Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

HÃY NGHIÊNG MÌNH TRƯỚC MỖI PHÚT GIÂY TA SỐNG

Ký – ĐÀM THỊ NGỌC THƠ

1. Chung vai gánh vác non sông


    Tôi vẫn hiểu: Vĩ tuyến 17- ranh giới tạm thời chia hai miền Đất nước chỉ là để khoanh vùng tập kết cho lực lượng hai bên. Còn cái nghĩa Đất nước luôn trọn vẹn và thiêng liêng trong tất cả mọi tấm lòng của người dân Nam Việt. Bởi lẽ đó mà ngay sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ngay sau khi người Miền Nam đầu tiên tập kết đặt chân ra đất Bắc, nhân dân miền Bắc đã vội vã đùm bọc cưu mang.  Họ coi đó là sứ mệnh lịch sử thiêng liêng, là tình cảm yêu thương, trách nhiệm.
     Tôi còn nhớ ngày tàu tôi cập bến Sầm Sơn, nhân dân Thanh Hóa đứng đông nghịt trên bến tàu hân hoan chào đón. Rồi chúng tôi được nhanh chóng đưa về các dãy lán trại đã trải sẵn ổ rơm với đầy đủ áo,  mền chống cái rét chưa quen nơi đất Bắc. Trong khi miền Bắc vừa thoát khỏi chiến tranh, nhân dân miền Bắc còn đói khát trăm bề. Tuần lễ nghĩ dưỡng ở đây, ngày ba bữa chúng tôi được ăn uống no đủ để phục hồi sức khỏe sau chuyến vượt biển. Lúc ấy chúng tôi chưa biết được những cố gắng vượt bậc của Đảng, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc cho đồng bào miền Nam tập kết cũng như cho cuộc đấu tranh chính trị vì miền Nam, vì cả nước. Mãi đến khi chúng tôi được chia về các xã gần đó của huyện Nông  Cống chờ ngày chuyển giao về cho các trường nội trú chúng tôi mới được nhìn rõ những chịu đựng,  những xẻ chia đến tận cùng của miền Bắc cho nửa khúc ruột yêu thương.
     Hãy bắt đầu từ những bữa cơm của chúng tôi - những bữa cơm nuốt nghẹn ngào qua nước mắt. Không phải vì cơm không đủ no, thiếu cái để nuốt trôi cơm vào bụng,  mà vì chúng tôi ăn cơm trong một cái lán che tạm nhưng được vây kín bằng một hàng rào dây thép gai. Bên ngoài là những em bé độ tuổi lên 6 lên 8 trần truồng giữa cái rét cắt thịt da của tháng 12. Trên tay một vài em cầm những cọng dây khoai lang đã héo. Đôi mắt các em thèm thuồng nhìn về phía chúng tôi. Các em không dám xin mà chúng tôi cũng không được phép cho dù chỉ một vài muỗng cho đỡ thèm. Thanh Hóa những ngày đó chưa kịp làm lại điều gì sau chiến tranh lại vội vã trực tiếp gánh vác sứ mệnh lịch sử nặng nề:đón tiếp mấy chục ngàn cán bộ, bộ đội, HSMN tập kết ra Bắc!
     Đâu phải cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xăm lược và bè lũ tay sai bán nước những ngày lịch sử đó là của đồng bào miền Nam? Sau những năm miền Bắc âm thầm chi viện sức của cho miền Nam đấu tranh theo hiệp định, bọn giặc bội ước,  xé nát hiệp định Giơ-ne-vơ, cả nước ta rầm rập lên đường ”Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu Nước”. Đếm sao hết những người mẹ trên đất Bắc dõi vào Nam ngóng theo bước chân con. Đếm sao hết những người vợ trẻ trên đất Bắc ngóng trông chồng từng đêm không ngủ. Rồi vì nửa nước yêu thương, vì miền Nam ruột thịt họ tiếp bước lên đường vào với chiến trường xa không ngại gian nan vất vả, sá chi cái chết rập rình. Đếm sao hết những nấm mồ liệt sĩ đã hy sinh trên chiến trường miền Nam, bao nhiêu ngôi mồ có tên và vô danh nằm hiu hắt đó đây mà đồng đội, thân nhân còn chưa nhận diện. Sẽ thật tội lỗi khi ta chỉ nhớ đến niềm vui của những người miền Nam tập kết, giải phóng miền Nam được sum họp gia đình mà quên mất niềm vui đến tột cùng của nửa nước yêu thương-nơi đất Bắc đang chờ đón tin con.  
      Thoáng một cái đã tròn 40 năm kể từ ngày giải phóng. Mẹ nuôi tôi, người Hà Nội mới vừa tìm được mộ con trai hy sinh ở mặt trận Khe Sanh. Tìm được hài cốt con trai về mẹ không cho hạ huyệt. Mẹ bảo chờ vài hôm nữa đến giỗ anh ấy rồi hẳn hạ huyệt. Năm rồi cúng cơm em nhà tề tựu không thiếu một ai. Cúng cơm em hôm trước, hôm sau mẹ xuôi tay nhắm mắt hưởng thọ 94 tuổi. Chúng tôi đành dời ngày truy điệu hạ huyệt cho em vào đầu năm sau cho thuận lẽ trời,  hạp lòng mẹ.
      Chiến tranh là thế: Nó đã lùi xa nhưng vẫn còn cất giữ trong nó biết bao điều bí ẩn!
    
                                                                   Cà Mau, ngày 08 tháng 04 năm 2015

                                                                                Đàm Thị Ngọc Thơ

2 nhận xét:

  1. “Võ Dũng tên thật là Phan Chí Dũng, sinh 1951 tại Rạch Giá. Cuối những năm 50 thế kỷ trước, vì chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man, cơ quan Trung ương cục phải tạm lánh sang Phnôm-pênh. Bác Sáu Dân đưa Dũng và Dân theo cùng. Năm 1960, khi vừa 9 tuổi, từ Cămpuchia, Dũng được tổ chức đưa ra Bắc. Ba, má và hai em vẫn ở lại trong Nam (So với chúng bạn thì đây cũng là một thiệt thòi). Ra Bắc, Dũng được gửi vào học tại các trường Học sinh miền Nam số 19, 21 ở Cầu Rào (Hải Phòng).
    Đến năm 1963, Bộ Giáo dục có chủ trương cho những học sinh miền Nam có ba mẹ hoặc người thân ở miền Bắc về sống với gia đình, tạo điều kiện cho học sinh được chăm sóc. Dũng được cô Bảy Huệ (vợ bác Nguyễn Văn Linh) nhận về nuôi. Hiếu Dân nhớ lại: “Trong gia đình, anh Dũng luôn là người anh hết mực thương yêu và nhường nhịn các em. Em cùng Hòa, Bình con cô thường được nghe anh Dũng kể những chuyện trinh thám đầy bí hiểm và hấp dẫn. Anh vừa kể, vừa hóa thân thành các hiệp sĩ oai hùng, luôn đấu tranh bảo vệ chính nghĩa. Đến năm lớp 4, anh vào học ở trường Nguyễn Trãi, Hà Nội”.
    Tháng 5 năm 1965, Dũng nhập trường Thiếu sinh quân tại Hiệp Hòa, Hà Bắc. Những năm tháng ở trường, Dũng tỏ ra rất hiếu động và nghịch ngợm, hay cầm đầu các cuộc vui chơi pha chút mạo hiểm.”
    ………………..
    “Đầu năm 1967, do giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nên nhà trường được sơ tán sang Quế Lâm, Trung Quốc. Lúc bấy giờ Dũng mới láng máng hay tin. Không còn an tâm học hành, Dũng nằng nặc xin nhà trường cho về nước. Tháng 3 năm 1968, lên tầu liên vận rời Quế Lâm về nước, Dũng được vào rèn luyện tại Trường Quân chính Quân khu Tả ngạn ở Hải Dương.”
    …..
    “Tháng 8 năm 1969, Dũng tập trung ở Hoà Bình chuẩn bị đi “B”.”
    ……
    “Đến tháng 6 năm 1971, Dũng được điều về Mặt trận T3 thuộc Khu 9. Tháng 10 năm đó, Dũng giấu ba và xin bằng được về trung đội 2 trinh sát (thuộc tiểu đoàn 3). Thấy con trai thủ trưởng quyết tâm quá, các chú đành chấp nhận.
    Ngày 21 tháng 4 năm 1972, trong một chuyến trinh sát cùng hai đồng đội, không may cả nhóm rơi vào ổ phục kích. Địch bất ngờ xả súng. Không kịp phản ứng, ba anh em hy sinh trên kênh Tây Ký, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Vân, tỉnh Rạch Giá. Võ Dũng được chôn cất đúng nơi quê mẹ.
    Sau ngày giải phóng, tháng 11 năm 1975, Dũng được gia đình và đơn vị cải táng, đưa về nghĩa trang An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Thật cảm động, khi lấy thi hài Dũng lên, trong túi quần vẫn còn bịch ni-lông đựng thuốc rê. Nghe Hiếu Dân kể đến đây, nhớ lại những ngày học ở trường, Dũng là một trong những số ít “tay nghiện” thuốc lá của lớp.
    Sau này Dũng đã được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Tại một điểm không xa cánh trái bức phù điêu lớn ở trung tâm là nơi yên nghỉ của Dũng cùng bia mộ tượng trưng của má Trần Kim Anh và hai em nhỏ. Nấm mộ các liệt sĩ được bố trí chụm lại như những cánh của một bông hoa, và mỗi bông hoa là đội hình chiến đấu của một tiểu đội. “

    Nguồn: “Bạn tôi, liệt sĩ Võ Dũng” bài viết của Trần Kiến Quốc

    Trả lờiXóa
  2. Những hình ảnh của HSMN, những comment khi xem ảnh cũng thật thú vị: "Thời niên thiếu của học sinh miền Nam lớn lên trên đất Bắc"

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]