Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Thông tư chiêu sinh vào trường HSMN niên khóa 1958-1959


BỘ GIÁO DỤC******
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 08-TT
Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 1958


THÔNG TƯ
VỀ VIỆC CHIÊU SINH VÀO TRƯỜNG HỌC SINH MIỀN NAM NIÊN KHÓA 1958-1959
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Kính gửi: UBHC các liên khu, khu, thành phố Khu Giáo dục Liên khu 4, Việt bắc, Liên khu 3
               Sở Giáo dục Hà-nội, Hải-phòng
               Ty Giáo dục các tỉnh

Thông tư 115-TTg ngày 27-3-1957 của Thủ tướng Phủ có nhấn mạnh: “Việc xét thu nhận học sinh vào trường học sinh miền Nam hay xét trợ cấp sinh hoạt phí có trang phục hay không có trang phục căn cứ vào các tiêu chuẩn nhưng chủ yếu là tùy theo khả năng tài chánh, mức độ chiêu sinh của từng niên khóa mà giải quyết”.
Theo tinh thần trên và căn cứ vào nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa hiện nay, dựa vào khả năng tài chính và xây cất trường trại, vấn đề chiêu sinh trong niên khóa 1958-59 cần phải hạn chế trong một mức độ nhất định. Do đó không nhất thiết mọi trường hợp có đủ tiêu chuẩn đều được xét giải quyết.
I. – NHỮNG TRƯỜNG HỢP XÉT GIẢI QUYẾT CHIÊU SINH TRONG NIÊN KHÓA 1958 – 1959.
1. – Cán bộ quê quán miền Nam có đủ tiêu chuẩn nhưng từ trước nay chưa có một con nào được Chính phủ đài thọ để đi học bất kỳ là ở đâu (trong trường học sinh miền Nam ở các nước bạn, học trường ngoài có trợ cấp sinh hoạt phí, các trường chuyên nghiệp hoặc đại học…) thì nay được xét giải quyết một con. Nếu trường hợp đông con (từ 4 cháu trở lên) tình cảnh sinh hoạt khó khăn chật vật mà trước nay mới được giải quyết một cháu thì nay có thể xét trợ cấp thêm một cháu nữa. Đối với anh chị em thương binh, bộ đội phục viên, cán bộ công nhân viên miền Nam ra khỏi biên chế về sản xuất, ở trong trường hợp trên thì có thể xét giải quyết ưu tiên trước.
2. – Cán bộ miền Nam hiện đang công tác đặc biệt có sự chứng nhận và giới thiệu của Ban thống nhất trung ương, con các liệt sĩ (quê miền Nam và đã hy sinh trong Nam) có đủ chứng từ hợp lệ thì xét từng trường hợp mà giải quyết có chiếu cố thích đáng.



Những điểm cần đặc biệt chú ý:
- Ngoài hai trường hợp đã ghi ở trên, tất cả những trường hợp khác đều không giải quyết.
- Phải đảm bảo đúng quy chế giáo dục phổ thông và thực hiện đúng lứa tuổi đã quy định trong thông tư 115-TTg. Không có trường hợp chiếu cố nào khác.

Không đài thọ sinh hoạt phí cho học sinh học các lớp bổ túc văn hóa hay đi học tự do hoặc học bất kỳ cấp nào. Không trợ cấp sinh hoạt phí cho những học sinh tự động đi từ trường này qua trường khác hoặc nơi này qua nơi khác, không giải quyết cho những cán bộ, công nhân viên, học sinh miền Nam đã công tác hoặc học các trường chuyên nghiệp, đại học xin đi học văn hóa.
- Việc thu nhận vào nội trú: Theo hướng chiêu sinh hiện nay là củng cố nội trú trên số lượng hiện có và phát triển ngoại trú có mức độ. Hơn nữa trong niên khóa 1958- 1959 Khu Giáo dục học sinh miền Nam còn phải tiếp thu trên 1.700 học sinh ở Khu học xá Trung quốc về, nên trong niên khóa này không thu nhận học sinh vào nội trú. Trừ trường hợp cha mẹ công tác đặc biệt do Ban Thống nhất trung ương đề nghị thì có thể xét thu nhận vào trường học sinh miền Nam, nhưng học sinh phải được khỏe mạnh và học ở cấp I.

II. – THỜI GIAN VÀ SỐ LƯỢNG CHIÊU SINH

1. – Số lượng: Tổng số học sinh được xét giải quyết là 600 học sinh các cấp, ngoại trú và nội trú.
2. – Thời gian: Tháng 3 năm 1958 chuẩn bị và phổ biến chủ trương kế hoạch.
Từ 1-5 đến 30-7-1958 thu nhận và xét duyệt đơn.
Từ 1 đến 10-8-1958 lập danh sách và báo tin.
Từ 20 đến 30-8-1958 làm lý lịch và giới thiệu.

III. – VẤN ĐỀ XÉT DUYỆT ĐƠN

Để việc giải quyết được kịp thời, sát, đúng và tránh khó khăn về sau, Bộ thấy cần quy định như sau:
1) Phụ huynh ở tỉnh nào thì nộp đơn về Ty Giáo dục địa phương. Ty nhận đơn, có ý kiến giải quyết và tập hợp hồ sơ, lập danh sách chuyển đơn và danh sách về Khu Giáo dục học sinh miền Nam xét duyệt. Trừ các cơ quan đơn vị thuộc Tổng cục đường sắt, cũng như các xí nghiệp, công, nông trường trực thuộc Trung ương thì nộp về Bộ sở quan, Bộ sở quan xét và chuyển về Khu Giáo dục học sinh miền Nam xét duyệt. Những đơn phụ huynh ở các địa phương gửi thẳng về Khu Giáo dục Học sinh miền Nam không qua hệ thống trên thì sẽ không giải quyết.
2) Ở Thành phố Hà-nội và Hải-phòng thì phụ huynh gửi đơn trực tiếp về Khu Giáo dục học sinh miền Nam.
3) Cha mẹ công tác ở nơi nào thì nộp đơn ở địa phương mình công tác và chỉ một người nộp đơn thôi, chú ý tránh tình trạng hai người cùng nộp, sẽ gây khó khăn trong việc xét duyệt.
4) Những đơn cũ gửi đến Khu Giáo dục học sinh miền Nam hay các Ty địa phương trước ngày quy định trong thời gian hạn trên đây (1-5-1958) thì không có giá trị để xét trong đợt chiêu sinh 1958-1959. Phụ huynh phải làm lại và nộp trong thời hạn đã quy định.

IV. – VIỆC CHỨNG THỰC LỜI KHAI VÀ PHỔ BIẾN THÔNG TƯ

Nội dung đơn xin vào trường học sinh miền Nam hay xin trợ cấp và một lý lịch của phụ huynh học sinh tương đối cụ thể, nó thể hiện quá trình công tác, thành tích, hoàn cảnh sinh hoạt… Do đó, cơ quan, đơn vị cần chú ý điều tra trước khi nhận xét. Lời chứng phải cụ thể, rõ ràng, đầy đủ. Cơ quan xét duyệt sẽ dựa vào lời chứng nhận làm cơ sở bảo đảm. Nếu sự nhận xét có thiên lệch hoặc chưa sát đúng (nhất là lý lịch, công tác, tiêu chuẩn tập kết của phụ huynh…) thì việc duyệt đơn sẽ làm không đúng chính sách và sẽ gây thắc mắc về sau, ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng và tình hình đoàn kết trong cán bộ.
Bộ tôi trân trọng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, thận trọng khi chứng nhận đơn, để giúp Khu Giáo dục học sinh miền Nam giải quyết đúng đắn theo tinh thần chính sách chung.
Kinh nghiệm các năm qua, các địa phương, cơ quan, đơn vị… không phổ biến sát anh chị em cán bộ miền Nam, hoặc phổ biến quá chậm gây thắc mắc trong cán bộ và làm trở ngại cho công tác chiêu sinh. Bộ tôi thiết tha đề nghị các cơ quan, đoàn thể, đơn vị… lưu ý phổ biến rộng rãi và chu đáo thông tư này để giúp Khu Giáo dục học sinh miền Nam bảo đảm kế hoạch và thời gian chiêu sinh. Khi phổ biến nên giải thích cho anh chị em thông cảm những khó khăn của Chính phủ vì có thể nhiều trường hợp có đủ tiêu chuẩn nhưng hiện nay chưa xét giải quyết vì khả năng tài chính không cho phép.
Khu Giáo dục học sinh miền Nam sẽ hướng dẫn cụ thể thủ tục nhận đơn và kế hoạch chiêu sinh.

http://thuvienphapluat.vn/archive/Thong-tu/Thong-tu-08-TT-chieu-sinh-truong-hoc-sinh-mien-Nam-nien-khoa-1958-1959-vb20821t23.aspx


BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Nguyễn Văn Huyên




14 nhận xét:

  1. Hic, cứ tưởng bị ba mẹ đẩy vào thì lo mà vào thôi chứ?

    Trả lờiXóa
  2. Muội nhớ mẹ kể khi mang muội đi cải tạo thì trại nhi đồng không nhận . Mẹ mới nói với các cô : ba nó trong Nam dặn phải gửi nó vô đây , bây giờ phải nói với ba nó thế nào ? Nghe thế các cô liền bảo : ba cháu đi B sao chị không nói . Thế là hết đường về với mẹ .

    Trả lờiXóa
  3. @Ráo: May nhờ Bác Bảy sáng suốt, không thì chừ ai làm ma ma TTQ cho trang bantbe đây?

    Trả lờiXóa
  4. Trên FB có cái ảnh NÀY. Có ai quen không?

    Trả lờiXóa
  5. Tớ còn nhớ, năm 1967 (khi ba tớ ở trong Nam), mẹ tớ hỏi có ưng đi Trung Quốc không? Tớ không biết là đi đâu nhưng thích đi chơi nên hỏi đi bao lâu? Mẹ tớ trả lời đi 3 ngày, có nhiều bạn lắm. Vậy là tớ đồng ý. Thế là mấy tuần sau lên xe Hải Âu rồi chuyển qua Tàu lửa đi Trung Quốc chơi... tới 7 năm lận. Giờ nhớ lại chuyện cũ, thấy mình...ngu thật.

    Trả lờiXóa
  6. @TQtrung: Người ngồi thứ 3 bên trái sang của hàng ngồi thứ hai giống thầy Ký, người phụ nữ đứng đằng sau giống má Sáu bảo mẫu, muội chỉ đoán vậy chứ không biết, vì không rõ ảnh chụp năm nào, trường nào trong mấy chục trường HSMN.

    Trả lờiXóa
  7. @Cám ơn tổng quản nào đã sửa bài, thoát khỏi chế độ format khó coi! Thực ra MF cố ý để vậy để tăng tính "trích dẫn", hơn nữa giữ đúng cái form của một thông tư! Có điều như này dễ coi hơn!
    @ND: Nặc danh (không phải Hòa Phú đấy chứ?) ngu có 7 năm, chớ MF ngu tới 10 năm lận, chỉ vì nghe mẹ phỉnh: cho đi dự đám cưới! Tuy nhiên nhờ "ngu" vậy giờ mới được gắn mác HSMN đó nha! (Tuy nhiên có thể không phải ai cũng tự hào như vậy, vì làm HSMN có lợi lộc gì đâu? :))

    Trả lờiXóa
  8. MF ui , giờ này chỉ còn có TTQ Ráo tự tung tự tác thui . May mà nhiều tỉ ca tìm về được nhà . Kể ra mà mình nhờ chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly tìm bạn bè , nhất là chị I Ren và Monique thì hay biết mấy .

    Trả lờiXóa
  9. MF tinh thật đấy. Vẫn là tên nớ đó. MF này, chưa tính mấy năm ở Đông Triều đâu. Nếu có tính, phải cộng thêm đấy, như người ta cộng điểm gia đình có công CM ấy mà.

    Trả lờiXóa
  10. Chị chào em N.H.QUE. Chị biết rằng rất nhiều Quế cũng muốn tìm về ngôi nhà chung này để tìm gặp nhau,trò chuyện, nhưng chưa biết đường. Vậy mình nên làm cầu nối bằng nhiều con đường như gọi điện, nhắn tin blogge,v,.. để họ biết. Mấy hôm nay chị cũng đã gọi điện cho các bạn chị rồi, nhưng chưa thấy ai hồi âm. Chị chào em nhé.


    Trả lờiXóa
  11. Chị Thanh Thảo ui , mỗi khi có dịp gặp nhau thì em đều kêu gọi mọi người vô siêu thị chơi và đưa hàng ra . Nhưng vô chơi thì nhiều mà gửi hàng thì ít , thế cũng vui chị ha . Lạ cái là mỗi khi siêu thị hơi vắng vẻ là lập tức có Quế tìm về được nhà . Lần này là chị đấy . Em rất mong các chị cùng về xây dựng siêu thị ngày càng hoành tráng hơn ,gắn kết chúng mình sâu nặng hơn .

    Trả lờiXóa
  12. Cái tên nặc danh Hoà Phú kia ( gớm , kêu cả tên đệm cứ thấy ngượng ngượng là ) , sao không về nhà mà lại về ĐT . Nhớ hồi đến 53 Hàng Giấy chơi , tên Hoà Phong bê ra hũ đường to tướng pha nước cho uống . Về cứ tấm tắc mãi : nhà Phong Phú giàu lắm vì có hũ đường to lắm . Cứ nặc danh mãi là biết tay tớ . Khi nào rảnh tớ sẽ cho 2 cậu lên đây đấy . Chờ nhé .

    Trả lờiXóa
  13. @Phú: Ngày xưa nhờ "tinh" mà nửa đêm tối mò vưỡn tìm ra đào để hái đóo! :)
    @Ráo: Cho hắn "nặc", mũi tụi Quế thường thính, ngửi ra ngay đấy mà!

    Trả lờiXóa
  14. Xin lỗi chen ngang tý, đang duyệt còm cũ trên lốc bắt được còm của Ráo em, biên duyên đáo để...khà khà :
    Nặc danh Ráo em nói...
    tui nhớ nhân dịp 8/3 , trường tặng cho các bạn nữ (tòan trường )1 chiếc xe đạp , mỗi lớp được tập 1 tuần . Ngóng chờ mãi cũng đến lượt lớp mình ,cả lũ lau nhau xúm vào , vừa kéo vừa đẩy vừa giữ cho 1 đứa mặt mũi xanh lè , mắt đứng tròng , nín thở đạp nghiêng ngả , còn chiếc xe thì thích nằm hơn là chạy . Có 1 tên con trai đứng thèm (chạy xe)nhểu nước miếng , tội nghiệp ,chiếc xe như 1 miếng bánh nhỏ , giữa 1 đàn kiến , mà con nào cũng ra sức kéo về phía mình , hắn mạnh dạn lao xuống đám kiến lửa , rụt rè nói :" để tao giữ xe cho chúng mày tập cho "
    Cả đám buông xe nhìn hắn cảnh giác ,thấy hắn to cao (dân miền Đ..mà ), nãy giờ cả đám mồ hôi nhễ nhại , thở ra = lỗ tai vẫn không làm cho chiếc xe tâm phục , khẩu phục được , hắn năn nỉ :" đi mà "
    Duyệt!
    Hắn hớn hở , giữ xe xem chừng rấtcó dáng , con nhóc trên xe vẫn chưa thôi căng thẳng , mặc dù xe đã chạy , vừa đạp nó vừa hét :" mày mà làm tao té , tao góanh mày chết "
    Cứ thế , hắn giúp cho đám con gái của lớp chạy mỗi đứa 2 vòng sân banh , với điều kiện hết sức dễ thương :" chúng mày muốn chửi tao bao nhiu cũng được, muốn góanh tao thế nào cũng xong , nhưng chúng mày phải cho tao chạy xe 2 vòng sân như chúng mày !"

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]