Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Trại nhi đồng Miền Nam - Gò Đống Đa

Chuyện của Hà Quang Huy – trại Nhi đồng Miền Nam

Khi ấy tôi thường được ăn cùng mâm với một cậu người Lào tên là É hoặc Xây gì đó. Không hiểu vì sao cậu ấy được ăn ngon thế mà còn chê và toàn bỏ thức ăn mà tôi thích, đó là món miến chả băm có nhiều nạc, trong khi đó tôi toàn phải ăn những miếng thịt mỡ bầy nhầy, cứ cho vào miệng cố nuốt lại ọe ra, có lẽ là do tiêu chuẩn thấp. Cậu Xây thấy vậy toàn xúc cho tôi miến chả đổi lấy thịt mỡ và tôi ăn rất ngon lành. Được vài hôm, có lẽ các cô bảo mẫu phát hiện tôi ăn ngon lành miến chả của Xây nên mách với mẹ tôi và cách ly tôi không cho ngồi cạnh cậu Xây nữa. Kỷ niệm nho nhỏ ấy nhưng rất ấn tượng đối với tôi vì sau đó bị các anh chị trêu như là một việc đáng xấu hổ nên tôi không thể quên. Sau này tôi mới biết Xây chính là con trai Hoàng thân Xuphanuvông của Lào. Nghe nói cậu Xây này còn làm đến chức Bộ trưởng Bộ Tài chính của nước bạn Lào. Ở trại còn có 2 chị em tên là Iren và Mônic là người Camơrun, da đen xì, thân hình to cao. Iren, Mônic là con nhà cách mạng được gửi từ bé ở Trại nên vẫn thường chơi với bọn trẻ con và nói tiếng Việt rất giỏi, về sau nghe nói Mônic cũng là Bộ trưởng Bộ Y tế của nước bạn châu Phi. Có lẽ do đất nước còn đang trong thời chiến nên trẻ con trong Trại rất thích chơi trò chiến tranh hòa bình, công an bắt gián điệp, chơi trốn tìm…. Đôi khi tôi rất thích đi chơi xa một chút để khám phá, có thể là chỉ ra đến sau ngôi nhà cấp 4. Khung cảnh mới với tôi đó là ao hồ mênh mông, có nhiều cây dừa nghiêng soi bóng, sau này lớn lên tôi mới hiểu nơi đây là trại Nhi đồng Miền Nam, chủ yếu các cháu là con em cán bộ Miền Nam nên trại trồng nhiều dừa để nhớ tới Miền Nam đang còn chiến tranh…

Được gặp Bác Hồ: Hồi nhỏ tôi thường được bố mẹ nhắc chuyện nếu tôi sinh sớm 5 ngày thì vào ngày sinh nhật Bác 19/5, khi đó Bác Hồ sẽ nhận làm con nuôi và tôi sẽ có vinh dự lắm. Tôi còn nhỏ nên cũng không hiểu gì về ý nghĩa việc này, mặc dù thiếu nhi hồi đó suốt ngày hát các bài hát ca ngợi Bác Hồ “ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng…” và trong bài hát của tôi mà bố tôi sáng tác mừng tôi chào đời cũng có câu kết: “Mẹ mong con thành cháu ngoan Bác Hồ”. Tôi rất nhớ vào một buổi chiều có rất nhiều chú bộ đội đến Trại, tay cầm máy dò mìn, đầu đội mũ bịt tai như bộ đội tăng bây giờ, bọn tôi chạy lăng xăng đi xem mà chả hiểu gì, hỏi thì các chú suỵt… bí mật, về nhà hỏi anh chị thì bảo là các chú đi “tìm kim” thế là tin ngay và hiểu rằng có ai đó làm rơi mất kim nên phải tìm, mãi sau này mới biết đó là “dò mìn”. Sáng hôm sau có một đoàn xe ôtô phóng ào vào Trại rồi dừng lại, cả Trại ùa ra hân hoan và xúc động chào đón Bác Hồ, tôi còn bé quá nhưng cũng chạy ra xem mà chẳng hiểu gì, tôi còn nhớ rất rõ Bác Hồ mặc bộ quần áo nâu, đi dép cao su đứng cạnh mấy sọt cam to lắm, cả Trại đứng vây quanh háo hức ngắm Bác Hồ và nghe Bác nói chuyện. Hình ảnh này thật ấn tượng và tôi luôn nhớ mãi không bao giờ quên. Mặc dù Tôi còn nhỏ nhưng Tôi vẫn nhận thấy Bác thật giản dị, gần gũi và đẹp như một ông tiên. Có lẽ đây là lần thăm cuối cùng của Bác với Trại Nhi đồng Miền Nam vì lúc đó khoảng năm 1964, khi Miền Bắc chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống chiến tranh leo thang của Đế quốc Mỹ. Trở thành “Cháu ngoan Bác Hồ” thời đó có lẽ là mơ ước của hầu hết thiếu niên Việt Nam và khi lớn hơn, đến tuổi thiếu niên tôi cũng đã luôn cố gắng phấn đấu để đạt được điều đó.
Căn phòng nhà tôi ở đầu hồi, nhìn ra cái thềm rộng, cao và có bậc tam cấp, tiếp đó là đường đất, mẹ tôi là một phụ nữ tháo vát và thích tăng gia, mẹ làm một mảnh vườn ngay trước nhà trồng rau su hào bắp cải xúp lơ…và những khóm mía mọc rất tốt. Buổi tối, mặc dù lúc đầu tôi còn bị anh chị dọa ma và sợ bóng tối nhưng rồi cũng quen, anh em tôi trước khi đi ngủ thường đứng trên thềm thi nhau xem ai đái xa hơn để tưới vào khóm cây mía. Phía sau nhà có một khoảng đất rộng cạnh đó là một con mương nhỏ. Mẹ tôi và anh chị nuôi gà và thỏ. Tôi nhớ nhất cái chuồng thỏ do mẹ tôi đóng, nuôi một đôi thỏ trong một thời gian rất ngắn mà nó đẻ rất nhiều con, một buổi tối cả nhà đi chơi về thấy thỏ đẻ nhiều con rơi từ chuồng xuống đất. Tôi rất thích chơi với thỏ con và cho nó ăn. Có một lần thỏ con không hiểu vì sao chết hàng loạt, 3 chị em tôi thương quá, khóc rồi làm đám ma cho thỏ, kiếm một chỗ chôn và làm cái mộ bằng ụ đất nhỏ. Phía bên kia con mương là phế tích của một cái nhà thờ, có thể nó đã bị tàn phá trong chiến tranh, dấu vết tường gạch, các họa tiết vẫn còn, tôi còn nhớ rất thích nhặt những mảnh kính màu lấp lánh trên nền nhà thờ. Xa hơn là cái hồ hoặc đầm khi đó, theo suy nghĩ của tôi thì nay là đường Thái Hà và chỉ còn tồn tại là con mương nhỏ. Phía trước nhà chếch tay phải có một cây ổi cao chừng 3 – 4 m, hồi đó tôi cho là khá to, tôi và các anh chị vẫn thường trèo lên cây chơi, ngồi vắt vẻo. Hồi đó trẻ con leo trèo rất giỏi, còn bây giờ thì chắc không bố mẹ nào dám để trẻ con chơi như thế, quá nguy hiểm.
Chị Bình học lớp 4 trường Trung Liệt, cách xa nhà đến cả cây số, một ngôi trường to và đẹp, có lần tôi được đi theo anh chị ra đó xem. Lần đó là do Nhà trường tổ chức cuộc thi sản phẩm tăng gia nên chị phải mang sản phẩm của gia đình đi thi. Mọi người mang rau củ quả, gà chó,… mà mình tăng gia được đến Trường. Tôi còn nhỏ lắm nhưng vẫn nhớ vì hồi đó tôi rất thích, háo hức đi xem các anh chị. Lớp 4 là năm cuối cấp 1 nên đối với tôi thì các anh chị là lớn lắm rồi.
Một lần mẹ bảo tôi đi cắt tóc, tôi tự đi bộ từ Trại NĐMN ra tận gò Đống Đa để cắt tóc, xa hơn 1 Km, bây giờ thì không tưởng tượng nổi trẻ con ngày xưa bạo thật, cắt tóc xong về tưởng đẹp, không ngờ lại bị mẹ mắng cho một trận, chê đầu cắt như cái nồi úp, chắc là ngố lắm, nhưng tôi mới có 4 tuổi thì hiểu gì đâu, thế là tôi lại túc tắc quay lại Gò Đống Đa để cắt lại, ông thợ cắt tóc chắc cũng biết lỗi nên sửa lại theo chỉ đạo của mẹ mà không thắc mắc gì. Một chuyến đi vừa đi vừa chơi như vậy chắc mất cả buổi, nhưng tôi thích lắm vì tôi hoàn toàn tự do và tự thích nghi với cuộc sống.
Ở Trại Nhi đồng Miền Nam, khi tôi nhận thức được niềm hạnh phúc sung sướng, đó chính là không gian nho nhỏ nhưng đầy đủ không khí gia đình đầm ấm với sự chăm chút chu đáo của mẹ, tình cảm của anh chị và sự khâm phục với bố. Những khi đi ngủ tôi thường được ngủ cạnh bố hoặc mẹ và bố mẹ thường đặt câu hỏi là “con yêu bố hay mẹ hơn?”, đây là câu hỏi khó đối với ngay cả người lớn vì bố hoặc mẹ thực ra là một gia đình. Trước khi ngủ tôi thường được nằm gối đầu tay bố để được nghe chuyện “Cân”, một nhân vật bố tôi bịa ra với những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn nhưng không hiểu sao bố tôi vừa kể vừa nghĩ mà vẫn không bao giờ hết chuyện. Cả 3 chị em đều thích nghe kể chuyện “Cân”, thậm chí còn tranh luận bàn tán xem tiếp theo là gì. Những khi mơ màng thức giấc, tôi vẫn nhớ cảm giác sung sướng đê mê khi nghe tiếng đàn violon mà bố tôi thường kéo vào những ngày nghỉ. Giai điệu bản nhạc đã đi vào trong tâm trí tôi hồi đó là bản nhạc “Quê hương” của Phạm Trọng Cầu. Sau này tôi vẫn thường nhớ lại và nghĩ gia đình mình đã từng hạnh phúc nhất chính là thời kỳ ở Trại nhi đồng Miền Nam.
Từ http://trainhidong.wordpress.com/2012/09/29/chuyen-cua-ha-quang-huy-trai-nhi-dong-mien-nam/

Bác Hồ thăm Trại Nhi Đồng Miền Nam:

Bác Hồ thăm Trại Nhi Đồng Miền Nam tại Hải Phòng


27 nhận xét:

  1. Sắp đến ngày HSMN tập trung ở Hà Nội kỷ niệm 60 ngày "Học sinh Miền Nam trên đất Bắc", nhưng ít ai nhắc đến "Trại Nhi Đồng Miền Nam" ở gò Đống Đa. Nơi có nhiều người học tiếp tại các trường Miền Nam: Trường Miền Nam số 11, số 1..., Khu học xá Học sinh Miền Nam Quế Lâm, và cũng nhiều người tiếp tục học tại Hà Nội.

    Trả lờiXóa
  2. Chắc nhiều người còn nhớ bài hát:
    "Cô ơi cô, chúng cháu yêu cô lắm!
    Cô dạy chúng cháu giữ vệ sinh
    Cô dạy chúng cháu yêu hòa bình
    Tình tang tính, tang tính tình
    Dạy chúng cháu yêu hòa bình."

    Trả lờiXóa
  3. "Đứng từ phía trường đại học Công đoàn, nhìn chếch về bên trái, có thể thấy suốt đến đê La Thành còn nhìn chếch về bên phải thì đến tận làng Kim Liên vì thời đó, ở khoảng giữa chỉ là ruộng lúa, ao rau muống, bãi cỏ hoang, đầm cỏ lác... Phia sau gò Đống Đa có nhiều hồ rất lớn và sâu như hồ Bầu Dục (cả dãy phố Thái Hà ngày nay nằm gọn trong cái hồ lớn và dài ấy), hồ Đống Đa, hồ Trung Liệt,… Bên phải gò Đống Đa có một con đường rải đá dẫn vào trường cấp 1 Trung Liệt, bao quanh trường là hồ, đầm ngút ngát. Từ trường Trung Liệt có thể nhìn đến tận đê La Thành (đoạn nối Ô Chợ Dừa với Giảng Võ) hay làng Thành Công. Phía bên trái Gò cũng có một con đường rải đá dẫn vào Trại Nhi đồng Miền Nam (Có thể gọi là trường mẫu giáo chung cho các nhi đồng Miền Nam dưới 7 tuổi theo ba mẹ tập kết ra Bắc. Ngày trước Bác Hồ rất hay đến đây để thăm các cháu nhi đồng Miền Nam vào các dịp 1/6, trung thu, Tết Nguyên đán, tôi cũng đã vinh dự được gặp Người ở trại này) - một ốc đảo dừa xanh mát rượi được ôm ấp bởi những bờ tre dày, bao quanh cũng là hồ, đầm bất tận. Từ phía sau trại Nhi đồng Miền Nam có thể nhìn đến tận đường Láng bên trái hay đài khí tượng thuỷ văn nếu nhìn thẳng. "

    Của Thảo Nguyên
    (Có một dạo ba tôi đi công tác nước ngoài nhiều năm, sợ tôi lêu lổng, ông gửi tôi vào trường học sinh miền Nam ở Hà Đông. Hai năm sau ông về thấy thằng con thêm tính hung hăng, hay đánh lộn bèn xin nhà trường cho ra học trường ngoài.)

    Trả lờiXóa
  4. Ngoài Trại Nhi đồng Miền Nam ở Hà Nội, còn có Trại Nhi Đồng Miền Nam ở Hải Phòng, hai Trại này được chuyển sang Quế Lâm với tên mới Trường Nhi Đồng Miền Nam Võ Thị Sáu.
    Và ở Hà Nội ngày đó còn có Trại Nhi Đồng Miền Bắc đóng tại 20 Thụy Khuê - Hà Nội, cạnh Hồ Tây (Trại này được chuyển từ chiến khu Việt Bắc về sau 1954).
    Trong những ngày đi sơ tán, có thời gian các Trại Nhi đồng ở Hà Nội cùng đi sơ tán tại Đường Lâm, Sơn Tây...
    Sau khi Trại Nhi Đồng Miền Nam - Gò Đống Đa đi sơ tán, nơi này trở thành địa điểm đón tiếp các "chiến sỹ vượt Trường Sơn" ra Bắc, từ đây tỏa đi các trường Miền Nam và nơi này có mật danh T64. Nhiều Dũng sỹ diệt Mỹ học tại Hà Nội, không ít người được chuyển về học tại các trường Miền Nam.

    Trả lờiXóa
  5. Mình cũng ở T64 này một thời gian ,rồi sơ tán về Hà Tây.Nhớ nhất là lội bộ ra Đông Đa mua mỗi đứa 2 ổ bánh mì ,vừa găm vừa đi đến rạp xem phim !

    Trả lờiXóa
  6. Bây giờ mình thấy có rất nhiều trại nhi đồng mà nhưng thấy chất lượng và quy mô nhất vẫn là ở Hà Nội.



    p/s: Nạp Tiền Vinaphone online| Nạp Tiền Viettel chiết khấu cao | Viettel Khuyến Mãi bạn biết chưa?

    Trả lờiXóa
  7. @Quế 67/73 : tác giả bài này chắc học cùng khoá tụi mình . Mình nhớ hồi đó học cùng có 2 bạn Lào là Xây ( hoặc Sây ) và Nghé ( hoặc É ) . Có một kỷ niệm cũ là 1 trong 2 bạn đó bị đi tiểu ra máu , cả lũ xúm xít coi như coi xiếc vậy đó . Sau khi sơ tán ở Lạng Sơn về thì hai bạn đó đâu mất không biết . Chỉ có hai chị I Ren , Monique sang QL mà thôi .

    Trả lờiXóa
  8. Thư chú Ngọc Liên gửi cô Phương Trình (Trại Nhi đồng Miền Nam)

    Kính nhờ gửi tới các cô bác đã từng công tác tại Trại Nhi đồng Miền Nam cùng cô Trình lời thăm hỏi của chú Ngọc Liên mà hơn 40 năm rồi cô Trình chưa có dịp nào bày tỏ. Thư chú viết ngày 20/3/1965. Có một con dấu đỏ ghi: U08-65 (chắc là được Ban Thống Nhất của Miền Nam gửi đi vào tháng 8/1965). Cô Trình ghi: Nhận ngày 30/9/1965.

    "“Em yêu dấu của anh!!

    Đêm nay anh không ngủ được. Nhìn ra ngoài thấy những vệt trắng sáng của ánh trăng khuya xuyên qua kẽ lá. Đưa tay xem lại đồng hồ thấy hai dãy kim chỉ giờ và phút đang quyện chặt lại với nhau và chỉ đúng số 12. Anh hồi tưởng lại đến cảnh bên nhau giữa anh với em của những năm về trước. Vôi vàng ngồi dậy viết thư cho em đây!

    Em yếu dấu! Cứ mỗi lần viết thư cho em là mỗi lần anh ôn lại biết bao hình ảnh sâu sắc giữa anh và em từ buổi ban đầu gặp gỡ cho đến lúc tạm biệt em và con đi về tuyến đầu Tổ Quốc.

    Sau những trận chiến thắng ở Đức Phổ, hành quân về đến nơi căn cứ để học tập, vừa đúng lúc anh nhận được mon quà quý báu nhất từ Miền Bắc thân yêu gởi về (chính là thư của em).

    Sung sướng, hồi hộp và xúc động khi đọc thư em và nhìn kỹ những tấm ảnh. Phấn khởi vô cùng được thấy má Hai, chị Ba, em, Thanh Phương và Phương Nam vui tươi và đoàn tụ.

    Càng nhìn kỹ em, Thanh Phương và Phương Nam, bỗng nhiên lòng anh thấy se lại, mắt anh hoa lên, trên gò má anh có cảm giác nóng bởi những giọt nước mắt tuông chảy tự bao giờ và anh lịm đi trong giây phút. Khi tỉnh lại anh mới biết rõ là mình vừa lộ xúc cảm đột ngột.

    Đây là lần đầu tiên anh mới xác minh sức mạnh của tình cảm là thế đấy!

    Anh thương nhiều về Thanh Phương. Phưong tuy có lớn nhưng hình dạng không thay đổi gì mấy! Cái đầu bướng bỉnh vẫn cứ to. Khuôn mặt tròn với đôi má nũng nịu ấy. Đôi mắt đen lánh coi vẻ lầm lì lắm. Lại thêm diện bộ áo bà ba trắng ra vẻ thư sinh đạo mạo lắm. Còn Phương Nam con gái quý nhất của anh thì ra sao? Tội nghiệp nó quá! Ra đời thiếu đi nguồn âu yếm, nâng niu của người ba hiền. Hiện giờ đang ở đâu? và làm gì? Nó đâu được như Thanh Phương em nhỉ!

    Tưởng chừng như nó vô tư hồn nhiên với mọi sự trên trái đất nầy. Không! Không tưởng như thế! Nó cũng biết căm thù, biết đấu tranh quân cướp Mỹ chứ! Nó không được trực diện đấu tranh với kẻ địch như hàng nghìn hàng vạn đứa trẻ thơ ở Miền Nam nằm trên tay mẹ đi biểu tình hoặc đi ngăn cản những cuộc càn quét đẫm máu của bè lũ khát máu gây bao thảm họa đau thương với quê hương của nó. Nó ăn ngon, ngủ tốt, ít khóc, ngoan ngoãn chơi để cho em và các cô, các bà nó làm được nhiều việc một ngày bằng hai. Chính là nó đã làm nhiệm vụ đấu tranh chống Mỹ đấy!

    Em yêu dấu của anh! Chỉ còn ba tháng nữa là tròn hai năm xa em và con. Thế mà chỉ bắt được của em có một bức thư.

    Anh nghĩ rằng: có lẽ em bận công tác, học tập và con hay thư chuyển lạc nơi nào?anh trông mãi thư em, mong được biết rõ tình hình công tác và sức khỏe của em, TPhương và Phương Nam để anh mừng. Riêng anh lúc này lại khác nhiều vì đồng bằng được giải phóng, ăn uống được cải thiện, thỉnh thoảng xuống thôn xóm đổi gió đồng thời rửa mắt, rửa miệng kể cũng vui vui!!"
    (Còn tiếp)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thư chú Ngọc Liên gửi cô Phương Trình (Trại Nhi đồng Miền Nam) - tiếp

      "Khoảng tháng 7 đến tháng 9/63 anh đi hoạt động ở Đức Phổ. Cư quanh quẩn Phổ Cường, Phổ Khánh, Phổ Thạch, Phổ Hòa, Phổ Ninh,…anh được gặp rất nhiều bà con họ hàng của em và được má lên thăm 2 lần và được quen biết nhiều anh chị em khác nữa.

      Hơn một năm nay, anh đi hầu như khắp tỉnh Quảng Ngãi: đi từ rừng quế Trà Bồng đến Ba Tơ quê mẹ anh hùng. Đi từ biển muối Sa Huỳnh đến ngọt đường Vạn Tường. Dáng nên thơ được ngắm cảnh núi lẫn sông Trà.

      Anh rất tự hào hoạt động ở quê hương thứ hai là Quảng Ngãi anh hùng có Đức Phổ bất khuất. Sau đây anh lược sơ tình hình tỉnh nhà cho em mừng. Hệ thống cứ điểm đồn địch ở bốn huyện miền núi chúng rút gần hết, mỗi huyện một cái hoặc hai giữ đường chiến lược. Các huyện ở đồng bằng giải phóng hơn nửa nhất là các vùng ở nông thôn. Có huyện chỉ còn một hoặc hai xã như: Đức Phổ chỉ còn Thạch Bi và Núi Bé. Nhất là ở những xã ở dọc ven biển phong trào lên rất mạnh. Có nhiều nơi đã giải phóng hoàn toàn như: Đông Sơn Tịnh, Bắc Bình Sơn,… Thị trấn Thu xa anh em giải phóng vẫn ở được ban ngày để hoạt động. Còn chiến thắng về quân sự thì nhiều, chắc em đã được nghe trên đài, anh kể đây cũng không hết. Nhiều và nhiều lắm!!

      Em! mỗi lần anh viết thư cho em là anh nhớ đến các má, các chú, các chị ở cơ quan (là Trại Nhi đồng Miền Nam). Anh còn nhớ rõ má Ninh, má Hai, bác Mười, bác Mên, bác Tuyết, chú Hai, bác Trưng kính mến của anh. Anh quên sao được chị Mười vui tính; anh Ba chị Lánh vui vẻ thật thà (chính là cô mà các bạn hay gọi là má Lánh đó, cô đang bế một bạn trên tay trong tấm ảnh Bác Hồ đang chia kẹo cho các bạn Trại Nhi đồng Miền Nam ngay trên trang chủ WEB này) ; chị Lợi, chị Sương lạc quan cuộc sống; chị nuôi Viên ham học. Và tất cả các chị như: chị Nhạn, Ly, Bé, Điểm (chính là cô Điểm y bác sỹ của Trại Khe Khao Việt Bắc, Trại Nhi đồng Miền Nam, Trại Sơ tán Lập Thạch Vĩnh Phúc) , Tràng, Mai, Sô, Ánh, Xuân, cô Liên,… anh không nhớ tên hết. Chẳng những nhớ mà còn thương mến nhiều các má, các chú bác và các anh chị ở đấy! Anh rất cảm động nhất là thằng Phương được má Hai âu yếm cho ngồi trên mình, đứng bên cạnh là cô chị. Ngó trông nét mặt anh chàng trong trong tấm ảnh ra vẻ đắc chí và tự hào mình đây được bà và bác chiều chuộng yêu thương. Hình ảnh ấy làm cho anh thương nhớ nhiều về má Hai và chị Ba. Anh rất mong được thư em để biết rõ tình hình sức khoẻ của các bác, các chị ở cơ quan, vợ chồng cô Huệ với các cháu, ba má Hải Dương, nhất là sức khoẻ của em và hai con. Nhưng không tin tức gì thì đành vậy thôi! Trong tháng 2/65 anh có nhận được thư của anh Triêm và anh Thêm. Rất mừng là biết tình hình của anh chị và em. Tội nghiệp cho vợ chồng anh Thêm, bây giờ lại biết thương anh nhiều. May thay! có một hôm trên đường đi công tác lại gặp anh Sáng (anh chị Nguyệt) mừng quá! hỏi vội tình hình về em, hai con và chị Nguyệt rồi lại đi ngay.
      (còn tiếp)

      Xóa
    2. Thư chú Ngọc Liên gửi cô Phương Trình (Trại Nhi đồng Miền Nam) - tiếp và hết

      "Báo tin em và Huệ mừng. anh không còn công tác ở Quảng Ngãi nữa. Có thể về bộ đội chủ lực khu và cũng có khả năng được điều động về Khu 6 (cực Nam). Nếu được về tin nhà hoạt động kể ra cũng phấn khởi, hy vọng được biết tin thầy mẹ, các chị và em. Bát đầu từ giờ em nhận được thư này, em đừng gửi thư cho anh, đến khi nào có thư anh gởi ra và cho biết địa chỉ thì em mới gởi thư cho anh.

      Để động viên anh an tâm hoàn thành nhiệm vụ; để biểu thị lòng căm thù cao độ quân cướp Mỹ, vì sự nghiệp giải phóng Miền Nam, vì thống nhất Tổ quốc, vì lý tưởng cộng sản mà chiến đấu khuyên em giữ vững vị trí tiền phong của người đảng viên CS, hăng say với mọi nhiệm vụ, tích cực học tập và bảo vệ sức khỏe cho thật tốt, chú ý nhất là Phương và Nam.

      Em thỉnh thoảng đến thăm Huệ và các cháu. Nói với dượng Thái và Huệ những điều anh khuyên em.

      Chuyển lời chúc và thăm tất cả các bác, các má, các anh chị ở cơ quan một năm đầy sức khoẻ và lập nhiều thành tích.

      Chuyển lời thân mến nhất của anh đến thăm anh Tú, Triêm, Linh, anh Ba, anh vẫn luôn khỏe và sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào và đi bất cứ nơi nào Đảng phân công. Tôi sẵn sàng đón rước các anh.

      Trăng đã khuất núi tự bao giờ. Ngoài tiếng con chim bốp bốp, tất cả như chím lặng trong đêm khuya của núi rừng. Xem lại đồng hồ đã hai giờ rưỡi rồi và đôi mí mắt anh nó muốn nhắm lại. Tạm dừng ở đây, anh đi ngủ một tý để ngày mai tiếp tục nhiệm vụ. Lần nữa chúc em vui mạnh, Phương và Nam ngoan. Hẹn thư sau tâm sự với em nhiều. Gởi đến em và con nhiều cái hôn nồng thắm nhất!!

      Anh yêu dấu nhất của em

      Hôn em nhiều

      Ngọc Liên

      20/3/65″

      Hết (tuy vẫn còn một dòng nữa mà tôi không thể đọc và hiểu được vì chữ nhoè, vì không thể hiểu rõ chú định nói gì, chắc chỉ có cô Trình hiểu được thôi)

      Thư chú viết bằng mực Cửu Long nên sắp mờ hết rồi, chữ lại nhỏ li ti để viết cho nhiều tình cảm trên một lá thư nhỏ từ Nam ra Bắc qua bao đồn bốt kiểm soát của địch để tới tay cô nên rất khó đọc."

      Của Lê Minh Tâm

      Xóa
    3. Đây là một trong rất nhiều bức thư Ba em gửi cho Má

      Xóa
  9. Kỷ niệm về ba má và Bác Hồ thăm trại Nhi đồng Miền Nam

    "Tôi vẫn nhớ tôi tập kết ra Bắc trên một chiếc tàu thủy có rất nhiều vòi nước uống để cho mọi người uống nước. Sau này có lần tôi hỏi má: “Có phải thế không?”, má tôi bảo “Đúng vậy!”. Tôi vẫn nhớ lúc mới ra Bắc lúc nào tôi cũng ôm má khư khư chỉ sợ má đi mất. Có lần đi qua một bà quẩy hai thúng gạo đỏ và có nhiều quả na ở trên, má tôi dừng lại mua cho tôi mấy quả, tôi mải ăn nên không biết rằng má đã lẩn đi đâu mất, khi biết má đã trốn đi công tác tôi gào khóc khản cả cổ. Má tôi nói là lúc đó đang ở Nghệ An, má phải gửi tôi ở nhà dân để đi công tác, lúc đó má phải nấp sau cây chuối để tôi không thể nhìn thấy được rồi lẻn đi, vừa đi vừa gạt nước mắt. Ba tôi tập kết ra Bắc tr­ước, ba má tôi lại gặp nhau ở Nghệ An, mừng mừng tủi tủi, rồi hai má con lại tiễn ba đi đâu không biết, tôi nhớ má tôi lại gạt nước mắt khi xe ba đi còn lại vệt bụi mù mịt đằng sau xe…

    Ra Hà Nội, má gửi tôi vào trại Nhi đồng Miền Nam. Tôi nhớ tôi đã giằng xé với các cô để níu má lại, gào khóc, bíu gãy cả cột giường, làm rách cả áo của má để níu má lại. Nhưng không được vì má phải đi công tác… Lâu lâu ba má mới đến thăm. Kỳ nào ba má được ở nhà lâu thì chiều thứ Bảy được đón về, được ở với ba má tối thứ Bảy, ở cả ngày Chủ Nhật rồi chiều Chủ Nhật lại phải vào trại. Cho nên chúng tôi mong ngóng tới chiều thứ Bảy biết bao! Có lần buổi chiều ba đưa tôi vào trại, thấy tôi buồn buồn nên ba cứ đi ngoằn ngèo hết sang lại phải sang trái để làm tôi cười. Tôi cười váng lên khoái chí mỗi lần như vậy, có lần cười tít lên rồi cho chân vào bánh xe đạp bị chảy máu, ba phải đưa vào trạm xá cạnh trại để băng bó rồi mới vào trại với các cô.

    Các cô chọn địa điểm trại Nhi đồng Miền Nam cũng rất khéo. Không như trại Nhi đồng Miền Bắc ở cạnh phố và công viên Bách Thảo, trại Nhi đồng Miền Nam ở trên một bán đảo nhỏ giữa hồ nước to ở khu vực Thái Hà Ấp cạnh gò Đống Đa, mà tôi nghi chính là hồ Đống Đa bây giờ, xung quanh trồng dừa giống hệt cảnh Miền Nam, đi vào cổng trại phải đi qua một cây cầu gỗ, rất giống cảnh sông nước Miền Nam. Cứ mỗi buổi chiều vào thứ Bảy, các cháu lại ra cổng trại để ngóng ba má đến đón về nhà. Ai được ba má đến đón thì mừng hú líu ríu lên xe ba má đón, còn ai không có ba má đến thì lại thẫn thờ đi về trại với các cô, nhớ nhất là lại về với bà O hoặc má Lánh để nghe bà O hoặc má Lánh kể chuyện rồi đi ngủ như thường lệ."
    (còn tiếp)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kỷ niệm về ba má và Bác Hồ thăm trại Nhi đồng Miền Nam (tiếp và hết)

      "Một lần vào chiều thứ Bảy, đợi mãi mà không thấy ba má tới đón, trời sắp tối nên tôi rời cổng trại đi về phía cầu để ngóng, ngóng mãi vẫn không thấy, tôi lại đi lên cầu. Chiếc cầu bằng gỗ đã cũ mòn, lại nhiều xe chở đồ và người hàng ngày qua lại nên có vài lỗ thủng to trên cầu. Tôi ngóng mãi ba má không thấy nên xoay ra ngối nhìn xuống sông qua lỗ thủng của cầu, nhìn dòng nước chảy rồi lại đưa chân vào lỗ thủng lắc lư rơi cả dép xuống sông, rồi lại vươn ra thành cầu chổng mông lên nhìn dép của mình đang trôi theo sông. Thế rồi cả người lao xuống sông luôn. Rất may bên sông có một doanh trại bộ đội đóng, có chú bộ đội nhìn thấy và lao xuống cứu tôi lên rồi đưa vào trại cho các cô. Ngay lập tức, sáng thứ Hai sau, không hiểu sao mà Bác biết được ngay, một chiếc ô tô đen phóng đến trại. Từ trong xe, Bác Hồ bước ra, Bác thường đi thăm phòng ăn ở của các cháu trước rồi mới đến phòng các cô. Bác phê bình các cô đã để cháu ngã xuống sông. Rồi Bác tập trung các cháu ở sân để phát kẹo (hồi đó tôi chưa biết xin Bác ức ức chiếc kẹo như các bạn ở trại Nhi đồng Miền Bắc), Bác bảo các cháu đứng đằng trước, các cô đứng đàng sau, bác đứng trên bực thang cao ở sau cùng giang hai tay ra như ôm tất cả các cô cháu trong trại vào lòng để chụp ảnh rồi biến mất lúc nào mà cả cô lẫn cháu đều không hay.

      Sau này, khi lớn lên phải rời trại, học lớp 5-6 ở trường Trung Liệt bên cạnh gò Đống Đa, mỗi lần thấy chiếc xe đen đi vào phía trại là tôi biết ngay đó là xe của Bác Hồ nên vội chạy ba chân bốn cẳng để đuổi theo xe mong được gặp Bác ở cổng trại. Còn các bạn khác trong trường thì chẳng hiểu vì sao tôi lại vội vã chạy đi như thế.

      Một lần (tiện thể kể luôn) má tôi đang bắt tôi phải rủa chân ở ngay bể nước trong sân Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tôi không chịu, má tôi bảo: “Không rửa chân thì không được gặp Bác Hồ đâu”. Thế mà bỗng dưng Bác Hồ xuất hiện thật trong sân. Bác đi lên phòng hội trường của Hội rất nhanh, các cô chen nhau bồng bế con lên để gặp Bác. Trẻ con được ngồi vào chiếu chỗ gần Bác (thế nên tôi mới hiểu vì sao mẹ tôi bắt phải rửa chân), mỗi đứa được Bác cho một quả ổi. Một cô chen mãi không được, đứng khóc ở phía xa xa. Thế mà Bác cũng nhìn thấy, chỉ vào cô rồi nói đùa “lêu, lêu lớn thế mà khóc nhè” . Thế là mọi người rẽ ra để cô đến được gần Bác hơn.

      Về vụ suýt chết đuối làm khổ các cô thì riêng tôi còn một vụ nữa, thế mà ở các trại có hàng trăm cháu nghịch ngợm suốt ngày, như con loi choi, nghịch khủng khiếp hơn tôi rất nhiều thì mọi người thử tưởng tượng coi các cô vất vả thế nào khi phải quản một đàn cháu như vậy. Nhất là ở nơi sơ tán núi thì cao, rừng thì rậm, sông suối và hồ thì nhiều, đạn bom suốt ngày mà không mọt cháu nàp bị sa sảy việc gì trong suốt từng ấy năm thì đó quả là một chiến công lớn của các cô chú trong trại. Sau vụ suốt chết đuối ở trại Miền Nam, má tôi chuyển tôi sang trại Miền Bắc cho tiện hơn. Ở trại Miền Bắc (tôi kể luôn thể) hè nào các cô cũng hay đưa cả ngần nấy các cháu đi chơi biển Đồ Sơn, cho các cháu học vẽ trên biển (như trong ảnh đó, tôi đứng cầm bút và giấy vẽ đứng cạnh mỏm đá). Thế nhưng các cháu ở trên bờ nghịch thế nào thì xuống biển còn nghịch khiếp hơn. Mọi người té nước vào nhau, giật chân nhau,… tôi đang đứng hiền lành ngoan ngoãn thế mà bỗng có một bạn trai đến đấm một quả vào đầu làm tôi chìm ngỉm không kêu ca được một tiếng nào. Bỗng cô Cát thấy có chỏm tóc lờ phờ trên mặt nước, cô vội kéo túm tóc lên, lúc đó tôi đã bị uống rất nhiều nước nên không hay biết gì nữa. Mãi sau mới tỉnh lại làm cả trại lại một phen hết cả hồn."

      Đăng bởi Lê Minh Tâm

      Xóa
  10. Đọc lại bài TÔI ĐI TÌM BẠN TÔI của chị Như Nguyện ngày 9/9/2008 trên siêu thị này, vào Blog của chị Lê Minh Tâm Forum của "Những người đã học tập ở Ukraina" ngộ ra một điều: có quá nhiều người từng ở Trại Nhi Đồng Miền Nam.

    Trả lờiXóa
  11. Công bố tiêu chuẩn của HSMN:

    Tại: CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 1.000/TTG NGÀY 9 THÁNG 8 NĂM 1956 BỔ SUNG CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, ĐỒNG BÀO MIỀN NAM
    Trích phần: III. ĐỐI VỚI HỌC SINH VÀ NHI ĐỒNG MIỀN NAM
    1) Học sinh miền Nam tập kết đang học ở các trường miền Nam được cấp phát sinh hoạt phí như sau:
    - Em từ 14 tuổi trở lên được cấp : 18.000đ 1 tháng
    - Em từ 14 tuổi trở xuống được cấp : 17.000đ 1 tháng
    2) Học sinh vượt tuyến được vay như sau:
    - Em từ 14 tuổi trở lên mỗi tháng được vay: 18.000đ nếu ở thành phố,
    16.000đ nếu ở nông thôn.
    - Em từ 14 tuổi trở xuống mỗi tháng được vay : 17.000đ nếu ở thành phố,
    14.000đ nếu ở nông thôn.
    Các mức cho vay trên đây là mức tối đa gồm cả tiền ăn và học phẩm. Các địa phương cần xét hoàn cảnh cụ thể của từng em mà định mức số tiền cho vay cho sát.
    3) Đối với các thiếu nhi miền Nam thì được giải quyết như sau.
    a. Những em ở các Trại thiếu nhi (ở Hà Nội cũng như ở Liên khu 4) thì được cấp phát thống nhất mỗi tháng 14.000đ cho mỗi em, kể cả tiền ăn và các khoản chi tiêu khác. Ngoài ra mỗi năm mỗi em được Chính phủ may cho 2 bộ quần áo.
    b. Những em hiện nay sống cùng với cha hoặc mẹ ở cơ quan, xí nghiệp doanh nghiệp, công trường, nông trường thì ngoài phụ cấp theo chế độ hiện hành, được hưởng chế độ chăm sóc về sức khoẻ quy định chung cho con các cán bộ, nhân viên miền Nam cũng như miền Bắc như sau:
    - Tiêu chuẩn thuốc men: 250đ một tháng cho mỗi em.
    - Y tá cơ quan có trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ cho các em.
    - Khi các em đau nặng thì được đến khám bệnh ở các phòng khám bệnh cho cán bộ, nhân viên Chính phủ. Nếu xét cần thì được giới thiệu vào nằm điều trị ở các bệnh viện dân y, được cấp thuốc men theo nhu cầu. Tiền nằm nhà thương tính 2/3 số tiền phụ cấp hàng tháng của các em, được cấp thuốc men để về y tá cơ quan săn sóc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi đó tiền VNDCCH đang còn dùng các đơn vị là đồng, hào và xu, Lương cán bộ công chức mới tốt nghiệp sơ cấp 36 đồng, trung cấp 45 đồng, đại học 54 đồng, thì số tiền hàng chục ngàn đồng có chính xác không anh?

      Xóa
    2. @Nặc danh 08:39:00 18-09-2015:
      - Phần trên là trích nguyên văn của chỉ thị 1.000/TTG NGÀY 9 THÁNG 8 NĂM 1956.

      - Từ 1951, Việt Nam sử dụng "tiền Đông Dương" trong vùng Pháp chiếm, đồng thời dùng "tiền Ngân Hàng" do Ngân hàng Quốc gia phát hành.

      - Năm 1954 sau Hiệp định Genève, đồng "tiền ngân hàng" này đã trở thành tiền chính thức của quốc gia mới mang tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa được công nhận ở Miền Bắc Việt Nam.

      - Ngày 28 tháng 2 năm 1959 Miền Bắc đổi tiền, thay loạt tiền phát hành trước kia năm bằng loạt tiền mới in ở Tiệp Khắc với tỷ giá 1 đồng (năm 1959) = 1000 đồng năm 1951. Mỗi hộ được đổi tối đa là hai triệu đồng cũ để lãnh 2.000 đồng mới. Số tiền hơn hai triệu phải ký thác vào ngân hàng nhà nước.
      + Loạt tiền mới giấy bạc có sáu tờ: 1 hào, 2 hào, 5 hào, 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng và 10 đồng.
      + Tiền kim loại có 3 đơn vị: 1 xu, 2 xu và 5 xu.

      Như vậy 1956 vẫn dùng 'tiền Ngân hàng", nên mới có số tiền đến cả chục ngàn đồng là vậy.

      Xóa
  12. Giám đốc Trại Nhi Đồng Miển Nam – Thái Hà ấp, Hà Nội
    Bà Nguyễn An Ninh, tên thường dùng là Trương Thị Sáu (1899-1983) là một chính khách và nhà hoạt động xã hội Việt Nam. Bà cũng là vợ của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh.
    Bà có nhũ danh là Trương Thị Sa, sanh ngày 26 tháng 6 năm 1899 tại Phước Lại, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (hiện nay là tỉnh Long An).
    Từ năm 1955 đến năm 1970, Bà được phân công xây dựng trường Nhi đồng miền Nam. Tuy công việc nặng nề, khó khăn vì thời kỳ này máy bay Mỹ đang đánh phá miền Bắc Việt Nam, trường phải liên tục dời địa điểm nhưng bà vẫn hoàn thành nhiệm vụ.
    Bà là Đại biểu Quốc Hội khóa 2 và 3 liên tục trong 10 năm. Và trong thời gian từ năm 1955 đến 1970, bà được đi tham quan hàng chục nước như Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô, Tiệp Khắc, Hung-ga-ri, Bung-ga-ri, Cộng hòa Dân chủ Đức, An-ba-ni, Thụy Sĩ. Riêng tại Trung Quốc, bà gặp lại con trai Nguyễn An Tịnh đang du học ở Bắc Kinh, và tại Cộng hòa Dân chủ Đức, bà gặp người con trai út Nguyễn An Vĩnh đang theo học ở đây suốt 17 năm, sau này đậu bằng Tiến sĩ Khoa học. Trong cuộc đời bà, sự hy sinh lớn nhất là không thể tự mình chăm sóc các con ngay từ khi chúng còn thơ ấu mà phải gởi nhờ bè bạn dưỡng nuôi, trong đó có ông bà Võ Thành Cứ (là Giáo sư, Nghị sĩ chánh quyền Sài Gòn thập niên 40). Nhưng sự hy sinh ấy đã được đền bù xứng đáng, các con của bà đều nên người và đi theo con đường lý tưởng của cha mẹ.
    Ghi nhận công lao với đất nước, chính phủ Việt Nam đã trao tặng Bà Huân chương Độc Lập hạng nhất.
    Bà mất ngày 03 tháng 12 năm 1983, hưởng thọ 84 tuổi, trong sự tiếc thương, ngưỡng mộ của nhiều tầng lớp dân Sài Gòn thời điểm đó.

    Trả lờiXóa
  13. Chú đi tuần
    Gió hun hút lạnh lùng
    Trong đêm khuya phố vắng
    Súng trong tay im lặng,
    Chú đi tuần đêm nay.
    Hải Phòng yên giấc ngủ say
    Cây rung theo gió, lá bay xuống đường…

    Chú đi qua cổng trường
    Các cháu miền Nam yêu mến.
    Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến
    Các cháu ơi ! giấc ngủ có ngon không?
    Cửa đóng che kín gió, ấm áp dưới mền bông
    Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé!
    Trong đêm khuya vắng vẻ,
    Chú đi tuần đêm nay
    Nép mình dưới bóng hàng cây
    Gió đông lạnh buốt đôi tay chú rồi !
    Rét thì mặc rét cháu ơi !
    Chú đi giữ mãi ấm nơi cháu nằm.

    Mai các cháu học hành tiến bộ
    Đời đẹp tươi khăn đỏ tung bay
    Cháu ơi ! Ngủ nhé, cho say…
    Cháu ngoan của chú giờ này biết không ?

    Tác giả Trần Ngọc

    Trả lờiXóa
  14. Bài hát hay được hát vào những buổi diễn văn nghệ năm ấy

    - Bài hát về anh nông dân, anh công nhân – những người lao động bình thường, yêu anh bộ đội – người bảo vệ Tổ Quốc:

    1. Sáng hôm nay, anh tôi vác cuốc

    Vác cuốc ra thăm đồng

    Anh cuốc như thế này, anh cuốc như thế kia

    Như thế này là như thế kia

    Hỡi anh ơi, anh chăm cuốc đất

    Cuốc đất, ra thăm đồng

    Cho vui lòng Bác Hồ, cho vui lòng chúng em

    Vui Bác Hồ là vui chúng em!

    Một bạn vác cuốc, vừa cuốc cuốc xuống sàn nhà vừa hát bài này xong, tất cả các bạn khác cùng vung tay phụ họa theo: “Em yêu anh nông dân, anh nông dân là anh nông dân”.
    Sau đó lại một bạn vác búa bước lên, vừa đánh búa vừa hát:

    2. Sáng hôm nay, anh tôi vác búa, vác búa ra công trường

    Anh đánh như thế này, anh đánh như thế kia

    Như thế này là như thế kia

    Hỡi anh ơi, anh chăm đánh búa

    Đánh búa trên công trường

    Cho vui lòng Bác Hồ, cho vui lòng chúng em

    Vui Bác Hồ là vui chúng em!

    Tất cả các bạn lại vung tay đồng thanh: “Em yêu anh công nhân, anh công nhân là anh công nhân”.
    Sau đó lại một bạn vác một khẩu súng giả đi ra khỏi hàng, vừa vác súng vừa vung tay như đi mốt hai mốt và hát:

    3. Sáng hôm nay, anh tôi vác súng, vác súng ra thao trường

    Anh bắn như thế này, anh bắn như thế kia

    Như thế này là như thế kia

    Hỡi anh ơi, anh chăm bắn súng

    Bắn súng bảo vệ đồng bào

    Cho vui lòng Bác Hồ, cho vui lòng chúng em

    Vui Bác Hồ và vui chúng em!

    Tất cả lại cùng vung tay đồng thanh: “Em yêu anh bộ đội, anh bộ đội là anh bộ đội”.

    Trả lờiXóa
  15. Hình 1 phía trên:
    “Hổ là tên một trại viên trại NĐMNam nghịch ngợm nhất trại, bạn này vinh dự có một tấm hình với Bác Hồ không phải vì bạn đó ngoan nhất hay học giỏi nhất, mà bởi vì khi nghe tin Bác Hồ đến thăm trại NĐMN, bạn chạy đến chỗ Bác nhanh chân nhất, cầm lấy tay Bác quàng qua hai vai mình, thế là bạn có một tấm với Bác cho đến giờ.”
    Anh Hổ sau này là sĩ quan quân đội, đóng quân ở Đà Nẵng, theo suy đoán là thuộc Quân khu 5.
    Theo Chuyện ba mẹ tôi và chuyện của tôi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. “Trong lúc đến thăm các bạn và các cô ở TP HCM, Tâm đã đưa cho mọi người xem ảnh bạn Hổ và Bác Hồ, ảnh Bác Hồ thăm khi các bạn Trại NĐMN đang ăn cơm do Hổ và Dung cung cấp (ảnh sịn, do Hổ thu thập từ khi Trại NĐMN bắt đầu sơ tán, khi đó chẳng ai để ý đến việc mang theo ảnh cả nên vứt lung tung ở sân), hai bạn đã đưa khi ghé thăm nhà các bạn ở ĐN (Đà Nẵng)”.
      Trích từ: Lần đầu gặp nhau sau chiến tranh

      Hổ - cậu bé giơ tay và cười trong hình.

      Xóa
  16. Hình 4 (hình cuối):

    “Bạn Lê Trực (Phạm Lê Trực) và Lê Hương (Phạm Lê Hương) cũng có một ảnh chụp với Bác Hồ khi Bác đang chia kẹo cho các bạn ở Trại NĐMN cùng má Lánh. Hôm nào tôi sẽ post lên cho các bạn xem. Thực ra là ảnh đã có trên forum rồi, ảnh có cây dừa ở phía tay phải các bạn, Bác Hồ đang cúi xuống chia kẹo, còn bạn Trực đứng ở phía tay phải (trông lớn nhất) đó, cón má Lánh thì đang bế một em bé, Bé Hương là bạn gái đứng ở giữa Bác và các bạn khác.”
    “Bạn Phạm Lê Trực, con cô Lê Đoan – nguyên PV liệt sĩ Báo PNVN ở xóm 47 Hàng Chuối, anh của Phạm Lê Hương, là trại viên trại Nhi đồng Miền Nam và Miền Bắc…”
    Phạm Lê Trực – sau này học trường “Thiếu sinh Quân Nguyễn Văn Trỗi” hay trường Văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi.
    Trích từ: Tin buồn: Bạn Phạm Lê Trực mất

    Trả lờiXóa
  17. Chúng tôi, bọn Quế nhí, trước khi sang TQ, được chuyển tới trường NĐMN ở Đống Đa, nhưng chẳng được gặp Bắc Hồ như các anh chị, 1 thời gian ngắn là sang TQ, bé quá nên không nhớ cảnh quan ở đó như thế nào, chỉ nhớ trường ở gần cái ao khá to, rất nhiều chuồn chuồn từ bọn kim cho tới bọn ớt, các má tắm thì nhúng xuống ao rồi lôi lên dội nước ở giếng, thế là xong, ghẻ quá trời...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @Quế nhí: ghẻ ruồi, chí (chấy), chốc lở là đặc trưng, khó lành của những đứa trẻ sống tập trung ngày đó. Những ngày tháng đầu tiên ở Quế sau khi hết ghẻ ruồi, chốc, lở, chí trên đầu cũng kéo dài thêm một thời gian. Khi biết, thấy con ghẻ đào hầm dưới da, ta lấy kim khơi lên bắt con ghẻ ruồi, kinh. Thế mới hiểu tại sao lũ con trai được cắt đầu "cua" (bây giờ là mốt đầu đinh), con gái tóc cắt như cái thố up trên đầu nên cón chí dài dài đến khi hết cấp 1 vì tóc dài, lại hay ngủ chung, khiếp.

      Xóa
  18. nếu minh ko nhầm cậuHô này đuổi theo xe của Bác ,ra tới cổng Trại bị té trây hết mặt mày.Cậu này hay chơi với cậu Mai cung là con cua một cô làm việc ơ Trại.Có một lần bon minh được cô thông báo hôm nay có đoàn khach đặc biệt đến thăm Trại ,bọn minh được cô cho ăn cơn sớm,lúc đó khoang hơn 9h,mà Trại thương hay đón khach đặc biệt lắm ,nên chăng để y,cac cô cung vậy,được ăn cơm sớm là sương rồi, đang ăn thì đoàn khách đến,đoàn khach ko vaò hội trường các cô chuẩn bị săn,mà đi thăng về phía nhà vệ sinh,minh còn nhớ có cô nóichắc khách nước ngoài lạ thức ăn chôt bung ,bọn minh nhìn ra nhận ra ngay và la :Bác Hồ ,ko kip rửa miêng ,ko chờ cáccô dân ra ,tất cả ua ra đón Bác,mình thấy Bác đi vội về côt cờ trước hôi trường(nếu chậm bọn minh bao vây ngay).Bác và các cô chú chia keo...trước lúc ra về Bác nói:Các cháu có nghe lời Bác ko,≪có a≫,Bác bao :vậy các cháu trât tư Bác chau ta cung hat bai kết oan,rồi Bac bắt nhip ,mọi người đang say sưa hat Bác và cả đoàn vội lên xe ra về,nếu ko làm vậy Bác ko thể thoat đi được,bọn minh chay theo cậu Hô nay té trong trường hợp đó.Minh ko bao giờ quên được những lần Bác thăm TNĐMN

    Trả lờiXóa
  19. nếu minh ko nhầm cậuHô này đuổi theo xe của Bác ,ra tới cổng Trại bị té trây hết mặt mày.Cậu này hay chơi với cậu Mai cung là con cua một cô làm việc ơ Trại.Có một lần bon minh được cô thông báo hôm nay có đoàn khach đặc biệt đến thăm Trại ,bọn minh được cô cho ăn cơn sớm,lúc đó khoang hơn 9h,mà Trại thương hay đón khach đặc biệt lắm ,nên chăng để y,cac cô cung vậy,được ăn cơm sớm là sương rồi, đang ăn thì đoàn khách đến,đoàn khach ko vaò hội trường các cô chuẩn bị săn,mà đi thăng về phía nhà vệ sinh,minh còn nhớ có cô nóichắc khách nước ngoài lạ thức ăn chôt bung ,bọn minh nhìn ra nhận ra ngay và la :Bác Hồ ,ko kip rửa miêng ,ko chờ cáccô dân ra ,tất cả ua ra đón Bác,mình thấy Bác đi vội về côt cờ trước hôi trường(nếu chậm bọn minh bao vây ngay).Bác và các cô chú chia keo...trước lúc ra về Bác nói:Các cháu có nghe lời Bác ko,≪có a≫,Bác bao :vậy các cháu trât tư Bác chau ta cung hat bai kết oan,rồi Bac bắt nhip ,mọi người đang say sưa hat Bác và cả đoàn vội lên xe ra về,nếu ko làm vậy Bác ko thể thoat đi được,bọn minh chay theo cậu Hô nay té trong trường hợp đó.Minh ko bao giờ quên được những lần Bác thăm TNĐMN

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]