Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

ĐÊM YÊN SINH


Hồi ký- Đàm thị Ngọc Thơ

    Hồi đó tôi đã không tìm hiểu xem những tên gọi:Yên Sinh, Yên Tử, Kim Mã, Côn Sơn. . . trên vùng cánh cung Đông Triều này có tự bao giờ và dấu ấn lịch sử trong lòng của nó. Khi tôi về đây học cấp Trung học tại Trường nội trú HSMN Đông Triều thì vết tích của một vùng Thánh địa xưa cuả vua chúa thời Trần vẫn còn in dấu. Những bức tường thành đấp đất dầy kèm hàng tre còn hiển hiện tuy bờ đất còn vài tấc chân. Những đường tre, trúc vẫn cứ miệt mài sinh sôi, nảy nở như muốn muôn đời bảo bọc chân tường, bảo bọc những di tích lịch sử còn lại. Khu Côn Sơn cách Yên Sinh không xa. Đây là nơi Nguyễn Trãi –một thi nhân, một anh hùng dân tộc về đây ở ẩn. Và cũng chính ở nơi này ông gánh chịu vụ án Lệ Chi Viên. Côn Sơn lâu nay đã là khu di tích lịch sử. 

   Trường HSMN chúng tôi tọa lạc trên khu đồi Yên Sinh. Mõm đồi được sang bằng tạo dựng thành một sân trường rộng, được trồng những hàng thông làm cây che bóng mát để sinh hoạt. Xung quanh sân trường là những dãy nhà giành cho Ban giám hiệu, các phòng sinh hoạt Đoàn, Đội và chủ yếu là các dãy phòng học. Khu nhà ở của các nam nữ học sinh nằm hai bên triền đồi. Khu nhà của Thầy, Cô được xếp phía sau cho tiện sinh hoạt gia đình. Và sau nữa là con suối nhỏ lượn lờ chảy quanh đẹp đẽ, nên thơ. Xa xa dãy núi Đông Triều sừng sững bao bọc chở che cho Yên Sinh. Trước mặt trường là con đường đất đỏ chạy thẳng ra chợ Huyện Đông Triều. Con đường này và kể cả khu trường do các anh chị lớn tuổi, học những năm trước chúng tôi mở ra. 

   Những năm tôi học trường nội trú HSMN và kể cả sau này tôi quay lại trường dạy các em thế hệ vượt Trường Sơn chúng tôi đều rất bận. Nghĩa là nhà trường không để cho chúng tôi có thời gian rỗi, để chúng tôi không phải nhớ nhà, phân tâm việc học. 

   Tết Mậu thân 1968-thời điểm quyết liệt quân dân ta tấn công Mỹ, Ngụy giải phóng Miền Nam đi qua trong máu, lửa, hy sinh. Nhưng không một ai trong chúng tôi nao lòng. Chúng tôi vẫn kiên tâm chờ mong ngày thống nhất. Mẹ-Quê hương là tất cả cuộc đời, tất cả tình yêu trong mỗi chúng tôi. Ai đã từng xa nhà như chúng tôi mới có thể nhận ra điều đó. 

   Rồi những năm giặc Mỹ leo thang bắn phá ác liệt Miền Bắc. Chúng nhầm tưởng sẽ tiêu diệt được ý chí đấu tranh giải phóng Đất Nước của dân tộc ta. Nào ngờ, như lửa đổ thêm dầu, những trái tim yêu nước trên cả hai miền Nam Bắc càng sục sôi ý chí căm thù và chiến đấu giải phóng non sông, Thống nhất nước nhà. 

   Mùa xuân 1975 đã là mùa xuân lịch sử của dân tộc ta. Mỗi người dân Việt Nam có quyền khắc sâu vào trái tim mình niềm hãnh diện vô biên của người chiến thắng. Đầu tiên ta lần lượt giải phóng các tỉnh miền Trung. Khí thế xông lên, xốc tới của quân dân ta thật tuyệt vời. Đó cũng là những ngày luôn náo loạn ở trường tôi. Bởi nơi nào ở miền trung ấy cũng có học sinh của tôi. Với chúng tôi, nơi nào cũng là Quê hương, Tổ quốc . 

   Tôi còn nhớ ngày 26/3 là ngày giải phóng Thừa Thiên-Huế. Ngày 29/3 là ngày giải phóng Đà Nẵng. Và bỗng dưng chiến sự chựng lại rất lâu. Chúng tôi vô cùng nôn nóng và bối rối. Có lẽ nào? Có lẽ nào ta chỉ nhích được vĩ tuyến vào trong? KHông thể và không thế được. Và cái điều không thể ấy lịch sử không để xảy ra. 

   Đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4 năm ấy Năm 1975 chúng ta tấn công vào Sài Gòn kết thúc cuộc chiến 21 năm trời Bắc Nam chia cắt đôi miền. 11h30 ta chiếm lĩnh toàn bộ những nơi xung yếu, tiến thẳng vào Dinh Độc lặp cắm lá cờ đỏ sao vàng thân yêu lên đỉnh Dinh khẳng định chủ quyền Đất Nước. Mãi đến 16h30 trường tôi mới nhận được tin qua Đài tiếng nói Việt Nam. 

“Giải phóng Sài Gòn rồi!”

“Giải phóng Miền Nam rồi!”

   Vang dậy khắp trường là tiếng hô, tiếng hét, tiếng khóc, tiếng cười. Trên gương mặt cả cô lẵn trò ràng rụa nước mắt sướng vui. Bắt đầu từ giờ phút ấy chúng tôi không có bữ cơm chiều và lập tức bắt đầu “Đêm không ngủ”. Các em học sinh đổ hết cơm canh ra bàn để lấy nồi tô nhôm đập cho vang dậy mừng chiến thăng. Rồi hát, rồi hò. Kể cả các cô chú cấp dưỡng, tiếp liệu chưa từng hò hát cũng bá vai nhau hát lạc cả tiếng. Đêm hôm đó và nhiều đêm sau nữa, chúng tôi làm náo loạn cả Yên Sinh. Không thể ngồi yên để dạy để học. Chỉ có một sự phấn khích và háo hức mong được sớm trở về May mà đã cuối tháng tư. Năm học cũng vừa kết thúc. 

   Sau đó không lâu chúng tôi được phân công lần lượt đưa các em về quê. Háo hức là vậy nhưng những phút giây rời xa Đông Triều, rời xa Miền Bắc sâu nặng nghĩa tình trong lòng chúng tôi đều lung linh nỗi nhớ. Thế mới biết thế nào là:

   Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, 

   Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”



1 nhận xét:

  1. Cảm ơn cô đã nhắc lại để nhớ.
    Ngày 30/4/1975, ở Đông Triều, mấy ngày mọi người đã liên tục theo dõi bước tiến quân của quân Giải phóng, nghe chuyện ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, rút chạy khỏi Sài Gòn bang trực thăng. Hồi đó, trong học sinh có người có đài bán dẫn từ trong Nam gửi ra.

    Trưa 30/4/1975 khi học xong, về nghỉ trưa, mở đài BBC, chợt nghe tuyên bố của ông Dương Văn Minh và thông tin ta đã chiếm dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 30, thế là thông tin được lan truyền, cho đến khi đài Tiếng nói Việt Nam thông tin chính thức, mọi người vỡ òa. Chiều thầy Phương từ Hà Nội về, thông tin Hà Nội mọi người chuẩn bị tuần hành mừng ngày Chiến thắng. Chiều đó trường tổ chức mít ting tại sân phía nhà Ban giám hiệu trường.

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]