Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

THẰNG BẠN IDOL


  Đã trù tính biên về tài lẻ của thằng Công Hòa mà cứ chần chừ, giờ thì nó đi xa rồi. Nhưng dù sao vẫn cứ biên, như một lời viếng bạn.

  Khi nhập Quế môn tháng tư năm sáu bảy, tôi vào lớp 2b, đang dở chừng năm học lớp hai. Bọn sang trước như Tăng Kim, T.Q.Bửu, Hương tồ, Công A, Kim Thanh, v v...ở lớp 2a. So với những tên tuổi nêu trên thì Công Hòa chưa thuộc hàng tướng lĩnh, chỉ thuộc hàng tá thôi. Ầy, nhưng với bọn lớp b tôi coi bọn lớp a đứa nào cũng là tướng hết, thế cho nó hoành.


  Cái phọoc thằng C.H từ thuở bé cho đến lớn nó cứ dây dây vậy, tóc nó lúc nào cũng bết mồ hôi bóng loáng, mặt xương xương, cái miệng rộng toang, có cảm giác nó mà cười hồn nhiên phát thì hai mép gặp nhau ở gáy ngay, chả phải đùa. Chân tay nó đều dài lòng thòng lòng thòng. Dáng đi gù gù, nói tóm lại nó không đẹp trai lắm, nhưng tài lẻ thì thôi rồi lượm ơi (bác Tố).

  Phải đến khi sang trường mới, tôi mới được chứng kiến tài của C.H và idol luôn. Ở cấp một, giữa hai dãy nhà ở là cái hành lang có mái che và khoảng sân đất nện. Khoảng sân đó đều được phân chia thành các sân chơi nhỏ một cách chuyên nghiệp, đầu hồi nhà ở phía bên mạn lớp học là sân chơi bi. Tận dụng luôn cái bức tường, một vạch ngang được kẻ song song bờ tường khoảng mét rưỡi làm đích. Hoăc vài cái lỗ nhỏ được khoét dưới sân ở cạnh đó cũng phục vụ cho môn bắn bi.      Còn khoảng sân rộng kia thì tùy, hôm thì đánh khăng, hôm  thì chọi xèng.

  Bi. Có hai loại bi nhé, bi cái và bi con. Bi cái là hòn đá được mài cho tròn thành bi, công đoạn này cực kỳ công phu, chọn đá ghè cho tương đối tròn tròn, xong cả lũ lại ngồi bệ xi măng mài miệt mài miệt mài. Rồi rình mò ở bệnh xá kiếm cho được hai lọ pê-nê-xi-lin, cho hòn đá tròn tròn vào mồm hai lọ và lại xoay miệt mài miệt mài. Phải vài ngày mới thành bi, ui cưng bi lắm, đi ngủ cũng đút túi quần í chứ. Bi con dùng để chung độ thì là những hòn bi đất xanh đỏ tím vàng, chúng được đựng trong bít-tất (vớ).

  Xèng. Là những nắp chai nước ngọt được đập bẹt ra, nó giống đồng xu, nên được gọi là đồng xèng. Cũng phải rình mò ở căng-tin mới có, gian nan phết. Còn nếu không muốn gian nan thì xin mời đổi bữa xế lấy xèng, đơn giản thôi. Tôi không còn nhớ cái để chọi xèng có phải làm bằng chì không, hay là tìm hòn sỏi bèn bẹt để chọi. (Nếu làm bằng chì thì phải gom mấy cái vỏ thuốc đánh răng lên vườn đào nấu chảy ra đổ vào khuôn đất khoét tròn phải không ta?).

  Kiện (Chien Tsu). Theo tiếng tàu là mũi tên, cái mũi tên này cũng được làm từ nắp chai nước ngọt, nhưng nó là phần cao su cách khí nằm trong nắp chai. Cái cao su trăng trắng ý được chúng nó đục một lỗ, rồi dùng một cây đinh chọc qua, khoảng bốn năm cái cao su ý cài vào là được. Rồi bọn nó ra bãi rác ở bếp để chọn lông gà cho đẹp, mà chủ yếu là lông gà trống nhé, dùng cao su buôc vào chỗ cái đinh thòi ra ý, thành cái kiện, đẹp vãi. Tôi thật, thời thởi chúng tôi sáng tạo rất. Kiện đá bay như mũi tên luôn.

  Tôi phải tả chi tiết vậy để thấy rằng, tạo ra nguyên liệu trò chơi khi khỉ kỳ công lắm. Nhưng với C.H nó muốn là được, bởi nó chơi mấy môn mổn như thánh.

  Tôi nhớ trận thư hùng giữa Q.Bửu với C.H diễn ra vào hè năm sáu chín, khi chúng tôi chuẩn bị lên cấp hai, có bao nhiêu chơi tất, kiểu như máu rồi thì đừng hỏi bố cháu là ai ý. Chúng tôi háo hức hóng. Gay cấn hồi hộp, hai chiến tướng chơi hay như vẫn, các ngón nghề được dở ra hết. Mức cá xèng mỗi lúc một tăng.

  Tả thêm cái, những lần chơi xèng với C.H nó chơi như dỡn, có những cú rải xèng, ba đồng nằm sát sạt nhau tưởng là đôi, nhưng khi kênh ra thì không phải, tôi chỉ mày phải chọi đồng nằm giữa mà không được động đến hai đồng kế bên. Nó dựng đứng cái lên nhằm nhằm và mổ, đồng xèng nằm giữa tung lên ngay luôn, chính xác đến từng dem li mét.

  Trận trẩn phần thắng nghiêng về C.H, nó ăn hết, một bịch xèng to tướng, đựng xèng ở vạt áo, đứng trên đỉnh dốc nó tung hết xèng ăn được cho cả bọn chúng tôi nhào vào nhặt, nhìn cảnh đó nhớ lại, độc cô cầu bại là đây chứ đâu. Lên cấp hai thì môn xèng chấm dứt, các môn khác lại xuất hiện.

  Đá kiện, chúng tôi đá bằng lòng bàn chân, và thi xem đứa nào đá lâu nhất. Đá kiện không ở sân đất nện đâu, mà phải vào hội trường (nhà ăn) cho nó sang trọng (thực ra là tránh gió thôi). Lớp a có hai thằng vô địch võ lâm về đá kiện nhẽ là C.H và Châu rót (tôi xin lỗi C.R vì có bài nào đó tôi nói nó không có tài gì hồi bé). Về sau này C.H nó nói nó đá kiện giỏi nhất vì nó khỏe hơn Châu rót, cú đó Châu rót mỏi chân quá khụy xuống mà thua (nếu Châu rót có đọc thì vào a-dua miếng nhé).

  Dáng vẻ lòng khòng vậy mà C.H chơi môn gì cũng hay, thế mới tài. Mãi tới năm 2007 nó lại làm tôi ngạc nhiên lớn, kỳ gặp mặt 40 năm Quế ở ĐN, viện trưởng C.Hòa xách luôn cả xe cứu thương đi gặp mặt, chiều mít-ting ở Xuân thiều, nhóm múa nữ mê mải luyện tập, trang điểm, gần tới giờ mà không có xe. Tôi cũng trưởng xe, nhưng không điều đi đón được, tôi liền nhờ C.H cho một cuốc "cứu thương" chở đội múa, nó đồng ý ngay. Sau đó không biết nó có đón được đội múa không.

  Bất ngờ cuối cùng là nó ra đi khi tuổi đời còn trẻ, thật tiếc. R.I.P thằng bạn IDOL.

Xuân Hùng

9 nhận xét:

  1. Trả lời ngay là bi giờ mới bít có xe cứu thương được cử đi đón đội múa . Hix .

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn XH làm Quế nhớ các trò ở QL. CH thì thật sự chỉ biết đến tên ở STBe, mình có chơi với nhiều Quế QTrị, cả đại ca lớp trước như Bình "TRòn" nhưng ko nghe nhắc CH. Đọc bài của XH viết về CH như là một nén nhang thắp bạn Quế lớp trước tuổi ngang. XH nhắc tới món bi đá, làm nhớ tới công nghệ làm bi đá hồi ở QL, sao mà nó công phu đến thế: Chọn đá cứng, có vân và kiên trì "mài xoay", thời gian thì khỏi nói: giờ chơi, giờ ngủ và ngay cả giờ học...để có được những hòn bi đá tròn, nhẵn và đủ cá cỡ. Bi càng hoành tráng, đẳng cấp Quế càng hoành tráng. "Xèng" là loại "tiền" để thanh toán phân biệt đảng cấp Quế. Và "xèng" trở thành: từ độc quyền của Quế cho đến ngày nay: Các Quế còn bận cày cuốc kiếm "xèng"!
    Ngoài công nghệ làm bi đá, Các Quế ta ngày ấy còn có công nghệ sản xuất súng diêm, súng cao su...Những cái mặt ghế đẩu được cưa, gọt với những bàn tay "nghệ nhân Quế" để có những khẩu súng diêm, súng cao su sáng loáng. Súng cao su bán chim thì ít mà cửa kính và bóng điện thì nhiều. Súng diêm thì có đầy đủ các bộ phận :nòng súng, cò...và bắn nổ bay ra que diêm, nhiều khi là cả viên chì. May mà chưa có chú Quế nào dính đòn. Ôi những trò nghịch dại tuổi thơ. Các trò này các lớp đàn anh lớn thì truyền lại cho Quế sau và nay thất truyền vì 1975 thì thành cựu Quế.

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét NTTH là của TGTB, do mượn máy, bấm tới số nên xuất hiện tên mới.

    Trả lờiXóa
  4. @XH: CH lừng lẫy như vậy, nhưng lành tính, nói năng không trôi chảy nên chỉ tự tin trong các tài năng của chính mình, chứ ít nói! Thế nhưng 40 năm sau gặp lại, MF gọi trúng chóc tên họ đầy đủ của hắn, hắn cảm động đến tội nghiệp! CH ơi, MF có lỗi là về rồi mà lúi búi quá chưa ra thắp hương cho bạn, lần cuối cùng gặp là Hòa mới mổ xong đang nằm trong bệnh viện, MF còn trêu bạn là mới "lột lưỡi", bạn cười hiền như không thể hiền hơn thế!
    @TGTB: Lần sau lấy trộm máy làm việc thì hãy cẩn thận hơn!

    Trả lờiXóa
  5. Vừa đọc còm của NTTH vừa nghĩ sao tên Quế gái nào mà hoành thế ? Tính nhiệt liệt chào mừng hắn và hỏi thăm xem hồi nớ hắn học lớp mô thì thấy liền còm của TGTB , cười văng miểng .

    Trả lờiXóa
  6. XH mô tả các đồ chơi tự tạo ngày xưa thậtt hay, CH là người vừa tỷ mỷ,kiên nhẫn, sáng tạo, học hỏi nhanh. Từ viên bi,ngày nhỏ kiếm được viên bi thủy tinh có hình quả khế bên trong thật là hiếm, nhưng những viên bi đá thì thật nhiều,hầu hết phải hơi to để khi chơi không bị bắn bể. Đến ná bắn chim, hồi đầu còn kiếm chạc cây cắt,uốn cho đẹp, rồi chạc cây đâu nhiều, nên phải cưa gỗ làm ná. Nhưng súng bắn diêm thì thật nhiều sáng tạo, từ sung cưa từ gỗ ghế,thành giường,đến kiếm ống làm nòng,van xe đạp, dây thun phải màu hồng, cò sung lại phải từ cây sau đó chuốt gọt, dùng lửa uốn... Xong khẩu sung đến phần diêm để lấy diêm sinh, tết đến còn sang tạo gắn kèm pháo. Ngày bị thầy Lê Đức Tường (hiệu trưởng cấp 1 - trường cũ) bắt phạt tại phòng của thầy, mấy ông anh chạy tới kêu ném súng bắn diêm, ná mà thầy tịch thu,tôi phải chọn cái nào chuẩn nhất để ném xuống. Ngày ấy thật nhiều trò chơi được anh chị lớp trên truyền lại,hầu hết phải tự làm, nếu bị thua hoặc tịch thu thì phải làm lại.

    Trả lờiXóa
  7. ừa,đúng rùi...ngoài câu thơ là dấu hiệu đích thị hsmn(có di truyền thế hệ sau nữa):
    20-11đến rồi....là xèng,đang kiếm xèng hả,ko đủ xèng,cho ít xèng đi....
    Đám quế nhí nữ (nghịch nữ)cũng có trò chơi chứ bộ:ĐGa có nhớ làm tổ dế bằng đất sét ko,đầu tiên dế được nuôi trong các hộp diêm,đục lỗ cho thở...sau kím đất sét,nhào nặn vuông vắn làm chuồng cho dế,từng ngăn hẳn hoi,vì dế hay đá nhau,mỗi dế một ngăn,lấy que diêm cạo diêm sinh đi,cắm làm cửa,rút ra,rút zô được,khi nào thích hay cá cược dế đá nhau thì rút cửa diêm cho dế ra sân chuồng chung đá và hò reo xung quanh,vui phết...(một chuồng dế thường chia 3 ngăn,2 ngăn nuôi 2 dế,ngăn giữa để xem dế đá nhau),nhé phải kím cỏ non,thơm, cho dế măm....
    Quế bạn nhớ típ và kể đi..trò khác nữa...

    Trả lờiXóa
  8. @UL: Đúng như UL nói, đi ra đồi, hay ngay góc nhà thỉnh thoảng lại gặp những con dế tới lui, phải nhìn nhanh xem đuôi có 2 hay 3 râu mà bắt, dế đực mới có tiếng kêu và đánh nhau được...hi hi, bon mình còn trò bắt chim dể nuôi, toàn nuôi chim sẻ con(bát được vì chúng bay chập choạng), hí hửng chăm sóc cho ăn uống đủ thứ...vậy mà cứ sau 1 đêm là lăn ra chết cứng(dù đã lót bông rất cẩn thận), hu hu...Rồi đám tang chim diễn ra thật cảm động, mình vẫn nhớ nơi chôn con chim sẻ ngay đầu hồi khu nhà tắm nước nóng ý...
    Đọc bài viết về anh CH quá hay, giọng văn cực xì tin, gợi nhớ bao kỉ niệm Quế. Cảm ơn a XH!

    Trả lờiXóa
  9. ...đám quế nhỏ còn trò chơi đá cầu bằng...giấy nữa cơ,những trang vở cũ ko còn dùng nữa,được xé bằng tay từng dong cho đều(kéo lấy đâu ra lúc í)rồi dùng chun buộc bó giấy lại ở giữa,2tay xoa đều để cho bông ra,rồi chơi đá cầu,thường đá nghiêng về một bên...
    Nói chuyện đá cầu,kiện tướng trong đám nữ nhỏ là ĐGa,hắn đá sao mà chả thấy cầu rơi,cũng ko tỏ ra mệt mới tài...

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]