Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

19 THÁNG NĂM THƯƠNG NHỚ BÁC HÔ

Hồi ký – Đàm Thị Ngọc Thơ

Tôi học vào loại luôn giỏi, và chắc chắn tôi luôn trong diện xuất sắc các mặt hoạt động văn , thể, mỹ, các phong trào thi đua của trường. Nhưng chưa bao giờ tôi đủ tiêu chuẩn được chọn cử vào danh sách vào Phủ Chủ Tịch ăn Tết cổ truyền, Trung thu hoặc các dịp lễ, Tết lớn cùng với Bác Hồ như các bạn tôi. Dẫu sao những năm học ở miền Bắc tôi cũng đã có nhiều lần được gần bên Bác, thật gần, tưởng có thể ôm chầm lấy Bác, sờ được bộ râu đã lốm đốm bạc của Người. Những lần được gặp Bác đó thật hiếm hoi. Nhưng đó là thứ tài sản quý báu mà suốt đời tôi luôn cất giữ.
Còn nhớ cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1955 tôi cùng nhiều bạn Trường HSMN số 4 và nhiều các bạn ở các Trường HSMN khác được tập trung về Hà Nội. Chúng tôi được thông báo công khai là tập dượt để diễu hành trong lễ kỷ niệm 10 năm Cách Mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2 tháng 9. Chúng tôi sẽ được thấy Bác Hồ trên lễ đài. Thật háo hức. Ngày nào chúng tôi cũng tâp đôị hình, đội ngũ cả hai buổi sáng sớm và chiều tối để tránh nắng. Mỗi buổi chỉ tập khoảng 2 tiếng đồng hồ. Đủ để mệt nhưng chúng tôi không thấy mệt. Chỉ nôn nao chờ ngày lễ mau tới, nôn nao được thấy Bác Hồ dù khoảng cách từ đường diễu hành đến chổ Bác đứng khá xa. Một tháng rồi cũng qua mau trong niềm khát khao chờ đợi của mọi người. Sáng 2 tháng 9 hôm ấy chúng tôi được thức dây rất sớm. Khoảng 4 giờ gì đó để còn vệ sinh, ăn sáng, vận trang phục để thầy, cô chấn chỉnh kịp 5 giờ ra chỗ tập trung theo quy định. Ở cái tuổi 13, 14, 15, tuổi ăn, tuổi ngủ, mà chúng tôi mặt ai cũng tỉnh queo, rạng ngời, háo hức. Ai cũng muốn mình thật chỉnh chu để ít ra không có lỗi khi được thấy Bác Hồ. Rồi cũng đến lúc đoàn chúng tôi diễu hành qua lễ đài, qua chỗ Bác và các lãnh đạo đứng trên kia. Hàng ngũ của chúng tôi cứ trôi dạt, trôi dạt về phía lễ đài nơi có Bác tưởng như không thể nào khác được. Chúng tôi đứa khóc, đứa cười trong niềm hạnh phúc vô biên. Hình như các bạn đều giống như tôi:lần đầu tiên được thấy Bác Hồ.
Những năm học ở Hải Phòng, chúng tôi thường được thấy Bác gần hơn thế. Bởi những năm ấy Bác thường đón khách nước ngoài sang ta bằng đường biển. Tàu cặp bến duy nhất là bến cảng Hải Phòng. Và các Trường nội trú HSMN đóng nơi Thành phố biển này đều được đứng hai bên đường làm hàng rào danh dự đón khách cùng với Bác. Bác thường đứng trên chiếc xe mui trần vẫy tay chào mọi người hai bên đường khi xe Bác đi qua. Bác luôn tươi cười trong vẻ giản dị, gần gũi, đáng yêu và đáng kính xiết bao. Vẫn bộ ka ki bạc màu chiến khu ấy, vẫn gương mặt hiền lành nặng trĩu lo âu việc dân, việc nước ấy, Bác luôn là người của muôn người. Tôi nhớ lần Bác đến thăm Trường HSMN số 4 của tôi. Lúc ấy đã trưa, chúng tôi chuẩn bị ăn cơm. Bỗng dưng thấy quanh nhà ăn có những người lạ mặt, không phải cô chú ở trường, họ cũng không trò chuyện với ai. Chỉ nhìn chúng tôi bằng cập mắt dò la, quan sát. Rồi bỗng dưng tôi thấy mấy người đi từ phía khu vực vệ sinh của trường tiến về phía nhà ăn. Trong đó có một ông tuổi cũng đã cao trong bộ đồ nâu sồng. Bên cạch ông là thầy Hiệu Trưởng của chúng tôi-chúng tôi vẫn gọi bác Hai Thế. Đoàn khách vừa đến nhà ăn, bác Hai chưa kịp nói gì thì nhiều bạn tôi đã nhận ra Bác Hồ và tiếng hò reo vút lên vang dậy: Bác Hồ, Bác Hồ, Bác Hồ ... Các bạn ôm chầm lấy Bác, vây quanh Bác, xô ngã cả các bàn ăn. Phải rất lâu các chú đi theo bảo vệ Bác mới ổn định được trật tự. Không cần tập trung, không cần hàng ngũ. Chúng tôi đứng quây quần bên Bác gần 400 học sinh của trường. Rồi cứ thế Bác dạy bảo chúng tôi, dặn dò chúng tôi hãy cố gắng học tập cho Miền Nam, vì Miền Nam. Bác phát cho chúng tôi những chiếc kẹo. Đó là món quà vô cùng quý giá chúng tôi đã không ăn, tính cất kỹ để khi về Miền Nam khoe với mọi người.
Những năm học Đại học ở Hà Nội tôi vẫn thường được chọn ra sân bay Gia Lâm làm hàng rào danh dự cho Bác đón khách nước ngoài. Chúng tôi được đứng ở đoạn gần cửa sân bay nên rất gần nơi Bác đi qua. Dù gần, dù xa với chúng tôi đó luôn là niềm vinh hạnh. Bởi những người đứng ở những nơi xung yếu đó đều được lựa chọn rất kỹ về mặt lý lịch. Tôi nhớ nhất lần tôi được cử làm hàng rào danh dự đón Bác Hồ khi Bác đưa Tổng Thống Nê Ru –Tổng Thống Ấn Độ cùng phu nhân đến thăm Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội. Đó là năm 1963. Tôi lúc đó là sinh viên Văn khoa năm thứ hai và trong đội cờ đỏ của trường. Tôi chỉ được thông báo chuẩn bị đón khách quan trọng vào ngày đó, giờ đó, ăn bận như thế đó và vị trí của tôi là chỗ đó. Hôm đó, đúng 7 giờ sáng các nam sinh, nữ sinh của trường ăn mặc đẹp, tay cầm cờ hoa đứng hai hàng từ cổng trường vào thẳng cửa Hội trường. Tôi được bố trí ngay bậc tam cấp bước lên hội trường. Nghĩa là sát bên khách. Nơi cổng trường đã vang tiếng hò reo khi ba, bốn chiếc xe du lịch dừng lại. Bác và những người khách nước ngoài tiến vào Hội trường giữa hai hàng cờ hoa. Hôm đó, lần đầu tiên tôi thấy Bác ăn mặc đẹp:Một bộ kaki màu sáng và hãy còn mới. Tự dưng tôi thấy trong lòng rất vui. Khi Bác và khách bước lên các bậc tam cấp để vào Hội trường tôi thấy Bác lùi lại sau Tổng thống có ý nhường khách đi trước. Và chính tay Bác đã nâng chiếc váy khá dài của bà Tổng Thống phu nhân lên để bà ấy khỏi bị ngã. Lúc ấy tôi còn quá trẻ để hiểu rằng Bác Hồ của chúng ta là như thế đó:Luôn quan tâm, săn sóc, chăm lo cho mọi người. Phải rất nhiều năm sau tôi mới ngộ ra điều đó và càng yêu kính vô cùng Bác Hồ vĩ đại của chúng ta. Bác vĩ đại trong mọi tình huống mà không phải lúc nào ta cũng kịp nhận ra. Nhân chi tiết này tôi xin kể bạn nghe câu chuyện vui về sự nhạy cảm của Bác:”Năm đó Bác về thăm quê. Sau cuộc trò chuyện Bác hỏi:Bà con ta có cần chi không? Bà con đồng thanh đáp: Chúng tôi nỏ cần chi! (Nỏ tiếng Nghệ An là Không). Những người đi với Bác vỗ tay thật lớn. Riêng Bác rút khăn ra lau nước mắt. Bác nghĩ:”Nỏ cần chi” là ”Chỉ cần no”. Có nghĩa là ở quê Bác còn chưa đủ ăn. Phải những bậc có cái tầm và cái tâm xuất chúng mới hiểu được những điều sâu sắc ấy.
Năm 1969 Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi xa. Hồi đó mãi sáng ngày 3 tháng 9 chúng ta mới công bố tin Bác mất. Sáng hôm đó tôi lên lớp sớm hơn mọi ngày và các em học sinh của tôi sau thông báo cũng đến lớp sớm hơn mọi khi. Tôi chỉ kịp ghi lên bảng dòng chữ: hôm nay 6 giờ 39 phút Bác Hồ của chúng ta qua đời. Rồi cô trò khóc lặng bên nhau. Hôm đó không có buổi học. Cả trường chúng tôi theo lệnh của Ủy Ban tập trung chuẩn bị làm lễ truy điệu Bác. Liên tiếp những ngày sau đó chúng tôi như có “Khai”mà không có”Giảng”. Bởi toàn bộ tâm trí bận dõi theo những ngày bà con khắp nơi trên nửa nước yêu thương khóc Bác Hồ và dõi theo lễ truy điệu Bác Hồ tại Hà Nội. Rồi qua radio chúng tôi dõi theo đồng bào Miền Nam thương, khóc Bác Hồ, dựng lên những đền thờ Bác ở chiến khu và cả ngay trong vùng địch chiếm đóng.
Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày Bác mất. Nhưng trong lòng mỗi người dân yêu nước chúng ta Bác vẫn còn đó vẹn nguyên, tinh khôi như những ngày nào. Bởi chúng ta luôn vô cùng kính yêu Bác Hồ vĩ đại của chúng ta.

5 nhận xét:

  1. Bài viết của cô có những chi tiết thực rất riêng và cảm động !

    Trả lờiXóa
  2. cô cảm ơn em vì đã đồng cảm với cô HHP

    Trả lờiXóa
  3. "Các cô chọn địa điểm trại Nhi đồng Miền Nam cũng rất khéo. Không như trại Nhi đồng Miền Bắc ở cạnh phố và công viên Bách Thảo, trại Nhi đồng Miền Nam ở trên một bán đảo nhỏ giữa hồ nước to ở khu vực Thái Hà Ấp cạnh gò Đống Đa, mà tôi nghi chính là hồ Đống Đa bây giờ, xung quanh trồng dừa giống hệt cảnh Miền Nam, đi vào cổng trại phải đi qua một cây cầu gỗ, rất giống cảnh sông nước Miền Nam. Cứ mỗi buổi chiều vào thứ Bảy, các cháu lại ra cổng trại để ngóng ba má đến đón về nhà. Ai được ba má đến đón thì mừng hú líu ríu lên xe ba má đón, còn ai không có ba má đến thì lại thẫn thờ đi về trại với các cô, nhớ nhất là lại về với bà O hoặc má Lánh để nghe bà O hoặc má Lánh kể chuyện rồi đi ngủ như thường lệ.

    Một lần vào chiều thứ Bảy, đợi mãi mà không thấy ba má tới đón, trời sắp tối nên tôi rời cổng trại đi về phía cầu để ngóng, ngóng mãi vẫn không thấy, tôi lại đi lên cầu. Chiếc cầu bằng gỗ đã cũ mòn, lại nhiều xe chở đồ và người hàng ngày qua lại nên có vài lỗ thủng to trên cầu. Tôi ngóng mãi ba má không thấy nên xoay ra ngối nhìn xuống sông qua lỗ thủng của cầu, nhìn dòng nước chảy rồi lại đưa chân vào lỗ thủng lắc lư rơi cả dép xuống sông, rồi lại vươn ra thành cầu chổng mông lên nhìn dép của mình đang trôi theo sông. Thế rồi cả người lao xuống sông luôn. Rất may bên sông có một doanh trại bộ đội đóng, có chú bộ đội nhìn thấy và lao xuống cứu tôi lên rồi đưa vào trại cho các cô. Ngay lập tức, sáng thứ Hai sau, không hiểu sao mà Bác biết được ngay, một chiếc ô tô đen phóng đến trại. Từ trong xe, Bác Hồ bước ra, Bác thường đi thăm phòng ăn ở của các cháu trước rồi mới đến phòng các cô. Bác phê bình các cô đã để cháu ngã xuống sông. Rồi Bác tập trung các cháu ở sân để phát kẹo (hồi đó tôi chưa biết xin Bác ức ức chiếc kẹo như các bạn ở trại Nhi đồng Miền Bắc), Bác bảo các cháu đứng đằng trước, các cô đứng đàng sau, bác đứng trên bực thang cao ở sau cùng giang hai tay ra như ôm tất cả các cô cháu trong trại vào lòng để chụp ảnh rồi biến mất lúc nào mà cả cô lẫn cháu đều không hay."

    Trích Kỷ niệm về ba má và Bác Hồ thăm trại Nhi đồng Miền Nam của Lê Minh Tâm

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn em:Nặc danh.Em luôn hưởng ứng bài cô viết với những kiến thức chuẩn xác và những câu chuyện cảm đông.j

    Trả lờiXóa
  5. " Núi sông là nguồn của nước, nước làm cho lúa thêm bông, cho hoa thêm thắm ... Nước có thể trôi đi, nước có thể về biển cả, nhưng núi sông còn lại sẽ ngàn đời xinh tươi" Bác Hồ sẽ sống mãi trong tâm hồn của mỗi chúng ta là vậy !

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]