Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

VỀ THĂM TRƯỜNG XƯA


Tác giả: Một HSMN Đông Triều (ẩn danh)

Quá nửa đời quay trở lại trường xưa
Bạn bè cũ, thầy cô giờ đâu vắng ?
Trưa tháng sáu giữa sân trường đầy nắng
Sim tím rơi đầy, thổn thức một tiếng ve…

Ta nhớ lắm em những ngày còn rất trẻ
Nón che nghiêng, áo lụa với tóc dài
Chút tình nhỏ mong manh thời trẻ dại
Đã như sương tan vội dưới ban mai…

Bạn bè ơi ! Ta thèm về quá đỗi
Sáng khai trường lất phất những hạt mưa
Nhớ hè nào bên ánh lửa trại xưa
Nghe da diết tiếng đàn xưa nhắn gởi.

Đã xa quá cả một thời nông nổi
Dấu chân quen bụi đỏ cuốn mù khơi
Ta mười bảy, rời trường xưa đi vội
Lòng nặng sầu chỉ biết kể cùng em.

Mỗi lần nghe tiếng kẻng điểm sớm mai
Lại nhớ quá có một thời đã mất
Về trường xưa – quá nửa đời lận đận
Khắc khoải tìm hình bóng đã mù xa…


12:13:00 04-06-2014

16 nhận xét:

  1. Bi giờ MF đã hiểu vì sao
    "Trưa tháng sáu giữa sân trường đầy nắng
    Sim tím rơi đầy, thổn thức một tiếng ve…"
    vì là: "Bạn bè cũ, thầy cô giờ đâu vắng?"
    Và chắc chắn trường xưa giờ hoang vắng lắm phải không?

    Trả lờiXóa
  2. @ND 12:13:00 04-06-2014, ND về thăm lại trường Đông Triều năm nào nhỉ? Trở lại trường xưa chỉ còn nắng gắt, cánh sim xưa giờ sao tìm được,một thoáng nhà xưa làm sao tìm thấy được, chỉ còn là gạch nát bên đường. Tình xưa cũ con đường xưa xa khuất,chỉ còn lại mình ta bên phiến đá khắc ghi.

    Trả lờiXóa
  3. Theo MF hỉu thì sau chừng ấy năm, trường cũ giờ trở lại thời còn là đồi sim hoang sơ, không có bóng dáng những nếp nhà tre nứa vách đất anh chị em mình đã làm nên để ở, không còn những phòng học đơn giản mà đầy kỷ niệm, không còn bóng thầy cô thấp thoáng bên thềm giảng đường... À mà sao tác giả không viết là "Phượng thắm rơi đầy, thổn thức một tiếng ve…" hèo? không lẽ cây phượng ở cổng trường ai đó đã đốn mất? Tác giả hình như có một ấn tượng mãnh liệt với hình ảnh cây sim?

    Trả lờiXóa
  4. @QF:"Sim tím rơi đầy" là hình ảnh đẹp có lẽ riêng hơn cho trường HSMN đóng ở vùng trung du.Tuy nhiên hơi băn khoăn là ít thấy cánh hoa sim rơi đầy mà thi thoảng thấy vài trái sim rơi thôi à ?

    Trả lờiXóa
  5. Đầu năm rồi mình có ghé qua trường cũ. Ngã tư thị trấn Đông Triều nói chung không thay đổi lắm, dễ nhận. Mình đi bộ về trường đến chỗ Bệnh xá giờ là UBND xã. vào chơi gặp ngày mấy tay cán bộ hồi 75 đang con nhỏ thế là tụi nó lấy bia uống rồi kể lại bao kỷ niệm thời trường còn đó , nhắc tên từng anh HSMN dạy võ cho tụi chăn trâu chúng nó, tên bà bán chè...Mải vui gần tối mình mới vào trường. Giờ chẳng nhận được gì vì chỗ đó sau 75 được khôi phục, xây dựng lại khu đền thờ 8 vị vua Trần. Khu đền lớn, đẹp. Phía ngoài gần cổng đền có tấm bia được xẻ từ khối đá lớn ghi dòng chữ: Nơi đây, học sinh miền Nam đã được Đảng, nhà nước, Bác Hồ và đồng bào miền Bắc nuôi dưỡng, đào tạo, trưởng thành. Đọc mà xúc động lắm. bao kỷ niệm nôn nao cả người.

    Trả lờiXóa
  6. Kỷ niệm rất nhìu , nhưng có lẽ tác giả muốn gởi tình thương về ai đó sau bao năm thầm giấu kín mà bây giờ mới bộc phát ra ?

    Ôi những mối tình thuở học trò /

    Trả lờiXóa
  7. @HHP: Có, hoa sim có rụng, nhưng thường rắc lên những mảnh đồi cằn hoang vu nên ít ai để ý, trừ cặp mắt của những kẻ mang trái tim đa cảm lang thang nơi cuối trời ...
    @Thành Luân: Đây cũng là một kẻ lang thang bởi lỡ mang trong mình một trái tim nặng tình với quá khứ! Một mình và một mình, hắn đi qua các miền ký ức và đi tìm bè bạn, rồi đôi lúc trở về trong hờn tủi vì ngày xưa không chịu trở về cùng!
    Không có đứa nào đòi nợ đệ thay cho các đại ca hay sao?

    Trả lờiXóa
  8. Gửi tác giả: MF chèn vô thêm bản nhạc "nỗi buồn hoa phượng", dẫu không phải là hoa sim, nhưng theo MF thì bài hát và bài thơ có sự cộng hưởng. Bài hát ni có nhiều ca sỹ lừng danh hát, nhưng MF chọn giọng ca ni vì cái mộc mạc của giọng hát phản ánh được giọng thơ viết từ rung cảm của mình chứ không phải từ ngòi bút điêu luyện của một thi sỹ chiên nghịp!

    Trả lờiXóa
  9. Thật xúc động khi đọc bài thơ của bạn là ai đó.Tôi cũng có những tháng năm đầy ắp kỷ niệm ở Đông Triều bởi cấp ba tôi học ở ĐT rồi sau đó quay về dạy các em Vượt TS ra Bắc học ở đó.Bài thơ chan chứa những kỷ niệm thoáng buồn.Tôi có dịp trở lại trường nhiều lần.Đúng là lúc đầu sau giải phóng trường tan hoang trông đến đau lòng.Sau khi xây đền thờ các vị vua Trần khung cảnh có khác:Khu đồi hiệu bộ và các dãy phòng học được qut hoạch làm đền thờ cao ráo sạch sẽ với nhiều loại cây cao phủ bóng mát.Hai bên đồi khu nhà ở cũ rợp bóng cây xanh.Năm hai lẻ tư tôi về còn ba ngôi mộ của các em miền trung nằm lại.Hôm rồi hỏi nghe nói các em ấy đã được về quê.Tháng tám năm rồi tôi có dịp đi qua ĐT nhưng không tiện ghé.Nhìn vào trường lòng đầy ắp những buồn vui . . . Cảm ơn bạn đã gợi lại một thời để nhớ.Q.MF bài phát biểu của cô hôm đó ồn quá không nói được gì.Đó là nỗi lòng cô muốn nói với các em.Nó sao rồi em?Cô có ý chờ.

    Trả lờiXóa
  10. Năm 1998 mình có về lại trường Đông Triều, thăm lại khu y tế , khu hiệu bộ, lúc đó huyện Đông Triều đang xây lại khu lăng mộ tưởng niệm các vua Trần, khu nhà ban giám hiệu lúc đó chỉ còn sót lại phòng thầy Hồ Đình Phương ở góc, mình ra phía sau ngắm dòng suối , trại lốc ở xa xa, nhìn bên phải trường thấy thấp thoáng khu lò gạch, nhìn bên trái trường là sườn dốc thoai thoải, nơi có khu nhà học sinh, sân bóng đá, sân bóng chuyền, bóng rổ..., những hàng cây thông vi vu năm nào giờ đã mất tăm..
    Đúng là cảnh cũ người xưa làm chạnh lòng về một thởi

    Trả lờiXóa
  11. Trường Miền Nam số 1, đóng tại huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh xây dựng trên một phần nền của đền thờ An Sinh của nhà Trần, sau lưng khu chính của trường là hồ nước nhân tạo mà dưới lòng hồ và phía đồi bên kia (nơi nuôi bò) là khu phế lăng có các lăng vua Trần. Khu đền An Sinh đã được phục hồi ngày càng hoành tráng, trong khuôn viên Đền bên tay phải có khối đá khắc ghi nơi " Nơi đây, học sinh miền Nam đã được Đảng, nhà nước, Bác Hồ và đồng bào miền Bắc nuôi dưỡng, đào tạo, trưởng thành" và vẫn có bảng gợi nhớ nơi này từng có đ/c thủ tướng Phan Văn Khải học tập. Trong Đền thờ các vua Trần. Phía sau Đền còn lại rừng thông. Xung quanh Đền bây giờ là đất chia cho người dân làm vườn nhãn. Dấu tích khu 2 (khu lò gạch) gần sân khấu còn lại mấy cây xà cừ to cao (ngày xưa là hang cây đường đi ra lò gạch). Khu 2 (nhà ăn, sân bóng,...) không còn vết tích. Mong mọi về thăm lại trường xưa.

    Trả lờiXóa
  12. @ND 08:58:00 09-06-2014: Vâng, các ngôi mộ của HSMN gần trạm xá vẫn còn đó. Đường về trường đã được bê tông, không còn là đường đất đỏ ngày xưa. Hai bên đường đã có nhiều nhà dân, không còn trống vắng. Gần trước cổng Đền có nhà một cô ngày xưa cũng làm trong trường (hình như nấu ăn),nếu ai cần tìm hiểu quá trình thay đổi từ sau 1975,hãy ghé lại đó, uống nước và thăm hỏi.

    Trả lờiXóa
  13. Đó là cô Hồng "C" để phân biệt với các cô Hồng lớn hơn.Địa phương di dời cô đi chỗ khác để quy hoạch cổng đền nhưng cô nhất quyết không chịu với lý do cô phải giữ Trường HSMN của cô.Thật xúc động.Không biết giờ cô còn đó không!

    Trả lờiXóa
  14. Xin lỗi ND (tác giả), MF nói đùa rứa mà ND nín thẳng không gửi thêm bài thơ nào nữa à? MF năn nỉ mà, không thấy thơ ND trang Quế lại thấy ... nhớ! Thơ của ND không hẳn là thơ, mà là sự xao động với kỷ niệm của tuổi học trò, mà là tuổi học trò trên sân trường HSMN Đông Triều! Nặc danh mở bản nhạc nỗi buồn hoa phượng MF đã kèm vô đó, nghe rồi sẽ thấy là ND cần phải ... gửi thơ nhìu hơn thế!
    @Cô Thơ ơi! Trò MF xin lỗi cô chậm trễ chiện ghi lại bài phát biểu của cô, con sẽ post trong thời gian sớm nhất có thể cô à!

    Trả lờiXóa
  15. Nếu có ước muốn trong cuộc đời này
    Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại
    Bên nhau tháng ngày, cho nhau những hoài niệm
    Để nụ cười còn mãi lắng trên hàng mi
    Trên bờ môi và trong những kỷ niệm xưa.

    Mỗi lần có dịp trở lại trường xưa, trong lòng chúng ta thường trào dâng những cảm xúc khó tả và ký ức tươi đẹp tuổi học trò lại ùa về.

    Ngôi trường cũ gắn với bao kỷ niệm, thầy cô và bạn bè. Ta sẽ chẳng bao giờ quên thời học trò, ngồi trên ghế nhà trường, nghe thầy cô giảng dạy những điều hay lẽ phải.

    Năm tháng trôi qua, các cô cậu học trò dần trưởng thành, thầy cô rồi cũng phải già đi nhưng ký ức thuở đi học vĩnh viễn không thể xóa nhòa.

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]