Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Cô muốn nói với các em rằng ...

                                  (Bài phát biểu của cô Đàm Thị Ngọc Thơ trong buổi họp mặt HSMN Đông                                       Triều lớp 9, 10 niên khóa 1974-1975 ngày 18/5/2014 tại Đà Nẵng)

       Kính thưa quý đại biểu là khách mời
       Kính thưa quý thầy cô công tác và giảng dạy tại trường HSMN Đông Triều
       Các em học sinh các khóa có mặt hôm nay thân mến!
   Cách đây 2 tháng tôi có dịp về đây dự họp mặt với các em khóa 1974. Hôm nay từ Cà Mau đất mũi xa xôi, nơi tận cùng đất nước tôi lại về đây họp mặt với quý thầy cô giáo và các học sinh thân yêu của mình. Bởi đến với các em là đến với chính cuộc đời mình, đến với yêu thương và nỗi nhớ, đến với muôn vàn kỷ niệm một thời và không thể nào quên.
    Kỷ niệm 60 năm chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ cũng là kỷ niệm 60 năm trường HSMN trên đất Bắc, dẫu ngôi trường ấy chỉ tồn tại 21 năm. Bởi 30/4/1975 ấy đất nước tưng bừng mừng chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Bắc Nam sum họp một nhà. Nhiệm vụ lịch sử của trường HSMN chấm hết. Quên sao được cái chiều và đêm 30/4 năm ấy trên đồi Yên Sinh. Chúng ta đã ôm nhau mà khóc, mà cười, mà ca mà hát mà đập phá tất cả những gì có thể để biểu lộ lòng hân hoan đến tột cùng.
    Đất nước đoàn tụ sum vầy, nhưng thầy trò bạn hữu lại chia tay mỗi người một ngả. Khóa tốt nghiệp năm 1975 này các em lần lượt vào các trường đại học trong và ngoài nước. Các em các khối lớp dưới lần lượt được đưa về quê hương trog niềm đón đợi của người thân để tiếp tục chương trình phổ thông rồi vào Đại học. Không ít em không còn ai chờ đón phải chịu bơ vơ không ít thời gian, các em phải rẽ sang những nẻo đường đời, giờ nhắc lại vẫn chưa hết rưng rưng tức tưởi.
    Còn quý thầy cô về lại quê hương tiếp tục xây dựng sự nghiệp trồng người ở đó và xây dựng gia đình. Các thầy cô đã trên dưới tuổi 40. Có thầy cô ở vậy cho đến bây giờ.
   Rât nhiều năm sau chúng ta mới có dịp tìm gặp lại nhau. Các em lần lượt đón nhận thầy cô về với quê mình trên khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Nơi nào có các em là thầy cô đều được đón về. Đến đâu thầy cô cũng vui mừng nhận thấy các em đều đã trưởng thành vượt bậc và góp nhiều công sức xây dựng quê hương như Bác Đảng đã mong muốn và đặt nhiều kỳ vọng Đến đâu thầy cô cũng vui mừng nhận thấy các em kết nối với nhau tro ng hội bạn học của trường. Và ở đâu thầy cô cũng được quan tâm chăm sóc ân cần, chu đáo, đầy yêu thương, vượt cao hơn cái nghĩa thầy trò thông thường. Bởi ở ngôi trường HSMN đặc biệt ấy ngoài tình thầy trò, cô trò, ta còn có nghĩa cha con, mẹ con mà các em luôn nhớ.
   Chúng ta đã nhắc cho nhau nghe thật nhiều những kỷ niệm riêng chung, những kỷ niệm buồn vui, sướng khổ một thời có nhau. Có cả những kỷ niệm tưởng chừng nên quên đi, nhưng diệu kỳ thay nó lại là những kỷ niệm đáng nhớ nhất, đáng yêu nhất và pha lẫn cả sự tự hào con trẻ mỗi khi kể lại. Ví như chuyện Vinh vào vườn chuối của dân, chặt nguyên quầy vác về cho cô Tâm, thầy Trác.     Chuyện trộm gà nướng lụi không quên để lại cho cô cái đùi vì cô giáo vừa sinh em bé. Chuyện đêm về rình trộm cái radio của thầy, bị thầy gọi đúng phóc tên. Chuyện vào trại Lốc đốn mía cột dây phăng về để không bị lộ rồi cũng bị thầy Vĩnh Thọ bắt gặp. Chuyện đi đào khoai, đốn mía bị dân bắt, giả làm thầy giáo tự giải vây cho nhau ... Kể sao cho hết những kỷ niệm không thể nào quên ấy ...
  Các em học sinh thân mến,
Gian khổ qua rồi, thời gian cũng đã lùi xa nhưng những kỷ niệm thì đọng lại sâu sắc trong lòng các em và ký ức của thầy cô giáo thường xuyên, cô vẫn ân hận là hồi đó mình còn quá trẻ, chưa đủ hiểu biết, không đủ sức để yêu thương, che chở, bảo bọc cho các em nhiều hơn. Vậy mà đời cho các em lớn khôn, trưởng thành hơn thầy cô tưởng, yêu thương luyến nhớ thầy cô hơn mức thầy cô mong đợi.
   Cuộc sống thật muôn màu. Màu thời gian thật diệu kỳ, bởi nó không làm phai nhạt đi những ân tình chúng ta có được mà khắc ghi sâu đậm hơn nhiều. Ở cái tuổi về già hôm nay, cô cảm nhận đó là HẠNH PHÚC. Một thứ long lanh sắc màu ngọt ngào, gắn bó trong thịt da, trong sự sống mỗi ngày. Đó là một thứ hành trang vô giá để cô càng thêm tin yêu hơn cuộc sống hôm nay, nó khiến đời sống chúng ta có thêm thật nhiều ý nghĩa. Để trong buổi hoàng hôn của cuộc đời này, cô luôn như thấy có cả rừng tay của các em luôn vẫy gọi: Cô ơi! Cố lên! Có chúng em bên cạnh.
   Hôm nay chúng ta tập hợp về đây khá đông không phải theo hội địa phương mà theo khóa học.        Dù dưới dạng nào các em vẫn luôn gắn kết bên nhau, đó là sự gắn kết thật tuyệt vời.
Khi vượt Trường Sơn ra Bắc, bản thân các em là những dũng sĩ, những nhân chứng của chiến tranh, là con em của những cán bộ Cách Mạng miền Nam, được gọi chung là: Những hạt giống đỏ của miền Nam trên đất Bắc. Được yêu thương, rèn luyện chăm sóc trong các ngôi trường đặc biệt - Trường HSMN - các em đã phấn đấu trưởng thành. Giờ đây các em là những minh chứng hùng hồn cho những ngôi trường phổ thông và Đại học trên toàn miền Bắc XHCN sự quyết tâm phấn đấu rèn luyện theo khát vọng của quê hương mà khi ra đi các em đã mang theo trong lòng. Các em thật trí tuệ và năng động, đã góp nhiều tài năng và công sức vào công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước. Ở đâu trên đất nước này đều có hình bóng của HSMN. Thầy cô luôn tự hào về các em. Đó là sự đền đáp xứng đáng nhất của các em đối với Bác, Đảng, nhân dân miền Bắc và quý thầy cô giáo đã yêu thương, đùm bọc, che chở mình trong những năm đầy gian khó ấy.
   Sau cuộc họp mặt rồi sẽ chia xa. Sau niềm vui hội ngộ rồi sẽ luyến lưu, ngậm ngùi tiễn biệt. Hãy lắng nghe trái tim mình thổn thức. Nhưng xin mọi người đừng có khóc. Vì chúng ta còn sống là còn gặp nhau, còn yêu thương tràn ngập cõi lòng.
   Và các em thân yêu ơi! Trong cuộc đời này, không phải không còn những góc khuất, không phải không có những em nhiều gian truân không được như ta mong muốn. Cô muốn nói với các em ấy rằng:
  “Nếu có phút giây nào trong lòng cảm thấy bâng khuâng, hãy nhớ về thầy cô, như nhớ về điểm tựa. Dù đi đâu, ở đâu, dù thế nào chăng nữa, kỷ niệm Đông Triều là chỗ dựa bình yên!”
   Tôi rất thích 2 câu thơ sau:
                         “Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy
                           Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”
   Kính chúc quý vị đại biểu, quý thầy cô, sức khỏe và hạnh phúc.
   Chúc các em học sinh yêu quý: sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!
  Kính chào.

10 nhận xét:

  1. @Kính cô: Q.MF kính xin lỗi vì chuyển tải bài này của cô với một thời gian khá lâu, sau khi cuộc họp kết thúc.
    Trong lòng con canh cánh, nhưng cần kiếm ra thời gian để vừa chép vừa ngấm những lời của cô, chưa kể là nhiều lần trào nước mắt.
    Cô đọc những lời phát biểu này trong khi mọi người cứ ôm nhau trong nỗi niễm nhung nhớ lâu ngày không gặp, nên khó ai tập trung để nghe. Hy vọng trên blog này mọi người sẽ có thời gian yên tĩnh để nghe cô nói gì với chúng mình, dẫu có học ĐT hay không, chỉ miễn là HSMN ....

    Trả lờiXóa
  2. Tỉ MF coi chừng sơ ý tác giả dỗi đó nha.

    hai câu :
    “Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy
    Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”

    dường như em nghe trên mạng... đồn tác già là
    người Lebanese (Li Băng)
    tên là Kahlil Gibran (1883-193), triết gia lớn lên sinh sống ở Mỹ

    Trả lờiXóa
  3. Ngày đó, lũ chúng em, rât nhiều mảnh đời khác nhau, kẻ từ Nam ra, kẻ sinh ra trên đất Bắc nhưng cha - mẹ đảm nhiệm chức trách trong cuộc kháng chiến. Ngày đó, ít nhất đển ra Bắc phải là con của huyện ủy viên trở lên. Cô cũng như chúng em, là HSMN sống trên đất Bắc, xa người thân, sống cùng nhau, học tập cùng nhau, cuộc sống gia đình nằm trong sự hoài tưởng, mơ ước, còn gia đình của hiện thực là thầy - cô - bạn rất rất nhiều những sinh linh nhỏ nhắn trưởng thành. Từ những trẻ còn bi bô, đến những anh chị vượt trường sơn mặc dù chân nhỏ, cũng có người trở thành không tên trên đường Trường sơn. Trong số HSMN, không ít người là dũng sỹ diệt Mỹ, đến giờ vẫn không nói. Còn bao nhiêu em, xa cha mẹ từ tuổi nhỏ trên đất Bắc để vào trường Võ Thị Sáu. Cuộc sống ngày đó, mới thấy cuộc sống tập thể, trẻ con, người đang lớn, họ gắn với nhau bằng ký ức, bằng sự va chạm, bằng xung đột của trẻ thơ để hôm nay gắn bó yêu thương - là anh em cùng một nhà. Lịch sử chỉ có một ở Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  4. @ND 22:53:00 20-06-2014:
    Chời, MF đâu có bít, chép của cô chắc bị lộn, để MF bỏ tên TG đi cho phẻ nha!

    Trả lờiXóa
  5. @Tỷ MF: ND 22:53:00 20-06-2014, nói đúng. Theo TL, tỷ chỉ cần sửa lại tên tác giả thôi.
    Mạn phép Tỷ, TL sửa thế lày: "Tôi rất thích 2 câu thơ của nhà thơ Libăng Kahlil Gibran:
    "Cảm ơn đời...."!

    Trả lờiXóa
  6. Thưa cô Thơ, nếu bây giờ còn được làm báo tường thì em sẽ xin phép cô được "phổ nhạc" đoạn này:

    Khi vượt Trường Sơn ra Bắc, bản thân các em là những dũng sĩ, những nhân chứng của chiến tranh, là con em của những cán bộ Cách Mạng miền Nam, được gọi chung là: Những hạt giống đỏ của miền Nam trên đất Bắc. Được yêu thương, rèn luyện chăm sóc trong các ngôi trường đặc biệt - Trường HSMN - các em đã phấn đấu trưởng thành.

    Và được biên là nhạc: XH, Lời: Cô Thơ, đảm bảo hay cô ạ. He he

    Trả lờiXóa
  7. "Có những tháng năm chúng ta sống bằng quá khứ,
    Có những điều đốt mãi chẳng thành tro ! "
    Bạn cũ, trường xưa, thầy cô ...giấu giữ nhiều kỷ niệm
    Xa lâu rồi mà cứ tưởng mới hôm qua ...

    Trả lờiXóa
  8. "cô vẫn ân hận là hồi đó mình còn quá trẻ, chưa đủ hiểu biết, không đủ sức để yêu thương, che chở, bảo bọc cho các em nhiều hơn" ...
    Ôi cô ... cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, thầy cô trường HSMN hiến cho học trò cả tuổi trẻ của mình! Cô sẽ không thấy chúng em "yêu thương luyến nhớ thầy cô hơn mức thầy cô mong đợi" nếu các thầy cô thấu được sự biết ơn của chúng em! Bản thân cô, cũng như thầy Trần Vĩnh Thọ hay thầy Thái Phiên ở Quế Lâm ... lại cũng là HSMN trước khi là thầy HSMN, cho chúng em có một điểm tựa ấm áp trong những ngày xa cha mẹ!
    Không khó hiểu rằng dù các trò có dùng mưu kiểu gì thì cũng không qua mắt thầy Trần Vĩnh Thọ đâu cô ơi! Ngày ở Quế Lâm, thỉnh thoảng em bị thầy Thái Phiên phạt nhốt không cho đi chơi vì nghịch quá, nhưng khi "tha" tù, thể nào thầy cũng kèm theo một một ăn nhỏ! Không bao giờ hết thương thầy cả, cho dù cuộc đời biến động như thế nào, ai nói ngả nghiêng ra sao! Vì những lần bị phạt ở lớp dưới được hành xử rất khác. Đó chính đã là "chỗ dựa bình yên" cô ơi! Rừng tay vẫy gọi cô của các trò luôn là hiện hữu!
    Mong thầy cô chúng ta luôn bình an!
    Hùng ĐB, Mộng Linh và một số Quế vừa ra Bắc dự 49 ngày của thầy Tuấn và cùng thăm thầy Trì, thầy Tảo và thầy Từ! NGhe điện thoại của các thầy, nghe lại cũng cung giọng ấm áp và yêu đời của các thầy, sao mà thấy vui vô cùng ... Cám ơn các Quế đã rất Quế!

    Trả lờiXóa
  9. Hôm nay cô mới lên máy đọc được bài của mình.Cảm ơn em Thanh đã cho đăng tải.Và cô cũng đã rưng rưng thật nhiều khi đọc những lời phản hồi của các em.Còn hai câu thơ thì quả là cô không biết tận gốc.Khi nghe nói của Nguyễn Duy, khi của Nguyễn Mỹ nên . . . nói đại.Giờ thì biết rồi.Cảm ơn các em.Cô Ngọc Thơ

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]