ẤU
TRĨ LUẬT CHƠI
Chúng
tôi là những chú nhóc cùng lớn lên với nhau dưới mái trường XHCN. Trong môi
trường cùng ăn, học, ngủ, chơi với nhau nên giữa chúng tôi có rất nhiều kỉ
niệm. Thời đó làm gì có vi tính với internet, làm gì có karaoke, càng không có game
niktendo. Phim ảnh thì thi thoảng một tháng lần luân hồi với các phim Việt Nam,
rồi phim Trung Quốc kiểu gì thì cuối phim cũng sẽ là đoàn người đi với cờ hồng
bay phới phới trong ánh vầng dương đang lên. Nhớ hồi đó cứ xem đến đoạn này là
tụi tui cứ tự nhiên đứng lên vác ghế đi về, vì vài phút nữa là phim the end.
Là
con trai nên chắc chắn bóng đá là trò chơi hấp dẫn nhứt rồi. Cứ có thời gian tự
do là y như rằng mấy thằng nhóc lại bu xung quanh trái banh cao su xanh đỏ. Hồi
đó chưa có banh nhựa nên có trái banh cao su là oách lắm. Không ai hướng dẫn
nhưng với giấc mơ mình là Pele, Ba Đẻn cứ thế lao vào thọt chân vô trái banh.
Nào có biết mặt mũi thần tượng như thế nào đâu, cũng chưa từng thấy họ đá ra
sao, không sao nghe tên là được và cứ thấy banh là sút, vướng chân bạn sút
luôn, bị cản hả xô té luôn, sợ gì. Thế là chiến thuật “ruồi bu” xuất hiện mỗi
khi trái banh lăn.
Thế
rồi một vài anh lớn từ miền Nam
ra học chung mới chỉ bảo là phải chia phe đội lấy hai cục gạch làm gôn hai đầu,
rồi đội nào đá vô giữa hai viên gạch của đội kia là thắng. Hoan hô thế là biết
chơi đá banh rồi. Sân trường, sân bóng rổ cứ thế là luôn có mấy viên gạch đứng
chơ vơ chờ lũ nhỏ ra sân. Chiến thuật “ruồi bu” vẫn được áp dụng triệt để vì
niềm đam mê được chạm bóng, nhưng đã có tiến bộ vì có hướng tiến đến là hai cục
gạch của bên phe kia. Sau một hồi vất vả chạm banh mà không nhích lên được tý
nào, thậm chí còn bị đẩy lùi dần về phía cục gạch đội mình, thằng Hải bợm lợi
dụng đội bạn chạm tay, phạt, thế là ôm banh đến tận gôn phe kia để banh xuống
sút vô. Haha… thế là cãi lộn chí chóe, rồi hộc máu cam vì một cú đấm, xong,
giải tán. Có một đặc điểm lạ mà bất thành văn trong đám nhóc là cứ đánh lộn mà
tét đầu, mũi chảy máu cam là cuộc chiến sẽ chấm dứt ngay, hô hô quân tử thiệt.
Do
mục tiêu bây giờ là hai cục gạch nên cứ xung quanh hai cục gạch rất đông chiến
sỹ ta, thế là chiến thuật “ăn cắp trứng gà” ra đời. Lúc này kỹ năng đá banh của
các nhóc đã hoàn thiện hơn, đã biết pass (chuyền) kick (đá câu) cho nên cứ có
banh trong chân là câu về phía đối phương cho kẻ “ăn cắp trứng gà” tự tìm cách
đưa vô gôn. Kết quả là hàng loạt cửa kiếng của các nhà xung quanh sân cứ thế
thi nhau bể loảng xoảng. Báo hại nhà trường cấm không cho đá ở các khoảng sân
đó nữa.
Một
buổi sáng chủ nhật năm 1970, đám nhóc tỳ 10 tuổi kéo xuống sân đá banh. Sân vận
động của trường hẳn hoi, sân cỏ to đùng thôi thì để gạch làm gôn ở góc sân be
bé thôi là được và trận chiến tưng bừng diễn ra. Ở góc bên kia có một người phụ
nữ bận nguyên bộ thể thao đẹp ơi là đẹp đứng hút thuốc nhìn đám nhóc đá banh.
Sau một hồi quan sát, chị tiến về lũ nhóc, trời, chị tuyệt đẹp với ánh mắt luôn
cười. Mái tóc hất gọn phía sau nhờ cái băng đô cột trên đầu cùng với bộ đồ thể
thao xanh đậm sọc trắng làm nổi bật nước da trắng và vóc dáng phụ nữ của chị,
lũ nhóc đứng như trời trồng. Chị gọi mấy đứa tập trung lại hướng dẫn cách
chuyền banh đội hình, cách nhận biết oọc rơ (việt vị, thế là hết “ăn cắp
trứng”) và rồi chị cùng chơi với lũ nhỏ. Cả đám rất háo hức vì thằng bé nào
cũng muốn đụng chạm với chị, hehe… Bên chị thắng liên tiếp do chị dẫn dắt tụi
nó rê, chuyền cho nhau ép dần phe ta sát hai viên gạch rồi tha hô tung cú sút,
thậm chí thằng Việt đã gôm hai cục gạch gần sát lại nhau hơn mà vẫn thua te
tua. Thế là từ đó với lũ nhóc với chiến thuật “lùa vịt triều tiên” luôn xuất
hiện trong các trận đấu. (Triều Tiên chơi 5-5-1 trong giải World Cup 1966) Và
người chị đó chính là chị Linh Nga Niekdam nhân chuyến chị từ Đức về ghé thăm
bác Y Ngông Niekdam hiệu trưởng nhà trường.
Ấu
trĩ luật chơi đâu chỉ có lũ nhóc mà cả các anh lớn lẫn các thày cũng thế. Năm
1974 nhà trường tổ chức giải đấu, ôi thế là háo hức lắm. Mặt đám nhóc tỳ cứ
vênh lên, rồi hăng say luyện tập. Cứ chiều là các sân bóng đông nghịt các đội
các lớp thi nhau rèn luyện thân thể. Tinh thần thể thao cao ngút trời. Rồi giải
đấu cũng diễn ra và ôi thôi…, các lớp nhỏ cứ lần lượt ra đi trong sự ấm ức vì
không thể nào đá lại 2 lớp các anh lớn miền Nam . Thầy hỏi bị làm sao? Cả đám
nhao nhao trả lời cho bõ cơn tức: nào là các anh bự quá đá không lại, nào là mấy
ảnh đè một phát là tụi em té, nào là lông chân các anh dài cả tấc nên xáp vô
tụi em nhột chịu không nổi,haha… đủ mọi lý do cho bõ tức. Thế là giải đấu tạm
ngưng và qui định mới đưa ra là giải dành cho các em từ 15 tuổi trở xuống. Ô hô
thế là các anh 2 lớp lớn 7E và 7H phải gôm lại mới đủ 1 đội 10 em nhỏ còn thiếu
1. Tìm mãi mới lôi được anh Lợi cận là nhỏ con, trắng trẻo, không có lông chân
cho vô bắt gôn, haha… cận mà bắt gôn. Và giải đấu đã thành công tốt đẹp.
Lớn
lên và trưởng thành, các nhóc kể lại nhờ các chiến thuật kiểu chơi khi xưa mà
họ đã tung hoành nổi như cồn trên các sân các trường cấp 3 rồi bậc đại học. Và
có lẽ một phần trong cuộc sống hiện tại họ cũng buộc phải ứng xử với cộng đồng
theo kiểu ấu trĩ luật chơi tự phát ngày xưa.
Ba
Đông
July
4th, 2015
Thời đầu (1967-1969), còn cấp 3, Khu hay tổ chức đá banh với trường Trỗi, trường Dân tộc TW, một số đội ở Quế Lâm. Các Huynh cấp 3, thầy Thọ... đá banh hay lắm, cứ có trận đấu là nô nức đi xem, đội mình thắng cũng nhiều. Các Huynh cấp 2 đá cũng có bài bản đấy chứ.
Trả lờiXóaChỉ mấy Quế nhỏ lớp 1, 2 là đá kiểu "ruồi bu", cài người chực trước gôn địch thủ để khi có banh là đá vào, gôn là gạch đá nên di động, rộng hẹp lung tung. Cứ cuối trận là lao vào nhau xáp lá cà, phân thắng thua. Ngày hôm sau coi như chẳng có chuyện gì. Mấy Quế lêu lổng ở Hà Nội trước khi sang Quế, đã được luyện trên đường phố nhiều nên kỹ thuật có phần nổi trội hơn.
Về trường mới, sân banh là nơi hay xảy ra các trận chiến đấu giữa cấp 2 NVB và DT thường là khi xem phim bãi, hay đá - đấu banh.
Các Quế nhí càng lớn, càng học được nhiều kỹ thuật, chiến thuật hơn về đá banh. Còn bóng bàn, được các chuyên gia người TQ huấn luyện, nên kỹ thuật có phần điêu luyện hơn. Bóng rổ, cũng được huấn luyện, nhưng Quế nào chơi bóng rổ cũng có vụ cứ nhảy lên là chân co chân duỗi, chỏ đánh tứ tung xung quanh, trúng ai mặc, nhưng kỹ thuật bỏ bóng vào rổ cũng khá điêu luyện.
Bóng chuyền được huấn luyện trong giờ thể dục. Bơi cũng vậy, học trong giờ thể dục. Còn các tài năng xuất chúng, phần nhiều là nhờ vốn trời cho trước đã.
Bây giờ mới biết: bơi giỏi phải có tay dài, dài như vượn càng tốt, chạy nhanh phải có sải chân dài (chân dài), sau đó mới đến khiếu và huấn luyện.
@Ba Đông: MF có biết hình ảnh chị Linh Nga như BĐ kể, MF rất ấn tượng vì thuở ấy tui con gái cũng tập đá banh, MF vẫn nhớ mình tập lừa banh như thế nào, biết thế nào là việt vị và về sau có sắm một quyển "kỹ thuật bóng đá" cầm tay nho nhỏ. Nhưng MF nhớ 3 diểm khác với BĐ về chị Linh Nga: Hình như chị tên là Thủy (hình như là chị khác mẹ với Linh Nga), da đen (chớ hổng trắng, vì chị là dân thể thao, khác với mấy người em ở cùng bác Y Ngông, rất trắng). Tóc chị thường búi ngược lên đầu chớ hổng phải cài băng-đô. Người chị to con như bác Y Ngông nhưng cao lớn. Như vậy hình ảnh chị trong trí nhớ MF hổng có kiều diễm như BĐ tả. Zưng mà MF rất ấn tượng vì chị có một phong thái thể thao, người thì to mà vận chuyển nhẹ nhàng, miệng luôn cười như BĐ kể, và MF thấy chị huấn luyện đội banh cho trường dân tộc mà mê tít, vì phong độ lúc chuyền bóng của bà chị rất lãng tử!
Trả lờiXóaBác Y Ngông có 4 người con:
Xóa- Y Ly (1944) con trai (con vợ đầu), học Quế Lâm (1953-1957), kỹ sư Lâm nghiệp, 1973 vào Nam.
- Còn chị Linh Nga (1948), tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, có tham gia đoàn ca múa Tây Nguyên (đường 9, Nam Lào) và 2 người em: Mai Hoa (1954) và 1 tiến sỹ nông nghiệp cùng mẹ.
Chị MF ui,
XóaChuyện kể đá banh nhưng không phải đá banh
Miêu tả nhân vật nhưng không hẳn người ta
Nhưng trên hết đó là những kỉ niệm có thật của một thời HSMN Nguyễn Văn Bé Quế Lâm
Ba Đông
Hèn chi đệ kể rất hấp dẫn, MF thì thấy khác với trí nhớ lọ mọ của mình nên lanh chanh théc méc.
XóaVô Wiki thấy không có tên chị Thủy trong danh sách con bác, Vậy trí nhớ MF đã về chiều rùi! :D :D
Hai người con gái sau của bác Y Ngông như trong wiki: Tuyết Lan (1958), Tuyết Hoa (1959) Tiến sỹ Kinh tế Nông nghiệp, tốt nghiệp đại học ở Liên Xô, khi vềnước được bác động viên về Đại học Tây Nguyên khi đó mới thành lập.
XóaNhiều người nhầm Mai Hoa, Mai Hoan (phó chủ tịch Đắk Lăk) là con bác Y Ngông do cùng họ?
MF đúng rồi, Chột nhầm. Chị Thủy con nuôi bác YN học ĐHTDTT ở LX về nước ghé thăm bác, hay tham gia đá bóng khi lưu lại QL. Chị Thủy cao to, đậm nét TT. Trí nhớ bà TS MF còn tốt lắm! Viết về con người cụ thể thì nên chính xác thì vẫn ổn hơn Chột ơi!
Xóa@TGTB: Cám ơn TGTB. Hic, vậy là trí nhớ MF còn tàm tạm, Chưa lẫn lắm! :) :)
XóaTrích "Hồi ký của Y Ngông Niê Kdam", "Ba tôi có hai lần viết hồi ký"..."Mẹ tôi, bà Bùi Thị Tân đã một lần nữa ghi lại. Đó chính là bản này , chân thật hơn."
Trả lờiXóa"Hè năm 1967, từ Lạng Sơn chúng tôi cùng các cháu đi tàu hoả qua Bằng Tường tới Quế Lâm, Trung Quốc. Tất cả có 3.000 học sinh của bốn trường: Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé, Dân tộc miền Nam và trường mẫu giáo Võ Thị Sáu. Riêng trường Nguyễn Văn Trỗi do bên quân đội quản lý (vì đa số là con em cán bộ quân sự và cán bộ cao cấp) ở riêng một chỗ. Ba trường còn lại được bạn cho tạm trú trong một khu trường cũ, chờ trường mới đang xây dựng. Tại đây có quyết định thành lập khu giáo dục học sinh miền Nam, tôi được phân công là phó giám đốc. Tuy về vật chất , bạn có cố gắng giúp đỡ, chế độ sinh hoạt cho các cháu khá hơn ở trong nước nhưng vẫn còn có nhiều khó khăn phức tạp. Xa đất nước, xa quê hương, sống cách biệt với thế giới bên ngoài của nước bạn, nên một số những mâu thuẫn tồn tại từ trong nước của học sinh đã gây nên những vụ ẩu đả, đánh lộn nhau. Trường Nguyễn Văn Trỗi có cháu bị đánh chết, trường Nguyễn Văn Bé cũng có những cháu bị bươu đầu bể trán. Tôi cố gắng giữ cho các cháu dân tộc không tham gia vào những trận lục đục đó, cũng may là các cháu rất nghe lời , vì chúng coi tôi thân thương như cha chú.
Tình hình nước bạn cũng ngày càng phức tạp với cuộc cách mạng văn hoá đương diễn ra khắp nơi trên đất nước, bắn nhau tràn lan, đạn lạc cả vào khu trường. Hồng vệ binh tràn ngập khắp nơi, có lúc thâm nhập cả vào khu vực của ta. May lúc đó trường mới đã làm xong, có tường xây và bạn còn bố trí cả bộ đội tăng cường bảo vệ theo yêu cầu của ta mới đỡ bớt căng thẳng. Ở khu trường mới, nhà cửa khang trang, điều kiện sinh hoạt ăn ở khá tốt. Tuy nhiên với tình hình căng thẳng ở ngoài xã hội của bạn, ta cũng chủ trương rút dần các cháu lớn và các cháu có gia đình ở miền Bắc về nước. Đồng chí Nguyễn Văn Cẩm giám đốc lúc đó sức yếu nên xin về, tôi được giao kiêm nhiệm cả giám đốc và bí thư Đảng uỷ từ đấy.
Để khắc phục những khó khăn trong tình hình mới, tôi phải cùng Đảng uỷ và ban giám hiệu thực hiện một số biện pháp để ổn định và củng cố nhà trường.
Trước nhất là động viên đội ngũ giáo viên yên tâm nâng cao chất lượng giảng dạy, động viên cán bộ công nhân viên thực sự đoàn kết, hết lòng chăm sóc nuôi dạy các cháu. Anh chị em lúc đó mang tiếng là ra nước ngoài nhưng mỗi tháng chỉ được vài chục nhân dân tệ, chỉ đủ ăn, muốn mua gì thì phải góp “họ” từng đồng, đến lượt mới có tiền mua sắm. Bản thân tôi cả 7,8 năm ở đó, mà lúc về ngoài quà kỷ niệm bạn tặng, chỉ mua được một chiếc bút máy Anh hùng và một lạng Tam thất cho vợ. Tuy vậy mọi người đều ý thức được nhiệm vụ, hết lòng chăm sóc các cháu, những hạt giống đỏ tương lai của miền Nam đang chiến đấu.
Với các cháu học sinh, chúng tôi phát động phong trào văn nghệ, cất cao tiếng hát vì miền Nam ruột thịt, vì tổ quốc Việt Nam, xứng đáng con cháu Bác Hồ. Phát động phong trào lao động sản xuất, trồng rau, chăn nuôi cải thiện, trồng cây xanh, hoa cảnh, giữ vệ sinh sạch đẹp, tôn trọng nội quy kỷ luật của trường. Qua những việc đó, để các cháu luôn luôn sử dụng thời gian hữu ích, nhất là các cháu lớn không có những phút nhàn rỗi để buồn bã hoặc phá quấy.
Với bạn, chúng tôi tăng cường quan hệ hữu nghị, tranh thủ sự chi viện giúp đỡ, bảo vệ tối đa. Nhờ như vậy, mặc dù hoạt động cách mạng văn hoá, Hồng vệ binh phá quấy lung tung trên đất bạn nhưng chúng tôi vẫn ổn định, đảm bảo chất lượng học hành, từng đợt đưa các cháu trở về đất nước.
Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, học sinh được đưa trở về nước, trả về lại quê hương, gia đình, khu giáo dục này được giải thể. Cũng như hàng vạn học sinh miền Nam khác trên toàn đất nước, các em được tiếp tục đào tạo hoặc đã trưởng thành đang là những nòng cốt góp phần tích cực xây dựng quê hương. Sự nghiệp “trồng người” Bác Hồ đề xướng đã đơm hoa kết trái, và tất cả chúng tôi, những người đã có vinh dự được nhận nhiệm vụ đó nhiều năm trên miền Bắc, đều vui mừng vì công việc thầm lặng đã thật sự hữu ích."
Cám ơn các anh chị đã đọc và góp thêm ý
Trả lờiXóaBa Đông
Mình có kỷ niệm vui với anh Yly con bác Y Ngông . Jjngười nhà đi công tác trên đó gặp anh YLy . Chuyện trò qua lại biết là dân QL nên anh điện thoại cho mình . Anh chào bằng tiếng TQ nhưng nói sai làm mình tưởng a í nói tiếng dân tộc nên la làng : em là người kinh anh ơi . Hee
Trả lờiXóa