Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

SỐ HƯỞNG



 (Bài biên nhân ngày BGDĐT ra thông tư Bà mẹ VNAH được cộng điểm khi thi ĐH.)

Tháng 4 năm 75 tôi được gọi đi tòng quân, đang học dở lớp 10( hệ 10/10). Lúc này tin chiến thắng từ trong Miền nam bay ra rầm rập, là con miền nam tâm trạng tôi háo hức lắm. "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù" (Lê Mã Lương) câu nói đó nằm lòng trong trái tim tôi. Tôi nghĩ phải chiến thôi, ba tôi còn nằm trong đó. Huấn luyện chưa xong thì giải phóng MN thống nhất đất nước. Mừng khôn xiết, thế là tôi được chuyển vào học thợ máy tại sân bay Đà nẵng f370, điện máy bay mà chuyên môn gọi là đặc thiết. Ở nhà u đánh dây thép vào con được bằng đặc cách tốt nghiệp lớp 10 rồi.

Với lý lịch HSMN như tôi thì gần như là đương nhiên được chọn đi học tiếp làm cán bộ nguồn của bộ đội, tả qua tôi tí nhé, cao dong dỏng, trắng, đẹp trai (hồi hổi thôi), ngoan thôi rồi, nói chuyện duyên duyên là, hì hì. Năm 78 lại được chuyển ra sân bay Nội bài để ôn thi (lúc này vẫn là sân bay quân sự), tập trung cả nguồn cả chính sách ôn thi chung tất. Ngày đầu không biết gì, tôi xông ngay vào lớp ôn văn thi khối C theo sở thích của mình, đang nghe thầy luận Bão biển của Chu Văn thì hai đ/c cán bộ tổ chức bước vào dõng dạc: Đ/c XH. Có! Tôi đứng bật dậy, lúng túng. Cán bộ nói đ/c là nguồn, nên không có đào tạo khối C. Vậy là thi khối A, tôi đăng luôn ĐHBKHN cho nó máu.

Thật ra bỏ học ba năm đi thi lại nhọc lắm, vì quên kiến thức nhiều, may mà lúc lủng tôi không phải lo đi kiếm cắn, lại trẻ nên còn cố ôn được. Ngày thi bọn tôi thi ở Hoài Đức Hà tây, ba môn toán lý hóa. Môn toán tôi làm kha khá, chiều môn lý thì hơi tệ. Hôm cuối môn hóa thì đúng là số hưởng, không phải trúng tủ nhé, cũng vò đầu bứt tóc kinh lắm, quả cân bằng phương trình hóa học để lại sau cùng còn các phần khác cứ làm phứa đi. Năm phút vò đầu cuối cùng cân bằng pt không được, lúc chuẩn bị thu bài đang nhốn nháo, thì ông bộ đội ngồi trước quay lại nói cân bằng phương trình đúng đây này nhanh, nhanh, nhanh. Không chần chừ tôi tia vội sáu con số, mỗi bên dấu bằng ba con, viết thật to đè lên mấy con số của tôi, rồi nộp bài. Ra khỏi phòng thi hỏi lại thấy cân bằng pt đúng hết, thế mới tài. Đưa mắt tìm ông bộ đội kia không thấy đâu nữa, cũng chả biết ông ở đơn vị nào, tình đồng chí phết. Rồi khấp khởi đợi kết quả thôi...

Phải nói là không tệ nếu thi vào các trường khác, toán 6,5đ, lý 4,0đ, hóa 5,0đ, tổng cộng 15,5đ, nhưng vào bk thì không đạt, vì bk năm nẳm lấy tới 17,5đ cơ mà. Số hưởng là đây, tôi được cộng thêm hai điểm vì nhiều nguyên nhân như con liệt sỹ, bản thân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa xoẳn 17,5đ. Niềm vui dạt dào, khoe, khoe, khoe ngay, nhưng dấu biến hai điểm mà hồi hổi bọn tôi hay gọi là điểm ngu đấy, thế mới là tuổi trẻ chứ nhể. Rồi tôi lại chơi thân với một ông bạn lúc ôn thi, nó cũng giống tôi thi bk, nhưng điểm thì hơn tôi, nó 17,5đ mà không cần dùng quyền trợ giúp. Ông già nó quen biết thế nào đó rồi bốc nó và tôi vào khoa vô tuyến bk luôn mới kinh chứ. Tôi ngợp trong thỏa mãn.

Khi bước vào học thì biết nhau ngay, khó ghê răng. Củ sọ mình chỉ hấp thụ được 10 ký lô chất xám, mà bắt nó hấp thụ 20 ký lô (chẳng hạn thế) thì chịu sao thấu. Bởi vậy, tôi tốt nghiệp đại học bách khoa Hà nội, khoa kỹ thuật điện tử (sau đổi tên vô tuyến thành tên này) một phần lớn là nhờ ở phao, hà hà cái này phải thú nhận thật, thằng Thái Hà, thằng Châu rót đã nhiều lần chép phao giùm tôi ở các kỳ thi, phao ác-cooc-đê-ông ý, để vào lòng bàn tay rồi lật lật, ngoạn mục lắm, hồi hộp nữa. Viết phao nhiều đến nỗi sau này chữ tôi cũng lí nhí luôn, thói quen thôi, hờ hờ...

Ra trường, ây dà, lại xin ngay vào viện kỹ thuật quân sự mới phê chứ, thật ra cũng nhờ quen biết. Viện sỹ với tôi là ngoài khả năng rồi đấy, nghiên cứu gì đây, lập trình không nắm được, thuật toán thì lơ mơ. Thôi đành bám vào phong trào đoàn thể, văn thể mỹ để tồn tại vậy, mấy môn này tôi lại giỏi so với mặt bằng chung, chắc cũng nhờ ở Quế nhể.

Nhưng sự đào thải rồi cũng đến, đó là lẽ tự nhiên, năng lực công việc không có. Sau này khi ra làm tranh nghệ thuật, vợ với con khen hết lời ba khéo tay thế, làm khung tranh đẹp đẹp là, có hồn ghê cơ, tay cứ thoăn thoắt ý. Sướng âm ỷ.

Nghĩ lại, giá như cho tôi học văn khoa, giá như ông bộ đội bàn trên đừng quay xuống cho xem cân bằng pt để tôi trượt đi mà học nghề gì đó hợp khả năng và cũng đừng có hai điểm cứu trợ thì biết đâu đấy nhề, nhề, nhề...

Bài học rút ra là hãy đi bằng hai chân thật của mình, đừng đi bằng hai chân giả! ( Xin lỗi các bạn khuyết tật nhé!)

Biên xong thấy nhẹ nòng nàm thao...hề hề. Thật trăm/trăm, thề...
XH

10 nhận xét:

  1. Lạ thật , khi về hiu ai cũng trở nên thật thà thế . Lũ học trò của Ráo thật thà sớm hơn . Chỉ cần ra trường là chúng nó quay lại tự thú ngay , nhờ thế mà bao nhiêu công nghệ quay cóp đời mới ,thầy cô đều nắm bắt kịp thời .

    Trả lờiXóa
  2. xin ngay vào viện kỹ thuật quân sự Ơ, thằng em này ở B nào ấy nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Hồi XH về B60 ở SG,mới gặp thấy ngay 'tố chất' nghệ sỹ : ria mép kiểu phớt 'ăng lê',ăn nói nhỏ nhẹ từ tốn, rất dí dỏm,có dáng dấp của tài tử ĐA... vì lúc ấy chưa có kara như bây giờ nên ko biết giọng thế nào... Hay chơi vớicánh cùng lứa tuổi như Sơn Hải, Việt Hồ (k8 NVT),Hòa, Khánh (hình như nay là TGĐ VietJet thì phải)... nên ACE Quế bầu vào ban 'vận tải' khi cần di chuyển là đúng rồi.

    Trả lờiXóa
  4. Ôi giời, B60 ở TSN ngã ba Chú Ía đi vào, cái nhà vòm của hãng PA&E âý à, lính của HQT k1?
    Ảnh này chụp ở đấy, XH có nhận ra ai?

    Trả lờiXóa
  5. @HữuThành.Nguyễn: Em học hơi bị dai, thành ra lúc ra trường đã là năm 85 rồi, về b60 ở Pasteur(sau lưng nhà bác L.Đ.Anh ý). Cái ảnh anh đăng, ui toàn các ông anh trong phong trào kháng chiến chống Mỹ xịn không à, lúc em về thì các anh ấy ngược hết rồi hay sao ý. Nhận diện được đ/c Dự, đ/c T.Linh(đeo kính) thì nhang nhác(vì gầy quá, vả lại chưa hói), mới cả một đ/c bộ đội phía bên kia được trưng dụng(áo trắng, xin lỗi em quên mất tên). Nhìn mặt thì thấy quen nhiều mà không nhớ ra, thật là bất tiện quá anh nhỉ. Đúng, lúc đó a.HQT đang là xếp b60.
    @Tualinh: Được anh nhận xét cứ ngượng ngượng là, anh khoẻ chứ, trán đã dài đến gáy rồi phải không anh, ôi thời gian chạy, đuổi hụt hơi chẳng kịp...mong ngày gặp lại để hàn huyên.

    Trả lờiXóa
  6. Ui giời , nghe anh XH tự giới thiệu , lại thêm đại ca Tuấn Linh nhận xét mà Ráo không biết có nhầm người không ? Chứ cái anh XH mà Ráo biết , không thua " Bụi đời Chợ lớn " tẹo nào !!!

    Trả lờiXóa
  7. Anh đeo kính là 4/ Thụ đại thụ về ngành điện tử. Ảnh chụp ở B30 đầu năm 77 khi anh (ngồi đầu phải) và anh VT bên cạnh chuẩn bị về Bắc nên mới mặc áo mùa Đông.
    Hồi đấy dân ĐT ở nhờ các TT Máy tính 30, 40, 50 nên có mã như thế. B60 có địa điểm ban đầu ở Căn cứ 60 Tiếp vận Truyền tin của QLVNCH (nay là Z755, Gò Vấp, cạnh Z751 LQCX) nên có mã 60. Các B đều có nhân viên kỹ thuật cựu QLVNCH cả.
    Ảnh này thì ở Pasteur, 1976, khi anh Ngạc ra Bắc làm thủ trưởng V76, sau này là Z181.

    Trả lờiXóa
  8. @XH: Sẽ đến một ngày nào đó, bằng cấp không phải chỉ có để xin việc, mà còn để làm thứ trang trí cho vui cửa vui nhà, thì hệ thống trường Đại học ghi danh sẽ phát đạt, những tấm gương hiếu học sẽ rầm rộ ra đời, các chắt của Quế cũng như các BMVNAH tha hồ bơi lội thỏa thích trong các trường ĐH yêu thích, khỏi phải lăn tăn 2 điểm ngu này!

    Trả lờiXóa
  9. @Hữu Thành. Nguyễn : Đại ca hồi nớ trông chân tu hơn bi giờ .

    Trả lờiXóa
  10. Bật cười đoạn:vì kéo phao ,và chép phao nhiều-nên chữ lí nhí như phao-ôi thật quá.
    Dạo e đi học,cũng bắt chước làm phao-xong chép lí nhí-khổ và tốn tg phết-thà học cho xong-zậy là học thôi.Lại nữa có lần thử kéo phao-sợ và lúng túng quá-...sau lần đó chợt nhận ra là miềng ko có" năng khiếu" kéo phao-ko phải ai kéo cũng được đâu-thế là thôi,chẳng màng nữa...
    Đúng là chuyện:giờ zìa hiu mới kể.Dí dỏm-hài hước-zui

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]