thì… ôi thôi chỉ là một vài lũy tre làng. Và tất nhiên công trình phải bỏ dở chỉ vì người Việt có tật nói quá “Rừng tre bạt ngàn,… tre bao vây quân thù,…”
Trở lại vấn đề về cây dừa cũng vậy, lại có người muốn nói rừng dừa bạt ngàn, cây dừa dùng được mọi cách cho đủ mọi thứ,... Bản chất Ba Phi của người Nam Bộ lại nổi lên.
Sự thật vùng nguyên liệu dừa của chúng ta không nhiều, không bằng một số nước khác như Thái Lan, Indonexia,… nhưng bù lại chúng ta có những sản phẩm đặc trưng đã từng thống trị thị trường thế giới.
Vậy là vùng nguyên liệu không quan trọng bằng công nghệ sản xuất truyền thống rồi.

2- Bài học giữ và phát triển sản phẩm truyền thống:
- Dầu dừa: Đây là một sản phẩm mỹ phẩm đặc trưng của phụ nữ Nam Bộ và đã nổi tiếng cả nước về tính phổ thông dễ làm của nó. Nhưng ngày nay các nữ thanh do thị hiếu và nếp sống công nghiệp nên chỉ dùng Rejoy, Palmolive,…
Cũng phải thôi vì còn đâu ai dám sản xuất, kinh doanh dầu dừa, lỗ chắc.

- Xà bông Cô Ba: Cũng là một sản phẩm hóa mỹ phẩm có nguồn gốc từ dầu dừa. Sản phẩm thực sự nổi tiếng khắp bán đảo Trung - Ấn. Nhưng do thời cuộc mà đã lịm tắt.

- Kẹo dừa: Đây là sản phẩm ngành thực phẩm đã giúp cho một tỉnh ở Việt Nam thoát nghèo, tỉnh Bến Tre, và hiện nay vẫn đang thịnh hành với thị trường chính là Trung Quốc. Năm 1996, khi tôi đi khảo sát thị trường Trung Quốc thì mới phát hiện ra rằng đối với hàng trăm triệu công nhân Trung Quốc thì kẹo dừa Bến Tre là bữa ăn sáng cầm hơi cho tới bữa trưa họ mang theo trên các đại công trường ở nước này. Họ gọi là “kẹo cứu đói”

Thống kê năm 2011 toàn tỉnh Bến Tre có kim ngạch xuất khẩu 363 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa 159 triệu USD, chiếm tỷ trọng 43,8 % kim ngạch xuất khẩu chung của tinh.(Sở Công thương Bến Tre)
Thế mà, hiện nay kẹo dừa Bến Tre đang bị cạnh tranh quyết liệt từ Trung Quốc, Thái Lan. Các chủ cơ sở phải tự thân đi kiện quốc tế cho thương hiệu của mình. Bản thân giữa các cơ sở kinh doanh cũng cạnh tranh lẫn nhau mà không có sự hỗ trợ can thiệp bảo vệ nào từ cái gọi là hiệp hội hay cơ quan chức năng Nhà Nước.

- Sản phẩm mỹ nghệ: Đây là dòng sản phẩm của các nghệ nhân bao gồm tranh ghép, đồ lưu niệm, đồ trang trí, bàn ghế cẩn dừa, nhà bằng dừa… Những sản phẩm này chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở một vài cửa hiệu đồ lưu niệm ở các thành phố nhằm đa dạng hóa sản phẩm mà thôi.

3- Bài học liên kết:
Đây chính là nỗi buồn sâu lắng của người Việt Nam, luôn luôn không muốn hợ tác để cùng phát triển.
Miền Tây nổi tiếng với du lịch nhà vườn mà giữa Tiền Giang với Bến Tre không có nổi một liên kết du lịch dừa, thậm chí họ còn nguyên Cồn Phụng, Cồn Tiên của ông Đạo Dừa để lại. Cho dù nói thế nào đi nữa thì tinh thần của đạo Dừa cũng đã thấm trong máu của bộ phận không nhỏ của người dân Miền Tây rồi.

Tóm lại, nhiều người muốn tỏ ra phát triển bền vững kinh tế dừa nhưng thực chất chỉ muốn dựa hơi vào cái gì đó ở trên trời. Làm vài bức tranh dừa được vài trăm triệu ĐỒNG cho là to lắm, trong khi những người công nhân kẹo dừa khuấy mạch nha ngày đêm đem về cho đất nước này hàng trăm triệu dollars với đồng lương mấy triệu bạc.


Hãy nhìn và nghĩ về họ.

Ba Đông


Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

LÃNH THỔ CÁC TỘC VIỆT ĐÃ TỪNG RỘNG TỚI ĐÂU?


HƯỚNG TỚI CỘNG ĐỒNG ASEAN NHÌN LẠI QUÁ KHỨ LÃNH THỔ CỦA CÁC TỘC VIỆT XƯA

31-12-2015 Cộng đồng ASEAN trở thành hiện thực. Với tổng diện tích gần 4,5 triệu km2 và hơn 600 triệu dân, đây sẽ là vùng lãnh thổ hùng cường giàu mạnh, thực sự sánh vai với cá cường quốc trên thế giới.
Trong xu thế hội nhập, các quốc gia đủ loại hình thức quân chủ có, cộng hòa có, dân chủ nhân dân có và cả XHCN luôn. Đạo nào cũng có: Kito giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo… đủ cả, đã cùng nhau hợp lại trong cùng một khuôn khổ pháp lý chung, cùng sinh sống và thụ hưởng chung. Hay!
Trong số đó Việt Nam là đất nước khá đặc biệt (không muốn nói là cá biệt) về lịch sử hình thành, đấu tranh phát triển và thể chế chánh trị nữa. Khi đã hợp nhất thì phải ở cùng sân, chơi cùng luật, do đó người dân Việt sẽ hưởng sự công bằng hơn về quyền sinh sống, dân chủ hơn về quyền  con người. Và dân các nước khác cũng vậy, lúc này người Việt không thể tự ý quyết đoán vì sẽ là thiểu số trong đại gia đình ASEAN. Tốt!
Nhưng trong sự hợp nhất vẫn luôn tồn tại mâu thuẫn nội bộ. Không biết điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự hòa hợp. Lo!

Từ ngàn xưa người Việt luôn được đặt trong những vùng lãnh thổ rông lớn, rồi do tác động nước lớn và do chính bản thân tự tạo thành các nhươc quốc mà long đong. Giận!
Trong tâm khảm của người Việt chúng ta luôn khoắc khoải về nguồn gốc xuất xứ lãnh thổ nào đáng lẽ thuộc về các tộc Việt.
Phần lớn luôn  mặc định cho là xuất xứ chỉ là một phần nhỏ ở phía nam của Trung Hoa.
Lịch sử đã chứng minh từ thời Xuân Thu (sử Trung Hoa) vùng đất do các tộc Việt chiếm hữu và cai quản đủ lớn và rộng ngang bằng với lãnh thổ Trung Hoa lúc bấy giờ (do Thất Hùng chiếm giữ). 
Thời Xuân Thu (722 – 421 TCN) ở Trung Quốc là quãng thời gian tương đương với giai đoạn sử ở Việt Nam là thời kỳ từ Hùng Vương 15 (Hùng Triệu Vương) đến Hùng Vương 18 (Hùng Duệ Vương)
Chính các sử gia của Trung Quốc thời bấy giờ đã phải thừa nhận điều này mà trong thời Xuân Thu (722 – 421 TCN) vẫn gọi Nam Việt là một quốc gia lân bang riêng ở phía Nam. Trong thời kỳ này các sử gia Trung Hoa thường nhắc nhiều đến Việt Vương Câu Tiễn và vùng đất ông ta cai trị ở phía nam sông Dương Tử bấy giờ, nay thuộc địa phận tỉnh Giang Tây và Phúc Kiến ngày nay của Trung Quốc (đến thời Tam Quốc vùng đất này thuộc nước Ngô của Tôn Quyền). 
Phía nam nước Nam Việt còn có các tộc Việt khác như  U Việt, Mân Việt (Quảng Đông), Giang Việt (Quảng Tây) Âu Việt, Lạc Việt (Việt Nam), Xích Việt (Miến Điện, Thái Lan)…
Như vậy lãnh thổ của các tộc Việt, trong đó có Việt Nam, rất rộng lớn trải dài từ vùng đất nam sông Trường Giang (sông Dương Tử xưa), Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Miến Điện, Ai Lao, Việt Nam, Chăm Pa, Campuchia và cuối cùng là Thái Lan. Tuyệt!

Trải qua các cuộc chiến Xuân Thu Chiến Quốc, rồi nhà Hán xâm lăng và bản thân một số tộc Việt tự quy thuận Hán hoặc trở thành tiểu nhược quốc mà các vùng đất của các tộc Việt bị thu hẹp dần và manh múm. Tiếc!


Do đó lần hợp tung liên hoành này không biết vận mệnh người Việt có sáng lạn hơn không? Hay lại vì bản chất kèn cựa rồi tự lục đục mà lại mang số phận long đong của tiểu nhược quốc.



Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

VĨNH BIỆT ĐINH ĐÀO !

Sài Gòn đang có hoan ca
Bỗng dưng Sét đánh - ĐINH ĐÀO ra đi !

ĐINH ĐÀO ơi, Bạn RA ĐI
Bỏ lại bạn hữu Quế Lâm thắm tình,
Bỏ lại quá khứ Nghĩa Tình,
Chẳng đợi năm tháng xẻ chia tuổi già !

Sài Gòn - Quảng Ngãi cách xa
Không về TIỄN Bạn - Lòng đau chín chiều,
Lớp Quế Lâm bạn - rất nhiều
Sài Gòn cũng lắm, mà toàn rất thân
Ai ai cũng tự trách thân :
BẠN ĐI - mà chẳng ai về thắp nhang !

Thôi thì BẠN hãy RA ĐI
Hãy tin Bạn QUẾ suốt đời nhớ thương !
CHÚC BẠN THANH THOÁT LÊN ĐƯỜNG
ĐƯỢC LÊN THƯỢNG GIỚI, VUI TƯƠI NIẾT BÀN !

TPHCM, ngày 31/03/2015
Bạn hữu Quế Lâm,
Phạm Tiến Hùng ( ĐB )

Đại Tá ĐINH ĐÀO đưa bạn Hùng ĐB về Nghĩa Trang Liệt Sỹ xã Tịnh Đông, H. Sơn Tịnh, Quảng Ngãi để đi tìm Hài Cốt ba của Hùng ĐB là LSVD - Năm 2008.