Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

TẢN MẠN THÁNG MƯỜI MỘT

  Tháng 11 có ngày 20 làm ta cứ nhớ những ngày xưa ấy ở Quế, nhớ thầy cô má (cụm từ này nó cũng chỉ là tài sản riêng các trường HSMN) và cả các chú, các bác, các bạn ta và nhớ cả ta...ngày xưa. 
      Tôi từ rừng rúc ra đến Hà Nội tháng 4/1970, nhập trại T64, gần gò Đống Đa được gắn mạc: Thiếu nhi Miền Nam để đến tháng 8/1970 mới chính thức được gắn mạc: HSMN khi gia nhập cộng đồng Quế, nhưng vẫn với bộ dạng đồ bà-ba xám (mẹ may cho trước khi theo cha lên rừng để ra Bắc), dép cao-su (các chú giao liên trên đường Trường Sơn cắt cho để thay đôi dép rọ nhựa màu trắng sợ máy bay địch phát hiện) và đặc sản bịnh sốt rét với nước da xanh dờn, tóc rụng còn mấy cọng lơ thơ (chắc là TGTB ngày nay là do di chứng thời đó chăng?!!!). Khởi động ...lớp Một ơi lớp Một. Đây cũng là hậu quả của chiến tranh: học xong lớp Vỡ lòng hè 1964 (ngày nay thì nó chính là lớp Một), năm học 64-65 tôi vào học lớp Năm (không phét đâu: Tiểu học Miền Nam lúc đó có 5 lớp, lớp nhỏ nhất là lớp Năm, lớp cuối cấp Tiểu học là lớp Nhất). Tết năm 1965 quê tôi được Giải phóng. Thầy cũ ra Đà Nẵng tránh đạn bom, thầy của Cách mạng dạy, lúc này thì tôi lại là học sinh lớp Một (học sinh vùng Giải phóng mà)...rồi thầy nhập ngũ, thầy mới thay, rồi bom rải trên quê tôi: trường cháy, thầy mất vì bom và rồi quê tôi thành vùng trắng (không có dân), tôi theo mẹ trên những nẻo đường tản cư tứ xứ, việc học hành gián đoạn và lúc này quá ác liệt nên chuyện sống chết mới là quan trọng...và vì thế vẫn không qua lớp Một để khi nhập môn HSMN ở xứ Quế tôi vẫn giữ nguyên lớp Môt. Là HSMN ở Quế, nhưng lại chỉ hơn mỗi lớp Vỡ lòng trường Võ Thị Sáu còn lại trên mình những 6 lớp từ lớp 2 tới lớp 7 nó cứ tức thế nào ấy. Thấy mấy đội Quế cấp II lúc ý có tên tuổi lớn hơn mình nhưng nhiều tên bằng hoặc nhỏ hơn mà...bắt ghét. Cái lớp Một C của tôi năm đó do Cô Phạm Thị Mỵ chủ nhiệm cái ngữ tôi chỉ là hạng trung tuổi, Lớn nhất là đại ca lớp trưởng Nguyễn Văn Lân (đã mất) và chị Nguyễn Thị Tâm (Béo) sinh năm 1954.  Giờ thì mình biết lúc đó lớp 5 có Ráo, HHP,P-P, VAV< PĐ...lớp 6 có MF, XH, LĐT, KC.. . lớp 7 có MH... . Rồi Cấp I NVB nữa đội Ráo em, UL. Đỗ...nhỏ hơn nhưng cũng gát mình 2 lớp, không ghét mới là chuyện lạ. Ấy là chuyện ngày xưa thôi, bây giờ thương không hết lấy đâu ra mà ghét bỏ, Quế ơi! (Tổng kết đời đi học: lớp Một là lớp mà tôi nhuận lâu nhất: 7 năm, khiếp chưa. Tôi mà không học giỏi nhất cái lớp Một C của tôi năm đó mới là chuyện lạ). Hè năm 1971 hầu hết lớp Một C của tôi theo thầy Phong (nghe đâu thầy đã mất, tháng 11 lại nhớ thầy, thầy ơi!) "băng lớp Hai". Lớp chúng tôi học ở khu lớp học của cấp II NVB. Cùng "băng" với chúng tôi năm đó Cấp I có 2 lớp Hai, một lớp Ba (có tên Gà Luộc -ĐCS) và lớp Sáu của thầy Đồ, Tấn Mai, Minh Tâm...Nên có thể nói tôi cùng học vượt với thầy Đồ chỉ khác thầy Đồ lớp Sáu tôi lớp Hai, oai nhé. Nhưng hè năm 74 rồi tôi cũng "băng" lớp Sáu để gỡ lại những năm nhuận lớp Một, với lý do "nhuận do chiến tranh" nhé, kết thúc đoạn đời 5 năm làm HSMN ở cộng đồng Quế tôi mần được 7 lớp hết cấp II MB để về lại MN. Lớp "băng" của tôi năm đó toàn tuổi lớn chỉ có lớp là nhỏ thôi (lớp 2 mà lớn nỗi gì), nên thầy Phong dạy ngoài đề cũng nhiều. Tôi nhớ năm đó chúng tôi đã nghe thầy kể và phân tích  chuyện tình bạn giữa Lưu Bình và Dương Lễ. Thầy cũng đọc cho chúng tôi nghe bài thơ "Quê hương" của nhà thơ Giang Nam để rồi câu thơ theo tôi cho tới nay :
 "...Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm,
Có những ngày trốn học bị đòn roi... "
Nhưng mà thầy ơi, Lũ Quế ngày nay thì nhập tâm nên thấy nơi nào cũng có chim, có bướm là chúng nó cho là Quê hương hết trọi, chúng yêu tuốt. Có nhiều Quế sang tận trời Tây yêu Quê hương vì ở bển cũng nhiều chim nhiều bướm mà còn sặc sỡ hơn là chim bướm ở quê Việt. Hậu sinh khả ố thầy ơi.
          Tôi nhớ tháng 9 năm  1971 tôi vào lớp Ba. Mùa đông năm đó tuyết rơi, lũ Quế lớn nhỏ đều như những cái nấm di động phì phò ra khói. Lớp Ba nhé, bây giờ kho chữ nghĩa cũng coi như  tàm tạm. Thầy Phong giao lại lớp cho Cô Mỵ  chủ nhiệm. Ngày đó chưa có "Ngày Nhà giáo Việt Nam" mà là "Ngày Hiến chương quốc tế  nhà giáo". Đoàn Đội phát động phong trào làm báo tường chào mừng ngày 20 tháng 11 ( Cấp I NVB lúc đó có đoàn viên là hs nhé, nhớn nhiều mà). Vẽ thì còn được chứ viết cái chi đây, lũ chúng tôi lao nhao kêu khó với cô. Cô giáo Mỵ  hướng dẫn chúng tôi làm báo tường, tôi nhớ cô nói thì cứ viết cảm tưởng của mình đối với ngày 20/11, về trường lớp, bạn bè thầy cô má, nhất là phong trào thi đua học tập vì Miền Nam thân yêu. Văn xuôi nghĩ sao viết vậy còn thơ thì cô bày ví dụ:
"Hai mươi mười một đến rồi,
Lòng em sung sướng bồi hồi biết bao..."
Cả lớp tưởng làm báo khó hóa ra dễ ợt, nhất là làm thơ. Tôi nhớ tờ báo tường năm đó của lớp 3E chúng tôi( lớp tôi "băng" lên nên chỉ còn E) có tên là "Vươn lên" cũng là do cô giáo Mỵ đặt cho. Tôi nằm trong tổ làm báo tường nên được đọc nhiều bài báo của các "nhà báo" lớp tôi năm đó. Văn xuôi thì thường mở đầu: Em xin phát biểu cảm tưởng về ngày Hiến chương quốc tế nhà giáo.  Kết thì: Em xin hứa cố gắng học tập tốt vì Miền Nam thân yêu. Thơ thì hầu hết mở đầu:
"Hai mươi mười một đến rồi,
Lòng em sung sướng bồi hồi biết bao..."
hoặc " Hiến chương nhà giáo đến rồi..." và rồi tiếp nhận những thành quả các lớp trước:   
" ...Thèm tường từ thấp đến cao,
Thầy nâng em hái vì sao trên trời...".  
Sau này nghiên kiú về cộng đồng Quế, tôi mới biết câu:
"Hai mươi mười một đến rồi,
Lòng em sung sướng bồi hồi biết bao..." 
là tài sản chung của cộng đồng Quế chứ không của riêng Quế lớp nào, ngày nay Quế có thể xếp "nó" là "Di sản văn hóa phi vật... nhau" vì nó cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết Quế, mà đã Quế rồi thì sao lại "vật nhau" mà phải là "ôm vật nhau" mới đả.
Với hai câu thơ nớ, cô giáo Mỵ đã dạy cho tôi cách gieo vần và là bài học đầu tiên của tôi về thơ lục bát, để bây giờ tôi có thể ứng khẩu nhanh như Quế:
" Tháng mười một, ngày hai mươi,
Nhớ lại chuyện cũ, tôi cười cả đêm..."

 Ví dụ bây giờ giữa đám đông ta nghe có ai đó đọc thơ:
"Hai mươi, mười một đến rồi,
Lòng em sung sướng bồi hồi biết bao..."
hoăc "...     ..............đến rồi
.......................sung sướng bồi hồi biết bao..."
Nếu là người lớn thì đích thị là Quế, còn trẻ thì Quế con, hoặc Quế cháu, ít ra thì cũng  là quế họ hàng. Tin không, chắc nụi răng hổng tin được.

         Và tôi thuộc cả bài thơ của Quế được nhiều thế hệ HSMN chép đi chép lại  mà tôi đã từng nhắc tới ở chợ Chồm Hổm, tôi thấy hay mà chẳng biết tác giả nào? (không biết có đúng không? Có ai biết không?):

"Một chiếc cầu bắc qua sông lớn,
Một công trình xây dựng nguy nga,
Một Nhà thơ, một họa sĩ...
Tất cả,
Tất cả, 
Bắt đầu từ chữ "A". "

Sáng nay nghe câu hát""...Nếu có ước muốn cho cuộc đời này, Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại..."
Nghe thì cũng hay thật, nhưng nếu mà "thời gian mà trở lại" thật thì...có mà loạn. Thôi cái qua rồi thì NHỚ thôi, thế cũng đủ lắm rồi, phải không Quế yêu?
Tháng mười một có ngày hai mươi, nhớ một tí, tản mạn một tí, Các Quế chịu khó coi hàng nhé.
Tháng  11 năm nay bão tố, lũ lụt...trong nước, ngoài nước...đau thương tang tóc. Hải Yến không ghé thăm Miền Trung cũng là một may mắn, nếu không thế thì Tết này bà con ta nhiều nhà không có Tết.  Nếu mà Hải Yến ghé ĐNa thì... thật sự là tôi không dám nghĩ tiếp. Ngay giờ này bà con các vùng Miền Trung cũng đang chống chọi với nước lũ do thiên thì ít mà do nhân thì nhiều (Thủy điện tham tích nước, tiền mà, chừ thì xả lũ, "sống chết mặc bay".). Khốn!

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Kính chúc các Thầy, Cô, Má, các bác, các chú của HSMN nói chung  lớn và của Quế nói chung nhỏ, Các Quế Giáo và tất cả chúng ta: Mạnh khỏe, vui sống hạnh phúc! Ai còn cơ hội lượm xèng thì lượm được kha khá. 
Em xin hứa cố gắng sống tốt, xứng đáng với thương hiệu "HSMN", để không phụ công nuôi dạy của Thầy Cô Má ngày xưa!!! ( Văn Quế chính hiệu nhá!)



16 nhận xét:

  1. Hai...z...z một kỷ lục vượt trội: 7 năm lớp 1, chừ miềng mới biết! Hèn chi hắn thành TGTB!! ê, rứa chơ mà kỷ lục của đệ hình như chưa vượt đại ca Thái Bửu mà MF còm bên bài thẫy là Vĩnh Thọ đâu nha!

    Trả lờiXóa
  2. Ngày đó, lớp lớn chuẩn bị về nước thường có vở kịch 20 năm sau. Không biết có ứng nghiệm không nhỉ. Kẻ đóng kỹ sư, người đóng bác sỹ, cùng hóa trang cho tóc điểm bạc...
    Hồi đó cứ đến hè, không biết theo tiêu chuẩn nào: lớn tuổi đến mức nào, trình độ học hành ra sao mà trường tổ chức học vượt. năm lớp năm có số lớp trên 3, nhưng đến năm lớp 6 - 7 chỉ còn 3 lớp vì một số học vượt trong hè lên lớp trên.
    Học cấp 2, hàng năm bị xáo trộn, có lẽ để phá vỡ các nhóm nghịch ngợm, đồng thời chia bớt học sinh giỏi - khá ra các lớp cho đồng đều. Nên khi gặp lại năm 2007 ở Đà Nẵng, đứa cũng bảo đứa nọ học cùng lớp với mình. Hay như tại chợ chồm hổm này thường hay nhận vơ một ai đó hoặc nguyên một nhóm thuộc lớp của mình.
    Ngày xưa làm báo tường, các lớp phài nghĩ đến tiêu đề của báo, rồi trình bày tiêu đề sao cho đẹp, bắt mắt để được chấm điểm cao. Nội dung phải có cầm kỳ thi họa, có bài xã luận do thầy chủ nhiệm sáng tác. Thế rồi trường tổ chức chấm và trao giải. Các lớp đều có học sinh vẽ giỏi, chữ đẹp ví như lứa chúng tôi có Phú Vinh, Ngọc Công (cả 2 hiện ở Đà Nẵng) chữ đẹp, Hải Hà (Quảng Ngãi)+ Phú Vinh có khiếu vẽ...
    Hàng năm, vào ngày Quốc khánh Trung Quốc (01/10), trường tổ chức biểu diễn văn nghệ. Luôn có dàn đồng ca, đóng kịch, múa, hát (Từ vân là ca sĩ nổi tiếng), đàn, sáo (Vĩnh lột, Nho teo với lý Hoài Nam, Trên đường chiến thắng...). Trường luôn có những tài năng xuất chúng về cầm kỳ thi họa lớp sau tiếp bước lớp trước như sóng Trường giang. Các bài hát như: "Em yêu Thiên An Môn - Bắc Kinh", "Ca ngợi Mao Trạch Đông" (Đông phương hồng...).
    Đến 26/3 các lớp tổ chức thành các binh chủng, đội quân tóc dài ... mỗi lớp có một xe đi đầu duyệt binh tại sân vận động, tổ chức cắm trại.
    Các sinh hoạt đó, sau này các Quế, HSMN thành các nhà giáo có trọng trách, hay làm can bộ Đoàn tại các trường đều sử dụng, kế tục để tạo các sinh hoạt sôi nổi, phong phú cho các học sinh, cho trường của mình.
    Dân gian có câu "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò", ở Quế quỷ không thấy, ma thỉnh thoảng mới gặp còn lại chỉ có các Quế mà thôi. Xin trân trọng chúc mừng các Thầy, Cô, các Má, các Bác - chú cùng các Quế giáo nhân ngày 20/11 và nhớ về ngày xưa.

    Trả lờiXóa
  3. @TGTB: Bài thơ đó lần đầu tiên tôi được đọc trên 1 tập san của khu GDHSMNQL, có vẽ minh họa và trình bày theo dạng bậc thang:
    Một chiếc cầu bắc ngang sông lớn
    Một công trình xây dựng nguy nga
    Một nhà thơ
    Một họa sĩ
    Tất cả bắt đầu
    Từ chữ
    A
    Tác giả: Lê Thị Loan-Giáo viên vỡ lòng.
    Tôi cố gắng nhưng không thể nhớ ra tên bài thơ nữa.
    @Các bạn HSMN & các anh Trỗi: Dù nay Ráo tôi đã zìa zườn nhưng cũng xin cám ơn những lời chúc tốt đẹp của các bạn HSMN và các anh Trỗi nhưn ngày 20-11, và xin gửi lời chúc mừng đến tất cả đồng nghiệp hiện đang đương chức đương quyền hay đã nghỉ chế độ trên khắp mọi miền nhé!

    Trả lờiXóa
  4. Kỷ lục học nhuận 7 năm lớp 1 của TGTG muôn đời muôn kiếp không ai phá vỡ . À quên có Ráo em , dưng mờ là nó học Anh văn . Nó học đâu từ hồi 197X đến giờ mà vưỡn chưa xong lớp 1 , không nói phét tí nào . Mà này , TGTB tìm đâu ra từ " băng " nghe nó lịch sự thế ! Hồi đó bọn tỉ gọi là lớp Bò tót vì ghét các nhân vật ở lớp đó lắm , toàn ỷ lớn bắt nạt nhỏ ( là bọn tỉ đấy ).

    Trả lờiXóa
  5. @QMH:Nói đúng hết rùi,nhưng tớ thì nhớ là:
    Một chiếc cầu bắt ngang sông lớn
    Một công trình kiến trúc nguy nga
    Một nhà thơ
    Một họa sỹ
    Tất cả
    Tất cả
    Đều bắt đầu
    Từ chữ"A"
    (Viết theo bậc thang)

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn bài tản của TGTB, và cũng ngả nón bái phục sự kiên trì học đánh vần chữ A tới 7 năm, với nền tảng vững chắc như vầy thì làm gì mà chẳng được nhề TGTB nhề.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi lại nghĩ khác: Trình tự bài thơ đúng như QMH viết nhưng đây là bài thơ ngắn đoạt giải nhất (cùng với một bài nữa-Bài Người thợ xây dựng) trong một cuộc thi thơ của miền Bắc (hồi đó). Bài Người thợ XD như sau:
    Anh đi xây dựng những công trình
    Ngày lại ngày, đêm ngủ lán tranh
    Những lúc ngói đẹp tường vôi mới
    Là lúc ba lô lại quân hành.

    Trả lờiXóa
  8. @Nặc danh 17:39:00 17-11-2013
    (Trời đang mưa,8 một chút cho nhớ)
    Tớ theo ngành XD gần 20 năm trên công trường từ Nha Trang đến Hà Nội với cty HD XL QNĐN,cũng ăn bờ ngũ bụi.Tớ có thuộc một câu của các bậc tiền nhân đi trước"Cỏ non anh đến ngoái đỏ anh đi"Câu này đồng nghĩa với mấy câu trên.Và ngày về làm với P.Đ.Nhạn-cty ĐT XD Quảng Nam,tớ lạc quan viết mấy câu:
    Tháng năm mê mãi với công trường
    Ngổn ngang vôi vữa lẫn giá sương,
    Nên chi quên cả tình em đó
    Quên cả mùa xuân cả phố phường.
    Đến ngày 29 tết bợ được kim ngân về đến nhà tưởng rằng"Sư tử" vui mà hí hửng.Ngờ đâu"Sư tử" lẫy ra mặt"Giờ này giá cả tăng vọt,chừng ni tiền mà ngon lắm sao?Từ đó mình không cho con học ngành XD mà cho học KT.

    Trả lờiXóa
  9. Nay mới rõ lịch sử lớp vượt, tuy cùng 7 h với các anh(lúc ý trong mắt Quế nhỏ nghịch ngợm ,phải gửi zô lớp học vượt của các anh để cải tạo ,lớp mà chọn học sinh đi thi văn toán toàn miền bắc đều có cả,nếu thi lý ,hoá dám chắc có luôn-này nhé thi toán là a KDung,văn là a CảnhDuong,cán sự lý- UL hay hỏi bài vì cũng thích môn lý là anh TB,cán sự hoá là anh ToLiem-UL hay trêu vì lúc í giọng khàn như vịt đực,cán sự văn là anh Tịnh gái- chả hỉu sao a ý lại có biệt danh này-nể và phục lém vì nghĩ các a học vượt,hổng kiến thức đâu ko bít ,nhưng hỏi bài và các công thức nắm còn chăc hơn, kỹ hơn cả mình ko học vượt . ....
    -vụ báo tường,cấp 1 vừa bé,vừa nghịch nên thầy cô chẳng khiến,còn lên cấp 2 thầy Danh chỉ muốn tống qua lớp vượt mau mau,lớp 7 -các anh chị thương và chiều,lao động,chẳng cho làm chi,nói gì báo tường.....Ul chỉ còn nhớ đại loại mấy câu như trên đã còm,bổ sung thôi:
    20 mười một dạt dào
    Tình thầy cô má gửi vào các chau(ép vần mà-cháu)
    Là thật:ULTuy nghịch ,nhưng cũng mún thể hiện lòng biết ơn đến thầy cô má,bèn .kết hợp với Quế Lan bô,cố..cố kím cho ra một câu ...nhớ tận giờ....
    -Nữa nè:Hôm nay nắng ấm mây hồng
    Lớp em tổ chức đi trồng khoai lang.
    Khi thu hoạch thì:Hôm nay trời đẹp mây cao
    Lớp em tổ chức đi đào khoai lang
    -UL lại nhớ là:một chiếc cầu bắc ngang sông lớn
    Một công trình lộng lẫy nguy nga....
    chắc nhớ ko đúng ,vì tỉ QMH đả nói cụ thể tác giả rồi....
    -có Quế bạn ,khi UL biết Quế ý học sư phạm thì bật ngửa,nghịch còn hơn UL ấy chứ...giỏi phết,học sinh đòi theo học cô cơ...
    -Cũng khá nhiều Quế theo nghành sư phạm nhỉ,nhân dịp 20-11chuc các Huynh đệ tỷ muội ráo HSMN sức khoẻ nhé.

    Trả lờiXóa
  10. Chuyện CHÍNH TẢ:
    Hồi nẳm lúc mần cái Dự án Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn, khi trình cho Bộ trưởng Trần Xuân Giá (cũng là cựu HSMN quê TTH) ký duyệt, đọc danh mục cá thiết bị nhập khẩu có mục: "Máy rửa củ", theo thói quen của thầy giáo, BT rút bút đỏ gạch cái rẹt. Chuyên viên trình văn bản tái mặt: "Báo cáo anh...". BT: "Báo cáo cái chi, ai cho nhập thiết bị máy móc cũ đã qua sử dụng, các cậu cho nhập rác công nghiệp à, tớ mà ký thì mần răng giải trình trước Chính phủ, Quốc hội...". "Thưa anh, đây là rửa củ sắn ạ". "Thế à, sao không nói trước. Quê tớ thì cũ, củ đều là cũ tuốt. Thôi được rồi, tớ ký, câu tẩy vết mực đỏ đi". Rứa đó : Chính tả ơi chính tả. Khi hồi hiu, anh HSMN BT TXG lại chơi với Bầu Kiên, anh cũng "chặt chẽ" lắm nhưng Bầu Kiên tuổi trẻ láu cá hơn nên giờ thất thập anh lại dính vào vòng lao lý.
    Kể câu chuyện trên để nói với đại ca VAV đừng tự ái nhé: "Bắt cầu" thì còn chắp nhận được. Nhưng đến "ngũ bụi", rồi "ngoái đỏ" thì các đệ, các muội Quế nuốt hơi rát cổ họng. Huynh phải tự "chỉnh huấn" thôi, chứ thơ đại ca lai láng thế, mà lâu lâu đại ca thả cục đá các Quế vấp té, mất trớn thưởng thức thơ hay, uổng lắm. Cỡ BT TXG không tự ái, thì đại ca VAV cũng không việc chi mà tự ái, hãy "ái tự" thôi, chữ viết của đại ca luôn là mẫu cho Quế học theo. Đại xá.

    Ráo: Đọc kỹ đề bài nhé. TGTB làm gì có "Kỷ lục học nhuận 7 năm lớp 1 của TGTG" mà chỉ có "kỷ lục nhuận 7 năm lớp Một của TGTB" nhé, như zậy mới đúng. Vì mần chi có bảy năm học, học được mấy ngày thôi, khi Ráo, MF, XH, MH...và nhiều Quế khác đang hát: "Trường chúng em trường Cấp I NVB..." thì TGTB còn đang chịu trận B52, na-pan, và Chất độc màu da cam...và trước khi đi Mb thì đang sống với lính Đại Hàn ở đồn Vĩnh Điện và mưu sinh bằng nghề thu gom phế liệu ở hầm bứa của Đại Hàn, Mẹ và em ở tù, cha, anh chị đã thoát ly lên rằng rùi. (Nói cho nó oai ấy, thực chất là lượm rác của Đại Hàn bán kiếm xèng. Bây giờ nhiều lúc ngẩn ngơ đứng nhìn những đứa trẻ vác bao tải bươi rác để nhớ về hình tượng chính mình ngày xưa ấy. Nhưng các em giờ không oai bằng mình ngày trước: Túi Cơ-lây-mo đeo xéo, bám theo xe rác từ cổng đồn,đu người phi thân lên thùng xe đầy rác và cũng đầy mùi vị đặc trưng khủng!!! Lên xe trước để chọn được "rác ngon" thì nhiều xèng hơn, năm 68,69 TGTB đã biết rít Sa-lem, Lạc đà...nhai kẹo cao-su và vào đồn Đại Hàn ...xem "nhảy tuýt". Còn các Quế lúc đó hát "Trường chúng em...", cỡ XH, LĐT,PP, MF...chắc còn khóc nhè, Ráo thì còn thêm "dầm" nữa)
    Và XH ơi, những năm "nhuận lớp Một" đó (không được lên lớp học đâu nhé) TGTB không chỉ có tự đánh vần chữ "A" không đâu. Nhiều chữ lắm: Â để đánh vần "ấp chiến lược", "B": Bộ đội, B52, bom...C: chiến tranh, chết chóc, chông, Cờ giải phóng...D: du kích, Đ: đánh trận, L:làng, lũ lụt...S: súng đạn, X: xe-tăng...M: mìn...và R: lượm rác, ra Bắc...Các Quế có thâm niên Quế đừng tưởng "bở" nhé, đánh vần theo kiểu cũ của Miền Nam thời đó trẹo cả miệng lưỡi đó. Ví dụ: Rê-i-a-i-ai-dai-hỏi-giải, phê-hát-o-anh-rê-ong-phong-sắc-phóng, em-mờ-mi-i-ê-anh-iên- miên-huyền-miền, anh-nờ-a-em-am-nam để đọc cụm: "Giải phóng Miền Nam".(Cũng chưa nhằm nhò chi đâu, các đại ca, đại tỉ học Vỡ lòng ở MN trước đây đánh vần giúp các từ khó hí). Như thế nó không còn là "học" nữa mà là "nghiên kiú", nghiệp "nghiên kiú" theo suốt chăng đường nhuận học của TGTB sau này nữa. (Hẹn kể sau) Lỡ bị trẹo miệng lưỡi khi đánh vần theo thì liên hệ với các Quế làm nghề thuốc hí.
    Lỡ đụng chạm Quế mô thì xin đại xá!

    Trả lờiXóa
  11. Ok, Ok, TGTB không phải nhuận 7 năm lớp 1, mà trong đời học trò có 7 năm học lớp 1 do hoàn cảnh. Mình cũng thấy, ngày xưa ở Quế, HSMN làm gì có chuyện được nhân nhượng vì nhiều lý do để ngồi "nhầm lớp". Bây giờ, con cháu mình có lẽ không thể hiểu chuyện này. Việc tổ chức các lớp học vượt, theo mình biết các thành viên này không bị nhuận lại sau khi học, chứng tỏ việc lựa chọn người học vượt phải được các thầy lựa chọn một cách khoa học và nghiêm túc.

    Trả lờiXóa
  12. UL: Là anh Dương Tẩn nguyên là HS7H 74-75 thành viên đội tuyển thi văn Miền Bắc, một nhà giáo dạy văn đang chiến đấu ngoan cương để trụ hạng với đời (đã chạy thận nhân tạo ở BV Bình Dân SG hơn 10 năm nay) chứ không phải anh Cảnh Dương.

    Trả lờiXóa
  13. Đúng, rất chia sẻ với sự học của không những TGTB mà của cả các anh chị vượt Trường sơn ra. Giải phóng MN tháng 12/75 tôi vào tiếp quản sân bay ĐN, tìm được nhà bà ngoại, hàng tuần ra thăm bà, thấy mấy đứa em con ông cậu nó ê a đánh vần lằng nhằng dài ngoẵng mới ra được một từ, đúng là nghiên cứu tập đọc chứ chả phải là đánh vần nữa. Hãi...
    Nhân đây cũng vài lời với các bạn nặc danh: Khi tôi theo nghề bán tranh, một lão họa sỹ già nói với tôi rằng, các họa phẩm bạn thấy hôm nay, có thể sẽ là kiệt tác mai sau. Bởi vậy khi biên ra điều gì các bạn cứ mạnh dạn ký tên mình, biết đâu đấy nhể, một tuyệt phẩm thì sao. Mơ thì cứ mơ cho hoành nhé, hờ hờ...Mà tôi thấy các bạn biên đều nuột cả đấy. Say say là

    Trả lờiXóa
  14. Xứ Huế có nơi phát âm lạ lém,hồi đầu UL cũng nị ngớ hoài,tỉ dụ như:nói nghe như noái,ngói nghe như ngoái,nhưng mà viết thì ko thấy các bạn ý sai chính tả,chỉ là nói thôi,chắc theo thói wen thông củm cho huynh VAV
    -ý trong lớp 7h còn có anh Trần Chỉ là cán sự toán cũng giỏi lém nha.
    -ATGTB:UL ko nhầm,có lẽ tên CanhDuong anh í ít dùng.Tính hỏi biệt danh,vì mỗi lần còm tên a,cứ ngững ngững,nhưng trong một còm ở chợ khác a giải thích rùi:toc gio thoi bay=TGTB.
    -

    Trả lờiXóa
  15. @TGTB:Có hơn 10 chữ mà đã thả mấy khối đá bự:"Bắt gà","Ngoái cổ","Ngũ sắc".Trước hết là xin tiếp thu.Nhưng xét cho cùng cũng tại cái nhà máy tinh bột sắn của đệ mà thôi.
    Có một cái mà 4 thằng gọi khác nhau:góc;chếch;co;cút.Rồi nào val;van;khóa v.v...bây mừ hứng lên là viết sai tuốt tuồn tuộc đó.

    Trả lờiXóa
  16. Sáng nay, trường tui đã tổ chức 20.11 trong toàn trường, thật vui và cảm động. Có cả màn bình cuộc thi báo tường, các báo được chọn xếp theo khối và trình bày trên giá quay rất đẹp. Hơn hẳn chúng ta xưa, báo được trình bày bằng công nghệ in màu nên người biên tập khỏe re...nhưng chắc chắn không nhìu kỉ niệm như chúng ta, he he...Tui thì cứ nghĩ đến vài câu mở đầu bài thơ ngày này của chúng ta là lại tủm tỉm cười, chẳng ai hỉu chi cả, chỉ mình tui hỉu, hu hu...
    Chúc mừng các nhà ráo Quế và ráo HSMN ngày này nha!

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]