Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

NHẬP GIA TÙY TỤC


Ngày tôi về Đông triều (1972), chẳng là khóa tôi là khóa duy nhất về nước bằng đường ô tô sau khi đi tàu hỏa từ Quế lâm tới Đồng đăng, vì lúc này giặc Mỹ lại leo thang ném bom miền Bắc, chà chà đêm tàu về tới ga, bọn tôi đang say ngủ lắc lư, bỗng nổi lên tràng tiếng : Đan mạnh(bắc), tàu éo gì về chậm thế! Rồi tiếng búa gõ cành cạch vào bánh sắt tàu. Cả bọn nghe thấy ngồ ngộ (vì bọn tôi toàn xài tiếng Đan mạch nam), thằng Hữu Hải nhận ra liền reo lên : Về đến Việt Nam rồi chúng mày ơi, thế là cả toa tàu nháo nhác rùng rùng hò reo: Việt Nam rồi, Việt Nam rồi. Quê hương nó thân thương lắm mọi người à, nhà thơ Tố Hữu nói " Đêm khuya một tiếng bầu tiếng trúc, một câu hò... cũng động trong tim " (Miền Nam). Phải những người đi xa trở về mới thấm cái cảnh này, kể cả một câu chửi thề bằng tiếng quê mình cũng động trong tim, tôi thật.
Từ đây chúng tôi lục tục rời tàu, một đoàn xe ca liên vận chờ xa xa, í ới gọi nhau, te te xông tới để lên xe, cái không khí phòng không bắt đầu chạm vào chúng tôi, chiến tranh hiện hữu bằng xương bằng thịt rồi. Trong cái hân hoan cũng có cái ngơ ngác lắm, xe chạy cả bọn chả biết địa điểm tập kết là đâu, chỉ biết mỗi cái tên Đông triều thôi. Khoảng ba giờ sáng đoàn xe dừng lại ở Bắc ninh thì phải (sau này nghe mẹ tôi nói lại, chứ tôi biết đâu), lúc này chúng tôi vẫn gật gà trên xe, có một vài tiếng gọi vang lên Hùng con ơi, Minh con ơi, Đỗ Hà Bắc ơi...giật mình chúng tôi tự hỏi cái gì thế này nhưng vẫn lặng thinh chờ đợi.
 Tôi không còn nhớ thầy cô nào áp tải chúng tôi về nước đợt đởn, một lúc sau tôi cùng mấy đứa được gọi  tên, thầy áp tải nói có người nhà tới đón, lúc này trong ánh đèn lờ mờ tôi đã nhận ra mẹ tôi đang đứng đó cùng mấy cô nữa. Tôi chạy lại: Con là Hùng đây mẹ ơi! Phải nói người lớn ít thay đổi với thời gian hơn so với trẻ con, năm năm, mẹ tôi ớ người thằng nào mà cao lều nghều, giọng lại ồ ồ khàn khàn như vịt đực lai thế này (đang tuổi vỡ giọng mà). Rồi hai mẹ con cũng nhận ra nhau, mừng lắm. Hóa ra các cụ biết con về nên một nhóm các cụ hùn vào thuê hẳn một chiếc xe com-mang-ca đi đón. Oai phết.
 Líu ríu tạm biệt các bạn không có người nhà đến đón, thật khó diễn tả tâm trạng tôi lúc lủng, nửa vui vui, nửa hâng hẫng, nói chung là cứ bay bay thế nào ý. Mẹ thằng Bắc vân không đi được nên ủy quyền cho mẹ tôi đón giùm. Xe đi được một lúc cả mấy thằng mới sực tỉnh:  Còn thùng hàng đâu nhỉ, thì ra trong lúc chuyển giao chúng tôi chỉ kịp cầm theo cái túi xách nhỏ, thùng hàng vẫn theo đoàn xe liên vận. Biết chúng tôi áy náy cô Phán (má Minh núi) trấn an: Thùng hàng sẽ được bảo quản trong kho của trường ở Đông triều. Thế là an tâm, chúng tôi bắt đầu bi bô...
 Một anh ngố xuất hiện ở khu tập thể 28 Đ.B.Phủ HN, khà khà ngạc nhiên chưa, tôi, quần rộng thùng thình xắn móng lợn, đầu húi cua, dép rọ, áo đại cán bốn túi đi lại hùng dũng như thường vẫn. Nhưng thấy mọi người cứ chỉ trỏ rồi tủm tỉm là sao, là sao ta. Hỏi cô em gái, nó cũng cười rồi bảo: Mọi người gọi anh là tàu xì, ngố tàu gì đấy, em cũng cố giải thích cho mọi người hiểu. À thì ra là vậy, thôi kệ, ngố mãi cũng phải khôn . Chắc mấy thằng bạn tôi cũng trong tình cảnh đó, có sao đâu.
Tôi uống hết bát nước mắm ngay bữa cơm đầu tiên, ôi chà sao nó ngon thế, năm năm toàn xì dầu mà, cả nhà tròn mắt nhìn, ấn tượng  khó phai. Đêm nằm nhớ bạn, không biết mấy đứa về Đông triều giờ này ra sao. Rồi nửa tháng cũng qua, mẹ tôi và cô Phán lại dẫn đoàn quân lên trường.
Thời chiến việc di chuyển cả là một vấn đề nan giải, chen mua vé, chen lên xe, giành chỗ ngồi, nhọc phết đấy. Có hơn tám mươi cây số đường mà từ sáng tinh mơ đến gần tối xe mới tới Đông triều, lội bộ mấy cây nữa thì đến trường, tối mất rồi. Vào nhà khách ngủ đợi sáng mai lên.
Buổi sáng trời trong veo, man mát gió, mấy đứa tôi vươn vai ngam ngáp vọt ra ngắm cảnh trường, ui, sao không giống trường ở Quế nhỉ, mà  lại gợi cho tôi cảnh sơ tán xa xưa lúc tuổi chín mười. Rồi chúng tôi cũng ngộ ra, mình còn nghèo, làm sao mà sánh được, chấp nhận thôi.
 Đợi mở cửa kho hàng chúng tôi lao vào, thùng hàng tôi đây rồi. Ơ nhưng sao lại toang hoác thế kia, tôi nhớ chúng tôi gói kỹ lắm mà. Ngửa cổ nhìn mái ngói thấy thủng lỗ chỗ, moi ra thì hỡi ôi, quà cáp cho gia đình đã bay đi rồi, hì hì...chạy ra khoe mẹ: Quà nó chạy đâu mất rồi mẹ ơi, chỉ còn mỗi chăn màn, mới cả hai bộ quần áo, mới cả cái đèn bão thôi... mấy thằng kia cũng ríu rít khoe giống tôi vậy.
Và cuối cùng tôi được phân vào lớp 8b, đang sơ tán ở khu Hổ lao lại cùng lớp với Hồng khô, Vinh mập. Kể câu chuyện ở kho, chúng cười tô hô rồi bảo: Mấy anh mười chờ giải quyết giúp chúng mày đới. À ra vậy, quả nhập môn cũng giá trị chứ nhể. Tôi nghĩ, lại phải đợi mình lên mười chờ vậy, nhập gia tùy tục mà, he he...Nu, pa-ga-zi!
Sau này gặp lại anh Châu bản lồ mười chờ thời đó, hỏi anh gật, chính tụi anh, khà khà khà.
 Bài học: có một điều rất hay là các anh mười chờ không đụng đến vật dụng cá nhân nhé, để mấy thằng em còn tồn tại chứ, không như ở quê tôi, đi là đi cả thùng, nhân văn là đây chứ đâu.
 XH.

16 nhận xét:

  1. 7 năm ở Quế Lâm đã tạo cho tui 1 thói quen đi giữa rừng người (tàu) như chỗ không người , không 1 tiếng nói nào có thể làm tui phân tâm . Ngày về Hà nội , đi chơi phố :Á! CÁI GÌ THẾ NÀY ? SAO AI NÓI GÌ MÌNH CŨNG NGHE ĐƯỢC HẾT VẬY ? Như 1 con ngáo , tui cứ đứng 1 chỗ mà quay vòng vòng để nhìn vào mặt mọi người ( nơi phát ra những âm thanh diệu kì ấy ) ngạc nhiên 1 cách thích thú đến tột cùng . Cũng phải mất cả tháng mới bớt xúc động

    Trả lờiXóa
  2. Rất độc đáo XH ơi!.Cô vẫn thích lối viết hóm hỉnh,rất tự nhiên nhưng lại rất Văn của em.Mong có nhiều chuyện kể như thế về chúng ta, của rất nhiều người.Để đến một lúc nào đó không còn kể được nữa,sẽ rất tiếc đó.Mừng là em vẫn siêng viết bài và bài nào cũng thật nhiều cảm xúc.Cô Thơ

    Trả lờiXóa
  3. Đợt này về nhằm lúc Mỹ sắp đánh bom Khâm Thiên, nhà trường chuẩn bị rất kỹ; "có thể về là đi bộ đội ngay", tập quân sự triệt để, khi về mỗi tên một "hành trang" gồm băng bông thuốc đỏ, nẹp tre (lỡ bị bom thả trên đường về gãy chân), bánh kẹo các loại...
    Đoạn vê đến ga Đồng Đăng, MF đang ngủ, thì cũng chợt tỉnh giấc như mọi tên Quế khác, đang ngơ ngác thì nhìn xuống sân ga thấy có một bà mẹ đang nựng con nhỏ, MF lặng người đi và chay nước mắt, vì lâu lắm rồi mới nghe cái âm thanh mẹ con, mà lại bằng tiếng Việt! Tưởng ngữ quậy như XH không xúc động đến thế?
    Có điều MF hoàn toàn không nhớ gì có đoàn các Quế được mẹ đón cả, nếu có chắc tủi đến ngất mất!

    Trả lờiXóa
  4. Cái anh XH này viết bài hay và cứ tưng tửng đúng chất của HSMNĐC.Tôi thì không học Đông triều nhưng kỉ niệm với HS Đông triều thì nhiều lắm vì ba là cán bộ tập kết nên nhà tôi cũng là nơi hội ngộ của các cháu HSMN.Tôi "sợ" nhất 1 lần theo mấy anh ĐT người Phú yên lên HN "xem" Quốc khánh 2-9,đang đi tự nhiên các anh ấy bỏ quần dài,mũ,dép nói chung là thứ gì vướng víu ra thành 1 đống bảo "con này giữ nghe chưa"hóa ra là đánh nhau với HS Nam bộ.Khi lên tàu về lại ĐT còn tôi về HP các anh ấy không mua vé bắt tôi xếp hàng vào,tôi vốn dĩ con nhà lành nên sợ chết khiếp còn đang chần chừ thì nghe được câu quát "xếp hàng vào",nước măt lưng tròng nhưng cũng ngoan ngoãn xếp hàng,thế là cứ từ dưới đẩy lên hình như đến lần thứ 3 thì tôi lọt vào sân ga.Tới ga thì đi gặp trưởng ga để giải quyết,về tới nhà tôi thủ thỉ với ba "từ nay con không dám đi chơi với mấy anh HSMN nữa đâu".

    Trả lờiXóa
  5. @Chị Kim Loan : Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa nha . Cuối cùng phải nâng khăn sửa túi cho " ông Trỗi " Nhất Trung còn quá mạng hơn . He he , vỡ bụng mất thui .

    Trả lờiXóa
  6. Vửa đi HN về ốm sùi bọt mép mà vẫn lao vào bờ-lốc đọc túi bụi, cảm ơn cô Thơ khen em kể chuyện tếu táo, làm cho mọi người vui là thỏa rồi cô ạ.
    Đận này ra HN gồm 5 chú Hùng, T.Hà, Chí Công, Dân, Bắc bò CA. Hôm qua 4 chú ghé Nga sơn Thanh hóa thăm thầy Luân đấy, lần đầu tiên có HSMN đến chơi thầy Luân nhẽ bẽn lẽn lắm, mong thầy ngỏ vài lời nhé, có hình bốt lên càng tốt.
    @Q.MF: Tớ tả thì nghe tiếng gọi con to chứ thực tế thì nhẹ nhàng lắm, bí mật lắm, sợ máy bay địch nghe thấy thì chết, phần lớn các bạn còn đang say giấc nồng trên xe, hờ hờ...không thì mấy bạn gái khóc rống lên còn lộ nữa, tớ thật.

    Trả lờiXóa
  7. Dạo này các bạn ốm nhiều . Nhà thơ Vũ Anh Vinh đang nằm BV C Đà Nẵng , đồng chí công an Quảng Nam Nguyễn Thanh Xuân ( Đông Triều - cùng lớp với Phong Phú , có phu nhân là Quế Ngô Thị Vân - lớp 5/75 ) nàm BV ung bứu TP HCM . Các bạn ghé thăm hoặc đt động viên các bạn mình nhé .

    Trả lờiXóa
  8. Hoá ra đợt về nước của anh XH và tỉ MF nóng bỏng không khí chiến tranh , thế mà giờ Ráo mới biết . Đến khi lũ muội về , chỉ sau 1 năm thôi mà tràn ngập hoà bình vì hiệp định Pa ri đã ký . Xe lửa chạy thẳng về ga Hàng Cỏ . Những đứa có người nhà đón thì về trước , ai không có người thân thì về nước sau 3 ngày . Bọn nhỏ hơn thì về trước 3 ngày . Thế là Ráo em và Út lì thành ra " đi trước về trước " so với Ráo chị . Khi về , cả khu tập thể ĐHSP Cầu Giấy xuất hiện 3 con ngố tàu ( hơn hẳn khu tập thể anh XH ) ,quần thùng thình , áo dài tới gối . Nhưng khi đi học thì chúng nó lác mắt nhé . Làm gì có đứa nào có hộp bút đẹp như chị em nhà này , làm gì có đứa nào có viết bic hình cây dù , dép nhựa đi cũng bá cháy lun . He he . Sau đó mẹ sửa lại quần áo thì ai cũng trầm trồ vì vải đẹp quá . Đúng là một thời để nhớ .

    Trả lờiXóa
  9. @NH: Hồi đó mình cũng bị lác mắt vì hộp bút của Ngọc Hân đấy,cả bọn xúm vào ngắm ngía đủ thứ một cách thèm thuồng,nhìn thôi không dám sờ

    Trả lờiXóa
  10. Mình về trước XH & QMF 1 năm nên tàu cũng chạy thẳng về ga Hàng Cỏ, cả gia đình ra đón về nhà nghỉ 1 tháng rồi mới tập trung ở Cục 1 để xe đưa xuống trường Đông Triều. Má mình đã hứa học xong lớp 8 sẽ cho về với má luôn, ai dè tháng 4 năm sau Mỹ ném bom lại Hải Phòng, thế là ở lại trường HSMN cho đến khi tốt nghiệp lớp 10 luôn.

    Trả lờiXóa
  11. .....cho tới khi tàu dừng hẳn lại,tiếng gọi tên của người nhà, e cứ mong đừng nghe thấy tên mình ,lạ quá lúc đó sao chẳng mún về nhà ,mà cứ thích về trường hsmn Đông triều cơ...sau này nghe má kể lại,ba đang ở trong nam chưa ra,sau 10 năm ko hề có tin tức gì,chỉ biết hi vọng là...còn má bận quá ko ra đón được,dạo đó cơ quan của má sơ tán tận trong rừng của Nghệ an,nên nhờ cô chú ở HNoi đi đón,lúc UL đi trường Hsmn thì bé quá,giờ học lớp 7 rồi nên cô chú hổng nhận ra,lúc nghe gọi tên họ đầy đủ của mình,UL bật khóc nức nở ,thôi thế là chia tay vói lớp thật rồi,hi vọng về Đông triều thế là tiêu tan.... nên cứ khóc là khóc,về đến nhà cô chú rùi mà vẫn cứ sụt sùi....sau này nghe cô chú kể lại với má là:sao được về nhà mà cháu nó lại khóc dữ quá....thật nghĩ lại sao trẻ con quá,bởi nếu còn trường mãi ,chiến tranh dài vô tận...
    Mình hoà nhập vào gia đình ,mình vào đất nước mình đầu tiên là ngố tàu,cái gì cũng hỏi vì ko biết,nhát là khoản nấu nướng,rồi đi xách nước ở vòi nước công công,cứ ngố tàu xếp hàng đến lân ,mà thấy mọi người sao. cứ xen ngang nhỉ,ngố nghĩ hay là họ xếp trước ,mình ko bít ,cứ hoài vậy mãi ko thấy mình xách nước về ,cô chạy ra,thấy vậy cười rũ ra:đúng là ngố tàu.Và bài học hoà nhập văn minh Hnoi đầu tên là phải chen lấn,xô đẩy...
    lần sau típ nhé....

    Trả lờiXóa
  12. Đúng thế , về Hà Nội , lũ ngố tàu này phải học không biết bao điều lạ . Bài đầu tiên là xếp hàng mua thịt cá ở mậu dịch . Đang lớ ngớ xem nên xếp hàng ở đâu thì cô em hàng xóm gọi rối rít : chỗ của chị đây này , rồi nó hùng hổ nói với những đứa đứng sau : tao xếp dép dành chỗ cho chị tao . Kết quả thu được là mỗi khi xếp hàng nên tận dụng các vật dụng như dép , rổ , cục gạch ... để xí chỗ cho bạn bè , nhưng cũng phải dũng cảm chịu đựng những cú lườm nguýt ở xung quanh .

    Trả lờiXóa
  13. Tụi MF thì không bị quá mẫn cảm vì vụ "ngố", bởi vì về thẳng Đông Triều, các anh chị bạn bè đó chẳng lạ gì. Bọn Quế thì chiêm ngưỡng các đại ca đại tỉ ĐT như một dàn "siêu mẫu khủng", các tỉ mặc áo "Hồng Kông", quần sa tanh, lượn qua lượn lại rất model, các đại ca thì áo "ni-lon" carô, quần simili là láng coóng, xếp li tưởng chừng sờ tay vào là ... đứt! Họ nhìn bọn Quế một cách vị tha! Nhưng có đều bọn này lại bị các anh chị ĐT "kỳ thị", gọi là "bọn Quế Lâm", bởi nhẽ ở ĐT có chính sách đặc biệt, bọn từ Trung Cộng về đang sướng (híc, họ không biết rằng lũ này đã trải qua vụ Đại Cách Mạng Văn hóa, ăn cơm với mọt đen nhiều như rắc mè, thèm kẹo quá thì ra căng tin ngắm mấy cục đường đen!), nên cho ăn đặc cách ngô xay vỡ ... độn gạo! (vì HSMN ĐT thì ăn ngô không, mà chẳng đủ no, vậy nên các Quế đừng nghe XH nó nói xấu mấy anh 10 chờ, họ phải trộm để đổi đường trại Lốc đó mà. Mà 10 chờ thì không học, chỉ việc ngồi ... chờ, nên rảnh thời gian lắm). Trong tô nước chan số miếng thịt trôi nổi hình như nhiều hơn vài miếng. Ra giếng "bọn Quế Lâm" cũng có một cái gàu cao su đen riêng có ghi chữ QL, làm mấy đại ca ĐT nóng tính ngứa mắt! Khi MF được đưa về khu sơ tán Hổ Lao thì xảy ra sự kiện Khâm Thiên, đêm đó cả bọn đứng ngoài sân nhìn về khối khói lửa đau đớn của Hà Nội.

    Trả lờiXóa
  14. MF: "Trong tô nước chan số miếng thịt trôi nổi hình như nhiều hơn vài miếng". Lời của MF còn là lạc quan.
    Hồi đó, toàn lũ đang tuổi lớn (kể cả già lẫn trẻ). Khi ăn gạo Triều Tiên, mỗi đứa chỉ được 1 chén. Đói mềm người. Niềm hy vọng trông chờ vào tô nước chan. 1 mâm 6 đứa, trong tô nước chan có 5 miếng thịt mỡ. Gớm, căng thẳng lắm. Gắp miếng thịt là phải rón rén, phải kính nhi viễn chi. Phải là "trong tình thương yêu giai cấp, hết lòng giúp đỡ đồng đội " lắm mới giữ được đoàn kết cho đến tận hôm nay.
    Đấy cũng là nguyên nhân giải thích tại sao tài sản riêng của công dân ở Trại Lốc thường chắp cánh bay đi. Bay xa lắm. Không tìm lại được đâu.

    Trả lờiXóa
  15. Đọc chuyện "ngố Tàu" mà thấy ngậm ngùi...Khi tàu bọn Quế 75 qua biên giới, quang cảnh khác hẳn bên Trung cộng, lau sậy 2 bên đường, qua ga lạng Sơn, nhìn thấy trẻ con người dân tộc trông lam lũ, bọn mình lấy kẹo quăng xuống cho chúng, nhìn cảnh tranh cướp kẹo của chúng mà chạnh lòng... Tưởng được về học ĐT, té ra ai có gia đình ở miền Bắc là" bị" đón về, buồn kinh khủng...Hồi nhỏ, khi mới qua, ở cấp 1 cứ nằng nặc đòi về làm mẹ sốt hết cả ruột, vậy mà bây giờ...Khi nghe tiếng gọi tên mình, thò mặt ra, đó là anh chị mình(trông họ mình cảm nhận ngay), nhưng mình buồn lắm nên lại ngồi xuống và khóc như mưa dầm...bởi vì bây giờ, các bạn Quế, tất cả tất cả đều là những người thân quá thân của mình, phải dứt ra mình đau lắm...
    Thế rồi ngố Tàu bắt đầu 1 chặng đường hội nhập gian nan, mặc bộ đồ tàu ai cũng ngó làm mình ríu hết cả chân, trời không nắng mà mặt cứ đỏ như say rượu, rồi lại thấy họ nói tục và chọc ghẹo nhau, mình ngượng kinh khủng... Nhưng mình chỉ bỡ ngỡ với xã hội mới thôi, còn việc học hành thì lại ngẩng cao đầu, về miền Nam, mình học nhất lớp đó, thầy cô nào cũng nể, mỗi cái ANH ZĂNG là mình thua thôi, he he...Chắc là làm vua xứ mù chăng? May cho mình học cùng trường ở miền Nam cũng có vài bạn Quế, thế mới thấm câu:quả đất tròn, tất nhiên là bọn mình nhập thành 1 hội, nhưng mình vẫn mong được gặp nhiều nhiều bạn hơn nữa, và ở đây đã có, mình thật hạnh phúc đó!

    Trả lờiXóa
  16. Ở trong khu tập thể cô chú ,ko hẳn vì xen kẽ với nhà dân nữa ,cô chú làm BV Viêt- Đức.Nhà gần cổng sau ĐHBKHN ,nghe mấy đứa e con cô chú bảo:cổng trước là hình Parapon đẹp lắm,bữa nào đi coi cho biết,đâu như dạo đó là một điển hình của kiến trúc có tiếng,nhưng mắt trần của UL thì ko có một ấn tượng chi -thế mới lạ.
    UL ,thì ko hề có chút mặc cảm chi về vẻ ngoài áo quần của mình cả,kệ đi,thấy là họ có áo hoa ,còn mình toàn hoặc màu trắng(thành cháo lòng-xà phòng là của hiếm bấy giờ),hoặc màu xanh hoà bình,à có cái ca rô hồng kong,được phát năm lớp 7,hãn còn mới là mốt đới(kiểu thẳng hai bên ko chít li dọc thân).....
    Mà chỉ ngố thời gian ngắn thôi,vì các trò hoà nhập với ngố vốn nghịch bản năng,nên như trò chơi ,
    hào hứng và nhanh nhảnh là...là thổ dân nên bầy trò là mấy đứa e con cô chú tất nhiên rồi,a hôm nay mình đi xem triển lãm Vân hồ ,trốn vé nha vào cổng sau chui rào bé tí,cào xước ko sao,bên Quế cũng vậy mà....A hôm nay mình nhảy tàu điện nhé,ko vé- đương nhiên rồi- vui lắm,cứ nhon nhót lên lên,xuống xuống tàu điện,học thêm tí khôn cho bớt ngố: nhé phải biết nhìn mặt người soát vé,nhận dạng ấy,để nhót xuống cho kịp,chứ bị tóm là phiền cô chú đới,học nhanh như ko cần ,chẳng bao giờ dính chưởng cả...cứ thế mà biết các góc gách của thủ đô dạo đó....A hôm nay đi xem cải lương thanh đao bảo kiếm(đâu như là vở cải lương được các phan bấy giờ ưa chuộng ,chánh hiệu kép đào trong Nam diễn,tên đoàn hông còn nhớ nữa,quá lâu rồi...),mưa tầm tã,nhưng người xem vẫn đông nghịt,và kép đào vẫn ca như ko có mưa ,đúng là một thời ko bao giờ có lại...vẫn ko vé nha,nhưng nhờ trời mưa to quá,soát vé oải nên dân chúng cứ thế chen vô,miễn phí,cả đám len ngay lên hàng đầu,bên Quế lâu nhâu,giờ chẳng khác chi,nên ban ngày ko nhớ trường ,nhở bạn....chứ đêm về thì nhở da diết....rồi hè cũng qua đi,khi xem học bạ ,cô chú tá hoả,trời điểm tốt nghiệp như vầy,rồi trong năm như vầy,phải liên hệ ngay tới trường điểm của thành phố ,ko biết còn kịp ko đây...sao ko cho cô chú biết sớm,đặng liên hệ.Hic,mải trò hoà nhập là người thủ đô do con cô chú bày trò đo ó,nghĩ thầm zậy,chứ dám lộ à,chít đầu.....
    Má ra,ôm các con về nhà thôi...Nhà mình còn sắp xếp vô nam nữa...vậy mà UL còn học ở NA một năm trường c3 tận miền núi(do đi sơ tán).Rồi hè sang năm mới vô nam.Giải phóng MN 75,76 UL mới chính thức về quê tỉnh Thừa thiên bấy giờ...

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]