Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

HOÀI NIỆM VỀ CON ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

HOÀI NIỆM VỀ CON ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

                                                                               Thanh Thảo

Thấm thoát thế mà đã gần 50 năm trôi qua! Bất chợt nỗi nhớ bỗng ùa về - nhớ da diết một niềm ký ức xa xa.
Trong cuộc đời, mỗi con người phải tìm kiếm và lựa chọn một con đường đi cho riêng mình. Với tôi, con đường Trường Sơn thấm đẫm mồ hôi, xương máu và những chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam chính là nơi đã rèn nên khí chất, thổi vào tâm hồn tôi những tình cảm cách mạng trong sáng. Đã gần năm mươi năm rồi, cứ đau đáu một ước mơ, giá một lần được trở lại con đường ấy,con đường Trường Sơn huyền thoại, con đường lịch sử đã mở lối để nâng những bước chân nhỏ bé vào đời và tìm đến tương lai.
Với những đôi dép lốp cao su nhỏ xíu, những chiếc ba lô con tòng teng sau lưng, những chiếc mũ tai bèo ngộ nghĩnh trên đầu và  những chiếc gậy cầm tay, chúng tôi hăng hái bước theo sự dẫn đường của các chú giao liên, hăm hở đi về miền Bắc, như khát khao tìm về một miền cổ tích. Và, con đường Trường Sơn trở nên thân quen với  chúng tôi từ dạo ấy. Trong con mắt của những đứa trẻ mới lên 9,10.. Trường Sơn mênh mông, sâu thẳm, vời vợi chứa bao điều bí ẩn. Gọi là đường nhưng sao chẳng thấy dấu vết gì chứng tỏ đó là đường, bởi chúng tôi đi, có lúc phải xuyên qua rừng rậm rạp, đi giữa trưa hè mà chỉ thấy ánh sáng nhạt nhoà thoắt ẩn, thoắt hiện qua kẽ lá tưởng như đang buổi xế chiều, có lúc phải băng qua rừng cỏ tranh sắc lạnh, khi thì phải bước trên những chiếc cầu treo đan bằng những sợi dây rừng bắt vắt vẻo qua suối, qua khe. Nhìn xuống lòng suối sâu thăm thẳm, thác nước cứ ầm ầm đổ xuống, khiến cho ta cảm giác như thấy đất trời nghiêng ngả, chênh vênh, chao đảo, ngất ngây đến dễ sợ.  Và, có nhiều khi phải trèo lên sườn núi đá cheo leo, dốc núi dựng đứng cao ngất ngưỡng, leo gần một ngày trời mới sang được chân núi bên kia. Mồ hôi ướt đẫm, mồ hôi lại khô. Chân tưới máu, bật móng vì đá tai bèo lởm chởm đâm ngang, dọc. Rồi cả những con vắt ngoằn nghèo trông dễ sợ cứ bám vào chân, vào cổ mà hút máu. Cả những trận sốt rét rừng cứ hành hạ liên miên. Nhiều chặng đường chúng tôi không đi nổi, các chú giao liên phải cõng để kịp đi theo đoàn, để không phải nằm lại ở các trạm dọc đường. Cứ thế, chúng tôi đi trong nỗi nhớ nhà da diết. Phía sau lưng chúng tôi là cả miền Nam yêu thương đang ngập tràn trong lửa khói. Ở đó, Ông bà, cha mẹ và những người thân phải hàng ngày, hàng giờ chiến đấu chống lại kẻ thù. Sự sống và cái chết cận kề. Xương máu, mồ hôi họ đổ xuống là để giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà và xây đắp hạnh phúc cho thế hệ mai sau.
Vậy, chẳng có lý do gì khiến chúng tôi, những đứa con của miền Nam thành đồng lại có thể chùn chân, mỏi gối và nản lòng trước những thử thách, khó khăn nhỏ nhoi ấy? Ý nghĩ đó đã theo chân, động việc chúng tôi trên cuộc hành trình vượt trường Sơn.
Con đường Trường Sơn như huyền thoại, như thách thức luôn mở lối đưa chúng tôi vượt qua những trận phục kích bất ngờ của bọn thám báo và thoát qua những bãi mìn mà chúng cài khắp núi rừng. Trường Sơn che chắn những trận bom Mỹ, nguỵ ném xối xả hòng huỷ diệt, cắt đứt mạch máu giao thông, con đường liên lạc, chi viện từ niềm Bắc vào niềm Nam.
Càng đi, chúng tôi càng nhận ra rằng: Trường Sơn không hoàn toàn bí hiểm và dễ sợ như chúng tôi hằng tưởng. Đi giữa rừng, qua muôn trùng gian khổ, khó khăn nhưng chúng tôi không đơn độc, bởi con đường ấy, rừng Trường Sơn ấy luôn cưu mang, che chở. Những cánh rừng già mênh mông che đi cái nắng gay gắt khắc nghiệt và dữ dội của miền Trung trong những ngày hè nóng bỏng. Và Trường sơn ấy chính là chiếc lá chắn ngăn những trận mưa nguồn bất chợt, xối xả đôi khi như muốn cuốn phăng những bước chân nhỏ nhoi chưa bám chắc vào mặt đất của chúng tôi.
Và, những đọt măng rừng, những ngọn rau Tàu bay, những trái sung rừng… cả những con ốc, con cua đá dưới khe, dưới suối đã cưu mang chúng tôi trong những hôm đứt bữa.
Trường Sơn tưởng như hoang dại nhưng cũng rất mộng mơ và quyến rũ. Giữa rừng sâu thăm thẳm, xa vắng, giữa bom đạn mà vẫn có những chùm phong lan muôn màu, muôn sắc lung linh, rực rỡ đã tạo nên một bức tranh hữu tình say đắm. Và, thật là kỳ diệu, những buổi trưa hè khi mắc võng nghỉ chân giữa rừng già ta có thể thả hồn phiêu diêu trong tiếng chim rừng réo rắt, du dương, khi sôi động, khi trầm hùng của hàng trăm loài chim đã hoà tấu tạo nên âm thanh tuyệt diệu. Tất cả hoà quỵện, làm cho thiên nhiên nơi đây bừng lên sức sống mãnh liệt.
Và, cũng chính trên con đường này, chúng tôi đã gặp rất nhiều đoàn cán bộ, bộ đội, những đoàn dân công khi thì gùi, khi thì thồ hàng hoá, đạn dượt chi viện cho cách mạng niềm Nam, cả những đoàn thanh niên xung phong, các đoàn văn công, nghệ sĩ, bác sĩ… bước chân của các cô, các chú hăm hở, thanh thản, tự tin, đi ra mặt trận mà như đi vào Hội,
Tôi bỗng hiểu rằng: Con đường Trường Sơn chính là nơi hội ngộ sức mạnh của cả dân tộc. Sức mạnh đó không phải là súng đạn, là máy bay, xe tăng và những đội quân thiện chiến mà là ý chí kiên cường, lòng quả cảm, đức hy sinh, tinh thần đoàn kết và niềm tin chiến thắng được nung nấu, đúc kết từ ngàn năm truyền lại trong dòng máu của con người Việt Nam, đã được Đảng, Bác Hồ thắp lên để rồi bùng cháy trong mỗi trái tim khao khát tự do, độc lập. Tinh thần đó có sức lan toả, ngấm sâu vào trong mỗi ngọn cỏ, mỗi thớ đất và mỗi con đường… làm nên những chiến công bất diệt.
Nhiều hôm phải chạy băng qua những cánh rừng, những con đường bị bom na-pan và chất độc màu da cam do Mỹ, nguỵ thả xuống, chúng tôi thấy tim mình nghẹn lại. Thương cho những mầm cây bị khô héo, những cánh rừng bị cháy trụi và cả mặt đất cũng tím bầm loang lổ đầy thương tích. Nhưng những con đường ấy đã gồng mình lên dẫn lối đưa chúng tôi suốt 3 tháng ròng đi bộ vượt biết bao gian nan để về trong vòng tay chờ đón của đồng bào miền Bắc.
Trong ký thức tuổi thơ của tôi mãi mãi mang một kỷ niệm về con đường Trường Sơn không phải qua những trang sách, thước phim, dòng thơ, hay nốt nhạc… mà bằng mắt thấy, tai nghe, bằng bước chân mình đã được đặt trên con đường ấy, và cảm nhận về con đường Trường Sơn bằng chính hơi thở và nhịp đập từ trái tim mình.
Sau này, trong quá trình công tác, tôi đã chọn đề tài về cách mạng miền Nam để nghiên cứu, vì vậy có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn về sự ra đời và lịch sử phát triển của con đường Trường Sơn. Tôi vô cùng tự hào vì mình là người được đặt bàn chân nhỏ bé lên con đường ấy. Con đường của ý chí chiến thắng, của trí thông mình và của tinh thần dũng cảm, nó đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nó là kỳ tích đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Có một điều day dứt mãi trong tôi, đó là chưa một lần được trở lại con đường Trường Sơn, chưa được bước chân lên những lối cũ mà ngày xưa mình đã từng đi qua, chưa được gặp lại các chú giao liên ngày ấy, những chiến sĩ cách mạng thầm lặng nhưng vô cùng quả cảm, họ đã dám vượt biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, không ít người đã hy sinh để mang những hạt giống đỏ của miền Nam ươm trên đất Bắc.
Khi viết những dòng hoài niệm này về con đường Trường Sơn, tôi bỗng nhớ đến quặng lòng những cung đường ấy, những con người ấy và thầm hỏi không biết bây giờ những dấu vết  xưa về con đường Trường Sơn còn lại những gì và các chú giao liên ngày ấy giờ đang ở nơi đâu, ai còn, ai mất? Thời gian và chiến tranh suốt mấy chục năm qua, bom đạn Mỹ, nguỵ đã chà đi xát lại trên con đường ấy hàng ngàn lần?
Chúng tôi, những đứa trẻ ngày xưa, đầu đội mũ tai bèo, chân đi dép lốp giờ đây tóc đã hoa râm cả rồi, nhưng những kỷ niệm về con đường Trường Sơn vẫn còn hiện hữu trong tâm trí và trái tim mình mãi mãi, mãi mãi.

                                                                        Hà Nội, tháng 8 năm 2013





10 nhận xét:

  1. Cảm ơn bạn và cảm xúc của bạn về đường TS. Nhiều khi trong "dòng chảy" đó, có lúc người ta "thoáng quên" những đứa trẻ âm thầm ,lặng lẽ vượt TS. Tụi nhỏ này cũng chịu hiểm nguy,gian khổ kém gì người lính!?
    Tôi đi B bằng...Ôtô cũng mang danh "vượt TS",quả sướng hơn các bạn nhiều.
    TM

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn TT vô cùng.
    Tôi đã đọc:"CHÂN TRẦN CHÍ THÉP"của
    James G.Zumvvalt một cựu binh sỹ MỸ có một phần về con đường Trường Sơn.Tôi mới biết nó có tổng chiều dài bằng nửa vòng trái đất.Còn lũ mình ra Bắc đi lối nào thì phải hỏi
    ai bây giờ?Vĩ đại quá,huyền thoại quá.

    Trả lờiXóa
  3. TT là ai mà đọc thơ rồi văn của bạn mình rất cảm. Mình không vượt Trường sơn, mình không qua trường mới Quế lâm nhưng đọc thơ, văn của bạn mình vẫn thấy bùi ngùi những tháng ngày đã qua mà không còn bao giờ còn gặp lại.Thời chúng mình chân thật, đùm bọc, sẻ chia, chan hoà,ưu ái... Nay thì đã ngược lại khác xa rồi.Còn lại được mấy người thì cố mà thương nhau HSMN ơi!

    Trả lờiXóa
  4. @Binh Tran: Đại ca đọc muội giới thiệu tỉ TT trong còm bài "về mái trường xưa" đó! Không phải tỉ TT ngang lớp đại ca sao? Đại ca coi hình đó!

    Trả lờiXóa
  5. @TM: Miền Nam người ta gọi chiến trường B, vậy những người ra Bắc gọi là đi A sao đại ca? Rồi sau này đi Campuchia họ kêu đi chiến trường K, vậy đi Trung Quốc họ kêu là chi?
    Đại ca kêu đi vô "sướng hơn", hèn chi nhiều Quế hồi nớ sống chết trốn tàu về nước bằng được để hòng được ... đi B!

    Trả lờiXóa
  6. - MF: "những người ra Bắc gọi là đi A"? Khái niệm này bọn tui dùng lâu rồi (kẻ cả sau...1975). Híc!
    Đi Campuchia họ kêu đi K, đi Lào họ kêu đi C, đi TQ họ kêu đi...T( Tàu) đó.

    TM

    Trả lờiXóa
  7. @TM: Đại ca đang bị các anh Quế đi xa mới trở về nhà nghi ngờ chi đó tề! :)

    Trả lờiXóa
  8. - @MF: Ủa pu tủng!
    TM

    Trả lờiXóa
  9. @TM: Là đại ca bị các Quế mới vô blog, không chịu nổi vụ nặc danh, thấy đại ca xài nặc danh thì truy quét đó! Còn gán cho CV của người khác nữa chứ! "Nặc danh này trước đây học trường cấp 3 Vĩnh Linh năm 1969 hoặc 67 sơ tán ra Tân kì nghệ An.Sau đó đi B cuộc sống hơi bị sướng vì có đi ô tô còn các quế vượt trường sơn gian nan cực khổ...", he he

    Trả lờiXóa
  10. Q.MF:
    Lâu quá rồi, nhìn hình cứ ngờ ngợ nhưng không nhớ được ai tệ thật.

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]