Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

NHỮNG BÀI HỌC TỪ SẢN PHẨM DỪA

Nhân có người bạn có viết một bài về phát triển bền vững sản phẩm từ dừa. Giọng văn hùng hồn, mỹ từ cao đẹp xây dựng hình tượng giấc mơ lơ lửng trên mây. Vì phép lịch sự tôi không tiện nêu ý kiến riêng đối với bài viết này, nhưng khi nghĩ về những ngành nghề truyền thống của cha ông để lại và làm từ các đặc sản riêng có của một vùng đất phương Nam thì thấy chạnh lòng, nên viết ra đây vài sau nghĩ của mình.

1- Bài học vùng nguyên liệu:
Những năm 70s của thế kỷ trước, vì cảm mến dân tộc Việt Nam và đặc biệt là bài viết “Cây tre Việt Nam” của nhà văn nổi tiếng Thép Mới mà Chính phủ Thủy Điển đã viện trợ không hoàn lại hàng triệu cua – ron để Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất giấy với nguyên liệu từ tre nứa. Khi nhà máy sắp hoàn thành, các chuyên gia yêu cầu dẫn đi tham quan vùng nguyên liệu thì… ôi thôi chỉ là một vài lũy tre làng. Và tất nhiên công trình phải bỏ dở chỉ vì người Việt có tật nói quá “Rừng tre bạt ngàn,… tre bao vây quân thù,…”
Trở lại vấn đề về cây dừa cũng vậy, lại có người muốn nói rừng dừa bạt ngàn, cây dừa dùng được mọi cách cho đủ mọi thứ,... Bản chất Ba Phi của người Nam Bộ lại nổi lên.
Sự thật vùng nguyên liệu dừa của chúng ta không nhiều, không bằng một số nước khác như Thái Lan, Indonexia,… nhưng bù lại chúng ta có những sản phẩm đặc trưng đã từng thống trị thị trường thế giới.
Vậy là vùng nguyên liệu không quan trọng bằng công nghệ sản xuất truyền thống rồi.

2- Bài học giữ và phát triển sản phẩm truyền thống:
- Dầu dừa: Đây là một sản phẩm mỹ phẩm đặc trưng của phụ nữ Nam Bộ và đã nổi tiếng cả nước về tính phổ thông dễ làm của nó. Nhưng ngày nay các nữ thanh do thị hiếu và nếp sống công nghiệp nên chỉ dùng Rejoy, Palmolive,…
Cũng phải thôi vì còn đâu ai dám sản xuất, kinh doanh dầu dừa, lỗ chắc.

- Xà bông Cô Ba: Cũng là một sản phẩm hóa mỹ phẩm có nguồn gốc từ dầu dừa. Sản phẩm thực sự nổi tiếng khắp bán đảo Trung - Ấn. Nhưng do thời cuộc mà đã lịm tắt.

- Kẹo dừa: Đây là sản phẩm ngành thực phẩm đã giúp cho một tỉnh ở Việt Nam thoát nghèo, tỉnh Bến Tre, và hiện nay vẫn đang thịnh hành với thị trường chính là Trung Quốc. Năm 1996, khi tôi đi khảo sát thị trường Trung Quốc thì mới phát hiện ra rằng đối với hàng trăm triệu công nhân Trung Quốc thì kẹo dừa Bến Tre là bữa ăn sáng cầm hơi cho tới bữa trưa họ mang theo trên các đại công trường ở nước này. Họ gọi là “kẹo cứu đói”

Thống kê năm 2011 toàn tỉnh Bến Tre có kim ngạch xuất khẩu 363 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa 159 triệu USD, chiếm tỷ trọng 43,8 % kim ngạch xuất khẩu chung của tinh.(Sở Công thương Bến Tre)
Thế mà, hiện nay kẹo dừa Bến Tre đang bị cạnh tranh quyết liệt từ Trung Quốc, Thái Lan. Các chủ cơ sở phải tự thân đi kiện quốc tế cho thương hiệu của mình. Bản thân giữa các cơ sở kinh doanh cũng cạnh tranh lẫn nhau mà không có sự hỗ trợ can thiệp bảo vệ nào từ cái gọi là hiệp hội hay cơ quan chức năng Nhà Nước.

- Sản phẩm mỹ nghệ: Đây là dòng sản phẩm của các nghệ nhân bao gồm tranh ghép, đồ lưu niệm, đồ trang trí, bàn ghế cẩn dừa, nhà bằng dừa… Những sản phẩm này chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở một vài cửa hiệu đồ lưu niệm ở các thành phố nhằm đa dạng hóa sản phẩm mà thôi.

3- Bài học liên kết:
Đây chính là nỗi buồn sâu lắng của người Việt Nam, luôn luôn không muốn hợ tác để cùng phát triển.
Miền Tây nổi tiếng với du lịch nhà vườn mà giữa Tiền Giang với Bến Tre không có nổi một liên kết du lịch dừa, thậm chí họ còn nguyên Cồn Phụng, Cồn Tiên của ông Đạo Dừa để lại. Cho dù nói thế nào đi nữa thì tinh thần của đạo Dừa cũng đã thấm trong máu của bộ phận không nhỏ của người dân Miền Tây rồi.

Tóm lại, nhiều người muốn tỏ ra phát triển bền vững kinh tế dừa nhưng thực chất chỉ muốn dựa hơi vào cái gì đó ở trên trời. Làm vài bức tranh dừa được vài trăm triệu ĐỒNG cho là to lắm, trong khi những người công nhân kẹo dừa khuấy mạch nha ngày đêm đem về cho đất nước này hàng trăm triệu dollars với đồng lương mấy triệu bạc.


Hãy nhìn và nghĩ về họ.

Ba Đông


6 nhận xét:

  1. Rất hay một cách nhìn khái quát về ngành này.Mình có một người bạn rất say mê ghép tranh từ gáo dừa nhưng chưa sống nổi bằng nghề này vì sực cạnh tranh chụp giựt ,thanh toán chây ì !

    Trả lờiXóa
  2. Bạn đã thử chưa, bỏ nhiều cua vào một cái xô, không cần che hay đậy, cua không thể bò ra khỏi nơi nhốt, bởi con sau bám càng con trước, để rồi khi bám càng thành khối lớn, tất cả về lại đáy xô, chúng không biết làm sao thoát khỏi đáy xô.
    Người Việt mình rất thông minh, lanh lợi trong việc học hỏi mánh lới để làm giàu, vượt qua khó khăn. Nhưng nhiều người thích làm giàu thật nhanh bằng cách mượn danh người đã có thương hiệu để làm giàu. Chẳng khác gì đám cua trong xô kia.
    Trên đê ở Nhật Tân, Hà Nội cách đây hơn 20 năm có rất nhiều quán thịt cầy, giờ chẳng còn nhiều nữa, không phải vì người Hà Nội không còn ăn thịt chó nữa. Quán mọc lên với những biển hiệu "gốc", "chính hiệu", "gia truyền"... nhưng rồi chỉ để bán một thứ mặt hàng đang được nhiều người ưa chuộng. Người ta không cần chữ tín, người ta cần có nhiều tiền một cách nhanh nhất.
    Ở chính Đà Lạt, nơi trồng khoai tây, người ta mua khoai Trung Quốc với giá rẻ, nhào trộn hang nhiều tấn khoai tây này với đất đỏ ở Đà Lạt, rồi đem bán, họ cũng muốn có nhiều tiền nhanh nhất, còn những người còng lưng trồng khoai tây kệ họ, họ đang giết chết những người thân, chỉ mong kiếm được nhiều tiền nhanh nhất.
    Vâng rất, rất nhiều người Việt đang mong muốn kiếm tiền nhiều nhất, nhanh nhất mà bỏ ra công sức ít nhất, đạp lên nhau để kiếm tiền, bất chấp, miễn sao ta có nhiều tiền hơn người khác. Phải dựa vào Luật pháp để điều chỉnh, nhưng cũng đang có trường hợp họ soạn thảo văn bản dưới luật để kiếm lợi cho một nhóm người, trong đó có họ.

    Trả lờiXóa
  3. @Ba Đông: Dâu tui dân Bến Tre, vậy nó có là "sản phẩm" xứ dừa?
    "Bài học liên kết:Miền Tây nổi tiếng với du lịch nhà vườn mà giữa Tiền Giang với Bến Tre không có nổi một liên kết du lịch dừa". Trong khi BT lại "liên kết" rất chặt với tp HCM. Thành quả ( với tui) là 2 nhắt "dừa con" cực xịn. Nói vậy để các Quế thấy "thế mạnh" của BT mà mạnh dạn "liên kết đầu tư". :))

    Trả lờiXóa
  4. Sản phẩm từ cây dừa còn nhiều lắm, lại có giá trị kinh tế cao nếu thực sự trồng cây dừa phát triển: than hoạt tính từ sọ dừa, xơ dừa là thành phần hỗn hợp của gạch xây dựng không nung hoặc ép lại làm củi thanh, sâu trên đọt dừa làm món nhậu tuyệt vời, dầu dừa là thành phần trong các thực phẩm chức năng... Toàn bộ cây dừa đều được tận dụng nhờ vào công nghệ.
    Con người Việt làm được những gì? Không chỉ Bến Tre, còn nhiều nơi khác đang trồng dừa.

    Trả lờiXóa
  5. Năm ngoái MF được hai trường ĐH tại Đảo quốc Srilanka mời sang giảng dạy và dự HNKH, một trường ở ven biển, một trường ở cao nguyên, nên MF có dịp quan sát nhanh khá toàn diện xứ bạn, ấn tượng của MF là sự chênh lệch về đời sống của người đô thị và nông thôn! Và mặc dù trước đó MF biết Srilanka nổi tiếng về cây chè, nhưng những vùng ven và thôn quê MF đi qua, chỉ toàn dừa là dừa, chợ toàn dừa và chuối, những cây dừa èo oặt vàng ợt, MF hỏi tại sao, bạn nói tại đang có dịch rầy dừa.
    Sau đó, cũng năm ngoái. MF được ĐH Trà Vinh mời dạy vài lớp, có một lớp được tổ chức tại Bến Tre. MF đã bừng tỉnh và mê mẩn với bạt ngàn dừa xanh mướt của Bến Tre! Mấy thằng học trò biết thế, cứ dụ MF đi chơi, chúng hình như cố tình chở MF đi qua những con đường lổm chổm nhưng là để lướt qua làng mạc với những ngôi nhà lá thấp thoáng sau những hàng dừa tít tắp. Hầu như rất hiếm cây gì khác ngoài dừa. MF hỏi chúng: ở đây dừa dùng làm gì? bà con có sống được bằng dừa không mà toàn trồng dừa? Chúng hơi lúng túng. Sau đó chúng dẫn tới mấy lò kẹo dừa và các quán dừa sáp. Rồi ngày nào chúng cũng bỏ dừa uống nước đầy nhóc trong phòng, MF không biết làm sao uống cho hết, chúng làm như trả cho cô câu hỏi khó trả lời. Sau vài ngày, MF phát hiện ra một chỗ, rất đẹp, quên mất cái tên chính xác, nhưng nó là tổ chức khai thác dừa của Srilanka. Ồ, các bạn da ngăm đã trốn xứ dừa đang héo hắt của họ, sang khai thác cái nguồn sống xanh tươi đáng thèm muốn của xứ mình! Họ khôn thật! Trong khi đó gần bên bảo tàng cô Ba Định, một viện nghiên cứu dừa đang hoạt động, các học trò MF hỏi: Cô ơi, sao dừa thí nghiệm hổng có trái zậy cô? Hic, bọn hắn tưởng nhà khoa học nào cũng thông đồng với nhau sao? x(

    Trả lờiXóa
  6. Ồ, hóa ra là vậy, "Lễ hội dừa Bến Tre lần thứ 4 năm 2015 diễn ra vào lúc 20h00 ngày 7/4/2015 tại sân vận động Bến Tre". Lễ hội nhằm tôn vinh những người trồng dừa, những người phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa. Lễ hội giới thiệu các sản phẩm từ cây dừa, giới thiệu "Dáng đứng Bến Tre" với "tóc ai dài", với bến Hàm Luông...
    Có một nhận xét của Lê Quang Nhung:
    "Nhìn người để ngẫm lại ta. Chỉ có một sản phẩm là nước dừa đóng chai, mà năm 2009, Mỹ đã thu về 50 triệu USD. Vậy là cây dừa ở Việt Nam còn quá nhiều tiềm năng. Có lẽ, cái đang cần khắc phục chính là ở chỗ lợi ích cá nhân, chỉ muốn một mình ăn trọn, mặc cho cây dừa đốn rồi lại trồng, trồng lại đốn."
    Tri thức, công nghệ sẽ nâng giá trị các sản phẩm mới từ cây dừa và đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có vị trí trên thị trướng Quốc tế. Mong Lễ hội này góp phần làm nên điều đó, để người nông dân đỡ khổ.

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]