Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

NẾT NGƯỜI


Nết người


Anh tcd  trong bài: Em gái cùng quê  trên bantbe.blogspot.com trêu mình là: “làm chủ cả một thằng Quế hoành tráng”. Mình không bao giờ dám làm chủ. Mình chỉ may mắn đi bên cạnh cuộc đời một anh Quế đã hai mươi năm, nên cũng nghiệm ra được đôi nét về cái nết riêng chung.

Tụ tập. bất kể ngày thường ngày tết. Bất kể mưa hay nắng, gần hay xa, hễ có gọi là có đi. Những hôm không ai gọi thì tự đi tìm nhau.

Nói tục. Bình thường hiền lành là thế, mà cứ gặp là tranh nhau nói to và văng tục.

Ngang tàng, bỗ bã:  mày mày tao tao, rồi con này, thằng kia... như chỗ không người. Người ngoài hội, nếu tình cờ nghe có khi phát hoảng. 

 Ham chơi. Có hôm đi uống cà phê từ sáng đến 7h tối mới về đến nhà. Lí do: bạn rủ đi Hội An. 
Ngồi buồn nhớ bạn bè ở Sài Gòn,Vũng Tàu.Vợ thấy tội nghiệp nên động viên:  hôm nào rỗi thì đi. Vừa dứt câu đã thấy điện thoại mua vé máy bay. Đi một hơi 3 ngày mới về. Mang theo  một kho chuyện kể.

Hay kể chuyện ngày xưa. Ngồi lại là kể chuyện ngày xưa, bắt đầu là: hồi ở Trường HSMN...toàn chuyện người nghe đã thuộc, người kể lần nào cũng nhiệt tình như mới.

Còn nhiều lắm những nết mà hsmn nhà mình và bạn bè anh rất điển hình không thể lẫn với ai được... Kể ngàn ngày chưa hết. Nhưng bên dưới lớp vỏ xù xì gân guốc, ngang tàng đôi khi có chút thô thiển ấy, là những tâm hồn nhạy cảm thấm đẫm yêu thương, nhân hậu, thật thà như khoai như sắn.

Đỗ Cân từ Tiên Phước xuống chơi nhà bạn chê: cây trong vườn chúng mày xấu đui xấu điếc. Anh Ưng Quang Hồ mất đã mãn tang, cây đinh lăng tự tay anh trồng cho vẫn xanh tươi trong chậu trước nhà. Anh Huyền - Quảng Ngãi mình chưa hề biết mặt. Anh bị tai biến, trước lúc đi mấy ngày đã điện thoại cho mình. Lần ấy anh đã khóc.

Cha mẹ sinh ra, đặt cho mỗi người một tên riêng, lịch sử lại cho các anh các chị có thêm một cái tên chung là HSMN. Dẫu tuổi đời có là 50, 60, 70 hay rồi sẽ đến 90 đi nữa. Dấu ấn cuộc đời vẫn sâu đậm mãi ở tuổi mười một mười hai - dưới những  mái trường HSMN thân yêu ngày ấy.

Tháng chín, ngồi nghe mưa đêm. Mình ghi lại vài dòng để các con biết thêm về ba và bạn bè ba một thủa
ttt  đn 15/9/2012

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

EM ĐÂY , MỪNG QUÁ . HU HU.

Một ngày đầu tháng 9 , một cuộc điện thoại với số máy lạ hoắc gọi cho Ráo .
 - Alô , cho tôi hỏi phải số máy này của N.H không ạ ?
 - Vâng , tôi đây .
 - Mình là Phương Lan . Hôm nay tình cờ mình vào được trang bantbe ...( nghẹn ngào ) , mình cũng là HSMN ở QL ( khóc tiếp ) , mấy chục năm nay không gặp bạn nào .
  - Thôi nín nào , nói cho mình nghe bạn về nước năm mấy .
  - Mình về 75 .
  - Thế thì nhỏ hơn chị rồi . Em đang ở đâu ?
  - Em ở Cao Lãnh .
  Rồi hai chị em tám tràn cung mây . Sau đó Ráo cho em điện thoại của các bạn . Suốt tuần đó SG mưa suốt , mưa của trời và mưa từ mắt em .
   Thứ bảy 15/9 , nghỉ làm , em vù lên ngay. Gặp nhau em ôm xiết lấy chị và nói : em hẹn tuần sau mới lên nhưng em không chờ nổi , phải lên ngay chị ạ . Nhìn em tung tăng nói cười cùng bạn bè mà thương quá .
 

H1.


H2.


H3.

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Dịch vụ dâu tây tự hái (P.Y.O) ở Scotland





Biển quảng cáo đầu làng
Khi mẹ con nhà Quế đến Aberdeen lần này, ở lại nhà ông giáo, ông bà chăm sóc kỹ lưỡng! Một ngày đẹp trời ông rủ 2 mẹ con đi "hái dâu", MF không hiểu, tưởng ông có trồng ruộng dâu đâu đó, đến nơi ông chỉ cái bảng này, vưỡn chưa hiểu, vào trong vườn thì mới "à ra thế", bao lần qua xứ này mà lúc nào cũng bận và vội nên đâu có thì giờ mà thưởng thức những màn này? Nên thật là quê mùa... 

P.Y.O là Pick Your Own, nghĩa là tự hái,! Tưởng là chỉ có hái, nên Quế rất sỹ diện, dẫu không có ai xung quanh nhưng tính tự giác cao vốn được học từ  Quế Lâm, không ăn vụng quả nào!  (Các Quế có nhớ cửa hàng "tự giác" ở Quế không nhỉ? Thời í siêu thị chưa có, nhưng MF nhớ có một cửa hàng, bán các thứ kinh tinh, MF nhớ là có bán cái đế sắt hình móng ngựa cho dày da, các Quế hay mua về đóng vào giày cộp đi kêu lách cách cho .. oách!)

Các quả dâu cứ mời gọi

Cơ mà bị bệnh "sỹ" nổi dậy kiềm chế...

Quế con phát hiện ông giáo hình như... "ăn vụng"!

Sau ra quầy, mẹ con hắn cùng tiếc ngẩn vì "sỹ", thật ra giá dâu tự hái đắt hơn dâu đã được hái sẵn để trong quầy  0.5 bảng, đó là giá cho "ăn vụng" tự do, nghĩa là được vừa hái vừa ăn! Giống như bọn Quế giai ngày xưa vào vườn cam ở Quế, được ăn thoải mái nhưng không được đem về, ở đây hái dâu ra thì trả giá cao, còn nếu không hái đem ra thì... hic

Thiên hạ đi hái dâu

Để trả "món nợ dâu" này, khi đến thăm và làm việc với bà giáo Anne Pearson ở Edinburgh, Quế con hỏi ở đây có "dịch vụ P.Y.O" không, bả nói có rồi chở mẹ con đi ngay sáng sớm hôm sau.
Vườn dâu tự hái ở Edinburgh thì khác hơn là không trồng tự nhiên  mà trồng trên giá trong nhà kín

Dâu ở đây trái to hơn

Bà giáo cũng vào tranh thủ ... ăn dâu

Hai mẹ con nhà Quế lần này rút kinh nghiệm, ăn ... đã thèm thì thôi!

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

CƯỜI CHÚT CHƠI .

       Mai khai giảng , một năm học mới bắt đầu . Để lấy tinh thần " vào trận " Ráo kể mọi người nghe chiện thiệt chăm phần chăm , ngắn thui .
       Nghỉ lễ , " ông heo zàng " ( cháu kiu bạn gái thèng Quế con bằng dì ruột ) năm nay zô LỚP LÁ , cân nặng tròm trèm 35 kg được mẹ dẫn đi chơi . Chơi zui như thế nào khỏi kể ai cũng biết . Zui đến nỗi " heo zàng " đậu phộng mẹ lúc nào không hay . Vốn nổi danh là đại ca ở mẫu giáo nhưng lúc này " heo vàng " khủng hoảng tinh thần vừa khóc vừa khai báo với bác bảo vệ : con tên Hoàng Huy , 3 tuổi , học LỚP BA . Điều đáng nói là sau đó bác bảo vệ thông báo trên truyền thông lý lịch trích ngang y chang như " heo zàng " khai báo . May sao " heo zàng " cũng về được với mẹ .
     

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Vu Lan này ...



Vu Lan này, bão dữ về bất chợt. Cha mẹ và em có kịp về không? Hay giữa đường xa thẳm mịt mù, gió cuộn nổi dồn mưa táp trôi đi. Thương phận mỏng đã sớm chia xa đến ngày về vẫn còn bao khó nhọc. Niết bàn đâu? Thiên đường đâu? Còn tu bao kiếp nữa? Bão gió trời kia cũng chẳng từ lễ Vu Lan!
Tết Vu Lan, con thắp nén hương như mọi nhà để báo hiếu mẹ cha. Mưa nặng lắm nên khói nhang cũng ướt, cứ chìm đi chẳng bay nổi lên cao. Đường  nhang về  gập gềnh lại thêm bao thác, bao gềnh, cha mẹ già, em thơ có còn đi nổi. Mưa bão trắng trời có nhìn rõ đường ngang lối rẽ, qua trạm gác, cổng canh  kẻo lại lạc lối về. Nhang thắp lâu rồi qua mấy tuần nghi ngút, con chờ hoài vẫn đâu thấy một ai.
Cha mẹ đi lâu từ hồi con còn thơ dại nên bây giờ cũng chỉ mường tượng qua khuôn mặt  các bác, các cô. Cha ở xa hơn, người còn găm đầy vết đạn, đường thì xa có về được nữa không. Mẹ gần hơn thương cha khó nhọc cũng không đành lòng về trước một mình , lại đứng chờ cha nơi cây gạo đầu làng, như năm xưa vẫn chiều về tựa cửa, chờ tin cha trong ánh hoàng hôn táo tác rụng cuối chân trời. Em ở đâu, có mải chơi không đấy, theo bạn nào để mẹ cha lại cuống đáo tìm, chờ. Mưa bão đấy nhớ kẻo lạc lối không nhớ đường về, rồi lại rét run, đói lả bên đường. bão thế này mẹ cha biết tìm  đâu.
Vu lan này con biết đốt gì đây. Xe máy, ô tô ư... chỉ sợ cha không biết lái, bằng không có công an bắt thì sao? Đô la xanh đỏ đốt, dưới ấy có tiêu được, vàng ròng bạc nén có còn ai làm đồ trang sức? Nhà biệt thự cha mẹ có mua được đất, lấy chỗ đâu mà đặt được đây? Rồi ti vi, tủ lạnh, bếp ga... không biết nơi ấy điện có mất không, lại cồng kềnh không biết đặt ở đâu... Thôi con xin đốt tấm lòng mình vậy, gửi hiếu thảo cháu con đến ấm lòng cha mẹ, cho vết thương xưa đỡ nhức nhối ngực cha, cho vết đau đỡ oằn lên trong bụng mẹ, cho em ngây thơ nở một nụ cười.
Bão nổi quê mình, nước sấp mặt đê lút đầu ngọn cói. Cha mẹ có về cứ lần theo đường cồn cát thấy mái nhà mình giữa xóm có khói nhang bay, có lá cờ tổ quốc vẫn tung bay con vẫn treo quanh năm đỏ thắm, có cây chuối vữa mới trổ buồng cạnh cây cau quả cũng vừa sậm hạt, hàng rau ngót ven đám rau đay xanh, mẹ vẫn thích nấu canh với cáy, và cây ổi quả cũng vừa chín tới em có về nhớ trèo cận thận. Đường nhang về em có nhìn rõ không ?
Vu lan này người ta sắm nhiều lắm. Đứa ngày sống không cho ăn cho mặc, te tát chửi, rồi ùn đẩy cho nhau. Mất đi rồi lại đốt bao nhiêu là thứ và rượu bia thịt cá ê chề. Nhưng thôi kệ, thói đời là vậy, lòng hiếu thảo cũng giả dối như bao thứ trên đời. Cha mẹ dìu nhau về nhớ nhìn đường cho rõ. Vu lan mà nên nhà nào cũng có khói nhang lên, cha mẹ về có bị cay mắt, và đường đi vấp ngã mấy lần, có bị ai xét nét hỏi han. Đường nhang con gửi có mỏng song trong hơn mọi đường khác bởi không có gì con đốt là trái lời cha mẹ dặn lại xưa.
Cha mẹ và em có về nhớ mời thêm nhiều bạn nữa, những oan hồn không ai đón ai đưa, không có khói nhang vẽ nẻo đường về, sống thui thủi vật vờ nơi âm phủ, đói khát lang thang chốn này chốn nọ,  để hồn họ đỡ tủi trong lễ Vu lan này. Con vẫn nhớ đốt cho họ một ít để tích thêm một chút đức ở đời.
Lễ Vu lan-Báo hiếu mẹ cha ngày rằm tháng bảy. Hàng mã đốt đi tro tàn bay tan đi theo gió. Lòng hiếu thảo đốt đi hương thơm còn lưu mãi. Không biết cha mẹ về, bão gió thế này có kịp  nhận được không?

Nguyễn Thành Luân .