Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

" DIỄN "

Khổ quá, Tết nhất đến nơi rồi mà diễn cái gì. Ngoài đời, xăng, vàng đảo chiều sình sịch, làm tiêu tan bao dự định, kế hoạch của mỗi gia đình. Giá áo thì lên, lên cao. Giá quần thì xuống, xuống sâu. Nóng hết cả mặt. Còn công việc nữa, cuối năm rồi, cứ nháo nhào cả lên. Mà diễn là diễn cái gì? Diễn kịch hay diễn tuồng? Không phải. Diễn ở đây là diễn viên. Cả khu Dân tộc bất đắc dĩ làm diễn viên và diễn theo yêu cầu của thầy Hiệu trưởng và đạo diễn Hãng phim. Không thích cũng phải diễn, trốn không được. Cũng vì diễn mà ở hôm đó, cái câu Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò phải nói lại thành Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là thằng khác, không phải ở cái đám khu Dân tộc. Học sinh khu Dân tộc hôm đó khác rồi. Và cái sự “diễn” đó chỉ diễn trong một ngày. Chính xác là một buổi. Một buổi sáng.

“Một sáng mùa thu giữa khám Chí hòa. Anh đi giữa 2 tên gác ngục. Và sau chúng, một…..”. Lộn. Lại lộn nữa rồi. Thơ văn Tố Hữu ở đâu ra mà nhiều thế, ngăn mãi mà không được. Một sáng mùa xuân (năm 1974 thì phải), khu Dân tộc tổ chức quay phim, trong đó vai chính, vai phụ, vai quần chúng đều do giáo viên, học sinh khu Dân tộc độc thủ với sự tham gia diễn xuất của một số diễn viên (thầy cô) bên trường chính: thầy Phương, thầy Tạo râu (Hiệu phó), cô Bàng (Hiệu phó), thầy Thọ, cô Loan (dạy Địa lý), thầy Hiển v.v…Tất cả dồn qua khu Dân tộc. Nói nhanh cho nó vuông đi. Sốt ruột quá. Đọc đau cả mắt mà không hiểu mô tê gì sất. Thì cũng biết thế. Nhưng mà, sông thì có thượng mới có hạ, núi thì có đỉnh mới có chân, văn thì phải có đầu bài, thân bài, kết luận. Thầy cô dạy cấm có sai câu nào. Cứ từ từ. Đừng nóng, đừng nóng.
Hồi đó, để tuyên truyền cho các vùng giải phóng ở miền Nam, cần thể hiện được cuộc sống của bà con trong vùng. Cuộc sống vật chất thể hiện ở đâu thì không biết nhưng cuộc sống tinh thần mà chủ yếu là việc ăn ở, học hành của các cháu học sinh trong vùng phải là ưu tiên hàng đặc biệt (hạt giống mà). Vùng giải phóng mặc định phải là có cây cối, rừng núi, sông suối. Nhà cửa phải đơn sơ, tạm bợ. Vậy mới ra vùng giải phóng. Không biết các đ/c Nguyễn Văn Sếp ở hãng phim Tài liệu bàn tính thế nào, suy tính hơn thiệt ra sao mà lấy luôn trường Đông Triều làm phim trường. Nhất cử lưỡng tiện. Cây cối ư? Có ngay. Rừng núi ư? Có ngay. Sông suối ư? Cũng có ngay. Chi phí làm phim thì bằng min (hơn là vào Nam quay). Còn có ngay một cái ở đây mà có mơ cũng không bói ra ở chỗ khác. Đó là một đống HSMN thật. Thật luôn. Thật 100%. Vừa trai, vừa gái; vừa già, vừa trẻ; vừa lớn, vừa bé. Nói chung nam, phụ, lão, ấu có hết. Một đàn. Một lũ. Không biết bỏ đâu cho xuể. Nhưng mà, bên trường chính lại hoành tráng quá. Phòng của thầy Phương (hiệu trưởng) có cái tủ lạnh Saratop của Liên Xô mới ngại chứ (không đúng bài vùng giải phóng tí nào). Phòng ở của học sinh có nơi chơi cái nền gạch (dù đã rêu phong, xỉn màu) oai quá. Thế thôi. Qua khu Dân tộc. Trên đất, dưới đất, giữa cũng đất. Toàn là đất. Chuẩn man, chuẩn girl, chuẩn không cần chỉnh. Lấy luôn cho nó lành.
Một tuần trước, thầy Tạo (trơn) đã nghiêm giọng, trịnh trọng thông báo sự có mặt của Đoàn làm phim. 3 ngày trước khi quay, thông báo tiếp trang phục cần thiết để thầy cô, học sinh chuẩn bị (gọi là đạo cụ cho phải phép). Đồng phục thì cho “ trăm hoa đua nở” nhưng nở gì thì nở, bắt buộc chỉ được “nở” một kiểu: kiểu miền Nam (thời đó). Thế là, cả trai lẫn gái nháo nhào lên. Chạy  hộc tốc từ lớp nọ qua lớp kia, từ khu Dân tộc qua trường chính mượn đồ. Chỉ khổ cho cái đám sinh ngoài Bắc. Đồ miền Nam thì không có, có mượn cũng không được vì nhỏ con so với bậc tiền bối trong lớp. Vừa sợ, vừa buồn. Sợ vì không làm đúng sẽ bị la. Buồn vì không có đồ mặc, không được lên phim. Nói chung là mừng vui, răng môi lỗn lận, Ấy quên, lẫn lộn.
Hôm đó, sân khu Dân tộc bừng sáng. Cờ này. Toàn là cờ nửa xanh, nửa đỏ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Băng rôn này. Băng rôn kéo từ cây nọ qua cây kia tới mấy cái, phủ 2 bên cánh gà dãy bàn chủ tọa. Trường HSMN số I nhiệt liệt chào mừng ….nhá (dấu luôn chữ khu Dân tộc đi). Xôm tụ lắm. Các lớp B, C, D, E, H, K xếp hàng thẳng tắp. Lớn trước, bé sau. Cũng đúng thôi. Cái đám con con thì làm gì có quần áo miền Nam mà mặc. Vậy đứng phía sau là đúng bài rồi. Hiếm khi nào mà công tác an ninh, trật tự, chỉnh đốn hàng ngũ mẫu mực như vậy. Trang phục thì “trăm hoa đua nở”. Mũ tai bèo này, khăn rằn, quần gabadin này (giấu biến mấy cái quần cimili đi), quần áo bằng vải dù này, vải dù này, vải pháo sáng (dù màu trắng) quàng cổ này, túi mìn claymo này v.v…. Ưu tiên cho các đ/c tay có đeo các loại đồng hồ Seiko, Orient đứng hàng đầu với điều kiện phải xăn tay áo lên (để nhìn thấy đồng hồ). Cả khu dân tộc có mỗi anh Ngọc (lớp H) có cái đài Sony 3 băng được đặc cách đeo đài trước bụng, đứng hàng đầu, cầm cờ xanh-đỏ. Chị em thì yểu điệu thục nữ còn hơn….Tường vy cánh mỏng. Áo bà ba này (sau này mới là bà bốn, bà năm), quần lụa đen này, sa tanh này, có cả áo cổ trái tim nữa mới phiền não (hay là mới ghiền?). Các kiểu. Gớm, trưng ra bằng hết. Một cơn gió thổi, ống quần lụa, quần sa tanh cứ phất phơ, phất phơ trước gió. Có mặt anh em mà gió cứ thổi, làm quần áo dính hết vào da thịt. Nghèo quá mà, làm gì có quần áo dày mà mặc. Gió thì cứ thổi, thổi mạnh, làm các anh cứ ngoái đầu nhìn theo….cơn gió, không chớp. Các cụ nói rồi, giàu hai con mắt là ở đây đây. Gãy hết cả cổ. May mà hồi đó chưa thịnh hành bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Nếu có, chắc hôm đó đi viện mất nửa khu. Số còn đứng được là chị em và đám con nít-Toàn những người cộng sản chân chính, có lòng tự trọng đầy mình.
Đoàn quay phim có 3, 4 người gì đó. Cũng cờ, đèn, kèn, trống, móc, đinh, thang, dây v.v… inh củ tỏi. Máy quay trông như khẩu Bazôka. Chĩa vào ông nào, ông đó tươi như hoa. Sướng. Thì cũng quay khi thầy Phương phát biểu, khi cô Loan (áo bà ba đen, khăn rằn, tóc dài, da trắng) đọc bài đáp từ về cảm tưởng sống trong vùng giải phóng như thế nào, thầy trò ăn, ngủ, học hành ra sao. Cứ như thật. Máy quay cứ lia, hết cận cảnh lại toàn cảnh trong không khí trang nghiêm, thắm tình đoàn kết keo sơn, gắn bó tới mười mấy chữ vàng. Bỗng nhiên, đạo diễn chỉ vào mấy tấm băng rôn và hét: “cắt”. Thì ra trên băng rôn có chữ HSMN. Đạo diễn phân tích, đã là vùng giải phóng ở miền Nam, thì toàn là HSMN, làm gì có học sinh miền Bắc vào học. Ghi vậy là sai rồi. Quá đúng. Quá thông thái. Quá trí tuệ. Vậy là nhào vô, gỡ chữ  HSMN ra, dán lại rồi quay tiếp. Máy quay lại sè sè, sè sè. Đang ngon trớn, đạo diễn lại chỉ tay ra phía sau lưng đám học sinh quát tiếp: “cắt”. Mọi người quay lưng nhìn. Đạo diễn nói: “Vùng giải phóng làm gì có kiểu quần áo này”. Té ra, có một chú Quế đứng phía sau, mặc nguyên bộ quần áo Tàu, quần xanh, áo trắng, rộng thùng thình, một ống quần xắn lên, dép nhựa trắng Tiền Phong đã ố vàng, đang chân cao chân thấp lén đi ra, rơi vào ống kính. Nóng mặt, thầy Tạo (trơn) nhảy ra, gắt um lên: Mày đi đâu? Hỏng hết cả phim của người ta rồi. Tên Quế líu cả giọng: E…e…em…em…đi…đi... đái. Thế là cả “phim trường” cười bò. Đạo diễn, quay phim, hậu đài, diễn viên, quần chúng, thầy cô, cấp dưỡng… cười ra nước mắt. Cười …ướt cả quần. Cười xong, hết giận, lại quay tiếp. Nửa tiếng sau là xong vụ “diễn”. Lúc này, khoảng 10h30, mùi thịt, mùi hành mỡ từ bếp do má Trí làm Tổng đạo diễn bay lên. Thơm ngào ngạt. Cơn đói lên tiếng. Xót ruột. Phần “con” trong phần “người” nó trỗi dậy, nó đánh nhau. Nó rất là thú tính (ấy, các thầy dạy chính trị hay nói vậy). Đấy, vật chất quyết định ý thức là ở đây chứ ở đâu xa. Mọi lý thuyết đều là màu xám mà. Làm sao mà hoãn cái sự sung sướng được. Vậy là rối tung cả đội hình 6 lớp. Nhốn nháo, lao xao, chỉ trỏ, cười cợt, hân hoan. Đủ các loại cung bậc tình cảm. Chỉ nghe được tiếng thầy Phương nói lõm bõm. Đại thể là, tiếp Đoàn làm phim, trường mời cơm thân mật, hôm nay phá lệ, cho học sinh một bữa “ăn tươi”. Thế là vỡ òa, tung hô, nhảy múa, la hét. Rồi đủ các thứ bay lên trời. Mũ tai bèo, khăn rằn, dép, guốc, vải dù, cặp, sách vở đều bay lên nào, bay lên nào v.v…Tuy nhiên, không thấy chị em nào tung áo bà ba lên trời. Tệ thế đấy.
Bữa “ăn tươi” hôm đó, ngon thật là ngon. Ngon hơn những bữa ăn tươi khác mà thỉnh thoảng được Nhà bếp tổ chức. Có một món, chưa bao giờ được ăn ở trường. Ăn rồi, không làm sao quên được (là khi đó nghĩ vậy): món dồi lợn (heo). Ngon nhức xương. Vậy nên, đội hình toàn Khu được “ăn tươi” mà ăn như ăn cướp. Ăn xong, ông nào ông nấy phởn phơ ra về, mặt cứ vác lên trời. Thật là: chưa có bao giờ đẹp như hôm nay, non nước mây trời lòng ta mê say…Ông trời còn có mắt, đại phúc cho lũ chúng ta…. Bỗng, giật mình đánh thót một phát. Chết mẹ. Vào vùng giải phóng, chiếu phim này lên, lỡ các phụ huynh xem và nhìn thấy thì ăn nói sao đây? Thằng thì, đã đưa nó ra ngoài Bắc, sao giờ nó còn ở trong vùng giải phóng? Thằng thì, đã đưa nó lên Đông Triều, vậy nó vào vùng giải phóng hồi nào? Toát hết mồ hôi. Bối rối quá. Vậy là, mấy thằng quay lại, gặp thầy Phương và đạo diễn thẽ thọt cho ra lẽ. Đạo diễn nghe xong, mắt hấp háy, ý nhị: Dân vận là phải vậy, hiểu chưa? Nghe các bậc bề trên nói, sáng ra liền. Đấy, toàn một lũ ngu gia truyền. Dân vận là phải như thế. Hiểu chưa? Là phải biết biến không thành có. Là biến cái không thể thành cái có thể. Sáng suốt thật. Thánh thật. Còn chúng mày nữa, thế mà cũng đòi làm hạt giống đỏ. Xanh thì có chứ đỏ cái nỗi gì.
Vậy là, toàn khu Dân tộc đã cùng “diễn”.“Diễn” cho thật đạt để được lên phim, để được “ăn tươi”. Học sinh Khu Dân tộc đã hoàn thành sứ mệnh cao cả mà trường Đông Triều giao. 38 năm sau ngày giải phóng miền Nam, trong các tổng kết, báo cáo kinh nghiệm về chiến tranh nhân dân ở miền Nam, vẫn tịch không nghe ai nói có sự đóng góp của HSMN Đông Triều, khu Dân tộc? Thế thì, phim được chiếu ở đâu? Công sức của chúng ta đi đâu? Nào ai có biết !!!

  Tháng 12 năm 2013


                M.PHONG

23 nhận xét:

  1. Không bít hồi cơn gió thổi bay bay đó thì đôi mắt mơ màng của M.PHONG để vào đâu mà phim không thấy chiếu,chỉ thấy giường với giường???
    +Giá áo treo lên,giá quần tuộc xuống thì còn thấy cái gì mà không thấy M.PHONG nói đến hè...hè...

    Trả lờiXóa
  2. Tiếc thật , thế mà HSMN chỉ có cô Trà Giang là nổi tiếng , bao nhiu nhân tài bị trù dập hết .

    Trả lờiXóa
  3. @N.H.QUE:Mới cái chức nhà ráo mà muội đã trù dập ông LÂM TỚI rùi.Ông LÂM TỚI người Đồng Tháp cùng một lớp với bà Trà Giang và lớn hơn bà ấy 5 tuổi,cùng vào trường điện ảnh năm 1959.Ông ấy không phải HSMN à???

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Ôi cái vụ hoành tráng này mình có mò sang xem mà quên tiệt !

    Trả lờiXóa
  6. Ráo cũng tính điểm danh cả ông Lâm Tới nhưng nào tới giờ nỏ nghe ổng là HSMN mà chỉ nghe ổng là người MN mà thôi .

    Trả lờiXóa
  7. Khà khà, vửa gặp thằng Phong đây, hỏi nó mai diễn thế nào mày? Mày phát, hay để nhà gái phát? Nó bảo có chú trung úy Phương phát. Chú Phương uy tín lớn đóng nhiều phim to rồi, phát là chuẩn. Tôi vỗ tay ngay, khỏi cần chỉnh.

    Trả lờiXóa
  8. Tối nay em không đi được , mừng MP lên chức , chúc các cháu hoà hiếu .( anh yên tâm , không đi được , nhưng nghĩa vụ cô vẫn hồ hởi thực hiện )

    Trả lờiXóa
  9. Ráo em phải mừng H.P hoặc N.Phú , chưa tới lúc mừng M.P đâu , cô cứ chịu khó chờ nhé .

    Trả lờiXóa
  10. Không đủ "dũng khí" đọc hết. Buồn cười quá, chuyện cũ văn mới tếu thật :-)

    Trả lờiXóa
  11. Không biết tại sao lại gọi là khu dân tộc nhỉ ? Hôm nay ở đám cưới con H. Phong , Ráo hỏi mà mỗi tên nói một phách . Cuối cùng kết luận là khi về ĐT đã thấy có tên đó rồi .

    Trả lờiXóa
  12. @M.Phong : tớ đã phát hiện ra nặc danh có cái còm nói cậu khi kể chuyện không hề nhắc đến tên của nặc danh dù 2 người rất thân nhau . Èn en .

    Trả lờiXóa
  13. phải công nhận tỷ N.H.Q có năng khiếu đièu tra nghi phạm ẩn danh....chạy đâu cho thoát....lôi ra ánh sáng đúng như tên tỷ mà...

    Trả lờiXóa
  14. N.H: Có phải Thu Thanh (8K) không? Nếu đúng là Thu Thanh, tớ đã còm rồi mà không thấy phản hồi. Không phải thì là ai? N.H nói đi.

    Trả lờiXóa
  15. @M.Phong : đâu có dễ thế được , tớ mất bao nhiu là nơ - ron thần kinh đó .

    Trả lờiXóa
  16. N.H: Cơ khổ. Tất cả các bạn gái tớ đều không đưa tên vì họ có gia đình hết. Sợ các ông xã cũng lang thang lên đây rồi rắc rối, biết đâu đấy. Tránh đi cho nó mẫu mực.

    Trả lờiXóa
  17. Ráo: Khu Dân Tộc ở Đông Triều nguyên trước đây chính là Khu học sinh Dân Tộc thời trường Đông Triều còn là trường Bổ túc Công nông (lứa học sinh MN ra Bác bằng tàu biển, hồi nớ Rao đang phân thân 50% ở Ba, 50% ở má), gọi mãi thành địa danh Khu Dân Tộc sau này, Tin không, hỏi các bậc tiền bối HSMN thì rõ.

    Trả lờiXóa
  18. Ráo đã được lên ti zi mấy lần rùi . Lần thì lên phim hẳn hoi . Lần thì theo đoàn HSMN đi viếng bác Võ Văn Kiệt bị túm để phỏng vấn . Thấy đám bạn gọi điện i ới mới bít mình trên ti zi . Nhưng lần họ về trường quay phim mới zui . Ráo dắt lũ học trò xuống phòng thí nghiệm , cô trò diễn khí thế . Làm thí nghiệm cho hoá chất đổi màu để quay cho nó đẹp . Ai dè hoá chất tàu zởm òm , mới đổi màu đỏ , tí xíu lại trắng nhách , cho thêm P.P zô - đỏ - lại trắng , thêm nữa - đỏ - trắng . Cứ thế , quay xong thì ống nghiệm hoá chất đầy tới miệng . Hix .

    Trả lờiXóa
  19. Thế mà hôm họp ở Đà Nẵng, khi MF giương camera vào M.P (vì biết đưa cái mẹc này lên, các tên Quế sẽ cùng "đồng lòng" mỉm cười), thì hắn không "diễn" mà ... chuồn! Chắc hắn khiếp diễn từ thời ấy đến chừ! (các Quế xem lại ở đây thì thấy nè)

    Trả lờiXóa
  20. - N.H: Chắc là Thu Thanh còm đó, N.H ơi. Nằm nghĩ sói trán rồi. Ở khu Dân tộc, thân với Yến chù, Thu Thanh, Mai Thị Thái nhưng tớ có đưa tên ai đâu. Họ có gia đình hết cả mà.
    - M.F: Không phải né vì sợ diễn. Mình đứng sau cùng của lớp, máy không quay tới được lấy gì mà sợ. Lần sau lỡ mà có quay phim, tôi xông lên trước, hàng đầu cho mà coi. Lúc đó sợ màn hình tối thui, đứt cước luôn.

    Trả lờiXóa
  21. @M.Phong : đây là nơi bọn mình " ... Ta hứa sẽ quay trở lại , vào một ngày mai như hai người bạn " , có gì mà phải giữ kẽ zữ zậy .

    Trả lờiXóa
  22. @M.P: Chớ cái thèng ngó vô máy rồi chuồn nớ là P. hay P.? he he nói theo kiểu Ráo.

    Trả lờiXóa
  23. Xin lỗi NH, MF. Các còm bị mất hút khi tớ chưa xem nên không biết. Giờ xem lại mới thấy đây.
    - NH: Không phải giữ kẽ đâu. Đó là sự khác nhau của tình bạn khác giới với tình bạn cùng giới dù trong lòng ai cũng muốn cứ bạn bè đi, vô tư đi. NH hiểu mà.
    - MF: Cái thèng thấy MF rồi đi luôn là thèng P đó. Còn thèng P kia không có mặt. MF dở quá. Tớ biết rõ 100% nó là thèng nào. Chạy đằng trời.

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]