Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

HÃY NGHIÊNG MÌNH TRƯỚC MỖI PHÚT GIÂY TA SỐNG (TT)

Ký – ĐÀM THỊ NGỌC THƠ

2. Khát vọng

Mỗi khi Đất Nước có chiến tranh thì lớp lớp những người con của Đất nước ra trận. Hình ảnh Trần Quốc Toản bóp nát trái cam, hình ảnh của những Kim Đồng, những Lê văn Tám là những hình ảnh sáng ngời của lòng nồng nàn yêu nước ấy.  
        Sau chiến thắng Điện Biên lịch sử, có rất nhiều con em cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ là đào tạo cán bộ có trình độ cho Miền Nam.
         Nhưng ngày giải phóng Miền Nam cứ dài ra, không phải hai năm mà ba, bốn, năm và dài ra mãi …  Những luật 10/59 của kẻ thù kéo lê máy chém giết hại cán bộ Cách mạng của ta. Rồi vụ giết hàng ngàn cán bộ Cách mạng trong trại giam Phú lợi. Những vụ thảm sát tàn độc ở Vĩnh Trinh,  Ngân Sơn,  Hướng Điền, Sơn Mỹ…  làm cháy lòng chúng tôi. Những đêm cùng nhau thức trắng hướng về Nam. Những lần cùng nhau ghi tên tình nguyện về Nam chiến đấu cứ liên tục. Máu chảy ở quê nhà thúc dục lòng những đứa con xa. Chúng tôi tìm đủ mọi cơ hội, len lỏi vào đủ mọi danh sách có thể để chỉ được lọt về Nam làm bất cứ việc gì. Cho mãi đến khi chúng tôi tốt nghiệp Đại học. Nhiều bạn tôi đã được lái máy bay dũng cảm nhắm thẳng vào kẻ thù nã đạn.  Như Đồng Văn Đe, như Sâm Kỳ, như Nguyễn Văn Bảy(B). Nguyễn Văn Bảy(B) đang nằm ở nghĩa trang liệt sĩ Tỉnh Cà Mau. Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong cầm bút viết văn, làm thơ, làm nhạc nơi chiến trường lửa đỏ và làm nên “Dáng đứng Việt Nam”. Có cả những học sinh của tôi đã vượt Trường Sơn ra Bắc học rồi trở về Nam chiến đấu hy sinh như Phương Thảo …  Đội ngũ HSMN trở về Nam sau Đại học theo chủ trương đào tạo cho Miền Nam không sao kể hết và không có lĩnh vực nào là không có. Từ giáo dục,  y tế, công nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng… Nhiều bạn tôi trên đường về hoặc đi công tác cũng đã bị địch bắt giam cầm tra tấn đày ra Côn Đảo. Thế mới biết Đất Nước này không của riêng ai, nỗi đau này không của riêng ai và trách nhiệm giải phóng Miền Nam là trách nhiệm của toàn dân tộc.  
       Ở Cà Mau chúng tôi có các bạn Hữu Liêm, Hữu Thành, Quách Tâm, Bê, Lãm ra đi mang theo lòng mình những cánh rừng ngập mặn nơi chót mũi Cà Mau. Tốt nghiệp Đại học các bạn về lại Miền nam trước giải phóng và đã làm nên chuyện cho quê hương mình. Đó là việc quy hoạch lại những cánh rừng ngập mặn, mở những trường hướng nghiệp nông lâm. Là việc bạn Liễu thuần dưỡng loài trăn, tạo sân chim giữa lòng thành phố, làm nên nhà sàn Bác Hồ nơi mảnh đất cuối trời. Ta có bác sĩ Long, bác sĩ Danh Mai, bác sĩ Lễ là HSMN. Ngành công nghiệp có Dương văn Ẩn, Nguyễn Năm, nghành giáo dục có Trung Việt, cô Đào, Cô Ngọc Nhãn …  Tôi cũng đã từng theo các bạn, từng len lõi vào các danh sách đi B. Tôi cũng đã từng ghi tên vào lớp  đào tạo phóng viên ngắn hạn sáu tháng cho Miền Nam. Tôi cũng đã từng bỏ Đại học tổng hợp xin qua Sư phạm để được nhanh chóng về Nam. Nhưng số tôi không may. Vào đội ngũ nào tôi cũng bị gạt lại. Sau 30/4 chú Dương Tấn Phát Cục quản lý HSMN vội vả cử tôi đưa các em HSMN là Nam bộ về. Chú nói:  Con cứ về rồi ở luôn trong đó. Giấy tờ thuyên chuyển chú sẽ gởi về cho con. Trời đất! Vậy là bấy lâu nay tôi bị giam lỏng mà không hay. Chú là bạn chiến đấu của ba tôi thời chống Pháp: Cùng là huyện ủy viên Huyện Hồng Dân những năm 47-54.

     Giờ này chắc chú và Ba đang hàn huyên dưới đó mừng ngày Thống nhất nước nhà. Riêng tôi vẫn luôn chạnh lòng vì khát vọng không thành- cái khát vọng muốn được góp chút lửa vào đám cháy lớn - Giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà. 

8 nhận xét:

  1. Chuyện về cô nữ sinh quàng khăn đỏ cho Bác Hồ.

    "Diễn viên, liệt sĩ Võ Thị Phương Thảo sinh ngày 16/8/1943, là con út trong một gia đình yêu nước ở làng La Qua, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Năm 11 tuổi chị theo gia đình tập kết ra Bắc rồi trở thành cô nữ sinh trường Trưng Vương, Hà Nội. Cô nữ sinh miền Nam dễ thương, học giỏi, hát hay và múa đẹp ấy đã tự tay quàng khăn quàng đỏ lên vai Bác Hồ trong một lần Bác bất ngờ đến thăm các em học sinh ở Câu lạc bộ Thống Nhất."
    ...
    "Vào miền Nam chiến đấu, Thảo được phân công về chiến trường quân khu 5, cô gái đẹp như tiên giáng trần ấy mạnh mẽ giữa chiến trường khói lửa tưởng chừng chỉ là vị trí dành cho những người đàn ông cầm súng, khi là một cô du kích áo bà ba khăn rằn tay không bắt giặt, khi là nữ chiến sĩ giải phóng quân. Khi lại dịu dàng, e ấp đến mê hồn trong những câu ca điệu múa làm bật lên những tiếng cười vui yên bình và thanh thản giữa vùng đất đầy mùi thuốc súng, bom rơi.
    Đêm ngày 6/4/1967, trên đường đi công tác cùng đạo diễn Khánh Cao và nhà thơ Hoài Hà, vừa đặt chân đến trạm giao liên ( thôn La Tháp, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên ) một quả phảo từ căn cứ kiểm lâm gần đó bắn tới bất ngờ làm Phương Thảo ngã gục và kêu lên: “Em bị thương rồi!”. Chị đã hi sinh trong buổi tối định mệnh ấy khi vai còn đang khoác ba lô và sự hồn nhiên, vô tư một cách trong sáng vẫn chưa kịp tắt trên gương mặt người con gái ấy trong những phút cuối cùng.
    Phương Thảo đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất quê hương mình. Cô em gái miền Nam nhỏ nhắn đã quàng khăn quàng đỏ lên vai Bác Hồ, nữ diễn viên xinh đẹp của đoàn Ca múa nhạc Trung ương ngày ấy đã dũng cảm khoác ba lô lên vai mình từ thủ đô Hà Nội vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Người con gái ấy mới chỉ 24 tuổi và hình ảnh chị đã mãi mãi sống trong lòng đồng bào Trung Trung bộ.

    NSƯT, liệt sĩ Võ Thị Phương Thảo sẽ mãi là biểu tượng cho hình ảnh đẹp đẽ, mạnh mẽ của người phụ nữ Việt Nam giữa thời chiến tranh khốc liệt."

    Nguồn:Chuyện về cô nữ sinh quàng khăn đỏ cho Bác Hồ

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn em:ND. Thật ra cô chưa hiểu rõ về em Thảo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cô Thơ, cô xem toàn bài viết ở link nguồn: "Chuyện về cô nữ sinh quàng khăn đỏ cho Bác Hồ" ở trên. Trong bài có ảnh chị Phương Thảo đang quàng khăn quàng đỏ lên vai Bác Hồ, thuộc trang: tranlietsi.vn.
      Lịch HSMN năm 2013 và 2014 có tên chị Phương Thảo.

      Xóa
  3. Cảm ơn em,cô sẽ xem.Chả là cô có quyển lịch và có hình của Thảo nên kể tenem ấy.

    Trả lờiXóa
  4. Dáng đứng Việt Nam

    Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
    Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
    Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
    Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
    Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
    Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
    Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
    Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công
    Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
    Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
    Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
    Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
    Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
    Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
    Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ:
    Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
    Tên Anh đã thành tên đất nước
    Ôi anh Giải phóng quân!
    Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
    Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân

    Lê Anh Xuân (3-1968)

    Bài hát DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM , thơ Lê Anh Xuân, nhạc Nguyễn Chí Vũ, trình bày Trung Kiên.

    Trả lờiXóa
  5. “Chu Cẩm Phong tên thật là Trần Tiến, sinh ngày 12 tháng 8 năm 1941 tại Hội An, Quảng Nam. Năm 1954, ông theo cha tập kết ra Bắc và theo học tại trường học sinh miền Nam, và sau đó là Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từng được cử vào Ban chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên - Sinh viên Việt Nam, ông được kết nạp Đảng Lao động Việt Nam khi mới 22 tuổi. Năm 1964, ông tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, được nhà trường cử đi học tại nước ngoài nhưng đã xung phong vào miền Nam chiến đấu. Trong thời gian này, ông công tác tại Ban Tuyên huấn Khu V, làm phóng viên thông tấn rồi chuyển sang làm việc tại Tiểu ban Van nghệ Khu V.”
    “Từ 10 giờ đến 14 giờ ngày 1/5/1971 đã diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa 8 cán bộ, chiến sĩ giải phóng, an ninh huyện Duy Xuyên, du kích xã Xuyên Phú (nay là Duy Tân, Duy Phú), nhà văn - nhà báo Chu Cẩm Phong - Trần Tiến, các cán bộ lương thực tỉnh Quảng Nam và huyện Duy Xuyên với hơn một tiểu đoàn liên quân Mỹ ngụy". Nhà văn Chu Cẩm Phong (tác giả Vườn cây ăn quả nhà mẹ Thám, Gió lộng từ Cửa Đại, Mặt biển - mặt trận, Rét tháng giêng, Con chị Hiền, Nhật ký chiến tranh...), đứa con tài hoa của Hội An đã hy sinh cùng 3 người khác trong trận đánh này.”
    “Sau ngày Đà Nẵng giải phóng, một người lính phía bên kia đã lấy được tập nhật ký của Chu Cẩm Phong. Anh đọc, cất giữ và thấy đó là "một cuốn nhật ký rất hay. Tôi thấy đây là của quý, chúng tôi không có quyền giữ. Hôm nay, tôi đến đây trao lại cho các ông...". Nhờ người lính ấy mà chúng ta có được Nhật ký Chu Cẩm Phong (mãi đến nay qua tìm hiểu của PV Báo Thanh Niên, chúng ta mới biết được đích xác người lính ấy tên là Hoàng Đình Hiếu”
    “Cuốn nhật ký dày đến 600 trang, được viết từ ngày 11.7.1967 đến 27.4.1971 và 3 ngày sau đó Chu Cẩm Phong hy sinh”
    “Chu Cẩm Phong được Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 3/2010. Như vậy, trong lịch sử Hội Nhà văn VN từ thành lập (1957), Chu Cẩm Phong là nhà văn đầu tiên được phong anh hùng.”
    “Đà Nẵng đã có đường Chu Cẩm Phong thuộc khu dân cư Tuyên Sơn và làng vận động viên, quận Hải Châu, chiều dài 2.250m.”

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trích đăng thư của ông Hoàng Đình Hiếu gửi PV Báo Thanh Niên:
      "...Đối với tôi, câu chuyện cuốn nhật ký của Chu Cẩm Phong đã chìm sâu vào dĩ vãng, nếu không có em (tức ĐNK) báo tin là đã được in ra, phổ biến và được dư luận khắp nơi yêu mến. Ký ức tôi còn ghi nhận là một giai đoạn chiến tranh ác liệt xảy ra trên quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, mà chiến sĩ Chu Cẩm Phong và tôi, cùng bạn bè đồng trang lứa của cả hai, không vì thù oán mà bị trói chặt vào cuộc chiến, phải một mất một còn. Tôi thật sự tiếc thương sự hy sinh của chiến sĩ Chu Cẩm Phong khi nhận được cuốn nhật ký như một chiến lợi phẩm!
      Điều em biết về tôi chỉ là một khái niệm. Chỉ những ai chứng kiến cảnh đau lòng mới thấy chiến tranh thật sự là nghiệt ngã, vô lý và tàn nhẫn. Cũng may cho tôi, không phải là lính tác chiến ngoài mặt trận. Tại Bộ Tư lệnh Biệt khu Quảng Đà ở Đà Nẵng, tôi theo các cuộc hành quân Vũ Ninh 1, 2, 3 như một phóng viên, trước khi được biệt phái về dạy tại trường Nữ Hồng Đức, Đà Nẵng. Bạn tôi đã trao cho tôi cuốn nhật ký vô giá này, khi tôi chỉ có mặt ở Bộ chỉ huy hành quân một thời gian ngắn ngủi. Bạn trao nhật ký cho tôi không một lời giải thích và nay anh cũng đã ra người thiên cổ. Phải nói là Chu Cẩm Phong là người sống sót duy nhất và làm chứng cho chính mình hơn bất cứ ai hết.
      Đừng băn khoăn về tôi nhiều. Tôi chỉ làm một việc nhỏ, vì xét thấy cần thiết phải bảo quản một tài liệu sống của thế hệ chúng tôi. Việc biểu dương xứng đáng xin dành cho chiến sĩ Chu Cẩm Phong. Điều tôi hằng trân trọng là sự chân thật của tấm lòng. Oái oăm thay tôi đã học được từ tấm lòng chân thành của Chu Cẩm Phong. Phải chăng, trong một hoàn cảnh nào đó, chiến tranh đem chúng tôi đến gần nhau hơn!"

      Xem thêm: Đi tìm người cất giữ Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong

      Xóa
    2. “Nhật ký chiến tranh” cho thấy cách xử thế, quan niệm sống, tinh thần xả thân vì Tổ quốc, tình yêu lớn lao đối với quê hương và tình yêu thương con người của nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong. Ông đã từng viết:

      - Ngày 1-10-1967 : “... Công tác văn nghệ sắp đến cũng rất nặng nề và khẩn trương - tất nhiên sứ mệnh của nó cũng rất vẻ vang. Đã đến lúc không thể đi được nữa mà phải chạy, chạy tốc lực. Đến lúc rồi đây. Hãy đem cả sức lực, trí tuệ và tài năng mình hy sinh cho nhiệm vụ lịch sử này”.

      - Ngày 8-1-1970 : “Sắp đến mình sẽ đi công tác, mình nhận đi lại Quảng Đà, một nơi ác liệt nhất. Mình có thể sẽ hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm. Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý, thì ba mình, và nhất là mẹ, sẽ đau khổ đến dường nào. Mình biết điều đó. Mình là đứa con trai được cả nhà yêu thương... Nhưng dầu thế nào, mình cũng không xê dịch cái phương châm sống của mình: dũng cảm, say sưa và quên mình như những chiến sĩ cộng sản chân chính đi trước. Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn, cũng Hạnh phúc lắm thay!”.

      Đấy là tâm nguyện thầm kín của Chu Cẩm Phong được ghi trong nhật ký cho riêng mình, và cái thầm kín ấy đã hiện thành hành động sống hàng ngày của ông."

      Xóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]