Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

CỔNG QUẾ

Cha mẹ tôi tập kết năm 1954, diện trao trả tù binh. Cha tù chính trị Côn đảo, trả tại Sầm sơn Thanh hóa. Mẹ tù binh nhà lao Con gà Đà nẵng, trả tại Cửa hội Nghệ an. Phải mất hai năm tìm nhau ở câu lạc bộ Thống nhất  Hà nội mới gặp lại, và thế là sản xuất ra ba anh em nhà tôi hai năm một như truyền thống.

 Mùng 5 tháng 8 năm 1964, sự kiện vịnh Bắc bộ nổ ra. Mỹ chính thức tuyên bố ném bom miền Bắc, một bước leo thang chiến tranh mới. Người dân thủ đô cùng cả nước sôi sục dõi theo động thái này. Tôi còn nhớ cha tôi tay ẵm thằng út, tay dẫn đứa em gái và tôi đến dưới loa phóng thanh chật ních đồng bào tại vườn hoa, hóng nghe lời hiệu triệu của cụ Hồ...chiến tranh có thể kéo dài năm năm...mười năm...hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa. Hà nội, Hải phòng và một số thành phố khác có thể bị tàn phá...Tay cha tôi nắm chặt lặng yên không nói, chúng tôi còn quá nhỏ để hiểu điều gì đang xảy ra, nỗi linh cảm đạn bom thấp thoáng.



Đến sau tết năm 65 thì cha tôi đi B, mẹ và tôi đưa tiễn. Sân ga Hàng cỏ khuya, vẫy vẫy vẫy, đoàn tàu trôi nam thun thút vào bóng đêm. Và cha tôi đi mãi...Cũng năm này không quân Mỹ bắt đầu bỏ bom miền Bắc theo lời hứa.Lũ trẻ con chúng tôi cũng bắt đầu nô nức sơ tán ra khỏi thủ đô để tránh bom. Còn người lớn ở lại bám trụ sản xuất.

Anh em nhà tôi đi theo bệnh viện Bích câu Hà nội là nơi công tác của mẹ. Phải nói ngay là không khí chống Mỹ hừng hực khắp làng quê miền bắc, các tên làng tên xã như Đoài, Đông...được đổi lại thành những Toàn thắng, Hiệp lực, Quyết chiến, Thành công, Toàn lợi..v..v...nếu huyện mà đổi tên được nhẽ họ cũng đổi, cho nó máu chiến đấu vật. Địa chỉ quê tôi sơ tán là thôn Quyết tiến, xã Quyết thắng, huyện Đan phượng tỉnh Hà tây (bây giờ thành Hà nội rồi).

Hai năm sơ tán, ở nhà dân địa phương, học cùng trẻ trâu địa phương, ăn cơm trại, nếu cứ mãi như vầy là thành quê hương đấy. Cái đói thì không thảo luận làm gì vì ai cũng, nhưng cái sự thèm mẹ thì đau đáu lắm. Hàng tuần cứ chiều thứ bảy là trẻ con cả trại lại kéo nhau ra sân đình, nhìn con đường xa xa hóng cha hóng mẹ lên thăm. Thứ bảy không thấy thì sáng chủ nhật lại hóng tiếp, mãi đến trưa ngái không thấy ai lên mới lủi thủi về cơm trại. Cái sự thèm mẹ của tôi nhân lên bởi mỗi thứ bảy mẹ lên, tôi lại phải nhường cho hai đứa em nằm hai bên ôm mẹ, còn tôi chầu rìa, làm anh mà.

Rồi một hôm cuối tháng 3 năm 67, tôi đang học dở lớp hai. Chẳng phải là thứ bảy hay chủ nhật mẹ tôi đạp xe lên trại, anh em tôi nhảy tưng tưng mừng rỡ. Cơm trưa xong mẹ tôi bắc nồi chè đậu đen, đậu nhừ mẹ tôi bảo tôi mở thùng quần áo lấy lọ đường mới hôm chủ nhật mẹ mang lên. Tôi gãi đầu lúng búng, anh em con đói quá xúc ăn vã hết rồi. Mẹ tôi ớ người bởi đinh ninh còn, bây giờ làm sao đây (đường hồi hổi đâu có dễ mua như ngày nay). Thôi đành bỏ muối vô chè vậy, thế là thành chè muối. Tất nhiên anh em tôi không húp soàm soạp hăng như chè đường, từ từ nhưng cũng hết, đói mà. Nhớ chè muối vãi ta ơi...

Đến xẩm tối thì mẹ bảo chở tôi về để đi sơ tán nơi khác, mẹ phải nói dấu  vì sợ hai đứa em khóc. Tôi mừng hớm trong bụng vì được về mới mẹ, nhưng lại chạnh buồn khi chia tay hai đứa em dại. Trên đường về tôi mới biết là được đi học ở Trung quốc, với cái đầu lâu còn non nớt như tôi thì  biết TQ là cái gì đâu, chỉ nhớ trong câu đồng dao ngày trước chúng tôi hay nghêu ngao, ông Liên xô bà Trung quốc, ông đi guốc bà đi giầy, ông nhảy dây bà đá bóng...Nhưng thôi, mẹ bảo đi đâu thì đi thôi.

Mẹ tôi và cô Phán (má Minh núi) là bạn chiến đấu hồi còn ở trong trỏng, cô Phán ra phụ trách cửa hàng bách hóa số 5 Nam bộ, Minh núi cùng tôi đi đợt này. Hàng viện trợ về cô chọn hai bộ quần áo nhung trẻ con màu xanh hòa bình còn mới toanh cho hai đứa để đi nước ngoài. Hai đứa tôi đóng bộ vào đi chơi vườn hoa cạnh nhà, ôi giời, hai thằng đẹp như thiên thần, nhẽ hôm đó là hai đứa trẻ đẹp nhất Hà nội luôn, thề không phét.

Tối về ngủ ôm mẹ chặt cho thỏa nỗi thèm mẹ bấy lâu. Và ngày đi cũng đến, vẫn ga Hàng cỏ năm nào tiễn cha, đông lắm, khóc như ri, lần này bọn nhóc chúng tôi ngược bắc. Tôi úp mặt khóc hua tay bảo mẹ về đi, về đi vì sợ phút chia tay. Đoàn tàu xình xịch chạy xuyên đêm (thời chiến tất cả sự giao thông đều về đêm hết, để phòng không kích). Hôm sau đến ga Bằng tường thì đổi sang tàu TQ, ây dà bên nước mình cái gì cũng xám xám đen đen do phòng không, còn sang đây bừng lên một màu đỏ chói lòa. Tàu đẹp hơn, ăn ngon hơn. Lần đầu tiên lũ nhóc chúng tôi được làm quen với huy hiệu Mao chủ tịch, ôi chao là nhiều, to nhỏ các loại cùng trước tác của người, đẹp vãi và đỏ au tất.

Bọn trẻ dễ quen nhau rất, chúng tôi bắt đầu bi ba bi bô tán chuyện, rồi dạn dĩ hơn, chưa thấy nhớ nhà mấy. Tới tối thì đến Quế lâm, tháng tư trời còn rét, bọn trẻ chúng tôi được đưa về trường cũ, dãy nhà gần hội trường cấp ba, ngủ đã mai tính. Chăn ấm nện êm, hai ngày mệt nhọc bọn tôi lăn quay ra ngủ thôi rồi và mơ giấc mơ đẹp. Mấy đứa nằm tầng dưới, lăn qua lộn lại vài lần rồi rơi bịch xuống đất, lục đục bò dậy miệng mếu máo mẹ ơi mẹ đâu rồi, nhẽ chúng đang thèm mẹ, tôi cũng. Sáng ra được phát đồ dùng cá nhân mới, thùng thình xúng xính. Rồi cũng từ đây chúng biết, nỗi thèm mẹ sẽ tạm lắng xuống và nỗi khát bạn, khát thầy bùng lên. Ấy là nhập Quế.

Biên chuyện này để thấy thêm mỗi mảnh đời của bọn "đù gia công" chúng tôi, được ghép lại để tạo thành một bức tranh HSMN hoành có một không hai trong lịch sử nước nhà.
                                                                       Tháng 11 năm 2014

Xuân Hùng

29 nhận xét:

  1. Thế đấy, mỗi người đều có mảnh đời riêng, một gia đình riêng, một hoàn cảnh riêng, nhiều nỗi nhớ - mong riêng, một cá tính riêng rất trẻ con và hoang dã. Thế rồi từ nhiều nơi cùng tụ về một nơi, để rồi trở thành người thân của nhau từ những ban đầu đầy nghịch ngợm, đánh nhau sứt đầu mẻ trán, đủ chuyện trẻ con. Đến khi xa nhau vẫn nhớ, đến khi tụ họp lại rất chi hoang dã, thương nhau cũng nhiều, làm cho nhau đau cũng lắm. Vậy mới là gốc Quế, mới là HSMN.

    Trả lờiXóa
  2. Các Quế ơi ! Cái tên X.H này không phải tên " đù gia công " mà là tên " MIỀN ĐÙ ĐẦU TƯ " vì chỉ thuê đất chứ đâu có thuê nhân lực ! Miền Nam sản xuất ra hắn 100% mà . Mấy Quế " gia công " Cha MN tập kết ra Bắc rồi thuê khuôn ngoài ấy đúc dứt khoát không cho hắn nhập Hội nha ! He he...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ưà há VAV há, hổng thôi nhờ N.H sửa lại "đù gia công" thành "đù giọng bắc" cho nó mang tính quần chúng cao hén, bị lần trước đi họp ở White palace mấy lão làng ngồi cạnh thắc mắc, mày hsmn gì mà toàn phang giọng bắc không mậy, :-j :-j :-j

      Xóa
    2. - XH: Ngày xưa, mấy ông "chiến sỹ vượt Trường Sơn" toàn gọi mấy tên nói giọng Bắc là "gia công", nên dùng từ này là chuẩn không cần chỉnh. Còn không biết chọn nghĩa nào trong các nghĩa sau:

      Nghĩa của từ "Gia công" (đg):
      1. (cũ; id.). Bỏ nhiều công sức vào việc gì; ra sức. Gia công luyện tập.
      2. Bỏ nhiều công sức lao động sáng tạo để làm cho tốt, cho đẹp hơn lên, so với [..]
      3. Làm thay đổi hình dạng, trạng thái, tính chất, v.v. của vật thể trong quá trình chế tạo sản phẩm gia công kim loại gia cô [..]
      4. Nhận nguyên vật liệu để làm ra sản phẩm theo yêu cầu (một hình thức tổ chức sản xuất)
      5. Trong hóa học, gia công là thuật ngữ để chỉ một loạt các thao tác cần phải có để cô lập và tinh chế các sản phẩm của phản ứng hóa học. Thông thường.

      Xóa
  3. Bài viết hay quá! Con đường làm Quế mỗi đứa mỗi vẻ, đâu đó ngày dứt cha dứt mẹ, rồi nhập với nhau để làm những đứa trẻ được tác tộ thành một thành phẩm đặc biệt gọi là HSMN.
    Cám ơn Quế XH

    Trả lờiXóa
  4. Đang thắc mắc sao chưa thấy và ước giá bây giờ có một bài của XH lên siêu thị thì hay quá, cũng tính phone thì có ngay. Chúc mừng XH được con cho smartphone mới, cứ xài đi rồi quen, chắc loại quẹt quẹt chứ nhỉ? Được cái lướt WEB, tìm đường, nghe nhạc hơn cái bấm bấm chứ nhể!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lộ diện đi ND ơi, nôn biết quá, :8) :8) :8)

      Xóa
  5. Thật xúc động a XH ạ,lại cũng buồn cừi đoạn a gãi đầu lúng búng gãi đầu zụ cùng các e ăn vã hết đường....rùi mấy má con đành ăn chè muối....Làm a chắc khó lắm a XH nhỉ-vụ nghịch như quỷ sứ của HSMN có phải dấu các e của a ko-vụ tháo bóng đèn cùng huynh Châu rót-zụ ra làng Choang bên Quế ...Lúc mà chơi các trò nghich ngợm ấy mấy ai mà nhớ mình là a hay là chị đâu nhỉ.
    Còn sao lại gọi là dân gia công :UL chỉ nhớ đơn giản là vầy nè,cũng chỉ gọi vui,là Hsmn nhưng có ba quê Nam,má quê Bắc,hay ngược lại- chủ yếu sanh ra ở Mbac,nên nói giong Bắc-có khi còn nói đùa là dòng lai F1 hai miền N-B,ko thuần chủng MN,,ko thuần chủnng MB-còn như a XH,ba má tuyền MN nhưng a sanh ở MB nên giọng B thì giờ mới bit,Hồi ở Quế, hễ Quế nào nói giọng B ,UL đều ngỡ dân gia công như mình-ngố quá cơ :| :|
    c

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hum ni chữ c sau mỗi entry, mỗi còm của huynh TGTB đã lây qua UL rùi! Mai mốt nó lây khắp siêu thị như ebola thì nguy! :))

      Xóa
    2. @UL: như chị em nhà NH, NA, NM cũng đều được gọi là "gia công" đó, chủ yếu là nói giống Bắc = "gia công"

      Xóa
    3. @Nặc danh 13:00:00 23/11
      Chính xác , cứ HSMN mà sanh ở ngoải thì gọi là gia công . Thế thôi UL à , vì ba mẹ chị dân Nam kỳ hết mờ .

      Xóa
    4. UL à, cái ngày í í anh đã là tổ trưởng tổ tam tam rồi, được trang bị dây chuyền bằng dây dù, mặt dây là chìa khóa hòm sơ tán, lúc nào cũng đeo tòn ten trước ngực. Trong hòm hỏm đủ thứ hầm bà lằng, quần áo, xà phòng 72%, sách vở, đường, bánh kẹo, và cả nước mắm. Làm anh khó lắm, nhất là lúc đói, hai đứa em theo dụ ăn cái là anh xiêu lòng ngay. Ba anh em cũng một thìa xoay vòng hí hửng, chỉ nhoáng cái là hết, bánh kẹo và đồ ăn rất ít khi tồn tại lâu. Bởi vậy sau này lớn đi làm anh không dám làm quản lý, thế mới đau sờ cau chứ,:)):)):))

      Xóa
  6. Bài hát là bài gì nhỉ?

    “Tung pháng hùng thai zàng shẩng

    Trung quố shứa lưa cưa Mao Chửe Tung

    Tha uẩy rân min mầu xín pu

    Hú wây hây rẩn tha chứ rân mìn thá chiu sìn”

    Còm:
    "Ai, ai dám đưa bài hát này lên mạng?" Như vậy là không có lập trường, không yêu nước!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @Nặc danh 13:07:00 23/11
      Kinh nhể . 23h17 22/11 Ráo nhận được một sms , nguyên zăng như sau : Chúng ta là dân trường Bé mà sao không về quê AHLS N.V. Bé để thắp nén nhang tri ân người mà trường ta mang tên , LS N.V. Bé quê ở đâu ? Nên lấy ngày giỗ L.S. Bé làm ngày họp dân trường Bé nói riêng ?
      Sms cũng nặc danh , báo hại Ráo tức không ngủ được . Mời mời mọi người cho ý kiến .

      Xóa
    2. @Ráo: MF cũng có nhận SMS này, đó là của một anh tên Sinh ở Bảo Lộc, hình như học trên MF mấy lớp, MF biết vì có lần nhắn tin hỏi MF, MF có nhắn lại: đại ca ngây thơ nhỉ? Làm gì có AH Nguyễn Văn Bé? mà ko thấy trả lời lại, chắc anh ấy ở xa, ít thông tin, chúng ta thông cảm, chắc chắn là còn rất nhiều người không biết!

      Xóa
  7. Không thể gọi em là HSMN gia công vì ba,mẹ đều "Ở TRỎNG".Nhưng em đã hãnh diện coi mình là HSMN cho dù là "MẢNH GHÉP".Không như ai kia rõ ràng xuống tàu ra Bắc cùng với bao cán bộ,bộ đội tập kết nhưng vì họ học trường ngoài,sao này họ làm lớn nên họ chối từ mình là HSMN.làm HSMN hãnh diện lắm chứ bộ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cô ạ, em nhớ hồi về Đông Triều, có một chị, ko nhớ tên gì, đến phòng em chơi, nói: các em sướng nhỉ, nhỏ ti mà được là dân HSMN chính hiệu, bọn chị lớn tồ mà chỉ là dân gia công, chán ghê! Em cứ tròn mắt ko hiểu tại sao chị nghĩ vậy. Vì đã vào trường HSMN, kể cả có bạn hoàn toàn không phải là quê miền Nam, chỉ có bố hoặc mẹ đi B, nhưng chúng ta là HSMN chứ, có phải hị gọi là "người miền Nam" đâu! HSMN là thương hiệu của tất cả những ai học tại trường HSMN! Có những người không phải học tại trường HSMN họ cũng cứ xưng là HSMN, ví dụ như mấy anh chị Huế học trường Chu Văn An. Nhưng cũng chẳng sao, kể cả các bạn Vĩnh Linh đi học K8 cũng có người cho là HSMN, cũng vui thôi, vì hoàn cảnh cũng tương tự nhau. Và chứng tỏ họ thích danh hiệu HSMN. Nhưng HSMN chính thức là học tai các trường HSMN, dù cho chỉ 1 năm, 1 tháng hay vài ngày ... Còn vụ từ chối mình là HSMN thì hơi bị lạ cô ạ, nếu họ có học trường HSMN. Còn họ ko học thì họ từ chối cũng không sao đâu cô, họ làm lớn đến đâu họ cũng không được làm HSMN mà :). Đối với MF, danh hiệu mà MF tự hào nhất trong cuộc đời nhỏ bé của mình, là HSMN :)

      Xóa
  8. Chị NH, không biết có phải là tin RẬT gân không hay là sự thật, anh NVBe của chúng ta là hữu danh vô thực, anh í là anh hùng vẽ, zậy thì làm chi mờ có quê để mà chúng ta zề, hu hu...có 1 lần tin này làm dậy sóng cộng đồng mạng HSMN Quế ta. Zậy thực hư thế nào đây, ai làm cho nó sáng tỏ???

    Trả lờiXóa
  9. Bài viết của a XH rất chân thât, zí zỏm mà thật cảm động. Đó là hình ảnh chính xác của các Quế nhí khi xa bố mẹ, gia đình, lúc đó là khoảng năm 66-67, mới sang là ở trường cũ, khi đó hồng vệ binh và xích vệ binh còn bắn nhau...Cảm giác không thể quên của những đứa trẻ bơ vơ, ngơ ngơ ngác ngác nơi xứ người...có lẽ vì vậy mà tình bạn HSMN trở nên sâu sắc, lạ, không giống ai cho tới ngày nay...!

    Trả lờiXóa
  10. aTL:hông phải,là mắt nhắm mắt mở còm sau khi đi làm zìa,chơ bản wuyen của a TGTB ,UL hổng dám đâu.
    Tỷ N.H ,giờ UL mới bít quá đơn giản về chiện gia công,ra là khái nịm cũng rộng hén,nhưng thật ra chỉ là vui thôi,ko hề có phân biệt chi cả-xa ba má từ bé,tụ zìa một trường được các thầy cô má nuôi dạy....đúng như a XH cảm giác rất rất thèm được ba má ôm....nhưng khi zìa gđ sau ngày GPMN thì lặng thinh,xí hổ như trong Entry "nốt lặng"(cũng của a XH),UL có còm,Quế nào chiên môn zìa tâm lý nhỉ....
    Quế nhí ui,Ừa cũng lên mạng đọc loạn cả lên,...nhưng zới UL cho ra khỏi bộ nhớ liền,chỉ cần bít là HSMN học trường Nguyễn Văn Bé,như là một cái tên-ky hieu-đe thu từ ko that lạc.Nên sms mà tỷ N.H nhận được đó,lâu cũng tự xoa thui,zì mạng là zậy mừ...thiển nghĩ nhen- :-* :-*

    Trả lờiXóa
  11. Bài viết hay quá, rất chân thật và cảm động -"chúng đang thèm mẹ". Bằng vài nét chấm phá XH đã dựng nên cả không khí sôi sục, bối cảnh "ngày ấy" để rồi "nhập cổng" gắn bó suốt cuộc đời cùng dân Quế...
    TM

    Trả lờiXóa
  12. Cảm ơn các bạn đã có lời khen, sẽ cố gắng biên thêm phục vụ chợ.

    Trả lờiXóa
  13. Thằng Xuân Hùng tao biết nó rất nhiều...rất xúc động và chia sẻ câu chuyện của nó. Tao cũng gần giống như XH, cha mẹ tao lấy nhau được nửa năm thì Tập kết rồi sinh tao ra ở Hà Nội, ba tao cũng quay lại Nam 1962...không nhớ dai như XH, tao chỉ nhớ hồi nhỏ tao sống với bà ngoại tao (cũng tập kết) làm bảo mẫu Trường HSMN số 11 rồi 1967 tao đi xe ô tô lên Bằng Tường rồi đến Quế Lâm, học trên nó 1 lớp... và chơi với nó, Vinh mập...may cho nó không làm em rể tao...gặp nhau Hà Nội 60 năm nhé!
    Quảng Ngãi 27.11.2014
    Vương Kiệt

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ơ, Vương Dũng (tức Vương Kiệt) trồi lên kìa chợ ơi, sức khỏe tốt chưa VK ơi. Có vé 60 năm rồi, hẹn gặp nhé giữa Hà nội.

      Xóa
  14. Phỏng hót nè:bạn c..u..ũ..ơi ban cũ...ú ...u Quề lâm, hẹn gặp nhé,giữa thù đồ,hẹn gặp nhé...giữa Hà thành..
    Vé 60 năm về thăm quá khứ,Quế ta cũng nhìu đó chứ...
    A XH ui,có bài là cái chắc nhen....:b) :8)

    Trả lờiXóa
  15. Bố con cũng là hsmn ở Quế Lâm,học trường Nguyễn Văn Bé. Con nghe bố kể nhiều về thời gian ở đây nay tình cừ thấy trang này thật vui quá. Có khi các cô chú ở đây cũng là bạn học cùng khóa của bố con cũng nên. Con sẽ đưa cho bố xem trang blog này, chắc bố con vui lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy thì con sẽ rất hãnh diện về bố con . Cám ơn con đã ghé thăm blog này

      Xóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]