Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Nỗi oan của Lý Thông

Nỗi oan của Lý Thông

20 tháng 11 2012 lúc 10:57
    Con Dân người Việt khi thế thái nhân tình, thế sự nhiễu nhương, đạo đức băng hoại thường than : " Thạch Sanh thì ít mà Lý Thông thì nhiều". nhằm chê Lý Thông là xấu. còn Thạch Sanh thì Tốt. Ở đời; khi thế sự nhiễu nhương thì Vàng Thau lẫn lộn lên hết cả. Truyện Thạch Sanh xưa nay thì vẫn thế ( có khi truyện này đạo của người Miên vì người Việt không có chằng tinh, đại bàng và họ Thạch, Sơn là đa số của người Miên) Thạc Sanh thì nghèo khổ, bất hạnh, cần cù, thương người, chí tình, chí nghĩa... Còn Lý thông thì trí trá, lừa mị, lợi dung, bất nhân, ác độc...Thế thì thật là oan cho Lý Thông lắm lắm!
    Vì rằng: Lý Thông là người "cần cù" và rất có hiếu ( ngày ngày đi bán rượu nuôi mẹ không thấy nhậu nhẹt, bồ bịch gì), thấy Thạc Sanh "cơ nhỡ" , mô côi thì nhận làm em nuôi và thường xuyên " cứu trợ'  giúp cơm, gạo, áo, quần ( thương người, có tình có nghĩa). Biết Thạch Sanh có tài ( học trò Lý Tịnh) mà còn khuất lấp, "thất nghiệp" thì tiến cử ( bắt chằng tinh) tìm việc làm. Ngược lại, Thạc Sanh vốn là lâm tặc bẩm sinh tận trong xương tủy, ỷ có búa tốt ( bảo bối của Lý Tịnh cho) suốt ngày đoạn tháng, chặt cây phá sạch "rừng vàng" ( may mà chưa tát cạn " biển bạc" ). Sau nhiều lần " vận động"  khuyên nhủ " tuyên truyền "  "giáo dục"  Thạch Sanh không được, vẫn "chứng nào tật ấy", "mức độ" ngày càng "nghiêm trọng" hơn, tới chằng tinh là "cá thể " "động vật  quý hiếm" "duy nhất" còn lại trong "sách đỏ" hắn cũng chặt đầu tận diệt "tiệt chủng" luôn. Vì " thấm nhuần đạo đức", vì "trách nhiệm cộng đồng": Lý Thông đã "tố cáo hành vi sai trái"của Thạch Sanh lên " các cấp chính quyền" thậm chí ở bậc "lãnh đạo" cao nhất lúc bấy giờ  là nhà vua ( nhưng lúc ấy không biết vì chịu áp lực gì hay có lẽ là "chưa tới mức kỷ luật" nên không thấy bị " xử lý" ) và như thế Lý Thông đã phải chịu mang tiếng xấu đến nay chí ít cũng đã hơn 1000 năm. Nỗi oan này của Lý Thông dù vạch đất, chỉ trời cũng không làm sao mà hóa giải cho được
    Ngày nay, nghĩ về tình yêu thiên nhiên," tấm gương đạo đức" cao quý về tinh thần "tự giác","trách nhiệm" trong "sự nghiệp" bảo vệ rừng của Lý Thông; Lý Thông thật  xứng đáng là  ÔNG TỔ  nghành kiểm lâm của nước nhà ta vậy.,.( chỉ có thế mới rửa được nỗi  thậm oan cho Lý Thông người tốt thôi!). Hehe!

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

ÁC MỘNG

Ác mộng

5 tháng 12 2012 lúc 8:01
       Hôm qua, nghe AQ nói " Tám" được gia phong là ' Gia đình văn hóa", tối về nằm mộng thấy đi kiếm  nhà người quen ( mà không biết là ai, chỉ biết là " Gia đình văn hóa" ). Đi hoài, đi mãi , hởi nhà nào cũng là " Gia đình văn hóa",  ở trong " khu phố Văn hoá" hoặc " ấp văn hóa", đi nữa thì gặp Quận, Huyện, Tỉnh, Khu  văn hóa, rồi  Nước  văn hóa. Ra đến nước ngoài thì các Châu lục đều đã văn hóa cả, tới khi đọc thấy bảng chứng nhận " Hành tinh văn hóa" thì giật mình toát mồ hôi hột vì nghĩ mình đang ở một hành tinh khác.
     May là người "không văn hóa " này tỉnh kịp chứ còn lang thang nữa chắc phải chết trong giấc mộng vì... khiếp!
     Tỉnh dậy, thấy xuất hạn dầm dề, toàn thân ướt sũng, nghi là có vãi tè! Hú hồn, hú vía!

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

TÔI ĐÃ TRỞ THÀNH HSMN NHƯ THẾ NÀO?



Tôi thuộc nhóm HSMN được sinh ra trên đất Bắc – ba má tôi tập kết ra Bắc mới cưới nhau và

sinh ra tôi - chính là nhóm HSMN bị TGTB bỏ quên khi thống kê các loại HSMN, hay nói theo

kiểu HSMN thì tôi là miền Nam gia công.

Năm 1963 ba tôi đi B. Lúc đó thư từ giữa ba má tôi gửi cho nhau luôn bị kiểm duyệt và đóng

dấu nhưng nhận rất đều đặn. Tháng 10-1967, lúc đó 3 chị em tôi đang theo trại trẻ của nhà

máy xe lửa Gia Lâm – nơi má tôi công tác – sơ tán ở Quế Võ, Bắc Ninh thì má tôi nhận được

giấy báo có thể gửi 2 trong 3 đứa con vào trường cấp I Nguyễn Văn Bé tại Quế Lâm, Trung

Quốc để tránh thương vong do bom đạn chiến tranh, cho ba tôi yên tâm công tác tại chiến

trường. Nghe rất hợp lý, lại phù hợp với ý tưởng của má tôi là phải ở phân tán ra, nếu trúng

bom thì chết người này còn người kia sống. Má tôi nhanh chóng quyết định tôi – chị cả, vừa

tròn 10 tuổi - phải đi, còn 2 em sẽ ở nhà với má vì chúng còn nhỏ dại. Tôi kiên quyết phản đối,

cho rằng má không thương mình, vả lại nếu trúng bom thì chết cả nhà còn hơn, chứ mình tôi

còn sống thì làm sao mà chịu đựng nổi? Mấy ngày khóc lóc, nhịn ăn, bỏ học cũng không xi

nhê. Vài ngày sau tôi được má đưa đến chỗ tập trung ở một cái làng nào đó cũng thuộc tỉnh

Bắc Ninh. Sau khi làm thủ tục, người ta dẫn tôi về nhà một người dân trong làng, tôi cắm đầu

bước đi, không khóc lóc như những đứa trẻ khác, và không 1 lần quay đầu nhìn lại má tôi

đang còn đứng đó. Sau này má tôi hay nhắc lại vụ này mỗi khi nhận phiếu liên lạc của trường

gửi về - em tôi kể lại như vậy - dù sang đến Quế Lâm tôi đã viết ngay thư về (bằng hẳn một

bài thơ dài) bày tỏ tình yêu thương với má và hai em. Chờ đủ số trẻ con rồi tối ngày thứ 3 họ

cho chúng tôi lên một cái xe tải bít bùng, có kê mấy băng ghế dài, chạy suốt đêm đến ga Bằng

Tường. Sau đó chúng tôi lên tàu và tối hôm sau thì đến Quế Lâm. Tôi học lớp 4C, do thầy Ánh

chủ nhiệm và chung má Nga bảo mẫu với lớp 3C, ở chung phòng với nữ lớp 4A+4B. Giường

tôi nằm kế giường của Thanh Cẩu. Cuối năm đó, có đánh nhau to giữa HS khu 5 và HS Nam

bộ trên cấp II,III nên hè tất cả HS Nam bộ của khối 4 về nước, chúng tôi lên cấp II chỉ còn 2

lớp 5A+5B. Tôi học lớp 5B do cô Lê Kim Hoa làm chủ nhiệm, lên 6B thì thầy Đặng Quang Tảo

chủ nhiệm. Hè năm lớp 6 lại có nhiều bạn về nước nên chúng tôi chỉ còn mỗi lớp 7A do thầy

Lê Thái Phiên chủ nhiệm.

Hè năm 1971 tôi về nước, lúc đó má tôi mới nói là khi nhận được giấy báo gửi con vào trường

HSMN, má tôi đã nghi nghi có chuyện chẳng lành, vì từ đó trở đi má tôi không nhận được thư

ba tôi nữa. Lên BTNTƯ hỏi thì họ bảo vì ba tôi rút vào hoạt động bí mật nên không được phép

viết thư. Cậu tôi đến các trại an dưỡng cán bộ miền Nam ở nhiều nơi hỏi thăm thì được tin ba

tôi đã hy sinh cuối năm 1967, nhưng cũng giấu má tôi. Đầu năm 1971, trước khi mất vì bạo

bệnh, cậu tôi mới cho má tôi hay. Nghe xong, tôi năn nỉ má tôi cho tôi về nhà, ra trường ngoài

học. Má tôi đồng ý, bảo học xong năm lớp 8 ở trường HSMN Đông Triều sẽ được về nhà với

má. Nhưng chưa xong học kỳ I thì Mỹ ném bom lại miền Bắc, má tôi bảo thôi ở yên đó đi, về

gom lại một chỗ để chết chùm à? Lớp 9D của tôi sơ tán sang khu Dân tộc, thầy Hiển dạy Toán

vẫn làm chủ nhiệm tiếp từ hồi 8D. Khi hiệp định Pari có hiệu lực, chúng tôi trở về trường cũ,

má tôi lại bảo thôi còn 1 năm thì học luôn đi, khỏi chuyển về nhà nữa. Lớp 10D của tôi được
thầy Huân dạy Toán chủ nhiệm (Thầy là chồng cô Tuyết dạy Hóa, Thầy đã mất năm 1982 vì u

não), và năm này tôi được học Văn cô Đàm Ngọc Thơ.

Thực sự tôi là HSMN chỉ gần tròn 7 năm, nhưng đó là những năm tháng tuổi thơ đầy những

kỷ niệm không thể quên, là phần rất đẹp của cuộc đời mà tôi còn may mắn đang được sống.


              QMH .

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Thơ con cóc .

29 tháng 5 2013 lúc 22:57

Hồi nhỏ đi học sợ nhất là làm báo tường.
         Bà mẹ ơi, tụi tổ trưởng, cán bộ lớp nó dí, nó hối nộp bài còn hơn tụi cường hào ác bá thúc sưu, đôn thuế thời anh chị Dậu. Mình thuộc dạng thiểu năng toàn diện ( văn dốt, vẽ dát, con Cóc nó biết mình chứ mình không biết thơ) nên lấy gì mà nộp cho tụi nó?. Chương trình thì có dạy: Lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, thất ngôn... gì gì nữa không biết, nhưng đầu mình thì đặc như mít cứ ù ù tịt tịt, chỉ nhớ được là : bằng bằng, trắc trác, trắc trắc; bằng bằng cứ như là chú bộ đội điểm xạ súng AK pằng pằng, pằng pằng ...vậy đó.
         Đã thế thơ văn nghiêm chỉnh không chịu học mà cứ thích đọc những thứ khôi hài vớ vẩn như:
                  Lỗ mũi cô mười tám ghánh lông,
                  Chồng yêu chồng bảo râu Rồng trời cho (Người đàn bà đoản)
                  ....
        hay:
                  Bồng bỗng cõng chồng đi chơi,
                  Đi qua vũng nước đánh rơi mất chồng ( Tảo hôn, chồng con nít)
       hoặc:
                  Lạy Trời, lạy Phật, lạy Vua,
                  Cho tôi sức khỏe tôi xua con Ruồi ( Già hết xí quách)

                  Sắm quần bắt Kiến cưỡi chơi,
                  Trèo cây rau má đánh rơi mất quần.(Tào lao)
      Khá hơn thì :
                  Cô kia bới tóc đuôi Gà,
                  Nắm đuôi giật lại hỏi nhà cô đâu?
                  Nhà tui ở dưới gốc Dâu,
                  Ở trên cây Khế biết đâu mà tìm( Trên mảnh đất này).
      Hay:
                  Ngồi buồn đốt một đống rơm,
                  Khói lên nghi ngút chẳng thơm tí nào,
                  Khói lên đến tận Thiên tào,
                  Ngọc hoàng phán bảo đứa nào đốt rơm ( Trời, Người đều rách việc),

       Rồi thì Trạng Quỳnh, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, trào phúng, trào lộng gì gì thì cứ tuồn tuột vào đầu mà không cách gì ngăn lại được. Bởi thế mới biết được bài Thơ nổi tiếng nhất của Việt nam, bất tử qua mọi thời đại đó là bài thơ CON CÓC.
       Chuyện kể rằng thì là mà không biết từ hồi nảo hồi nào, có ba anh học trò đi thị bị trượt vỏ chuối, trên đường hồi hương, bị mắc mưa nên trú tạm dưới một mái hiên chùa. Trời cứ mưa rả rích không hẹn khi dừng. Tức cảnh thì sinh tình, các cậu quen thói nên tính làm thơ ( mấy cái ngữ dài lưng tốn vải thì biết làm gì khác). Chợt một cậu có lẽ là lanh lẹ nhất đám, thấy một con Cóc bèn phán :
                 Con Cóc trong hang.
       Như chớp xẹt cậu thứ hai đọc luôn:
                 Con Cóc nhảy ra.
       Suy tư giây lát cậu thứ ba:
                 Con Cóc ngồi đó.
       Cậu thứ tư cà lăm:
                 Con..con có..óc nhả ..ẩy đ..đ ..đ..i đi.
       Ghép lại thành bài thơ con Cóc:
                 Con Cóc trong hang,
                 Con Cóc nhảy ra,
                 Con Cóc ngồi đó,
                 Con Cóc nhảy đi.
       Bốn cậu cười rộ, hả  hê xúm khen nhau hay, khéo, tài đọc cho nhau nghe mãi.
       Sau này truyền tụng mà lan ra khắp nhân gian.
       Lạ một điều là bài thơ đơn giản, ngô nghê, ngộ nghĩnh ấy lại mang tính trào lộng cuốn hút cả thảy tâm hồn người Việt mọi thế hệ, hầu như ai cũng biết, cũng đọc và cũng nhớ., không có bài thơ nào ở xứ ta mà được nhiều người, nhiều đời biết đến như vậy. Nó nổi tiếng là vì thế. Và đã có sẵn " bí kíp" Thơ con Cóc, nên mình cứ như con Cóc mà làm thơ; xấu hổ là xấu con Cọp chứ có xấu mình đâu mà lo.
       Một thắc mắc nhỏ nữa là: không biết trong bài thơ con Cóc ấy, cả thẩy là có mấy con Cóc? 1, 2,3 hay là 4 con Cóc? hay là số khác?. Trời ơi! Nhức đầu quá .

Trần Bình .

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

“CHUYỆN KỂ TRƯỚC LÚC O GIỜ“ (ST: Đàm Thơ)

Các bạn già thân mến !
Trong cái tuổi gọi là già của chúng ta,thỉnh thoảng đó đây còn đọng lại những câu chuyện tình ngộ nghĩnh.Nó làm chúng ta bất ngờ sống lại một thời tuổi nhỏ đáng yêu.Nó khiến hồn ta thăng hoa,rạo rực như ngày nào ta bước vào thuở yêu đương, hò hẹn.Câu chuyện sau đây là vậy.Xin kể tặng bạn như tặng một nốt nhạc trẻ thêm vào bản nhạc cuộc đời.Chuyện là vầy:
Hôm ấy gần tết.Bà lão bỗng nhận được cú điện thoại của một người đàn ông lạ:
- A lô ! Có phải bà N.N.H.N. đó không ạ ?
- Phải rồi ! Ai đó,có gì không?
- À,tôi biết bà chớ bà không biết tôi là ai đâu.Hồi đó,khi chúng ta thi chuyển từ cấp 1 sang cấp 2 ta thi cùng phòng và tôi được vinh hạnh ngồi cùng bàn với bà.Nhưng đã không dám làm quen.Hơn 60 năm rồi đó,hình ảnh bà vẫn in đậm trong tôi.Tôi luôn dõi theo và cố tình tìm kiếm nhưng đã không có thể.Chiến tranh liên miên,trường lớp di dời,tôi để lạc mất bà trong nhiều nuối tiếc.Gần đây tôi đọc được quyển sách viết về “Một thời để nhớ” thấy tên bà và đã tìm về ban biên tập mới có được số điện thoại của bà đây.Thật may mắn.
Nghe cũng hay,cứ như là tiểu thuyết ấy- bà lão nghĩ.Đầu dây đằng kia vẫn cái giọng hối hả và ấm áp:
- Tôi hơn bà có đến . . . 1 tuổi.Thôi mình xưng hô anh em cho tiện trò chuyện nghe!
Bà lão hấp tấp cướp lời:
-Hỏng được!Lớn nhỏ hơn nhau có 1 tuổi cứ là mày tao thôi!
Khúc khắc đầu dây đằng kia một giọng cười hiền:
-Cô bé !Vẫn cái giọng ngang như cua không hề thay đổi-cái giọng đã cuốn chặt đời tôi vào đó.Cô biết không,hồi đó tôi học trường nội trú Nam sinh, còn bà học trường nội trú Nữ sinh. Đến khi thi chuyển cấp mới được biết nhau .Hôm đi thi cái thước kẻ tôi mang theo để gạch hàng là chiếc đũa.Còn cô bé : Bút mực,bút chì,compa,eke đủ cả. Tôi bỗng nghĩ: Quái lạ, sao cô bé giàu.Và tôi đã không dám làm quen.Mấy hôm sau, khi công bố điểm thi ,điểm của cô tận trên trời, điểm cuả tôi dưới đất.Thế là tôi buộc phải lặng thầm cho đến . . . bây giờ .Có điều, tôi vẫn cất giữ hình ảnh của cô ,nhớ về cô như cất giữ và nhớ về một nốt nhạc trầm trong bản nhạc của cuộc đời mình.
Bà lão bị sốc và cảm thấy vui.Một niềm vui có phần ngộ nghĩnh. Lặng trong giây lát bà lão nói:
-Cảm ơn anh. Tôi coi đó là điều tốt lành trong đời sống của tôi. Anh còn may mắn là đã thổ lộ được mối tình khờ với người bạn nhỏ trước đây.Hơn nhiều người bạn khác mãi ôm ấp trong đời những trắc ẩn không bao giờ có cơ hội được nói ra.
Sau vài đối thoại bà lão biết người ấy vẫn sống đầy đủ bên vợ, con.Thế là bà cảm ơn và xin được thôi, không quan hệ nữa. Nhưng người đàn ông ấy vẫn cứ hằng đêm, hằng đêm gọi điện hỏi thăm sức khỏe và chúc bà lão ngủ ngon. Bà thấy có lỗi và đổi sim điện thoại.Lại phải:
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”
Nguyễn Ngọc Hân Nghi

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

CON CU THẰNG VINH

Thằng Vinh với tui chơi thân từ thời vượt trường sơn, nhà hắn ở Đà Nẵng. Buổi sáng bữa đó có việc đi ngang tui ghé thăm nhà. Nhà chỉ còn lại mình bà già hắn.Hắn đi xa , nghe nói đi mô ở SG,vợ hắn đi vào Điện ngọc đám giỗ.
Tôi ngồi chơi qua quýt rồi xin phép về.Bất chợt nhận thấy trên hiên nhà hắn có treo một cái lồng. Mà trời ơi! Hết con nuôi hay sao răng mà nó nuôi con cu đất ,lông lá xác xơ tiêu điều. Tội nghiệp rồi tui buông tiếng thở dài
-Thằng ni ngó mà thương vợ he ! Bà già hắn nghe hỏi, răng mi biết hắn thương vợ ? Tôi chỉ lên con cu đất.
-Hắn đi xa, cái chi cũng mang theo riêng con cu thì để lại cho vợ ? Bà già hắn không nhịn cười tui thêm
-Mà vợ hắn cũng tệ thiệt, chồng đi xa có mấy hôm mà để con cu của hắn xác xơ như ri !
Tui không khoe đâu nhé. Con cu tui nhìn ngon hơn con cu hắn nhiều ? lông lá mướt rượt, cườm trỗ mã đẹp ra phết ! Vợ khen hoài à! Ôi tội con cu của thằng Vinh!

con cu thằng Vinh ở trên
con cu của tui ở dưới

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Thông tư chiêu sinh vào trường HSMN niên khóa 1958-1959


BỘ GIÁO DỤC******
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 08-TT
Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 1958


THÔNG TƯ
VỀ VIỆC CHIÊU SINH VÀO TRƯỜNG HỌC SINH MIỀN NAM NIÊN KHÓA 1958-1959
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Kính gửi: UBHC các liên khu, khu, thành phố Khu Giáo dục Liên khu 4, Việt bắc, Liên khu 3
               Sở Giáo dục Hà-nội, Hải-phòng
               Ty Giáo dục các tỉnh

Thông tư 115-TTg ngày 27-3-1957 của Thủ tướng Phủ có nhấn mạnh: “Việc xét thu nhận học sinh vào trường học sinh miền Nam hay xét trợ cấp sinh hoạt phí có trang phục hay không có trang phục căn cứ vào các tiêu chuẩn nhưng chủ yếu là tùy theo khả năng tài chánh, mức độ chiêu sinh của từng niên khóa mà giải quyết”.
Theo tinh thần trên và căn cứ vào nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa hiện nay, dựa vào khả năng tài chính và xây cất trường trại, vấn đề chiêu sinh trong niên khóa 1958-59 cần phải hạn chế trong một mức độ nhất định. Do đó không nhất thiết mọi trường hợp có đủ tiêu chuẩn đều được xét giải quyết.
I. – NHỮNG TRƯỜNG HỢP XÉT GIẢI QUYẾT CHIÊU SINH TRONG NIÊN KHÓA 1958 – 1959.
1. – Cán bộ quê quán miền Nam có đủ tiêu chuẩn nhưng từ trước nay chưa có một con nào được Chính phủ đài thọ để đi học bất kỳ là ở đâu (trong trường học sinh miền Nam ở các nước bạn, học trường ngoài có trợ cấp sinh hoạt phí, các trường chuyên nghiệp hoặc đại học…) thì nay được xét giải quyết một con. Nếu trường hợp đông con (từ 4 cháu trở lên) tình cảnh sinh hoạt khó khăn chật vật mà trước nay mới được giải quyết một cháu thì nay có thể xét trợ cấp thêm một cháu nữa. Đối với anh chị em thương binh, bộ đội phục viên, cán bộ công nhân viên miền Nam ra khỏi biên chế về sản xuất, ở trong trường hợp trên thì có thể xét giải quyết ưu tiên trước.
2. – Cán bộ miền Nam hiện đang công tác đặc biệt có sự chứng nhận và giới thiệu của Ban thống nhất trung ương, con các liệt sĩ (quê miền Nam và đã hy sinh trong Nam) có đủ chứng từ hợp lệ thì xét từng trường hợp mà giải quyết có chiếu cố thích đáng.

Lịch sử trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-1975)



VIỆN KHOA HỌC GIÁO DỤC VIỆT NAM (VNIES)

Nhóm nghiên cứu: CNĐT- PGS.TS.Nguyễn Tấn Phát; Thành viên- Võ Xuân Đàn; TS.Hà Minh Hồng; TS. Phan Đình Nham; TS. Phan Thị Xuân Yến.

Thời gian thực hiện: Từ 09/2006 đến 09/2008.


Mục tiêu nghiên cứu: 1/Khẳng định tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Đảng, Bác Hồ; công lao to lớn của Đảng, Nhà nước và đồng bào miền Bắc vì miền Nam ruột thịt, trong hàng chục năm đã nuôi dưỡng giáo dục học sinh miền Nam thành một đội ngũ những cán bộ cách mạng thuộc nhiều lĩnh vực phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc và xây dựng miền Nam, xây dựng đất nước sau khi hòa bình lập lại; 2/Khẳng định mô hình đào tạo của trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một mô hình đặc biệt với hiệu quả đặc biệt: đã thực hiện việc nuôi dạy và đào tạo con em miền Nam trên đất Bắc theo nguyên lý giáo dục xã hội chủ nghĩa với nhiều ưu việt cả về nội dung và phương thức đào tạo, trong hòan cảnh đất nước bị chia cắt làm hai miền và chiến tranh ngày càng ác liệt trên cả hai miền Nam-Bắc; 3/Khẳng định vai trò và công lao to lớn của đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo trong các trường học sinh miền Nam đã đào tạo rèn luyện một đội ngũ cán bộ cho miền Nam sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Khẳng định tinh thần vượt khó, ý chí quyết tâm, nỗ lực học tập, cố gắng rèn luyện, tu dưỡng, tinh thần tự quản, đoàn kết, phấn đấu bền bỉ của hàng vạn con em miền Nam trên đất Bắc để xứng đáng với công lao và lòng mong đợi của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân, trở thành những công dân và cán bộ cốt cán của đất nước; 4/Từ đó rút ra những bài học thực tiễn của lịch sử cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo hiện nay; đặc biệt là những kinh nghiệm bổ ích từ những thành công và chưa thành công trong việc nuôi dạy và rèn luyện một lớp người thừa kế sự nghiệp cách mạng của Đảng, phục vụ cho công cuộc kiến thiết và chấn hưng đất nước hiện nay, đảm bảo cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhiệm vụ nghiên cứu: Công trình ngoài kết luận, phụ lục có 3 phần nội dung chính: 1/Phần I -Quá trình hình thành phát triển hệ thống trường học sinh miền Nam (1954-1975); 2/Phần II -Hoạt động nuôi dưỡng và đào tạo của các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 1975); 3/Phần III -Thành quả và bài học.



TIN BUỒN .

Cụ Trần Tự Đãi bố anh Trần Anh Minh (Tổng quản trang blog : HTTP://bantbe.blogspot.com , K3 trường Nguyễn văn Trỗi) và Trần Thành Đô (k7) từ trần lúc 2 giờ 25 sáng ngày 20/08/2013. Tang lễ tổ chức tại Nhà tang lễ BQP Phạm Ngũ Lão ,Gò Vấp TP HCM. Lễ viếng từ 7 giờ 00 ngày 22/08. Động quan  lúc 13 giờ 30cùng ngày.
Vì nhận được tin trễ nên chúng em không đến viếng bác được . Qua trang bantbe xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến anh AMK3 và toàn thể gia quyến . Chúc bác an nghỉ nơi vĩnh hằng .
Thay mặt HSMN TP HCM kính báo .

HOÀI NIỆM VỀ CON ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

HOÀI NIỆM VỀ CON ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

                                                                               Thanh Thảo

Thấm thoát thế mà đã gần 50 năm trôi qua! Bất chợt nỗi nhớ bỗng ùa về - nhớ da diết một niềm ký ức xa xa.
Trong cuộc đời, mỗi con người phải tìm kiếm và lựa chọn một con đường đi cho riêng mình. Với tôi, con đường Trường Sơn thấm đẫm mồ hôi, xương máu và những chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam chính là nơi đã rèn nên khí chất, thổi vào tâm hồn tôi những tình cảm cách mạng trong sáng. Đã gần năm mươi năm rồi, cứ đau đáu một ước mơ, giá một lần được trở lại con đường ấy,con đường Trường Sơn huyền thoại, con đường lịch sử đã mở lối để nâng những bước chân nhỏ bé vào đời và tìm đến tương lai.
Với những đôi dép lốp cao su nhỏ xíu, những chiếc ba lô con tòng teng sau lưng, những chiếc mũ tai bèo ngộ nghĩnh trên đầu và  những chiếc gậy cầm tay, chúng tôi hăng hái bước theo sự dẫn đường của các chú giao liên, hăm hở đi về miền Bắc, như khát khao tìm về một miền cổ tích. Và, con đường Trường Sơn trở nên thân quen với  chúng tôi từ dạo ấy. Trong con mắt của những đứa trẻ mới lên 9,10.. Trường Sơn mênh mông, sâu thẳm, vời vợi chứa bao điều bí ẩn. Gọi là đường nhưng sao chẳng thấy dấu vết gì chứng tỏ đó là đường, bởi chúng tôi đi, có lúc phải xuyên qua rừng rậm rạp, đi giữa trưa hè mà chỉ thấy ánh sáng nhạt nhoà thoắt ẩn, thoắt hiện qua kẽ lá tưởng như đang buổi xế chiều, có lúc phải băng qua rừng cỏ tranh sắc lạnh, khi thì phải bước trên những chiếc cầu treo đan bằng những sợi dây rừng bắt vắt vẻo qua suối, qua khe. Nhìn xuống lòng suối sâu thăm thẳm, thác nước cứ ầm ầm đổ xuống, khiến cho ta cảm giác như thấy đất trời nghiêng ngả, chênh vênh, chao đảo, ngất ngây đến dễ sợ.  Và, có nhiều khi phải trèo lên sườn núi đá cheo leo, dốc núi dựng đứng cao ngất ngưỡng, leo gần một ngày trời mới sang được chân núi bên kia. Mồ hôi ướt đẫm, mồ hôi lại khô. Chân tưới máu, bật móng vì đá tai bèo lởm chởm đâm ngang, dọc. Rồi cả những con vắt ngoằn nghèo trông dễ sợ cứ bám vào chân, vào cổ mà hút máu. Cả những trận sốt rét rừng cứ hành hạ liên miên. Nhiều chặng đường chúng tôi không đi nổi, các chú giao liên phải cõng để kịp đi theo đoàn, để không phải nằm lại ở các trạm dọc đường. Cứ thế, chúng tôi đi trong nỗi nhớ nhà da diết. Phía sau lưng chúng tôi là cả miền Nam yêu thương đang ngập tràn trong lửa khói. Ở đó, Ông bà, cha mẹ và những người thân phải hàng ngày, hàng giờ chiến đấu chống lại kẻ thù. Sự sống và cái chết cận kề. Xương máu, mồ hôi họ đổ xuống là để giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà và xây đắp hạnh phúc cho thế hệ mai sau.
Vậy, chẳng có lý do gì khiến chúng tôi, những đứa con của miền Nam thành đồng lại có thể chùn chân, mỏi gối và nản lòng trước những thử thách, khó khăn nhỏ nhoi ấy? Ý nghĩ đó đã theo chân, động việc chúng tôi trên cuộc hành trình vượt trường Sơn.
Con đường Trường Sơn như huyền thoại, như thách thức luôn mở lối đưa chúng tôi vượt qua những trận phục kích bất ngờ của bọn thám báo và thoát qua những bãi mìn mà chúng cài khắp núi rừng. Trường Sơn che chắn những trận bom Mỹ, nguỵ ném xối xả hòng huỷ diệt, cắt đứt mạch máu giao thông, con đường liên lạc, chi viện từ niềm Bắc vào niềm Nam.
Càng đi, chúng tôi càng nhận ra rằng: Trường Sơn không hoàn toàn bí hiểm và dễ sợ như chúng tôi hằng tưởng. Đi giữa rừng, qua muôn trùng gian khổ, khó khăn nhưng chúng tôi không đơn độc, bởi con đường ấy, rừng Trường Sơn ấy luôn cưu mang, che chở. Những cánh rừng già mênh mông che đi cái nắng gay gắt khắc nghiệt và dữ dội của miền Trung trong những ngày hè nóng bỏng. Và Trường sơn ấy chính là chiếc lá chắn ngăn những trận mưa nguồn bất chợt, xối xả đôi khi như muốn cuốn phăng những bước chân nhỏ nhoi chưa bám chắc vào mặt đất của chúng tôi.
Và, những đọt măng rừng, những ngọn rau Tàu bay, những trái sung rừng… cả những con ốc, con cua đá dưới khe, dưới suối đã cưu mang chúng tôi trong những hôm đứt bữa.
Trường Sơn tưởng như hoang dại nhưng cũng rất mộng mơ và quyến rũ. Giữa rừng sâu thăm thẳm, xa vắng, giữa bom đạn mà vẫn có những chùm phong lan muôn màu, muôn sắc lung linh, rực rỡ đã tạo nên một bức tranh hữu tình say đắm. Và, thật là kỳ diệu, những buổi trưa hè khi mắc võng nghỉ chân giữa rừng già ta có thể thả hồn phiêu diêu trong tiếng chim rừng réo rắt, du dương, khi sôi động, khi trầm hùng của hàng trăm loài chim đã hoà tấu tạo nên âm thanh tuyệt diệu. Tất cả hoà quỵện, làm cho thiên nhiên nơi đây bừng lên sức sống mãnh liệt.
Và, cũng chính trên con đường này, chúng tôi đã gặp rất nhiều đoàn cán bộ, bộ đội, những đoàn dân công khi thì gùi, khi thì thồ hàng hoá, đạn dượt chi viện cho cách mạng niềm Nam, cả những đoàn thanh niên xung phong, các đoàn văn công, nghệ sĩ, bác sĩ… bước chân của các cô, các chú hăm hở, thanh thản, tự tin, đi ra mặt trận mà như đi vào Hội,
Tôi bỗng hiểu rằng: Con đường Trường Sơn chính là nơi hội ngộ sức mạnh của cả dân tộc. Sức mạnh đó không phải là súng đạn, là máy bay, xe tăng và những đội quân thiện chiến mà là ý chí kiên cường, lòng quả cảm, đức hy sinh, tinh thần đoàn kết và niềm tin chiến thắng được nung nấu, đúc kết từ ngàn năm truyền lại trong dòng máu của con người Việt Nam, đã được Đảng, Bác Hồ thắp lên để rồi bùng cháy trong mỗi trái tim khao khát tự do, độc lập. Tinh thần đó có sức lan toả, ngấm sâu vào trong mỗi ngọn cỏ, mỗi thớ đất và mỗi con đường… làm nên những chiến công bất diệt.
Nhiều hôm phải chạy băng qua những cánh rừng, những con đường bị bom na-pan và chất độc màu da cam do Mỹ, nguỵ thả xuống, chúng tôi thấy tim mình nghẹn lại. Thương cho những mầm cây bị khô héo, những cánh rừng bị cháy trụi và cả mặt đất cũng tím bầm loang lổ đầy thương tích. Nhưng những con đường ấy đã gồng mình lên dẫn lối đưa chúng tôi suốt 3 tháng ròng đi bộ vượt biết bao gian nan để về trong vòng tay chờ đón của đồng bào miền Bắc.
Trong ký thức tuổi thơ của tôi mãi mãi mang một kỷ niệm về con đường Trường Sơn không phải qua những trang sách, thước phim, dòng thơ, hay nốt nhạc… mà bằng mắt thấy, tai nghe, bằng bước chân mình đã được đặt trên con đường ấy, và cảm nhận về con đường Trường Sơn bằng chính hơi thở và nhịp đập từ trái tim mình.
Sau này, trong quá trình công tác, tôi đã chọn đề tài về cách mạng miền Nam để nghiên cứu, vì vậy có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn về sự ra đời và lịch sử phát triển của con đường Trường Sơn. Tôi vô cùng tự hào vì mình là người được đặt bàn chân nhỏ bé lên con đường ấy. Con đường của ý chí chiến thắng, của trí thông mình và của tinh thần dũng cảm, nó đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nó là kỳ tích đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Có một điều day dứt mãi trong tôi, đó là chưa một lần được trở lại con đường Trường Sơn, chưa được bước chân lên những lối cũ mà ngày xưa mình đã từng đi qua, chưa được gặp lại các chú giao liên ngày ấy, những chiến sĩ cách mạng thầm lặng nhưng vô cùng quả cảm, họ đã dám vượt biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, không ít người đã hy sinh để mang những hạt giống đỏ của miền Nam ươm trên đất Bắc.
Khi viết những dòng hoài niệm này về con đường Trường Sơn, tôi bỗng nhớ đến quặng lòng những cung đường ấy, những con người ấy và thầm hỏi không biết bây giờ những dấu vết  xưa về con đường Trường Sơn còn lại những gì và các chú giao liên ngày ấy giờ đang ở nơi đâu, ai còn, ai mất? Thời gian và chiến tranh suốt mấy chục năm qua, bom đạn Mỹ, nguỵ đã chà đi xát lại trên con đường ấy hàng ngàn lần?
Chúng tôi, những đứa trẻ ngày xưa, đầu đội mũ tai bèo, chân đi dép lốp giờ đây tóc đã hoa râm cả rồi, nhưng những kỷ niệm về con đường Trường Sơn vẫn còn hiện hữu trong tâm trí và trái tim mình mãi mãi, mãi mãi.

                                                                        Hà Nội, tháng 8 năm 2013





Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA

                
         Thanh Thảo


Bốn mươi năm mới trở lại mái trường xưa
Con đường nhỏ đưa ta về lối cũ
Những hàng cây thướt tha bóng rủ                              
Gió lặng thầm mà xáo động tâm can
Vui đấy thôi mà nước mắt tuôn tràn
Bao cảm xúc hiện dần trong ký ức
Kỷ niệm ùa về vừa hư vừa thực
Cứ chồng chềnh da diết, chờ mong



THƠ CƯA


     Ngày đầu tôi bước chân vào trường ĐHBKHN(1978) ngơ ngác lắm, nhận nơi ở xong, hôm sau đang lang thang như ông bò đội nón ngắm nghía khuôn viên ký túc xá. Đánh đùng phát gặp thằng Thái Hà, nó gọi: XH phải không? Tao nghe nói mày chết rồi mà. Giật mình nhưng tôi nhận ra nó ngay: Ơ T.Hà à, tao còn sống nhăn răng đây thây, ai bảo thế? Nó gãi đầu: Chỉ nghe đồn vậy. Tôi nghĩ chiến tranh, không liên lạc thường xuyên thì chuyện đồn thổi là bình thường, gác đấy đã. Rồi hai thằng hiên thiên nhiều, lúc đó tôi mới biết BK cũng đông hsmn học lắm, tôi mới nó lại cùng khoa luôn, mà nó đã năm thứ ba rồi. Nó bảo có Lê Trung Đạo, Chính Nghĩa (học Đ.Triều) cũng cùng khoa, ây dà thế là vui.
       Mãi đến năm thứ ba tôi mới giải được thắc mắc làm sao tôi bị đồn chết. Hồi hổi tôi còn đẹp trai (bây giờ thì đỡ nhiều rồi), chơi với mấy đứa bạn ở ngoại trú, chúng nó dẫn đi làm quen mấy em gái Hà nội, ngượng đỏ lưng ý. Thế mà thế nào lại có em Hằng tự nguyện xông vào mình mới chết, tôi chẳng phải cưa, thật. Em học sư phạm mẫu giáo, xinh phết.
        Hôm hổm đến khúc tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của mình, em biết mình là dân Quế, vồ ngay em hỏi: Ở Quế à? Em cũng có một ông anh con ông bác ruột tên Hùng học ở Quế đấy. Đến tôi vồ lại: Hùng nào? Bao nhiêu tuổi? Em: Anh Đỗ Hùng ý. Tôi buột miệng: Đỗ thối... à... à quên, Đỗ Hùng anh biết, nó cùng lớp với anh sau nhuận lại, mà giờ anh ảnh ở đâu? Ngậm ngùi em đáp: Anh là bộ đội lái xe tải ở Tây nguyên, năm 77 anh bị tai nạn lao xuống vực, mất rồi. Tôi lặng người, chia buồn cùng em, rồi cũng không quên kể những câu chuyện hồi nhỏ ở Quế cùng anh Đ.Hùng cho em nghe. (Thắp nén nhang cho bạn nhé, Đỗ Hùng). Thì ra có thể do tam sao thất bản thành ra tôi bị đồn đã chết chăng? Nhẽ vậy.
Quay lại chuyện thơ cưa nhé, hàng năm cứ dịp tết đến là mấy đứa hsmn bọn tôi lại tâm trạng lắm, không đủ tiền và thời gian xuôi Nam, các bạn nội trú ở cùng ngược về quê hết, trường thành chùa bà đanh. Một dúm mấy thằng tôi ở lại. Thường tụ tập lại hàng đêm ngồi uống rượu bát, cùng mấy cụ hsmn (từ giờ gọi bằng cụ cho nhanh) các trường khác sang chơi. Có các cụ từ hàng hải kéo lên, nông nghiệp kéo sang, rồi thông tin liên lạc dạt đến, đỡ buồn phết. Tây tây tí là đọc thơ thôi, toàn các cụ văn thơ ác chiến cả. Nổi lên như Butulu ( Bùi Tự Lực), Lê Trung Đạo, Lê Bốn...ui, nghe cụ Đạo ngâm bài Mẹ Suốt thì hay thôi rồi, lại còn cầm đũa gõ vào bát keng keng làm nhịp nữa chứ, nghệ sĩ Châu Loan mà nghe được chắc là nhận đệ tử ngay ấy chả phải đùa. Bây giờ vẫn nhá.
            Tất nhiên, bọn tôi những thằng Quế cứ là há hốc mồm ra mà nghe các cụ thổ thơ thôi, thèm được như các cụ thơ ý lắm. Một bận bạo gan, tôi cũng liều làm bài thơ, kiểu như: Một chú nòng nọc con- có cái đuôi quẫy quẫy- vào một ngày đẹp giời- cái đuôi quẫy rụng mất- bốn cái chân thò ra- ngẩn ngơ chú lên bờ- rồi nhún mình nhảy đi- thế là thành con cóc. Nghiêm túc lắm, tôi đọc cho cả hội nghe, ối giời ơi, có mấy cụ tí sặc nước bọt mà chết. Cười phòi nước mắt cụ Tự Lực bảo: Thơ chú chỉ mãi là nòng nọc thôi chưa lên được con cóc đâu, cố lên nhé. Buồn tím người ấy chứ, từ đó chừa, chỉ hóng mải miết thôi...
            Năm tháng qua đi, chúng tôi tốt nghiệp cả. Cụ Đạo lấy vợ HN ở lại luôn ngoài ngoải, tôi về SG làm ở viện ktqs. Lúc này có vẻ bạo dạn hơn rồi, các cuộc trà, tửu tôi chém cũng ác, vả cũng có tý thơ hồi hổi còn sót lại mà tôi nhớ được do thích. Thật ra thơ của cụ Đạo đọc, nhưng giờ cụ ở HN rồi, mỗi lần tôi đọc xong mọi người cười khoái chí hỏi thơ ai mà hay vậy, tôi cứ lẳng lặng vênh mặt, kiểu như thơ mình ý, ai mà biết được (đấy lại cố tình quên dẫn nguồn), hà hà...Có nhõn hai bài thôi, mà tôi cứ làm đi làm lại hoài à. Có mấy anh cũng lớn lớn tuổi rồi nói với tôi rằng, mày cứ tếu táo kiểu này khéo nó vận vào thân thì khốn.
            Nhẽ vận thật, tôi mang cả thơ ý đi cưa mới vui chứ. Các nàng nghe xong cũng cười tung tóe, nhưng rồi mấy hôm sau lại lẳng lặng bái bai, hờ hờ...cưa nhiều mà chẳng đổ được bao nhiêu, thế mới tài.
Thơ đây: Gió lùa qua khe cửa- và mùa đông đã đến rồi em ơi- nếu có ai đổi cả đất trời- thì anh chỉ lấy em thôi- vì em là tất cả- ta sẽ đưa nhau tới miền xa lạ- không có đất trời chỉ hai ta thôi- mỗi khi gió đông về- anh lại nhớ làn môi em êm ấm- vì tình yêu, vì tình yêu anh sẽ làm cho em sung sướng đủ điều- anh sẽ giết tất cả muôn loài vì em- sẽ hái tất cả những bông hoa để không còn một mùa xuân- sẽ ca cho em nghe muôn triệu bài ca- ca đến khi nào môi sưng vếu lên và răng không còn một chiếc- thượng đế sẽ tra vào mõm anh chiếc hàm bằng thiếc...khi gặp anh- em mỉm cười tạm biệt- anh mất tất cả rồi- Không! Vẫn còn đây chiếc hàm thiếc trời trao...Biên ra thì bình thường, nhưng khi tôi đọc là cười phộc lên ngay.
           Còn bài thứ hai là: ngực em là thánh giá- mái tóc cuộn vòng dây- nơi đây từng treo cổ- bao trái tim thơ ngây...rồi thì mắt em là...rồi thì môi em là...túm lại là oán trách phụ nữ, bài này cụ Đạo nói là của ông gì người Thổ nhĩ kỳ làm đấy (tiếc chỉ còn nhớ lõm bõm).
          Lại thấm thoắt ngựa chạy qua cửa sổ, lúc này chúng bạn đã yên bề gia thất, thằng nào cũng vợ con cả rồi, tôi vẫn bơ vơ như chú nai lạc bầy. Phải đi cưa tiếp thôi, cần mẫn tôi kiếm tìm. A! Đây rồi, em làm ở bảo tàng cách mạng, xinh như mộng, tất cả các cuộc yêu, tôi yêu thật lắm nhé, tận tình như hsmn lớn lên hồn nhiên vô tư lự ý. Những lần đón em ở chỗ làm gặp trời mưa yên xe ướt hết, không có giẻ lau, chẳng ngần ngại tôi ngồi lên yên sau chà chà cho khô để em ngồi khỏi ướt, chắc em cũng nhận ra điều điểu, là tôi cứ đoán mò thế.
            Nhưng có lẽ may phước nhất lần này là trong cả trận yêu tôi không văng thơ cưa ra, nếu văng ra khéo em lại bái bai mất, chân tình chăng, hay giời khiến vậy. Cho tôi kể nốt đoạn tỏ tình nhé, đừng sốt ruột... Hàng ngày vẫn chở em đi qua hàng bia hơi (lúc lủng SG bia hơi đang thịnh), thỉnh thoảng hai anh em cũng vào đá vài ly cho mềnh màng. Lần lẩn thấy em có vẻ ngấm tình, tôi cũng. Đợi bia đưa lối, tôi mon men dùng tay chấm nước vẽ ngệch ngoạc trên bàn một đống chữ, đầu tiên là ngộ- ái- ni, tiếp đến là ti-a-mô, rồi tiếp đến là ai-lớp-viu, cuối cùng là i-a-liu-bờ-liu-chê-be. Em tròn mắt xem ngồ ngộ, vẻ tự hỏi. Tôi, lúc này tê tê, giải thích: Chữ đầu là tiếng Tàu chợ lớn, tiếp đến là tiếng Ý, tiếp theo là tiếng Anh, tiếp nữa là tiếng Nga, chúng đều được dịch ra tiếng Việt là...là...gì em biết không? Em bẽn lẽn, tôi buông: Đều là tao yêu mày hết đấy em ạ, hà hà, tôi chỉ thẳng vào em. Em cười ngất, rồi đổ kềnh càng, bắt đền đấy...
            Thế là từ đó họ sống mới nhau vui vẻ và đầm ấm lắm, cho mãi đến tận hôm nay...và tôi cũng cất thơ cưa luôn, hì hì...

13 tháng 8 năm 2013. (Bài biên nhân ngày lễ tình nhân châu Á - 7/7 âm lịch, ngày thất tịch - Ngưu lang gặp Chức nữ đấy)
Mời nghe bản nhạc đẹp như bài thơ nhé, bay bay bay BẤM VÀO ĐÂY


XUÂN HÙNG

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Tản mạn ảnh

 Vài hình MF chộp được
Công  nghệ và người Mèo (Đại Trại, Quế Lâm)

Dịch vụ xích lô evening ở Đà Nẵng


Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Học Sinh Miền Nam là ai?

MF chôm bài ni bên trang web http://hocsinhmiennam.com

Tác giả: CD.


Lời dẫn. Hôm đầu tuần NVN gọi, nói Mày viết cho BBC một bài giải thích HSMN là cái gì, còn nói thêm là Gần đây có một số người gởi thư cho BBC hỏi chuyện này, họ có hỏi tao, thôi mày viết đi. Nghĩ thầm sao lại trùng hợp với chuyện trang website hocsinhmiennam.com mới mở, không biết y có động chân động tay vào chuyện này không. Mới nói Tao viết dạng tư liệu cung cấp những thông tin tao biết chứ không viết bài, mà cũng chỉ khoảng 1.500 chữ trở lại thôi, nếu được cuối tuần tao sẽ gởi mày chuyển cho họ. Y ok rồi gác máy.

Đang làm một cuốn sách nhỏ nhỏ nên cũng bận rộn, mệt thì chuyển qua viết vài dòng. Thật ra chỉ làm HSMN có 11 năm từ 1964 đến 1975, đâu biết gì nhiều về thời gian trước đó. Nên chỗ nào bí thì phải gọi điện hỏi, mấy người anh em bạn có thâm niên HSMN lâu hơn cũng chuyện thì nhớ chuyện thì quên. Sáng nay nhìn lịch đã là thứ bảy, gởi bản nháp cho NVN, nói thấy cần thêm bớt sửa chữa gì thì cho biết, còn cẩn thận bảo thư ký nhắn tin cho y. Trưa y trả lời nói không sửa gì cả, đã gởi luôn rồi. Thì cũng được thôi, nhưng cố đấm ăn xôi sửa vài chữ gởi lại cho y, nói chuyển bản này cho BBC thay cho bản trước.

HSMN từng là đối tượng truy sát của không quân Mỹ trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc thời gian 1964 – 1968, phải sơ tán qua tận Trung Quốc, hai đối tác ấy thừa biết những người này là loài chim nào, chuyện cũng đã qua nửa thế kỷ rồi, có tư liệu gì trước kia hạn chế công bố thì hiện cũng thuộc loại được giài mật rồi, viết ra cũng chẳng có gì phải sợ. Chỉ là không biết đủ về HSMN, NVN là HSMN sớm hơn nhưng cũng chỉ cùng lứa, chắc cũng không nhớ được nhiều hơn, sợ là viết không đúng, mai kia lỡ BBC sử dụng bài viết có chỗ nào không đúng thì HSMN lại ít nhiều bị người thiên hạ hiểu sai hiểu lệch, thành ra lại có lỗi với HSMN. Vì vậy post bài này lên, các bạn HSMN thấy chỗ nào sai sót xin đính chính sửa chữa cho.

*****

GIAI THOẠI

                         GIAI THOẠI 1
         THẰNG BỜM CÙNG HỌC VỚI PHÚ ÔNG


BỜM :             Năm xưa ông học cùng tôi
                         Mỗi năm một lớp,đứng ngồi chẳng yên
                         Tài ông, tôi thấy khá phiền
                         Lợi chung thì ít, lợi riêng quá nhiều

PHÚ ÔNG:      Bờm ơi ,mầy thật lắm điều
                         Tau làm kiểu ấy là liều một phen
                         Muốn làm quan phải có "Bằng"
                         Không tiền đút lót thì thằng nào cho ?
BỜM :             Tôi đành mất cái "quạt mo"
                         Để ông thăng tiến mà lo dân tình
PHÚ ÔNG :    Bờm ơi mầy quá linh tinh
                        Làm quan không  "kiếm" thì mình "lót" chi
                        
                       Thằng BỜM buộc miệng bật cười
                        PHÚ ÔNG thấy thế tối thui mặt mày
                                 
                              GIAI THOẠI 2
THẰNG BỜM LÀM DÂN, PHÚ ÔNG LÀM QUAN
BỜM:            Luật rừng, luật biển ,luật sông
                       Bao nhiêu là luật sao ông không làm ?
PHÚ ÔNG :   Luật sông ,luật biển, luật rừng...
                       Những thứ luật ấy tau ưng tau mần
BỜM:            Ông là quan của Nhân Dân
                       Bầu ông với một tinh thần lo chung
                       Nay ông được ghế trùng phùng
                       Thiết danh mại tước ung dung ông cười
                       Dân than ở chốn muôn nơi
                       Gạo châu, củi quế rối bời ruột gan
                       Đã mùa mưa lũ đến gần
                       Nơi ăn chốn ở trăm phần lo toan...
                       Đường đi, lối lại cửa quan
                      Ông đóng kín cửa, họp bàn chốn nao ?
                                                                            
                                                                                 VAV ĐÀ NẴNG

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐÁM CƯỚI CON QUẾ LÊ TẤN MAI


Tin Quế gặp nạn

Quế Trần Quang Hiền chánh thanh tra sở y tế QN ngày 5/6 đã lái xe và gặp nạn tại ĐN làm 1 người chết và 2 người bị thương nặng. Hiện Hiền đang quảng thúc tại địa phương. Xin chia xẻ rủi ro này đến Quế.( Nguồn từ báo Thanh niên ngày 14/6 /2013)

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

TƯỚNG

Ở tập thể thì chuyện xuất hiện ông tướng là đương nhiên, ông ổng có thể là người có mặt đầu tiên, ông ổng có thể là khỏe nhất, hoặc ông ổng có thể được các đàn anh lớp trên bảo kê và vân vân. Thằng H.A lớp tôi nó bắt đầu làm tướng từ lớp 3, chắc nó hội đủ các yếu tố trên, nó được cán bộ tổ chức phân nhuận lại làm nguồn, cũng mục đích phát triển năng khiếu cho lớp kế cận, nhằm giao lưu văn thể mới nước bạn một cách cân bằng. Nó đầm đậm người, đen đen, khi gồng tay cái là có con chuột phồng lên to to là, bọn tôi phục lăn. Ấn tượng nhất là hai bắp chân nó nổi cuồn cuộn oai phong lắm, đại để nhìn càng con dế mèn thế nào thì chân nó như vậy cho nhanh. Mắt sáng ngời, miệng cười tự tin, ngoài sợ thầy cô ra nó ít sợ ai, thế mới tài.


Từ trái sang , đầu tiên chính là tướng H.A

Từ khi có nó về làm tướng, lớp b tôi cũng bớt sợ bọn lớp a hơn, chả gì bọn lớp a cũng biết tiếng nó mà, hơn nữa nó có lực lượng hậu bị là mấy đứa bạn ở lớp trên học cùng mới nó, hà hà...có biến là giật xuống ngay. Từ nhỏ mà năng khiếu thể thao của H.A đã nổi trội, đá bóng hai chân như một, chạy nhanh thoăn thoắt, có cú tung người móc bóng đẹp như múa ba-lê, tài thật. Chỉ mỗi tội một con én không làm nên mùa xuân, bọn tôi đá với bọn lớp a toàn được thua, dù nó đã cố hết sức...rầu thúi ruột ý chứ.

Thấm thoắt thoi đưa, nó làm tướng cũng ổn, chỉ thỉnh thoảng bợp tai đá đít mấy đứa qua loa gọi là, ấy là ở cấp 1 nhé. Lên lớp 5 (cấp 2) thì phong trào cống nạp (dân gian vẫn gọi là chơi hụi đấy) bữa sáng bùng phát, thường ba bốn đứa một tụ, một thằng ăn tất, hai ba đứa kia nhịn, xoay vòng hai ba tư năm năm sáu, chủ nhật nghỉ (vì không có ăn sáng). Nhìn thằng Bình chôn thịt nó ngồi ăn ba tô mỳ nước mà ngao ngán, no vật mà vẫn phải cố vì mai lại được nhịn rồi, bánh bao còn cất được lai rai trong ngày, chứ mỳ nước thì không. Tất cả bọn tôi đều đã trong cảnh ý, hì hì, một phút huy hoàng hơn le lói trăm năm là đây chứ đâu nhề? Lúc này nhiều đứa con trai bắt đầu trổ, phổng vọt lên. Thằng H.A ít phổng hơn, nhẽ chân nó có bắp rồi. Sứ mệnh làm tướng của nó dần bấp bênh.

Các xứ quân cũng nhen nhóm nổi lên từ đó theo từng nhóm trong đội cống nạp. Chẳng hiểu mâu thuẫn bắt nguồn từ đâu mà thằng Đức trố và đồng bọn của nó ngấm ngầm tính lật đổ thằng H.A, cứ bữa cơm trưa là là chúng lại bàn luận vẻ bí mật lắm. Rồi hôm hổm thằng Đức trố ra mặt thách đấu với H.A, tay bo nhé. Cái gật đầu nhanh chóng được xác nhận, tướng mà. Thông tin trận đấu được lan nhanh lẹ như thể inh-tẹc-nét bây giờ ý, chả điêu. nhưng rất trật tự. Ngày giờ đã ấn định, một trưa nào đó.

Trưa trửa cũng tới, các bình luận viên bên lề bàn luận sôi nổi trong thì thào, làm các phép so sánh: chiều cao Đức trố 1,5m, HA 1,35m. Sải tay Đức trố 80cm, HA 65cm. Vòng bắp tay ĐT 25cm, HA 30cm. Cân nặng 36 kg hai thằng bằng nhau. Sức mạnh cú đấm: không có máy đo nên không biết bao ký... vân vân và vân vân...có điều thằng Đức trố trông phổng nhưng lại cò hương hơn thằng HA, có hề gì, chiến là chiến.

Địa điểm thi đấu là phòng ngủ không có lớp trưởng Đào Công Chiến tọa, giường kê sát tường, giữa là sàn đấu, cổ động viên đứng xung quanh. Chỉ bọn lớp b tôi thôi nhé, bọn lớp a không hay biết, lớp trưởng cũng. Hai chiến tướng ra sàn đấu, không trọng tài, không thủ tục chào khán giả, không cái bắt tay. Vờn vòng vòng ngay, gườm nhau nhưng hai thằng không quên ôn mấy câu ngoại ngữ tiếng Đan mạch đã được tôi luyện cho khí thế, kiểu như mấy tướng trong tam quốc trước lúc giao tranh ý (ham học thế là cùng, hì hì)

Và trận đấu bắt đầu, HA sàng vài vòng thế chuẩn phết, Đức trố khom người lòng khòng hai tay như đô vật lòng vòng theo, rồi bốp chát huỵnh. Trước mỗi đòn đánh là ngoại ngữ lại được ôn luyện. HA nhanh mạnh, ĐT lợi thế sải tay. Cổ động viên cuồng nhiệt trong im lặng, hò hét lên phát là lộ hết. Sau vài trăm chiêu, bốp chát huỵnh khẽ dần, khẽ dần rồi lịm, hai chiến tướng mệt quá, phần cũng no đòn của nhau, thế là buông. Huề nhé, khán giả ai về giường nấy, hồi hộp, lẳng lặng.

Sáng hôm sau vào lớp, thấy HA sưng hai bên mắt, còn thằng Đức trố một bên mắt cùng cái cổ tay sưng vù. Cô Như hỏi hai đứa bị sao vậy? Hai thằng đồng thanh trả lời: Chúng con bị té cầu thang ạ!...Thế là thoát tội oánh nhau.


Các " TƯỚNG LĨNH " ngày xưa .

Sau trận thư hùng này H.A không còn làm tướng to nữa, các nhóm có tướng nổi lên phân chia theo lợi ích nhóm. Thằng Vinh mập một nhóm, thằng Hải chọt một nhóm, tất nhiên HA cũng... Còn tôi và Thắng cà xuyệc một nhóm hai đứa thôi, thằng Thắng tướng trưởng, tôi tướng phó, oai như ông cóc ấy nhể. Nói thì có vẻ ghê răng, nhưng thật ra lớp b tôi vẫn đoàn kết lắm lắm. Hè năm đó thằng Đức trố về nước cùng Thắng cà và vài đứa nữa, chúng nó đều được bọn tôi tặng một chú vịt con để xoa hai đầu nỗi nhớ. Còn H.A nó lại được phân nhuận lại làm cán bộ nguồn cho lớp kế cận...
Đức ơi, trồi lên nhé! Nhớ mày lắm...
Mời nghe bản nhạc cho nỗi nhớ tuổi thơ thêm mềnh màng này : Điệu van mưa
http://www.youtube.com/watch?list=RD02dqN-xPSP_rw&feature=player_detailpage&v=sAoXUDMtQBI

Quế Xuân Hùng

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Thăm Nhà lưu niệm Anh Nguyễn Văn Trỗi nhân ngày 27-7-2013.

Nhà lưu niệm Anh Nguyễn Văn Trỗi ở xã Điện Thắng Trung (làng Thanh Quýt), H Điện Bàn, Quảng Nam.
Tặng các "anh Trỗi" và các Quế.












Con zì zậy?





NHẮN QUẾ

                   
                   
                                                NHẮN
                                                            Thân gởi các Quế
                                          Viết vào cửa sổ trong trang
                                Nhắn nàng Quế nhỏ cùng chàng Quế tơ
                                          Mấy câu lục bát vẫn vơ  
                                 Gây cười đôi chút ai ngờ trẻ ra
                                         Nói YÊU quên cả tuổi già
                                 Quế nào nhỏ nhất cũng đà năm mươi
                                        Quế tơ mới đáng tiếng cười
                                 Phơ phơ tóc bạc giống người hành tinh
                                         Quế nhỏ dáng dấp lung linh
                                 Răng rụng làm giã tưởng mình còn son
                                         Chào hàng khắp núi cùng non
                                 Chẳng ai đặt giá mãi còn trong kho
                                          Thôi đành ăn uống cho no
                                 CHỢ TÌNH sẽ mở rồi bò ra phơi...

                                           Ngàn sau cho đến muôn đời
                                  Cháu con nhớ mãi tiếng cười mà vui
                      .                                          Đ N 9.8.2013
                                                                           VAV
 
             

  
                        
                             
                       








NHỮNG NGƯỜI MỘT THỜI HUY HOÀNG TRƯỜNG BÉ ( Nguồn do quế Tướng Hinh ĐN )

                                                         Các Quế nhận ra ai không

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

TẢN MẠN VỀ BÀI XIN MINH OAN VÀ CHÂN DUNG NGÀY NAY CỦA VAV ĐÀ NẴNG

Em đi về nơi ấy xa xôi
Mang con chữ, cho đời cho Đảng
Đâu biết ở một nơi "đáng sống"
Có một người cứ mãi thẩn thờ (rục như bã chuối)
"Em bỏ đi, ta nghe lòng hiu quạnh
Trời mây buồn,mưa rơi rớt khóc than
Chiều đìu hiu sương khói tràn lan
Cỏ,lá dạt ngỗn ngang trên lối cũ
Kỉ niệm em ơi, bao tháng ngày tích tụ
Là thước phim chiếu phủ những đêm trường
Đêm, mình ta thao thức vấn vương.
Em có biết ta yêu thương em không nhỉ
Ở nơi đó em có còn để ý ?
Em có còn ,nhặt nỗi nhớ ta chăng ?" 
                                  

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

KHÔNG ĐỀ

Cảm ơn một màu hoa đỏ ngọt
Lặng lẽ khoe hương trước thềm nhà
Ta bâng khuâng không sao nói được 
Chỉ lặng thầm.thoạt nhớ người phương xa
Lan MOKARA lai VAN DA