Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Thương lắm miền Trung!


Tôi nhớ miền Trung, một dải dài cát trắng, nước biển xanh, xanh ngắt đến nao lòng. Người miền Trung vốn thật thà, chất phác nên tiếng cười tiếng nói cũng ào ào như tiếng sóng reo vui.
Tôi thương miền Trung, mảnh đất phơi sương phơi nắng, oằn sống lưng che chắn sóng dữ dội bờ, gánh trên mình hai miền đất nước phì nhiêu. Cứ mỗi năm, mỗi mùa mưa bão đến, lại thấp thỏm hoài, day dứt không yên. Thương quê nghèo ngập chìm trong bão lũ.
Miền Trung của tôi, hôm nay, sao đau thế, chỗ trái tim này khi nghe tin tức bão miền Trung. Sao nỡ nào… ông Trời lại thế…Bão số 10 vừa qua chưa kịp gượng những đau thương, nước chưa rút, chân em còn ngập lấm bùn sâu. Nhà vừa dựng tạm, cất vội gánh hàng rong kiếm bữa… Bão số 11 đã vội dồn ập đến. Và rồi… tan tác…xót lắm miền Trung ơi!
Bão lũ này, miền Trung ơi, Quế của tôi có ai lỡ bước, lâm cảnh nhà tan, tường đổ ngói tan hoang, kinh tế vừa lên bỗng lâm cảnh trắng tay, nợ ngân hàng biết lấy gì mà trả…nước mênh mông đói mòn từng con mắt… Trong cơn bão, Quế của tôi đang gồng mình chống lũ, chạy chỗ này, chỗ khác vì dân, gió thì giật, mưa trôi mưa trút, liệu bạn tôi: Quế có việc gì không?… Thương miền Trung lại thương riêng mỗi Quế, mỗi cảnh mỗi nhà, ai có giống ai…cứ bời bời lửa đốt ruột gan tôi.
Đà Nẵng ơi, mới hôm nào đẹp thế! Đêm chờ xem cầu rồng phun rực rỡ cả sông Hàn mà hôm nay sông oằn cuộn cả mình, nước ngập tràn bờ, nặng ngầu đục đỏ phù sa. Hàng lan can thơ mộng dọc bờ sông, mới hôm nào bạn bè tụ tập, tựa bên sông ngắm cảnh hoàng hôn, cơn bão qua bỗng dập vùi tơi tả, xiêu vẹo, ngả nghiêng, cái còn cái mất, trông mà thương mà xót cả lòng.
Huế của tôi, kinh thành ngập nước, dấu rêu phong cổ xưa có hóa tiêu điều? Vỹ Dạ, nhà vườn có bị bão đổ ngả nghiêng? Sông Hương đấy, nước còn xanh thơ mộng để câu hò còn đọng bến Văn Lâu. Thuyền rồng có trôi xiêu vẹo dọc bến sông? Bão xong rồi em có còn lên câu hát, điệu hò xứ Huế sao bỗng nghẹn nữa chừng!
Hội An ơi, phố cổ đâu rồi? Đèn lồng bay, rơi tả tơi khắp chốn. Con đường đi bộ ngả nghiêng cây đổ. Cầu chùa qua mưa vẫn còn ngơ ngác. Du lịch quê mình sao bống lắm gian nan. Nhà Việt khều có bị sao không nhỉ mà điện hoài chẳng thấy một ai nhấc máy?
Và Quảng Trị, Quảng Nam, Quãng Ngãi yêu thương, những cánh đồng ngập băng nước trắng, xót xa trong lòng những ngôi làng chìm sâu trong nước, lạnh thế này có đồ uống đồ ăn? Đổ nát cả rồi, ngổn ngang khắp chốn. Điện mất, tối tăm, ngổn ngang cả nỗi lòng, nước mắt người gìà nhìn vườn cây bão quật, trẻ thơ trông được cắp sách đến trường. Miền Trung ơi, đau quặn lòng tôi!

Miền Trung của tôi, Quế của tôi, trái tim tôi ở đó, vẫn từng giờ, từng phút, đau đáu tin tức bão lũ miền Trung. Vẫn biết rằng bao năm nay vẫn thế, bão qua, lũ đến, cả miền Trung lại gồng mình chống đỡ, mà sao cứ đau hoài thương lắm miền Trung!
Miền Trung ơi! Thương nhớ mãi khôn nguôi. 

4 nhận xét:

  1. a Luân ơi,anh đã nói hộ e tất cả,quê e là xứ Huế mộng mơ,trong câu hò mái nhì,mái đẩy,...chừ trong mùa mưa bão thành.,biết tin bão dồn dập vào MT,mà e xót xa,vừa gượng dậy chút trong mùa khô ,là thấp thỏm mùa bão lụt tới ,chốc lát phá tan hoang bao công sức con người kiên cường chống đỡ-phỏng thơ bác TH:bão tố phá thì ta xây lại...nhưng sức người có hạn,nên MT giàu ư,khó lắm-thiên tai là loại giặc phá mà ko lường được-cảm ơn a đã nói lên tất cả.

    Trả lờiXóa
  2. Tình cảm Quế thật cảm động

    Trả lờiXóa
  3. @TL: Hic, chả lẽ lại nói cảm ơn cơn bão? Bởi vì là có nó đệ mới "tái xứt hiện" đóo! Bài của đệ làm cho miền Trung nghèn nghẹn ...

    Trả lờiXóa
  4. Đúng như Q.MF nói.Lâu lắm rồi cô mới được đọc bài của Thành Luân.Mà bài nào của em cũng thật da diết làm người đọc nghẹn ngào.Em có một tấm lòng mới ấm áp làm sao.Cô Thơ

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]