Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Những chuyện bây giờ mới kể


NHỚ MÙA ĐÔNG XƯA
(Viết tiếp: Những chuyện bây giờ mới kể)
Mùa đông năm nay rét hơn mọi năm, thấy trên ti-vi cảnh ở vùng cao phía Bắc còn có băng tuyết. Tất cả những cảnh đó làm cho ta nhớ đến những mùa đông xưa ở xứ Quế gió bấc cắt da thịt thành nứt nẻ, giá rét, băng tuyết.
Mới từ Miền Nam ra sốt rét rừng làm tóc rụng chỉ còn lơ thơ vài cọng, nước da thì xanh lét nhưng thấy tuyết rơi là cả lũ “tân” Quế như bắt được vàng và có khi còn hơn thế vì lúc đó có biết vàng là gì đâu. Thưởng thức băng tuyết mùa đông xứ Quế cũng rất là phong phú, đa phần thì lấy tay hứng tuyết và …liếm, có Quế thì há miệng truyền trực tiếp các diều nước đã đóng băng trên đầu các lá cây quế tạo ra một đám chông đá mọc ngược óng ánh làm cho những cây quế mới trồng vài năm thêm vẻ huyền ảo dưới ánh sáng đèn cao áp (chắc do những giọt sương đóng băng), những Quế siêng và cẩn thận hơn thì cho nước vào cái ca men đưa ra ngoài cửa sổ qua đêm để sáng hôm sau cả lũ được cắn nước đá rôm rốp trong giá lạnh thấu xương. Ngoài cái ca men, dụng cụ tráng men của Quế còn có thau men, một cái “thố” men (sao gọi là thố hè?), các dụng cụ tráng men in hình những bông hoa hoặc hình nhà máy công trường, công xã, hình công nhân, nông dân hay “Bát lộ quân” tay cầm “trước tác…”. Khi về nước, rồi Quế về Nam, Quế ở lại Bắc đều mang theo về các dụng cụ, tư trang được trang bị ở xứ Quế để “yêu và nhớ”, bây giờ có Quế nào còn giữ được thứ gì “để nhớ để yêu” không? Thưởng thức băng tuyết kiểu gì thì đầu lưỡi cứ việc tê tái còn tâm hồn các Quế ta thì c thấy bay bỗng như đã làm được điều gì đó phi thường. Quế ta ơi, có còn nhớ cảm giác này không?
Trang phục và các phụ tùng đi kèm để chống rét của Quế có: áo bông cổ lông cừu, mũ bông, quần áo “vệ sinh” (sao lại gọi là quần áo vệ sinh hè?), áo ka-ki, giày vải, (một số Quế có cả giày ủng, lẻ tẻ có giày da), tất chân, găng tay, khẩu trang, khăn quàng cổ. Các Quế được trang bị chăn bông (vỏ và ruột), đệm bông với “gaz” trải giường, gối không độn bông mà độn… trấu với khăn trải gối in hoa hòe các kiểu thay cho áo gối, mấy Quế siêng gái thì không dùng loại gối này mà rút tiền tiết kiệm tự mua vải trắng về làm thành gối có thêu hoa thêu chữ nhìn thấy cũng bắt mắt. Quế trai, gái được trang bị gần như giống nhau, chỉ khác nhau rõ nhất là áo ka-ki nữ hai hàng nút (cúc), nam một hàng nút, một số Quế gái được phát giày kiểu nữ, còn hầu hết là giày ba-ta như của Quế trai, quần “vệ sinh” quế trai thì phía trước có xẻ, một số Quế trai được phát quần “vệ sinh” không có xẻ (chắc do thiếu) thì các cô, má bảo mẫu dùng kéo khoét cho một cái lỗ phía trước cho tiện sử dụng.
Tất cả những thứ trang bị chống rét lớp trong, lớp ngoài, cái trên, cái dưới biến lũ Quế chúng mình thành những “cái nấm” di động, thở phì phò “ra khói” và Quế trai, Quế gái cứ na ná như nhau khi mùa đông về.
Cái lạnh của mùa đông xứ người cứ như cắt da cắt thịt lũ Quế chúng mình, đứa lớn cũng chỉ vừa qua tuổi thiếu niên, đứa nhỏ thì còn tuổi mẫu giáo, tất cả đều xa gia đình đến xứ Quế hình thành “Cộng đồng Quế” để mùa đông thì biến thành những “cái nấm nhỏ, nấm to” chống chọi lại băng giá để tồn tại và lớn lên. Và biết bao nhiêu những “sự cố - sự kiện mùa đông xứ Quế”.
Chuyện Vệ sinh mùa Đông
Quế Cấp Một được cô, má bảo mẫu nhắc nhở mùa đông tắm rửa hai lần trong một tuần. Lịch tắm các lớp so le nhau. Quế Cấp Hai thì tự lo lấy, năm học cuối cùng ở Quế, trường Cấp Một NVB giải tán, má Nga biên chế về trường Cấp Hai NVB nhưng cũng chỉ nhắc nhở các Quế nhỏ lớp Năm việc làm vệ sinh. Nước tắm tất nhiên là nước nóng, được cấp qua các vòi nước tập trung đầu dãy nhà tắm theo giờ trong ngày và được nấu bằng lò hơi than đá. Tuy thế không phải Quế nào cũng thực hiện đúng lịch tắm đó, hình như có Quế trai cả mùa đông chỉ tắm ví dụ. Còn nhớ có Quế X. “cóc”, mùa đông nhìn da bạn ấy nổi vảy như da rắn, Quế thì bảo do bạn ấy ở bẩn ít tắm, Quế thì bảo là bạn ấy bị bệnh khô da, Quế mình thì nghĩ…chắc cả hai lý do trên cộng lại (bây giờ Quế X. “cóc” ở đâu hè?). Áo quần thì Quế lười giặt nên cũng nghĩ ra nhiều cách để thỏa mãn cái sự lười. Vỏ áo bông, vỏ chăn, “gaz” giường và áo quần vệ sinh hình như cả mùa Đông được giặt hai lần: giữa và cuối mùa (mà cũng chỉ ở cấp Một thôi) bằng máy giặt đặt bên trường Võ Thị Sáu, Quế lười dồn hết cả áo quần mặc mùa đông nhét trong vỏ chăn bông để “ăn theo”. Kết quả quần áo thường của Quế lười được nhộm “hợp chủng quốc” các màu thành loang lỗ xanh đỏ. Để đỡ phải giặt áo, có Quế cả mùa đông chỉ có mặc áo bông không (nghĩa là cởi áo bông là … Quế ở trần), do đó, lớp trong ruột áo bông nó có màu sắc như…dầu hắc và tất nhiên nó có mùi hương đặc biêt đó là mùi Quế…lười. Giày, tất của Quế có nhiều cách sử dụng, để tiết kiệm xà phòng và công sức, nhiều Quế trai sử dụng giày, tất từ lúc mới dung cho đến lúc … rách, hỏng mà không giặt, giày vải thì cũng còn cố chịu được mùi, nhưng những Quế nào sử dụng ủng theo công nghệ này thì mùi vị khủng khiếp lắm. Những đôi tất được sử dụng theo phương pháp này thì cứng cáp như những cái mo và mùi vị của nó thì khó kiếm lại trong đời, nhất là nếu “nó” được cho qua lửa. Còn nhớ mùa Đông cuối cùng ở Quế, buổi tối cả lũ Quế đang xuýt xoa bên lò than để sưởi bỗng có khói bốc ra từ lò sưởi mang theo mùi thum thủm như mùi chuột chết, cả lũ Quế la oai oái xúm lại tìm nguyên nhân.Thì ra tên “Chột” thanh lý một sản phẩm tất chân của hắn vào lò sưởi của phòng, may mà đó là căn phòng lớn và “Chột” mới thanh lý một chiếc chứ nó chơi cả đôi và phòng lại nhỏ nữa thì giờ này có khi Nhà nước ta mất một loạt cán bộ ấy chứ (hy sinh do nhiễm độc). Ngày đó các dãy nhà ở của Quế thường ít thấy bóng dáng chuột, bây giờ nghiệm lại thì ra là do chuột nó sợ “mùi Quế”.
Sự cố …sưởi ấm.
Cộng đồng HSMN Quế tuy cuộc sống có đầy đủ hơn cộng đồng HSMN trong nước nhưng mùa đông Quế cũng chỉ được sưởi ấm bằng than củi. Lò sưởi là một cái chảo gang đặt trên cái giá làm bằng gỗ, mà cũng chỉ những ngày thật rét thì mới được sưởi, hình như cả lớp mới có một lò sưởi.
Một tối thứ bảy mùa đông, cả lớp Quế đã đi ngủ nhưng thấy vắng mặt mấy ông Quế lớn, trong đó có Quế lớp trưởng và một Quế lớp phó. Cô chủ nhiệm và mấy Quế lớn khác chuẩn bị xuất quân đi tìm thì thấy các Quế vắng mặt mò về. Cô chưa kịp la rầy thì Quế lớp trưởng đã giải trình về chuyến “du lịch thành phố Quế Lâm bất đắc dĩ “.
Hóa ra Quế lớp phó là người cùng làng với thầy Ký “thọt” (xin lỗi thầy vì không nói biệt danh này e mấy Quế khó nhớ), tối thứ bảy rủ các bạn ghé thăm thầy. Mùa đông xứ quế quá lạnh, thầy cũng phải sưởi lò than củi. Mình thầy thì ít than, các cháu tới đông thầy cho thêm than cho ấm hơn. Thầy trò ăn kẹo uống nước cùng tâm sự để đỡ nhớ quê hương. Than thì vẫn cháy, không khí phòng thầy ấm quá, các câu chuyện về quê hương cứ kéo dài trong lúc cửa phòng đều đóng kín. Thầy và các Quế lịm dần cùng lúc. May mà có một Quế khỏe hơn ngồi gần cửa ra vào cố lao ra mở cửa kêu cứu.Và tất cả các trò cùng thầy được một chuyến du lịch ra Bệnh viện Nhân dân Quế Lâm miễn phí, khuyến mãi một mũi thuốc bổ cho mỗi người trước khi đưa về trả lại trường. Sau này khi học hóa thì các Quế hiểu rõ hơn về hiện tượng này, lúc đó chỉ được giải thích là: do đóng kín cửa phòng không được thong gió nên các Quế và thầy đã hít phải khí CO loại khí độc sinh ra trong quá trình than cháy. May mà…Hú vía. (Thầy Ký hiện vẫn khỏe và ở gần nhà Quế mình. Có lần ghé thăm thầy, trong lúc nói chuyện thầy nhắc nhở: Lúc nào thầy chết nhớ đưa đám ma thầy nhé, nhắc mấy đứa nữa. Quế mình thấy lòng rưng rưng muốn khóc nhưng cố nói: thầy còn khỏe lắm.Thầy năm nay cũng gần 90 rồi, các Quế nào có dịp qua ĐN thì ghé thăm thầy)
Sự cố …”áy náy…”
Đó là một tối mùa đông năm 1973, chuông vừa reo báo hết giờ tự học, tiếng “ồ” như đồng loạt vang lên và cũng như đồng loạt các cửa lớp mở tung, những “cái nấm” nhanh chóng phi ra khỏi lớp. Hắn cũng vôi vàng xếp sách vở cho vào hộc bàn và phi ra khỏi lớp hòa vào dòng “nấm” mùa đông Quế theo con đường bê-tông dẫn về khu nhà ở (con đường này có ảnh của MF đưa lên ST đố Quế đó). Mưa đá hạt nhỏ tạo thành một màn sương huyền ảo, không khí ngoài trời lạnh buốt. Những cành quế lung lay nhè nhẹ trong khung cảnh mờ ảo ấy giữ được cho mình những hạt mưa đá bé li ti, làm cho những lá quế lấp loáng dưới ánh đèn cao áp. (Dạo đó lũ Quế cứ trầm trồ khen TQ giỏi chế tạo ra loại bóng điện cao áp có ánh sáng mát rượi làm cho những cái áo trắng của Quế trở thành màu xanh mát dịu. Mà đúng thật,khi về nước nhìn thấy đèn đường của nước mình phổ biến vẫn là những bong đèn tròn bình thường). Dưới ánh sáng đèn cao áp, bóng những cây quế in lên mặt đường tao ra những khoảng sáng tối chen nhau. Hắn choàng tay ôm lấy một “cái nấm” đi bên cạnh, xuýt xoa kêu lạnh và rên ư ử. Hắn chửi thề và than vãn cái xứ gì mà lạnh thấu xương, thấu thịt làm sao chịu nổi. “Cái nấm” trong vòng tay hắn vẫn “ừ, ừ” theo hắn. Hắn lại thao thao bất tuyệt: Trong mình mùa đông đâu lạnh dzữ dzậỵ, tao nhớ quanh năm tao chỉ có cái quần xà-lỏn, mùa đông lạnh lắm lúc giữ trâu ban ngày thì đốt cứt trâu khô sưởi, tối ngủ quấn cái chiếu rách, thò đầu và chân ra ngoài, vẫn qua đẹp mùa đông có đau ốm chi mô. Trong mình mà lạnh thế này chắc lũ con nhà nghèo mình “đứt” sớm lấy đâu ra quần áo trong ngoài, mũ giày, khăn tất cỡ ni mà chống rét, phải không mày? “Cái nấm” đi cùng lại”ừ,ừ” hòa nhịp với hắn. Hắn lại xuýt xoa, ghì chặt “cái nấm” và bất ngờ hỏi: Mày chơi đủ bộ trong ngoài đó chứ? hay lại như thằng R…chơi độc mỗi cái áo bông, thằng nớ chịu rét giỏi thiệt. Và hắn nhanh tay thọc vào sườn “cái nấm” để kiểm tra xem có đủ lớp trong lớp ngoài không. “Cái nấm” theo phản xạ nhảy lên, nhưng hắn đã kịp kiểm tra xong và rút tay ra quàng qua hông “cái nấm” ôm chặt. Hắn phán: À, chú mày đầy đủ trong ngoài, nghe có vẻ thơm tho hơn mấy thằng khác. Hắn hít mạnh để chng tỏ với “cái nấm” là “mày thơm tho hơn mấy thằng khác”. “Cái nấm” lại “ứ ừ” phù họa cho hắn. Cả hai cùng rảo bước về khu nhà ở. Hắn miệng thì xuýt xoa kêu lạnh quá, hai tay lại đan vào nhau siết chặt “cái nấm”, “cái nấm” thở mạnh ra, hắn nghĩ chắc “cái nấm” đã thấy ấm hơn với vòng tay và những câu chuyện trên trời dưới đất của hắn. Đến chân cầu thang lên gác (phòng hắn ở trên gác), “cái nấm” đột ngột dừng lại và gỡ nhanh tay hắn khỏi vai, nhanh chân bước tiếp. Hắn ngạc nhiên: Không “dzề” ngủ còn đi đâu mầy? “Cái nấm” vẫn không trả lời hắn mà đi như chạy về phía nhà…nữ. Lúc này thì hắn đứng chết như Từ Hải, mặt cứ như …”ngỗng ỉa”. Chắc là hắn đứng mặc niệm ở chân cầu thang không phải là một mà nhiều phút trôi qua, vì Quế tôi trực nhật nên về sau hắn mà lúc về thấy hắn vẫn thẩn thờ cạnh chân cầu thang. Hỏi có chuyện gì mà thẩn thờ thế và hắn đã kể lại với Quế tôi những diễn biến sự việc trên. Hắn sợ “cái nấm” nghĩ hắn lợi dụng, thực tình là hắn không biết. Hắn sợ nhất là hành động kiểm tra xem “cái nấm” có đủ trong ngoài không. Hắn nói: Nhưng mà vẫn còn hên, may mà tao chỉ sờ lưng nó chứ sờ…phía trước thì… bỏ mẹ. Quế tôi nói với hắn: Theo tao thì cả sự việc từ đầu đến cuối thì mày hên nhưng tách riêng “dzụ” kiểm tra thì mày xui quá chứ không phải hên, phải chi mày đổi vị trí kiểm tra từ sau ra trước thì bây chừ không phải ngẩn tò te như thế này. Hắn nói: Đang lo thấy mồ đây còn đùa. Hắn sợ “cái nấm” sẽ báo với thầy chủ nhiệm những gì đã xảy ra thì hắn chỉ còn nước ra cầu Giải phóng nhảy sông Li (hắn nói thế nhưng hắn là con “rái cá” làm sao mà chết nước được). Quế tôi phân tích và an ủi hắn: Mày có biết “ẻm” mô đâu mà mắc tịt. Chắc là “ẻm” nớ cũng thử tìm “cảm giác lạ” nên mới đồng hành cùng mày từ lớp học về đây. Hắn lấy lại thần sắc: Mày nói cũng có lí. Sao mà tao u mê thế không biết, mấy ông đực tụi mình thì làm gì có mùi thơm tho như thế, lúc tao hít mạnh để chứng tỏ sự thơm tho của “nó”, tao có cảm giác mùi thơm lạ lắm, không phải mùi nước hoa nhưng nó thơm có cảm giác cứ ngây ngây thế nào ấy. (Cái mùi hương này sau này khi trưởng thành tôi mới kết luận được đó là “mùi hương con gái” chứ lúc đó Quế tôi cũng u mê như hắn, biết chi mô). Cái tay tao đè lên phía trước áo bông của nó cũng có cái cảm giác khác thường, rồi cả tiếng thở mạnh của “nó” bây giờ tao mới nghiệm ra chứ lúc đó tao toàn lo tán phét cứ tưởng là mấy đực rựa lớp mình. Chừ làm răng hè? Không sao đâu, tôi trấn an hắn bằng câu chuyện của tôi cũng vừa xảy ra cách đó mấy hôm: Hôm tập trung toàn trường vừa rồi tao cũng nhầm, hai mặt nhìn nhau rõ mười mươi chứ đâu như”dzụ” của mày không biết ẻm nào, sợ chi.
Mỗi lần tập trung toàn trường, lớp Quế tôi theo vần là lớp cuối nhưng không hiểu sao trường lại xếp đứng cạnh lớp “A”. Hôm đó cũng tập trung toàn trường như mọi lần, Quế tôi đi phía sau tới, nhìn thấy Quế bạn thân đứng phía trên (tên đội trưởng cấp một trong “dzụ” đào trộm khoai vườn trường giờ thành bí thư chi đoàn cấp hai), Quế tôi phi một phát đến sau lưng hắn, đưa nhanh hai tay áp vào hai bên má hắn xoay lại và cụng trán mình và trán hắn. Nhưng hỡi ôi, mở mắt nhìn thì không phải tên bí thư mà là một”ẻm” lớp “A”. “Ẻm” cũng trố mắt nhìn và Quế tôi nhanh chân ù té. Sau đó cũng sợ bị hiểu lầm mà “ẻm” báo thầy cô thì “mệt mỏi một cách toàn diện”, nhưng mọi chuyện vẫn bình yên, chắc “ẻm” cũng biết là mình nhầm nên không truy cứu. Cũng may là tôi chỉ “cụng trán” chứ hôm đó mà “cụng má” hay “cụng môi” thì chắc “diễn biến hòa bình” có khi theo hướng khác rồi. Sau này về Nam có gặp lại “ẻm” nớ mấy lần, chẳng biết là “ẻm” có còn nhớ sự cố năm xưa hay không. “Ẻm” này thì dễ nhận biết vì có một vết sẹo trên cổ do mổ bướu.
Hắn - cái thằng Quế ẳm “cái nấm” từ lớp học về tận khu nhà ở chính là thằng “Quế lớn” trong phi vụ “Đi bắt chim…” lúc ở cấp một mà Quế tôi đã kể ở “Chợ Chồm hổm”. Giờ đây sao bao nhiêu năm các Quế đã trưởng thành, nhưng kỷ niệm ngày xưa vẫn còn như mới vừa xảy ra đâu đây. “Quế lớn” là sĩ quan công an thâm niên, chuẩn bị nghỉ hưu, hắn vừa cưới vợ cho con chắc đã lên chức ông nội. Nhưng đến giờ này “cái nấm” vẫn là một ẩn số đối với hắn và cả cộng đồng Quế trừ “ẻm cái nấm”. ”Quế cái nấm” ơi, Quế là “ẻm” mô đây? Có nhận ra bóng dáng của mình trong “Sự cố…áy náy” không? Nếu có chút gì “biến tấu” thì âu cũng là lẽ thường tình vì: chuyện xảy ra khi các nhân vật và tác giả đều là Quế còn rất trẻ, còn câu chuyện được viết ra sau gần bốn mươi năm khi các nhân vật và tác giả không còn trẻ nữa, xin các Quế lượng thứ. Xin hẹn các Quế ở các câu chuyện khác trong chuỗi “ Những chuyện bây giờ mới kể”

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

KÍNH DÂNG MẸ
Mẹ 80 tuổi đời, Huy hiệu 60 m tuổi Đảng

mất sớm, thuở Mẹ còn thơ dại
Mẹ lớn lên trong bao cảnh thiệt thòi
Đói rách bần cùng của một trẻ mồ côi
Thời con gái chưa một lần mặc đẹp.

Ông dạy các con phải làm ngườitrọng nết”,
Mẹ thương cha mình cảnh trống nuôi con”
Luôn dặn long mìnhĐói - sạch, Ráchthơm
luôn gắng làm một người lương thiện.

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

HÀNG NGOẠI


Hình này dành cho các Quế ráo.
Quế nào rành "Miên ngữ" dịch
thử 2 khầu hiệu coi. Hình như là :
- Tiên học lễ
- Hậu học văn !!!



Ăngko?
Đây là nơi dạy dỗ nhà vua...hồi nhỏ
Không rõ lúc ấy vua học "lớp mầm"
hay "lớp chồi". Nhưng như vậy, đây
chính là trường "mầm non"của
Đế chế Ăngco!?


































Ápxara có thể sánh với
"vũ đoàn" của Quế đấy.







NHỚ VÀ QUÊN:SUÝT TRỞ THÀNH"DŨNG SĨ DIỆT MỸ"

Bác Hồ với Dũng sĩ miền Nam 1968.


Cả tuần qua ,cư dân mạng rộ lên “Chuyện đời cô Lượm” được diễn trên VTV1 cuả nhà đài qua chuyên mục khá nổi tiếng “Người xây tổ ấm”.Một số báo ăn theo còn làm các bài phỏng vấn ì xèo, nói rằng chồng cô không biết chút gì hết chuyện này ,rằng ba mẹ ruột cô rất xấu hổ …đến muốn tự tử .Làm gì có chuyện cha mẹ nào mần quá đến vậy với con mình?Đúng là cánh“nhà báo nói thêm” rồi.
Cô Trần Thị Thùy Dương này đang sống ở Thuận an (Huế) ,học đến cấp 3 rồi chớ không thất học như cô Lượm ,cũng có con nhỏ bị tim bẩm sinh nên nhà rất túng thiếu dù chồng làm thợ hồ còn vợ bán tạp hóa nhì nhằng.Cô rất ân hận vì sự dại dột của mình,ngàn lần xin lỗi khán giả cũng như những người đã giúp đỡ mình tiền bạc và hứa sẵn sàng hoàn trả cho các ân nhân này.Khi nhiều tờ báo lên tiếng phê phán và nhà đài cực lực chì chiết ,cô kể: “Họ nói chương trình đã lên sẵn hết rồi, không thể bỏ được, em phải cố gắng ra. Em rơi vào thế hoàn toàn bị động và suy nghĩ nông cạn nên mới đi…”.Thế là nhà đài hời hợt,áp đặt,dụ cô này vào cuộc…chơi ;rồi khi hỏng việc lại quay sang cong cớn, đổ lỗi hết cho người ta để bỏ chạy.
Bỗng nhớ đến chuyện chút xíu nữa mình trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ” mà toát mồ hôi.
Ngày 6/4/1968 ,tôi bắt đầu lội bộ vượt Trường sơn ra Bắc,ngược với những đoàn quân trùng điệp vào Nam.Thường mọi người đi bộ khoảng 3 tháng đến nơi nhưng tôi mãi ngày 3/9 mới tới Hà nội ,lại tiếc không được thấy Bác ngày lễ Quốc khánh năm đó có Người trên lễ đài.Cậu em chú bác ruột và các bạn cùng đoàn 8 người với tôi cứ tưởng tôi đai (die) rồi.Lý do là tôi bị sốt rét nên rớt lại từ trạm 7 đường dây Giải phóng.Sau đó vì đi một mình không gia nhập với đoàn nào dù HSMN hay đoàn thương binh nên tự do ,thích trạm nào thì ở lại trạm đó.Có khi như trạm 32 đường dây XHCN (trạm có 2 chú ngựa rất đẹp) ,tôi ở lại hơn nửa tháng.Trạm này xây dựng khá hoành tráng trên bãi bằng rất rộng,có cả hồ ngăn từ đoạn suối để nuôi cá ra câu được.Hàng ngày tôi còn được các chú anh nuôi dẫn đi hái rau ,bắt ốc đá…rồi tối được ngủ chung với chú trạm trưởng nên dùng dằng chẳng muốn đi.
Trạm 38 XHCN,tôi ở lại cũng khá lâu vì một “nhiệm vụ chính trị” bất ngờ được giao.Trạm này có khu khách nghỉ quân rất rộng ,rừng thóang đãng ,cây mọc thẳng đẹp như trồng .Thường thì khách đi ít sẽ nghỉ trong nhà nứa còn đoàn quân vào đông phải treo võng ngủ ngoài này.
Lúc tôi đến ,trạm là chỗ tập trung những anh bộ đội “B quay”.Các anh phần lớn chỉ 17-18 tuổi thôi ,trẻ măng và vẫn vui nhộn trong bất cứ hoàn cảnh nào.Có lẽ chịu không nỗi cảnh cực khổ khi căng ra hành quân hàng tháng trời với ba lô nặng trên vai nên các chàng học sinh này muốn quay về hậu phương với mẹ đây ? Với hằng hà trạm trên đường dây 559 bủa vây nên khi có lệnh là họ bị mời lại và đưa ngay về đây.
Ở đây ,họ được học chính trị về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc,tình hình nhiệm vụ cách mạng,tin ta thắng địch thua,gương thanh niên dũng cảm giết giặc…Tối đến còn xem phim hoặc văn công như hội.
Một bữa từ rừng về,tôi được chú trạm trưởng kêu vào phòng .Ở đây đã có một chú đeo xắc cốt đen chờ đợi ,được giới thiệu là chú chính trị viên phụ trách lớp học.Chú vào ngay việc của cấp trên là muốn tôi có buổi kể chuyện tham gia đánh Mỹ trước toàn thể bộ đội đang học chính trị ngoài trạm khách.Thế là chú quán triệt ngay mục đích ý nghĩa công việc và nhanh chóng lập dàn ý chi tiết cho công việc tôi phải làm.
Chú hỏi hoàn cảnh gia đình rồi những công việc tôi làm như mang cơm ra hầm bí mật,chạy báo tin Mỹ đến đầu làng cho du kích xóm trên,chuyện gài chông lượm đạn...mà bất cứ thiếu nhi nào thời đó ở MN đều làm hết.Chú gật đầu ,quả quyết:"Cháu sẽ là dũng sĩ diệt Mỹ".Tôi nói cháu chưa diệt được tên Mỹ nào cả.Chú động viên ,không cần không cần,cứ làm theo chú hướng dẫn là được.Sau đó chú hí húi viết kín trên mấy trang giấy manh ,tôi ngồi yên trương mắt ếch dòm không hiểu mô tê gì.Rồi chú hùng hồn miệng đọc tay vung lên diễn tả câu chuyện về một thiếu nhi là tôi dũng cảm trong việc đặt chông làm què giò một tên Mỹ,lấy trộm được hai khẩu AR 15 , một lô xích xông dây đạn và nhiều lựu đạn khác nữa... Một lần tham gia cùng du kích(dĩ nhiên bị đuổi ,năn nỉ mãi mới ở lại được) chống càn ,bắn một tên Mỹ bị thương nặng sau đó về đồn thì chít v.v... Cả ngày hôm đó,tôi được chú cho học thuộc câu chuyện trên và tập như đứng nói trước nhiều người vậy.Đến chiều mọi việc rồi cũng êm,chú hào hứng giỏi,giỏi...mai cứ thế,cứ thế ,,,nhé !
Sáng hôm sau ,tôi được kêu dậy sớm ,ăn uống đàng hoàng rồi mặc bộ bà ba thẳng thớm có thêm cái khăn rằn(mượn của ai đó vì quê tôi đâu biết khăn rằn là cái chi).Tôi ngồi lẩm nhẩm lại câu chuyện ,chờ đợi.Khi nắng lên chiếu ánh sáng rực rỡ qua kẻ lá,cả khu rừng bừng lên đầy sức sống.Tôi chụp chiếc mũ tai bèo lên đầu (cái này cũng mượn luôn vì trước đó tôi đội chiếc nón lá nhỏ ít vành nhưng đã cho các cô văn công rồi) theo chân chú chính trị viên,hùng dũng tiến ra bãi khách.Khi đứng lên bục kê cao,nhìn xuống cả khu đất kín bộ đội đang ngước mắt nhìn lên ,tôi đâm hoảng.Chú ghé sát tai tôi động viên ,cháu phải thể hiện khí phách của thiếu nhi MN anh hùng chứ.Thế là tôi hăng lên ,lúc đầu còn rụt rè sau càng nói càng hùng hồn giống hơn thị phạm của chú trước đó.
Cả đám đông im phăng phắc ,thỉnh thoảng nổi lên nhiều tiếng xuýt xoa thán phục.Cuối cùng khi tôi chấm dứt với lời động viên các chú,các anh hăng hái ra chiến trường giết giặc lập công ,trả thù cho đồng bào Nam Bắc ...thì cả khu rừng ầm ầm tiếng hô "học tập các cháu thiếu nhi MN".Tôi được công kênh lên như người anh hùng.Không thể tả được sự thích thú,đã củ tỉ của tôi như thê nào đâu.
Mấy ngày sau ,các anh bộ đội đăng ký trở lại chiến trường ,được phiên vào các đoàn quân đi ngang qua trạm ,hừng hực khí thế "xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước". Trước khi đi ,các anh còn ghé thăm tôi và móc túi cho những đồng bạc miền Bắc cuối cùng.
Từ đó trở đi ,tôi nghiễm nhiên thành một"Dũng sĩ diệt Mỹ" khi trạm trước giới thiệu giao quân cho trạm sau.Tôi cũng trở thành thuần thục hơn khi kể lại những chiến tích của mình và tự nhiên cũng nghĩ mình là DSDM khi nào không hay.
Khi ra gần đến Quảng bình,tôi bắt đầu thấy phân vân không biết mình có nên khai là DSDM hay không khi được hỏi đến.Một lần gặp đoàn HSMN Quảng ngãi (có anh T đang ở Sài gòn),khi các chú giới thiệu là DSDM ,tôi phát hoảng trước ánh mắt nhìn của các bạn ấy.Tôi vẫn không gia nhập vào đoàn này mà tự đi một mình chầm chậm ra Bắc.
Tại trạm tập kết xe vận tải,tôi được xe Uoat của Ban thống nhất đón ,đưa thắng đến K15 tại Quảng bá.Ngày hôm sau ,các chú đưa lên xe để về chỗ tiếp đón số thiếu nhi là DSDM (hình như ở Thụy khuê ?).Tôi suy nghĩ ghê lắm một lúc ...rồi chạy đến báo với các chú là cháu hổng phải DSDM chỉ thiếu nhi MN thui.Thế là các chú đưa về T64 Đống đa ,làm thủ tục xong lại đưa thẳng vào bệnh viện B để chữa bệnh vì các chú bảo xanh hơn tàu lá.Tôi thấy lòng mình nhẹ nhỏm vô cùng ,ngủ một giấc đã đời như chết tới chiều tối mịt.
Sau này lâu lâu nhớ lại phi vụ này tôi còn ớn lạnh .Không biết nếu mình lao theo sự việc trên thì có giống như nhân vật trong"Đường công danh của Nikodem Dyzma " (* )hay Xuân tóc đỏ không?
Một lần đứng trước hàng dãy mộ nghiêm trang trong NTLS Trường sơn ,tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, có anh nào đã tình cờ nghe câu chuyện của tôi ngày ấy nằm ở đây không? Kính mong các anh tha thứ cho một lần lỗi lầm của tôi ,dù mình không chủ động gây ra.
Và trong cuộc đời mình,tôi không tham gia lại một ca nào (chẳng hạn làm quân xung kích khi phê bình kiểu đấu tố một ai đó) như trên nữa.

HHP
*Tác phẩm của tác giả Tadeusz Dolaga-Mistowicz (Balan) do Nguyễn Hữu Dũng dịch.

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

HẬU 8/3:NHỚ VÀ QUÊN



1.Chiều 9/3 từ quận 12 về đường Nguyễn Oanh .Trong luồng xe cộ ken đặc hiện lên mảng lưng cô gái ngồi sau xe với dòng chữ trắng nổi bật trên nền áo thun đen : “Dẫu biết rằng cố quên là sẽ nhớ.Nên dặn lòng cố nhớ để mà quên”.Đây có thể là đổ vỡ lớn lòng tin một khi bị người yêu ruồng bỏ chăng?Nhưng ý nghĩ “cố nhớ để quên”chỉ có thể ở một cô gái từng trải và dày dạn ,khả năng chịu đựng thặng thừa chứ ở người còn trẻ hoặc con trai ít khi nuôi sự oán hận bằng nỗi nhớ được.Đáng sợ và ghê gớm nhất là cố nhớ hoặc suy diễn những cái xấu của người khác để tìm cách lãng quên.Thà rằng một lần đối diện với sự thật dù cay đắng nhất để chia tay đẹp vẫn làm người ta mạnh mẽ hơn chứ?.Lại nhớ về những mối tình trong trường HSMN ngày ấy sao mà trong trắng ngây thơ,thậm chí chưa một lần trao được nụ hun...rồi vì hoàn cảnh phải chia tay vẫn giữ mãi sự quý thương nhau cho đến bây giờ.
Tò mò ,tôi cố vượt lên để nhìn rõ mặt cô gái.Tôi thật ngỡ ngàng khi cô ta còn khá trẻ ,độ chừng 13 -14 tuổi như con mình.Nhìn khuôn mặt sáng trưng,trước sau còn như nhau; tôi không hiểu làm sao cô ta lại có những bi kịch trong đời sớm vậy?
Cứ vẫn vơ như vậy nên chút xíu tôi bị một chiếc xe con cướp đèn đỏ,vượt lên tại một ngã tư đâm vào.Hú hồn!

2. Vào đầu năm 1961,khi bước vào tuổi thứ 5 ,tôi phải chia tay mẹ.Đó là những năm đen tối khi luật 10/59 vừa thực thi trên khắp MN.Ba tôi ở lại nằm vùng hoạt động nên gia đình tôi thuộc diện “ Đảng viên,trung kiên,tình nghi,tập kết”.Cứ chiều chiều có loa kêu là những chủ gia đình thuộc diện trên phải quơ chiếc bị lác ,cắp đoạn chiếu rách ...lên ngủ tập trung tại nhà Ban đại diện xã.Tối đến lo nhất là các cô các chị trẻ đẹp bị tụi an ninh,đại diện gọi lên phòng làm việc để tra hỏi rồi giở trò bậy bạ.
Chịu không xiết cảnh tra tấn liên miên này,mẹ tôi nhờ người bà con xin giúp việc nhà của Tỉnh trưởng đóng tại Fleiku.Để có căn cước chuyển vùng là cả một vấn đề.
Mẹ dẫn tôi ra thị trấn Vĩnh điện,đưa đi uống nước mía rồi mua cho một số bi ve trong đó có cả bi cái to đùng.Vì thích bi qua sức nên khi mẹ nói về với bà rồi mẹ đi ít bữa sẽ về ,tôi gật đầu cái rụp ...dù trước đó khóc lóc ì xèo.
Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác sờ sợ,lạnh lạnh khi bước vào quán giải khát có nền gạch ca rô sáng bóng .Vừa lơ ngơ uống ly nước có đá lạnh vưà ngắm nhìn chiếc quạt trần quay tròn mà không hiểu làm sao họ xoay được nó .Lúc ấy ở lớp tư thục quê tôi cũng có chiếc quạt trần nhưng bằng bao bố gập lại nặng trịch do hai đứa học trò thay nhau kéo cho mát. Sau này làm nhà tôi vẫn lát gạch carô cho nền nhà trệt đấy.Ke,ke...
Rồi mẹ tôi đi.Ngay sau đó tôi cuống lên khi cám nhận sự trống vắng,cô đơn do thiếu mẹ.Đói khổ,bơ vơ...anh em tôi vẫn lớn lên.Bù lại ,Tết đến mẹ gởi hoặc đưa về những chiếc áo quần cũ do con nhà chủ bỏ ra để mặc.Tôi tiếp cận với văn minh đô thị theo kênh này.
Ông tỉnh trưởng sống cùng bà vợ thứ hai đã có con riêng với một người chồng tập kết ra Bắc.Ông bà lờ mờ biết mẹ tôi có chồng là VC nằm vùng nên thỉnh thoảng hỏi chận ngọn nhưng mẹ tôi đều chối.Đặc biệt bà rất thương mẹ tôi ,coi như người thân trong nhà và thường dành lại cho chúng tôi những chiếc áo quần còn khá tốt.Sau đảo chính lật đổ NĐD,ông bị phế truất... đổi nhiệm sở khi ở Vũng tàu rồi lúc ở Sài gòn...Mẹ tôi đi theo gia đình ông bà cho đến năm 1964 vùng quê tôi được giải phóng thì về luôn.Lúc này cơn lụt lớn tàn khốc năn Thìn vừa qua,cả vùng quê tôi điêu tàn,làng tôi trôi mất một nửa,người chết ngập vùi trong cát.Đường bộ về quê không thể đi được.Chịu không được cảnh nhìn mẹ tôi như điên như dại,bà đã mua vé máy bay để mẹ tôi về Đà nẵng rồi về nhà.
Sau ngày giải phóng,tôi và mẹ cố tìm bà(ông đã chết )để cám ơn bà đã giúp mẹ tôi trong những năm tháng khốn khó ấy nhưng không gặp được.
Phải dứt khoát để con còn nhỏ ở lại mà ra đi chắc mẹ sẽ khổ lắm .Dù thương mẹ nhưng đến bây giờ tôi vẫn cứ ấm ức,lạ thế.
Ngày 8/3 nhớ mẹ nhưng ngại ngùng một lời chúc sợ mẹ không quen nên nhắc con trai điện cho nội...rồi ghé máy nói Nội khỏe nghe,khỏe nghe...một mong ước cháy lòng.

HHP

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

CHÚC MỪNG QUẾ GÁI

Chúc mừng các Quế tóc dài nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3.

DỊCH VỤ TẮM TRẮNG



Trước





Đi K zề mới biết ở xứ này "Dv tắm trắng" hết sức phát triển. Ai có nhu cầu "làm đẹp" xin mời.


Và Sau

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

MỘT LỜI XIN LỖI

Cho đến giờ, tôi vẫn không thể quên được những cái nhìn ấy, những ánh mắt buồn sâu thẳm, thất vọng, của cô, của chị, của bạn… đeo suốt đời tôi, ám ảnh, nặng trĩu như một lỗi lầm không thể tha thứ, một sự day dứt của lương tâm cứ đêm về lục vấn, như một sự ăn năn hối cải về những năm tháng tuổi thơ dạt dột đất Quế…
Năm tôi mới từ trường Võ Thị Sáu lên học lớp 1 trường Nguyễn Văn Bé, cô giáo vẫn hay đưa chúng tôi đi chơi. Tôi mới đến nên không biết tên cô, một lần, thì thầm hỏi thằng Quang. Thấy vậy, cô cười, nói tên cô là Cúc. Cô rất hiền, hay cười lại hay kể chuyện cho chúng tôi nghe nên đứa nào cũng quý. Vậy mà, có lần chính chúng tôi đã làm cho cô phải khóc. Ấy là năm lớp 3, khi biết cô qua dạy bên trường dân tộc (Sau này, tôi mới biết đó là dạy thay), tự dưng chúng tôi thấy hụt hẫng, cảm thấy bị cô bỏ rơi và đâm ra ghét cô, nhất là thằng Hoài Khánh . Rồi một sáng vừa dậy, nghe thằng Minh Hải hò: chúng mày ơi, cô Cúc lại đi kìa… Chúng tôi nhao đầu ra, cô lặng lẽ , tay ôm mấy quyển sách, bước qua khu nhà giặt. Thấy vậy, thằng Hoài Khánh bảo chúng tôi đồng thanh hô liên tục: Cô Cúc-Phản bội. Hôm ấy, trời mưa, qua ô cửa kính ướt mèm, nước chảy từng dòng, tôi chợt thấy cô quay lại nhìn chúng tôi, ánh mắt cô lạ lắm… khiến tất cả bỗng im bặt, nhìn nhau, lạnh cả người, ân hận. Rồi cô quay đi, tay vội chùi nước mắt. Cứ ngỡ trưa về cô sẽ phạt hay báo thầy Thanh, má Bưởi song không thấy ai nói gì. Năm sau, cô sang dạy lớp khác, từ ấy đến giờ tôi vẫn không một lần gặp lại.
Những năm sống bên đó, thi thoảng chúng tôi vẫn thấy người Việt sống ở ngoài phố vào trường chơi. Trong đó, có một chị trông rất xinh, hay mặc chiếc áo màu vàng in hoa đi chơi với các anh chị lớp 7. Chúng tôi không biết tên chị nhưng thường thấy chị đi qua lớp học. Không hiểu sao, hay do anh nào xui, chúng tôi đều gọi chị là Hoa mướp vàng-một biệt hiệu chắc chẳng hay ho gì lắm nên mỗi lần nghe thường thấy chị cau mặt nhìn chúng tôi như trách móc. Được thể, mấy thằng lớp 4 chúng tôi càng gọi nhiều hơn. Mỗi lần như vậy, chị chỉ biết cúi đầu đi thật nhanh, cặp mắt tối buồn ươn ướt, nước mắt chực rơi, còn chúng tôi thì nhìn nhau cười khoái chí. Cho đến một hôm, thấy chị đứng nói chuyện với một anh đang chơi xà kép ở sân thể dục thể thao trước khu nhà ăn cấp 2, quen như mọi lần, chúng tôi đồng thanh gọi: Hoa mướp vàng. Nào ngờ tiếng hô chưa dứt, đã thấy anh bạn chị phóng như bay về phía chúng tôi. Thôi thế là chết rồi, no đòn với ánh ấy là cái chắc. Thế là mạnh thằng nào, thằng ấy chạy… Tôi béo, chạy chậm, không kịp nên vội cùng thằng Minh Hải ngồi ngay xuống hành lang cầu thang giả bộ chời cờ… vừa kịp nghe tiếng la oai oái của mấy tên chạy trước bị anh tóm được …và đương nhiên, tôi cũng biết cách xử lý của các anh lớn là như thế nào rồi. Thật hú vía! Không biết bây giờ chị ấy có còn ở Quế Lâm không?
Còn Thu Thanh, tên bạn học cùng lớp 5, lớp 6. Tôi cũng không biết hắn đến từ đâu: mới bên nước sang, hay ở lớp khác chuyển vào. Chỉ biết một hôm, thầy Thịnh dẫn vào, xếp ngồi ngay bàn học với tôi. Tôi vốn dĩ không ưa đám con gái cho lắm vì cái tội hơi một tý là méc thầy cô và hay quan trọng hóa mọi vấn đề. Song với hắn thì khác. Hắn cũng ngạo ngược, lắm mồn, chuyện liên hồi, lại hay đồng tình với các trò với chúng tôi và đặc biệt là không méc thầy cô nên dần được tụi tôi coi là đồng minh. Năm lớp 5, gần đến ngày thành lập Đảng, thầy Thịnh cho cả lớp làm thơ. Tụi giỏi văn thì không nói làm gì, chứ như tôi có ngồi mốc chiếu cũng chẳng nghĩ được câu nào. Ấy vậy mà lần đó không hiểu sao cái tâm hồn ăn uống của tôi bỗng trỗi dậy để tôi viết câu thơ: “Đảng ta như bát cơm đầy-ngày ngày em nhớ lời thầy lời cô”. Tôi đang khoái chí tự khen mình, chợt giật thột, nghe tiếng cười sằng sặc ở bên và đằng sau tôi. Thì ra hắn với thằng Bình dòm trộm rồi nói với nhau, chẳng mấy chốc mà lan ra cả lớp, làm tôi ngượng chín mặt. Về sau, hễ thấy mặt tôi là thằng Bình lại vờ không thấy, đọc to câu thơ ấy lên. Lúc ấy, sượng quá, không kịp suy nghĩ, tôi cho hắn cái bạt tai luôn. Hắn khóc, cũng chẳng biết thêm ấm ức điều gì, khóc to lắm, …và chuyện sau đó với tôi , tôi không muốn nhắc lại nữa . Nhưng ánh mắt hắn lúc ấy tôi không quên được-đó là tất cả sự oan ức, oán hờn. Sau này, tôi mới biết kẻ chủ mưu là thằng Bình chứ không phải hắn. Cũng từ đó, hắn không chơi với bọn tôi nữa, năm lớp 7 hắn học lớp khác, và rồi không còn gặp lại. Bây giờ, có nhắc lại, nó cũng không còn nhớ chuyện đó đâu. Biết vậy, song tôi vẫn thấy áy náy không yên.
Và còn nhiều chuyện nữa…những cái tên, những giọt nước mắt không còn nhớ nổi…Tôi cũng đã im lặng, từng ấy năm, đến hôm nay đây, mới có thể nói được, dù đã quá xa, quá muộn, dù rằng không sao cả, chỉ là chuyện trẻ con, thời thơ ấu ai chẳng có những lỗi lầm. Nhưng lại là cần thiết, phải nói. Vâng, đó chính là một lời xin lỗi! Ngày 8-3 này, như một món quà xin được gửi tới cô, chị, bạn tôi. Và giá có thể (dù biết rằng không thể), có lẽ tôi và những thằng bạn đã sống tốt hơn để hôm nay tôi không phải viết những dòng này.
NGUYỄN THÀNH LUÂN

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

ĐẠI LỄ





I000 năm Thăng Long- Đại lễ cấp quốc gia.
8/3 ngày PNQT - Đại lễ cấp...toàn cầu!
Nhân loại tặng hoa, thơ...e không xứng tầm.
Tui mới đi Chiến khu Đ zề có mấy con heo rừng lai.
Gởi Quế con mập nhứt. Các muội chịu khó cạo lông...
mần thịt. Mình tổ chức liên hoan, kỷ niệm hoành tráng
cho cả thế giới lé mắt chơi. Nhớ rủ các chị bên Chỗi qua
đánh chén cho zui.



* Tiện thể có "bông mai" dành cho Quế Ráo.