Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Đường lên đỉnh núi Pyrenees (Tây Ban Nha và Luchon)

Sông Garonne
MF đang miên man với những cảm nghĩ bao gồm sự kiêu hãnh được đặt chân đến miền núi non hiểm trở (mà trước kia chỉ đọc mà thèm trên tạp chí “National Geography” mà thôi) thì hắn hô: đi! Sau một chặng đường hiểm trở: “Đây là Tây Ban Nha!” Hức, hóa ra chạy trên dãy Pyreness này là chạy qua cả 2 nước Pháp và Tây Ban Nha! Nhìn thấy bảng báo hiệu bắt đầu Tây Ban Nha bằng tiếng Pháp, nhưng mà hắn chạy như bão núi làm MF không chụp được hình. Thế rồi những dãy nhà xinh đẹp nhưng cũ kỹ như không thể cũ hơn được nữa, vắt vẻo bên những sườn núi, nơi sông Garonne cứ mềm mại chảy qua, con sông này nhỏ là thế, khí hậu vùng này khô là thế, mà không hiểu sao nó cứ xanh biếc chạy qua các triền núi, các làng quê hai xứ sở “Y Pha Nho” và “Phú Lang Sa” và ... như không bao giờ thiếu nước. 


Lãnh địa của Tây Ban Nha trên dãy Pyrenees

Biên giới giữa Pháp và Tây Ban Nha

Nhà thờ từ thế kỷ XI

Mặt tiền phố
 
Mặt hậu phố
   
Phố núi vùng Val d'Aran của Tây Ban Nha
 
Quán xá phố núi

Tháp chuông nhà thờ và mái ngói đã mười thế kỷ.
  
Cảnh trí nhà phố núi phía vùng Val d'Aran của Tây Ban Nha

Biểu tượng cổ của Đạo Ki Tô

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Đường lên đỉnh núi Pyrenees

Anh bạn của MF tranh thủ một buổi chiều trời đẹp của ngày có thời gian sáng dài nhất trong năm (ngày 20 tháng 6) để trưng với MF đặc sản núi non của quê hương hắn. Hắn có một cái siêu mô tô Yamaha, hắn nói trời đẹp chạy mô tô đã hơn. Quả là ...đã, hic. Hắn trang bị cho MF bằng mũ áo của hắn, nổ máy bình bình rồi hô MF trèo lên. Xe mới chạy băng qua các cánh đồng mùa màng mà mượt với những đàn chim bay lượn thì MF còn thích thú chụp ảnh. Nhưng khi hắn bắt đầu tăng tốc thì chỉ có núp vào sau lưng hắn, tay nắm chặt quai mũ bảo hiểm, 80km/h, 100km/h, 120km/h...rồi 140km/h. hic. Trườn lên dãy Pyrenees xanh tươi, hắn nói rằng không hiểu sao năm nay núi rừng xanh hơn các năm trước. 



Núi non thì đâu cũng thế, nhưng cảm giác thật lạ lùng. Dãy Pyrenees hùng vĩ được điểm tô bằng dòng sông Garonne (tiếng Tây Ban Nha là Garona) dài và xinh đẹp chạy vắt vẻo từ Tây Ban Nha sang Pháp, về theo triền các chân núi tạo nên những khúc uốn lượn đẹp mê hồn. Thấy sông nhỏ, có những đoạn róc rách qua đá nhảy, MF hỏi: suối à? Hức, Garonne đóo chớ! Cảm giác lạ có lẽ còn do cách chạy xe của tay chơi này, hắn vòng vèo qua các đoạn đèo, xe nghiêng sát mặt đường 45-50o, tốc độ không giảm, như các tay đua, hic hic, MF chỉ còn biết thí mạng cho hắn, tay bấu chặt hắn như mèo ngồi xe đạp. Hắn nghiêng bên này, MF nghiêng bên kia (để cân bằng mừ, sợ cái xe nó đổ!) Hắn lại còn hất hàm lên đỉnh núi này, đỉnh núi kia bảo MF chụp hình đi! Rốt cục thì hắn cũng dừng ở một trạm đỗ chênh vênh có tầm nhìn rất đẹp để MF nhìn xuống thung lũng và chụp hình. 
Khúc cua thí dụ



MF chinh phục Pyrenees!

Dãy núi này lừng danh không chỉ sự hùng vĩ, có tuyết đọng trên đỉnh quanh năm, mà còn có hệ động vật và thực vật rất phong phú, dọc đường vô số các loài hoa lạ đua nở, MF thèm được dừng lại chụp ảnh mà hổng dám hé môi, chỉ sợ hắn dừng xe đột ngột lỡ có bề chi... thôi nhịn. Cũng vì cái tội chạy xe như vậy, mà hắn lại còn chủ quan không kéo kính bảo hiểm, một con ong phóng vèo qua, vì không có cơ hội bay nhanh hơn xe của hắn, nên ong ta đành phải đáp vào mũi hắn, chích một phát làm mặt hắn sưng vù đến cả ngày hôm sau (MF phải luôn an ủi: vưỡn đẹp giai mừ!). Những chặng đường này là nơi tập luyện của các vận động viên xe đạp đua. Cứ lâu lâu lại gặp một nhóm hoặc một người ẽo ượt trèo đèo, vượt dốc. Kể cũng giỏi, đèo dốc ớn là thế mà họ vượt được hết, mà chẳng phải chỉ có người trẻ, có cả những người đứng tuổi, chắc là chỉ tập luyện sức khỏe và để cho đỡ nhớ một thời oanh liệt. 
(Còn nữa)

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Q.MF chu du Saint Gaudens (ảnh quán hàng người Việt trong hội chợ quê)

Quán hàng của Kiệt, gốc người miền Tây tại hội chợ quê thứ Năm hàng tuần ở Saint Gaudens

Q.MF chu du Saint Gaudens (ảnh)

MF và Jean Francois chụp ảnh với Carole (http://www.caroledelga.com/)Tiến sỹ Pierre Isard, Tỉnh trưởng miền Haute Garonne (http://fr.wikipedia.org/wiki/Pierre_Izard_%28personnalit%C3%A9_politique%29)

Q.MF chu du Saint Gaudens


Có cái vé thưởng của Vietnam airline (hic, mặc dù vẫn phải trả thuế cao trên trời và các chặng nội địa), MF quyết định thực hiện một cuộc độc hành chu du về một miền quê nước Pháp, về thăm một miền quê có bạn MF sống ở đó, thế là ra đi. Đến nơi, được bạn đón về phố chơi (vì bạn MF đang bận việc ở văn phòng), mà lại đúng ngày thị trấn đang có hội chợ hàng tuần, bạn thả cho MF lang thang vì biết tính Quế mình vốn thế.
Xin mời vô đọc ở trang của Q.MF (www.quemafia.blogspot.com).

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

CỘT CỜ LŨNG CÚ .


Cột cờ Lũng Cú nhìn gần .

Cột cờ Lũng Cú nhìn từ xa .

Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú có độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển. Đây là một điểm nhỏ trên đoạn đườngbiên giới Việt Nam-Trung Quốc. Nếu mô phỏng một cách tương đối hình dạng đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc thành một chóp nón thì hai điểm thấp nhất theo kinh độ là Tây Trang, Điện Biên và Sa Vĩ, Móng Cái, còn Lũng Cú là đỉnh của chóp nón này cũng là điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam.
Cảnh quan dưới chân cột cờ là núi non trùng điệp xen kẽ bởi những khoảnh ruộng bậc thang tạo nên một vẻ đẹp rất hoang dã, đặc trưng của vùng Tây Bắc địa đầu của Việt Nam
Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Cột được xây dựng lại từ thờiPháp thuộc, năm 1887. Những năm sau đó như 1992, 2000 và đặc biệt năm 2002 cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian, trong đó năm 2002 cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm quốc kỳ Việt Nam có có chiều dài 9m, chiều rộng 6m và tổng diện tích rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã có văn bản chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn tiến hành tháo dỡ cột cờ Lũng Cú cũ và tiến hành trùng tu, tôn tạo và xây dựng mới. Theo thiết kế cột cờ mới được xây dựng với chiều cao 33,15m (hơn cột cờ cũ 10m) trong đó phần chân cột cao 20,25m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Kiểu dáng bát giác của cột cờ khá gần với kiểu cột cờ Hà Nội. Chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang.Thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh. Trên đỉnh cột là quốc kỳ Việt Nam với cán cờ cao 12,9m và lá cờ, cũng tương tự như những lá cờ sử dụng trước đó, có diện tích 54m2
Đường lên đỉnh núi có cột cờ cũng được xây dựng lại với 283 bậc đá lên theo lối cũ và đồng thời xây một lối đi mới cũng có số lượng bậc là 283 đi xuống. Dưới chân cột là nhà lưu niệm trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang.
Với khoảng 20,8 tỷ đồng trong đó vốn ngân sách Nhà nước 3 tỷ đồng, vốn tài trợ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam 15 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kinh doanh đô thị Hà Nội 6,9 tỷ đồng, cột cờ mới đã được xây dựng trong 7 tháng, và khánh thành vào ngày 25 tháng 9 năm 2010. Vào thời điểm khánh thành cột cờ, lá cờ trên đỉnh cột được lắp trong cán cờ làm bằng nguyên một thân cây gỗ pơ mu cao gần 13m.
Trong lễ khánh thành cột cờ mới, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hoàng Minh Nhất phát biểu: "Việc trùng tu, nâng cấp cột cờ Lũng Cú lần này nhằm khẳng định vị thế của đất nước, chủ quyền của Tổ quốc và tôn vinh tinh thần yêu nước, anh dũng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc của đồng bào, chiến sĩ nơi đây."

Trạm bảo vệ cờ Lũng Cú
Đồn biên phòng Lũng Cú nằm dưới chân núi, cách cột cờ khoảng 12km, có nhiệm vụ chính bảo vệ 25,5km đường biên giới Lũng Cú giáp Trung Quốc. Tương truyền tại địa điểm dựng đồn biên phòng này, từ thời Tây Sơn sau khi đại thắng quân xâm lược phương Bắc, hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi vang xa như để khẳng định chủ quyền đất nước. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch âm sang âm tiếng H'Mông là Long Cổ, tức trống của vua, và người H'Mông tại nơi đây hầu như đều biết đánh trống đồng. Rất có thể cũng vì một trong những lý do nói trên mà nhà nước Việt Nam khi xây dựng cột cờ đã đặt phù điêu trống đồng Đông Sơn dưới chân cột
Hiện nay tại đồn biên phòng Lũng Cú có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên Cột cờ Lũng Cú này và hầu như cứ khoảng 1 tuần hoặc lâu nhất là 10 ngày cờ lại phải được thay mới, do sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh khiến cờ dễ hư hỏng. Theo cán bộ của trạm, lúc nào trong trạm cũng có hàng chục lá cờ lớn cỡ 54m2 để dự phòng

Con chim này chụp ở Tuần Giáo trên đường đi Điện Biên, bạn Quế gọi là chim phượng hoàng, chẳng biết có đúng không? Thấy các Quế trưng chim cũng xin góp, không phải thợ ảnh chuyên nghiệp, Quế chịu khó đau mắt nhé!

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

QUÁI ĐIỂU

Sau khi chén mấy con cá bự
nó lượn một vòng quanh hồ, rồi đáp lên ngọn cây



Nó mổ lia lịa vào "kỷ niệm tuổi học trò" của các Quế (tức mấy chùm phượng vĩ ấy)
rồi nuốt chửng!!! Thế ra tên này chén cá xong, mần tiếp món salat! Quá sành điệu!

Còn đây là giống chim có tên Quế Lâm bán ở SaPa. Khi đặt chúng cạnh nhau, thằng này thò đầu qua hỏi thăm đồng bọn, lập tức nghe "choé" một tiếng, bay ngay một mảng lông đầu. Dân Quế mừ!


* Hè rồi, zui zẻ đi. Tụi "học trò" này rất quậy nên mới thành "quái điểu"!

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

BẠN HỌC MIỀN NAM CỦA TÔI



Khoảng tháng 7 năm 1975,cùng với sự hứng khởi của cả dân tộc,chúng tôi được đưa lên những chiếc xe tải hăm hở về lại quê hương.Trước đó có bạn không chờ nỗi đã lén về quê và sau đó trở ra mang theo những chiếc allbum có cô gái mắt nhấp nháy,áo thun giặt phơi khô ngay,chiếc cassette với “những đồi hoa sim” mê hoặc…


Miền nam với chúng tôi lúc ấy thật gần mà xa,đầy mơ ước…nhưng cũng nhiều cảnh giác như cách tuyên truyền “viên kẹo bọc đường” rất ngại ngần.Thật ra chúng tôi chỉ là những chú bé quê được ra Bắc rồi sống co cụm trong các trương HSMN nên hiểu về đời sống đô thị không là bao.Dù khó khăn của chiến tranh nhưng chúng tôi được đào tạo khá căn bản;đó là lẽ sống ,nghị lực ,lòng trung thực và nhất là kiến thức văn hóa ,dẫu có nặng lý thuyết  thiếu sáng tạo.Tôi nhớ mãi câu nói của thầy giáo dạy vật lý,rằng các em phải học thật giỏi để sau này về xây dựng lại miền Nam ,đối chọi với những người được Mỹ đào tạo từ Âu Mỹ trở về.Ôi,thầy đã quá lo xa cho một tương lai đến sớm với chúng tôi!


Sau những ngày gặp lại gia đình mừng vui khôn xiết,chúng tôi mới đối diện một thực tế là tiếp tục học như thế nào? Xã hội đảo lộn,thành phố chật chội với dãy người cứu đói cứ dài ra.Chính quyền vận động đưa bớt dân về quê để khai hoang phục hoá,tìm mọi cách khuyến dụ dân đi kinh tế mới.Những người không ở trong các cơ quan nhà nước ,HTX …không có tiêu chuẩn mua gạo thì quá cực khổ khi bám trụ ở thành phố .Bọn HSMN chỉ có bạn nào có gia đình cán bộ ở thành phố thì làm chế độ được và tiếp tục đi học bình thường.Bạn nào về quê thì phần lớn bỏ học và xin vào ngành công an vì lý lịch tốt.Một số rất ít ,thường đang học cấp 3 thì ráng theo học các trường ở thị trấn hoặc thành phố lớn.Tôi được gởi theo học một trường cấp 2 &3 Thai Phiên , ngoại ô thành phố Đà nẵng.


Trường nằm ở phía Bắc thành phố ,mới được xây dựng gồm 2 dãy nhà hai tầng khá đơn sơ,sân trường nền đất không một bóng cây.Dấu ấn thành phố mới chỉ hiện diện trên các trục lộ chính.Lùi vào phía trong một chút là làng quê nông thôn với những luỹ tre bao quanh quen thuộc,những ruộng sắn bên vườn khoai xanh mơn mởn.Những đụn cát trắng với gai xương rồng ẩn hiện khắp nơi,kế đó đột ngột hẫng xuống những ao nước tưới thuốc lá váng phèn.Các bạn học sinh khá thân thiện ,thường lội bộ đi học ,có cảm giác phảng phất nỗi buồn lo toan cuộc sống cần lao .


Tôi loay hoay chọn bộ quần áo đồng phục xanh trắng vừa may cho ngày nhập học.Nâng lên hạ xuống chiếc quần ống loe ,mốt thịnh hành bấy giờ,tôi đành tặc lưỡi xếp cất vì ngại cho là “lai căng mất gốc”.Mặc lại chiếc quần ống hẹp hai màu, trên màu kem gốc dưới chuyển sang xanh từ ngoài Bắc mang về,tôi chạy vội đến trường.Trời vừa dứt cơn mưa ,trường náo nhiệt cảnh học sinh tay bắt mặt mừng sau những ngày biến động chính trị vừa qua.Tôi vừa ghé ngồi vào đầu bàn dãy cuối thì một học sinh dáng gầy đứng lên bắt bài hát tập thể.Cả lớp gào lên hết bài này sang bài khác nhạc cách mạng.Tôi ngạc nhiên sao họ biết nhiều bài thế , từ Trường sơn Đông Tây đến Tiếng chày cắt cùm cum…đều hát tuốt.Hoá ra mấy tháng hè vừa qua, gần như ai cũng cuốn theo phong trào sinh hoạt của thanh niên địa phương.Trống điểm từng tiếng thong thả ,cô giáo chủ nhiệm vào lớp.Cô mặc một chiếc áo dài cũng màu trắng như nữ sinh nhưng phân biệt bằng cách thêu thêm các bông hoa trên hai tà thật đẹp và quý phái.Lần đầu tiên tôi thấy những chiếc áo dài trắng nữ sinh trong trường sao dịu dàng đến thế.Sau khi giới thiệu vể mình ,cô yêu cầu lớp bầu ban cán sự lớp,rồi cô rời lớp lên phòng giáo viên.Tôi ngạc nhiên thấy lớp tự quản,bầu bán rất dân chủ .Có vài liên danh đề cử và tự ứng cử.Các vị được đề cử ,nhảy lên bảng tự giới thiệu về mình và phản biện thật hăng hái.Tôi lạ lẫm ,thấy họ mạnh mẽ và khá tự tin hùng biện .Cuối cùng thì kết quả bầu lớp trưởng nghiêng về yếu tố thân miền Bắc,trúng bạn Sự khá ôn hoà,có ba tập kết vừa về,anh em làm nghề biển tương đối khá giả.Các lớp phó dễ thông qua ,cô giáo chấp nhận ban cán sự lớp nhanh chóng.


Do đã học lớp 9 chuyên toán từ ngoài Bắc nên chương trình lớp 11 ban toán với tôi khá nhẹ nhàng.Đối với môn văn các bạn khá lúng túng về các thể văn nghị luận trong đó thịnh hành lối văn chứng minh bằng văn học ,bất cứ dẫn chứng nào cũng lôi ra một câu thơ mà thường là của Tố Hữu nhét vào.Các môn tự nhiên ,nhất là toán lý ,các bạn học khá tốt.Tôi thích nhất là được xem các quyển bài tập toán của nhiều tác giả khác nhau ,như Ban GS Toán hoặc Giáo sư Trường Thi …tức nhiều bộ giáo khoa cho một chương trình của Bộ giáo dục.Nhiều bài toán giải theo dạng quỹ tích ,kết quả động,có đáp số mở khá thu hút khả năng sáng tạo của học sinh.Từ chỗ thiếu sách tham khảo ,tôi tìm cách mò đến nhà nhiều bạn để mượn sách xem tại chỗ vì có nguyên tắc của học sinh là không cho mượn đem về nhà.Ngạc nhiên hơn là trong miền Nam đã áp dụng kết quả một số bài toán học để giải thích về vật lý khá lạ.Từ chỗ mang tư tưởng cải tạo họ,tôi bị họ chinh phục với nỗ lực học hỏi và mạnh dạn trao đổi ,phản biện tại lớp.Có nhiều bạn nghiên cứu được một công thức toán lý mới,đến lớp tìm cách lên bảng để trao đổi hoạc khè mọi người ngay.


Thời kỳ đầu năm học,gần như chiều nào các bạn cũng đến trường để sinh hoạt lúc thì của Đoàn lúc thì của Hội thanh niên.Hết hát múa tập thể lại học chính trị rồi biểu dương lưc lượng ngoài đường phố vào các ngày lễ.Không khí sôi sục trong trường lôi cuốn mọi người nhất là các bạn có xuất thân gia đình nghèo khó.Một số bạn gái không bao giờ đi sinh hoạt ,bị nhắc nhở nhưng các bạn nại gia đình không cho đi.Đó thường các gia đình trí thức ,họ không muốn con lao vào các phong trào bột phát nhất thời ảnh hưởng việc học tập.Sau này mới thấy sự kiên định của họ là đúng.Một số bạn ở miền Nam có liên quan đến cách mạng ,là đoàn viện hoặc có bà con ở miền Bắc thì rập khuôn cách ăn mặc ,giày dép như một cán bộ nằm vùng.Số này được mọi người gọi là “cách mạng 30/4” .Một số lỡ cương lên sau này không quay lại như cũ được nên mất một thời gian dài khá  trầm  cảm vì thiên hướng mặc đẹp không chịu ngủ yên.Nghĩ cũng tội cho các bạn ấy,bị tuyên truyền một chiều hoặc khuyến khích ăn mặc rất cực đoan nên áp dụng  máy móc theo mấy cán bộ trên núi xuống.Thanh niên thích thần tượng cái mới mà thuở ban đầu cách mạng thật hấp dẫn không ai cưỡng nỗi.Đó là những nạn nhân trong trắng ngây thơ ,không phải đầu tiên của một thời mơ mộng . Lúc này trường cứ yêu cầu kê khai lý lịch liên miên ,tự nhiên có sự phân hoá thành phần gia đình.Hết học kỳ I ,một bạn gái sức học không triển vọng ,có gia đình tham gia chính quyền cũ xin nghĩ học .Một vài bạn khác tìm việc làm ở các tổ hợp hoặc chuyển nhà đi miền Nam hay đi kinh tế mới.Nhiều bạn thích thú với lý lịch khai Dân nghèo thành thị vì được xã hội thổi lên trên trời xanh .Càng về cuối năm học sinh hoạt ngoài giờ ít hơn và sự khó khăn trong mưu sinh của gia đình làm các bạn bớt dần hăng hái.Nhiều gia đình khó khăn hơn và thấy mình không thay đổi là bao với sự khốn khó trước đó nhưng lúc này ai cũng vậy nên không có sự so bì nhiều lắm.
HHP  

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

NGÀY MAI VƯỢT VŨ MÔN.



Chúc các Quế con ngày mai bước vào phòng thi bình tĩnh , tự tin , gặp nhiều may mắn , đạt điểm thi cao nhất .