Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

TÔI ĐÃ TRỞ THÀNH HSMN NHƯ THẾ NÀO?



Tôi thuộc nhóm HSMN được sinh ra trên đất Bắc – ba má tôi tập kết ra Bắc mới cưới nhau và

sinh ra tôi - chính là nhóm HSMN bị TGTB bỏ quên khi thống kê các loại HSMN, hay nói theo

kiểu HSMN thì tôi là miền Nam gia công.

Năm 1963 ba tôi đi B. Lúc đó thư từ giữa ba má tôi gửi cho nhau luôn bị kiểm duyệt và đóng

dấu nhưng nhận rất đều đặn. Tháng 10-1967, lúc đó 3 chị em tôi đang theo trại trẻ của nhà

máy xe lửa Gia Lâm – nơi má tôi công tác – sơ tán ở Quế Võ, Bắc Ninh thì má tôi nhận được

giấy báo có thể gửi 2 trong 3 đứa con vào trường cấp I Nguyễn Văn Bé tại Quế Lâm, Trung

Quốc để tránh thương vong do bom đạn chiến tranh, cho ba tôi yên tâm công tác tại chiến

trường. Nghe rất hợp lý, lại phù hợp với ý tưởng của má tôi là phải ở phân tán ra, nếu trúng

bom thì chết người này còn người kia sống. Má tôi nhanh chóng quyết định tôi – chị cả, vừa

tròn 10 tuổi - phải đi, còn 2 em sẽ ở nhà với má vì chúng còn nhỏ dại. Tôi kiên quyết phản đối,

cho rằng má không thương mình, vả lại nếu trúng bom thì chết cả nhà còn hơn, chứ mình tôi

còn sống thì làm sao mà chịu đựng nổi? Mấy ngày khóc lóc, nhịn ăn, bỏ học cũng không xi

nhê. Vài ngày sau tôi được má đưa đến chỗ tập trung ở một cái làng nào đó cũng thuộc tỉnh

Bắc Ninh. Sau khi làm thủ tục, người ta dẫn tôi về nhà một người dân trong làng, tôi cắm đầu

bước đi, không khóc lóc như những đứa trẻ khác, và không 1 lần quay đầu nhìn lại má tôi

đang còn đứng đó. Sau này má tôi hay nhắc lại vụ này mỗi khi nhận phiếu liên lạc của trường

gửi về - em tôi kể lại như vậy - dù sang đến Quế Lâm tôi đã viết ngay thư về (bằng hẳn một

bài thơ dài) bày tỏ tình yêu thương với má và hai em. Chờ đủ số trẻ con rồi tối ngày thứ 3 họ

cho chúng tôi lên một cái xe tải bít bùng, có kê mấy băng ghế dài, chạy suốt đêm đến ga Bằng

Tường. Sau đó chúng tôi lên tàu và tối hôm sau thì đến Quế Lâm. Tôi học lớp 4C, do thầy Ánh

chủ nhiệm và chung má Nga bảo mẫu với lớp 3C, ở chung phòng với nữ lớp 4A+4B. Giường

tôi nằm kế giường của Thanh Cẩu. Cuối năm đó, có đánh nhau to giữa HS khu 5 và HS Nam

bộ trên cấp II,III nên hè tất cả HS Nam bộ của khối 4 về nước, chúng tôi lên cấp II chỉ còn 2

lớp 5A+5B. Tôi học lớp 5B do cô Lê Kim Hoa làm chủ nhiệm, lên 6B thì thầy Đặng Quang Tảo

chủ nhiệm. Hè năm lớp 6 lại có nhiều bạn về nước nên chúng tôi chỉ còn mỗi lớp 7A do thầy

Lê Thái Phiên chủ nhiệm.

Hè năm 1971 tôi về nước, lúc đó má tôi mới nói là khi nhận được giấy báo gửi con vào trường

HSMN, má tôi đã nghi nghi có chuyện chẳng lành, vì từ đó trở đi má tôi không nhận được thư

ba tôi nữa. Lên BTNTƯ hỏi thì họ bảo vì ba tôi rút vào hoạt động bí mật nên không được phép

viết thư. Cậu tôi đến các trại an dưỡng cán bộ miền Nam ở nhiều nơi hỏi thăm thì được tin ba

tôi đã hy sinh cuối năm 1967, nhưng cũng giấu má tôi. Đầu năm 1971, trước khi mất vì bạo

bệnh, cậu tôi mới cho má tôi hay. Nghe xong, tôi năn nỉ má tôi cho tôi về nhà, ra trường ngoài

học. Má tôi đồng ý, bảo học xong năm lớp 8 ở trường HSMN Đông Triều sẽ được về nhà với

má. Nhưng chưa xong học kỳ I thì Mỹ ném bom lại miền Bắc, má tôi bảo thôi ở yên đó đi, về

gom lại một chỗ để chết chùm à? Lớp 9D của tôi sơ tán sang khu Dân tộc, thầy Hiển dạy Toán

vẫn làm chủ nhiệm tiếp từ hồi 8D. Khi hiệp định Pari có hiệu lực, chúng tôi trở về trường cũ,

má tôi lại bảo thôi còn 1 năm thì học luôn đi, khỏi chuyển về nhà nữa. Lớp 10D của tôi được
thầy Huân dạy Toán chủ nhiệm (Thầy là chồng cô Tuyết dạy Hóa, Thầy đã mất năm 1982 vì u

não), và năm này tôi được học Văn cô Đàm Ngọc Thơ.

Thực sự tôi là HSMN chỉ gần tròn 7 năm, nhưng đó là những năm tháng tuổi thơ đầy những

kỷ niệm không thể quên, là phần rất đẹp của cuộc đời mà tôi còn may mắn đang được sống.


              QMH .

20 nhận xét:

  1. QMH sự quyết định của mẹ bạn là hoàn toàn đúng.PHẢI CẢM ƠN NGƯỜI MẸ CỦA BẠN
    Tôi có khác tôi ở vùng tạm chiếm ngày địch tối quân giải phóng, một cuộc chiến tranh quá khộc liệt.mẹ tôi lại chia đôi các con đi 2 phía bạn ơi, rất may sau chiến tranh đều oan toàn cả.Có thể nói trên thế giới này không có được những quyết đoán của những người mẹ như vậy đâu, chỉ có người mẹ Việt Nam.Rất cảm ơn sự chia xẻ này

    Trả lờiXóa
  2. Nói thêm chút nữa ,phần lớn những bạn gia công thưở ấy rất cảm tình với những người vượt trường sơn như chúng tôi.Ba mẹ các bạn là những người che chở cho lũ chúng tôi nhiều lắm, sau 72 về nước những gia đình như Đỗ Hà Băc, Dương Phước Hòa, Nguyễn Quốc Phòng không biết các bạn biết đúng là hết sức với chúng tôi, coi chúng tôi như con. Không biết QMH có biết những con người này.Điều lạ các bạn như chúng tôi cũng rất mến các bạn. Mà còn nữa QMH chắc biết Minh nguyệt hiện nay công an Hà Nội gia đình ấy cũng vậy.Thôi nhé ,cảm ơn/

    Trả lờiXóa
  3. Mới đọc cứ tưởng là chiện của Ráo, đến đoạn "đến Quế Lâm. Tôi học lớp 4C..." định cự nự tố cáo Ráo (vì MF nhớ kỹ ngày đầu Ráo mới vô trường), liếc xuống dưới hóa ra chiện của QMH (thông cảm cái máy tính bé xíu của MF chỉ đọc được từng đoạn). Mà rồi cũng nghĩ là: Đó gọi là HSMN, hoàn cảnh giống nhau mà khác nhau! Cái bài nghiên cứu về HSMN kia sai lầm ở chỗ họ tưởng các HSMN bị đồng hóa, thành y chang nhau đến nỗi mất cả cái tôi của mình! Lầm to, nguyên chiện mỗi tên một bí danh là đủ bít! Các HSMN có nhân cách rất mạnh mẽ! Dù chặng đường đời thành công đến mức độ nào! HSMN giống nhau vì đều cá tính, nhưng đó không có nghĩa là bị đồng hóa bởi một phương thức sống nào cả!

    Trả lờiXóa
  4. Rất cảm động khi đọc bài của em.Nghe tới đoạn năm đó em sơ tán qua khu dân tộc cô đoán là được dạy văn cho em.Lần xuống quả vậy .Thật hạnh phúc khi em còn nhớ cô.Em là HSMN điều đó không cần bàn cải.Có điều lịch sử mỗi trang có một nét riêng.Cô cũng là HSMN.HSMN 1954,HSMN vượt Trường Sơn thời chống Mỹ.HNMN con cán bộ bộ đội ra chiến trường.Chúng ta đều là HSMN.Cảm ơn mẹ em đã cho em hạnh phúc làm HSMN.Hạnh phúc đó có được từ sự chiến đấu hy sinh của cha ông ta và của chính nhiều bản thân HSMN vậy. Cô Thơ

    Trả lờiXóa
  5. @Cô Thơ: Lớp 9D của em sơ tán ở khu Dân tộc, em vẫn nhớ căn nhà nhỏ xíu vách trát rạ trộn bùn của cô nằm phía trước, cạnh con đường vào khu lán trại của tụi em. Hôm cô sanh bé Ngọc Bích tại căn nhà đó, tụi em có qua thăm cô mà. Nhưng năm đó thầy Vở vẫn dạy văn lớp em, mãi đến năm lớp 10 em mới được học cô, và cô đã trả lại sự công bằng cho em - em đã viết bài GIÁO VIÊN DẠY VĂN đang trên blog này năm ngoái đó cô. Và hôm gặp mặt cuối tháng 12 em có chụp hình cùng cô, cô Liên và cô Tâm cũng đưa lên blog rồi đó cô. Em hy vọng cuối năm nay lại được gặp các cô nữa!

    Trả lờiXóa
  6. @daopham:Dạ, em chỉ biết Đỗ Hà Bắc, còn Minh Nguyệt nếu đúng là Nguyệt Béo hồi bên QL thì em rất thân, lúc nó học ĐHAN ở Hà Tây cùng với chị Sương lớp em (ở ĐT)thì em cũng hay liên lạc với nó (vì từ 1975-1981 em học ở Hung), nhưng sau đó thì mất liên lạc luôn. Mỗi lần nghỉ hè về nhà 1 tháng, lúc nào về trường má em cũng chuẩn bị 1 lọ to thịt băm rang mắm tôm sả ớt (mà thịt tiêu chuẩn của má em và 2 đứa em có hơn 1kg, phải mua ba rọi để được gấp đôi), tép rang mặn, má em còn làm kẹo lạc để em mang lên cho các bạn không có gia đình phải ở lại trường ăn. Hồi đó có loại vải pha ni lông bán tự do 10đ/m, hè nào má em cũng may cho em 4 cái áo để lên trường bạn nào thiếu áo thì chia cho bạn mặc. Mấy đứa về nhà họ hàng ở Hà Nội, nhất là chị Sương về nhà chú thím thì má em kêu tới nhà ăn dầm ở dề bao lâu cũng được, hết gạo thì ra mua gạo chợ đen chứ không cho ăn độn. Mà lương y sĩ của má em có 47đ/tháng, nhờ ở khu tập thể được căn đầu hồi nên má em trồng thêm rau, nuôi heo, gà, ngỗng để cải thiện bữa ăn. Nghĩ mình chả bằng được 1 góc của ba má ngày xưa. Má em đã mất năm 1983 vì bệnh nan y tại Hà Nội.

    Trả lờiXóa
  7. @MF: muội vô trại cải tạo từ 1963 cơ mà . Khi tỉ gặp muội lần đầu và còn cười mãi cho đến giờ là cuối năm 1966 . Tỉ Minh Hà đến cuối 1967 mới có lệnh truy nã . Zậy mà đến cuối bài tỉ mới biết mình mừng hụt heng . Lêu lêu .

    Trả lờiXóa
  8. Mới đọc cũng tượng chuyện Ráo, nhưng đến đoạn vào trường Miền Nam mỗi mình thì chắc không phải Ráo vì Ráo nhập trại và xuất trại cả bầy, đi một lần zìa cũng một lần. Làm mấy muội của Ráo không có cơ hội oánh cú rút ở Quế. xứ Quế càng về những năm cuối càng hay.

    Trả lờiXóa
  9. Mấy muội, mấy tỉ ni mới có 3 đến 4 tuổi mà đi cải tạo tội hè.Không bít lúc đó mấy tỉ,mấy muội ăn mặc kiểu gì vào trại? Hay là...?
    T/g TGTB ngâm cíu để viết phụ lục bổ sung cho đầy đủ chứ? ha...ha

    Trả lờiXóa
  10. Cái tên TGTB này chịu khó dựa cột nha . Ráo nhập trại có 1 mình , 2 muội nhập sau nhưng qua QL trước . Tỉ nhớ khi đó mẹ dặn qua TQ nhớ đi tìm 2 em . Tới lúc qua QL , con nhóc lớp 1 như tỉ biết chúng nó ở đâu mà tìm , mà trường cũ thì rộng mênh mông có cả đường ô tô chạy qua mà . Một hôm , 1 tên Quế giai cùng lớp hộc tốc chạy về nói với Ráo : tao thấy em mày ( vì nó ở cùng trại nhi đồng với chị em Quế mà ) . Ráo mừng run hỏi : mày nói thật không ? Thật , có cả bà Hay nữa . Vậy là đúng rồi . Hỏi xong đường , con chị lếch thếch đi tìm em . Tới nơi thấy con Ráo em đang xếp hàng , gọi nó , nó không dám thưa nhưng cứ lấm lét nhìn ra mãi . Sau mới biết các cô không cho tụi nhi đồng ra khỏi lớp chơi với anh chị vì sợ bị lây bệnh !!! Cuối cùng 3 chị em cũng gặp nhau . Chuyện 3 chị em ở trường MN thì còn nhiều lắm .

    Trả lờiXóa
  11. À quên , TGTB nói ai cả bầy hử ? xứ Quế càng cuối càng hay nhưng không biết Hà Nội những ngày tháng 4/1975 . Ai tiếc hơn ???

    Trả lờiXóa
  12. @vuanhvinh : thì mặc áo đầm vô trại chứ còn gì nữa . Phạm nhân này từ Hà Nội nhập trại mà . Ngon hơn mấy người đổi đài lấy xôi là cái chắc .

    Trả lờiXóa
  13. Thấy QMH cô nghĩ là em nhưng không chắc .Giờ thì chắc chắn rồi.Cô nhớ chuyện em kể và nhớ em rõ ràng luôn,không nhầm lẫn nữa đâu.Không mặc cảm mình là HSMN nữa em nhé mà phải hãnh diện về điều đó.Đừng để vong hồn ba em phải buồn.Cô Thơ

    Trả lờiXóa
  14. @Cô Thơ: Dạ, thưa cô, em không hề mặc cảm mình là HSMN, nhưng lúc nào cũng muốn về nhà ở với má và em. Hồi đó em được rất nhiều thầy cô cưng chiều như thầy Hiển (dạy Toán), thầy Thọ (dạy Sinh), thầy Thu (dạy Sử), Cô Diễm (dạy Nga văn), Thầy Đề (dạy Lý), thầy Huân (dạy Toán), cô Tuyết (dạy Hóa), Cô Bàng (hiệu phó)...nhưng cũng bị vài thầy cô "đì" sói trán luôn. Mà sao hồi đó em cũng không thấy giận gì hết, mà chỉ muốn chứng minh cho thầy cô biết là thầy cô đã đánh giá sai về em thôi. Em nhớ sau khi thi đại học thì em về nhà nghỉ hè, hôm về trường lấy giấy báo nhập học, em gặp thầy dạy Lý năm lớp 8-9 (thầy giáo này chỉ cho em điểm 7 là cao nhất vì luôn cho rằng em chép bài của bạn kế bên, mặc dù thực tế thì ngược lại), thầy mỉa mai hỏi em:"Sao, Bách khoa cao quá hả?", em lễ phép thưa: "Thưa thầy, em nhập học khoa Lưu học sinh trường ĐH Ngoại ngữ ạ!". Đó chỉ là 1 trong rất ít những kỷ niệm buồn mà em luôn nhớ để dặn mình phải luôn công bằng với sinh viên khi đã chấp nhận giảng đường làm sự nghiệp. Còn những tháng năm là HSMN với em luôn đầy ắp những kỷ niệm đẹp đẽ.

    Trả lờiXóa
  15. Thưa cô,thầy cùng các bạn:
    Tôi vào trường HSMN 6 năm tròn.Tôi thấy nơi đây dấu giữ nhiều kỹ niệm nhất trong cuộc đời.Tôi cảm thấy nơi đây là bách khoa nhất,hàn lâm nhất,không thiếu một loại hình nào mà xã hội có nơi này không có.Hạnh phúc nhất là khi hội tụ lại là một rừng BÀU CHAO.

    Trả lờiXóa
  16. @vuanhvinh: bàu chao là sao nhỉ , TGTB nó có từ bù chao , có giống nhau không ? Chí ít giống ở chỗ muội chẳng hiểu ý nghĩa của cả hai từ đó .

    Trả lờiXóa
  17. @N.H.QUE;Bù chao là một loài chim sống trên cạn khi chúng hội tụ lại là la ó ôm sồm.
    Bàu chao cũng tương tự nhưng chúng sống ở bàu,ven sông,hồ nhưng chúng còn la ó có cường độ âm thanh lớn hơn nhiều.(Bách khoa là đó,hàn lâm là đấy)

    Trả lờiXóa
  18. Đời mà em(MH),buồn vui đủ cả.Rồi cuối cùng nó cũng thành kỷ niệm trong ta,nó làm cho đời sống ta thêm phong phú.Ai hành xử đúng mực người ấy sẽ được hưởng nhiều niềm vui trong đời.Ai hành xử thiếu công bằng,không bao dung,không độ lương,người ấy tự hủy hoại danh nghĩa của mình.Em đã có lựa chọn dúng.Cô nghĩ là em có được nhiều học sinh yêu quý.Đó là điều còn lại trong cái nghiệp làm thầy của chúng ta.Hãy quên đi tất cả những chuyện buồn nghe em.Cô Thơ

    Trả lờiXóa
  19. @Cô Thơ: Dạ, em cám ơn cô nhiều ạ! Bây giờ em đang sống rất thanh thản và vui vẻ cô ạ, lại chuẩn bị đón cháu ngoại thứ 2 nữa. Thỉnh thoảng bạn bè cũ gặp nhau mới ôn lại đủ loại kỷ niệm xưa. Bạn thời phổ thông, bạn HSMN, bạn thời đại học, bạn đồng nghiệp, và sau này chắc sẽ có bạn già nữa cô nhỉ? Biết đâu lại có ông lão nào đó nhắn tin cho mình để nhắc lại thời thầm yêu trộm nhớ ngày xưa... cô nhỉ? Hi hi...

    Trả lờiXóa
  20. Xin chào các thầy cô và các anh chị em trường Bé.Tôi xin tự giới thiệu về bản thân một chút: Tôi là học sinh khoá 7 trường Trỗi. Tôi xin phép được vào trang này một đôi lời, ko liên quan đến cốt truyện trên một tí nào. Tôi xin nhờ các thầy cô,các ACE của trường Bé tìm hộ thông tin như sau: cách đây khoảng 10 đến 13 năm có gia đình nào của trường mình qua Quế Lâm để đưa hài cốt người thân về VN. Nếu có thông tin gì xin nhờ mọi người thông báo sang trang uttroi. Tôi xin cám ơn nhiều. Triều K7 NVT

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]