Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Về thăm lại Quế Lâm

Quế Lâm bây giờ có nhiều đổi mới khác xưa nhiều. Về đến Quế Lâm, chúng tôi được hướng dẫn đi thăm công viên Thất Tinh. Qua cầu Giải Phóng, tiếng xôn xao, ai cũng ghé nhìn qua cửa xe, cùng bàn luận về chiếc cầu, ngày xửa ngày xưa Quế nào cũng từng đi bộ qua cầu này. Kìa núi Voi, vẫn chiếc vòi đang vùi dưới sông hút nước, chốc lát là tới cổng công viên Thất Tinh.
1. Công viên Thất Tinh và "hang Gió"
Hình 1: Cầu Giải phóng và cầu Hoa (góc dưới tay trái hình), con đường Quế hay qua nhìn từ trên cao. Bây giờ không còn nơi bán bánh rán mà các Quế khi đói cũng chen ngang mua vài cái? Nhưng nghe đồn ở gần trường mới bây giờ có nơi bán bánh rán, cháoquẩy ngon lắm.


Hướng dẫn viên đã mua vé cho cả đoàn. Vừa xuống xe, mọi người háo hức chụp ngay những tấm hình trước cổng công viên, mặc dù trời rất nắng.
 Hình 2: Cầu Hoa phía công viên, nơi xưa có một loạt hàng quán, bắn súng (hãy tưởng tượng ngay sau lưng mình), bây giờ còn ít, chủ yếu bán đồ lưu niệm.
 Hình 3: Sau lưng núi Lạc Đà, nơi có vùng đất rộng xem hình 4. Các nhà nhiếp ảnh nghiệp dư đang ghi lại sân khấu ngoài trời. Gần nơi này hình như xưa có trò bắn súng có thưởng, kem cũng mua ở đây? Từ đây đi thắng phía tay phải là đến "hang Gió".
Hình 4: Cầu Hoa giữa hình bên tay phải. Nơi đây mới có sân khấu ngoài trời. Từ nhà mái xanh đi về bên trái (đi thẳng từ cầu Hoa đến nhà xanh và qua nhà mái xanh thẳng tới) sẽ gặp con đường đến hang Gió (Thất Tinh Nham) và đến núi Lạc Đà.
 
Ngày xưa các Quế hay về trường bằng còn đường đi qua trước hang Gió. Minh Phụng là người hăng hái tìm hang Gió, tôi và Quang Tể đang chần chừ một theo đoàn, hai là đi tìm hang Gió, Minh Phụng nói hang Gió đây, theo hướng này, không kiềm được sự ham muốn, cả 2 theo Minh Phụng tách đoàn tìm về hang Gió.
Hình 5: Hang Gió đây, cửa hang đã bị rào và cửa sắt bị lại, có 2 cửa sắt, có lẽ một cửa vào, một cửa ra. Rẽ tay phải sẽ là con đường về trường qua cổng trường Dân tộc.
Hình 6: Bảng cảnh báo trước hang.
 
Hình 7: Thanh Quang (Đà Nẵng) chứng tỏ đã ghé hang Gió

Đi còn cách hang 20 m đã cảm nhận được luồng khí mát lạnh tỏa ra từ hang trong buổi chiều nóng bức. Thế rồi chúng tôi thay nhau chụp hình cho nhau để chứng minh mình đã đến ngay cửa hang Gió.
Hình 8: Chữ khắc trên đá ngoài cửa hang, cửa hang cũng thật bề bộn. Người già Quế Lâm ngồi nghỉ, đánh cờ tận hưởng khí mát từ hang thổi ra.

Rồi vội vã đi về núi Lạc Đà để theo đoàn. Mọi người đang bức xúc vì kiếm mãi không ra mấy nhân vật còn thiếu, được coi là sẽ bị lạc, lúc này đoàn đang tập trung để chụp hình chung cả đoàn.
Hình 9: Cả đoàn tập trung chụp hình kỷ niệm trước núi Lạc Đà

Thông tin loang truyền đã tìm thấy hang Gió, hướng dẫn viên nhất quyết cả đoàn phải đi theo hướng dẫn, tránh lạc đoàn, bởi khi ra đi cửa khác. Thế rồi tranh cãi đã nổ ra, số người muốn quay lại hang Gió nhiều hơn, hướng dẫn viên hỏi "hang Gió là hang nào ở đây?", là cái hang chỉ có Quế mới gọi cái tên ấy bởi hơi lạnh ở đây rất mát, "là cửa vào Thất Tinh Nham". Thế rồi bao nhiêu kỷ niệm của từng người ùa về. Ngày đó, Quế có gì ăn uống lại về đây, nghỉ chân, đánh chén trước khi về trường. Nguyên cả phích kem được ăn ở đây, có kẻ ăn xong lười không trả phích, để lại đây, báo hại người bán kem phải đến đây lấy phích không về... Nhiều câu chuyện cho mỗi con người.
 
2. Những hình ảnh về trường mới
Khu Giáo dục HSMN Quế Lâm, nay là một trong những địa điểm chính của trường Đại học Sư phạm Quảng Tây (ĐHSPQT), giờ đổi thay quá nhiều so với ngày xưa. Trường có 3 cổng lớn: Cổng chính phía Tây (phía bờ tường phía tây trường Dân Tộc), cổng phía Nam (gần cổng của Khu ở Ban Giám đốc Khu cũ), Cổng phía Tây Bắc (gần cổng cũ của trường Dân tộc). Ngoài ra còn có cổng phụ gần cồng phía Tây Bắc và cổng phụ phía Đông Bắc (phía trại nuôi lợn cũ). Như vậy các cổng cũ đã không còn, chị Xuân Thanh có tìm về cổng cũ phía Nam, vẫn còn dấu tích. Để dễ hình dung, sơ đồ trường ĐHSPQT sau sẽ giúp các Quế nhiều hơn:
Hình 10: Sơ đồ trường ĐH SP Quảng Tây. Các cổng được ký hiệu màu nâu. Sơ đồ toàn tiếng TQ nhờ bác Phạm Đào (Đà Nẵng) dịch dùm?

Xe của đoàn đi vào từ cổng chính phía Tây. Đi thẳng con đường qua sân bóng trường Dân tộc, mọi người dồn về cửa sổ bên trái xe để nhìn, hai bên đường sao mà lạ thế, toàn các tòa nhà mới xây.
 
Hình 11 và 12: Cổng chính phía Tây.
Hình 13: Sau khi vào cổng chính phía tây, xe chạy hơi lệch về tay phải
Hình 14: Sân bóng trường Dân tộc,
Hình 15: Sân bóng trường Dân tộc giờ được chia thành các sân bóng mini.
Dọc theo phía  dưới hình này giờ là phần có mái che. Trước đây là con đường dọc sân bóng này để ra cổng trường Dân tộc. Giờ là nhà cao tầng. Còn cổng phía Tây Bắc bây giờ là con đường theo dọc tới nhà ăn trường Dân tộc (nằm tay trái con đường).
 
Hình 16: Ít ai biết dãy nhà dọc theo đường đến hội trường Quốc tế, đây là phía sau nhà ở lớp 1, 2 NVB. Các Quế hầu hết thấy nhà ăn là đi xuống theo nhà cầu, đâu biết phía sau nhà như thế nào!

Xe dừng trước hội trường Quốc tế của trường ĐHSPQT, bước xuống xe, thấy ngay nhà ăn cấp 2 NVB, thế là ào xuống, ghi lại mấy kiểu hình con đường từ nhà ăn C2 NVB, xúm nhau chụp trước hội trường Quốc tế.
 
Hình 17: Cha con nhà Long Quilin đối lưng nhau, phía xa hơn là cặp Huệ (Đà Nẵng) quay về nhà ăn cấp 2 NVB (phía cây có bảng xanh), tranh thủ chụp hình khi vừa xuống xe.
Hình 18: Chụp từ trên cao con đường từ hội trường Quốc tế hướng ra cổng phía tây Bắc. Tiếp theo nhà cao tầng bên trái là nhà bếp cấp 2 NVB. Hình này được chụp năm 2005.
Hình 19: Cũng như hình 18, nhưng chụp từ nhà cao tầng sát nhà hội trường Quốc tế. Nhà bếp gần đường, phía trong là nhà ăn cấp 2 NVB.
Nhìn hình 18 và 19, các Quế có hình dung nhà bếp vẫn còn có 2 tầng mái cao và thấp để thông gió. Do nhà bếp đã được sử dụng làm việc khác, nhìn từ đường sẽ không nhận ra nhà bếp vẫn còn hình dạng xưa. Phía sát đường ngày xưa là phần chứa củi. Giữa nhà bếp và nhà ăn nối liền bởi nhà cầu có tường che xung quanh. Ngày xưa, vừa trực bếp, tối lại đi tuần đêm, chiều trước khi về mở chốt một cửa sổ bếp, tối đột nhập kiếm cái gì đó bỏ bụng, chỉ là để cho vui thôi chứ đói khát gì đâu.
Nhìn xa hơn từ mái nhà ăn cấp 2, nhà mái đen là nhà ăn cấp 1 NVB, cạnh nhà ăn cấp 1 phía đường là lò hơi, giờ đã bị tháo dỡ.
Phía bên phải đường, đối diện với bếp, hình như hiện là khu ký túc xá dành cho giảng viên của trường ĐHSPQT. Nơi này xưa là đồi trồng đào, gần sân bóng trường dân tộc là Bệnh xá của Khu cách ly với các khối nhà mà Quế ở, sinh hoạt, chắc ngày đó sợ những bệnh lay lan. Ai ở bệnh xá cũng thấy buồn như ở một xứ khác, hàng ngày không thấy bạn của mình, có khi cũng buồn. Tôi cũng có ở bệnh xá 1 tuần, chỉ mong nhanh về đi học lại, vui hơn.
Hình 20: Khu thể dục thể thao của cấp 2 NVB trước nhà ăn.
Ngày xưa sân bóng chuyền vừa là sân bóng rổ theo hướng dọc với nhà ăn. Phía trái hình là sân bóng bàn bằng xi măng, giờ được thay bằng bàn gỗ chuẩn rồi. Đầu sân bóng rổ phía trái hình là hố nhảy xa, nhày cao, xà đơn, xà kép. Bây giờ sân thể thao đã khác nhiều, chuẩn hơn.
Hình 21: Đường hướng về cổng phía Nam (hướng về Ban giám đốc khu), bên trái là nhà ăn cấp 2, bên phải là nhà ăn cấp 1 NVB.
Hình 22: Cổng phía Nam (vị trí cổng cũ trước Ban GĐ Khu nằm bên tay phải)
 
Cổng phía Nam vẫn là một trong 2 cổng chính của trường ĐHSPQT nên có bảng tên trường ngoài cổng, phía tay trái hình, sau cổng không có nhà cao tầng. Khi rời trường, xe đi qua cổng phía Nam rẽ tay phải (nhìn từ cổng ra), xe chạy nhanh do đường rộng, chúng tôi còn thấy những phần tường còn mang dáng vóc cũ của ngày xưa, nhưng không chụp được. Hầu hết người ta đã làm tường bằng thanh sắt sơn xanh.
Hình 23: Đường hướng ra cổng phía Tây Bắc (phía trước), chỗ chiếc xe giữa hình là nhà ăn trường Dân tộc (phía tay trái). Phía tay phải là các dãy nhà cao tầng và tiếp đến là sân bóng.
Hình 24: Cổng phía Tây Bắc, cổng cũ trường dân tộc mà các Quế hay đi nằm bên tay trái.
 
Cổng phía Tây Bắc khung cảnh khác với cổng phía Nam ở chỗ bên tay trái nhìn từ ngoài có nhà cao tầng, nhà cao tầng này là ký túc xá của nhiều sinh viên Việt Nam ở đây. Trước cổng này có nhiều nhà hàng, quán phục vụ các nhu cầu cho sinh viện hiện nay.
Hình 25: Phía sau nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam 
Hình 26: Hai dãy nhà của trường VTS còn lại được sử dụng làm Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam. Các Quế đã từng sống, học, sinh hoạt ở VTS có nhiều kỷ niệm tại nơi này. 
Hình 27: Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam 

 Kết hợp với những bài đã được trưng trên siêu thị, có lẽ các Quế cũng đã hình dung lại phần nào đó nơi chúng ta đã sống, học tập, rèn luyện, nghịch ngợm thủa thiếu thời.
Các hình phần 2 này hầu hết lấy từ Internet, do vậy lúc người mặc áo mùa hè, lúc người mặc áo ấm mùa đông. Các Quế đi đợt này, mỗi người về lại trường đều mang theo kỷ niệm riêng của mình, muốn tìm lại những nơi xưa kia cùng kỷ niệm. Trên FaceBook của các Quế cũng rất nhộn nhịp, chia sẻ với nhiều hình ảnh có phần riêng tư hơn.
Hình 28: Một hình ảnh ngày hội của trường Đại học Sư phạm Quảng Tây trên sân vận động trường NVB.
Nhìn các khối nhà đầu trên hình, ngày xưa là đồi với nghĩa trang mà các Quế hay gọi thời đó "bãi tha ma". Ngày hội, họ cũng diễu hành với những đồng phục, những mô hình, cờ quạt. Cứ tự an ủi, họ tiếp nhận những hoạt động của chúng ta để lại và tiếp tục. Còn các Quế làm nghề giáo cũng đã học từ mô hình giáo dục ngày xưa nhiều bài học để tiếp nối trong sự nghiệp của mình.
Hình 29: Tháp nước của Khu vẫn còn
Ghi chú: Tính không đưa đưa hình tháp nước lên, nhưng đọc Phây của Hoàng Ba có nói đến tháp nước với nhiều kỷ niệm, nên đưa lên cho nó tròn.

16 nhận xét:

  1. Đang kiên nhẫn đây

    Trả lờiXóa
  2. Về lại tuổi thơ, thời gian đi tìm lại những vết tích gắn với kỷ niệm xưa không nhiều, vội vàng trong nắng gắt, đi, nhìn, chụp hình, ghi nhớ, tất cả cũng chỉ là một khoảng nhỏ nên vẫn cứ áy náy, tiếc, có thời gian, có lẽ phải gần một ngày mới có thể đến tất cả các nơi, nhiều nơi chưa đến, vẫn cứ thấy tiếc. Vẫn biết hầu hết đã không còn như cũ, nhưng các sân bóng rổ, hay như nhà bếp, hay ở góc nhỏ nào đó vẫn còn kỷ vật mà chưa biết.
    Thế mới biết, trường ĐHSPQT còn giữ lại những kỷ niệm của các trường Việt Nam tại Quế Lâm như một sự kết giao, cũng là cách quảng bá cho trường. Chỉ có điều, ngày trước họ nói đến "Dục tài học hiệu" như là trường chính của tất cả các trường học Việt Nam, nay có khác nhiều, họ dần hiểu hơn "Khu Giáo dục HSMN" ở Quế lâm hình thành trong thời điểm khác, các Quế này được hưởng các tiêu chuẩn của Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền Nam, có lá ờ đỏ sao vàng và cờ sao vàng nửa đỏ nửa xanh nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn @Quế 67 - 73 (Ngọc khỉ) đã tự thuật rất hay hình mới kỷ niệm cũ trên nền đổi mới hoàn toàn. Bạn đã làm tui bồi hồi nhớ về nơi xưa thủa ấu thơ.
      Hình 16 là vị trí cũ nhà tắm cấp 1 (chiếu theo hình từ trên cao chụp nhà ăn cấp II), nơi phát sinh nhiều tệ nạn XH của các Quế zai: kho trung chuyển đồ ăn cắp, lén dòm Quế nữ tắm,... hahaha... :)

      Xóa
    2. @Quế 67 - 73: một ngày cũng không đủ Quế à, MF từng nhẩn nha gần tuần mà thấy cũng không đủ tí nào!
      @Quế trước 75: những kỷ niệm Quế kể, MF chắc chắn là nằm trong trí nhớ mọi Quế, kể cả nam lẫn nữ! Đối với MF, nhổ trộm đậu phụng là một kỷ niệm "hay ho", đến giờ MF cũng như Quế trước 75, vưỡn thích ăn đậu phụng sống! Tụi Quế con cứ trợn mắt lên mỗi khi MF nhai đậu sống, nhất là khi đi về các vùng quê trồng đậu, thấy đậu mới nhổ lên còn dính đất! :D

      Xóa
  3. Quế trước 7510:33:00 10 thg 8, 2015

    Nhớ ngày xưa căng tin nằm trên con đường bây giờ là đường chính trong trường, đối diện với sân bóng trường Dân tộc, sau lưng trường Võ Thị Sáu. Nhu cầu ngày xưa cũng đơn giản, mua ít kẹo, mua hồng khô, chai nước có ga... lúc mua gói thuốc lá "Hoa hồng" về chia nhau mấy thằng trốn vào chỗ kín bập thuốc, ho sặc sụa nhưng vẫn thích giống như người lớn. Thế rồi khoe thở khói ra mũi, chu mỏ tập thở khói ra thành những vòng tròn, sướng rơn. Nhưng nhiều khi vào căn tin chỉ để lấy trước tác của Mao chủ tịch, quan trọng là bìa nhựa màu đỏ của các cuốn nhỏ về làm ví, sau này còn toàn quyển to, bìa chẳng lấy về làm gì, như lại có đam mê đọc các điển tích ở phần chú thích cuối, vậy là được xem chuyện Tàu, thế đấy, tuổi nhỏ chỉ có nhu cầu đơn giản thôi.

    Đầu năm học, giấy làm vở học được phát nhưng vẫn phải ra Quế Lâm mua thêm, giấy thời đó trắng trơn, không có dòng kẻ như bây giờ, lại cậy cục tự làm thước vuông, thước to dòng kẻ lớn, thước nhỏ dòng kẻ nhỏ viết được nhiều hơn, rồi hì hục kẻ dòng bằng bút chì và thước tự làm (thước chuyên trị dùng kẻ dòng), kẻ khéo tay dòng kẻ thẳng, kẻ không khéo dòng kẻ xiên xuống hoặc xiên lên, kệ ta cứ dùng để chép bài, làm giấy kiểm tra: 15 phút, 1 tiết hay để thi học kỳ (giấy kiểm tra được bỏ trong bì riêng để khi cần là có ngay). Rồi đóng vở, đóng sổ, bằng việc đục lỗ rồi dùng kim và chỉ kết lại như người ta đóng sách vậy, rồi viết bìa vở.Các kỹ năng này lớn dưới học từ lớp trên, nghề truyền nghề, nghề học nghề, nhiều khi con trai làm nhanh đẹp, khéo tay hơn con gái. Hồi đó không dùng giấy kẻ dòng bằng mực, rồi kê dưới để viết vì giấy dày quá. Nhưng cũng có kẻ làm theo cách này.

    Lớp trực: bếp, chuồng lợn, trực ban đêm. Chăn lợn: lên dọn chuồng, tắm cho lợn, chở thức ăn thừa, nước vo gạo, rau lên trại, bỏ vào chảo nấu nhừ, rồi cho lợn ăn, cũng một ngày 2 bữa. Có kẻ tranh thủ đào khoai hoặc lùi vào chảo cám, hay chôn xuống đất, lấy củi ở lò lửa mang ra đốt đề ăn khoai nướng, ngô nướng. Còn đậu lạc (đậu phộng), lén nhổ lên ăn sống, làm đến giờ mình vẫn thích ăn đậu phộng sống, nhất là còn tươi.

    Trả lờiXóa
  4. Không liên quan đến chuyến hồi thơ, TIN BUỒN

    Chị Nguyễn Thị Lĩnh sinh năm 1948, là HSMN từ Hải phòng, Móng cái, Quế lâm, cùng khóa các anh chị Ngô Đông, anh Sỹ (anh Chí Công), chị Tri...đã mất hồi 8h00 ngày 8/8/2015 tại Nha trang, di quan ngày 11/8/2015.

    Hải chọt gửi thông báo và có thơ viếng rằng:

    Đột ngột quá!

    Thế là... chị ơi...Chị Lĩnh ơi!
    Trời trở gió... hay lời lơi lí
    Mưa lâm thâm... giọt Quế cay cay
    Mắt em nhòa, ngỡ chị còn đây!

    Chị vẫn còn đây với các em
    Hải phòng, Móng cái đến Quế lem
    Khăn tay làm hiệu để nhận biết
    Cười tươi, hiền hậu với chúng em!
    Kính dâng hương hồn chị!

    Xin thành kính phân ưu. Kính báo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phân ưu cùng gia đình chĩ Lĩnh.
      Các Quế trên FaceBook cũng đã có chia buồn với gia đình chị Lĩnh trong FaceBook "Học sinh Miền Nam".

      Xóa
    2. MF vẫn nhớ hình ảnh chị Lĩnh từ thời Móng Cái.

      Xóa
  5. Mọi người đang háo hức, phấn chấn, hướng dẫn viên thông báo, trong đoàn có ai đang giữ túi xách của L., trong đó có giấy thông hành và một số giấy tờ khác, hỏi nhau, chẳng ai cầm dùm cả, trong khi mải mê chụp hình ở núi Lạc đà, sực nhớ đến túi xách, đâu rồi? Có nỗi lo chợt đến làm trầm đi tinh thần của mọi người, quan tâm, lo lắng, bởi ngôn ngữ không đủ để có thể tự tìm.
    Hết giờ, cả đoàn ra xe, 2 xe cùng chờ hướng dẫn viên An Nguyên đang đi tìm đồ thật lạc trong công viên, thế rồi mọi người cũng vỡ òa, thở phào nhẹ nhõm, đã tìm thấy đồ thất lạc, người bán hàng trong công viên tại núi Lạc đà thấy túi xách, bà đã giữ với hy vọng sẽ có người tìm đến, khi biết chủ của túi xách tìm đến, bà chỉ yêu cầu chụp chung 1 cái hình.
    Vâng có lẽ phải có lời cảm ơn người đàn bà TQ đã trả lại đồ thất lạc cho khổ chủ, cảm ơn cô hướng dẫn viên người TQ – An Nguyên đã nhiệt tình, tận tâm tìm kiếm đồ thất lạc cho L., là một mối lo chung của mọi người trong đoàn, việc tìm kiếm lại được đồ thất lạc nơi đất khách thật hy hữu, cuối cùng vẫn là “thở phào nhẹ cả người”. Một sự việc được đóng dấu cho chuyến đi về lại tuổi thơ, đáng nhớ, khúc kết có hậu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @Quế 67-73: Sao Quế không đăng hình này lên? Chuyện của Quế làm MF nhớ ngày xưa "đi Quế Lâm" chơi, mua trái cây không biết lựa, các bà cứ xúm vào lựa dùm cho!

      Xóa
  6. Hình 7 : ...
    dáng đi khệ nệ
    là anh Quang tể
    thường hay vị nể
    là anh Đẳng bao
    Hay tám tào lao
    là cô Hồng Nguyệt
    Hay ra chủ thuyết
    Là anh ,,,
    Thi sĩ 6B

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @Vuanhvinh : đến giờ vưỡn là đại việt gian .

      Xóa
  7. Quế trước 7510:36:00 12 thg 8, 2015

    Không lẽ con đường từ trường mới đến công viên Thất Tinh đã không như cũ rồi nhỉ? Ngày xưa, đi từ cổng ban GĐ Khu hay từ cổng trường Dân tộc có con đường đi qua nông trường cam rồi đến công viên, Quế hồi đó đi bộ đều qua con đường này đi - về, con đường ngắn hơn. Còn đường lớn đi bằng ô tô ra trung tâm Quế Lâm chắc không phải con đường đi bộ nhỉ?

    Như vậy, các con đường trong trường hầu hết là những con đường cũ, có đường được mở rộng, một số con đường được nối dài thêm?

    Từ đây, Quế nào về lại Quế Lâm, về trường mới đều có thể tự đi một mình rồi! Tự khám phá thêm những kỷ niệm mà các Quế đi đợt này chưa khám phá hết. Mong những gì còn lại sẽ chưa bị thay thế trong thời gian tới đây. Quế Lâm cũng không còn mịt mờ trong ký ức, trí nhớ trẻ thơ của mình. Cảm ơn thầy Từ, các thầy cô, các Quế về Quế Lâm đợt này đã có những chỉ dẫn thiết thực, tuyệt vời cho tôi và những người chưa về Quế Lâm được. Đoàn, về thăm lại nơi chốn cũ, về lại một phần của tuổi thơ, tôi cũng như được về lại. Cảm ơn nhiều.

    Trả lờiXóa
  8. Các bạn Quế bé cái nhầm rùi. Huhu… Ngọc khỉ tui hông phải là Quế 67-73, mặc dù thời gian tui ở Quế Lâm là từ 02/02/1967 đến 23/9/1973.
    Bạn Quế 67-73 viết bài này hay quá, bạn đã nhắc đến nhìu sự kiện, nhớ nhìu các kỷ niệm và gợi lên bao cảm xúc của các Quế chúng mình.
    Mình đã ghi lại nhìu hình ảnh trong chuyến về trường xưa vừa qua, nhưng hông biết viết sao để có thể nói hết tâm trạng của mình để chia sẻ với các bạn Quế. Thật là lực bất tòng tâm.

    Trả lờiXóa
  9. Thế mà lúc đầu tui cứ nghĩ là bài của Ngọc khỉ. Không sao cũng sẽ là 1 Quế với bao tình cảm ấu thơ phải ko @Quế 67 - 73. Tui thêm người bạn...ý xí... đúng phải là tui tìm ra thêm người bạn cũ :D
    @Quế 67 - 73: Hình chụp tháp nước là tháp nào? Vì khung cảnh cây cối um tùm lạ, có lẽ chỉ có ngọn núi mờ trên rặng cây là quen quen. Chắc là tháp nước trường dân tộc phải ko? Trong Khu GD Quế Lâm có 3 đài nước theo 3 lò hơi: Trường VTS (sau căn tin), trường cấp 1 NVB (bên cạnh nhà tăm c 1 - tháp này có vị trí cao nhứt toàn Khu trường) 1 nữa cạnh nhà ăn trường dân tộc, mỗi lần đi Quế Lâm về từ xa thấy bóng tháp nước này là biết sắp tới trường rùi, hehe... nhớ ghê. Ths all
    Ba chột

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]